Thursday, 23 June 2011

Lm Frank Doyle sj: “Thắp hai hàng cây cây bạch lạp”


Ga 6: 51-52

Mới chỉ xin, thắp hai hàng cây bạch lạp” thôi, mà nhà thơ đã “sốt sắng, đê mê nguyền ước”. Hẳn là khi, mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, sẽ có “cả Hàn Giang nhân loại, thiên không”, tràn trái đất? “Đê mê ngập tràn” - “lút trí khôn”, “ám ảnh hương lòng”, là tâm tình người dự Tiệc vẫn có, thấy lâu nay. Trình thuật lễ Mình Chúa hôm nay, thánh Gio-an ghi: “Ai ăn thịt và uống máu Ta, sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6: 54)

Thoạt ngày đầu, Lời Chúa không nói về “Tiệc Thánh Thể” hoặc rước lễ, nhiều cho lắm. Người Do Thái lúc trước đều không muốn dính vào máu. Họ cho rằng, máu động vật là thứ gì ô uế, không được đụng đến, huống hồ là ăn hoặc uống. Chí ít, là hàng tư tế. Có lẽ vì thế nên, ở truyện người Sa-ma-ri-ta-nô hiền, cả vị thượng tế lẫn Lê-vi dù thấy người bị nạn sõng xoài trên vũng máu, vẫn bỏ đi. Bỏ mà đi, không phải vì họ vội vã lên đền thờ kịp dâng lễ; nhưng vì, không muốn dính đến người có vấy máu.

Ai ăn thịt và uống máu Ta, trước nhất nên hiểu theo nghĩa liên kết/tháp nhập Lời Chúa. Có thị kiến Ngài ban cho. Và, thấy được giá trị của máu. Có như thế, mới hiểu thấu ý nghĩa và mục tiêu của sự sống, thật đúng cách. Khi hiểu rồi, ta sẽ nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà chính là Đức Kitô sống trong tôi.” (Ga 3: 22); hoặc: “Anh em hãy mặc nơi mình, tâm tư vẫn có trong Đức Kitô Giê-su.” (Pl 2: 5). Tâm tư vẫn có trong Ngài, chính là điều ta suy nghĩ. Là, mộng ước ta xây. Và là, ý nghĩa của lời khuyên nhủ: hãy ăn thịt và uống máu Chúa, tức: hiệp thông liên kết qua động tác nghĩ và sống đời cộng đoàn.

Khi nói: ăn Thịt và uống Máu Chúa, thánh Gio-an không có ý nói thân xác/thể hình khi Ngài chết trên thập giá. Cũng chẳng là, máu đào rỉ tuôn từ nương long, nơi xương thịt. Thân Mình Đức Chúa Phục Sinh hôm nay, gồm tất cả đồ đệ người thân của Đức Chúa. Cả những người đã và đang liên kết với nhau trong cộng đoàn tình thương, trên thế giới. Ngài là Đầu. Còn ta, qua kỹ năng đa dạng của mỗi người, là tứ chi nơi Thân Mình Ngài. Thân Mình Ngài cùng với tứ chi, có trọng trách yêu thương, phục vụ và chăm sóc lẫn nhau. Yêu thương, hầu làm chứng để thế giới biết đến Ngài. Yêu thương, chứng tỏ Chúa sống nơi mình.

Thêm vào đó, ta có Bí tích Mình Máu Chúa, nữa. Nếu không biết yêu thương/phục vụ cộng đoàn, thì Mình Máu Chúa chẳng đem cho ta ý nghĩa nào hết. Hoặc có chăng, cũng rất ít. Nói cách khác, không biết rõ Đức Kitô hoặc chối từ nhận lãnh thị kiến Ngài trao, ta sẽ chẳng thể nào “ăn Thịt và uống Máu Ngài” được. Và như thế, tham dự Tiệc Thánh chỉ là thói quen vô bổ. Và như thế, những ai cho rằng mình là kẻ bước theo chân Chúa, vẫn tham dự đều Tiệc Thánh, một cách năng động hay thụ động, mà lại không tha thiết làm thành viên cộng đoàn tình thương của Chúa, ắt chỉ hưởng lợi ích của Bí tích Thánh Thể, rất ít.

Tham dự Tiệc Thánh, còn là hành vi cảm tạ. Bởi, nếu tầm nguyên ngôn ngữ, ta sẽ thấy cụm từ “Thánh Thể” (eucharistia) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, mang ý nghĩa của một cảm tạ. Nên nhớ là, trong mọi việc, Thiên Chúa thể hiện tình thương cho ta qua sự sống của Đức Giê-su, và Lời Ngài dạy. Qua nỗi đau, cái chết và sự sống lại của Ngài, mà thôi. Bởi thế nên, khi tham dự Tiệc Thánh, ta nhớ đến Đức Chúa của Tình Yêu. Nhớ, để cảm tạ. Nhớ, để yêu thương. Cảm tạ, vì ta đã được Tình yêu Chúa đánh động, và đi vào cuộc sống của ta. Đánh động, qua kinh nghiệm bản thân, của mỗi người. Dự Tiệc Thánh, là đi vào với chiêm ngắm và cảm tạ mọi phúc lành, Ngài ban cho sự sống.

Dự Tiệc Thánh, còn là cử hành sự kiện mình trở nên thành viên đích thực của cộng đoàn. Vì thế, ta sẽ cử hành trong vui tươi, đậm nét thân thương tình bằng hữu. Vui tươi, vì Tiệc Thánh Thể, tự bản chất, không tạo ra cộng đoàn. Nhưng, khi dự Tiệc Thánh, ta biết rõ ràng cộng đoàn có mặt ở đó, đang quây quần tề tựu, rất tươi và rất vui. Tham dự Tiệc Thánh, không chỉ có nghĩa là “xem lễ”, bước đến nhà thờ để “đi lễ”, rất cá thể. Dự Tiệc Thánh, cũng chẳng cốt để giữ điều răn Hội thánh, là: “Hãy giữ ngày Chúa Nhật”. Dự Tiệc Thánh, hay giữ ngày Chúa Nhật, không thể là như đi xem hát/diễn kịch, để giải trí. Không phải để ta lãnh nhận điều gì có lợi, dù vật chất hay tinh thần. Nhưng tham dự Tiệc, là cho đi. Cho rất nhiều. Cho toàn bộ con người mình, hầu liên kết hiệp thông.

Tiệc Thánh là một Bí tích, điều này có ý nghĩa còn lớn hơn cả ý nghĩa đến dự chỉ để dâng lên đồ cúng kiến, tế thần. Tiệc Thánh, là thước đo chất lượng của tình bằng hữu, nơi cộng đoàn. Đo, là đo cả bản chất và tình trạng của cộng đoàn, nữa. Cộng đoàn nào sinh động, ắt không thể cử hành Tiệc Thánh theo cách lê thê, đáng chán. Nơi nào, không có tinh thần cộng đoàn theo đúng cách thì nơi ấy không thể có Tiệc theo đúng nghĩa. Dù nguyện đường có hoành tráng. Phẩm phục có uy nghi. Ban hợp xướng có tiếng hát thanh trong thiên thần đi nữa, thì Tiệc Thánh ta dự vẫn không mang ý nghĩa đích thực được.

Có giáo dân đến dự Tiệc Thánh rất thường nhưng vẫn tự hỏi: sao cứ phải “đi lễ”, mà không thể cầu nguyện ở nhà? Đúng thế. Ai cũng có thể ở tại nhà, mà nguyện cầu. Nhiều khi, nhà là chốn ấm nguyện cầu, rất tốt. Nhưng, Tiệc Thánh đâu chỉ là thời gian để nguyện cầu. Thánh lễ chính là Bữa Tiệc. Là, mảng thời gian để ta vui mừng với cộng đoàn thân thương, ta lui tới. Và tiệc vui thánh, không thể thực hiện một cách riêng lẻ, ở tại nhà. Mà, chỉ có thể thực hiện trong chung vui, với nhau. Chung cộng đoàn. Cùng cộng đoàn.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô nói: “Khi nâng chén chúc tụng cảm tạ Chúa, há chẳng là ta dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh, há chẳng là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi, chỉ một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, ta vẫn chỉ là một thân thể.” (1Cr 10: 16-17).

Tiếc thay, dĩa thánh đựng Mình Chúa còn hơi nhỏ, khó có thể diễn tả phương cách để cộng đoàn ta cùng vui sẻ san Mình Máu Chúa, trong hiệp thông. Nên cũng tạo phần nào giảm sút ý nghĩa trọng tâm của Tiệc ThánhThể. Và cũng còn khiến cho sự kiện đón nhận Mình Máu Chúa như là chỉ là việc riêng tư, cá thể. Nhưng kỳ thực, dự Tiệc Thánh là có Chúa đến với ta. Ở nơi ta. Ngài đến, như thành phần của cộng đoàn thân thương, đang vui sống.

Bởi thế, những gì ta cử hành khi tham dự Tiệc Thánh, vẫn nói lên kinh nghiệm sẻ san, cùng đem cho nhau tư cách vui tươi, của cộng đoàn. Và khi bắt đầu phần rước Chúa vào lòng, cộng đoàn ta cùng nhau dâng lên lời nguyện cầu mà Đức Giê-su đã chỉ dạy. Đó chính là lúc, ta ngỏ lời với vị Cha Chung của ta ở trên cao, chứ không phải với người cha riêng của một ai. Qua ngỏ lời, ta cầu Chúa ban cho mọi người có đủ cơm bánh hằng ngày. Cầu mong cho nhau, được ơn tha thứ, biết làm hoà. Làm hoà, bằng cử chỉ tay trong tay nắm thành vòng. Và làm hoà, bằng lời chúc bình an cho nhau. Tức, cử chỉ của sự thân thương tình bằng hữu. Của tình an hoà biết thứ tha hết mọi người, trước khi bước lên bàn thánh đón Chúa vào ngự trong cung lòng của chúng ta.

Thực hiện động tác an bình hài hoà, tất cả chúng ta sẽ nhớ lại Lời Ngài ở Núi thánh: “Vậy, khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh/em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5: 23-24).

Nói cho cùng, nếu không chuẩn bị, ta không thể có được tình an hoà bằng hữu, khi đến với cộng đoàn, ở nhà thờ. Đến dự Tiệc, là ta đã sẵn sàng mang niềm vui tặng trao mọi người. Giáo xứ nào, nếu chỉ lo tổ chức thánh lễ rềnh rang cho có mà chẳng thiết tha gì chuyện buồn/vui xảy đến, với người xứ mình. Thì nơi ấy, sẽ trở thành giáo xứ khô cằn, rẫy chết. Tiệc Thánh lúc đó, chỉ là thói quen nhàm chán, đáng từ bỏ. Tiệc Thánh, phải là Tiệc sinh động của cộng đoàn. Cho cộng đoàn. Và do cộng đoàn thực hiện.

Giáo xứ năng động, không chỉ là toà kiến trúc, nguy nga có thánh lễ, có bài giảng và có đàn hát, rất hăng say. Nhưng, là cộng đoàn tươi vui, biết dựng xây tình yêu thương con cái Chúa, trong hiệp nhất. Và, Tiệc Thánh, là dấu chỉ của cộng đoàn vui tươi sinh động, ở giáo xứ . Ở nơi đây, Đức Kitô đang hiện diện sống động trong mọi người. Qua mọi người. Ngài hiện diện, như một tổng thể có Thân Mình rất Thánh, hiệp thông. Liên kết. Hiểu được ý nghĩa đích thực của Tiệc, ta sẽ nhận ra Lời Ngài vẫn chờ và vẫn đợi mọi người. Cả vào lễ Mình Máu Chúa, rất hôm nay.

Tham dự Tiệc hôm nay, ta cầu cho dân con nhà Đạo thấm nhuần ý nghĩa của Tiệc Lòng Mến đích thực. Rất cộng đoàn.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

No comments: