Mùa xuân tại Pháp năm nay bừng nở sau trận tuyết rơi và giá lạnh bất ngờ tràn ngập hai tuần cuối đông… Lễ Phục Sinh Công giáo trùng hợp với những ngày xuân bừng nở này.
Cũng như mùa xuân, diệu nhiệm Phục Sinh không phải là sở hữu của một tôn giáo, một quyền lực, một con người nào… Đó là Ơn Trời dành cho sự sống: Sự sống mạnh hơn sự chết.
Ơn lạ này lại càng rõ rệt trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Bác sĩ Simone Pacot, chuyên trị bệnh tâm thần, đã viết về hiệu lực của xác tín này:
“Từ khi tôi biết “Phục Sinh” có nghĩa là “Vượt qua”, từ khi tôi hiểu rằng ai cũng có thể tái tạo đời mình từ quá khứ, -dù quá khứ này ra sao đi nữa- thì tôi được vững tâm hoàn toàn…”
Diệu nhiệm Phục sinh là ân lực làm cho con người có thể “vượt qua” từ lãnh địa ảm đạm của tử khí đến thế giới sự sống mới.
Nếu diệu nhiệm Phục sinh là Ơn Trời cho mỗi con người thì diệu nhiệm này là càng là sinh khí căn bản cho người mang niềm tin Kitô-giáo – đối đầu với tang thương và tàn phá tận cùng của sự chết. Mục sư Dietrich Bonhoeffer, người từng bị Đức quốc xã bắt giam và hành quyết năm 1944 –đã cảm nhận qua chính bản thân mình sức mạnh kỳ lạ của mầu nhiệm vượt qua:
“Với Đức Kitô, Niềm vui của Thiên Chúa đã trải qua xơ xác nơi máng cỏ và thàm thương trên thập giá. Vì thế niềm vui này không còn gì triệt hạ được nữa, không còn gì ngăn cản được nữa. Niềm vui này không từ chối thảm thương, niềm vui này chìm giữa thảm thương, nhưng chính giữa sâu thẳm tang thương này, niềm vui lại tìm thấy và gặp được Thiên Chúa.”
Và, Thiên Chúa của người Kitô hữu vẫn luôn tự định nghĩa mình là Yêu thương và Sự Sống. Yêu thương luôn gắn liền với hiến ban sự sống:
“Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu.” (Yoan 15: 13)
Yêu thương dẫn đến sung mãn tận cùng trong Thiên Chúa:
“Thiên Chúa là lòng mến, và ai lưu lại trong lòng mến, thì lưu lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa lưu lại trong người ấy.” (1 Yoan 4: 16)
Yêu thương tận hiến cả đời mình cho Thiên Chúa và con người như Đức Kitô đã sống, thì không còn quyền lực gì có thể cất cướp được đời sống này. Ai cho thì không mất.
“Không ai cất mạng sống Ta được; nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta.”
(Yoan 10: 18)
Đức Mahatma Gandhi, người đã sống rất gần với Tinh Mừng Kitô giáo, vẫn còn để lại cho khách hành hương đến viếng tượng đài mình ở New Delhi lời nhắn nhủ minh bạch này:
“Hãy gợi lại diện mạo một người bần hàn và tất bạt nhất bạn đã gặp. Bạn sắp bước thêm bước nữa trên đường, hãy tự hỏi bước sắp tới của bạn có mang lại lợi ích gì cho người ấy không (…) có giúp cho người ấy tìm được tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm không… giữa cả hàng triệu người đang đau khổ vì đói khát của nuôi thể xác và tinh thần…
Thế đó, bạn sẽ thấy tan biến đi trong bạn mọi nghi ngờ và lo âu vị kỷ.”
Mỗi ngày –dù trong môi trường và hoàn cảnh nào- vẫn có sức vượt từ nghi ngờ, sợ sệt, tù hãm trong chính mình…- để bước tới sự sống và hoà mình làm lớn thêm sự sống: đó chính là sống diệu nhiệm Phục Sinh. Cầu chúc bạn có được những bước sống này!
Lm Nguyễn Hồ Đỉnh, CSsR – Phục Sinh 2004
No comments:
Post a Comment