Trong tuần lễ thứ 11
mùa Thường Niên, Lời Chúa trong Thánh Lễ hàng ngày kể cho chúng ta câu chuyện
về cuộc đời và sứ mạng của Ngôn Sứ Êlia, đặc biệt ngày thứ hai, câu chuyện dừng
lại ở biến cố vườn nho của một người có tên là Navốt (1V 21).
Một người tên là
Navốt có một vườn nho, vua Akháp tuy ruộng vườn mênh mông nhưng lại thèm muốn
vườn nho của Navốt, nhà vua đề nghị “giải tỏa” vườn nho để lấy đất làm kinh tế
trồng rau, Navốt không đồng ý vì đây là vườn nho của cha ông để lại. Thấy nhà
vua tỏ ra buồn phiền và cay cú vì không "cưỡng chế" được vườ nho theo
ý mình muốn, hoàng hậu Isaven liền bày kế độc hiểm, cho người tố cáo, vu khống
Navốt tội âm mưu chống lại triều đình, tòa án nhân dân ngay lập tức được thiết
lập để xử Navốt, bản án tử hình được tuyên một cách nhanh gọn, và Navốt chết
trong nỗi đau đớn tức tưởi. Akháp vui vẻ tổ chức liên hoan mừng chiến công, y
như một cuộc chiến đáng được ghi vào binh sử.
Hàng ngày trên các
trang truyền thông xã hội, chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu hình ảnh làm xé
lòng bất cứ ai xem, kể cả những kẻ lạnh lùng nhất cũng không thể ngăn được cảm
xúc. Những hình ảnh lập đi lập lại chỗ này chỗ kia, những cuộc đàn áp cưỡng
chế, những tiếng khóc thắt lòng, những âm thanh đập phá nhà cửa và đánh đập con
người, những hình ảnh bê bết máu trên gương mặt, những bó đuốc sống và cả những
con người nằm bất động, hai chữ “cưỡng chế” để thu hồi đất là nỗi ám ảnh kinh
hoàng của người dân. Người ta tha hồ ra tay cưỡng chế thu hồi đất để làm… kinh
tế!
Gần đây nhất và có
thể nói là ồn ào nhất là vụ đại án Thủ Thiêm, lần đầu tiên sau gần 20 năm sống
và chết trong tủi nhục, oan ức, người dân Thủ Thiêm mới được vị đứng đầu bộ máy
quyền lực thành phố tiếp xúc, nghe và có lời hứa hẹn. Ông ta nói giống như bà
phó chủ tịch đã nói cách đây hai tháng, các ông bà có trách nhiệm trong thành
phố bây giờ mới nghe, mới biết, thế là bao lâu nay chỉ có đám CA, dân phòng đi
bắt bớ, đánh đập, khủng bố, là biết mà thôi! Kể cả kẻ đã ký lệnh giải tỏa, kẻ
đưa tay cầm tiền bán đất của dân, kẻ chỉ đạo hệ thống báo chí bôi lọ, vu khống
người dân “chống người thi hành công vụ” cũng không biết, không hề nghe tiếng
khóc của người dân!
Ngôi Chùa mang tên
Liên Trì bị san bằng, vị Hòa Thượng trụ trì bị cưỡng bức đưa vào Bệnh Viện Đa
Khoa quận 2 giam lỏng, các sư tăng ở Chùa bị giải tán đi khắp nơi. Ngôi Nhà Thờ
Thủ Thiêm nơi có người Linh Mục già cô đơn quyết ở lại không bỏ Nhà Thờ, cụ thu
mình trên chiếc xe lăn, ra giữa trời mưa cầu kinh khi chung quanh cụ các loại
xe cơ giới đang ì ầm chực san bằng giải tỏa. Tu Viện Mến Thánh Giá tồn tại trên
trăm năm oằn mình chịu cắt điện, cắt nước, cắt đường đi và cắt cả hệ thống
thoát nước, các Nữ Tu lội bì bõm trong trong những cơn lụt… nhân tai! Ấy vậy mà
các ông bà có trách nhiệm trong thành phố không biết, cả một hệ thống chính trị
không biết!
Câu chuyện vườn nho
của Navốt đã không kết thúc bi thảm như vậy. Êlia người của Thiên Chúa, người
thi hành sứ mạng nói Lời của Thiên Chúa đã không hề khiếp sợ quyền lực, không
hề tránh né với cái kiểu biện hộ rằng đây là vấn đề nhạy cảm. Ông đến gặp nhà
vua và tuyên lời chân thật, lời tuyên bố kẻ làm điều ác, bất công phải chịu
tội, chó đã liếm máu của Navốt thì cũng sẽ liếm máu của Akháp, thây của kẻ áp
bức người vô tội sẽ bị chim trời rúc rỉa.
Lời Chúa bền vững
nghìn năm đó là xác tín của người tin vào Chúa, Lời Chúa sống động, như dao hai
lưỡi phân cách đâm thấu tâm can con người, đó là nguyên lý bất biến. Thế nhưng
Lời Chúa có được hiện thực, có được hiện tại hóa hay không lại tùy thuộc vào
con người. Kịch bản vườn nho bây giờ nhan nhản khắp nơi đã có, phần cuối kịch
bản đang chờ ứng nghiệm Lời Chúa.
“Thượng
Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này…”! Người dân Việt đang cất lên những lời nguyện
cầu xé lòng…
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
23.6.2018
(Tựa đề lấy từ tác phẩm "Đêm nguyện cầu" của nhạc sĩ Lê Minh Bằng,
(Tựa đề lấy từ tác phẩm "Đêm nguyện cầu" của nhạc sĩ Lê Minh Bằng,
No comments:
Post a Comment