Hôm
nay, cùng với toàn thể Hội Thánh, cộng đoàn chúng ta mừng kính trọng thể lễ
sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả. Theo truyền thống phụng vụ của Giáo Hội thì lễ
này đã được mừng kính từ hồi thế kỷ thứ Tư. Và một cách đặc biệt hơn nữa là ngoài
lễ Giáng Sinh và lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, thì chỉ có mình Gio-an Tẩy Giả
là vị Thánh duy nhất có lễ mừng vào ngày sinh nhật mà thôi.
Ta
có thể nói đây là lễ của lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Dựa vào truyền thống của các sách Tin Mừng, chúng ta biết rằng Gio-an đã đến để
dọn đuờng và chuẩn bị cho sứ mạng của Đấng Cứu Thế thế nào thì việc sinh hạ của
Thánh nhân cũng được sắp đặt để loan báo cho cuộc chào đời của Đức Giê-su như
thế.
Tâm
tình vui mừng và hân hoan của ngày lễ đuợc hiện tỏ thật rõ ràng trong trình thuật
Tin mừng hôm nay. Tin vui và niềm hạnh phúc khi được Chúa cho sinh con đã phủ lấp
nỗi buồn phiền trong cảnh hiếm muộn, quá độ tuổi có thể mang thai của bà Ê-li-sa-bet.
Và, hơn thế nữa, chúng ta còn nghe bao điều kỳ diệu đã xẩy ra xoay quanh việc
sinh hạ của Gio-an, khiến ai nghe xong cũng phải để tâm suy nghĩ và đặt vấn nạn
rằng: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và câu trả lời cũng được Thánh Luca
ghi lại là “Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.”
Theo
tục lệ thì ông phải mang tên của dòng họ của cha mình là Da-ca-ri-a; nhưng sứ
thần đã mạc khải cho cha mẹ ông biết ý định của Thiên Chúa dành cho trẻ nhỏ mà
ông bà sẽ sinh ra. Ông sẽ đuợc đặt tên là Gio-an. Tuy rằng tên này không có
trong gia phả của dòng họ. Nhưng đó là tên được chọn bởi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng
nên ông. Điều này có nghĩa là ngay từ trong bụng mẹ ông đã được Chúa đoái
thương, hộ phù và ban ơn. Rồi, đây cũng là sứ vụ của ông, đã nhận như thế nào thì trao ban như thế!
Tuy
Gio-an xuất thân từ một gia đình vọng tộc và danh giá. Ông Da-ca-ri-a, cha của
Gio-an thuộc dòng tộc tư tế A-a-ron. Nhưng Gio-an có đuợc dậy dỗ và lớn lên
trong khung cảnh của đền thờ hay không thì không ai hay biết. Chúng ta chỉ biết
rằng Gio-an càng lớn càng thêm mạnh mẽ. Và, ngay từ thủa ấu thơ, Gio-an đã sống
trong hoang địa cho đến ngày ông ra mắt toàn dân Ít-ra-en.
Tại
hoang địa, Gio-an đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Và chính trong hoang địa
mà Gio-an đã khám phá ra ơn gọi, sứ mạng mà Thiên Chúa muốn ông thi hành. Qua
Gio-an chúng ta nhận thấy bài học của Chúa, có nghĩa là chỉ có những lúc chúng
ta đối diện với sự thật của đời mình, trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ, trút bỏ
kiêu ngạo, lo lắng, phân tán đi vào cõi sa mạc của chính mình để lắng nghe Lời
Chúa thì chúng ta mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa, có cơ hội khám phá ra Thánh Ý của
Ngài, như trường hợp của Gio-an Tẩy Giả.
Trước
khi kêu gọi dân chúng dọn sẵn con đường cho
Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi thế nào thì bản thân Gio-an cần có
cảm nghiệm về việc chuẩn bị, thống hối và dọn đuờng cho Chúa nơi chính mình trước.
Như thế, chúng ta nhận ra rằng: thời gian sống trong hoang địa thật quan trọng
đối với sứ vụ và sứ điệp của ông. Đây là một hành trình cần phải có để ông chuẩn
bị hoàn thành tốt sứ vụ làm người tiền hô, đi trước để dọn đường cho sự xuất hiện
của Đức Ki-tô, Đấng sẽ đến để cứu chuộc dân Người.
Ngay
tại bờ sông Gio-đan, Thánh nhân đã được nhiều người biết đến. Lối sống và lời
rao giảng của Gio-an thu đã hút họ, và người ta đã lầm tưởng và coi ông như Đấng
Thiên Sai, nhưng Gio-an chỉ nghĩ đến sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban cho là
giới thiệu về Đức Giêsu cho nhân loại. Cụ thể, Gio-an đã giới thiệu và tiến cử
các môn đệ của mình cho Chúa và hầu hết họ đã trở thành các môn đệ đầu tiên của
Đức Giêsu.
Gioan
không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là
Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của
Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về
mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình
không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những
con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.
Đây
chính là điểm làm cho vị thế của Gio-an trở nên cao trọng. Chính vì biết mình
là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở
thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em:
trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.
Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của
Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính
Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới,
tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối sống và
cách nhìn sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời.
Gio-an
đã không chỉ làm chứng bằng lời nói; nhưng gương can đảm, sống theo sự thật của
ông khiến chúng ta phải cảm phục. Gio-an
được ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng ông đã không ngã gục trước quyền
lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ông
can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật khiến ông đã bị
xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự
thật cho dù phải chết.
Như
Gio-an, sự hiện diện của chúng ta nơi đây và trong khoảnh khắc này không thể là
một việc tình cờ. Trước khi được hình thành trong lòng thân mẫu, Thiên Chúa đã
biết chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đều có một sứ mạng cần thi hành. Sứ vụ đó
xuất phát từ Thiên Chúa, và cũng chính Ngài là Đấng đã chuẩn bị cho chúng ta
qua những ân năng được ban tặng; qua bàn tay thương yêu, chăm sóc, nâng niu và
đồng hành của bao nhiêu người đã và đang đồng hành trong cuộc sống của chúng
ta. Họ và tất cả các công việc họ làm đều nói lên tính xây dựng và vun trồng để
ta trở thành ta như hôm nay. Phần còn lại là bổn phận mà ta phải thi hành để
cho bao hạt giống đã được gieo vãi và vun trồng được lớn lên trong ngày thu hoạch.
Ngày mà trời mới đất mới hiển trị theo ý muốn của Thiên Chúa.
Tóm
lại, trong ngày mừng lễ sinh nhật của Thánh Gio-an Tẩy Giả hôm nay, chúng ta nhận
thấy bao điều kỳ lạ đã xẩy ra chung quanh con trẻ Gio-an.
Việc
sứ thần truyền tin cho bố ông và báo tin mẹ ông, bà Ê-li-sa-bet sẽ mang thai
trong lúc tuổi già. Qua việc này, Thiên Chúa đã thương và cất đi nỗi hổ nhục của
ông bà trước mặt người đời và trao cho ông bà niềm vui. Con trẻ mà ông bà sẽ sinh
ra, hoàn toàn nằm trong kế hoạch yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa dành cho
dân Ngài.
Sau
đó là cuộc gặp gỡ giữa mẹ ông và Đức Maria giúp cho chúng ta nhận ra vai trò
nhân chứng của Gio-an ngay khi ông vẫn chỉ là thai nhi trong lòng mẹ.
Cuộc
chào đời của Gio-an chấm dứt thời gian bị câm nín trước mầu nhiệm mà bố của
Gio-an, ông Da-ca-ri-a, cho dù là một tư tế nhưng vẫn không thể nào hiểu và đủ
sức đón nhận việc tỏ bầy của Thiên Chúa. Nói khác đi, qua cuộc sinh hạ của
Gio-an khiến niềm tin của Da-ca-ri-a trưởng thành hơn. Ông nhận ra rằng Thiên
Chúa có chương trình riêng của Ngài, phần ông và chúng ta chỉ đón nhận và thần
phục bằng niềm tin kính và tri ân mà thôi.
Vì
thế, khi suy tư về ngày sinh thần của Gio-an, chúng ta hãy nhìn lại hành trình
đời sống của mình. Kể từ lúc đuợc sinh ra cho đến hôm nay, chúng ta đã nhận được
bao điều kỳ diệu. Bàn tay của Thiên Chúa hằng dủ thương, chăm sóc và nâng đỡ
chúng ta qua bao nhiêu người đã và đang xuất hiện trong cuộc sống mình; thế mà
chúng ta đã thể hiện thế nào để hoàn thành vai trò chứng nhân của mình; chúng
ta đã nỗ lực giới thiệu Chúa cho tha nhân và cùng giúp nhau chuẩn bị con đuờng
để Chúa ngự đến chưa?
Do
vậy, tâm tình dành cho buổi lễ hôm nay là niềm cảm mến và tri ân về những gì mà
Thiên Chúa đã đặt để chung quanh cuộc sống mình, từ ngày lọt lòng mẹ cho đến
hôm nay. Chúa đã yêu thương và tác tạo ta trước khi hình thành trong dạ mẹ thế
nào thì Ngài cũng hiện diện trong mọi diễn tiến của cuộc sống chúng ta như thế.
Ngài muốn và đem mọi sự đến chỗ thành toàn miễn là chúng ta sẵn sàng để cho
Ngài tự do hoạt động trong ta.
Thật
thế, ngay cả tội lỗi và bất trung cũng không thể là những chướng ngại ngăn cản
sức mạnh của Chúa trong ta. Sau khi con người phạm tội, Chúa vẫn thương yêu mà
trao phó công cuộc kiến tạo trần gian, xây dựng trời mời đất mới cho chúng ta.
Bổn phận của mình, giống như Gio-an Tẩy Giả là biết rõ vị trí của mình trong
chuơng trình của Chúa, giới thiệu và đem Chúa đến cho nhau để cùng nhau hoàn tất
ý định của Thiên Chúa nơi sứ vụ mà Chúa đã trao ban.
Xin
cho chúng ta biết noi gương Thánh Gio-an Tẩy Giả sống tốt vai trò chứng nhân giới
thiệu Đức Ki-tô cho người khác; biết và sẵn sàng chấp nhận thử thách để cho Người
được tỏa sáng. Và, xin cho chúng ta đủ can đảm chấp nhận bị lu mờ để cho nguồn
sáng đích thật là Đức Ki-tô luôn chiếu tỏa trong tâm hồn và cuộc sống của những
ai mà Chúa gửi đến cho mình.
Amen!
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
No comments:
Post a Comment