Chúng ta được mời gọi tự nguyện đáp lại tình yêu của Thiên Chúa,
chứ không bị ép buộc hay bị nhồi sọ.
Thánh ý Thiên Chúa thiên về tổng thể hơn là tiểu tiết.
Tôi tha thiết tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa. Chỉ là thường thì thánh ý Thiên Chúa hay được khám phá trong toàn cảnh bức tranh hơn là trong các đường nét tiểu tiết. Tôi cho rằng Thiên Chúa thuộc loại thiên về tổng thể. Tôi xin được giải thích như sau.
Suốt thời đi học tôi luôn được theo học ở các trường Công Giáo. Bọn học trò chúng tôi rất thường hay cầu nguyện về chuyện thánh ý của Thiên Chúa. Điều này lại càng đúng hơn khi các cha linh hướng về ơn gọi đến trường để hỏi xem chúng tôi có ai được ơn gọi đi làm linh mục hay làm tu sĩ hay không. Vào những dịp đó, trong đám học trò sẽ có một số đứa thành khẩn cầu nguyện là: “Chúa ơi xin Chúa đừng gọi con đi làm linh mục.” “Xin đừng bắt con đi làm ma-sơ.” “Xin đừng đẩy con đi làm tu sĩ.” Cái cách mà ơn gọi của Thiên Chúa được giải thích cho chúng tôi là, đầu tiên thì Chúa gọi bạn, và nếu bạn nghe tiếng gọi đó, hay cảm nhận được lời gọi đó, thì bạn phải đáp lại, nếu không thì Chúa sẽ giận lắm và bạn sẽ bị khốn đốn lắm, bởi vì bất kể điều gì mà bạn chọn để làm trong đời, thì điều đó cũng không phải điều mà trước đó Chúa đã mời gọi bạn làm. Trong giới Công Giáo, lối suy nghĩ này hầu như chỉ được áp dụng riêng cho những ơn gọi vào vai trò thánh hiến trong giáo hội. Thật lạ lùng là cách nghĩ đó không bao giờ được áp dụng cho những ơn gọi sống đời độc thân hay sống đời hôn nhân.
Cách giải thích đó về ơn gọi thì thật là hạn chế. Người đáp tiếng gọi dường như không có tự do gì mấy khi đáp lại lời mời. Họ được gọi, và thế là thế, họ phải đáp lại, cho dù trong lòng có muốn hay không. Tôi nghĩ tôi đã từng gặp các linh mục và các tu sĩ sống ơn gọi theo kiểu này. Họ tưởng là làm ơn cho Chúa nhiều lắm khi gia nhập vào hàng ngũ tu sĩ, nhưng kể từ đó lại luôn tỏ ra buồn khổ không có lối thoát. Nhưng bởi vì Chúa đã gọi họ, vậy họ còn có thể làm gì khác hơn được? Chẳng may thay, họ lại đem trút sự buồn khổ đó lên không biết bao nhiêu là những trẻ em hay những người lớn mà họ phụ trách mục vụ, lên cả những người linh mục hay những tu sĩ tội nghiệp cùng sống trong nhà dòng với họ. Họ thật sự muốn được ở một nơi nào khác, được làm một việc gì khác, và được làm một người nào khác. Khi chứng kiến những tai hại mà cách sống ơn gọi của họ đã gây ra, tôi nghĩ chẳng thà họ đi nơi khác, làm việc khác, hay làm người khác, thì hơn.
Sâu thẳm tận đáy lòng, bạn phải thật sự mong muốn được thành hôn với người bạn đời của mình, hay phải thật sự mong muốn sống đời độc thân suốt cả đời, hay thật lòng muốn làm ma-sơ, hay làm tu sĩ, hay làm linh mục. Thánh Ignatius Loyola, vị sáng lập dòng Tên, từng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa hoạt động trong những ước muốn của chúng ta, và thánh hóa những ước muốn đó. Nếu như chúng ta không thích những ơn gọi mà chúng ta đang suy xét tìm hiểu, thì chúng ta sẽ cảm thấy phiền muộn khổ sở lắm, và tôi không hiểu làm sao mà Thiên Chúa có thể lấy đó làm điều vui mừng cho được, hay làm sao mà chúng ta có thể an tâm là mình đã chọn đúng con đường cho được. Thật là điều khó tin, nhưng tôi đã gặp một số các tu sĩ và các linh mục xuất sắc – những người này nói rằng họ đã chẳng bao giờ muốn đi tu cả, và đáng lẽ đã chẳng bao giờ chọn con đường đi tu, vậy mà sự thật là, những tác vụ của họ đã chứng tỏ họ là những tu sĩ ưu tú. Bất kể vì lý do phức tạp gì đi chăng nữa, và với tất cả lòng quý trọng của tôi đối với họ, tôi nghĩ rằng họ có thể là đang tự lừa dối mình, và rằng tự thẳm sâu trong bản thể của họ, họ thật sự muốn được làm một tu sĩ hay một linh mục. Họ đã chọn đúng đường của mình.
Ngay cả trong câu chuyện truyền tin, Đức Ma-ri-a không hề bị bắt buộc phải nói tiếng “xin vâng” với vị sứ thần báo tin. Mặc dù có ơn vô nhiễm nguyên tội, nhưng nếu như Đức Ma-ri-a không có quyền tự do để chọn “bằng lòng” hay “không bằng lòng”, thì tiếng “xin vâng” đó không có nghĩa lý gì cả. Nếu không có quyền tự do chọn lựa, thì Đức Ma-ri-a đã là nạn nhân của Thiên Chúa, chứ không phải là gương mẫu cho chúng ta trong việc cộng tác với Thiên Chúa, ngay cả khi tiếng “xin vâng” đó đã làm Mẹ mất hết tất cả mọi sự. Tiếng xin vâng của chúng ta đôi khi cũng gây ra những mất mát tương tự.
Tương tự như vậy, nếu như cô dâu chú rể không được tự do và không chủ tâm khi chọn nhau làm vợ chồng, thì giáo hội tuyên bố rằng cuộc hôn nhân của họ là bất thành sự. Sử dụng quyền tự do chọn lựa và hiểu biết mình đang chọn lựa điều gì, với hết khả năng của ta, là điều quan trọng chính yếu trong đặc tính của hôn nhân. Nếu như điều này là đúng với ơn gọi sống đời hôn nhân, thì nó cũng đúng với tất cả những ơn gọi khác của cuộc đời. Có thể điều đó không dễ dàng chi cả. Chúng ta có thể sẽ phải vất vả với nó. Nhưng thực tế là chúng ta phải chọn nó, và trong quá trình tìm hiểu suy xét xem ta thật sự muốn gì, mong ước điều gì, thì chúng ta khám phá ra thánh ý Thiên Chúa. Nếu chúng ta bị ép buộc, hay bị sợ hãi mà không dám chọn những con đường khác, mà thật vậy nếu như chúng ta không có con đường nào khác để chọn, thì chúng ta sẽ không phải là đang thực hiện một sự lựa chọn tự do và chủ ý, và thế là sự đáp ứng lời mời gọi của chúng ta bị mất giá trị.
Vì vậy, ở một mức độ nào đó, tôi không nghĩ rằng Thiên Chúa bận tâm chi cả về việc tôi là một tu sĩ dòng Tên hay là một linh mục. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa muốn tôi thực hành những đức tính thần học là đức tin, đức cậy, và đức mến (1 Cr 13), và, hơn thế nữa, Người muốn mỗi một người chúng ta đều phải áp dụng hoa quả của Chúa Thánh Thần trong tất cả mọi việc ta làm: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5:22). Lời kêu gọi này là không phải chỉ dành cho tôi, mà là cho tất cả con cái của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi; đó là lý do tại sao một chiều kích không thể tránh khỏi trong đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là phải kiến tạo hòa bình. Chúng ta có thể thấy thấp thoáng sự hình thành vương quốc của Thiên Chúa ở đời này, cũng như ở đời sau, bằng cách xây dựng một cộng đồng trong đó tất cả mọi người có thể thể hiện được hết những tiềm năng của họ trong việc sống cuộc đời xứng đáng với ơn gọi thực thi đức tin, đức cậy, và đức mến. Không có một khuôn vàng thước ngọc nhất định nào đã được đúc sẵn trên trời cho cuộc đời của tôi. Bằng thời gian và không gian, bằng bản chất và ơn phúc Chúa ban cho tôi, tôi cộng tác với Thiên Chúa để tận dụng những khả năng của tôi, ngay cả khi điều đó bao gồm việc phải làm những chuyện khó khăn, gian khổ, hay hy sinh. Sự đáp lời này không phải là do lòng sợ hãi hay do bị cưỡng bách, nhưng là do tình yêu và lòng ao ước.
Thử thách lớn nhất của những đề xướng cho rằng ý định của Thiên Chúa là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc đời mỗi cá nhân, và quả thật cũng cho tất cả mọi sinh linh, thì thường không được thể hiện nơi cuộc đời của đa số chúng ta, mà được thể hiện nơi cuộc đời những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Bất kể tôi có thể lo âu khắc khoải đến mấy đi chăng nữa về những gì mà tôi dùng ơn phúc Chúa ban để chọn lựa những quyết định trong đời tôi, vậy còn một đứa bé mới sinh ra chỉ có vài tiếng đã bị chết yểu vì suy dinh dưỡng thì sao? Hay những thai nhi đã được hai-mươi-tám-tuần nhưng, giờ đây, ở một số quốc gia, có thể bị trục phá một cách hợp pháp, thì sao? Cái danh sách này có thể kể hoài kể mãi cũng không hết. Có bất cứ trường hợp nào trong những hoàn cảnh thảm thương này lại là ý định chủ tâm, cụ thể, mà Thiên Chúa dành cho những người anh chị em của chúng ta hay chăng?
Trên một mức độ thế tục hơn, đôi khi chúng ta nghe người ta nói như sau khi họ chỉ suýt chút nữa là bị tai nạn: “Nhưng nếu không nhờ ơn Chúa che chở, thì suýt chút nữa tôi đã bị dính vào tai nạn đó rồi.” Hay nói cách khác, lần này thì ý Chúa chưa muốn cho tôi bị tai nạn. Nhưng vấn đề của tôi với cách nói này không phải là vì một người nào đó tránh thoát được tai nạn, mà đúng hơn là vì những điều mà ta nói về những người đáng thương không tránh thoát được tai nạn. Có vẻ như chúng ta đang nói rằng chính là ý Chúa đã muốn cho họ bị dính vào tai ương đó. Cũng xin thưa với bạn, tôi đang nhớ lại câu chuyện một linh mục dòng Tên trọng tuổi một hôm suýt bị xe cán. Đêm hôm đó, khi kể lại câu chuyện thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc của mình cho các bạn đồng tu trong dòng Tên, vị linh mục kết luận câu chuyện may mắn đó bằng một câu nói với giọng không có gì là mỉa mai hay có ẩn ý gì bên trong: “Nhưng nếu không nhờ ơn Chúa che chở thì tối nay tôi đã ở trên thiên đàng rồi.”
Do đó, ta có thể thấy rằng, cách mà ta nghĩ về bản chất của Thiên Chúa sẽ ảnh hưởng đến việc ta hiểu thánh ý Chúa ra sao. Nếu chúng ta tin vào thần Zeus, thì chúng ta cứ luôn phải làm điều này điều nọ để mong đẹp lòng thần Zeus. Hơn nữa, nếu chúng ta thấy Thiên Chúa là một ông thần độc tài như đã trình bày trong chương một, thì việc không thực hiện những ý chỉ cụ thể của nhà độc tài sẽ kết thúc bằng sự đau đớn khổ sở, không chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Nhà độc tài đó biết hết tất cả mọi sự, ngay cả những điều không-thể-biết, và vì thế điều chúng ta phải làm là tìm hiểu xem nhà độc tài đó biết gì về tương lai của chúng ta và cứ thế mà làm theo. Loại thần học này được thể hiện nơi câu chuyện của một vị linh mục dòng Tên bị té xe đạp và bị gãy xương đòn gánh ở vai. Cái xương bị gãy đó cần phải được ráp lại, và trong khi vị linh mục đang chuẩn bị chờ giải phẫu, có một sơ mang Mình Thánh Chúa đến cho ngài. Sau khi trao Mình Thánh xong, sơ nói: “Thưa Cha, rõ ràng đó là ý Chúa muốn cho Cha được bớt bận rộn và được nghỉ ngơi cho thật khỏe.” Và vị linh mục dòng Tên đó đã đáp lại như sau: “Thưa Sơ, nếu quả thiệt như vậy, thì tôi rất mừng là Chúa đã không nghĩ tôi cần một kỳ nghỉ sabbat dài hạn.”
Nếu như đức tin, đức cậy, và đức mến đánh dấu ý chỉ của Thiên Chúa trong toàn cảnh bức tranh, và nếu như Thiên Chúa và tôi phải cùng nhau đi tìm những chi tiết nhỏ nhặt trong đó, thì cái công việc phân định là phải do tôi tự làm. Từ những điều mà tôi đọc được về tiến trình phân định của thánh Ignatius trong quyển sách Linh Thao của ngài, qua những lá thư của ngài, và qua những văn bản khác, sau đây là mười hai điểm hiện đại được luận ra từ sự khôn ngoan muôn thưở của thánh nhân.
1. Hãy tin vào những chuyện tầm thường, những điều bình thường, những điều xảy ra hằng ngày. Hãy sống ngay tại đây và ngay lúc này. Nhiều lúc chúng ta sống trong một quá khứ chưa qua lành lặn hay trong một tương lai chưa tới, trong khi Thiên Chúa lại ở sờ sờ ngay trước mắt ta, ngay tại đây và ngay lúc này. Điều lành khiến chúng ta ứng phó với cuộc sống thường nhật của mình theo như chính thực tại của nó – chứ không phải như cuộc sống mà ta mong muốn hay mơ tưởng – và qua đó mà nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta cứ thường hay tìm kiếm Thiên Chúa nơi những gì phi thường hay ngoạn mục, nhưng Thiên Chúa lại chỉ được tìm thấy trong những giây phút bình lặng và trần tục, Người đến với chúng ta qua những người nghèo khổ, những người không mảnh áo che thân, những kẻ bị tù đày giam cầm, hay những kẻ bị đói khát. Chúng ta cần phải dè chừng những niềm an ủi giả tạo. “Người tốt cũng có thể là kẻ thù của người tốt hơn”. Chúng ta vừa hay bị tấn công vào những nhược điểm của mình, lại vừa hay bị quyến rũ bởi những thứ thuốc phiện của cuộc sống văn minh (ma túy, rượu chè, lang chạ phóng túng, làm việc quá độ, cờ bạc, kỹ thuật hiện đại, mua sắm hoang phí), những thứ này không bao giờ xóa bỏ được những nỗi đau khổ của cuộc đời nhưng chỉ là tạm thời che đậy ảnh hưởng của những sự đau khổ đó mà thôi.
2. Đừng quyết định điều gì trong lúc ta không được khỏe hay tâm thần không được vui; hãy chờ đến khi nỗi buồn đã qua hay sức khỏe đã hồi phục. Đôi khi chúng ta có những quyết định tệ hại nhất khi đang bị đè nặng dưới áp lực. Bao giờ cũng vậy, tốt hơn là chúng ta nên chờ khi cơn khủng hoảng đã qua, và rồi trong những khung cảnh bình lặng hơn mới đem cân nhắc tất cả các lựa chọn của mình.
3. Hãy nghi ngờ những điều “gấp gáp”. Đôi khi ta phải nhanh chóng quyết định một chuyện lớn lao. Nấn ná một ít lâu, bao lâu cũng được, thì bao giờ cũng giúp tìm ra cách hành xử tốt nhất. Điều lành giúp ta nhận ra các khía cạnh của vấn đề và thứ tự ưu tiên khi giải quyết các vấn đề. Ta cần phải đặc biệt thận trọng khi quyết định những vấn đề có tính cách thay đổi cả cuộc đời, mà quyết định này lại đi ngược với một quyết định khác đã được cân nhắc kỹ lưỡng trong một thời điểm bình an thanh thản của tâm hồn.
4. Hãy có đủ khiêm tốn để biết lắng nghe một cách khôn ngoan những lời khuyên bảo khôn ngoan. Ta không phải là những “viên đá hay ốc đảo” hoạt động riêng lẻ một mình. Ta cần đến trí khôn ngoan của gia đình, của những bạn bè thân tín nhất, của giáo hội, và đôi khi của các nhà chuyên môn để soi sáng lương tâm ta và giúp ta có những quyết định sáng suốt nhất trước mặt Thiên Chúa. Nên nhớ rằng chữ obedience – vâng phục, là từ chữ obedire trong tiếng Hy-lạp mà ra, có nghĩa là “lắng nghe”. Nếu ta muốn hằng luôn vâng phục sự ngự trị của Thiên Chúa trong thế giới và trong cuộc đời ta, thì ta phải nên học cách biết thật sự lắng nghe, trong tất cả mọi hình thức của sự lắng nghe, bởi vì ta tin rằng Thiên Chúa lắng nghe ta và nghe thấy tiếng ta.
5. Bao giờ cũng có những kiểu mẫu hoạt động nhất định của điều lành và điều dữ trong cuộc đời ta. Đôi khi ta nghĩ rằng một điều gì đó đã “tự nhiên mà ra.” Đôi khi có thể đúng là như vậy, nhưng thường thì những điều lành điều dữ bám lấy cuộc đời ta đều có lịch sử và bối cảnh của chúng. Ta phải tự rèn luyện mình để biết nhận ra những dấu hiệu của cả điều lành lẫn điều dữ, điều gì lành thì trau dồi thêm, còn điều gì dữ thì nhận thấy những hứa hẹn hảo huyền của nó và hiểu rằng điều dữ sẽ dẫn ta đến ngõ cụt ra sao. Việc tự vấn lương tâm mỗi ngày giúp chúng ta nhận ra đường lối của Chúa Thánh Thần.
6. Có thể nói bảng tóm tắt hay nhất về điều lành điều dữ là của tác giả Patrick O’Sullivan, SJ, trong quyển Cầu Nguyện và Các Mối Liên Hệ: Giữ Mối Liên Kết, Theo Cách của Thánh Ignatio. Tác giả đưa ra những mô tả gọn gàng dưới đây về những đặc điểm của điều lành và điều dữ.
Dấu chỉ của Điều Dữ
Dấu chỉ của Điều Lành
Mất cảm thức về giá trị bản thân. Ta tự hạ giá chính mình và nghĩ (hay ngay cả nói) về chúng ta trong những cách thức mà chúng ta không bao giờ mơ tới việc nói về người khác như vậy.
Hy vọng khô héo và dần dần lụi tàn; ánh sáng tắt ngấm. Có một cảm giác bị mắc kẹt, trói buộc, không biết đi về đâu, bị vướng vào một cái vòng luẩn quẩn, rơi xuống một vực thẳm đen tối.
Có một cảm giác nặng nề thấm vào người; chúng ta cảm thấy bị sức nặng đè nén. Chúng ta sa vào chủ nghĩa hoài nghi (ta không thể thấy bất cứ điều gì tốt nơi bất cứ ai cả), hay lòng tự thương hại chính mình.
Một sự thắc mắc trong tâm trí làm cho chúng ta cứ phải băn khoăn lo nghĩ, và rốt cuộc làm cho chúng ta bị rối trí. Ta thấy mình cứ luôn suy đi nghĩ lại về những việc đã xảy ra, hoặc dồn hết tâm trí để giải quyết vấn đề gì đó – nhưng cuối cùng lại cảm thấy kiệt sức rã rời hơn trước lúc bắt đầu.
Chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những mối tương tác tiêu cực với người khác, những mối tương tác tiêu cực đó dần dà biến cấp thành việc đổ lỗi lẫn nhau, và dẫn đến thái độ “Tôi đúng, anh sai.” “Một số người giữ mãi trong tim xác chết của những mối quan hệ cũ, họ bị nghiện với sự tổn thương như một cách khẳng định căn tính.”
Khi nghĩ về những tội lỗi và những lần sa ngã của mình, chúng ta cảm thấy xấu hổ về bản thân, và cứ giữ mãi cảm nhận đó.
Có cảm thức rõ ràng về giá trị bản thân – một lòng tự tin mới được bừng lên trở lại.
Hy vọng bừng sống lại; chúng ta tin Đức Giê-su đang ở cùng chúng ta, bất kể mọi sự. Có một cảm giác rõ ràng về sự chuyển động thay đổi: “Chuyện này không nhất thiết là phải tệ hại đến mức như vậy. Tôi muốn làm một điều gì đó để thay đổi chuyện này, và tôi có thể thay đổi chuyện này.”
Có một gánh nặng được trút khỏi chúng ta; ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, cảm thấy được giải thoát. Lòng thương cảm của chúng ta gia tăng, và ta biết dễ nhận ra những nhu cầu của người khác hơn.
Một sự thắc mắc trong tâm trí được kèm theo lòng xác tín và sự minh bạch rõ ràng. Chúng ta được hướng đến việc mang những điều lo âu của mình vào mối liên hệ với Đức Giê-su, và biết chú tâm vào mối liên hệ đó hơn là vào vấn đề làm ta lo âu. Chúng ta cởi mở bày tỏ hơn là chôn kín vấn đề. Chúng ta bày tỏ những vấn đề ảnh hưởng đến tâm trí ta.
Cần phải giả thiết rằng mỗi một Ki-tô hữu tốt lành đều có lòng sẵn sàng diễn đạt lời nói của người khác theo nghĩa tốt lành, hơn là vội kết luận lời người ta là sai lầm. (Không ai trong chúng ta độc quyền nắm giữ sự thật). Chúng ta được hướng đến việc buông bỏ và quên đi những vết thương lòng, và có thể cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con những thái độ đúng đắn để con trở thành loại người mà Chúa muốn con trở thành.”
Sự nhận biết tội lỗi luôn luôn có pha lẫn sắc hy vọng trong đó, và dẫn đưa chúng ta trở về với mối quan hệ với Đức Giê-su, và với những người khác.
Tác giả Patrick O’Sullivan kết luận: “Cách của sự dữ là tách rời chúng ta khỏi các mối quan hệ; cách của điều lành là dẫn đưa chúng ta đến những tầng mức sâu sắc hơn trong các mối quan hệ”. Hễ chúng ta chú tâm tới điều gì, thì điều đó tô màu cho tất cả những lãnh vực khác trong đời ta. Nếu ta nghiêng về sự tiêu cực, thì sự tiêu cực sẽ lan tràn; nếu ta hướng tới ‘ơn nghĩa Chúa’ (chính là điều ban sự sống), thì ơn nghĩa sẽ lan tràn.”
Tiếp tục phần mười hai điểm hiện đại được luận ra từ sự khôn ngoan muôn thưở của thánh Ignatius.
7. Nếu ta lỡ một lần quyết định sai lầm, thì ngay lần sau ta sẽ có một quyết định đúng đắn hoặc đúng đắn hơn. Sự dữ luôn thuyết phục chúng ta rằng ta bị mắc kẹt và không có cách gì thoát ra được, làm trí nhớ chúng ta bị lu mờ để chúng ta cứ lặp đi lặp lại những hành động có tính hủy diệt mặc dù những hành động đó không bao giờ giúp ích được gì cả; sự dữ biến chúng ta thành kẻ xa lạ, nó không giúp ta đương đầu với tình trạng của chúng ta. Một quyển nhật ký có thể hữu ích, qua đó chúng ta nhìn lại cuộc đời mình và những lỗi lầm đã tái đi tái lại với sự cảm thông và lòng can đảm. Đối với những điều phân định lớn lao hơn, chúng ta có thể thảo ra các danh sách trên một trang giấy, với những điều thiên về A, những điều thiên về B, những điều nghịch với A, và những điều nghịch với B. Tiến trình này không nhằm chú trọng đến việc danh sách nào dài hơn, nhưng để xem coi tâm trí của chúng ta hướng về bên nào nhiều hơn.
8. Điều lành nối kết chúng ta và giải thoát chúng ta để ta có thể tung ra hết ra ngoài bất cứ những gì mà ta chôn kín trong bóng tối. Điều dữ chia rẽ, ngăn cách, và nhốt chặt chúng ta trong nỗi sợ hãi. Mỗi khi chúng ta thẳng thắn trung thực với những người mà ta yêu mến và tin cậy, thì điều lành đang hoạt động. Không có bất cứ điều gì mà ta đã từng làm, đang làm, hay sẽ làm, mà lại có thể làm cho Thiên Chúa ngừng yêu thương ta. Không có bất cứ điều gì mà Thiên Chúa lại không thể tha thứ hay hàn gắn, nhưng chính chúng ta phải tự bắt đầu với việc thừa nhận mình là ai và mình đã làm những gì. Và sau đó thì bất cứ điều gì hay tất cả mọi sự đều khả dĩ.
9. Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện khi một cộng đồng có lòng tin vào Thiên Chúa tụ họp lại với nhau. Trong cộng đồng đó, chúng ta khám phá rằng ta không phải là người duy nhất đã từng phải quyết định chọn lựa một điều gì đó, hay chúng ta không phải là những người đầu tiên phải đương đầu với những vấn đề tương tự.
10. Hãy dùng cả khối óc lẫn quả tim khi đối thoại – chúng ta cần cả hai. Một số tín hữu nghĩ rằng niềm tin Ki-tô giáo chỉ toàn là về chuyện trí não mà thôi. Và trong khi khoa thần học có một truyền thống trí năng đáng tôn trọng, và việc suy nghĩ sáng suốt cũng là một điều rất quan trọng, nhưng cái đầu của chúng ta phải liên kết hài hòa với cuộc sống tình cảm và linh cảm tự nhiên của ta. Khi óc và tim chúng ta hòa quyện với nhau, thì chúng ta có cơ hội đặt chân tay của mình vào những nơi mà ta có thể thực hiện được những điều tốt nhất cho một số đông người nhất. Đầu óc chúng ta có thể ươm đầy những giấc mơ, một số những giấc mơ đó rất tốt đẹp. Trong tim ta và trong lòng ta có thể chất chứa đầy những niềm khao khát. Bên nào sẽ dần dần mất sức hấp dẫn theo thời gian? Những nỗi khao khát sâu thẳm nhất trong lòng ta là gì? Những điều này có thể được đem đối chiếu với với các nhân đức bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ mà chúng ta được mời gọi thực thi trong cuộc sống (Gl 5:22). Nếu những dấu hiệu này hiện hữu, thì rất có khả năng là Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu.
11. Không có việc gì làm cho vương quốc mai sau lại là việc tầm thường nhỏ mọn, không thích hợp, hay không đem lại kết quả gì. Chúng ta có thể lầm tưởng rằng những cử chỉ ân cần tử tế tương đối nhỏ nhặt hàng ngày thì không đáng kể chi mấy trong tiến trình tâm linh. Sai. Nếu như trong bất kỳ một ngày nào mà trên thế giới có nhiều hành động xấu xa hơn những hành động nhân ái, thì trái đất sẽ là một nơi không ai sống nổi. Những cử chỉ ân cần đơn giản và vị tha có thể là không được ai biết tới, nhưng chúng thay đổi thế giới bằng cách khiến cho tình yêu của Đức Ki-tô được xuyên nhập vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
12. Lòng trung tín là một trong những ơn cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần. Ngay cả khi đối diện với sự chống đối và khi có những chọn lựa khác, giữ vững lòng trung tín là một hành động cao thượng của tình yêu. Tuy nhiên khi nói như vậy, Tin Mừng mời gọi chúng ta “từ bỏ chính mình”, chứ không phải “tự giết chính mình”. Chẳng hạn như, thánh ý Thiên Chúa không bao giờ muốn cho ta phải sống mãi trong một mối quan hệ có tính bạo động về mặt thể lý, tâm lý, hay tâm linh. Thánh Ignatius khuyến khích chúng ta tưởng tượng rằng mình đang khuyên bảo người bạn thân nhất của mình về vấn đề mà mình đang phân định. Mình sẽ khuyên bạn điều gì? Hoặc theo cách khác, thì hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang ở trên giường bệnh chờ chết. Khi đó chúng ta sẽ mong ước là mình đáng lẽ đã phải chọn điều gì khi nhìn lại đời mình? Ước chi đó sẽ là những điều đầy yêu thương, trung tín, và đầy niềm hy vọng.
Việc phân định từ tấm lòng yêu mến được tóm tắt một cách tuyệt diệu như sau trong một trong những câu trích dẫn mà tôi thích nhất, được cho là của một vị cựu giám đốc dòng Tên, Cha Pedro Arrupe, SJ:
“Không có gì hữu ích hơn việc tìm thấy Thiên Chúa, nghĩa là, hơn việc ngã vào tình yêu một cách tuyệt đối, vĩnh viễn. Điều gì làm bạn yêu mến, điều gì chiếm hữu tâm trí của bạn, thì điều đó ảnh hưởng đến tất cả mọi sự khác. Điều đó sẽ quyết định việc gì sẽ khiến bạn hăng hái chỗi dậy ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng, việc gì sẽ chiếm giờ tiêu khiển của bạn vào những buổi tối, những ngày nghỉ cuối tuần bạn sẽ sử dụng ra sao, bạn sẽ đọc về những điều gì, bạn sẽ giao du với những ai, điều gì làm tim bạn tan vỡ, và điều gì khiến bạn kinh ngạc với niềm vui sướng lẫn tâm tình tạ ơn. Hãy ngã vào tình yêu, hãy ở lại trong tình yêu, và tình yêu sẽ quyết định tất cả.”
Lm Richard Leonard sj
Bản dịch: Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Friday, 1 April 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment