Chương Năm
_____________________________________
Nếu như Thiên Chúa đã thật sự hại
chính đứa con yêu dấu duy nhất của mình như vậy,
thì có thể tôi bị như thế là vẫn còn nhẹ lắm.
Thiên Chúa không cần máu Đức Giê-su. Đức Giê-su không phải đến thế gian chỉ để “chết”, nhưng Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Giê-su để tuyên bố kết thúc sự chết.
Tôi kinh ngạc biết bao khi một số Ki-tô hữu lại có thể tin tưởng một cách mạnh mẽ và lại còn đi nói với người khác một cách chắc nịch là Thiên Chúa đã giáng xuống cho họ những nỗi đau đớn, hủy diệt, và chết chóc, trong khi có biết bao nhiêu bằng chứng là chúng ta tin vào một Thiên Chúa không muốn liên quan gì tới sự chết hay những gì dính dáng tới sự chết. Thiên Chúa muốn chúng ta được sống, được tự do, và được tràn đầy niềm vui.
Chúng ta phải nên cẩn thận về những gì mà ta ca hát. Các bài hát tâm linh và các bài thánh ca không phải chỉ là những phần phụng vụ nhằm để khỏa lấp khoảng trống thời gian, hay để đệm cho một cuộc rước kiệu, hay để ép cho những người điếc nhạc phải hát theo. Thánh nhạc chất chứa tính thần học. Chúng ta hát những văn bản thánh kinh hay những văn bản được thi hóa về một niềm tin căn bản của Ki-tô Giáo nhằm mục đích củng cố đức tin của chúng ta. Việc dệt nhạc vào những văn bản đó làm cho chúng trở nên phổ biến và dễ thuộc dễ nhớ. Đó là lý do tại sao chúng có thể rất quan trọng và rất công hiệu, nhưng lại cũng rất nguy hiểm.
Ví dụ như hãy xem bài “The Man God Chose – Người Được Chúa Chọn”, một bài hát tâm linh đã từng nổi tiếng một thời. Người được Chúa chọn ở đây là Đức Giê-su. Đó là một bài theo thể dân ca rất dễ hát và dễ được ưa chuộng, và trong bài có nhiều tình cảm rất xứng hợp. Nhưng điều trục trặc với bài hát này là tác giả, với tất cả lòng chân thật, đã không ngờ rằng mình đang bắt một nhịp cầu hiện đại cho một tà giáo cổ xưa, và giờ đây cả cộng đoàn đang đứng trong nhà thờ mà say sưa hát bài đó. Bài hát này là lối viết tân thời từ một số văn bản của ông Phao-lô thành Samosata và ông Theodotus thành Byzantium, những người này cho rằng Đức Giê-su được Thiên Chúa tuyển chọn hay nhận làm con nuôi vào lúc lãnh nhận phép rửa tội, và, bởi vì Người đã sống cuộc đời làm người gương mẫu ở trần gian, cho nên Người được xác nhận là Con Thiên Chúa vào lúc bị đóng đinh trên thập giá. Lối suy nghĩ này bị bác bỏ vào cuối thế kỷ thứ ba. Thiên Chúa không tuyển chọn hay nhận Đức Giê-su làm con nuôi. Chúng ta tin rằng Lời của Thiên Chúa và Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã hóa thân thành nhục thể nơi Đức Giê-su Nazareth ngay từ khoảnh khắc Người đầu thai nhập thế.
Tất cả các bài thánh ca đều rất quan trọng, nhưng có một phiên khúc của một bài thánh ca đặc biệt có nhiều trục trặc hơn đa số các bài khác. Bài “How Great Thou Art – Kỳ Công Tay Người Vĩ Đại Dường Bao” luôn đạt vị trí một trong năm bài thánh ca đứng đầu bảng trong hầu hết các cuộc thống kê về những bài thánh ca được yêu chuộng nhất ở các nước nói tiếng Anh. Đầu tiên do nhà giảng đạo giáo dân người Thụy-sĩ, thuộc đạo Lutheran, và sau này là nghị sĩ, ông Carl Gustav Boberg sáng tác vào năm 1885, bài “O Store Gud” (O Great God) sau đó đã được ông Stuart Hine chuyển dịch sang tiếng Anh. Ông Hine là một nhà truyền giáo người Anh ở Ukraine, nơi ông đã học được bài hát này bằng tiếng Nga. Vào năm 1939, ông Hine trở lại nước Anh và sang năm sau đó ông đã phát hành phiên bản đầu tiên của bài thánh ca mà ngày nay chúng ta gọi là “How Great Thou Art”. Danh tiếng quốc tế của bài hát có thể nói là nhờ vào cuộc luân diễn thuyết pháp của ông Billy Graham tại London vào năm 1954, trong khoảng thời gian đó bài hát được hát đi hát lại trong các thánh đường, được phát thanh và được truyền hình tới một số lượng khán thính giả lên đến mấy triệu người. Danh tiếng bài hát đã không bị ảnh hưởng bởi sự kiện bài hát này chính là bài hát chủ đề và là tựa đề của cuốn album nổi tiếng đoạt giải Grammy của Elvis Presley vào năm 1967.
Gốc gác Tin-Lành của bài hát này là điều hệ trọng. Trước hết xin nhắc lại đôi dòng lịch sử. Dựa vào những nghiên cứu trước đó của thánh Clement thành Alexandria, thánh Anselm thành Canterbury – một tu sĩ dòng Benedict vào thế kỷ thứ 11 – đã vật lộn với câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại đến thế gian trong tư cách một người phàm như chúng ta. Trong luận thuyết nổi tiếng của mình, Cur Deus Homo (Tại Sao Thiên Chúa Trở Thành Phàm Nhân), thánh nhân đã khai triển một lý thuyết rằng Đức Giê-su đã đến thế gian để làm người thế chỗ cho chúng ta. Chúng ta là những kẻ đã làm Thiên Chúa nổi giận, nhưng thay vì hy sinh hết thảy chúng ta, Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su đến để thay chỗ chúng ta khi hiến dâng chính mạng sống mình cho Đức Chúa Cha như một sự đền bồi cho tội lỗi của chúng ta. Đức Giê-su đã nộp số tiền chuộc mà Thiên Chúa đã đòi hỏi để trả tự do cho chúng ta.
Cách suy nghĩ này đặt nặng nền tảng vào thánh Phao-lô, người mà trong nhiều trường hợp đã gọi Đức Ki-tô là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Thuật ngữ redemption – “cứu chuộc” theo nghĩa đen có nghĩa là “chuộc lại”. Từ ngữ này phát sinh từ tập tục của thời xa xưa, vào thưở đó có hai loại nô lệ – một loại bị sinh ra trong vòng nô lệ, hoặc bị ép buộc vào vòng nô lệ, thường là phải làm nô lệ suốt cả đời, còn một loại thì phải trả một món nợ hay đền bồi một tội phạm bằng cách làm nô lệ, thường là chỉ trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi. Loại nô lệ thứ hai này có thể được trả tự do khi có ai đó trả nợ thay cho họ, hoặc món tiền chuộc do chủ nô định ra được thanh toán thay cho họ. Sau đó thì họ có thể sẽ trở thành nô lệ của người đã mua họ, hoặc được trả tự do hoàn toàn.
Thánh Phao-lô đã đưa cách tỷ dụ này vào thần học Ki-tô Giáo để diễn tả việc chúng ta, những người bị vướng vào vòng nô lệ do những hành động có tính hủy diệt của chúng ta, đã được ban một người đến giải phóng chúng ta, là Đức Ki-tô đấng đã đến một thế giới tội lỗi, tự hiến mình để gánh chịu những bạo động trong thế giới đó, và đã chịu chết, nhằm mục đích đem lại tự do cho chúng ta. Trong sự rõ ràng nhất của nó, khái niệm Đức Ki-tô là Đấng Cứu Thế cho ta thấy rằng chúng ta không còn phải sống cách sống hủy diệt nữa. Giờ đây đã được chuộc lại bằng tình yêu của Đức Ki-tô, chúng ta không còn là nô lệ nữa, mà là bạn của Đức Ki-tô; thật vậy, nhờ công cuộc cứu chuộc của Đức Ki-tô chúng ta đã được đón nhận vào gia đình của Thiên Chúa.
Các nhà Cải Cách Tin-Lành đã nắm bắt những tư tưởng về sự thay chỗ này, và gán cho chúng một ý nghĩa mới mang nhiều màu sắc thánh kinh hơn. Dựa vào một quan điểm cứng rắn hơn và theo nghĩa đen hơn về vai trò của Tội Nguyên Tổ của ông A-đam và bà E-và, John Calvin cho rằng, bởi vì những tổ tiên đầu tiên của loài người trong Sáng Thế Ký đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa, cho nên toàn bộ bản chất nhân loại của chúng ta đã vĩnh viễn bị hư hoại. Chúng ta không có thể làm được điều gì để xoay chuyển tình thế đó. Thiên Chúa đã vô cùng tức giận chúng ta, nhưng với thời gian và với lòng thương xót của Người, cho dù chúng ta không xứng đáng, nhưng Người đã quyết định cứu chúng ta. Tuy nhiên, bởi vì con người không thể làm được gì để tự cứu mình, cho nên để xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với ông A-đam và bà E-và cũng như với lòng vô ơn của toàn thể nhân loại về sau, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã phải mặc lấy xác phàm của chúng ta, phải thế chỗ cho chúng ta, và hiến dâng hy lễ là chính mạng sống của Người, qua cuộc đau khổ và cuộc tử nạn của Người, để làm lễ vật đền bồi cho tội tổ tông truyền và những tội lỗi mà chúng ta vẫn đang tiếp tục gây ra. Đây là điều thường được gọi là “thần học xoa dịu” bởi vì chính nhờ vào cái chết thảm khốc của Đức Giê-su mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa được xoa dịu. Phải thừa nhận rằng một số yếu tố của loại thần học xoa dịu này cũng đã lan vào thần học Công Giáo, mặc dù người Công Giáo chúng ta chưa bao giờ tin là nhân loại đã hoàn toàn bị hư hoại hay bị suy đồi, hoặc là Thiên Chúa đã chỉ có một cách duy nhất để làm nguôi cơn thịnh nộ của mình.
Có rất nhiều thư viện viết về những điều vừa được trình bày trong các đoạn trên, nhưng trong mục đích của chương sách này, thì phần tóm tắt không-trọn-vẹn như trên xin được coi như là tạm đủ.
Trong một hình thức sắc nét hơn, loại thần học xoa dịu này được diễn tả trung thực đầy đủ qua phiên khúc thứ ba của bài “How Great Thou Art”:
When I think that God his Son not sparing
Sent him to die, I scarce can take it in.
That on the Cross my burden gladly bearing,
He bled and died to take away my sin.
(Khi tôi suy ngắm về việc Thiên Chúa, đến cả Con Một mà cũng không tha
Đã sai con mình đến chỗ chết, thì tôi không thể nào hiểu nổi.
Rằng trên Thập Giá gánh nặng tội lỗi của tôi Người đã vui lòng mang lấy,
Đã chảy hết máu và đã chết để xóa tội lỗi của tôi.)
Tại sao điều này lại vô cùng hệ trọng? Thưa, bởi vì nếu chúng ta cứ tiếp tục hát những bài thánh ca kiểu này, thì một số người có thể hiểu rằng những lời đó là sự thật, họ có thể sẽ thuộc lòng và sẽ nhớ những lời đó, và sẽ muốn hát những lời đó trong những lễ rửa tội, hôn lễ, tang lễ, và những dịp lễ lạc khác. Và đúng là họ muốn như vậy. Nhưng bài thánh ca này chỉ diễn tả một phần rất hạn chế về cái sự thật mà nó đang cố gắng diễn đạt cho rõ ràng, và điều ám chỉ trong bài hát này về việc Thiên Chúa có thể được tìm thấy ở đâu trong sự đau khổ của con người không thể bị xem nhẹ. Thánh ý Thiên Chúa dành cho Đức Giê-su ảnh hưởng đến tất cả những gì mà chúng ta nghĩ là cách thức mà Thiên Chúa đối xử với chúng ta. Nếu như Thiên Chúa của chúng ta muốn nhìn thấy sự đau khổ, và muốn giáng đau khổ xuống, thậm chí còn an bài cả một cái chết ghê rợn cho chính đứa con trai yêu quý duy nhất của mình, thì tại sao chúng ta lại có thể kêu ca phàn nàn khi bị bệnh tật, bị mất một đứa con, hay bị trở thành kẻ bại liệt toàn thân? Chúng ta bị như vậy cũng còn là nhẹ lắm so với những gì mà ta cho rằng Thiên Chúa muốn Đức Giê-su phải gánh chịu.
Đối với Ki-tô hữu, mầu nhiệm phục sinh – bao gồm cuộc đời, cuộc tử nạn, và sự sống lại của Đức Giê-su – là khuôn mẫu chủ yếu mà theo đó niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa được thiết lập. Đó là một câu chuyện trọng tâm qua đó chúng ta giải thích nguồn gốc của mình, ý nghĩa cuộc đời mình, và cùng đích của cuộc đời mình. Bài thánh ca này nói về mầu nhiệm phục sinh này, và tôi không thể nào mà hiểu nổi là Thiên Chúa chỉ đơn giản là sai Đức Giê-su đi “chết”, mà lại chết một cái chết đẫm máu rùng rợn. Nếu như điều đó hoàn toàn là sự thật, thì tại sao Thiên Chúa lại không dùng tới cách như trong câu chuyện thần học bất công phi lý nhất trong Tân Ước – sự tàn sát những trẻ thơ vô tội (Mt 2:13-23)? Nếu như Đức Giê-su bị vua Hê-rô-đê giết hại vào năm lên hai tuổi, thì có phải là Thiên Chúa đã được máu tế lễ một cách gọn gàng hơn và sớm sủa hơn hay không.
Còn nếu không thì, nếu như tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn là máu tế lễ vẹn toàn (nghe tương tự như thần Zeus ở đây) của Con duy nhất của mình nhằm mục đích cho nguôi cơn thịnh nộ của mình, thì tại sao Đức Giê-su đã không rời bỏ Na-da-rét, lên Ga-li-lê gây rối lung tung (như Người đã làm), và rồi tiến thẳng vào Giê-ru-sa-lem gây hấn với tất cả mọi người để được đóng đinh vào một thời điểm sớm hơn? Làm như vậy thì cũng không khó vào lúc đó. Nếu như Đức Giê-su chỉ đơn thuần là bị sai đến “để chết”, vậy thì ý nghĩa của những năm ẩn mình của Người là gì?, và ý nghĩa của giai đoạn giảng dạy công khai của Người là gì? Những giai đoạn đó không phải là để dành cho Thiên Chúa, mà là cho chúng ta.
Sự thật đơn giản là phiên khúc thứ ba của bài thánh ca được yêu thích này là sai. Đức Giê-su không đến thế gian chỉ để chết. Trái lại, Đức Giê-su đến thế gian để sống. Nhưng vì hậu quả của việc Người đã sống cuộc đời mình một cách dũng cảm và cấp tiến, và vì tình yêu mà Người dành cho cả nhân loại, Người đã là một mối đe dọa cho giới lãnh đạo về chính trị, xã hội, và tôn giáo vào thời đó, đến nỗi họ xử tử Người. Tôi nghĩ, đây là một cách dễ hiểu hơn cho chúng ta tìm hiểu ý nghĩa những điều tiên đoán về cuộc tử nạn. Đức Giê-su không phải là một loại đồng bóng; Người là một bản thể nhân loại thật sự và là một bản thể nhân loại trọn vẹn, và vì thế Người có tri thức nhưng tri thức đó có giới hạn. Bản tính linh thiêng thật sự và vẹn toàn của Người không thể xóa bỏ bản tính nhân loại của Người, nếu không thì Người đã chỉ là đóng kịch nhập vai nhân loại mà thôi. Bản tính linh thiêng của Người được nhìn thấy trong, và qua cách sống luôn yêu thương, luôn công bằng, đầy lòng hy sinh mà Người đã sống trong những phạm vi và giới hạn của bản tính nhân loại của Người.
Nhiều người trong số những người can đảm nhất về mặt luân lý đạo đức trong lịch sử biết rằng cuộc sống cá nhân và tự do cá nhân của họ bị đe dọa vì những điều họ nói hoặc cách họ sống. Họ có thể là không biết trước rằng mình sẽ bị xử tử hay bị giết hại hay bị ám sát, nhưng họ có thể thấy những dấu chỉ của thời đại họ rõ đến mức họ có thể đoán được là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho sự tự do mà họ đang thể hiện, cái sự tự do đã lôi kéo những người khác đến với họ. Đôi khi họ nói ra hoặc viết ra về những cái giá mà họ phải trả cho những quan điểm của mình. Về phần này, họ phản ánh gương Đức Giê-su Ki-tô. Các thánh tử đạo của chúng ta không phải là phiên bản Ki-tô Giáo của những kẻ ôm bom tự sát. Họ không đi tìm đến cái chết theo một nghĩa chủ động nào cả. Điều đó sẽ là sự phản bội cùng cực đối với món quà sự sống của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ biết rằng họ có thể sẽ phải chết do hậu quả của việc sống chứng nhân cho niềm tin của họ và việc đòi hỏi công lý, cái công lý tất yếu xuất phát từ niềm tin đó. Trong cuộc sống và cái chết của họ, họ đã theo khuôn mẫu của Đức Giê-su. Người đã không đi tìm cái chết chỉ đơn thuần để mà chết, nhưng Người sẽ không chịu sống và không thể sống trong bất cứ cách nào khác hơn là sống tin tưởng, sống hy vọng, và sống với lòng nhân ái thương yêu. Trong thời đại của Người, và trong thời đại của chính chúng ta, đó là một điều đe dọa lớn lao đối với những kẻ mà nền tảng quyền lực của họ được xây dựng trên những giá trị đi ngược lại với những phẩm chất đó. Thế giới ngày nay tiếp tục lặng im và đẩy ra ngoài lề những người sống theo các giá trị và phẩm hạnh Ki-tô Giáo, cũng như ngày xưa Đức Giê-su đã bị đẩy ra ngoài lề một cách cùng tận qua việc bị đóng đinh. Nhưng Thiên Chúa đã có tiếng nói sau cùng trước cái chết của Đức Giê-su: Sự Sống.
Trong phần lớn chiều dài lịch sử giáo hội Công Giáo, câu hỏi thường dằn vặt tâm trí các tín hữu dường như là câu “Tại sao Đức Giê-su phải chết?” Tôi cho rằng đó là cách đặt sai vấn đề. Đúng ra phải hỏi là “Tại sao Đức Giê-su lại bị giết?” – và câu hỏi này đặt những đau khổ của Đức Giê-su trong những ngày cuối cùng ở thế gian, và cái chết của Người, vào một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ.
Đây là lý do vì sao chúng ta có thể đứng trước thập giá và lắng nghe lời Đức Giê-su trong Tin Mừng của thánh Gio-an: “Tôi đến để anh em được sống, và sống cách sung mãn”. Cuộc sống đó không phải là về người Con hoàn hảo của Thiên Chúa Cha hoàn hảo đang dâng hiến một của lễ hoàn hảo để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, và nhờ đó mà cứu chuộc chúng ta. Cuộc sống đó chính là sự sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa được đổ tràn trề xuống cho thế giới qua Đức Ki-tô nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa của chúng ta không thiên về sự chết, mà là thiên về sự sống. Tất cả mọi sự trong Tân Ước đều chúng tỏ điều này, ngay cả những câu chuyện tiên tri nghiêm trọng về ngày sau hết, những câu chuyện đầy những dấu ấn của một vị thầy giảng sinh động đang phóng bút vẽ những nét to lớn trên một bức tranh lớn nhất trong tất cả các bức tranh. Đức Giê-su không có chủ ý muốn chúng ta hiểu biểu tượng này theo nghĩa đen. Tôi đoán chừng là ngày phán xét sẽ thật sự không phải là một cuộc lùa chung các con chiên con cừu lại với nhau. Tuy nhiên, bài học đàng sau biểu tượng này là một bài học thật sự đáng cho chúng ta học hỏi. Tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa cuối cùng thì sẽ để cho công lý được thực thi. Người sẽ nghe tiếng kêu khóc của kẻ nghèo và trong đời sau chúng ta sẽ được hỏi xem mình đã làm được những gì hay đã thiếu sót những điều gì trong đời này.
Trong bối cảnh này chúng ta cần xem lại một đoạn thánh kinh khác. Một số người trích dẫn lời Đức Giê-su trong vườn dầu rằng: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42) hoặc “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18:11) để làm bằng chứng xác quyết là Thiên Chúa muốn và ngay cả cần Đức Giê-su phải chịu đau đớn và phải chết. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào việc chúng ta cho rằng ý định của Chúa Cha hay chén mà Chúa Cha dành cho Đức Giê-su là điều gì. Nếu điều đó là, như trong bài thánh ca đó, “để chết”, thì điều đó quả thật là rõ ràng và xác quyết. Tuy nhiên, nếu, như đã lập luận ở trên, ý định của Thiên Chúa là chúng ta phải sống tin tưởng, hy vọng, thương yêu, thì lời cầu nguyện của Đức Giê-su là nhằm để xin Đức Chúa Cha ban thêm sức mạnh và lòng can đảm cho Chúa Con được vững tâm trên “Con Đường”, để nói lên Sự Thật và để là Sự Thật, và để làm chứng cho Sự Sống, ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Một cuộc đời đầy những điều tốt đẹp rõ ràng như vậy thì không bao giờ là điều dễ dàng; cuộc đời đó luôn luôn bao hàm chén đắng của khổ đau. Trong trình thuật vườn dầu, chúng ta thấy Đức Giê-su dần dần nhận ra kết cục bi thảm sắp sửa xảy đến với mình, và vật vã đau khổ để rồi cuối cùng nắm được sức mạnh để đối đầu trực diện với cái chết, với sự hủy diệt, và tội lỗi. Nỗi thống khổ của Đức Giê-su trước vận mạng của mình là một phản ứng hoàn toàn theo bản tính con người, một phản ứng đem lại niềm an ủi cho chúng ta khi ta đối diện với những đau khổ của chính chúng ta.
Vai trò của Đức Chúa Cha trong bối cảnh đồng hành với Con mình trong suốt cuộc thử thách cam go và những nỗi đau buồn trong vườn cây dầu có thể được thấy nơi hình ảnh một sĩ quan quân đội tốt lành và công minh. Một người bạn thân của tôi, người đã từng dẫn quân tham chiến ở Afghanistan, đã nói: “Tôi thương binh sĩ của tôi đến nỗi tôi không bao giờ muốn đưa ai ra trận để chết. Tôi đã ra trận với lính của tôi chỉ cốt để tất cả chúng tôi có thể phục vụ cho một mục đích cao cả là giải phóng dân Afghanistan khỏi chết độ độc tài và đem lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn hẳn bất cứ điều gì mà họ từng biết. Khoảng thời gian ngay trước lúc chúng tôi hành quân ra trận theo chương trình đã định sẵn là khoảng thời gian nhiều lo lắng nhất, khi đó bất kỳ một nam hay nữ quân nhân can trường nào cũng đầy lòng hoài nghi và chỉ mong ước sao họ đang ở bất cứ nơi nào khác ngoài nơi đó. Nhưng vượt trên những nỗi lo lắng hoài nghi đó là lòng quyết tâm giữ vững tâm trí vào nhiệm vụ, quyết tâm giải phóng dân Afghanistan, những người thuộc loại nghèo nhất trên thế giới, những người mà chúng tôi được gởi đến để phục vụ. Lòng tin tưởng vào chính nghĩa của cuộc chiến khiến cho chúng tôi có thể vượt qua những nỗi lo lắng sợ hãi nhất, có thể nhìn thẳng mặt tử thần, để bảo đảm là sự dữ không có được tiếng nói sau cùng. Tính cho đến lúc này, những giây phút tệ hại nhất trong đời tôi là những lúc tan trận quay về căn cứ mà bị mất bất cứ binh sĩ nào. Tôi có thể buồn không nguôi một thời gian thật lâu, và chỉ được an ủi với ý nghĩ rằng những binh sĩ đó, cũng như tôi, đã hết lòng với sứ mạng của mình, và với lòng tin tưởng rằng cái chết của họ không phải là vô ích, mà là để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.” Trong bối cảnh này, chén đắng đau khổ của Đức Giê-su không phải là do Thiên Chúa áp đặt từ ngoại tại, nhưng là hệ quả của việc giải phóng chúng ta khỏi sự độc tài, mang lại cho chúng ta cuộc sống viên mãn ở đời này và đời sau, và bảo đảm là sự dữ đã không bao giờ, và sẽ không bao giờ, có tiếng nói sau cùng.
Và hãy nghĩ xem chúng ta đã làm gì với thập giá của Đức Ki-tô. Ngày nay có nhiều người đeo những cây thập giá nho nhỏ làm bằng vàng, bạc, hay bạch kim trên người. Những cây thập giá đó lúc lắc lủng lẳng trên cổ ta hay đu đưa tòn ten dưới tai ta. Tôi thầm nghĩ, nếu như dân La-mã ngày xưa mà có chiếc ghế điện thay vì thập giá, thì ngày nay chúng ta có đeo lủng lẳng tòn ten những chiếc ghế điện nho nhỏ bằng vàng, bạc, hay bạch kim ở cổ, hay ở tai ta hay không. Hơn nữa, thay vì bắt đầu những buổi cầu nguyện của chúng ta bằng cách làm dấu thánh giá, chúng ta có thể giả như đang nắm lấy ai đó đang ngồi trên ghế điện và bắt đầu buổi cầu nguyện bằng tiếng “Szszszsz”. Cái hình ảnh hiện đại đầy khiêu khích này gợi cho chúng ta nhớ đến điều mà thánh Phao-lô gọi là xấu xa hay “điên rồ” của thập giá (1 Cr 1:18-26). Thập giá của Đức Ki-tô không phải là một món đồ trang sức thời thượng, cho dù Madona hay Eminem có đeo tới bao nhiêu cái đi chăng nữa. Việc chiêm ngắm thập giá vẫn phải nên làm chúng ta hụt một nhịp thở, không những chỉ vì thập giá chứng tỏ cho ta thấy Đức Giê-su sẵn sàng đi xa đến mức nào trong việc thiết lập triều đại công chính và yêu thương của Người trong thế giới này, mà còn vì thập giá biểu lộ cái giá mà tất cả chúng ta phải trả khi bước theo Đường của Người, khi nói lên Sự Thật của Người, và khi sống Sự Sống của Người. Ngày nay điều này vẫn là một điều cấp tiến và đáng sợ không khác chi việc nó đã từng là điều cấp tiến và đáng sợ vào thế kỷ thứ nhất. Đối với những ai trong chúng ta đang vác thập giá, và đối với tất cả những người đang vác thập giá, chúng ta muốn đáp lại câu hỏi của Đức Ki-tô, “Con sẽ bằng lòng chịu đựng đến mức nào vì tình yêu khi vác thập giá theo Thầy?” bằng chính câu trả lời mà Người đã đáp lời Đức Chúa Cha, và đáp lời chúng ta, rằng: “Con sẽ chịu đựng đến cùng. Con sẽ chu toàn mọi sự, bất kể phải trả giá ra sao.”
Có đôi lúc khi chúng ta đặt câu hỏi “Thiên Chúa đang ở cái xó nào?” thì một số Ki-tô hữu sẽ tránh né việc trả lời câu hỏi đó và chỉ đơn giản là bảo chúng ta “thôi cứ phó dâng lên cho Chúa đi”. Khi nói như vậy họ có ý bảo rằng: “Thôi, Thiên Chúa đã muốn Đức Giê-su phải chịu một cái chết dày vò đau đớn như thế, vậy thì anh chị cũng phải thấy trong sự đau khổ mà Thiên Chúa đã trao cho anh chị cùng một chén đắng mà Thiên Chúa đã trao cho Đức Giê-su.” Những tư tưởng này đã thịnh hành không bao lâu về trước, rằng chúng ta phải “dâng lên” những nỗi đau khổ của chúng ta để cứu các linh hồn trong luyện ngục, hay cứu linh hồn những người đã sống cuộc đời mà chúng ta cho rằng đã xúc phạm tới Thiên Chúa. Sự băn khoăn của tôi không phải là về việc Đức Giê-su đã chịu đau khổ và chúng ta cũng vậy, nhưng khi tìm hiểu về ơn cứu độ thì hình ảnh của Thiên Chúa mà ta tìm thấy là thứ hình ảnh gì nếu được diễn tả bằng một loại khế ước thương mại trong việc giao nộp một món tiền chuộc mạng, hay một Thiên Chúa đầy thịnh nộ chỉ biết nguôi giận qua cách chúng ta “dâng lên” những khổ ải, bệnh tật, đau đớn của chúng ta, những điều mà chính Thiên Chúa đã giáng xuống.
Một phương cách truyền thống khác để tìm hiểu sự đau khổ của chúng ta là nói rằng trong việc “dâng lên” những điều đau khổ, chúng ta tự nguyện liên kết đau khổ của chúng ta với đau khổ của Đức Giê-su, để từ đó mà sự đau khổ trở nên có đôi chút ý nghĩa nào đó. Nếu như suy nghĩ của tôi về nguyên nhân Đức Giê-su bị đau khổ là đúng, thì chúng ta có thể dùng phương cách truyền thống đó nhưng với một sự khác biệt quan trọng. Thay cho lòng tin tưởng được ám chỉ trong đó, rằng sự đau khổ là nhằm để xoa dịu một Thiên Chúa cứ luôn cần phải được xoa dịu, luôn cần phải được vuốt giận – một quan điểm rất khó chứng minh bởi vì hiến lễ của Đức Giê-su là chỉ một lần duy nhất mà thôi – tôi tìm thấy ý nghĩa trong sự đau khổ của tôi qua việc giữ vững niềm tin vào Con Đường, Sự Thật, Sự Sống của Đức Giê-su, khi mà tất cả mọi linh cảm trong tôi đều bảo tôi phải vứt đi niềm tin ấy mà bỏ chạy. Ở đây chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-ni của tôi, Thiên Chúa đó đang khiến cho tôi dám đối đầu với cái chết, sự hủy diệt, và tội lỗi một cách trực diện, và giờ đây tôi đã vững lòng tin, qua trải nghiệm của Đức Giê-su, là sự sống của Thiên Chúa sẽ có tiếng nói sau cùng.
Tôi thích lối sắp xếp sáng tạo và gợi suy nghĩ trong bài hát “How Great Thou Art – Kỳ Công Tay Người Vĩ Đại Dường Bao”. Tôi rất vui mừng cất cao tiếng hát về những đoạn chúng ta lang thang qua những cánh rừng rậm hay rừng thưa và ngợi khen “tất cả những kỳ công tay Người đã tạo nên”. Và trong phiên khúc cuối cùng, tôi hát lớn hơn hết thảy mọi người trong đoạn “Khi Đức Ki-tô đến trong những lời chúc tụng ngợi khen và dẫn đưa tôi về nhà, thì linh hồn tôi sẽ tràn ngập niềm vui sướng biết là bao.” Chỉ có phiên khúc thứ ba là trục trặc thôi. Bởi vì tôi xem trọng loại thần học bình dân, nên tôi không thể hát và sẽ không hát cái phiên khúc thứ ba đó, vì rằng tôi hy vọng là phiên khúc đó, và hình ảnh Thiên Chúa khát máu trong phiên khúc đó, không phải là sự thật. Quả thật, điều làm cho Thiên Chúa cao cả chính là điều Người không muốn dính dáng gì tới sự chết.
Bản Việt Ngữ: Cecilia nguyễn Thị Mỹ hạnh
No comments:
Post a Comment