Trình thuật Tin Mừng
hôm nay mô tả việc Đức Giê-su chữa lành cho hai người thiếu nữ Do Thái. Tuy rằng
hiệu quả của hai người nhận được như nhau, họ đều được khỏi bịnh. Nhưng chúng
ta cũng nên để ý đến một số chi tiết được đề cập trong bài Tin Mừng theo Thánh
Mác-cô của Chúa Nhật hôm nay.
Trong bài Tin Mừng,
có một sự tương phản giữa hai người phụ nữ. Một người có lẽ đã buớc vào tuổi
trung niên, bà bị băng huyết đến nay đã được muời hai năm. Không ai biết bà là
ai! Từ điểm này, chúng ta có thể suy đoán ra thân phận của bà. Bà thuộc vào hàng
ngũ của những kẻ thấp cổ bé miệng. Bà liên tục sống trong tình trạng bị ô uế
như thế thì ai dám tiếp cận với bà! Phương chi ai mà biết đến bà, cũng chỉ mang
họa vào thân thôi.
Còn cô kia, là con gái
ông Giai-rô, viên trưởng hội đường, một người có danh vọng và chức tước trong dân.
Cô con gái cho đến nay cũng đuợc muời hai tuổi. Đối với người thời đó thì đó là
độ tuổi trưởng thành cho phép người con gái lập gia đình.
Tuy xuất thân, hoàn cảnh
sống và địa vị của hai người khác nhau. Nhưng khi gặp Chúa, họ đều được kết quả
giống nhau. Cả hai đều được phục hồi, được chữa lành khỏi bịnh.
Dựa trên cách xết đặt
của bài Tin Mừng, chúng ta hãy bắt đầu truyện kể về việc Đức Giê-su chữa lành cho
con gái ông Giai-rô.
Như chúng ta đã biết,
trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su đã không gặp thuận lợi trong hàng ngũ lãnh
đạo dân Do thái. Đã có những lúc, họ sẵn sàng bỏ qua các điểm bất đồng với
nhau, ngồi chung vào một phe rồi tìm cách hãm hại Đức Giê-su (Mc 3:6).
Ông Giai-rô trong bài
Tin Mừng hôm nay có thể là một trường hợp ngoại lệ. Tuy, ông cũng thuộc vào hạng
danh giá, có quyền có thế, đuờng đuờng là người thủ lãnh của hội đường. Nhưng đứng
truớc một hoàn cảnh thập tử nhất sinh của cô con gái, ông đã sấp mình duới chân
Đức Giê-su và van xin Người: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay
lên cháu, để nó đuợc cứu thoát và đuợc sống.”
Sự chết luôn luôn là mối
bận tâm của con người. Nó trở thành nỗi lo âu, mối đe dọa thật khủng khiếp cho mọi
người, đặc biệt những ai còn trẻ. Hoàn cảnh của cô con gái ông Giai-rô là như
thế. Cô ta sắp chết. Cô rất khó để qua khỏi cơn gian nan này.
Trong bối cảnh như thế,
chúng ta có thể tìm ra vài lời để giải thích cho hành động của ông Giai-rô hôm
nay. Vì tình thương của người cha dành cho con, xen kẽ với niềm tin vào Đức
Giê-su và nhất là ông phải thoát khỏi vòng ảnh huởng của các bạn đồng nghiệp, rồi
mở lòng ra để đón nhận Tin Vui của Đức Giê-su mang đến. Đó là các động lực giúp
ông can đảm hơn để gặp Chúa. Một cuộc gặp gỡ công khai chứ không thầm kín hay
lén lút. Ông cần mạnh dạn để làm điều ông tin. Thật đáng cảm phục!
Tuy là như thế, nhưng
con đường dẫn Đức Giê-su đến nhà ông Giai-rô lại bị gián đoạn bởi sự chen lấn của
đám đông. Trong đám đông đầy người đó, có một người phụ nữ vô danh, đã tiếp cận
Đức Giêsu một cách bí mật. Thật ra bà nhận biết hoàn cảnh của bản thân, không
cho phép bà đụng chạm đến ai. Vì theo luật thì dù bà đụng vào ai hay ai chạm
vào bà đều bị ô uế và cần tẩy sạch.
Khỏi cần nói nhiều,
chúng ta cũng hiểu bà này đau khổ như thế nào. Đau khổ vì bịnh tật, vì bị cách
ly khỏi các sinh hoạt của cộng đoàn. Thậm chí bà còn bị lừa, bao phen khổ sở vì
tìm sai thầy, uống nhầm thuốc khiến cho bà tiền mất tật mang. Bịnh vẫn hoàn bịnh
mà còn bị nặng hơn. Bà không còn biết trông cậy vào ai!
Trong cơn đau khổ hầu
như tuyệt vọng đó, bà tìm đến Đức Giê-su. Lúc đó bà chỉ nghe người ta nói về
Người, thế mà bà đã can đảm chen lấn để chỉ cần sờ vào tua áo của Người với ý
nghĩ trong đầu là chỉ cần như thế bà cũng đuợc cứu.
Qua cử chỉ và ý nghĩ
của người phụ nữ vô danh này khiến chúng ta phải ngạc nhiên trước một niềm tin
thật sâu sa của bà. Không chỉ đụng vào Đức Giê-su mà chỉ cần chạm vào tua áo của
Người cũng có thể chữa lành bệnh tật. Ngay khi đó bà ta nhận thấy có một sự
thay đổi trong cơ thể của mình. Và, cũng ở thời điểm đó, Đức Giê-su nhận ra một
sự thay đổi trong cơ thể của Người. Không ai nhận ra điều này kể cả các môn đệ
thân tín của Người. Chỉ mình Chúa và người phụ nữ biết có sự thay đổi đang xẩy
ra nơi họ!
Cho đến lúc này thân
xác của người phụ nữ đã đuợc chữa lành, bà không còn bị băng huyết nữa. Nhưng, cuộc
gặp gỡ giữa Đứa Giê-su và bà không ngừng ở phần chữa lành thể xác. Sau khi thấy
lực trong người thoát ra, Chúa nhìn bà.
Bằng vào cái nhìn của
Đức Giê-su khiến bà cảm thấy sợ phát run lên. Tuy nhiên, không vì nỗi run sợ
khiến bà chạy trốn cái nhìn của Chúa. Trái lại, bà can đảm buớc ra khỏi cõi
lòng để tự giới thiệu mình với Chúa và trình bầy toàn bộ sự thật. Không ai bắt
người phụ nữ này phải làm như thế. Bà vẫn có thể ẩn mình vì máu đã ngưng chảy, căn
bịnh băng huyết đã đuợc chữa khỏi. Nhưng hình như bà thấy đuợc cái nhìn mãnh liệt,
một cái nhìn soi thấu tâm can của Chúa, khiến bà phải buớc ra để bộc lộ và phơi
bầy mọi sự đang xẩy ra cho bà.
Nhờ cuộc gặp gỡ với Đức
Giê-su, nhất là với cái nhìn của Người khiến bà thay đổi và buớc vào để thiết lập
mối quan hệ với Đức Giê-su, Đấng đã phán: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa
con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bịnh.”
Cuộc gặp gỡ giữa Đức
Giê-su và người phụ nữ bị băng huyết đã làm trì hoãn việc Người đến chữa lành
cho con gái ông Giai-rô. Nên khi Người đến nơi thì được tin cô bé đã chết.
Với nguồn tin sét đánh
này, người nhà của ông chủ hội đuờng mới góp ý đừng làm phiền đến Chúa nữa. Họ
có lý khi có lối suy nghĩ như thế. Bởi vì, sự chết vẫn là một vấn nạn khiến họ
phải bó tay. Chạy đến với Đức Giê-su để xin Người chữa lành bịnh tật là chuyện
mà ông Giai-rô và một số người cùng thời với Chúa đã làm; nhưng bây giờ đứa bé
đã chết, còn gì để hy vọng nữa đây!
Nghe được những lời
bàn như thế, Đức Giê-su quay sang an ủi và động viên ông đừng sợ, nhưng hãy vững
tin. Quả thật, đây là một thách đố mới. Thách đố này đòi hỏi ông tiến thêm một
buớc trong lòng tin. Ông đã tin rằng Đức Giê-su có thể chữa lành tình trạng thập
tử nhất sinh của chứng bịnh mà con gái ông phải mang thế nào; thì giờ đây ông
hãy tin rằng Chúa còn có quyền trên cả sự chết nữa. Nói thế rồi, Người tiếp tục
bước đến nhà ông Giai-rô, có ba môn đệ thân tín cùng đi với Người. Bước vào
nhà, Đức Giê-su liền nói: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nghe những lời nói
đó, phản ứng của đám đông là chế riễu Người.
Thật vậy, làm sao
chúng ta có thể nói một người đã chết là họ đang ngủ. Nhưng, đối với Đức Giê-su
thì khác. Người mang đến một giáo lý mới, Người loan báo một Tin Vui. Đó chính
là điều mà con người gọi là sự chết thì đó chỉ là một sự nghỉ ngơi, đợi chờ
ngày đuợc đánh thức để sống đời đời, để tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng với
Thiên Chúa, Cha Người. Điều này có nghĩa là, khi Đức Giê-su đến thì cái chết
không còn là cái chết nữa mà đó chỉ là giấc ngủ. Đến lúc này là sự đáp trả của
ông Giai-rô: Ông có tin hay không?
Xuyên qua niềm tin của
ông, Đức Giê-su cùng với ông và bà nhà tiến vào nơi cháu bé đang nằm, cầm tay
cháu và truyền cho nó chỗi dậy. Con bé liền chỗi dậy và đi lại được. Chi tiết
đi lại đuợc vì nó đã muời hai tuổi ám chỉ cho chúng ta biết rằng sau khi đuợc hồi
sinh, cháu đã trưởng thành và có thể tự mình đi lại như người lớn.
Ngoài ra, Đức Giê-su
yêu cầu họ cho cô ăn chứng minh là cô đã hồi sinh. Cô không chỉ đi lại mà còn
ăn uống bình thường như mọi người. Nhưng bên cạnh đó là qua cử chỉ quan tâm của
Đức Giê-su dành cho cô hôm nay, chúng ta thấy sứ mệnh toàn diện của Người. Người
đến để chăm sóc cho mọi nhu cầu của con người, từ tinh thần, thể xác, tình cảm,
tâm lý đến hoàn cảnh chính trị của chúng ta nữa.
Tóm lại, Tin Mừng hôm
nay đưa chúng ta đến gặp Chúa Cứu Thế. Qua hành trình rao giảng, cùng với các
phép lạ kèm theo sau cùng là sự chết của Người đã ban cho nhân loại ơn chữa
lành và cuộc sống được thay đổi, một sự thay đổi toàn diện, không phân biệt và
cũng không loại trừ một ai. Tất cả đều đuợc chữa lành và đổi mới. Có nghĩa là
khi gặp Chúa thì được đổi mới. Người muốn chúng ta tin rằng Người có sức mạnh đổi
mới và hoàn thiện chúng ta.
Còn chúng ta thì sao?
Là thành viên của một
cộng đoàn của những kẻ tin, cùng san sẻ một lòng mến, nhất là cùng đón nhận Chúa
làm gia nghiệp, chúng ta có thể thay đổi các điều kiện của cuộc sống mình và những
người xung quanh hay không? Và, liệu chúng ta có thể mang lại sự chữa lành cho
những ai đang lâm vào các hoàn cảnh khó khăn hay không?
Xin Chúa ban cho
chúng ta can đảm để làm như vậy.
Amen!
Lm
Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
No comments:
Post a Comment