Sống phù
hợp Đạo Chúa, người Công giáo vẫn hay hát. Hát cả khi vui, lẫn lúc buồn. “Hát
là cầu nguyện, những hai lần”. Người nhà Đạo hát rất chăm. Suy tư rất nhiều. Có
những bài ca làm tỉnh giấc, như bài “How Great Thou Art”, nghe chưa được chuẩn
cho lắm. Chí ít, là tiểu khúc, câu 3. Như tác giả dẫn ý: Hân hoan tình Chúa rất
bao la, chẳng ngại hồn đau vẫn cứ là. Là, Con Một Hiền lành theo cõi chết, Ôm
trọn tội người, trọn ý Cha.
Vâng, tiểu
khúc trên, dù mang cả một truyền thống ý nghĩa, vẫn coi cái chết của Đức Kitô,
như hành động chuộc tội, do Cha muốn. Nhận định như vậy, tức bảo: khổ đau và sự
chết của Giêsu Đức Chúa lại là giá chuộc mạng mà Ngài đã thanh trả cho bọn xấu,
để ta có thể chia xẻ sự sống với Cha. Như chọn lựa, cái chết của Đức Giê-su
phải được coi như hành động duy nhất làm Cha nguôi giận về tội người. Chính vì thế,
mà Cha vẫn tiếp tục thương yêu loài người như khi trước.
Nghe nhạc
ướt át như thế, đôi lúc làm ta sợ. Có lẽ, nên kiểm xem lời ca ý nhạc, có chuẩn hợp
với nền thần học ta được dạy, không. Một đằng, thần học khẳng định rằng: tình
thương yêu đặc biệt Chúa ban, rất cao sang vời vợi. Tình yêu Ngài, ngang qua
mọi thăng trầm của cuộc sống, khi vui lúc buồn. Đằng khác, khi hát, ta kể nhiều
về nỗi khó khăn, buồn phiền mà Đức Giê-su gánh chịu. Xem như thế, há chẳng phải
ta chủ trương: Đấng Tạo Hoá đầy lòng bao dung, vẫn đẩy Người Con Thân Yêu vào nỗi
chết, có tủi nhục? Há ta coi đây như phương cách duy nhất khiến Ngài hài lòng,
sao?
Áp
dụng vào xử án, đôi lúc cũng nên hỏi: quan án có để cho đương can vô tội chết lặng
trong lỗi phạm? Và như thế, Đức Chúa, vị Quan Án Tối Cao, có quyền bính gì trên
sự dữ/ác thần, chăng? Đây là cách duy nhất để Ngài kiểm nghiệm sự hy sinh cao
cả của Con Yêu Dấu của Ngài, sao? Các vấn nạn ấy, gây ảnh hưởng lên đời sống
đức tin của người đi Đạo. Đôi lúc, điều này làm ta xa vời niềm tin đích thực,
lâu nay thường được nhắc nhớ, rằng: Chúa trên cao vẫn thương mọi người, dù cho
con người có lầm lỡ, lỗi phạm nhiều điều.
Ngày
nay, ta nghe nhiều về các nạn nhân, không còn chọn lựa nào khác, đã rơi vào bẫy
cạm của lỗi phạm. Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc ấy không do họ. Mà, do
người khác đối xử không theo lẽ Đạo. Người khác, là những người có tự do trong
đối xử rất “khác người”. Rất lạ kỳ. Buồn bã. Người khác đây, vẫn là người biết
nhiều. Hiểu nhiều. Nhưng, đứng ở góc cạnh nào đó, ta sẽ cùng với “người khác”
ấy, biểu đồng tình cho rằng: Đức Kitô là nạn nhân của thánh ý Cha. Khi Ngài chấp
nhận khổ đau, và nỗi chết. Hiểu như thế, tức cho rằng: Cha vẫn muốn có hy sinh.
Vẫn muốn chuộc mạng, để đổi chác lấy tội con người, hòng tha thứ? Hiểu như thế,
sẽ kéo theo ngộ nhận rằng: mình là nạn nhân của Chúa, không chừng. Nếu Cha muốn
Đức Kitô phải khổ và chết, thì phía ta, sao lại buồn khi lĩnh nhận thánh giá
tưởng-chừng-như-là-quá-nặng?
Suy
tư theo chiều hướng này, sẽ thêm nghi ngờ, là bài Thương khó thánh Mác-cô ghi
lại, có thể đã nhấn mạnh tính miễn cưỡng của Chúa khi Ngài chấp nhận khổ ải.
Quả là, thánh sử có nhắc việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo, túi cơm. Làm
bạn với bọn phản phé. Làm thầy những người chối bỏ sự thật, bỏ của chạy lấy
người… Nhưng không thể hiểu như thế. Không thể theo khuynh hướng này. Bằng
không, sẽ có người ngờ: thánh Mar-cô ám chỉ Chúa hoảng sợ trước cái chết ô nhục,
gần kề. Và, trong chiều hướng ấy, sẽ nghĩ là: khi Ngài cất tiếng “Lạy Cha”, tức
là Ngài kêu lên lời ai oán để cứu mình khỏi cơn buồn phiền, sao? Cuối cùng,
hiểu theo chiều hướng này, sẽ có người nghĩ rằng: Đức Kitô nhận “làm theo ý
Cha”, nhưng phút cuối, vẫn thấy như mình bị bỏ rơi trên thập giá? Không. Đó
không phải là thần học. Suy cho kỹ, hiểu theo các chiều hướng này, chắc chắn có
sai sót. Đọc kỹ, đoạn Chúa chấp nhận thánh ý Cha tại Vườn Âu Sầu, thay vì hiểu
theo hướng xấu, đổ riệt mọi lỗi cho Cha, có lẽ nên coi đây như một khẳng định.
Khẳng định rằng: Đức Kitô một lòng chung thuỷ với đường lối Ngài tuân theo,
trong hành xử với Cha. Với con người. Ngài vẫn một mực tuân phục Cha. Tuân phục
đến chết. Vẫn thương yêu con người, và yêu thương đến hơi thở cuối cùng.
Có
thế, Đức Kitô mới trấn át giới chức đạo-đời, thời bấy giờ. Ngài qui chiếu khẳng
định nòng cốt này, đến nỗi họ thấy không làm gì được, ngoài chuyện ra tay ám
hại Ngài. Xem thế, qua việc chấp nhận cái chết trong tuân phục, Ngài hy sinh
đến phút cuối. Ngõ hầu chứng tỏ cho mọi người thấy:Ngài thương yêu loài người
đến cùng. Điều này cho thấy: Chúa đã sống thực. Sống tư cách rất “người”. Vì
trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền lực đen tối sự dữ/ác dẫn đến
nỗi chết về thể xác. Chết rất nhục. Hôm nay, có kinh qua thống khổ của thập giá;
và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá phải trả, khi giáp mặt thực
trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu cầu của
Vương Quốc Nước Trời. Vương Quốc bình an và công chính.
Tuần
thánh năm nay, ta cử hành tuyên xưng mầu nhiệm sống xứng hợp Đạo. Bằng vào cử
hành tưởng niệm sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Chúa, ta cầu mong được
chuyển thể từ tâm trạng sai lầm -nghĩ mình là nạn nhân do Chúa muốn ta hy sinh,
đau khổ- để tiến tới trở thành kẻ có ý thức chọn lựa. Chọn, lối sống mẫu mực
yêu thương của Chúa, Đấng suốt đời trung thành, thuỷ chung. Trung thành trong
thuần phục. Thuỷ chung trong thương mến.
Cầu
và mong, cho ta biết trân quý sự sống. Vì, có trân quý, ta mới thực sự từ bỏ
thái độ tiêu cực của những người luôn nghi kỵ, chống đối. Chống Vương Quốc Nước
trời, ở trần gian. Ở đây. Bây giờ. Cầu và mong, ta dõi bước chân mềm của Chúa.
Biết rập khuôn bắt chước lối sống thuỷ chung, trong hành xử giữa Cha và Con. Dù,
sự việc có xảy đến thế nào, đi nữa. Dù, đường đời còn lắm gian nan. Khổ ải.
Bởi, có Đức Kitô là mẫu mực cho sự thủy chung, tuân phục, thì dù gặp muôn vàn
khổ ải đến cùng cực, ta vẫn cứ đầu cao mắt sáng, hiên ngang lên mà chúc tụng.
Chúc tụng Ngài, cả vào lúc cộng đoàn kẻ tin đang sầu buồn, than khóc ngày Chúa
chịu khổ nạn. Bởi, với người dõi bước theo Chúa, sẽ chẳng có gì là tang tóc. Khóc
than. Tất cả, vẫn là yêu thương. Đồng cảm.
Đạo
Chúa là Đường dẫn ta đi. Đi vào đời, còn lắm gian nan. Nhưng không nhuốm mầu
tang chế.
No comments:
Post a Comment