Friday, 30 March 2012

“Mình hãy trách đời nhau, nhiều hư hỏng”


Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá Năm B

“Mình hãy trách đời nhau, nhiều hư hỏng”
Rồi giận hờn, cho kỷ niệm đầu tay
Thu miên man, không thấy lá vàng bay
Anh phải nói: buồn chúng ta màu trắng.
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Mc 14: 1/ 15:7
            Nhà thơ, xưa lưu dấu kỷ niệm, nhiều hư hỏng. Kỷ niệm đầu tay hay đầu đời, có lá vàng bay. Có nỗi buồn mầu trắng. Rất miên man. Giận hờn. Nhà Đạo, nay không mang sắc mầu kỷ niệm, một giận hờn. Miên man, nhiều buồn nhớ. Nhớ Vượt Qua. Nhớ nỗi chết của Chúa. Ngày sống lại.
            Trình thuật hôm nay, thánh sử ghi về nhiệm tích “Vượt Qua”, Chúa từng trải. Ngài từng trải qua nhiều khổ đau. Có nỗi chết. Sống lại. Có thăng thiên về trời. Ngài gửi Thần Khí đến muôn dân. “Vượt qua”, “Cứu độ” Chúa thực hiện, nay đã rõ. Ở trên cao. Chốn vắng. Có thập giá, khổ đau. Rất sầu buồn.
            Ngày buồn, Chúa ra đi. Đi, là về với Giêrusalem thành thánh. Đi, để khởi đầu một kết đoạn cuộc đời Ngài, ở trần thế. Kết đoạn, trong quang vinh. Khải hoàn. Hiển hách. Ở nơi đó, dân gian chốn thành thánh ra nghênh đón. Ở nơi đó, có niềm hân hoan, khởi sắc. Có, lời chúc tụng rền vang “Hosanna, Con Vua Đavít!” ầm ầm. Khắp chốn. Ở đó, lời tuyên dương “Đấng nhân danh Chúa mà đến”, vang dội mãi hôm nay, nơi Tiệc Thánh. Tại đây. Bây giờ.
            Nhưng phút chốc, cục diện khởi sắc bỗng biến thành cảnh tượng u buồn. Sầu khổ. Có nỗi chết. Tại sao thế? Suy cho cùng, không gì bằng: ta về với bài đọc Lễ Lá, có thư đậm nét, thánh Phaolô ghi: “Anh em hãy có nơi mình, tâm tình ta vẫn có với Đức Ki-tô” (Ph 2: 5) Bởi, “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, thế mà Ngài vẫn trút bỏ mọi vinh quang, để chấp nhận phận nô lệ” và, “Ngài mặc lấy thân phận nô lệ, hạ mình chịu chết; và là cái chết trên thập tự.” (Ph 2: 6-7).           
            Ý tưởng này, thấy rõ nơi bài đọc 1, sách Isaya. Sách thánh, có đoạn ghi: “Người môn đệ kiệt sức”, không cưỡng nổi sức mạnh của địch quân. “Tôi đưa lưng cho người đánh đòn, giơ má cho người giật râu”. Ở đây nữa, tiên tri Isaya bàn về thái độ “không sử dụng bạo lực để đối kháng bạo lực. Không bạo lực ở đây, không là thái độ đơn thuần, thụ động. Mà là trạng thái bất bạo động. Tức, một động thái được Mahatma Gandhi, Martin Luther King… rất đề cao.
 Bất bạo động, là hành xử Chúa muốn tỏ bày, qua yêu thương. Có yêu thương, Ngài mới chấp nhận nạp mình cho đám người chuyên sử dụng bạo lực. Yêu thương, là cung cách Chúa bày tỏ cho mọi ngưòi. Yêu thương, là đỉnh cao tâm tình Ngài gửi đến, với chúng ta. Gửi đến, để ta cứ thế mà làm để theo chân Chúa. Tuy đề cao, nhưng bất bạo động không còn là động thái của tín hữu Đức Kitô, ngày hôm nay.
            Theo chân Chúa, là sẵn sàng “rỡ bỏ” chính mình. Là, đặt mình trong tâm tình yêu thương, cùng với Ngài. Theo chân Ngài, là giùm giúp mọi người. Vô điều kiện. Theo chân Ngài, là phục vụ bất cứ ai, trong tinh thần tương thân/tương ái. Không ngừng nghỉ.
            Bài thương khó thánh Mác-cô ghi lại hôm nay nhấn mạnh một số điểm, để ta suy nghĩ:
            *Ngày giờ sau hết:
1. Kinh sư/thượng tế dùng mưu ma chước quỷ nhằm trừ khử Chúa không thương tiếc.
2. Người nữ phụ đến đổ dầu thơm lên người Chúa, ý nói buổi liệm táng Ngài, vào rất sớm.
3. Giu-đa nộp Chúa cho thượng tế, đổi lấy tiền, là gợi ý hỏi rằng ta có làm giống thế không? vì tiền?      
*”Một trong các ngươi sẽ nộp Ta cho họ”
4. Dự phần Vượt Qua với môn đệ, Chúa tỏ bày có sự bội phản của đồ đệ mà không nhận thức được? Dự tiệc Thánh, ta có thấy quan hệ tương tác với người đồng bàn hoặc đồng Đạo?
5. ”Này là Mình Ta. Này là Máu Ta” Chúa thiết lập Tiệc Thánh Thể, để tạ ơn. Nên nhớ, chính vì ta Chúa mới chịu khổ nạn, chấp nhận nỗi chết. Nhưng đã sống lại. Là, thành viên cộng đoàn dân con Chúa, ta có nhận chính ta là một  thành phần thân mình Ngài không?  
6. Phêrô chối Chúa. Về phần ta, đã bao lần, ta cũng hành xử như thế với cộng đoàn?
*Trước mặt quan án
7. Tại vườn Dầu, Chúa vượt mọi hãi sợ. Ngài đã nguyện cầu. Ngài hoàn toàn tuân ý Cha. Trong khi đó, các đồ đệ đều bỏ đi. Họ bỏ đi là vì chẳng ai đoán được Ngài sẽ bị như thế nên chẳng biết phải làm gì?
8. Chúa bị bắt. Giuđa bội phản. Phêrô rút gươm, ngăn cản dân quân đến bắt. Mọi người đều bỏ chạy để Chúa một mình. Tình thương đích thực đành bị bóp méo. Chẳng ai hiểu được đường lối bất bạo động mà Chúa  vẫn đi. Trường hợp mình, ta có bỏ chạy khi đụng chuyện không?
9. Trước mặt quan toà, Lời Chúa bị bẻ quặt. Nhưng Chúa vẫn lặng thinh. Ngài lặng thinh vì dân tình chỉ muốn lật ngược sự công minh, chính trực. Chúa tỏ bày Thiên tính Đấng Mêsia. Dân con mình tự bịt mắt làm mặt ngơ, mù quáng. Còn ta? Ta nhìn Ngài với cặp mắt nào?
10. Vốn bộc trực, Phêrô đã một mực chối bỏ Chúa. Chối bỏ những ba lần. Còn ta, ta đã chối bỏ Ngài bao lần?
*Quan trấn trưởng La Mã
11. Đứng trước Philatô, chỉ quan quyền mới lật ngược được tình thế. Đức Giêsu vẫn im lặng. Là Vua và là Chúa, Đức Giêsu vượt trên quyền tổng trấn, ở trần gian. Philatô không hiểu điều này, cứ tưởng rằng Chúa thuộc dưới trướng mình. Còn ta, lâu nay ta có thái độ nào với Ngài?       
12. Đám đông dân chúng xin tha Barabbas, thay vì Chúa. Còn Philatô, nắm thời cơ chuyển đổi sự việc, nhất quyết biến Chúa thành tội phạm. Trong cuộc đời, có bao giờ ta từng xử sự giống như thế? vì danh/vì lợi?
*Con đường của thập giá
13. Chúa tuyên xưng Ngài là Vua. Điều này khiến dân quân nhà trại cười ồ. Họ chụp mũ trên Ngài. Lại là mũ gai, cắm gài lên da thịt. Nhưng Ngài vẫn lặng thinh, không cất lên lời. Vua các vua, nay tự “rỡ bỏ” chính Mình. Vì loài người. Còn ta thì như thế nào?
14. Tiếp tục chặng đàng khổ ải. Chúng dân cười nhạo, phỉ nhổ. Con đường thống khổ, Ngài đi tiếp. Phần ta, phải chăng ta đã dự phần vào bi kịch hành hạ Đức Chúa? Ta đã thấy vinh quang Chúa hiển hiện qua khổ ải và ta đáp trả ra sao trong đời ta?
*Bĩ cực và hiển vinh
15. Tối tăm phủ khắp chốn trời. Chúa tiến đến phần sâu lắng của khổ hình. Ngài hít hơi cuối cùng, rồi tắt thở. Hơi Ngài hít, chính là Thần Khí Chúa Cha. Là Ngài. Chết, giai đoạn cuối đã hoàn tất. Ngài hoàn thành thánh ý Cha. Màn Đền Thờ nay rách nát. Chúa biến đổi, qua hiện thực Phục sinh, nơi Mình Ngài. Tức, Hội Thánh. Lính gác, nay nhận ra Sư Thật: “Người này là Con Thiên Chúa.” Đây, một nhắc nhở dân con mọi người hãy mở lòng đón nhận Thần Khí Cha. Như dân quân canh gác đã nhận ra.     
16. Giuse A-ri-ma-thi-a, xưa lên án Chúa, nay biến thành người đợi chờ Chúa đến trong vinh quang. Ngời sáng. Với đồ đệ, đây là kết cục mọi sự việc. Rất đau buồn. Sầu thảm.
Thương khó, do thánh Mác-cô ghi lại, đem đến cho ta nhiều điều để suy tư. Nguyện cầu. Nguyện và cầu, không chỉ mỗi hôm nay. Nhưng, suốt tuần. Tuần rất thánh, có những ngày sau hết của đời Chúa ở trần gian. Thánh Y Nhã khi xưa đã đề nghị một niệm suy, cho các khoảnh khắc cuộc đời ta vẫn sống. Thánh nhân đề nghị ta nên thêm vài suy tư, dù cổ lỗ:
“Tôi cố đặt mình vào lời lẽ được cất lên. Tôi tìm cách hiểu cho thấu, điều Ngài diễn tả bằng diện mạo. Và nơi tôi, đang dâng cao xuất hiện một nhận thức, vừa đủ sức. Có làm thế, tôi mới đi sâu vào mầu nhiệm để chiêm ngắm. Và, càng chú ý đặc biệt đến tính thánh thiêng, ẩn mình thầm kín, ta càng thấy Chúa tỏ mình như người thường, rất bất lực. Tôi hiểu rằng, Chúa yêu thương ta biết chừng nào, chính vì thế Ngài vui lòng chấp nhận khổ đau khi ta phạm lỗi. Khi ta khước từ Ngài, bằng nhiều cách.”
Dù cách nào đi nữa, trình thuật cuộc thương khó Chúa, diễn tả nỗi khổ Chúa bị người đời từ khước/chối bỏ. Chấp nhận thống khổ, Ngài quyết lãnh ý Chúa Cha. Làm thế, Ngài thực hiện công cuộc cứu độ, do Cha trao. Làm thế, Ngài hoàn tất hành trình trải dài nhiều khổ đau. Có nỗi chết. Nhưng Ngài sống lại. Để người người được vinh hiển. 
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá Phỏng dịch

Wednesday, 28 March 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Cắt nghĩa ít đoạn tin mừng (tiếp)



Phạm thượng: Tức là tiếm lấy cho mình điều thuộc riêng về Thiên Chúa. Mà, tha tội là một điều như thế (Xh 34: 6t; Ys 43: 25; 44: 22).

Như thế Mc cho thấy sự xung đột giữa Chúa Yêsu và Luật sĩ phát tụ thái độ của Chúa Yêsu đối với người tội lỗi (hay bị coi như tội lỗi). Tha tội là đặc quyền Thiên Chúa. Thế mà Chúa Yêsu trong sự giao tiếp với hạng tội lỗi (hay liệt hàng tội lỗi), lại xử thế như Ngài chính là Đấng tha thứ tội lỗi.

Câu 8-9: Tri thức lạ thường của Chúa Yêsu nói trắng ra sự phản kháng ngấm ngầm trong thái độ luật sĩ. Ngài làm điều đó bằng một lý luận phổ thông “chuống chi” (lớn còn được huống chi là nhỏ): đi từ việc nhẹ/dễ để kết luận về việc nặng/khó hơn, hay ngược lại. Bởi đó mà hỏi “cái gì dễ hơn”:

-Đôi với người thường: tha tội dễ (hiệu quả sao, ai nào biết được), chứ chữa lành khó (thành công hay thất bại có ngay trước mặt).

-Đối với Chúa Yêsu và Luật sĩ: tha tội là quyền năng Thiên Chúa, nếu thực xảy ra. Chứ phép lạ thì những người thánh trần gian có khi cũng làm. Nếu trong thiên hạ, tội và bệnh tật có liên quan đến nhau, thì chữa lành sẽ thành dấu chỉ là tội cũng được tha nữa. (Nên để ý: Mt nói thẳng ra sự ngang trái của luật sĩ trong tư tưởng. Thay vì hiểu, thì họ kết án).

Câu 10: Vẫn là ý nghĩa của tiếng “Con Người” (dịch tiếng Hipri: Ben-Adam; tiếng Aram: bar-nâsa):

-Nghĩa thông thường: một người (vật có nhân tính).
-Nghĩa văn chương Khải huyền: Đn 7: 13t: một nhân vật bởi trời đi đến trước mặt Đấng hằng có để lĩnh lấy “quyền” trên hết các dân thiên hạ. –Lời tiên tri này được sử dụng nhiều trong Tân Ước: Mt 26: 64tt; 24: 30tt; 25: 31t (như thẩm phán); 28: 18 (không dùng chính tên). Con Người ám chỉ đến tư cách “bởi trời” của nhân vật –một nhân vật điển hình, thu lại tất cả ý định của Thiên Chúa, thuộc mọi giới khác hẳn trần gian. Chúa Yêsu dùng tước đó bao giờ cũng có ý vang ra ý nghĩa việc Ngài đang làm hay sẽ làm, chứ không cốt dạy Ngài có bản tính thế nào (Thiên Chúa hay người ta). Ngài là Con người: ấy chính là khi Ngài thực hiện dưới đất điều đã viết về Con Người trên trời. Những hoạt động dưới đất là mặc khải cái chân tướng tàng ẩn đang thi thố ra trên trời.

Quyền tha tội đó Ngài là dưới đất: đối chọi với “trên trời”. Nguồn gốc ơn tha tội là nơi trời cao, nơi Thiên Chúa. Bây giờ Thiên Chúa quả quyết rằng: bởi Ngài có mặt (bởi vì Con Người đã đến trên trần gian), thì nguồn ơn tha tội đã được chuyển tự trời xuống đất: nguồn ơn tha tội đã được đặt nơi một người lịch sử.

Câu 12: Phép lạ đã xảy ra bằng một lời nói. Dân chúng ca tụng: một sự kinh ngạc! Nhưng sau sự bỡ ngỡ đó, Mc muốn đọc ra một lời xưng đức tin: Việc Chúa Yêsu làm đích thực là hành động cánh chung do tự Thiên Chúa.

Mt 9: 8: thay vì kinh ngạc (tức là không hiểu được ý nghĩa của điều đã xảy ra) thì Mt nói: dân chúng kinh sợ, kinh hãi và tôn vinh Thiên Chúa. Mt nhắm đến thái độ phải có trong Hội thánh hơn là ghi lại một chi tiết lịch sử: kinh hãi (như người ta phải có đứng trước việc hiển linh Thiên Chúa trong quyền phép Chúa Yêsu), và tôn vinh Thiên Chúa vì Người đã ban cho người đời một quyền lực như thế. Quyền lực đó là quyền nói trong Mt 9: 6: quyền tha tội, đặc quyền của Thiên Chúa, Chúa Yêsu đã sử dụng quyền đó, Nhưng Mt lại nói ban cho “người đời” : Chúa Yêsu (số nhiều) kỳ thực đồng nhất với “một người”: Chúa Yêsu. Không nhấn đến tước hiệu Con Người, mà là đến sự kiện là một quyền riêng của Thiên Chúa nay một người là Chúa Yêsu đã được sử dụng.

Nhưng giải thích ôn thoả hơn cả: phải biết dụng ý của Mt, tức là Tin Mừng có mục đích giáo huấn cộng đoàn, nên chú trọng đến quyền Chúa Yêsu đã ban cho Hội thánh ngang qua các tông đồ. Theo nhỡn giới này, thì lời của dân chúng muốn nhắm thầm cộng đoàn tín hữu tạ ơn Thiên Chúa vì quyền ban cho Chúa Yêsu theo tư cách Con Người nay vẫn còn trong Hội thánh, nhờ những kẻ đã được Chúqa Yêsu uỷ thác.
                                                                                                                                                (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Tuesday, 27 March 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Cắt nghĩa ít đoạn tin mừng




Mc 2: 1-12/Mt 9: 1-8/Lc 5: 17-26: Người bất toại và quyền tha tội

Cắt nghĩa theo Mc:

Câu 1: Định nơi chốn việc đã xảy ra. Nhà, nói đây dĩ nhiên là nhà của Simôn Phêrô.

Câu 2: Tình hình tả trong câu này về thái độ dân chúng có khác với 1: 32-45. Trước kia người ta náo nức đi tìm một thánh nhân cao tay làm phép lạ. Ở đây, người ta tuôn tới nghe lời Ngài giảng, người ta chen đông đến đỗi không còn chỗ lách vào cửa nữa. Lời: tức là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.

Câu 3-4: dẫn vào chính truyện. Các nhân vật được tả trước tiên: 4 người khiêng một người bất toại. Hành vi của họ: trèo lên mái nhà, gỡ một mái bằng cách đào lỗ… Muốn hiểu, cần phải biết cách làm nhà của hạng thường dân tại Phalệtin thời xưa (mà thời nay cũng còn ít chỗ). Nhà thường gồm 4 bức tường (đá sắp, trét đất), một phía có trổ một cái cửa độc nhất ra vào, thấp. Trên bốn bức tường bằng nhau người ta lấy cây (kẹ, chà là) làm xà bắt ngang; rồi lấy cành cây, sậy, cỏ khô mà lòn vào khoảng trống trên một lớp đất nện kỹ. Mùa hè có thể là nơi ở được, một thứ lộ thiên. Người ta, và có khi cả thú vật cũng ở trên đó. Đầu mùa mưa, người ta thêm mái đến nhét kín các lỗ hở kẻo bị dột. Bên tường có một cái cấp đi lên. Nhà thấp, muốn thòng người bất toại xuống, thì người ta gỡ ít mảng đất, cùng ít cành cây hay sậy đi, là có một lỗ (nên để ý Lc 5: 19 tả cái nhà đó theo kiểu nhà Hy Lạp, còn Mt không có một tiếng nào về hành vi của các nhân vật).

Câu 5: Thay vì một lời quyền phép chữa lành, chúng ta có một lời tuyên bố tha tội. Liên lạc làm sao giữa tội và bịnh tật. Người Do thái thường coi hai điều liên lạc mật thiết. Chúa Giêsu ngược lại không nhận là bịnh nào cũng do bởi một tội nói rõ. Nhưng Chúa Giêsu nhìn thấu thâm tâm và biết người bất toại cần phải được tha tội.
-Lời tuyên bố tha tội: Chúa Yêsu không nói thẳng: “Ta tha tội cho con”, nhưng tuyên bố tội được tha: tức là tuyên bố nhân danh Thiên Chúa mới đích thực là Đấng tha tội. Đó là kiểu nói tránh dùng chính tên Thiên Chúa. Các tiên tri cũng có vị nói như thế. Đây hơn nữa, vì “này con”: tiếng muốn gợi nơi bịnh nhân lòng trông cậy, ngóng chờ và người bịnh: liên lạc Cha/con: Chúa Yêsu lĩnh nhận người ấy vào gia đình của Ngài, mà cũng là “gia đình” của Cha Ngài.

Câu 6-7: nghi vấn của các luật sĩ. Nên so sánh Mt/Mc/Lc. Mc mới thật là nghi vấn, tuy rằng “phạm thượng”! Tiếng này cho thấy luật sĩ đã thiên về quả quyết. Lc: quả quyết là phạm thượng, nhưng câu hỏi đem về Chúa Yêsu là ai? và còn câu trả lời sau: Chúa Yêsu là Con Người.
-Nghi vấn là sự chống của luật sĩ không nói ra bên ngoài (tuy có thể đoán nơi diện mạo); và xét bình thường thế là phải.

Việc tuyên bố “tha tội” là việc riêng quyền Thượng tế trong ngày đền tội – riêng một nơi: Đền thờ - hứa cho toàn dân: dựa trên lời hứa của Thiên Chúa cho dân – sau khi đã hoàn tất Lễ tế theo Luật dạy. Còn Chúa Yêsu tuyên bố cho một cá nhân – không phải là Thượng tế - không phải nơi chốn là Đền Thờ, nói được là bất cứ ở đâu mà không phải ngày đền tội, nói được là bất cứ thời nào, lúc nào – lại không có một lễ tế nào, nhưng chỉ có lời rao giảng của Ngài. Đạo Do thái không hề biết đến quyền tha tội cho cá nhân, ngay cả trong khi thi hành tế lễ. Chúa Yêsu cư xử như có quyền hơn thượng tế vô ngàn: nhờ Ngài, bất cứ chỗ nào và lúc nào, người ta, từng người một, có thể được thánh hoá, và ban cho cá nhân một điều chỉ dạy về toàn dân Israel.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Monday, 26 March 2012

Lm Richard Leonard sj: Hát hò ngày Lễ Lá



Sống phù hợp Đạo Chúa, người Công giáo vẫn hay hát. Hát cả khi vui, lẫn lúc buồn. “Hát là cầu nguyện, những hai lần”. Người nhà Đạo hát rất chăm. Suy tư rất nhiều. Có những bài ca làm tỉnh giấc, như bài “How Great Thou Art”, nghe chưa được chuẩn cho lắm. Chí ít, là tiểu khúc, câu 3. Như tác giả dẫn ý: Hân hoan tình Chúa rất bao la, chẳng ngại hồn đau vẫn cứ là. Là, Con Một Hiền lành theo cõi chết, Ôm trọn tội người, trọn ý Cha.
Vâng, tiểu khúc trên, dù mang cả một truyền thống ý nghĩa, vẫn coi cái chết của Đức Kitô, như hành động chuộc tội, do Cha muốn. Nhận định như vậy, tức bảo: khổ đau và sự chết của Giêsu Đức Chúa lại là giá chuộc mạng mà Ngài đã thanh trả cho bọn xấu, để ta có thể chia xẻ sự sống với Cha. Như chọn lựa, cái chết của Đức Giê-su phải được coi như hành động duy nhất làm Cha nguôi giận về tội người. Chính vì thế, mà Cha vẫn tiếp tục thương yêu loài người như khi trước.
Nghe nhạc ướt át như thế, đôi lúc làm ta sợ. Có lẽ, nên kiểm xem lời ca ý nhạc, có chuẩn hợp với nền thần học ta được dạy, không. Một đằng, thần học khẳng định rằng: tình thương yêu đặc biệt Chúa ban, rất cao sang vời vợi. Tình yêu Ngài, ngang qua mọi thăng trầm của cuộc sống, khi vui lúc buồn. Đằng khác, khi hát, ta kể nhiều về nỗi khó khăn, buồn phiền mà Đức Giê-su gánh chịu. Xem như thế, há chẳng phải ta chủ trương: Đấng Tạo Hoá đầy lòng bao dung, vẫn đẩy Người Con Thân Yêu vào nỗi chết, có tủi nhục? Há ta coi đây như phương cách duy nhất khiến Ngài hài lòng, sao?         
            Áp dụng vào xử án, đôi lúc cũng nên hỏi: quan án có để cho đương can vô tội chết lặng trong lỗi phạm? Và như thế, Đức Chúa, vị Quan Án Tối Cao, có quyền bính gì trên sự dữ/ác thần, chăng? Đây là cách duy nhất để Ngài kiểm nghiệm sự hy sinh cao cả của Con Yêu Dấu của Ngài, sao? Các vấn nạn ấy, gây ảnh hưởng lên đời sống đức tin của người đi Đạo. Đôi lúc, điều này làm ta xa vời niềm tin đích thực, lâu nay thường được nhắc nhớ, rằng: Chúa trên cao vẫn thương mọi người, dù cho con người có lầm lỡ, lỗi phạm nhiều điều.
            Ngày nay, ta nghe nhiều về các nạn nhân, không còn chọn lựa nào khác, đã rơi vào bẫy cạm của lỗi phạm. Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc ấy không do họ. Mà, do người khác đối xử không theo lẽ Đạo. Người khác, là những người có tự do trong đối xử rất “khác người”. Rất lạ kỳ. Buồn bã. Người khác đây, vẫn là người biết nhiều. Hiểu nhiều. Nhưng, đứng ở góc cạnh nào đó, ta sẽ cùng với “người khác” ấy, biểu đồng tình cho rằng: Đức Kitô là nạn nhân của thánh ý Cha. Khi Ngài chấp nhận khổ đau, và nỗi chết. Hiểu như thế, tức cho rằng: Cha vẫn muốn có hy sinh. Vẫn muốn chuộc mạng, để đổi chác lấy tội con người, hòng tha thứ? Hiểu như thế, sẽ kéo theo ngộ nhận rằng: mình là nạn nhân của Chúa, không chừng. Nếu Cha muốn Đức Kitô phải khổ và chết, thì phía ta, sao lại buồn khi lĩnh nhận thánh giá tưởng-chừng-như-là-quá-nặng?
            Suy tư theo chiều hướng này, sẽ thêm nghi ngờ, là bài Thương khó thánh Mác-cô ghi lại, có thể đã nhấn mạnh tính miễn cưỡng của Chúa khi Ngài chấp nhận khổ ải. Quả là, thánh sử có nhắc việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo, túi cơm. Làm bạn với bọn phản phé. Làm thầy những người chối bỏ sự thật, bỏ của chạy lấy người… Nhưng không thể hiểu như thế. Không thể theo khuynh hướng này. Bằng không, sẽ có người ngờ: thánh Mar-cô ám chỉ Chúa hoảng sợ trước cái chết ô nhục, gần kề. Và, trong chiều hướng ấy, sẽ nghĩ là: khi Ngài cất tiếng “Lạy Cha”, tức là Ngài kêu lên lời ai oán để cứu mình khỏi cơn buồn phiền, sao? Cuối cùng, hiểu theo chiều hướng này, sẽ có người nghĩ rằng: Đức Kitô nhận “làm theo ý Cha”, nhưng phút cuối, vẫn thấy như mình bị bỏ rơi trên thập giá? Không. Đó không phải là thần học. Suy cho kỹ, hiểu theo các chiều hướng này, chắc chắn có sai sót. Đọc kỹ, đoạn Chúa chấp nhận thánh ý Cha tại Vườn Âu Sầu, thay vì hiểu theo hướng xấu, đổ riệt mọi lỗi cho Cha, có lẽ nên coi đây như một khẳng định. Khẳng định rằng: Đức Kitô một lòng chung thuỷ với đường lối Ngài tuân theo, trong hành xử với Cha. Với con người. Ngài vẫn một mực tuân phục Cha. Tuân phục đến chết. Vẫn thương yêu con người, và yêu thương đến hơi thở cuối cùng.
            Có thế, Đức Kitô mới trấn át giới chức đạo-đời, thời bấy giờ. Ngài qui chiếu khẳng định nòng cốt này, đến nỗi họ thấy không làm gì được, ngoài chuyện ra tay ám hại Ngài. Xem thế, qua việc chấp nhận cái chết trong tuân phục, Ngài hy sinh đến phút cuối. Ngõ hầu chứng tỏ cho mọi người thấy:Ngài thương yêu loài người đến cùng. Điều này cho thấy: Chúa đã sống thực. Sống tư cách rất “người”. Vì trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền lực đen tối sự dữ/ác dẫn đến nỗi chết về thể xác. Chết rất nhục. Hôm nay, có kinh qua thống khổ của thập giá; và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá phải trả, khi giáp mặt thực trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu cầu của Vương Quốc Nước Trời. Vương Quốc bình an và công chính.
            Tuần thánh năm nay, ta cử hành tuyên xưng mầu nhiệm sống xứng hợp Đạo. Bằng vào cử hành tưởng niệm sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Chúa, ta cầu mong được chuyển thể từ tâm trạng sai lầm -nghĩ mình là nạn nhân do Chúa muốn ta hy sinh, đau khổ- để tiến tới trở thành kẻ có ý thức chọn lựa. Chọn, lối sống mẫu mực yêu thương của Chúa, Đấng suốt đời trung thành, thuỷ chung. Trung thành trong thuần phục. Thuỷ chung trong thương mến.
            Cầu và mong, cho ta biết trân quý sự sống. Vì, có trân quý, ta mới thực sự từ bỏ thái độ tiêu cực của những người luôn nghi kỵ, chống đối. Chống Vương Quốc Nước trời, ở trần gian. Ở đây. Bây giờ. Cầu và mong, ta dõi bước chân mềm của Chúa. Biết rập khuôn bắt chước lối sống thuỷ chung, trong hành xử giữa Cha và Con. Dù, sự việc có xảy đến thế nào, đi nữa. Dù, đường đời còn lắm gian nan. Khổ ải. Bởi, có Đức Kitô là mẫu mực cho sự thủy chung, tuân phục, thì dù gặp muôn vàn khổ ải đến cùng cực, ta vẫn cứ đầu cao mắt sáng, hiên ngang lên mà chúc tụng. Chúc tụng Ngài, cả vào lúc cộng đoàn kẻ tin đang sầu buồn, than khóc ngày Chúa chịu khổ nạn. Bởi, với người dõi bước theo Chúa, sẽ chẳng có gì là tang tóc. Khóc than. Tất cả, vẫn là yêu thương. Đồng cảm.
            Đạo Chúa là Đường dẫn ta đi. Đi vào đời, còn lắm gian nan. Nhưng không nhuốm mầu tang chế.    

Saturday, 24 March 2012

“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt”


Suy niệm Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay năm B


“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt”
 Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng, cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòa ra chẳng có một âm thừa
(Dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Ga 12: 20-33
            Ưu tư – chót buồn trong mắt, không chỉ là nỗi buồn của thế kỷ. Tay cầm – quờ quạng, có thể là tâm trạng của nhà Đạo, vào mùa chay. Mùa chay hôm nay, có ưu tư thoáng buồn, như tâm trạng của Đức Chúa, nơi trình thuật.  
            Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, ghi lại tình tự Chúa tỏ bày cho dân con của Ngài, để “tôn vinh Cha”. Điều mà Chúa trả lời cho người đến tìm Ngài, là: tìm Ngài, không có nghĩa chỉ nên tìm ảnh-hình bên ngoài, để nhớ vóc dáng. Như ông Zakêu, lúc đầu làm. Nhưng, “tìm gặp” Ngài, là dấn bước trọn vẹn vào với suy tư. Vào, để hiểu rõ tại sao Ngài chấp nhận khổ đau. Và, chết đi. Rồi, sống lại.
            Tựa hạt lúa miến, Chúa phải ngang qua tất cả mọi sự. Qua cuộc đời, ngõ hầu đem sự sống đến với Ngài. Với mọi người. Đây là tiến trình “tự bóc trần”, mà người Hy Lạp gọi đó là kenosis, tức: biến đổi. Biến và đổi, như hạt lúa miến. Nhìn bề ngoài, nó như bị hủy hoại. Nhưng nhờ bị huỷ, nó mới to lớn. Để rồi, sẽ làm giàu cho người khác. Nếu ta không coi và cứ chấp nhận điều đó, như cốt lõi của cuộc đời Đức Chúa, thì rõ ràng là ta chẳng thể tìm gặp và thấy được Ngài, cho đúng nghĩa.
            Và, Chúa còn đi xa hơn, khi Ngài nói: chúng ta phải suy tư về mình, như: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn, ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẽ giữ được sự sống, chốn miên trường.” (Ga 12: 25). Lời như thế, phần đông chúng ta thấy khó mà chấp nhận. Khó là bởi, ai cũng muốn chiếm hữu nhiều tiền, nhiều của. Muốn an toàn, yên ổn. Muốn bao đảm có được tương lai ngời sáng. Trong khi đó, Chúa lại bảo: chỉ khi nào chấp nhận bỏ hết mọi sự, và giữ mỗi tình yêu thương phục vụ người khác, thì khi đó, ta mới hoàn thành phần sâu thẳm, của chính ta.
            Phục vụ người khác, là đến với Chúa. Đến, để ra đi theo cung cách Ngài dạy:“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy. Và, Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó.” (Ga 12: 26) Dấn bước theo cung cách Chúa hành xử, là đi với Chúa. Và, có Mẹ cùng đi . Mẹ và ta, cùng tiến bước lên đồi ngọn Calvariô. Tiến và bước, đến bất cứ nơi đâu. Đi bất cứ chỗ nào. Đi và đến, chấp nhận mọi điều/mọi thứ xảy ra, với ta.
            Vấn đề thêm nữa, là: ta đã sẵn sàng ở vào tình huống “đi và đến” ấy chưa? Hay vẫn cứ lo sợ mọi sự xấu/ác thần, xảy đến với ta? Đi và đến, có là đòi hỏi lớn, từ Đức Chúa? Với Chúa, chuyện này cũng dễ thôi. Nhưng, với ta? Dù sao, cũng nên nhớ đến thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Do Thái, có nói rõ: “Đức Giêsu giống hệt như ta trong mọi sự, trừ tội lỗi.”
            Vậy nên, đừng nghi hoặc. Bởi, vào khi Chúa khuyên nhủ ta làm điều gì, vì Chúa cũng mang tính người như ta, nên Ngài cũng sầu buồn, lo ngại. Vì lo, mới thốt thành lời: “Giờ đây, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này?” (Ga 12: 27) Nhưng, điều Chúa muốn bày tỏ là lời cầu Ngài đã thực hiện sau Tiệc Giã Từ: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho đi chén này qua khỏi Con!” (Mt 26: 39)
            Bài đọc 2, ta thấy thánh Phaolô dùng lời lẽ rất xúc động, khi thánh nhân có thư cho giáo đoàn Do Thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức giêsu đã lớn tiếng kêu van cùng nước mắt mà dâng lên lời nguyện cầu nài xin Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết.” (Dt 5: 7)
            Mọi sự xảy đến, đều dễ xảy ra với Chúa hơn với ta. Với Chúa, chuyện chỉ xảy đến sau chuỗi ngày dài nguyện cầu, ở Vườn Dầu. Xảy vào lúc, Ngài sầu buồn đổ mồ hôi, cùng rướm máu. Hãi hùng. Hãi đến độ Ngài đã lên tiếng: “Song, không phải như ý Con, mà như ý Cha.” (Mt 26: 39) Và, thánh Phaolô, còn nói rõ hơn: “Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Và từ đó, “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai tùng phục Ngài.” (Dt 5: 9)
            Chính vào lúc Chúa hoàn toàn tuân phục Cha, thì vinh quang của Cha đã khởi sắc, ngang qua Ngài. Rất chói lọi. Và, Ngài kêu lên: “Đã hoàn tất.” Với thánh Gio-an, câu này có nghĩa: khoảnh khắc có sự chết là khoảnh khắc vinh quang, về với Cha. Hạt giống có chết, mới đâm hoa. Kết trái. Đậu quả.
            “Phần Tôi, khi được giương cao khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” (Ga 12: 32) , giương cao ở đây, ý nói: việc Đức Chúa được đưa lên cao, trên khổ giá. Đồng thời, cũng có nghĩa: Ngài được nâng nhấc về với vinh quang của Cha. Bởi thế nên, nếu ta trọn vẹn dâng cao mình cho Đức Chúa theo cung cách tương tự, thì vinh quang Chúa cũng sẽ chờ đợi, đến với ta.
            Và như thế, hôm nay ta có muốn tìm gặp Chúa, cũng không nên theo cung cách hời hợt bề ngoài. Nhưng, hãy học đòi tìm cách thức tư riêng mà nguyện cầu. Cầu, cho ân sủng Người được thấm nhập tận phần sâu thẳm, ở trong ta. Cầu và mong, những gì ta gặp thấy, sẽ trở nên thị kiến cuộc đời. Thị kiến giúp ta sống. Nhờ Chúa nâng cao, để mọi sự trôi qua đi, là vì tình thương yêu Ngài dành hết cho mọi người. Để, gọi mời ta cùng với Ngài đi chung một lối. Đi cùng mọi người.
            Ta cũng hãy nguyện cầu, để có được lòng quả cảm và tín thác. Tín thác như Ngài đối xử với Cha. Tức, cần khám phá ra nhiều thứ. Khám phá, để rồi cuộc sống, niềm hạnh phúc và sự tuân phục giúp ta đi vào hành trình. Ở nơi đó, ta sẽ gặp thấy qui cách khiến mọi việc trôi chảy. Để Chúa hoạt động, nơi ta. Và cho ta.      

Thursday, 22 March 2012

Lm Richard Leonard sj: Là Tội Của Nữ Phụ Thôi Sao?



Trình thuật hôm nay, kể về người nữ phụ ngoại tình. Truyện rất gọn. Kể thông thoáng. Như phim kịch. Thoạt đầu, người nghe tưởng chừng như đang chứng kiến vị Thẩm phán Công Minh, lâu nay quên sót các lỗi lầm loài người từng phạm, trong quá khứ. Đang ngồi ghế xử án. Vào vụ xử hôm nay, Vị Thẩm Phán Công Minh, tuyệt nhiên không quên lỗi phạm của ai, nhưng Ngài vẫn công bằng xử sự theo đậm sắc mầu tha thứ. Thứ tha, bằng phán quyết chung cuộc thật sắc nét: “Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị. Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm lổi”. “Hãy về đi”, là phán quyết gửi đến với hết mọi người. Ở mọi nơi. Ngay bây giờ.
Về lầm lỡ/lỗi phạm, ai mà chẳng hơn một lần vướng víu hay khúc mắc. Những vướng mắc, vì phái bè Pharisêu - Luật sĩ không áp dụng đúng luật, họ đề nghị. Chỉ dàn dựng sơ sài để gài bẫy, cộng với trò chơi khăm, giăng mắc bẫy. Cứ sự thường, trong các vụ như thế, nếu vi phạm luật lệ đáng giáng bổ hình phạt ném đá như mọi người; nhưng, sao ở đây chỉ đơn độc có mỗi nữ phụ phải gánh chịu? Tất cả đâu rồi, sao không thấy “nguyên đơn”? Mà, chỉ có mỗi bên “bị”? Biến cả đâu rồi, ai là người chứng? Không người chứng, vụ án có là vụ xử theo cung cách hình sự, rất công minh? Phải chăng, đây chỉ là bẫy cạm. Là, trò chơi trội với Đức Chúa? Bẫy cạm, vì chỉ muốn xem Ngài xử thế ra sao, để giở trò công kích?
Vâng. Trò giăng mắc bẫy cạm, xét cho cùng, người La Mã đã cho phép lề luật Do Thái ném đá nữ phụ nào ngoại tình  - chứ ai nào dám đụng tới nam nhân. Là trò, ném đá xử phạt cho đến chết. Ở đây, lại thêm một bất công nữa, từ lề luật rất trọng nam khinh nữ? Khinh, người thấp hèn. Coi rẻ, kẻ mù chữ. Mù, về luật pháp, làm sao kiếm được người biện hộ. Tìm đâu ra người bào chữa. Đỡ nâng? Chí ít, là khi mình ở thế oan nghiệt? Thay vào đó, giới luật sĩ vẫn chễm chệ chơi trò áp đảo. Ngồi lên trên cả luật pháp. Luật, của “đua chen, lọc lừa”. Dối trá.
Nguời nữ phụ bị bêu rếu trong vụ xử hôm nay, là ảnh hình phản chiếu tâm trạng có những “lặng im sóng đời trôi nổi”, như chúng ta. Cả phái bè Luật sĩ/Pharisêu lẫn con dân nhà Đạo, đều đã hơn một lần, từng phạm lỗi. Lỗi phạm, không vì phản chống xã hội do lề luật có bất công. Nhưng vì không có lòng yêu thương. Tha thứ. Đầy trắc ẩn.
Trình thuật hôm nay cho thấy: Đấng Công Minh Nhân Hiền đâu chối bỏ chuyện: nữ phụ ngoại tình, thật sự đã phạm lỗi. Chị phạm lỗi thật đấy, nhưng lỗi ở đây, đâu xuất phát từ mình chị. Ngoại tình là hành động xúc phạm của hai người. Và, ít nhất một trong hai, là kẻ đã yên bề gia thất. Ngoại tình, là hành động phạm pháp phản chống sự tin tưởng vào tương quan giữa hai người. Có nghĩa vợ và tình chồng. Ngoại tình, là hành xử bất công đối với người vô tội. Phía bên kia. Tính nghiêm trọng nơi lỗi phạm ngoại tình, không chỉ là hành động đơn thuần dục tính. Nhưng, còn là vi phạm công bằng phải có đối với người phối ngẫu, phía bên kia.
Truyện kể hôm nay, còn một yếu tố quan trọng tuy không bộc phát ngay bên ngoài, nhưng cũng bao hàm ý tưởng, cho rằng: người nữ phụ là tội phạm chưa xác chứng, nhưng vẫn bị lôi ra trước pháp đường, như quân cờ thí trong trò chơi giăng bẫy. Của, phái bè Luật sĩ, với Pharisêu. Phái bè, nay những muốn đưa Đức Yêsu vào tròng, hầu có cớ đả kích: “Theo luật Môsê, chúng tôi phải ném đá người này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Lâu nay, phái bè Luật sĩ - Pharisêu vẫn lên án Đức Kitô ăn chung ngồi chạ với đám người tội lỗi. Nếu bị coi là phạm luật Môsê, Ngài ắt không phải Đấng Thiên Sai, cũng chẳng là Đức Chúa, như môn đồ quả quyết.        
            Phản chống trò chơi giăng bẫy, Đức Giêsu không trả lời. Vẫn “lặng im bên sóng đời trôi nổi”, Ngài chỉ dùng tay viết xuống. Viết xuống cát, không là tuồng chữ của người phàm, Ngài mặc nhiên từ chối trò chơi giăng bẫy, họ giăng mắc. Một trong các thách đố Ngài đưa ra trong vụ xử, là: ai tự cho mình là người trong sạch luôn giữ luật Môsê, hãy thi hành án lệnh ấy trước. Chính đây là bài học Ngài dẫn dụ: chỉ những người trong sạch mới có quyền lên án kẻ khác. Nói tóm lại, Ngài dư biết “sóng đời trôi nổi”, có “những lọc lừa giả dối”. Hợm hĩnh. Xa hoa và quáng mù”,  như hồi nào.  
            Cuối cùng, những người-tưởng-rằng-mình-trong-sạch đều bỏ đi, còn lại mỗi mình Đấng Công Minh đang quyết phán với người nữ, đại diện cho tội phạm: “Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị.” Đã không lên án người có tội, Ngài còn ra đề nghị: “Hãy về đi, và từ nay đừng lỗi phạm.” Qua vụ xử, những người-cho-đi-là-có-tội ở trình thuật hôm nay, cho thấy: ý đồ của phái bè Luật sĩ – Pha-ri-sêu, là muốn nhân cơ hội để chối bỏ Thiên tính của Đức Chúa. Đối với họ, đây là dịp thuận lợi để đưa Đức Chúa vào tròng. Đầy cạm bẫy. Rồi từ đó, có đủ chứng cớ đưa Ngài tới đoạn đầu đài, vào phút chót. Đối ứng với thái độ chống lại lòng yêu thương của họ, Đức Giêsu ra đề nghị: hãy về với cội nguồn. Và, tạo cơ hội sám hối. Hoàn tục. Và, chuyển đổi cách sống cho phù hợp với tình yêu thương trìu mến. Thay vì lên án người lầm lỡ, Đức Chúa đã cứu vớt. Phục hồi. Và, đem đến cho họ cuộc sống mới mẻ. Sống vui tươi. Sống lành mạnh. Sống đầy tình người.
            Ghi lại câu truyện về người nữ phụ phạm lỗi hôm nay, thánh Gioan đưa ra một chứng cứ xác thực, quyết rằng: dù ở tình huống lỗi phạm, ta vẫn còn con đường giải thoát. Trước mặt. Con đường ấy, không mang sắc mầu tiêu cực, hoặc hủy hoại. Nhưng rất tích cực. Tích cực, trong chữa lành. Tích cực, qua tha thứ.
Con đường ấy. Cơ hội ấy, chính Đức Kitô đã mở ra cho người nữ phụ, vốn cũng phạm lỗi như bao người khác. Con đường ấy, luôn rộng mở với mọi người. Để, tất cả nhận ra: chúng ta vẫn vượt qua “sóng đời trôi nổi”. Vẫn ở trên, và ở xa tình huống “bon chen”. Lọc lừa. Giả dối. Không lý gì, đến “xa hoa”. Hợm hĩnh. Hoặc, “quáng mù”, nữa. Nhưng, vẫn hy vọng tiến lên. Tiến, về phía trước. Về, với con đường của cuộc sống. Cuộc sống, có niềm vui hãnh tiến. Và, an bình đích thực.
            Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu và mong Đức Chúa giúp ta hồi hướng trở về, dù đã lỗi phạm nhiều lần. Hồi hướng, để thay đổi cách ta nhìn về cuộc sống. Nhìn con người, bằng ánh mắt thương yêu. Tha thứ. Tha thứ, có vỗ về. Đùm bọc. Dù, đã hơn một lần gục ngã trong bùn đen vi phạm. Hoặc, lầm lỡ. Sa đọa.
            Cầu và mong sao cho ta không còn chú ý đến quá khứ, của chính mình. Của người khác. Không chú tâm đến những lầm lỡ họ mắc phải. Để rồi, sẽ quên đi. Quên, như Đấng Công Minh Nhân Hiền đã quên hết các lỗi phạm, của mọi người. Quên đi, chỉ chú trọng đến cuộc sống hiện tại. Một hiện tại rất thực, mời gọi mọi người về với sống lành. Sống mạnh. Sống yêu thương, và tha thứ. Yêu thương, như người kiến tạo hạnh phúc. Cho nhau. Tha thứ, cả cho người phạm lỗi, đối với mình, nữa.

Richard Leonard sj
            Mai Tá phỏng dịch

Tuesday, 20 March 2012


Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Ơn tha tội

Có ít tiên tri Cựu Ước đã loan báo rằng vào thời cánh chung, Thiên Chúa sẽ ban xuống ơn tha tội (Yr 31: 34; Ez 36: 25-32; 37: 23; Ys 40: 1-2; 53: 25; 44: 22; 54: 7-10; 55: 7). Cần thiết phải nhận định ơn đó lờn lao chừng nào: Ai nào có thể tha tội được, phi trừ có một Thiên Chúa” (Mc 2: 7). Đó là ơn lạ lùng hơn cả, một ơn mà chỉ có thể Thiên Chúa mới ban được thôi.

Chúa Yêsu bảo ít người rằng Thiên Chúa đã tha tội cho họ: người bất toại (Mc 2: 5), người phụ nữ tội lỗi (Lc 7: 48), một cách tương đương nơi ông Zakêu (Lc 19: 9t), người trộm lành (Lc 23: 42t). Điều đó chứng tỏ Nước Thiên Chúa có đó, với ơn tha thứ các tiên tri đã báo trước.

Nhưng Nước cũng lại là sẽ đến, Chúa Yêsu cũng đặt ơn tha tội ở vị lai: liên kết với sự chết của Ngài (Mc 10: 45; Mt: 26: 28), với sự sống lại của Ngài (Lc 24: 47; Yn 20: 23). Ngài là ơn cứu rỗi đại đồng, các việc Ngài làm mới chỉ là tiên hưởng phần nào.

Không có ơn huệ nào lại nhưng-không bằng. Chỉ có Thiên Chúa mới nảy ra ý kiến. Nhưng Người không thi hành ơn huệ đó, nếu người ta không tham dự vào bằng một sự ứng đáp đích thân mình. Những truyện Chúa Yêsu tuyên bố ơn tha thứ, đều cho thấy phần của người ta: lòng tin (Mc 2: 5), sự hối cải do bởi tin và yêu mến của người phụ nữ (Lc 7: 44-50); việc tiếp đón của Zakêu và sự bồi thường công quyết định (Lc 19: 1-10), sự thành thực và kêu xin của người trộm lành (Lc 25: 40-42)… Chúa Yêsu có nói đến những điều kiện Thiên Chúa đã đặt để được Người tha tội: sự tha thứ lỗi lầm cho đồng loại (Mt 6: 12, 14-15; 18: 22-35), sự thành thật, khiêm nhượng hối cải (Lc 18: 9-14). Không phải là Chúa Giêsu giảm bớt tính cách nhưng-không của ơn huệ nơi Thiên Chúa: ơn tha thứ không phải là ơn mua được. Nhưng cũng như trên kia: Thiên Chúa kính trọng sự tự do của người ta, đến đỗi Người không muốn làm gì nơi người ta, nếu chính người ta lại không muốn.

Ít câu hỏi:  Tìm trong các chương Tin Mừng kê trên ý nghĩa của ơn Thiên Chúa tha tội. Nhất là tìm cách sống ơn tha tội đó trong những việc xưng tội.

-Làm sao các chương đó cho thấy ơn tha tội là một ơn của Chúa Kitô?
-Làm sao các chương đó cho thấy ơn tha tội là một ơn cánh chung, một ơn trong Hội thánh (chứ không chỉ là một cách vỗ về lương tâm cá nhân).
-Ta phải chung phần vào ơn tha tội làm sao, trong lòng tin, yêu mến và hối cải?

Chúa Yêsu đã tỏ cho ta thấy cái khôn nạn của ta. Không có tiên tri nào đã đi sâu vào tình cảnh khốn nạn đó bằng Ngài, vì không có ai đi xa hơn Ngài vào lòng yêu mến Cha và các anh em của Ngài. Chỉ có Ngài mới đem đến ơn tha tội: Ngài mở cửa Nước Trời cho ta.

                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Monday, 19 March 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Hậu Quả Của Tội




III. Những Hậu Quả Của Tội

Đạo Do thái thời đó để một tầm quan trọng lớn vào những hình phạt tội lỗi. Những sách ngụy thư (văn chương Do thái ngoài sách thánh) vui thích tả những hình khổ của những kẻ phải hư đi đời đời; các hình phạt đó đối với họ là một sự rửa hận của Thiên Chúa và cũng sự báo oán cho dân Chúa chọn.

Những ám chỉ của Chúa Yêsu về hình phạt đời sau cũng có nhiều. Chúa Yêsu nói đến hỏa ngục (geenna, gehenna) Mt 5: 22-29/ Mac 9: 43; Mt 10: 28/ Lc 12: 5; Mt 23: 15.33), lửa đời đời (Mt 5: 22; 18: 9; 13: 40-42; 18:8; 25: 41; Mc 9: 43.45.47.48), tối tăm bên ngoài (Mt 8: 12; 22: 13; 25: 30). Lc 16: 23-26 tả dài hơn cả về thế giới bên kia. Trong các loạt xuất xứ đó, ta nên để ý Chúa Yêsu dè dặt biết bao. Không đâu có sung sướng, cả hình khổ như thói thường của người ta (nhất là nơi các sách ngụy thư nói trên kia).

Hỏa ngục đối với Chúa Yêsu là gì? Một sự thất bại, sự “đánh mất” những người đáng lẽ được cứu rỗi, sự phung phí điên rồ về những ơn huệ đã ban cho họ. Ngài nhấn đến sự hư đi, sự uổng mất chứng tỏ Ngài lấy việc hư đi đó như một vết thương nơi lòng Ngài, sự bồn chồn về số phận những kẻ không muốn được Ngài cứu lấy họ: ơn cứu rỗi không phải là một hạnh phúc cưỡng ép được!

Nhưng về những kẻ bị hư đi, Chúa Yêsu cũng không muốn làm thỏ tính tò mò của người ta. Ngài không hề nói về số lượng bao nhiêu (coi Mt 20: 16 “được chọn thì ít” (văn bản không chắc) 22: 14: “được chọn thì ít” nhưng lại sau một ví dụ có nghĩa khác! Mt 7: 13-14: “cửa hẹp” người vào thì ít, nhưng không nói đến hậu quả cuối cùng).

Hoả ngục là một mầu nhiệm: Mầu nhiệm của sự tự do, quyền hay khả năng của ta từ khước lòng Mến của Thiên Chúa.

Ít câu hỏi:

-Ta có gặp những ý nghĩ, những thái độ không đúng về hoả ngục không? (từ chối không nhận có hoả ngục nhân danh sự công bằng Thiên Chúa, nhân danh lòng yêu mến của Thiên Chúa – những cách trình bày hoả ngục hẹp hòi, thiển cận, hay có tính cách phục thù…)

-Những đoạn Tin Mừng sửa chữa làm sao các ý nghĩ hẹp hòi, những tưởng tượng hoang đường, những tâm tình không trong sạch? (quan điệm Chúa Yêsu về hoả ngục).

-Đạo lý về hoả ngục làm sao lại là một sự nhìn nhận sự cao trọng của người ta?  
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


Thursday, 15 March 2012

“Chơi vơi trong khí hậu, chín từng mây,”


Suy Niệm Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay 18.03.2012
             Trình thuật thánh Gioan hôm nay, kêu gọi mọi người hãy cải hối. Hối cải, trong tuân giữ mọi điều răn. Điều răn hôm nay, Thầy Chí Thánh chú trọng đến tình thương đặc biệt, rất đặc biệt:“Thương yêu Thầy, sẽ được Cha của Thầy yêu mến.” (Ga 3: 21).

            Trình thuật, nay cũng đề cập một lúc hai chủ đề: hăng say cải hối/ yêu mến giữ giới răn. Ở bình diện cao hơn, thánh Gio-an có nói: Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngài trở nên nhân-tố cứu độ của Chúa Cha. Ngài cứu độ, không phải duy nhất cho phạm nhân nào đó, từng nên tội. Mà, toàn bộ tình huống đầy lỗi phạm, của thế trần. Chúa nhật hôm nay, còn là Chúa nhật Hồng, nhằm dẫn dắt ta đến gần hơn, vào với ơn cứu độ, rất đích thực.     

            Trình hôm nay, thánh sử lại đã so sánh Đức Chúa với Môsê. Cả hai đấng, là nhân-tố trong chương trình cứu độ, cho dân Ngài. Cụ thể, là Do Thái dân xưa cũng từng phiền than/oán trách cảnh huống mình hứng chịu. Chính vì thế, Môsê mới giơ cao “rắn đồng trên gậy”, như được kể trong Cựu Ước: “Nếu rắn cắn nhằm ai, người ấy cứ trông lên rắn đồng này, là được sống.” (Ds 21: 9)

            Thánh sử còn thấy nơi đây, cũng một ảnh hình việc Chúa nâng cao chính mình Ngài, như rắn đồng. Với thánh Gio-an, “nâng cao” ở đây, bao gồm việc Ngài tự nâng chính Ngài trên thập giá. Và cả, việc Ngài được tự nhấc mình lên cao với Chúa Cha. Trong quang vinh. Vĩnh hằng. Bằng vào tiến trình cứu độ trọn vẹn, ai tự nâng nhấc/ngước mình lên với Chúa qua tin yêu/giùm giúp, sẽ lĩnh nhận cuộc sống vĩnh cửu, Ngài hứa ban. Và, cuộc sống thân thương Nước Trời như thế, sẽ không bị lấy đi.

            Ở đây, tất cả đều là dấu hiệu chứng tỏ tình yêu của Đức Chúa. Tình yêu Ngài, được thể hiện qua việc Cha hy sinh Người Con của Ngài, để con người hưởng được cuộc sống an vui, vĩnh cửu. Đức Chúa chấp nhận hy sinh, là để cứu/chữa, chứ không phải để phê bình/lên án thế giới loài người. Quả vậy, chẳng người nào tự nhấc mình đặt để nơi vòng tay yêu thương của Đức Chúa, mà lại bị phê bình, lên án. Và, cũng chẳng khi nào là “quá trễ” để ta đặt mình vào động thái tự nâng nhấc, trong niềm tin yêu, của Nước Trời.

            Trái lại, ai khước từ, dù chỉ một niềm tin thôi, cũng sẽ bị lên án ngay khi đó. Việc lên án, không nhằm đeo đuổi hướng nhắm những người đang theo niềm tin nào khác. Đạo khác. Tín ngưỡng khác. Hoặc, cả đến thị kiến khác, về cuộc sống. Việc phê bình/lên án chỉ xảy ra, đối với ai cương quyết chọn bóng tối, hơn là lựa sự sáng. Chọn bóng tối, tức: sống đời tệ bạc, có những hành vi phi luân lý. Như: giận hờn, ghét ghen, thay vì yêu thương. Hận thù/trả đũa, thay vì tha thứ. Hoặc, như: tham lam bạc tiền/vơ vét của cải, thay vì san sẻ. Nhận thật nhiều, cho thì ít. Ít cho, những gì liên quan đến sự sống. Ít cho, những gì mình trân quý.

            Chúa Tình Yêu trọn vẹn, Ngài không phê bình/lên án, bất cứ ai. Người bị kết tội, thật ra, chỉ vì đó là chọn lựa của chính họ. Chọn tha hoá, tách rời khỏi Tình Thương Yêu của Đức Chúa. Và, thánh Gio-an còn viết: “Ai tự mình làm điều xấu xa gian ác, ắt sẽ ghét bỏ ánh sáng”, và sẽ chọn những gì là tối tăm. 

Ai sống trung thực, biết tôn trọng phẩm giá con người, ắt không sợ ánh sáng. Chẳng có gì phải giấu diếm. Chẳng có gì phải hổ ngươi. Có mặc cảm. Người sống trung thực, sẽ là “muối trong đời. Là, thành luỹ ở đồi cao. Là, nến ngọn chiếu sáng, đặt trên đèn. Nhờ có thế, người người thấy được điều tốt lành từ nơi họ. Sẽ cùng họ, tiến về cùng Chúa.         
      
Tuy thế, cũng có loại hình tối tăm khác, trong đó con người vẫn lặn ngụp. Tối tăm, là những tủi nhục rất tăm tối, trong tình đời. Là sự việc tốt lành mình muốn sẻ san, nhưng chưa dám. Là, làm việc gì vì người, và cho người, vẫn chưa dám. Chưa, vì sợ ngườ ingười lên án. Phê bình. Sợ bị từ chối. Sợ, người đời chế giễu, mỉa mai. Cũng tựa như trường hợp không người nào dám đến ủi an/đỡ đần cô gái trẻ mới vừa phát giác ra mình đã mang thai, mà không chồng. Hoặc, không có cưới hỏi, ở nhà thờ. Và tự thân, cô cũng chẳng dám chuờng mặt cùng chòm xóm. Với thành viên gia đình. Với thành phần của Hội thánh Chúa, nữa.

Tệ hơn nữa, là trường hợp của những người “đồng tính luyến ái”. Bị người đời khinh chê/ghét bỏ. Đành lủi thủi trong tối tăm, tách biệt. Tách, hết mọi người. Biệt, cả với bạn bè, người thân.

Đó, mới chỉ là hai trong số các trường hợp cụ thể, dễ nhận thấy. Ở đây nữa, tác nhân của tối tăm/sự dữ, lại là người ngồi mát ăn bát vàng. Chỉ biết những chê bai. Lên án. Bình phẩm. Chính những người, cũng đang trong cảnh tranh tối/tranh sáng của những tối tăm/sự dữ. Những thành kiến. Huý kỵ. Và ghét ghen. Thông thường, đây là triệu chứng của những hãi sợ và bất an. Trong nội tâm.

Bài đọc 2, gợi nhớ người đọc về mọi sự tốt lành của ta/ở trong ta. Đó là ân huệ Chúa tặng ban. Quà Chúa ban, chẳng có gì để mình phải vênh váo, và kể công. Tốt lành của ta/ở trong ta, chính là tốt lành/trọn hảo do Ngài toả chiếu. Ngang qua ta, mà thôi.

Nay, ta hãy ngước nhìn về Đức Chúa, Đấng đang nâng cao chính mình Ngài, trên thập tự. Trong vinh quang. Hãy nhìn vào Tình Yêu cao cả Chúa luôn ban. Tình yêu ấy, vẫn sáng rực ở trên đó. Hãy mở lòng mình, với Tình Yêu. Và, để cho Tình Ngài thấm nhập thân mình, hầu đem lại sự sống cho mọi người.

Ánh sáng nơi ta phải sáng rực chiếu sáng mọi người. Chiếu sáng, như Chúa vẫn dặn dò. Ngài dặn kỹ, nơi Bài Giảng về Phúc Thật, ở trên núi. Rực sáng, để người người thấy điều tốt lành, ta đang làm. Có như thế, người người sẽ được đưa dẫn về với Tình Yêu Thương cao cả, của Đức Chúa. Đấng vẫn ban cho ta nhiều ân sủng, mới được thế.
Lm Frank Doyler sj
Mai Tá phỏng dịch 

Monday, 12 March 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Nguồn Mạch Tội Lỗi




II. Nguồn Mạch tội lỗi

Chúa Yêsu xác định rõ rệt:

-Satan “cám dỗ” (Mc 4: 15; 14: 38; Mt 6: 13; 12” 43-45; 13: 25; Lc 22: 31). Coi trình thuật cám dỗ Mt 4: 1-11: những lệch lạc về sứ mạng Mêsia. Những chỗ nói đến Satan: không dùng hình ảnh tượng trưng, luôn nhấn vào quyền tự do của người ta.

-Sự lên đới của người ta trong tội lỗi. Sự từ khước Chúa Yêsu: một sự kiện đoàn thể (coi Mt 11: 20-24; 23: 37-39; Lc 19: 41-44; 23: 28-31): một thế hệ ngoại tình (Mc 8: 38; Mt 11: 16-19; 12: 34, 39-42, 45; 16: 4)- nhưng cũng có những kẻ có trách nhiệm riêng (Mc 12: 1-9) tá điền vườn nho (Mc 12: 38-40; Lc 11: 46, 53; Mt 23), những kẻ lĩnh đạo (Mt 15: 14; 23: 16; 24).

-Nhưng tiên vàn mọi sự: trách nhiệm mỗi người: phán xét về công việc của mình (Mc 3: 35; Mt 7: 21-23. 24-27; 12: 33-37; Lc 13: 6-9). Nhưng không phải Chúa Yêsu lại muốn có một hình thức bề ngoài khác: đòi hỏi của Thiên Chúa đến cả trong kín ẩn (Mt 6: 3-4; 6: 17t), “con mắt” (ý định) là điều làm cho đời sống có giá trị (Mt 6: 22t), hay nói cách khác: lòng” (Mc 7: 14-23; Mt 12: 34t): Tội ở chính nơi quyết định tự do của người ta.

Suy nghĩ: Khởi từ các khúc đó, tìm cách lĩnh hội ý tưởng của Chúa Yêsu về trách nhiệm của người tội lỗi.

-Tội có một kích thước xã hội (một sự kiện đoàn thể). Có phải nhiều khi điều đó trở nên một sự chữa mình không? Có thể dẫn ra một vài nố không? Hay cũng là lý phải châm chước cho tội nhân?

-Làm sao tính cách xã hội đó làm cho người tội lỗi có ý thức mắc tội trọng hơn không?
-Sự nghiêm nghị vạch tội ra nơi lời Chúa Yêsu có phải là bởi vì Ngài bi quan? hay khinh nhân loại?
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)