Trong
những ngày Đại Lễ vừa qua, tâm hồn chúng ta đã trải qua những giây phút vô cùng
vui tươi và hân hoan vì các hồng ân của Chúa Phục Sinh đem lại. Nay, chúng ta trở
về với cuộc sống thường ngày, với phần phụng vụ Lời Chúa, nhất là các bài Phúc
Âm, hầu hết trích từ sách Tin Mừng theo Thánh Mác-cô.
Trong
hoàn cảnh cấm cách và đầy chông gai trong việc sống đạo và truyền đạo của các
tín hữu thời sơ khai. Cho dù niềm tin của họ có kiên cường đến đâu cũng có thể
bị chao đảo, chán nản và thất vọng! Họ có thể hỏi nhau rằng với tình trạng như
thế thì làm sao Nuớc Thiên Chúa có thể phát triển được?
Trình
thuật Tin Mừng hôm nay có thể đem đến cho họ và cả chúng ta lời giải đáp.
Trước
hết, khi đọc thoáng qua chúng ta cũng nhận thấy các chi tiết như người gieo giống
và hạt giống được đề cập trong dụ ngôn này. Nhưng, đây không phải là dụ ngôn
người gieo giống và dụ ngôn này chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Tin Mừng của
Thánh Mác-cô. Chủ đích của Thánh sử muốn nhấn mạnh đến việc ‘hạt giống tự mọc
lên một cách âm thầm’. Các chi tiết như: tình trạng của thủa đất và công sức
vun tưới của người gieo không phải là những yếu tố quan trọng đối với Mác-cô.
Điểm
chính của dụ ngôn nằm ở thái độ của người gieo giống: Ông được trình bầy như một
kẻ lười biếng, chỉ biết gieo mà không biểu lộ một chút công sức nào để cho hạt
giống đựợc phát triển. Sau khi gieo hạt, ông trở về với cuộc sống thường nhật của
mình. Tuy, đó là vẻ bề ngoài của ông, nhưng chúng ta có thể suy luận rằng: vì
ông là một nhà trồng cấy chuyên nghiệp, cho nên ông có đủ kinh nghiệm để xác
tín rằng thủa đất mà ông vừa gieo hạt giống xuống sẽ khai sinh một quá trình
khiến cho hạt giống tăng trưởng mà không cần bất kỳ một sự can thiệp nào của
ông. Ngoài niềm tin đó, việc kế tiếp mà ông cần làm là quan sát và kiên nhẫn chờ
đợi, cho đến khi hạt giống chín thì vác liềm ra gặt mà thu hoa lợi về cho chủ.
Nếu
dụ ngôn được hiểu như thế thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý của Thánh sử là:
Nước Thiên Chúa thuộc về quyền cai quản của Thiên Chúa. Mọi người chúng ta chỉ
là những người thợ trong cánh đồng này. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có bổn phận đóng
góp và thể hiện vai trò, như những người con, những người phụ giúp; còn việc
làm cho Nước ấy tăng trưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Cụ
thể hơn, qua mầu nhiệm nhập thể Đức Giê-su đã đảm nhận vai trò đó. Người đến để
rao giảng và phát triển Nuớc Thiên Chúa. Vì thế, Người có bổn phận làm cho hạt
giống tăng trưởng. Người mới là người gieo giống chân thật. Còn chúng ta chỉ là
những kẻ thừa hành, những người cộng tác.
Nhìn
lại các sách Tin Mừng, chúng ta cảm nhận rằng hình như Đức Giê-su đã thất bại
trong việc này: Người đã bị khước từ, bị chống đối, loại bỏ khỏi hội đuờng. Người
xem ra thất bại trước sự cứng tin của người nghe. Tâm hồn họ đã ra chai đá và không
mở lòng ra để đón nhận những hạt giống trong Lời rao giảng của Người. Tuy
nhiên, không vì thế mà hạt giống không đuợc tăng trưởng. Chúng ta phải tin rằng:
Hạt giống được gieo bởi Đức Giê-su. Người biết làm sao để cho hạt giống được
tăng trưởng. Và, trong niềm tin, chúng ta chắc chắn rằng không có một sức mạnh
nào có thể ngăn cản sự tăng trưởng của hạt giống.
Trong
cùng một lối suy tư đó, chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống mình. Hạt giống Lời
Chúa đã gieo vào trong cuộc sống của chúng ta từ dạo nào. Thế mà, có ai trong
chúng ta có thể nhìn thấy sự tăng trưởng của hạt giống đó như thế nào trong cuộc
sống của mình chưa? Hay là chúng ta vẫn chìm đắm trong các vũng lầy của ‘cái
tôi’, với những đam mê và thói xấu phát sinh từ đó, vẫn sống ích kỷ và tham
lam, vẫn đóng kín cõi lòng và chiều theo các sở thích của nền văn hoá dẫn đến sự
chết.
Cho
dù là như thế, với sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không đuợc phép vịn
vào những điều đó rồi chạy trốn. Trái lại, chúng ta phải sống lạc quan và tin rằng
sự tăng trưởng của hạt giống không tuỳ thuộc vào việc đón nhận hay đổi thay của
mình; nhưng hoàn toàn dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng có đủ quyền làm cho
hạt giống đuợc tăng trưởng theo ý muốn của Người.
Mặt
khác, chúng ta cũng nên lưu tâm đến một yếu tố khác, đó chính là việc tham gia
vào các công việc truyền giáo, rao giảng tin mừng, xây dựng cộng đoàn giáo xứ
hay bất kỳ một đoàn thể nào là một hồng ân. Vì thế, để đáp trả chúng ta phải
xung phong, đi bước trước trong các công tác, hăng say, nhiệt thành làm tốt mọi
công việc. Nhưng, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là những người cộng tác với Đức
Giê-su, hạt giống không thuộc về chúng ta. Hạt giống là của Chúa và chính Người
mới là người gieo giống thật.
Hạt
giống là Lời Chúa chứ không phải lời hay công sức của chúng ta. Vì thế, việc hạt
giống nảy mầm, sinh hoa kết trái là của Chúa. Những điều cần làm thì chúng ta vẫn
phải làm, vì đó là bổn phận của mình, nguời môn đệ của Chúa. Còn phần còn lại,
kết quả của nó, thành công hay thất bại không phải là việc của mình. Kiên nhẫn
đợi chờ với tinh thần lạc quan để chờ ngày thu hoạch.
Trong
khi chờ đợi, chúng ta hãy hết lòng tin tưởng với tâm hồn khao khát rằng Nuớc
Thiên Chúa, cho dù đã đến, nhưng còn sẽ đến để đem mọi sự đến mức sung mãn của
nó. Thật vậy, trong ngày đó, lối sống yêu thương và các công sức của chúng ta sẽ
trở thành những bông luá rực mầu nắng ấm của tình yêu, sẽ triển nở một cách vẹn
toàn để báo cho biết mùa gặt đã đến. Và lúc đó, chúng ta chỉ biết dâng lời chúc
tụng và tôn vinh Chúa, Đấng đem mọi sự đến mức hoàn hảo và sung mãn nhất theo ý
của Ngài.
Thưa
anh chị em,
Khi
viết đến các điều lạc quan và tràn đầy hy vọng này, tôi nghĩ đến hòan cảnh thực
tế của anh chị em trong cuộc sống gia đình, với bổn phận thật cao quí, làm cha làm
mẹ để trao ban tình yêu cho đàn con, đàn cháu. Ai cũng cầu mong cho gia đình
mình hạnh phúc và bình an. Nhưng, nào có mấy ai đuợc trọn vẹn như lòng mong ước.
Gia đình nào chẳng có vấn đề!
Xin
chia sẻ với anh chị em hoàn cảnh của gia đình người bạn. Anh chị có 4 người
con. Họ cố gắng chu tòan bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ trong môi truờng của
một xã hội mà chính họ còn bỡ ngỡ. Khi còn nhỏ, cháu nào cháu ấy thật dễ
thương, chăm chỉ học hành, vâng lời anh chị, ngoan ngõan trong công việc.
Đến
khi cậu con trai lên 18, có bồ, bỏ học… mang cả bồ về nhà mà không xin phép bố
mẹ…
Cô
con gái thứ hai thua anh 2 tuổi, cũng làm như thế, công khai đi với bạn trai và
cũng đôi ba lần kéo nhau về nhà…
Chú
con trai thứ 3, nay đã đuợc 18, tuy không giống như anh chị cháu; nhưng đã làm
cho anh chị buồn và lo lắng rất nhiều; còn cô gái út thì chưa biết sẽ ra sao?
Tôi
không dám góp ý về phuơng pháp giáo dục của anh chị. Tôi thông cảm và chia sẻ nỗi
khó khăn, niềm lo âu và cơn buồn phiền trong đời sống với họ. Tôi cảm phục lòng
can đảm, hy sinh, lòng kiên nhẫn nói lên tình yêu của họ dành cho các cháu. Đó
chính là công sức mà họ đã đóng góp để cho hạt giống mà Chúa đã gieo, đang gieo
và tiếp tục gieo qua cuộc sống của họ và âm thầm mọc lên trong cuộc sống của
các cháu. Tất cả đuợc đặt trong niềm hy vọng là các hạt giống đó sinh sinh hoa
kết trái sau này.
Trước
hoàn cảnh thật chông gai mà gia đình bạn tôi đã và đang đối diện. Anh chị có thể
nhận ra mình là kẻ thua cuộc, nhưng anh chị hãy tin rằng Thiên Chúa yêu thương
những người con của anh chị hơn chúng ta. Bởi vì, các cháu trước khi là con của
chúng ta thì phải là con của Thiên Chúa truớc. Như thế, Ngài có đường lối và
cách ứng xử của Ngài. Hãy tin rằng Ngài không muốn một ai trong chúng ta bị hư
đi.
Thưa
anh chị em,
Dụ
ngôn hạt giống âm thầm mọc đem đến cho chúng ta một cuộc sống thật lạc quan,
tràn trề hy vọng. Nó đuợc cụ thể hóa trong cuộc sống của chúng ta như thế đó.
Chúng ta là những con người bất tòan mà còn biết hành xử với con cái mình như
thế, gieo và tiếp tục gieo hạt giống tin yêu và hy vọng là nó sẽ sinh hoa kết
trái; phuơng chi là Thiên Chúa. Ngài yêu thuơng, tiếp tục ban phát ân huệ, kiên
tâm chờ đợi kết quả của ngày mùa, đến mùa thu họach sẽ đuợc bội thu.
Vẫn
biết là yêu cầu như thế quả thật rất khó với chúng ta. Nhưng, anh chị em hãy nhớ
rằng Lời rao giảng của Chúa đến với chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự đón nhận
của chúng ta. Chúa không hề ép buộc ai, chỉ biết chờ đợi mức đáp trả tuỳ thuộc
vào sự nhận thức và khả năng của chúng ta, miễn là chúng ta thành tâm và sẵn
lòng.
Vì
vậy, Lời Chúa trong dụ ngôn ‘hạt giống âm thầm và tự mọc lên’ hôm nay giúp cho tôi
xác tín hơn rằng: Chúa chúng ta là Đấng thật quảng đại, kiên tâm trong tình yêu
và không hề áp đặt, luôn tôn trọng quyền tự do và mức độ đón nhận của con người.
Để đáp trả, chúng ta hãy tự do đứng dậy rồi yêu thuơng, tha thứ và kiên tâm chờ
đợi nhau cùng sinh hoa trái nhé. Amen
No comments:
Post a Comment