“Chúng ta đã tạo ra thế giới như vậy.”
Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới dưới mức hoàn hảo, trong đó đau đớn, bệnh tật, khổ sở là những thực tế rõ ràng; nếu không thì, thế gian đã là thiên đàng. Một số những vấn đề này là do chúng ta tự tạo ra nhưng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa.
Tựa đề của chương này là lấy từ vở ca nhạc kịch lừng danh của Robert Bolt được dựng theo cuốn phim The Mission. Mẩu đối thoại cuối cùng trong phim là của vị đặc sứ tòa thánh, Hồng Y Altamirano. Sau khi đã cho phép lực lượng xâm lăng Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha được xâm chiếm các cơ sở dòng Tên trên các thác nước và bắt giữ nhiều người Guarani làm nô lệ, Hồng Y Altamirano giờ đây đã nhận ra tầm mức của sự hủy diệt gây ra từ hậu quả của cái quyết định mà ông đã tự do chọn lựa. Ông Hontar, đại sứ Bồ-đào-nha, an ủi hồng y Altamirano rằng: “Chúng ta phải xuôi chiều theo thế giới này, thưa Đức Hồng Y. Thế giới này là như vậy đó thôi.” Và Hồng Y Altamirano đáp rằng: “Không, thưa ông Hontar. Chúng ta đã tạo ra thế giới như vậy … chính tôi đã tạo ra thế giới như vậy.”
Ở phần trước quyển sách này có nhận xét là các triết gia và thần học gia thường hay phân chia những sự dữ khác nhau thành nhiều thể loại khác nhau: thể lý, luân lý, và siêu nhiên. Những sự phân chia này có tầm quan trọng đúng đắn trong giới học thuật, nhưng không có ý nghĩa chi mấy đối với những người bình dân ngoài đường phố. Sự dữ hiện hữu, và ít nhất thì Thiên Chúa đã cho phép nó hiện hữu. Từ xưa bao giờ cũng có những trùng lặp lẫn nhau giữa các thể loại này, nhưng chưa bao giờ trùng lặp nhiều như ngày nay. Với sự hỗ trợ của các ngành khoa học và truyền thông, chúng ta đang thấy được tầm mức của việc cuộc đời của chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào, và ảnh hưởng đến thế giới được tạo dựng ra sao. Vẫn còn một số người, thường là người vô thần, cho là: “Tất cả quý vị đều tin vào một Thiên Chúa của tình yêu, vậy mà vẫn có những nạn đói kém và những cuộc chiến tranh. Tôi sẽ tin vào Thiên Chúa của quý vị khi nào những điều này chấm dứt.” Ở đoạn sau tôi sẽ trở lại với việc Thiên Chúa phải chịu phần nào trách nhiệm về một thế giới như thế này, nhưng trong đoạn này tôi muốn nói về sự trùng lặp giữa sự dữ luân lý và sự dữ thể lý. Nạn đói là một ví dụ rõ rệt nhất.
Cứ mỗi khi xảy ra một nạn đói kém trên thế giới, thì một số người sẽ nói rằng: “Làm sao mà Chúa lại có thể để cho việc đó xảy ra?” Đôi khi chính chúng ta cũng nghĩ giống như vậy. Các con số thống kê về nạn đói thì thật là kinh khủng. Chúng ta có đủ lương thực trên thế giới để nuôi sống một số lượng ước tính lên tới 6,7 tỷ người đang sống trên hành tinh này. Vậy thì việc sản xuất lương thực không phải là vấn đề. Vấn đề là nằm ở việc phân phối lương thực, công cụ sản xuất lương thực, và tình hình chính trị và xã hội ở những nơi mà đa số con người sinh sống. Tổ chức Liên Hiệp Quốc nói rằng có 5,5 tỷ người sống ở những nơi mà tổ chức Ngân Hàng Thế Giới xếp vào loại “các nước đang phát triển”, nghĩa là, vào khoảng 82 phần trăm của gia đình nhân loại. Ngân Hàng Thế Giới nói rằng có ít nhất 80 phần trăm tổng số nhân loại đang sống ở mức 10 Mỹ-kim một ngày hay ít hơn, và rằng tổ chức G-20, bao gồm hai mươi quốc gia giàu có nhất trên thế giới, chiếm hữu ba phần tư tổng số tài sản trên toàn thế giới.
Không thể nào mà có những con số đáng tin cậy tuyệt đối, nhưng trong một thế giới mà chúng ta có thể nuôi sống tất cả mọi người, tổ chức UNICEF ước lượng mỗi ngày có 16 ngàn trẻ em bị chết vì đói. Con số đó có nghĩa là cứ mỗi phút trong một ngày thì có 11 trẻ em chết đói. Và con số này chưa kể tới người lớn. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể thấy sự dữ luân lý đã lấn ranh sang sự dữ thể lý ra sao, không chỉ theo nghĩa thời tiết mà thôi. Đa số các trận đói kém ngày nay không còn đơn thuần là do hạn hán hay lụt lội gây ra. Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp Thế Giới nói rằng sự nghèo khó nói chung, sự thiếu dân chủ, các trận nội chiến, sự giao dịch bất công trong thị trường quốc tế đều là những yếu tố dẫn đến các nạn đói, không kém chi các yếu tố thời tiết, nếu không muốn nói là còn hơn các yếu tố thời tiết. Cho nên, khi người ta hỏi, “Tại sao Thiên Chúa lại để cho nạn đói xảy ra, tại sao Thiên Chúa lại để cho con người bị chết đói?” thì tôi tưởng tượng rằng Thiên Chúa đang lắc đầu mà trả lời đầy nước mắt là, “Tại sao các con lại để cho nạn đói xảy ra, tại sao các con lại để cho anh em đồng loại bị chết đói?” Trong đa số các quốc gia giàu có trên thế giới, các cuộc tranh cử đều nhằm vào việc cải thiện kinh tế, nhưng những người sở hữu ít nhất thì rất hiếm khi được nhắc tới. Trong số chúng ta có ai nhớ được một ứng cử viên nào mà được đắc cử hay không đắc cử do chính sách của người đó về việc phát triển thế giới thứ ba hay không? Lần cuối cùng mà chúng ta được nghe một bài diễn văn chính trị quan trọng hay một cuộc biện luận tranh cử về việc có bất cứ đảng phái chính trị nào sẽ làm điều gì cho 80 phần trăm dân số thế giới, những người tuy không có lá phiếu trong các cuộc bầu cử của chúng ta, nhưng sự sống chết của họ lại có thể phần nào tùy thuộc vào kết quả những cuộc bầu cử đó, là vào lúc nào? Có khi nào chúng ta đã đặt câu hỏi xem các vị dân biểu của mình có những chính sách gì nhằm giúp chấm dứt cảnh nghèo đói nói chung, chấm dứt sự thiếu dân chủ, chấm dứt nội chiến, chấm dứt sự giao dịch bất công trong thị trường quốc tế, cho tất cả con cái Thiên Chúa, hay chưa?
Ở điểm này Thiên Chúa đã bị biến thành cái bia đỡ đạn thật tiện lợi, nhưng rõ ràng là trái banh đang ở trong sân chúng ta. Trong một thế giới mà tất cả mọi người đều có thể được no đủ, thì tại sao lại có người bị chết đói? Chúng ta đã chọn cho thế giới trở nên như vậy. Quả thật, một số nhà kinh tế học làm việc trong lãnh vực này đã thất vọng mà đi đến mức nói rằng khối G-20 cần làm cho thế giới trở nên như vậy và đã tổ chức thị trường quốc tế theo chiều hướng đó. Bất kể những nguyên nhân chi tiết là gì, sự dữ ở đây là do con người tạo ra, và chúng ta sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về điều đó. Và vì do sự tiếp cận dễ dàng với nhiều hình thức truyền thông khác nhau, chúng ta sẽ không thể nào mà thưa với Thiên Chúa rằng ta không biết gì về tầm mức của vấn đề hay không biết gì về sự đồng lõa của chúng ta trong đó. Sự không hiểu biết không thể làm lý do biện hộ cho chúng ta. Tương tự, điều đó cũng đúng với những ví dụ khác nữa: sự thoái hóa môi trường, sự căng thẳng của từng cá nhân và của cả xã hội, sự thiếu hành động để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta chọn để cho thế giới trở nên như vậy, và rồi đổ lỗi cho Thiên Chúa về những hậu quả tiêu cực gây ra từ những quyết định của chính chúng ta.
Dĩ nhiên, trong truyền thống Ki-tô Giáo, chúng ta thường hay được nhắc nhở về bổn phận của mình đối với người nghèo, với anh chị em đồng loại, và bổn phận đóng góp cho các hội từ thiện. Tôi biết trong nhiều gia đình Công Giáo, các tổ chức Công Giáo, và ngay cả trong hàng giáo sĩ, việc đọc kinh tạ ơn trước bữa ăn đã đang dần dần không còn được thực hiện. Tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc. Tôi thường hay được mời đến các gia đình dùng cơm tối, và khi người đầu bếp mời những người lớn trong nhà ngồi vào bàn, thì đám trẻ trong nhà đã ngồi xuống và đã bắt đầu ăn uống trước khi người lớn kịp ngồi. Trước cảnh này, người mẹ hoặc người cha trong gia đình sẽ nói, “Các con đợi một chút, Cha sắp đọc kinh đó.” Đứa con 16 tuổi ngẩng lên và nói: “Sao mình lại phải đọc kinh? Nhà mình có bao giờ đọc kinh đâu. Tại sao mình lại bày đặt đọc kinh khi có mặt ông cha ở đây?” Tôi không bao giờ ngại ngùng chút nào rằng sự có mặt của tôi đã nhắc cho người khác nhớ cái việc mà tôi nghĩ là chúng ta phải nên làm trước mỗi bữa ăn: dâng lời cảm tạ vì những của ăn trên bàn và cầu xin rằng năng lượng từ của ăn đó sẽ giúp chúng ta có sức mạnh biến đổi thế giới thành một nơi công bình hơn cho tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi. Đó là lời nhắc nhở mỗi ngày ba lần rằng chúng ta đang tạo dựng cái thế giới thực tại này đây.
Truyền thống thứ hai của chúng ta là đóng góp tiền của cho hội từ thiện, nhất là các hội từ thiện Công Giáo chuyên hoạt động để xóa bỏ gánh nặng nghèo đói qua những giá trị tương tự như những giá trị làm động lực trong đời sống chúng ta. Những hội từ thiện Công Giáo tốt nhất, chẳng hạn như hội Caritas, sử dụng số tiền quyên góp vào việc hành chánh ít nhất, và ủy thác cho các địa phương công việc chọn lựa những quyết định tốt nhất và minh bạch nhất về việc sử dụng tiền quyên góp vào việc gì, và bằng cách nào. Việc phát triển và thực thi đức bác ái Công Giáo không phải là những công việc phụ trội không bắt buộc trong đời chúng ta, theo kiểu thích thì làm không thích thì thôi. Đức bác ái này nhìn nhận là bổn phận quảng đại đóng góp của chúng ta phải gia tăng với những ơn phúc mà ta được lãnh nhận.
Mặc dù vậy, nhưng đó vẫn là sự thật rằng Thiên Chúa phải gánh phần nào trách nhiệm về cái thế giới mà ta đang sống. Thiên Chúa đã cho phép những sự dữ xảy ra. Như đã trình bày ở phần trước, tôi không quan tâm chi mấy đến những suy diễn về việc có phải đây là cái thế giới tốt đẹp nhất có thể được tạo dựng hay chăng. Đây là thế giới mà ta có, và tôi chấp nhận nó như một nơi chốn mà trong đó chúng ta sử dụng ý chí tự do của chúng ta để kiến tạo nó thành một thế giới tốt nhất mà ta có thể có. Bằng những sự lựa chọn của chúng ta, ta có thể biến nó thành tốt đẹp hơn, hay để mặc cho nó ngày càng suy đồi. Nhưng ở đây tôi muốn đưa ra một luận điểm. Một số người nói về thế giới với những lời lẽ khiến cho tôi phải kết luận là họ muốn thế giới này hoàn hảo. Ít nhất là trong thần học Công Giáo, thì thế giới hoàn hảo đó đã là thiên đàng,
Và rồi, trong cái thế giới dưới mức hoàn hảo này, chúng ta sử dụng ý chí tự do của mình mà, như ta đã biết qua những kinh nghiệm bản thân và xã hội, có thể là con dao hai lưỡi nơi những gì mà nó đem lại cho ta, cho những người khác, và cho toàn thể thế giới. Ý chí tự do là một ơn phúc trọng yếu đối với nhân loại bởi vì nếu như Thiên Chúa một bên ban cho ta ý chí tự do, và bên kia thì tạo ra một thế giới hoàn hảo để ta vận dụng ý chí tự do đó, thì có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ được thấy thành quả của những sự chọn lựa đúng đắn của mình, hay hậu quả của những chọn lựa sai lầm. Và điều này dẫn tôi đến quyền năng của Thiên Chúa, hay nói chính xác hơn, cách thức mà Thiên Chúa có thể sử dụng quyền năng đó trên thế giới.
Giờ đây chúng ta hãy xem xét những điều này: khoa thần học truyền thống cho rằng Thiên Chúa là duy nhất, không đổi dời, không do bất cứ một hữu thể nào khác tạo thành, có tính siêu việt, có quyền năng tuyệt đối, thông biết mọi sự, hiện diện ở khắp mọi nơi, thánh thiện và yêu thương hết thảy mọi loài mọi vật. Tôi công nhận tất cả những điều này, nhưng hai điều sau cùng thì tôi muốn sống chết gì cũng phải bảo vệ trong bất cứ cuộc tranh luận nào về sự dữ.
Nếu như Thiên Chúa bỏ đi ngủ một giấc hay làm một chuyến du lịch đi xa khỏi thế giới, như một số nhà thần học Do-thái cho là trường hợp đã xảy ra trong giai đoạn 1939 – 1945, thì chúng ta thật sẽ gặp rắc rối ghê gớm lắm. Điều này có nghĩa là thế giới sẽ sa vào tình trạng rơi tự do hết một lúc lâu, và điều đó cũng có thể giải thích việc tại sao mà vào ngày 23 tháng Mười năm 1998, Thiên Chúa đã ngủ gục trên tay lái bánh xe thế giới, trong khi chị tôi đang tỉnh táo trước tay lái chiếc xe của chị. Tôi không thể tưởng tượng được là điều đó lại là sự thật. Nếu vậy thì Thiên Chúa có vẻ lười biếng hay lơ là quá đi mất. Tôi cần phải bám víu vào sự thật là Thiên Chúa luôn luôn hiện diện với chúng ta như một người đồng hành trong những thăng trầm của cuộc sống và cái chết. Đây chính là tín lý Công Giáo về việc đầu thai làm người. Thiên Chúa muốn gần gũi chăm lo cho chúng ta đến nỗi, và cũng để cho chúng ta được yêu thương và được gìn giữ khỏi sự dữ và khỏi chính chúng ta, Người đã trở nên một với chúng ta trong thân xác phàm nhân. Trên thế giới chỉ có Ki-tô Giáo là tôn giáo duy nhất đã khẳng định sự thật phi thường này.
Yếu tố thứ hai trong bản chất của Thiên Chúa mà tôi nghĩ là chúng ta cần phải nhấn mạnh trong cuộc thảo luận này là sự thánh thiện và tình thương yêu của Thiên Chúa. Chúng ta đã thử tìm hiểu điều này trong chương một, nhưng Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô không có một bộ mặt xấu xa, thù hằn, đen tối. “Thiên Chúa là tình yêu”, thánh Gio-an bảo chúng ta như thế. Tình yêu định nghĩa bản chất của Thiên Chúa, tình yêu được diễn tả bằng một hình thức nhân thể nơi con người của Đức Giê-su, và tình yêu được sống động trong những hoạt động luôn tiếp diễn của Đức Chúa Thánh Thần, đấng là nguồn linh hứng cho những hoạt động, những cân nhắc lựa chọn, và những công trình của tình yêu nơi chúng ta.
Vì vậy, đấng Thiên Chúa duy nhất đó, đấng mà như chúng ta đã thấy trong phần trước, phải có tính không-đổi-dời – nếu không thì chúng ta sẽ không thể nào mà biết mình đang đứng ở đâu – phải không do bất cứ một hữu thể hay một quyền năng nào khác tạo nên, và phải có tính siêu việt. Điều này đưa chúng ta đến quyền năng và tri thức của Thiên Chúa. Tôi không có vấn đề gì khi nhìn nhận rằng Thiên Chúa, tự chính mình Người, là quyền năng tuyệt đối và thông biết mọi sự. Quả thật, tôi cần Thiên Chúa đích xác là như vậy. Chứ nếu mà có một Thiên Chúa có khuyết điểm trong những điều này thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Chứ nếu mà Thiên Chúa không phải là như vậy, thì tôi nghĩ là tôi sẽ muốn đánh đổi Thiên Chúa đó để lấy một kiểu mẫu Thiên Chúa khác, thuộc đời mới hơn và hoàn hảo hơn. Vấn đề không phải là ở khả năng thông biết mọi sự và quyền năng biến hóa của Thiên Chúa, mà là ở chỗ quyền năng và trí năng của Thiên Chúa được sử dụng ra sao đối với thế giới, đối với chúng ta, và trong việc này thì tôi thấy mình đi khác hướng với những lập luận truyền thống về tri thức của Thiên Chúa, hay việc Thiên Chúa toàn trí toàn thức và quyền phép vô biên.
Có hai cách mà tôi thấy giúp ích cho việc tìm hiểu Thiên Chúa có thể biết những gì và có thể làm những gì. Cách thứ nhất là chấp nhận rằng Thiên Chúa không biết những gì không-thể-biết, và không làm được những gì không-thể-làm. Nếu như có điều gì ngoài tầm hiểu biết hoặc ngoài tầm thực hiện, thì phải chăng điều đó đúng đối với Thiên Chúa cũng như đối với chúng ta? Trong những cuộc tranh luận phổ thông, người ta sẽ nhanh chóng đáp lại giả thuyết đó rằng: “Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa. Người thông biết mọi sự và có thể làm bất cứ việc gì”. Nếu đó là sự thật, thì những gì không-thể-biết là có-thể-biết, ít nhất là đối với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã chọn không chia sẻ điều Người biết ngay cả với những người có vẻ là cần biết nhất; và những gì không-thể-làm là có-thể-làm, ít nhất là đối với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã quyết định không hành động gì cả, ngay cả khi sự thụ động của Người đem lại những hậu quả tai hại cho chính những người tin tưởng vào sự hiện diện và tình yêu của Người. Nếu không thì thay vào đó, có những điều mà Thiên Chúa không biết và không thể làm bởi vì Thiên Chúa đã muốn chọn như vậy. Tôi công nhận rằng đây là một điều đi xa khỏi tín điều truyền thống của Ki-tô Giáo về bản chất của Thiên Chúa. Nhưng tôi thấy có vẻ như cách diễn tả của thần học truyền thống đã phải đánh đổi đi mất một phần nào lòng quan tâm và tình yêu thương của Thiên Chúa, và có thể phần nào mất đi cả sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, chỉ để có thể duy trì luận điểm về quyền năng vô biên và trí năng vô biên của Thiên Chúa – vậy tôi xin nêu lên một ví dụ của loài người để chứng minh tính khả dĩ trong lý luận của tôi.
Với nguy cơ nhân hóa Thiên Chúa, nghĩa là, cho rằng Thiên Chúa có hình thể và bản chất giống như loài người, ví dụ của tôi là về cha hay mẹ của một thiếu niên. Một người cha hay người mẹ yêu thương của một thiếu niên 17 tuổi rất có thể là muốn che chở đứa con trai hay con gái của mình khỏi những sự đau khổ buồn phiền có thể xảy đến trong đời bằng cách tìm biết hết tất cả mọi sự đang diễn ra trong cuộc đời đứa con của mình và bằng cách liên tục can thiệp ngay vào đời con mình mỗi khi thấp thoáng có dấu hiệu gì không ổn. Mặc dù là những bậc cha mẹ này có thể là có vẻ rất yêu thương con cái và luôn hiện diện trong đời con mình, nhưng thường thì, đứa con của họ sẽ thiếu chín chắn khi nó trải qua giai đoạn cuối của thời kỳ trưởng thành, thiếu sự chuẩn bị để làm người trưởng thành do những sự kềm chế chặt chẽ ngột ngạt dù là với thiện ý của cha mẹ. Sự trưởng thành của đứa con đó sẽ bị chặn đứng. Thực tế là, ít nhất trong xã hội Tây phương, trong mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái ở độ tuổi thiếu niên, sẽ có lúc tới một mốc điểm thời gian mà lúc đó cha mẹ phải để cho con cái tự quyết định chuyện của chúng, phải không biết hết thảy những gì đang diễn ra trong đời con mình, và phải ngưng can thiệp mỗi khi có dấu hiệu gì không ổn. Việc này có thể là khó khăn và thậm chí là rất đau lòng cho các bậc cha mẹ, nhưng quyết định giới hạn quyền năng và giới hạn những gì cha mẹ biết thì không phải là do ác ý, hay có nghĩa là cha mẹ không còn quan tâm tới con cái nữa, nhưng thật ra là hoàn toàn ngược lại – bởi vì cha mẹ quan tâm lo lắng cho con cái đến mức họ chấp nhận là những người trẻ tuổi cần biết rằng chúng được cha mẹ hỗ trợ và có cha mẹ đồng hành trên bước đường thám hiểm thế giới của riêng chúng.
Nếu điều này là đúng cho những người cha người mẹ yêu thương con cái bậc nhất trên trần gian này, thì tại sao nó lại không thể đúng cho mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa? Từ xa xưa thần học đã chấp nhận rằng Thiên Chúa xem chúng ta là những người trưởng thành, rằng chúng ta không phải là những con búp bê, là những món đồ chơi của Thiên Chúa. Vì vậy, khi đối xử với chúng ta, và khi nâng đỡ chúng ta đạt đến khả năng tột đỉnh của ta, Thiên Chúa có thể thông biết mọi sự, nhưng lại chọn không biết, và có thể luôn can thiệp vào mọi sự, nhưng lại chọn không can thiệp. Những giới hạn về tri thức và quyền năng do chính Thiên Chúa tự áp đặt này, không phải là do ác ý, nhưng là do tình yêu dành cho chúng ta và do mong ước của Thiên Chúa muốn thấy chúng ta được trưởng thành.
Nếu như điều này là đúng trong thế giới siêu nhiên, vậy nó có thể được áp dụng vào mối quan hệ với Thiên Chúa trong thế giới vật chất hay không?
Khoảng một thời gian trước đây, Học Viện Khoa Học Giáo Hoàng ở Rô-ma đã mời nhà vật lý lý thuyết người Anh, giáo sư Stephen Hawking, đến diễn thuyết tại hội nghị thường niên của viện tại Vatican. Do lãnh vực chuyên môn của giáo sư Hawking là ngành vũ trụ học và trọng lực lượng tử, ông là người đã nghiền ngẫm nhiều hơn hầu hết mọi người về trật tự của vũ trụ. Theo chính ông thừa nhận, ông không phải là một tín đồ Ki-tô Giáo cổ điển. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Reuters, giáo sư Hawking nói rằng ông “không phải là người theo tôn giáo trong ý nghĩa thông thường … Tôi tin là vũ trụ vận hành theo những định luật của khoa học. Những định luật này có thể là do Thiên Chúa an bài, nhưng Thiên Chúa không can thiệp vào để phá vỡ những luật đã định.” Khi văn bản của cuộc phỏng vấn này được phát hành vào khoảng thời gian giáo sư Hawking đến Vatican, một blogger đã diễn tả một quan điểm được phổ biến rộng rãi khi đáp lại quan điểm của giáo sư Hawking: “Nếu như Thiên Chúa có quyền năng để định ra những luật đó, thì chắc hẳn là Người cũng có quyền năng tương tự để phá bỏ chúng. Có nghĩa là, Thiên Chúa vượt lên trên những định luật đó.” Vâng, trong một ý nghĩa nào đó, tôi cho rằng bạn có thể lý luận là Thiên Chúa có thể làm như vậy, nhưng tại sao Thiên Chúa lại an bài những định luật vật lý làm chi để rồi cứ luôn phá bỏ những định luật đó? Điều đó có thể có nghĩa là Thiên Chúa cứ bạ đâu thì chế ra luật đó, tới đâu hay tới đó, nhưng điều đó chẳng gieo vào lòng chúng ta chút tin tưởng gì vào Thiên Chúa. Chúng ta bị biến thành một trò thí nghiệm tới thí nghiệm lui. Thần học truyền thống tin rằng Thiên Chúa có thể làm bất cứ điều gì không đi ngược lại với bản chất của Người – chẳng hạn như phạm tội, và không có tính mâu thuẫn – chẳng hạn như tạo ra một tảng đá mà Thiên Chúa không nâng lên nổi. Song song với việc này là, nếu như Thiên Chúa có thể định ra luật và rồi có thể phá luật, vậy thì, trong một khía cạnh nào đó, tôi ước chi Thiên Chúa đã phá bỏ thật nhiều luật, đã nhúng tay can thiệp để cho hết thảy những người vô tội không còn phải chịu đau khổ từ những sự dữ thể lý. Người blogger đó đã nhanh nhảu bênh vực cho quyền năng của Thiên Chúa nhưng lại làm giảm nhẹ tình yêu và bản chất bất biến của Thiên Chúa.
Bất kể Thiên Chúa có thể làm điều gì, quan điểm của giáo sư Hawking là một quan điểm hợp lý căn cứ theo những cấu trúc vật lý có thể phỏng đoán được của vũ trụ mà chúng ta đã có khả năng khám phá được từ trước đến nay. Tuy nhiên, để làm cho vị blogger trên đây được vui lòng, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa có thể phá luật, nhưng Người đã chọn không làm như vậy. Sự tự chế này, dĩ nhiên, lại là một rẽ hướng khác đi xa khỏi thần học truyền thống nhưng không nhất thiết phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối của Thiên Chúa, mà là một biểu lộ của một sức mạnh kinh ngạc. Thiên Chúa không cần phải khoe khoang. Người không cần sự chấp thuận của chúng ta. Và dường như là quyền năng của Thiên Chúa vĩ đại đến mức – và cũng có thể tình liên đới của Thiên Chúa với chúng ta bền chặt đến mức – Người đồng hành với chúng ta trong chặng đường hữu hạn này với một tình yêu chín chắn dành cho chúng ta, Người chọn không biết mọi sự và không can thiệp vào mọi sự.
Vậy còn những phép lạ thì sao?
Rằng những phép lạ thật sự có xảy ra là điều ngoài vòng tranh cãi, nhất là trong những lãnh vực bệnh tật được chữa lành về mặt thể lý, tâm lý, và tâm linh. Trong tín lý Ki-tô Giáo, người tín hữu được đòi buộc phải tin rằng phép lạ thật sự có xảy ra, và rằng tác giả của phép lạ là Thiên Chúa. Cũng giống như nhiều Ki-tô hữu đang cùng bước trên đường lữ hành mà tôi được quen biết, tôi cũng có cùng niềm tin và cùng niềm quan tâm đúng mức vào các phép lạ giống như họ. Tuy nhiên, tôi không tin rằng phép lạ xảy đến từ ngoại tại. Tôi tin rằng Thiên Chúa biến hóa phép lạ từ nội tại con người. Tôi không có một ý niệm nào về việc Thiên Chúa “xẹt” người ta bằng một quyền năng lạ lùng huyền diệu. Một ý tưởng như vậy có thể giáng cấp Thiên Chúa xuống ngang hàng với một ảo thuật gia đang thu phục lòng ngưỡng mộ của một đám khán giả bị mê hoặc trong phù phép và chỉ mong chờ được xem thấy màn ảo thuật kỳ diệu kế tiếp. Một trong những điều trục trặc với khuôn mẫu này là, những người xứng đáng được ban phép lạ nhất mà tôi biết, chẳng hạn như chị tôi, thì lại dường như không bao giờ được gọi lên cái sân khấu linh thiêng kỳ diệu đó. Tôi còn bác bỏ “khuôn mẫu ảo thuật” này vì lý do tôi không thể tìm thấy khuôn mẫu đó nơi những hành động của Đức Giê-su. “Niềm tin vào các dấu lạ” trong Tin Mừng của thánh Gio-an được xem là loại đức tin yếu kém hơn hết. Nếu phép lạ chỉ đơn giản là một vấn đề về quyền năng của Thiên Chúa, vậy thì tại sao Đức Giê-su đã không thể thực hiện phép lạ bất cứ vào lúc nào và bất cứ ở nơi đâu? Các tác giả thánh kinh thường giải thích nguyên do là vì người ta “thiếu lòng tin” – thế nhưng chính sự thiếu lòng tin này mới khiến có các điều kiện tiên quyết khác để cho phép lạ xảy ra.
Ngành khoa họa nghiên cứu não bộ hiện đại chỉ mới bắt đầu có những am hiểu sơ khởi về những tính chất tổng quát của não bộ, và về tiềm năng hồi phục của nó sau khi bị tổn thương. Tôi nghĩ rằng phép lạ xảy ra khi một số các tiềm năng hồi phục này được não bộ tiết vào cơ thể. Đối với một số người, việc lãnh nhận phép xức dầu bệnh nhân và việc đặt tay lên người làm mở khóa cho những tiềm năng này. Đối với một số người khác, đó có thể là một cuộc hành hương đến một nơi thánh thiêng, một ý nguyện cá nhân hay một lời chuyển cầu, hay lòng sùng kính một vị thánh. Hoặc đối với một số người theo thế tục hơn mà tôi được biết họ đã từng trải qua một phép lạ, đó là một cuộc thay đổi hoàn toàn cách sống, cách ăn uống, và thực hành phương pháp thiền định. Điều này có thể phần nào giải thích tại sao Đức Giê-su có thể làm một số phép lạ này mà lại không thể làm những phép lạ khác, và tại sao, khi ở Bết-xai-đa, Đức Giê-su đã phải làm tới lần thứ hai mới chữa hẳn cho người đàn ông bị mù bẩm sinh. Thậm chí đối với một số người thì một cuộc gặp gỡ Đức Giê-su hay một cái chạm vào áo Người cũng không đủ để phép lạ xảy ra, trong khi đối với một số người khác thì chỉ cần có lòng ao ước từ chủ của họ hay bạn của họ là đã đủ hiệu quả cho họ thay đổi khỏe mạnh trở lại. Bởi vì Ki-tô hữu sẵn sàng chấp nhận rằng sự tiến hóa của não bộ con người là một trong những thành tựu lớn nhất của Thiên Chúa, cho nên Thiên Chúa, trong tất cả mọi khía cạnh, chính là tác giả của những phép lạ kỳ diệu. Vậy thì chỉ còn câu hỏi là phép lạ của Thiên Chúa từ đâu mà đến. Phép lạ không chỉ đến từ ngoại tại. Tác giả Brian Doyle, trong phần “Grace Notes – Luận Bàn Phép Lạ” trong quyển sách “Leaping: Revelations and Epiphanies” của ông, đã nắm bắt những ý tưởng tương tự: “Chúng ta cho rằng phép lạ xảy đến cứ như một chiếc xe cứu thương, một kiểu giao hàng vừa-kịp-lúc, một kỵ binh thần thánh vô hình đang phóng lên một ngọn đồi hiểm trở, một điệu nhạc jazz phóng ra từ cái loa lóng lánh của đấng tạo hóa, nhưng có thể là phép lạ đang sống trong người chúng ta và được khởi động bởi những căn bệnh thần kinh. Có thể là chúng ta có đầy phép lạ trong người. Có thể là chúng ta đầy ắp những phép lạ trong người.”
Phép lạ thật sự có xảy ra, nhưng tôi nghĩ các nhà viết cốt truyện cho cuốn phim Bruce Almighty đã được linh hứng khi họ đặt những lời sau đây vào miệng Thiên Chúa: “Làm rẽ nước trong chén súp của con không phải là phép lạ đâu, Bruce à, đó chỉ là một trò ảo thuật thôi. Một bà mẹ đơn chiếc đang phải đầu tắt mặt tối làm việc hai ca, mà vẫn kiếm ra thì giờ chở đứa con trai đi dợt banh, đó mới là một phép lạ. Một đứa trẻ mới lớn biết nói ‘không’ với ma túy và biết chọn con đường học vấn, đó mới là một phép lạ. Người ta cứ muốn Ta làm mọi sự cho họ. Điều mà họ không nhận ra là chính họ có cái năng lực đó. Con muốn thấy một phép lạ phải không, con trai của Ta? Vậy thì con hãy làm phép lạ đi.”
Trong vấn đề này, cũng như trong hầu hết mọi vấn đề khác, tất cả đều tùy thuộc vào cách chúng ta nhận ra các dấu chỉ. Lấy một ví dụ như trong câu chuyện dã tưởng rằng có một dạo kia, vào nhiều thế kỷ trước, khi vị giáo hoàng thời đó quyết định là tất cả mọi người Do-thái phải rời khỏi thành Rô-ma. Dĩ nhiên, cộng đồng Do-thái bùng lên chống đối. Thế là vị giáo hoàng đặt một điều kiện. Ngài sẽ có một cuộc tranh luận về tôn giáo với một thành viên trong cộng đồng người Do-thái. Nếu người đó thắng, thì người Do-thái được ở lại Rô-ma. Còn nếu giáo hoàng thắng, thì người Do-thái phải ra đi. Cộng đồng Do-thái thấy là họ không có con đường nào khác để chọn lựa. Nhưng vấn đề là không ai chịu đứng ra tranh luận với vị giáo hoàng kia. Người tình nguyện duy nhất là một người nghèo, chất phác, già nua tên là Moishe vẫn thường giữ việc mở cửa giảng đường vào mỗi tối thứ Sáu. Vì không quen nhiều lời, ông Moishe chỉ xin thêm một điều kiện trong cuộc tranh luận là không bên nào được phép mở miệng nói. Vị giáo hoàng bằng lòng.
Đến ngày diễn ra cuộc tranh luận, Moishe và vị giáo hoàng ngồi đối diện với nhau. Giáo hoàng giơ lên một cánh tay và đưa ra ba ngón tay. Ông Moishe nhìn giáo hoàng và đưa ra một ngón tay. Giáo hoàng quơ bàn tay thành một vòng quanh đầu mình. Moishe trỏ xuống mặt đất chỗ ông đang ngồi. Giáo hoàng lấy ra một miếng bánh mì và một ly rượu. Ông Moishe lấy ra một trái táo.
Giáo hoàng đứng dậy và nói: “Ta chịu thua. Người này giỏi quá. Dân Do-thái có thể ở lại Rô-ma.”
Sau đó, vị giáo hoàng giải thích chuyện gì đã diễn ra: “Ta giơ ba ngón tay tượng trưng cho Chúa Trời Ba Ngôi. Hắn đáp lại bằng một ngón tay để nhắc Ta rằng chúng ta đều tin tưởng vào cùng một Thiên Chúa. Rồi Ta quơ tay xung quanh đầu để nói rằng Thiên Chúa luôn ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Hắn đáp lại bằng cách trỏ xuống đất, ý nói Thiên Chúa đang hiện diện ở ngay đó. Ta đem ra một miếng bánh và một ly rượu để nói rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta phép Thánh Thể. Hắn đem ra một trái táo để nhắc ta về Tội Nguyên Tổ. Ta làm sao hắn cũng có cách đáp lại được. Vậy Ta còn đố gì được nữa?”
Trong khi đó, ông Moishe giải thích cho các học giả Do-thái làm thế nào mà ông đã thắng cuộc tranh luận không-thể-thắng đó. Ông nói: “Ờ, đầu tiên thì giáo hoàng nói dân Do-thái có ba ngày để cuốn gói ra khỏi thành Rô-ma. Tui nói ổng là không một người nào chịu đi đâu cả. Rồi ổng nói là thành Rô-ma sẽ sạch bóng dân Do-thái. Tui nói ổng là dân tụi mình vẫn cứ ở ngay đây.” “Rồi sau đó ông làm sao mà kết thúc cuộc tranh luận đó?”, các vị thầy giảng hỏi ông Moishe. Ông Moishe đáp: “Tui đâu có biết. Thiệt là kỳ lạ hết sức: ổng đem đồ ăn trưa của ổng ra, thì tui cũng đem đồ ăn trưa của tui ra!”
Vậy thì, điều hệ trọng là phải nhận ra các dấu chỉ thời đại trong cái thế giới kém hoàn hảo của chúng ta với một cách nhìn phân định đúng đắn xem trách nhiệm thuộc về ai. Có nhiều người phải chịu trách nhiệm lắm. Thiên Chúa chịu trách nhiệm về việc cho phép cái thế giới này được tiến hóa, mà trong sự tiến hóa đó những tác động của sự dữ luân lý và sự dữ thể lý có thể tạo ra những điều bất công phi lý. Nhưng Thiên Chúa không chịu trách nhiệm trong việc chúng ta đã gạt bỏ những quyết định khó khăn – những quyết định mà lẽ ra đã giúp biến đổi thế giới thành một nơi công bình hơn và hợp lý hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta vẫn cứ mãi không chịu hành xử như trong một gia đình của Thiên Chúa. Trước sự bướng bỉnh ương ngạnh này, không có chi ngạc nhiên khi chúng ta đi tìm một đấng thần thánh để đem đổ gánh nặng tội lỗi về sự thiếu ý chí đấu tranh chính trị cũng như thiếu tình đoàn kết tương thân tương ái trong xã hội của chúng ta.
“Chúng ta đã tạo ra thế giới như vậy … chính tôi đã tạo ra thế giới như vậy.”
No comments:
Post a Comment