Thời nào cũng vậy. Chung sống và hợp tác vẫn là chuyện thường ngày ở huyện. Nói không ngoa, ta có thể bảo rằng: chung sống và hợp tác đã trở thành chuyện “chẳng đặng đừng” ắt và đủ trong cuộc sống. Dù muốn dù không, chẳng ai ruỗi bỏ được nó. Cứ tưởng tượng một tình huống qua đó mọi người sống gần nhau, với nhau hoặc cho nhau mà chẳng có được sự hoà hợp, vui vẻ thì chắc đôi bên sẽ khổ tâm không ít. Đó là chưa kể tình trạng tranh chấp/đố kỵ ở mức độ căng thẳng nhất. Tranh chấp là vì có khác biệt và chênh lệch. Đố kỵ là do thói quen thiếu hoà đồng và hợp tác.
Nói tóm, hoà đồng/hợp tác có lẽ là vấn đề bức xúc nhất của mọi tổ chức, ở khắp nơi trên trần thế.
Cần ví dụ cụ thể ư?
Hãy cứ đọc lời trần tình dưới đây của một đấng vị vọng được nhiều người biết đến:
“Thử nhìn vào tổ chức Giáo hội Phật giáo hợp pháp duy nhất tại quê hương mà người ta thường gọi bông đùa là Giáo hội nhà nước. Nhìn vào đó thì ta thấy những yếu tố đã tạo ra nó, tích cực và tiêu cực. Trong số những yếu tố ấy, ta thấy sự có mặt của Giáo hội Việt nam thống nhất mà đại diện phía chiều nổi đã tranh đấu ráo riết cho nên các thày trong Giáo hội nhà nước mới được phép nhà nước cho dịch sách, in kinh… Các thày bên phía Giáo hội thống nhất càng tranh đấu, càng vào tù ra khám chừng nào thì các thày bên phía Giáo hội nhà nước càng có thêm không gian để làm việc chừng nấy. Vậy là các thày bên Giáo hội thống nhất là những vị đã và đang yểm trợ Giáo hội nhà nước một cách tích cực nhất.” (Thích Nhất Hạnh, trích “Kẻ Thù Ta..” tr.1)
Hoà đồng và hợp tác một cách “tích cực” với những người khác “cực” (dù là cực tả hay cực hữu) nhưng cùng một tổ chức, một giáo hội là điều đã xảy ra trên thực tế. Thế nhưng, với những người ở ngoài tổ chức/giáo hội thì sao?
Hãy nghe thiền sư kể tiếp:
“Ba chục năm nay, có một số người trong nước cũng như ngoài nước cứ trách cứ tôi là quá thân với người Cơ đốc và người Cộng sản. Họ chỉ muốn tôi thân với người Phật tử và người chống Cộng mà thôi. Tôi đã cố gắng nhắc cho họ nhớ là tôi chỉ có thể hành động trên cơ bản nhận thức:”kẻ thù ta không phải là con người” tôi muốn tất cả đều có cơ hội để sống và có quyền sống hạnh phúc- nhưng không phải ai cũng đã chấp nhận được dễ dàng điều đó cho tôi” (Thích Nhất Hạnh - sđd , tr.2)
Đó là nhận định của một vị ngoài Kitôgiáo (mà ông gọi là Cơ Đốc). Thế còn người trong đạo thì sao? Trả lời cho câu hỏi này, hãy thử nhìn vào sự kiện gần đây nhất mà ngẫm nghĩ:
Hôm thứ ba 06-12-2003, phát biểu trong buổi gặp gỡ được tổ chức do Hội đồng Toà thánh về Đối thoại với Tôn giáo khác và với các Tổ chức Văn hoá, Truyền thông, Đức Yoan Phaolô đệ Nhị nói:
“Ngày nay, chúng ta đặc biệt có nhu cầu khẩn trương cho một cuộc đối thoại có sự cảm thông và hợp tác giữa các tôn giáo lớn trên thế giới, đặc biệt là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Đề tài của buổi gặp gỡ này là Sự thật, sự Công bằng, Tình thương và Tự do vốn là những cột trụ cho một nền hoà bình trường cửu…
Tôi kêu mời tất cả quý vị, nam cũng như nữ có thiện chí hãy hợp giọng với tôi để tái khẳng định rằng chúng ta sẽ không bao giờ dùng thánh danh của Đức Chúa để mà khuấy động bạo lực hoặc khủng bố, cũng không phải để cổ động cho sự thù hằn hoặc loại trừ lẫn nhau. Tôi tin rằng quý vị sẽ tiếp tục đối thoại và hợp tác với nhau -mà buổi gặp gỡ này là một bằng chứng hùng hồn nhất- và nhờ đó sẽ tăng cường giúp đỡ những người Kitôhữu cũng như các tín đồ Hồi giáo sẽ mãi mãi là công cụ đắc lực cho nền hoà bình vĩnh cửu” (x. Tuần báo The Catholic Weekly 07-12-2003)
Nói theo kiểu thời đại thì hai đấng bậc trên tuy xa cách nhau về mặt địa dư nhưng lại rất gần gũi nhau trong nhận định. Các vị đã gặp nhau trên cùng tần số phát biểu. Cùng dừng lại ở một tụ điểm rất hợp thời. Và hợp với nhu cầu của thế giới hôm nay. Tần số ấy là sự hoà đồng. Tụ điểm ấy là nhu cầu của sự hợp tác.
Thế nhưng, thực tế ra sao?
Tại sao vẫn cứ phải có hoà đồng/hợp tác?
Nhìn vào khía cạnh tôn giáo, đã có hay chưa một sự hoà đồng/hoà giải?
Nhìn về khía cạnh xây dựng hoà bình, có còn hay chăng thái độ hờ hững, bất hợp lực?
Trước khi có câu đáp trả thoả đáng, có lẽ nên trở về với quả quyết nền tảng:
“Sự khác biệt giữa niềm tin Kitô và các tôn giáo trên thế giới đó là việc Kitôgiáo xác tín rằng Đức Yêsu làng Nazarét là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập thể, là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi đã đến trong trần gian.”(trích Sứ điệp của Đức Yoan Phaolô II gửi giới trẻ nhân ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 15).
Quả thật là: trong cộng đồng thế giới hôm nay với hơn 6 tỷ người đang sống dai và sống mạnh thì sự khác biệt về niềm tin vẫn là chuyện căn bản. Và từ niềm tin ấy, khác biệt về chính kiến hoặc lập trường sống không còn là chuyện xa lạ. Và đây, hãy trở lại với lập trường của thiền sư Nhất Hạnh:
“Phép thực tập của tôi là ôm lấy được cả những người Cộng sản và những người Công giáo. Vì tôi không thể chỉ ôm người Phật tử và người chống Cộng. Không phải chỉ trong giới Công giáo và giới Cộng sản mới có những người có thái độ hẹp hòi, cuồng tín và cố chấp. Trong giới Phật tử, tôi cũng thấy nhiều người hẹp hòi, cuồng tín và cố chấp, gây khổ đau cho bản thân, cho gia đình và cho kẻ khác không ít. Có những người xưng là Phật tử kể cả giới xuất gia, mà tham nhũng, tàn ác và cố chấp đến mức con cái hoặc đệ tử họ cũng không chịu đựng được họ nữa là kẻ khác..” (Thích Nhất Hạnh, Sđd, tr.2)
Đúng thế. Cho nên, trước khi có được một sự hợp tác “tích cực” thì mọi phía phải có thái độ khiêm tốn và hạ mình. Khiêm tốn là vì mình không là cái rốn của vũ trụ và cũng chẳng là gì cả đối với người khác. Chẳng thế mà, người Công giáo trước khi làm một việc gì tốt lành (như đồng tâm, hiệp lực dâng của lễ chẳng hạn), họ vẫn tự nhận rằng mình yếu hèn, có lỗi trước mặt anh chị em đồng đạo. Người đi dâng của lễ vẫn tuyên xưng điều ấy trong một bản kinh mà họ có thói quen gọi là “kinh cáo mình”.
Đằng khác, chính Đức Giáo Chủ cũng từng lên tiếng:
“Một lần nữa, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới, tôi mời mọi gọi quý vị hãy mở rộng cánh cửa cho Đức Kitô… Đón nhận Đức Kitô bằng cách yêu thương Ngài và anh chị em đồng loại, liên đới với tất cả mọi người không phân biệt một ai.” (trích Sứ điệp năm 2000 của Đức Gioan Phaolô II, tr.2)
Nói như thế, thì hợp tác đón nhận còn có nghĩa là liên đới với tất cả mọi người. Liên hệ bằng tình thương yêu/tôn kính người khác. Khác chính kiến, khác chủ thể.
Hợp tác tức là còn đi xa hơn nữa. Như Gioan Tẩy Giả đã can đảm tự mình nhận chìm chính mình. Chìm vào quên lãng. Chìm trong bóng tối. Không chuộng nổi tiếng. Nhưng nhất quyết làm mọi cách để ngừơi khác trổi bật hơn mình. Nói cách khác, hợp tác là tự mình trở thành tầm thường để người khác nên quan trọng hơn. Hợp tác là dám nói và dám làm như Gioan Tẩy Giả:
“Sẽ có Người đến sau tôi
người ấy sẽ làm công việc này tốt hơn tôi…”
(Lc 3:16)
Tuy nhiên, chìm xuống hay chìm xuồng không chỉ với một thái độ yếm thế/trốn chạy nhưng vẫn cứ ở lại để tiếp tay với người kia, ở phía bên kia… Làm như thế với một thái độ vui tươi, phấn khởi:
“Mỗi khi các anh làm việc này
cho người nào đó,
tức là các anh đã làm cho Tôi..”(Mt 25)
Khi hợp tác là đã có thái độ.
Nhưng thái độ là thái độ gì?
Và đây, một ý kiến khác của vị thiền sư:
“Trong đạo Bụt, tôi được dạy phải theo nguyên tắc Từ, Bi, Hỷ và Xả. Xả có nghĩa là không kỳ thị. Tình thương chân thật là tình thương không bao dung, ôm lấy được tất cả mọi người và mọi loài đang đau khổ.” (Thích Nhất Hạnh sđd tr.2)
Và ý kiến của một chân phước khác vừa được tôn vinh dạo gần đây, Mẹ Têrêxa Calcutta:
“Điều cần thiết là yêu thương liên tục. Làm thế nào mà ngọn đèn cháy mãi nếu nó không được nuôi dưỡng bằng một giọt dầu? Khi hết dầu thì không còn ánh sáng..
Các bạn thân mến, những giọt dầu của ngọn đèn các bạn là gì? Đấy là những điều nhỏ nhặt trong đời thường: niềm vui, lòng quảng đại và sự hợp tác trong nhẫn nại…” (Vài tư tưởng của Mẹ Têrêxa, được trích dẫn từ báo Dân Chúa 10/12/2003, tr.1).
Hợp tác còn có nghĩa là hy sinh. Không chỉ hy sinh mỗi sự nổi tiếng hoặc của cải thôi mà là hy sinh tất cả. Hy sinh một cách trọn vẹn. Hy sinh cho hết mọi người. Trao ban trọn gói. Như Mẹ Têrêxa thành Calcutta quả quyết:
“Tại Calcutta, cách đây một thời gian, mỗi đêm chúng tôi ra đường đem bốn năm người hấp hối về nhà vĩnh biệt của chúng tôi. Có một bà ở trong tình trạng thật bi đát nên tôi muốn tự tay mình chăm sóc. Tôi gởi hết tình thương vào công việc này. Khi tôi đặt bà lên giường, bà nắm lấy tay tôi và môi bà nở một nụ cười tuyệt diệu. Bà chỉ nói một tiếng “cảm ơn” rồi bà chết. Bà đã cho tôi nhiều hơn tôi cho bà, rất nhiều. Bà đã tặng tôi tấm lòng biết ơn của mình và tôi thầm nghĩ: Ở hoàn cảnh bà tôi sẽ làm gì nhỉ? Rồi tôi tự trả lời: hẳn là tôi sẽ cố gắng lôi kéo sự chú ý về mình; hẳn là tôi sẽ bảo: tôi đói hay tôi lạnh hay tôi sắp chết. Nhưng phần bà, bà thật cao cả, bà thật tuyệt vời qua hành động trao tặng của mình..” (Vài tư tưởng…, sđd, tr.1)
Hợp tác là cống hiến cả thì giờ và công sức cho người khác. Cống hiến để xây dựng một nền văn minh tình thương:
“Cả quý vị nữa, hỡi các bạn trẻ, những người con trưởng thành trong thế kỷ sắp tới, “cuốn sách sự sống” được trao cho các bạn... ước gì sách ấy trở thành kho tàng quý báu nhất của các bạn: bằng việc học hỏi và quảng đại đón nhận lời Chúa, các bạn sẽ tìm thấy lương thực và sức mạnh cho cuộc sống hằng ngày. Các bạn sẽ tìm thấy động lực cho sự tham gia không mệt mỏi trong việc xây dựng nền văn minh tình thương.” (ĐGH Yoan Phaolô II, sđd tr.5)
Hợp tác sẽ dễ dàng thực hiện hơn nếu mặc lấy cho mình tinh thần nghèo túng, thanh khiết:
“Trong biến cố nhập thể, Đức Kitô đã trở nên nghèo hèn để chúng ta trở nên giàu sang nhờ vào sự nghèo hèn của Người. Người đã ban cho chúng ta ơn cứu chuộc là hoa trái quan trọng hơn cả từ Máu Thánh của Người đã đổ tràn trên thập tự.
Sự hy sinh cao cả của Người đã tự trao ban sự sống hầu cứu độ chúng ta là bằng chứng tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đối với chúng ta.” (x.Yoan Phaolô II, sđd tr.2)
Điều kiện của hoà đồng/hợp tác là có sự bao dung, nhân từ:
“Thiếu bao dung, thiếu từ bi, thiếu sự quán chiếu, con người dễ trở thành hẹp hòi, cố chấp và cuồng tín. Bổn phận của người hành đạo là giúp con người tháo bỏ thái độ hẹp hòi, cố chấp và cuồng tín đó, giúp họ trở thành hiểu biết, bao dung và từ bi chứ không phải lấy súng bắn vào họ, tiêu diệt họ.” (Thích Nhất Hạnh, “Kẻ thù ta”, sđd tr.2)
Hoà đồng/hợp tác không phải là yêu cầu tạm thời hoặc ngắn hạn. Nhưng lại là một đòi hỏi cơ bản, tích cực trong suốt thời gian con người còn sống. Còn hít thở không khí trong lành. Còn cơ may hoạt động cho mình, cho người:
“Vậy các anh hãy ra đi
thu nạp môn đồ khắp muôn dân,
thanh tẩy họ
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,
dạy họ giữ hết mọi điều Tôi đã truyền cho các anh.
Và này,
Tôi sẽ ở với các anh
mọi ngày cho đến ngày thế tận”.
(Mt 28:20)
Hoà đồng/hợp tác là hành động thiết thực. Không xe xua. Không phải ngoài môi, chóp lưỡi. Mà là sự thực diễn ra hằng ngày:
“Kêu gọi đoàn kết mà vẫn tiếp tục kỳ thị nhau, hận thù nhau và loại trừ nhau thì bao giờ có được đoàn kết thực sự? (Thích Nhất Hạnh, sđd tr.5).
Hoà đồng/hợp tác không thể thực hiện được nếu không có tình thương. Không vì tình thương. Với người theo đạo và hành đạo, đòi hỏi hoà đồng và hợp tác còn là thái độ và hành động xuất phát từ hiến pháp căn bản và cơ hữu của Nước Trời. Căn bản vì đó là lời mời gọi và cũng là hiến pháp nguyên thủy ngay từ buổi ban sơ khi Đức Chúa xuất gia lên núi mở rộng cánh cửa nhà Trời, Nước Trời cho mọi người:
“Phúc cho những kẻ tác tạo hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc cho các con khi người ta sỉ mạ các con,
và bắt bớ, đặt điều nói xấu đủ điều về các con một cách lếu láo
vì cớ Thày.
Hãy vui sướng và hân hoan,
vì phần thưởng các con lớn thật ở Nước Trời...”
(Mt 5:9-11)
Quả là hợp tác và hoà đồng không phải lúc nào cũng ngon ăn, dễ làm. Nhưng vẫn cứ nhiệt nồng, hân hoan thực hiện yêu cầu triệt để như hiến chương của Nước Trời. Như lý do của sự sống. Như yếu tố ắt và đủ của cuộc đời chung chạ trong cái xã hội lúc nào cũng nhiễu nhương. Lúc nào cũng có đủ mọi ý đồ của quyền môn âm phủ chỉ chực lăm le chống lại mọi chuyện hợp tác và hoà đồng.
Hợp tác và hoà đồng không còn là chuyện đầu môi chóp lưỡi nhưng phải là hành động cụ thể. Hợp tác chứ không cục tác. Bởi lẽ, Đức Chúa vẫn luôn nhắc nhở:
“Các con là muối cho đời
nếu muối ra dại,
không còn ích gì
chỉ việc đổ ra ngoài cho người ta dày đạp lên thôi.
Các con là ánh sáng cho thế gian...”
(Mt 5:13-14)
Và một lần nữa, cứ thử tưởng tượng mà xem có ánh sáng nào mà không chịu hoà đồng và hợp tác trong việc toả chiếu lan rộng. Lan đến với người kia, phía bên kia. Người và phía đang chờ đợi bàn tay đóng góp tích cực của mỗi người. Trong đạo cũng như ngoài đạo.
Vậy nên, cứ hợp tác (mà không cục tác). Cứ đồng lòng dù không đồng sàng) mà hoà mình với mọi người. Và, rồi ra mọi người:
“…sẽ thấy được việc lành anh em làm
mà tôn vinh Cha của anh em,
Đấng ngự trên Trời.”
(Mt 5: 16).
Trần Ngọc Tá,
Lại có thêm một đề nghị
No comments:
Post a Comment