Câu hỏi #10:
Phải chăng đoạn sau đây là phác họa của những gì mà Giáo Hội Công Giáo ngày nay đang giảng dạy, hay đã từng giảng dạy? Nếu Giáo Hội đã từng giảng dạy những điều này, nhưng ngày nay không còn giảng dạy như vậy nữa, thì Giáo Hội đã ngưng việc đó vào lúc nào?
“Vào một thưở xa xưa khi đó chỉ có một mình Thiên Chúa hiện hữu. Người đã tạo ra sự hiện hữu của các thiên thần, mặc dù Người biết là:
(a) Một số các thiên thần này sẽ nổi loạn phản lại Thiên Chúa, nhưng không thành công;
(b) Người sẽ tạo ra Hỏa Ngục để ‘giam cầm’ những thiên thần đó;
(c) Một trong số các thiên thần đó sẽ thành công trong việc dụ dỗ những nguyên tổ của loài người làm việc tội lỗi, và do đó gây ra Tội Nguyên Tổ và việc nhân loại bị mất ân sủng;
(d) Và điều này sẽ bắt buộc Con Thiên Chúa phải trở thành phàm nhân, chịu khổ hình, và chịu đóng đinh.”
Câu đáp:
Nói chung thì bản tổng kết gồm bốn điểm của bạn là một lời tường trình chính xác giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về sự hiện hữu vĩnh hằng của Thiên Chúa, việc Thiên Chúa tạo dựng một vũ trụ vật chất và tâm linh, nguồn gốc của tội lỗi, việc nhân loại bị mất Ân Sủng và cần phải được cứu chuộc, và công trình cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.
Đây đúng là những chân lý vĩnh hằng của đức tin, và Giáo Hội chưa bao giờ ngưng việc giảng dạy những điều này.
Khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã làm một việc phân biệt quan trọng giữa chân lý của đức tin và cung cách mà những chân lý này được hình thành.
Thánh Kinh dùng ngôn ngữ và hình tượng – mà ngôn ngữ và hình tượng là một phần trong văn hóa và tâm lý của các tác giả thánh kinh, mà tác giả thánh kinh lại là những người thuộc về thời đại của họ – để chuyển tải những chân lý vĩnh hằng này.
Khi linh hứng cho các tác giả thánh kinh truyền đạt những mặc khải của Người, Thiên Chúa chắc hẳn đã tôn trọng cung cách nói năng, ghi chép, và giảng dạy mà các tác giả thánh kinh có thể hiểu.
Để khám phá những sự thật đích xác mà Thiên Chúa muốn truyền đạt, thường thì người ta cần phải tìm hiểu những điều ẩn giấu dưới lớp ngôn ngữ và tư tưởng thần thoại mà các tác giả thánh kinh đôi khi sử dụng, và rồi hình thành những chân lý đó bằng loại ngôn ngữ và những khái niệm dễ được chấp nhận hơn, và dễ hiểu hơn đối với những nền văn hóa và tâm lý khác.
Nếu như điều này đúng với Thánh Kinh, thì nó cũng đúng với những giáo huấn của Giáo Hội xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Chân lý thì không thay đổi, nhưng ý nghĩa của từ ngữ thì thay đổi và cách suy nghĩ con người cũng thay đổi. Cung cách mà một chân lý đức tin được hình thành vào thế kỷ thứ 10 thì không hẳn là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để diễn tả cùng một chân lý đó trong thế kỷ thứ 20.
Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Gio-an đang nghĩ đến khi ngài bày tỏ niềm hy vọng là Công Đồng Vatican II sẽ tìm được những cách thức để diễn tả chân lý thánh thiêng trong một hình thức hợp thời hơn cho những người nam người nữ của thời hiện đại.
Tôi không rõ là tôi có đang giải đáp được gì cho câu hỏi mà bạn đặt ra hay không. Theo như thư của bạn thì tôi nghi là bạn đang lo ngại là tôi đã gây hoang mang về một số tín điều căn bản của Ki-tô Giáo mà bạn nêu ra.
Tôi sẽ đặt câu hỏi về cách mà bạn bày tỏ luận điểm thứ hai của bạn: rằng Thiên Chúa đã tạo ra Hỏa Ngục để ‘giam cầm’ những thiên thần nổi loạn làm phản.
Hỏa Ngục có thể được hiểu cách tốt nhất là một trạng thái hay hoàn cảnh mà một cá nhân bị xa cách và xa lạ với Thiên Chúa – một trạng thái hay hoàn cảnh tự chính mình gây ra mà những hữu thể có-trí-khôn đã tự do chọn lựa qua việc chối bỏ Thiên Chúa.
Nếu như Hỏa Ngục là do sự tạo dựng của bất cứ một ai, thì đó là sự tạo dựng của những người chối bỏ Thiên Chúa với tất cả tri thức và chủ tâm của họ.
Sau hết, tôi muốn minh họa những điều vừa nói ở trên về tư tưởng và cách diễn đạt trong Thánh Kinh, và về cách thức mà Chân Lý của Thiên Chúa được chứa đựng trong đó, bằng cách tham chiếu một trình thuật trong Thánh Kinh về việc nhân loại đánh mất ân sủng – đề tài mà bạn đã nói đến ở luận điểm thứ ba trong bản tổng kết của bạn về giáo huấn của Giáo Hội về tội lỗi và sự cứu chuộc.
Thánh Kinh trình bày câu chuyện của đôi vợ chồng nhân loại đầu tiên do Thiên Chúa tạo dựng để hưởng một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Kinh mô tả một cõi địa đàng, một khu vườn hạnh phúc đầy những cây cối xinh đẹp xum xuê hoa quả.
Thánh Kinh cũng tường thuật một mệnh lệnh từ Thiên Chúa là đôi vợ chồng không được ăn trái của một loại cây đặc biệt – trái của cây cho biết điều thiện điều ác.
Câu chuyện tiếp diễn với việc một con rắn cám dỗ người đàn bà làm trái lệnh Thiên Chúa và ăn trái cấm. Rồi người đàn bà đưa trái cấm cho người đàn ông cùng ăn.
Hậu quả là hai người bị mất những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban, thay vào đó họ phải sống một cuộc đời đầy đau đớn khổ ải.
Câu chuyện là như vậy. Còn chân lý là gì? Khi chúng ta nhận ra rằng chữ Adam là tiếng Do-thái, có nghĩa là man – người đàn ông, nghĩa là chủng loại loài người, và chữ Eva có nghĩa là life – sự sống, nguồn của mọi sự sống, thì ta có thể bắt đầu nhận ra chân lý hàm chứa trong câu chuyện.
Tội lỗi của ông A-đam và bà E-và là khuôn mẫu nguyên thủy của tất cả mọi tội lỗi của nhân loại. Các yếu tố của tất cả mọi tội lỗi đều được thấy trong câu chuyện này: sự kiêu ngạo và sự bất tuân phục.
Sự kiêu ngạo được thể hiện nơi việc ông A-đam và bà E-và, “những người đại diện của toàn thể nhân loại”, đã không chịu chấp nhận tình trạng của mình là những tạo vật và địa vị cao trọng của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của họ.
Sự lựa chọn ăn trái từ “cây biết thiện biết ác” là cách mà tác giả Thánh Kinh nói rằng tổ tông của loài người muốn tự mình quyết định điều gì đúng, điều gì sai, mà không cần biết đến thánh ý hay luật lệ của Thiên Chúa.
Đó chính là bản chất của tội lỗi của con người.
Không một thiên thần thất sủng nào được nhắc đến trong trình thuật Sáng Thế này. Trái lại con rắn là một biểu tượng thánh kinh được chấp nhận như là quyền lực của ác thần.
Điều không rõ là trình thuật Sáng Thế này có đòi hỏi chúng ta phải tin là cái quyền lực của ác thần đó là phát xuất từ ngoại tại loài người hay không, hay quyền lực ác thần đó tồn tại ngay trong quả tim con người.
Trong một ý nghĩa nào đó, món quà tự do của Thiên Chúa là một nguy cơ có tính toán. Sự tự do mà chúng ta có nhờ món quà của Thiên Chúa ban cho loài tạo vật con người thì luôn luôn có nguy cơ bị lạm dụng. Nhân loại đã luôn lạm dụng món quà đó; họ đã lạm dụng món quà đó ngay từ thưở ban đầu.
Câu chuyện của ông A-đam và bà E-và là câu chuyện tội lỗi của nhân loại, câu chuyện đó đưa tới nhu cầu cần được cứu chuộc, mà sự cứu chuộc đó chỉ có thể đến từ một Thiên Chúa nhân ái và khoan dung.
Niềm tin Ki-tô Giáo của chúng ta là sự cứu chuộc đó được thực hiện qua món quà của Thiên Chúa là chính Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, đặc biệt là qua cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô.
Lm Bill O’Shea, Queensland, Úc
Bản tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn
No comments:
Post a Comment