Khái lược về lịch sử Israel
Sơ luợc
Abraham đuợc kêu gọi và di cư trong khuôn khổ của những đợt dân du mục (giòng giống Aram) xâm nhập vào các vùng canh thổ. Ông xuất tự vùng Lưỡng Hà Địa và đem theo những truyền tụng cổ thời Israel sẽ chuyển lại qua các thế hệ. Ông thuộc thời ông về tư tưởng, phong tục và luật lệ. Nhưng chính xung quanh Thiên Chúa kêu gọi ông mà Israel sẽ được thành hình.
Vào khoảng thế kỷ 13, Môsê đem dân ra khỏi Ai Cập, nhân danh Yavê. Dân tạp nhạp, gồm có dân Hipri và nhiều nô lệ thuộc nhiều nhóm. Israel được hun đúc thành một dân xung quanh Thần đã mạc khải, và chịu lấy một đức tin, một lề luật, một kiểu sùng bái.
Trước vương quyền (1230-1000)
Lối -1230, Israel xâm nhập vào Canaan, có lẽ theo nhiều đợt. Yôsua dẫn nhà “Yuse” vào trung phần Phalệtin; Yuđa định cư ở miền Nam làm một với nhiều nhóm du mục khác: nhóm Kaleb, nhóm Kênít (Kain) còn nhiều nhóm bà con khác đã định cư trước họ lâu rồi tại Galilê. Các bộ lạc Israel chen lấn dần dần và giữa dân cư trong xứ dân Canaan, theo nhiều kiểu: chiến tranh, giao hảo (Sikem), ngụ cư rồi sáp nhập. Tôn giáo vì thế có chịu ảnh hưởng ngoại đạo của người Canaan. Các bộ lạc dần dần hiệp nhất để sinh tồn và gây thế lực. Lối -1125, Đêbôra đã có thể phối hiệp các bộ lạc Galilê với Trung phần Phalệtin; rồi thêm những bộ lạc bên Đông sông Yorđan. Với Ghiđêôn, người ta muốn thử thành lập vương quyền nhưng không thành.
Đến lối -1020, do những động lực khác nhau, sức bành trướng của Israel, mối nguy cơ do tham vọng bá chủ của dân Philitin, nhân dịp các nước lớn xung quanh suy sụp (Ai Cập hỗn loạn), Assur nội bộ lủng củng, nên Saul người Benyamin đã có thể xây cất một vương quyền đích thực; lần đầu tiên Israel được thống nhất dưới một quyền duy nhất gồm cả Yuđa là một bộ tộc thường đứng tự lập. Nhưng sự duy nhất còn lỏng lẻo, quyền trung ương mới manh nha, quân lực Philitin mạnh, nên vương quyền Saul đã đổ vỡ.
Đavít và Salômôn (1000-922)
Đavít, với tài cán chính trị và dụng binh khéo đã tiếp tục công việc của Saul và đã đem ngay vương quyền đến chóp đỉnh vinh quang trong tất cả lịch sử Israel (1000-961). Ông đã đẩy lui thế lực của Philitin bắt họ phải triều cống, đã chinh phục Yêrusalem và đã khôn khéo dùng thành đó làm trung tâm chính trị và tôn giáo của tất cả Israel. Các dân Canaan được sáp nhập vào Israel; các dân láng giềng bốn phía đều bị thôn tính hay phải cầu hoà triều cống. Phía Nam, Đavít chiếm Êđom, và mở con đường thông thương đến Biển Đỏ, có lợi cho thương mãi dưới triều Salômôn. Trong phấn khởi vì thắng lợi khắp nơi, và nhờ lòng đạo đức chân thành của Đavít, thời đó là một thời sốt sắng về tôn giáo. Nhưng sự duy nhất vẫn còn mong manh giữa các bộ tộc, bởi quá khứ sống biệt lập, bởi những tranh giành giữa các con cái Đavít, bởi Đavít cuối đời cũng có ít điều bất đắc nhân tâm.
Salômôn (961-922) danh vọng bởi đã xây cất đền thờ, nhờ thừa hưởng một thời thái bình và sa hoa, nên đã có tiếng trong truyền tụng về khôn ngoan. Thực thì ông là một người cai trị giỏi biết tổ chức, sách thánh nói đến ba đặc điểm: một ông vua kiến trúc, ông vua thương mãi, một hiền nhân quân tử. Nhưng ông không có tài cán bằng Đavít. Ông giữ vừa chừng được gia tài của cha ông, nhưng cũng đã làm suy sụp nhiều bởi sống sa hoa hào nhoáng; muốn cho quỹ đầy thì ông đã bổ thuế nặng và đặt việc khổ dịch trong một dân chuộng tự do; nên ông đã làm cho các bộ tộc miền Bắc phẫn uất; họ sẽ dấy loạn sau khi ông chết.
Hai nước Israel và Yuđa (922-721)
Tách khỏi Yuđa, mười bộ tộc Trung phần và Bắc phần Phalệtin cùng Đông Yorđan đã họp một làm thành một nước và mang tên Israel.
Israel vẫn được coi như một thế lực chính trị trong bàn cờ các nước đương thời. Các vua của họ có chân trong lịch sử ngoại giao Tiểu Á đương thời, có khi đã sung trận với những đạo binh lớn (trận Qarqar 853), xây cất kinh đô, liên minh giao hảo với các nước chung quanh như Tyrô (Omri, Akhab : Izabel), nhưng hầu như chinh chiến liên miên chống lại nước Aram (Đama). Nhưng các bộ tộc không nhất khối, những vụ đảo chính thường diễn ra, các triều đại thay ngôi đổi chỗ. Về tôn giáo: Israel không có đền thờ trung ương: hàng tư tế cổ truyền cũng không có. Kết thân với Tyrô về thương mãi kinh tế, và cả hôn nhân (Izabel) đã làm bành trướng rộng việc sùng bái Baal. Các tiên tri đã đứng dậy phản kháng kịch liệt cuộc thoái hoá tôn giáo đó và đả kích các vua. Êlya và Êlisa là những dung mạo đặc biệt thời này (Êlisa đã đề khởi cách mạng Yêsu). Amos, Hôsê, Yuđa: hẻo lánh trên một vùng núi, trong một dải đất bé tí (dài 50 cây số, rộng 40 cây số) nên Yuđa không có thế lực về chính trị hay binh bị. Yuđa trung thành với Đavít. Không thấy có đảo chính (duy chỉ có một lần vào thời Athalya), và như thế triều đại Đavít đã kéo dài được 4 thế kỷ. Nhờ có Đền thờ Yêrusalem, hàng tư tế cổ truyền thuộc họ Lêvi, và ít vua có chí phục hưng, nên tôn giáo tại Yuđa có tính cách khá vững chãi. Cho dẫu có những tệ đoan xâm nhập vào (nhất là những lúc phải dựa thế Assur), chúng ta không thấy các tiên tri chỉ trích Yuđa thậm tệ như Amos đã chỉ trích Israel phía Bắc.
Khởi từ giữa thế kỷ 8, Assur lại lập được quyền bá chủ tại Lưỡng Hà Địa. Dần dần các nước nhỏ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải cho đến Ai cập phải hàng đầu. Để chống lại, Israel đã giao hảo với Đama và muốn cưỡng ép Yuđa vào liên minh. Akhaz không chịu. Bởi, lâm thế bĩ, Akhaz hốt hoảng trái với lời Ysaya, đem cống hiến thần phục Assur đã xin tiếp viện. Đama bị triệt hạ (732); rồi đến luợt Israel: trước thì đầu hàng, sau nổi loạn và Assur đã chiếm tất cả đất đai, triệt hạ Samari và bắt dân lưu đày (721).
Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
No comments:
Post a Comment