Wednesday, 27 April 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)

Giao Ước

Tiếng: trong dân Israel, tiếng BORIT chỉ liên lạc gây ra một sự liên đới giữa hai bên kết nghĩa. Trong những dân tộc sống dưới chế độ bộ lạc, con người không thể nào sống một mình hẻo lánh, sự sống đòi phải có hợp nhất với những người khác; sự hợp nhất đó hoặc là dựa trên huyết thống (quyền lợi nghĩa vụ, quyền lực được bảo vệ bởi vì người ta cùng chung một máu mủ với nhau) hoặc là dựa trên giao ước (bơrit) sự hợp nhất dựa trên một việc của tự do lĩnh nhận và bảo đảm quyền lợi của nhau: một điều tấn hay thoái tuỳ vào cấp độ phát triển của nhân vị, của cá nhân cũng như của một đoàn thể.

Điều làm cho BORIT có giá trị lớn lao trong Cựu Ước là những liên lạc giữa Thiên Chúa và dân của Ngưới được diễn ra bằng tiếng GIAO ƯỚC. Nhưng ở đây có những đặc điểm không thể gắp ở nơi giao ước của loài người:

-Sự tự do lựa chọn của Thiên Chúa trước tiên; Giáo ước xây dựng trên sáng kiến tuyệt đối tự do và nhưng không để tự bắt buộc mình đi vào liên đới với một dân đã được Người chọn lấy không phải do một tư cách nào của họ.

-Nhưng như một người đáng tin cậy đã hứa lời thì giữ, tiếng giao ước nói lên việc Thiên Chúa đoan ước không hối tiếc hay lật lọng, không thay đổi thái độ: Thiên Chúa trung tín là nền tảng để mỗi người trong giao ước có thể xây dựng một đời sống vững chãi, có chỗ nương tựa. Sự chắc chắn được bảo đảm nơi lời của Thiên Chúa cam đoan đó được gọi là “tin”: Trung tín nơi Thiên Chúa, và tin cậy nơi dân. Nhưng sự trung tín của Thiên Chúa là trung tín với lời của người, chứ không phải tuỳ vào dân có trung tín hay không. Sự trung tín của Thên Chúa: vô điều kiện.

Chính do bởi sự trung tín của Thiên Chúa, mà thánh sử có một hướng đi. Sự trung tín đó là điều chúng ta tin, là lý lẽ làm sao ta đặt tín thị vào Người, đón nhận lấy Lời Người đã ban. Lời Người cam đoan không phải là bâng quơ; đối với Người, hứa và giữ lời chỉ là một. Như vậy quá khứ là bảo đảm cho tương lai. Thiên Chúa là Đấng trung tín, đó là điều tôi tin; Thiên Chúa sẽ trung tín, đó là điều tôi trông cậy. Lời của Thiên Chúa cam kết và được thi hành ra trong lịch sử đó là tất cả Thánh sử, và lời cam kết đó gắng nên cụ thể thêm lên mãi, đó là đà tiến của Thánh sử, tiến cho đến chỗ mà Lời Thiên Chúa để nên cụ thể tột cùng thì đã thành một nhân vật, một con người: Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta, và đó là Giao ước mới. Từ đầu hết cho đến Chúa Yêsu, Thiên Chúa và người ta đã được liên kết bằng lời trao đo và đổi lại với nhau. Sự trao đổi cuối cùng là Thiên Chúa đã liên kết với loài người để nên một người là Chúa Yêsu. Chúa Kitô là Giao ước sẽ không hề bị phá vỡ nữa. Người ta có thể tự tách mình ra không lĩnh nhận lấy ơn của Giao ước đó; nhưng họ không thể nào làm cho sự trung tín của Thiên Chúa phải thải bỏ đi, nghĩa là làm cho Chúa Kitô hết là người ta và là Thiên Chúa. Đó là nền tảng vững chãi cho lòng trông cậy: người tội lỗi sẽ không bao giờ hết phương nại vào, vịn vào lời đoan kết của Thiên Chúa, mà Chúa Kitô là Đấng thực hiện vĩnh viễn đời đời.

Giao ước trong Cựu ước, là lý lẽ cho Lề luật. Lề luật chỉ là cách diễn ra liên lạc giáo ước về phía người ta. Lề luật không phải là phương thế tiên quyết để người ta đáng được gần gũi Thiên Chúa, kết thân với Thiên Chúa, nhưng là cách sống trong sự kết thân với Thiên Chúa; không phải là điều nhờ đó người ta kéo đến cho mình (chiếm lấy cho mình, như thể mua tậu lấy cho mình) ơn của Thiên Chúa, ân sủng, sủng ái của Thiên Chúa. Nhưng Lề luật là ơn huệ, là hậu quả của ơn huệ, là chính việc diễn bày ra liên lạc giữa Thiên Chúa và dân của Người.

Giao ước được diễn bày ra theo những công thức hiệp ước kèm theo lời chúc dữ và chúc lành cho thấy Israel không sống trong sợ sệt và nguy hiểm do tự Lề luật. Họ phải kính sợ Yavê như tôn chủ, nhưng cách phải chăng và đúng theo lòng đạo. Một đàng không thể ung dung chắc vào ân sủng mà sống làm sao cũng được: tín thị vào tư cách của mình là đã kết giao ước. Giao ước kèm theo chúc lành và chúc dữ cho thấy sự có thể vi phạm và đổ vỡ, cũng như hy vọng ơn huệ và thành sự. Như thế Giao ước bỏ ngỏ cho cánh chung (điều Thiên Chúa sẽ thực hiện cuối cùng) và đó là chỗ lời tiên tri chen vào lịch sử để nói lên phán xét của Thiên Chúa, và cảnh tỉnh lòng trông cậy bằng những lời hứa. Như vậy Giao ước kèm theo chúc lành và chúc dữ, nhưng luôn ở trong lòng tin vào sự trung tín vô điều kiện của Thiên Chúa đã làm cho Cưu ước được bỏ ngỏ cho mọi can thiệp vị lai, được bỏ ngỏ cho Giao ước.

Với quan niệm giao ước như thế, quan niệm mối liên lạc giữa Thiên Chúa và người ta theo hình thức kết thân bằng hiệp ước, nên Kinh thánh Cựu ước đã hiểu mọi liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người theo kiểu giao ước, vì thế chúng ta thấy nói đến:

-Giao ước với Noê. Điều này diễn tả ra ý định phổ cập, đại đồng của ơn cứu chuộc. Và yêu sách nói lên trước hết là: chớ chém giết. Nghĩa là sự kính trọng đồng loại. Một điều phải tiến mãi.

-Giao ước với Môsê: Giao ước tuyệt đỉnh của Cựu Ước và nền tảng cho mọi đoạn thánh sử Cựu ước.

-Giao ước với Đavít: chỗ này tiếng Giao ước có nghĩa một lời hứa vô điều kiện của Thiên Chúa về ý định thực hiện ơn cứu chuộc cùng tận, nhưng cắm chặng bằng những nhân vật lịch sử là các vua Yuđa. Hết các trình thuật kết ước giữa Yavê và dân đều làm sáng tỏ khía cạnh Giao ước, nhưng mỗi khía cạnh được nhấn mạnh tùy nghi:

a) Giao ước là một ơn huệ Yavê ban cho dân của Người.

b) Nhờ Giao ước, Thiên Chúa đặt liên lạc giữa Người và dân, và tạo nên giữa Người và dân một dây hiệp đồng.

c) Giao ước tạo nên cho dân những nghĩa vụ cụ thể hoá dưới hình thức Luật.

Giao ước nền tảng Cựu ước là Giao ước Sinai: là cơ sở truyền thống. Những việc sống Giao ước, thì Israel được hướng dẫn theo hai hướng: hướng của hàng tư tế và hướng của các tiên tri.

-Hướng của hàng tư tế: Bơrit là nền tảng và là mục đích của tất cả sinh hoạt của dân. Bơrit nên hầu như ý niệm tôn giáo độc nhất: mọi sự là sự trên bơrit, mọi sự đều được định cả một lần duy nhát, cả việc tạo thành cũng được nhìn dưới phương diện Giao ước. Lề luật là cách dễn tả cụ thể và hiện tại cho Giao ước, và nên như đồng nhất với Giao ước. Ở trong Giao ước tức là sống chiếu theo Lề luật; và như vậy vào một thời sau, tiếng “giao ước” được dùng để chỉ dân hay tôn giáo Do thái. Giao ước về phía hàng tư tế là một thực tại tĩnh.

-Hướng của các tiên tri: là hướng đi tới, đó là hướng “động”. Chúng ta phải bàn đến ơn tiên tri dài hơn.

Hai hướng đó đều đã có công duy trì gia tài đặc sắc của đạo Yavê: hướng của hàng tư tế, bởi nhấn mạnh vào tính cách hiện tại đã có và bất biến dịch của Giao uớc, thì đã cho dân có thể kiên trì và đi đứng trước mặt Thiên Chúa. Hướng tiên tri mà nền tảng là sự mong đợi cánh chung, nghĩa là sự hợp nhất trọn hảo giữa Thiên Chúa và dân của Người; chẳng những Israel mà thôi, mà còn các dân thiên hạ, thì đã cho dân có thể nhìn lịch sử dưới ánh sáng của sự cùng tận, và như vậy đã cho dân có thể có, khi đứng trước các biến sự, một thái độ thong dong tự do, và siêu thoát với những cái gì có ngay trước mặt.

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
(trích bài giảng huấn phổ biến nội bộ)

No comments: