Nếu hỏi rằng động cơ nào thúc đẩy tôi trở thành sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế, thì câu trả lời chắc cũng dễ thôi. Nhưng, có một lần vội quan sát đời sống linh mục của một số anh mà tôi quen, tôi cũng đã tự đặt cho mình câu hỏi, đại để như thế này: lúc này vẫn còn quá nhiều việc để làm mà sao các anh em ấy vẫn chưa chịu tra tay mà làm? Lúc ấy, tôi có một ý nghĩa rất lạ. Và, tự nói với lòng mình rằng: nếu tôi mà làm linh mục., thì chắc chắn tôi sẽ làm hay hơn những anh em đồng môn đồng đạo mà tôi quen biết...
Đọc đến đây, chắc có nhiều người sẽ cho rằng tôi hay lý tưởng hoá mọi chuyện. Sau này, tôi có cảm giác là những lời bình phẩm tương tự xem ra có hơi gay gắt và thiếu thực tế.
Thật ra, đây mới chỉ là khởi đầu câu chuyện. Lúc bấy giờ, tôi đã bắt đầu rảo quanh các chủng viện, dòng tu khác nhau để xem có thể tham dự một ít buổi sinh hoạt cũng như khoá học nào đó không. Quả thật, tôi có đi tĩnh tâm một đôi lần. Có lần kéo dài đến cả tháng theo chân một cha giáo tập thuộc Dòng Tên ở Sài gòn. Nhưng cuối cùng, tôi lại tìm đến một vị linh mục khác thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Lúc đó, vị linh mục này đang phụ trách chương trình thỉnh sinh. Được cái là linh mục này đã nhanh chóng chấp nhận tôi vào nhóm sinh viên dự tập. Bấy giờ, tôi cũng chẳng biết tại sao tôi lại được chấp nhận vào cộng đoàn tu sĩ nhanh như thế. Mãi sau này, khi có dịp gặp lại, hỏi ra mới vỡ lẽ rằng chỉ vì tôi vốn dĩ gốc gác Bắc kỳ. Và, ngài đã nhận tôi vì thấy nhà Dòng có quá nhiều vị xuất thân từ miền Trung và miền Nam quá rồi. Nên phải chừa đất cho mấy ông Bắc kỳ di cư nữa chứ.
Sàigòn sụp đổ quá nhanh chóng. Sự kiện này gây ảnh hưởng không nhỏ lên cuộc sống của chúng tôi. Tôi phải đấu tranh ghê lắm, khuất phục đủ mọi khó khăn, hầu tiếp tục duy trì niềm ao ước đã có từ lâu. Chung cuộc, tôi đành giã từ Việt Nam quê hương thân yêu của tôi và đặt chân lên xứ lạ quê người có cái tên rất ít khi nghe đến: Adelaide. Năm ấy là vào 1983. Ổn định và chào đón xong đâu đấy, tôi lại tiếp tục khăn gói bồng bềnh đến các địa danh khác của Úc như: Pennant Hills, Revesby, Mayfield, Penrith, Sydney; rồi, Box Hill, Melbourne; kế đến, là Hồng Kông và bây giờ thu mình trong một nhà dành cho các cha già ở Kogarah, Sydney.
Cho đến nay, tôi vẫn chưa định ra được là tại sao tôi lại ôm vào mình một cuộc sống nổi trôi như thế. Có thể là tôi không còn một chọn lựa nào khác. Tốt hơn, là cứ ở lại với hội Dòng chuyên lo cho người tất bạt, tức Dòng Chúa Cứu Thế của tôi. Tôi đã giáp mặt với đủ mọi thứ khó khăn, ngăn trở. Nhưng tôi đã có được sự hỗ trợ của nhiều thành viên trong tỉnh dòng này, của gia đình riêng nhỏ, của bạn bè và nhất là của những ai đã nếm mùi san sẻ các khó khăn, phiền muộn cùng với tôi để đi tiếp cuộc hành trình trong suốt thời gian qua.
Một điều khiến tôi ưu tư nhiều mỗi khi nghĩ về tình trạng nhân sự của Tỉnh Dòng Úc Châu hiện giờ.Thật khó mà khẳng định là chúng tôi phải làm những gì để giải quyết tình trạng thiếu hụt ơn gọi tu sĩ/linh mục trong lúc này.
Thực tế cho thấy: Tỉnh Dòng đang có đến 75% trong số cả trăm thành viên trong Tỉnh Dòng đạt tuổi cao niên. Tuyển mộ các người trẻ vào Dòng là chuyện đương nhiên phải làm. Nhưng làm thế nào để những người trẻ ấy sống cùng và sống chung đụng với các cụ cao niên kia. Giả như có các vị trẻ tuổi hăng say chấp nhận sống cuộc đời buồn tẻ như thế, thì thử hỏi ta đem đến cho họ những gì? Có hấp dẫn thì chắc cũng không nhiều lắm đâu nhỉ?
Với người trẻ hôm nay, đi tìm một cuộc sống dễ chịu và thoải mái hơn có lẽ là chuyện đáng làm hơn. Ít ra thì cũng thích thú hơn là trở nên thành viên của Tỉnh Dòng để rồi phải chung sống với người già hoặc bệnh tật như an hem mình. Người trẻ vẫn có thể làm các công tác tông đồ cho Hội thánh một cách tốt đẹp mà chẳng cần phải là sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế. Với những người trẻ trong xã hội hôm nay, cái quyết tâm tạo cuộc sống khác biệt theo đường lối của một hội dòng cứng ngắc, dường như vẫn là một ý niệm nghe chưa quen cho lắm. Đằng khác, trong thế giới tân kỳ hiện đại chúng ta đang sống, lại có quá nhiều đổi thay. Các thay đổi diễn ra mau lẹ. Mau đến độ chóng mặt. Và, chúng ta vẫn cứ ngồi đó nói thứ ngôn ngữ của riêng mình. Vẫn nhất mực tuỳ thuộc vào thứ văn hoá xưa cũ. Cung cách lại quá lỗi thời, thì làm sao các người trẻ tuổi dám gia nhập cái xã hội nhỏ bé tồn đọng của chúng ta? Nhất là khi họ chẳng hiểu gì về chúng ta hết?
Muốn có thêm và nhiều ơn gọi sống đời tu sĩ, chúng ta buộc lòng phải tìm cách tiếp xúc với những người trẻ như thế. Trên thực tế, chúng ta có cách sống không khác nhau là bao. Nhưng, vấn đề là những thứ đó có còn hấp dẫn các người trrẻ ấy hay không? Chúng ta phải can đảm hơn. Thay vì tập trung vào một dạng thức tông đồ có sẵn, tốt hơn, nên mở ngỏ với các sáng kiến khác nhau để mỗi người anh em trong Dòng đều có thể thực hiện công cuộc tông đồ theo sáng kiến riêng của họ. Chúng ta phải tin tưởng vào họ nhiều hơn nữa. Dù cho họ có thất bại, cũng không sao. Họ cần được hỗ trợ để hoàn thành thành dự án riêng tư. ý đồ cá nhân. Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ thành công trừ phi ta cho phép những người trẻ như thế cứ thử thời vận một lần xem sao. Tôi vẫn tin tưởng rằng công cuộc tông đồ của chúng ta như việc truyền đạo, tĩnh tâm đã gây ấn tượng tốt đẹp lên các kẻ tin. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất tuần đại phúc, chúng ta vẫn nên để tâm xem xét chuyện hậu đại phúc thì tốt hơn.
Phải chăng chúng ta đang đi vào ngõ nhỏ không có lối thoát? Đúng thế. Nếu can can đo đong đếm, thì rõ ràng là chúng ta chỉ đếm được khoảng trăm anh em. Tuổi tác của anh em mình trải dài từ 60 đến 80. Mỗi năm chúng ta gửi 5 cho đến 6 vị về Trời hưởng bình an trường cửu cùng Chúa. Vì thế, nếu không có hậu duệ, con cháu tiếp nối bước chân tông đồ thì có lẽ chặng đường trước mắt ta đi sẽ phải mất từ 16 đến 20 năm. May mắn lắm thì chúng ta sẽ có chừng 2 hoặc 3 tu sĩ trẻ trong khoảng thời gian 5 năm tới. Nói tóm lại, từ nay cho đến năm 2017 hoặc 2020, quân số của Tỉnh Dòng sẽ chỉ còn khoảng chừng 8 đến 12 thành viên. Với một quân số khiêm nhượng như thế, cộng thêm một số vị đã đạt tuổi 80, nếu may mắn được như thế, thì ta sẽ phải làm những gì để cứu vãn tình thế xảy đến mai ngày?
Hiện giờ theo thông tin ta có thì chúng ta đang ở trong tầm tay bắt chụp. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là thông tin và sự hiểu biết thường tình, không tạo được giá trị chủ động nào khả dĩ làm thay đổi được tình hình để có thêm ơn gọi làm tín hữa Đức Kitô. Chúng ta vẫn phải chọn lựa và có thì giờ để hấp thụ các điều đó. Chúng ta sẽ học hỏi được nhiều thou, nhưng có lẽ cũng chẳng có được nhiều điều cần thiết lắm đâu. Tôi đồng ý với Robert Fulghum khi anh bày tỏ ý kiến bảo rằng: Điều anh thực sự thấy cần thiết là chúng mình phải biết cách sống và biết cách trở thành mẫu người mà anh đã học được từ hồi còn mẫu giáo. Anh khẳng định: những điều anh học được từ hồi đo, như: biết san xẻ mọi thứ anh có, biết tỏ ra quân tử khi đùa giỡn, không đánh đập làm hại bất cứ một ai. Nhặt được thứ gì, ở đâu, của ai thì phải trả lại cho khổ chủ hoặc để lại chỗ cũ, biết thu dọn sạch sẽ những gì mình vung vãi, không sử dụng những gì không thuộc về mình, biết nói lời xin lỗi mỗi khi làm cho người khác đau đớn/phật lòng. Thêm nữa, khi gia nhập vào thế giới giòng đời, phải biết ngó chừng người/xe qua lại, biết nắm chặt tay liên kết với nhau.
Như ta vẫn biết, não bộ của ta được cấu tạo không phải để lãnh nhận kiến thức mà thôi; nhưng còn để suy nghĩ và sử dụng điều mình suy tư hầu có tương quan hỗ tương với người đồng loại.
Tương tự như thế, khi có quyết tâm tin tưởng, ta phải biết rõ các điều ấy. Và đó không phải là chuyện dễ. Đôi khi ta còn phải rong ruổi đường dài một thời gian khá lâu mới tới được đích điểm. Ta không thể sống bằng niềm tin hoặc kinh nghiệm tái chế. Phải biết chọn lựa những gì phù hợp với ơn gọi làm tín Đức Kitô, như:
-Biết rũ bỏ những gì không thiết thực
-Gắn bó với Chúa trong Đức Kitô, có thế mới thực an toàn; mới thực sự hỗ trợ cho ơn gọi Kitô hữu.
Chúng ta nên nhớ: Chúa không đòi chúng ta phải giúp đỡ Ngài. Ngài yêu cầu con người chúng ta; đòi ta phải trung thực với chính mình và không để cho người nào khác ảnh hưởng lên chọn lựa của mình. Nhất quyết có một cuộc sống biết thực hiện thông điệp của Tin Mừng. Và,cùng một lúc ta cũng không thể sống theo kỳ vọng của người khác. Ta phải sống ở nơi nào có tình yêu của Chúa hiện diện. Nơi môi trường này, ta sẽ gặp những người vốn có niềm tin và kinh nghiệm sống chín chắn, trưởng thành; và, nhờ niềm tin và kinh nghiệm của họ, ta được cuốn hút vào quỹ đạo của tình thương yêu và sự hưng phấn vì Chúa.
Nhân sự, cấu trúc, giáo dục và các chương trình khác nhau đều có chỗ đứng trong việc hỗ trợ cho ơn gọi tín hữu Đức Kitô. Tuy nhiên, không gì có thể thay thế việc ta gặp gỡ riêng tư và đích thực với Chúa. Nhân sự là thước đo tốt nhất để thấy được cuộc sống theo Tin Mừng. Chính vì thế mà sự xác tín của một số người tập trung sống với Chúa qua Đức Kitô có thể được trải rộng ra với nhiều người khác.
Bầu khí cộng đoàn thân tình như thế đem đến cho ta sự hỗ trợ to lớn cho ơn gọi của mình. Đôi khi chúng ta chẳng cần có nhiều người sống trong cộng đoàn như thế. Chỉ cần vài người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc đời có thể là nguồn động lực yểm trợ.
Ơn gọi làm tín hữu Đức Kitô là quà tặng đem đến cho tôi qua lòng nhân từ của Chúa. Như thánh Augustine, chúng ta dám nói rằng Chúa đã cất nhắc ta lên cao để thấy được rằng có một số chuyện cần thấy. Nhưng, đôi khi chúng ta chưa lớn lên đủ để thấy được điều ấy. Tức là, trưởng thành trong niềm tin. Với sự hỗ trợ của cộng đoàn gồm các kẻ tin vào Đức Kitô và gần gũi với Ngài qua kinh nghiệm sống của mình, chúng ta sẽ nỗ lực tồn tại với Đức Kitô qua Tin Mừng và với cộng đoàn của mình rồi từ đó hỗ trợ cho người khác.
Lm Mai Văn Thịnh, CSsR
No comments:
Post a Comment