Friday, 1 June 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT: “HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN TA”


Anh chị em thân mến,
Trong trình thuật Bánh hoá nhiều, Đức Giê-su đã làm cho những kẻ theo Người được ăn thỏa thích và ai ai cũng được ăn no nê; thế mà vẫn còn dư muời hai thúng đầy. Nhưng, ngày nay sao vẫn còn người chết đói hay chết vì thiếu dinh dưỡng! Phải chăng, sau khi Đức Giê-su về trời thì Người cũng đem theo tất cả năng lực để làm cho thế giới này khỏi các cảnh tai ương và bịnh tật! Thật ra, Đức Giê-su đã không đến để làm cho người ta thoát khỏi các tai ương, bịnh tật. Tất cả vẫn còn y nguyên. Chỉ khác một điều là hiện nay có biết bao nhiêu môn đệ của Chúa, trên mọi nẻo đuờng của thế giới, đang tiếp tục sứ mạng rao truyền yêu thuơng, chữa lành các thương tích và nuôi ăn mà họ đã lĩnh nhận để trao ban cho mọi thành phần trên thế giới này, không loại trừ một ai.  
Tuy nhiên, để thỏa mãn óc tò mò nên tôi muốn tìm câu trả lời cho vấn nạn này, bèn vào trang ‘Google Search - mạng luới tìm kiếm của Google’ và đánh câu hỏi ‘Trên thế giới này, có bao nhiêu người chết vì đói khát hàng năm?’ và đây là câu trả lời ‘Ngay bây giờ, có hơn 1 tỷ người đang lâm vào cảnh đói khát. Có nghĩa là cứ 6 người đang sống trên thế giới này thì có l người không đủ lương thực để có một cuộc sống tốt và mạnh khỏe. Và, hiện nay đã có 36 triệu người chết đói!’
Số những người bị chết vì thiếu dinh dưỡng trên thế giới hiện nay cũng không làm cho chúng ta khiếp sợ và kinh hoàng khi nghe kể về trận đói Tháng Ba năm Ất Dậu (1945) tại Việt Nam. Có lẽ một phần vì mắt thấy bao giờ cũng ghi lại một ấn tượng sâu sắc hơn là tai nghe. Hơn nữa, với nạn đói tại Việt Nam, người ta chết hàng loạt, chết bên vệ đuờng, chết ngoài xó chợ, chết khắp mọi nơi, chết không chọn nơi chọn chốn. Chết không kịp chôn. Có nhiều nơi chỉ kịp bó gói thi thể bằng chiếu rồi đốt để tránh bịnh dịch!
Hiện nay các cơ quan từ thiện hoạt động không ngừng nên các trận đói trường kỳ cũng suy giảm dần. Tuy vậy, chúng ta có bổn phận và trách nhiệm gì với những hương hồn đã chết? Một nén nhang, một lần thăm viếng các ngôi mộ tập thể? Quan trọng hơn là chúng ta đã làm gì cho tình trạng đói ăn trên thế giới ngày nay? Và, trong phận vụ của một tín hữu, chúng ta đã noi gương Chúa để trở thành của ăn cho nhau chưa?
Quả thật những vấn nạn trên quá sức chúng ta. Đó là các vấn đề trên lãnh vực các quốc gia. Hy vọng, các nhà lãnh đạo các quốc gia giầu có đuợc thấm nhuần văn hoá của Tin Mừng, học và noi gương Đức Giê-su, làm mọi sự để nuôi ăn kẻ khác.
Còn chúng ta nghe thêm một câu chuyện. Truyện xẩy ra bên Phi Luật Tân. Có cha giáo dậy thần học tại các chủng viện. Cuối tuần, ngài đi làm mục vụ tại các làng quê. Chọn lựa này của ngài thật đáng cảm phục. Dân quê tuy nghèo nhưng đơn sơ và chân thật. Họ chịu nhiều thiên tai, nhưng ít ai oán trách. Trong làng, có gia đình hai cụ kia, lớn tuổi, nghèo. Hai cụ cư trú trong một căn chòi chỉ đủ che mưa, che nắng mà sống qua ngày. Họ không có con cái nên cũng chẳng có ai để nhờ vả. Xẩy ra là có cơn bão quét qua làng khiến cho căn chòi của hai cụ bị thiệt hại nặng hơn các nhà khác.
Sau cơn bão, theo thông lệ cha giáo xuống làng để cùng bà con cử hành Thánh Lễ. Trong các bài giảng, cha luôn tìm cách nhắc nhở cho bà con biết về tình trạng của hai cụ. Tuần thứ nhất qua đi, rồi lại một tuần nữa trôi qua, sang thêm một tuần nữa, đến cuối tuần thứ tư, mọi sự vẫn y nguyên. Sau khi dâng Lễ xong. Cha báo cho bà con biết tuần tới sẽ không có lễ. Tình trạng trong nhà thờ nhốn nháo cả lên. Họ nghĩ là cha ốm hay bị thuyên chuyển.
Cha giáo giải thích tôi không đến dâng lễ vì anh chị em chưa sống đúng vai trò của người tín hữu. Cha nói thêm: “Đây nhé, kể từ ngày cơn bão quét đến làng này, tuần nào tôi cũng nhắc cho anh chị em biết về hoàn cảnh mục nát, xiêu vẹo của căn chòi mà hai cụ đang ở. Thế mà có ai quan tâm làm gì để giúp họ đâu!” Chúng ta cùng chia một bánh, cùng uống một chén trong Thánh Lễ, rồi có ai sống điều mình đã nhận chưa? Nghe đến đâu lòng họ bị đánh động đến đó. Cả nhà thờ lặng yên. Ai ai cũng cúi gầm mặt xuống. Không ai nói với ai điều gì.
Sau vài phút trôi qua, ở góc cuối nhà thờ, có một người đàn ông bị tàn tật, run rẩy đứng lên và thưa với cha và cộng đoàn lời lẽ sau đây: “Dạ thưa cha, lời cha dậy thật chí phải! Tuy nhiên, thay vì nhắc nhở cho chúng con biết nhiệm vụ phải làm, sao cha không dẫn chúng con đi, rồi mỗi người một tay sửa lại căn chòi xiêu vẹo cho hai cụ ấy. Theo con, đó là cách thế hữu hiệu và nhanh nhất.”
Đến lúc này, không chỉ có giáo dân mà cả cha giáo cũng cúi gầm mặt xuống. Cha ngẫm lại mới thấy ông này nói đúng. Cha thường xuyên nói cho họ biết là con người ngày nay muốn được chứng kiến nhiều gương sáng hơn là những lời nói suông!
Truyện dừng lại ở chỗ đó, như lời mời gọi! Và, phần sau là kết luận của từng người, những ai đã cử hành Thánh Lễ. Cả cha lẫn con. Không chừa một ai!
Anh chị em thân mến,
Ít nhất mỗi tuần một lần, nhớ đến Lời Chúa dậy ‘Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Chúng ta cùng nhau dâng Lễ, cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể; nhưng chúng ta đã sống điều mà chúng ta cử hành và lãnh nhận như thế nào?
Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm không dưạ trên lý thuyết hay suy nghĩ của con người; nhưng đó là việc Chúa đã cử hành như đã đuợc các sách Tin Mừng ghi lại, cụ thể trong trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Mác-cô như sau: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”
Tất cả các hành động “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao ban” của Đức Giê-su trong bữa tiệc vượt qua đã đuợc thể hiện trọn vẹn trong sự chết, cao điểm của mầu nhiệm hiến dâng mà Đức Giê-su đã thực hiện. Đây không chỉ là huấn lịnh. Đó là việc làm của Đức Giê-su. Người đã làm mọi sự đuợc cử hành trong nghi lễ của bữa tiệc vượt qua này. Thân xác Người là tấm bánh mà Người đã bẻ ra và trao ban để nuôi sống muôn người. Cuộc sống và sứ vụ của Người là bài ca chúc tụng Thiên Chúa.
Kính thưa anh chị em,
Bàn đi, bàn lại rồi mở rộng để tìm hiểu thêm về bí tích Thánh Thể là chuyện cần thiết. Nhưng, cuối cùng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng ‘Đây là mầu nhiệm đức tin’. Đã là mầu nhiệm thì hiểu sao cho thấu! Con người ở các thời đại khác nhau có cách diễn tả khác nhau về mầu nhiệm mà họ đã lĩnh nhận. Tuy nhiên, tất cả đều cần đón nhận bằng niềm tin rồi sống niềm tin đó.
Giả như có ai cầm tấm bánh đã được truyền phép và hỏi anh chị em có tin đây là Thánh Thể Chúa hay không? Bảo đảm cả nhà thờ sẽ đồng thanh tuyên xưng “Amen, nghĩa là đúng như vậy”. Sẽ có anh chị em nói rằng việc đó sao xẩy ra được! Ai có gan làm chuyện tầy trời đó! Đúng vậy, anh chị em tín hữu không dám làm và không có năng quyền để làm. Nhưng các thừa tác viên linh mục của Hội Thánh đều làm sau khi truyền phép và tất cả đều tin nhận đó là Mình và Máu Thánh Chúa. Không chút ngần ngại. Không nghi ngờ. Tất cả đều tuyên xưng. Chúa hiện diện hữu hình qua hình bánh và hình rượu mà tất cả chúng ta đều chấp nhận bằng NIỀM TIN.
Thế nhưng có trường hợp, hy vọng không bao giờ xẩy ra, như sau: Ai trong chúng ta có gan cầm tấm bánh đã được truyền phép rồi giơ lên, bỏ xuống đất rồi chà và dẫm đạp trên nó. Truớc cảnh tượng đó, tôi tin chắc anh chị em sẽ bầy tỏ thái độ đối với người bất kính ngay.
Nhưng, nếu có người nào trong anh chị em bị bạo hành trong gia đình, là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, bị ngược đãi, bị chà đạp, nhân phẩm không còn …. thì hành xử của chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta có cảm nhận rằng thân thể Chúa đã bị thương tích và cần đuợc hàn gắn hay là chúng ta lại chọn thái độ im lặng, ngu si hưởng thái bình và ai chết mặc ai, miễn là ta vẫn ruớc lễ, sống thánh thiện và giữ vững vị thế trong cộng đoàn là đủ rồi!
Nói như thế có nghĩa là, đôi khi chúng ta nhấn quá mạnh, bàn quá sâu, làm chứng quá hùng hồn về sự hiện diện đích thật của Chúa trong bí tích Thánh Thể trong các Thánh Lễ, các giờ suy tôn hay chầu Thánh Thể rồi sau đó chúng ta giam Người trong nhà tạm rồi ra về. Trong khi đó, Người đang hiện diện và chờ đợi chúng ta nơi những người anh chị em đang bị thương tích nói trên. Anh chị em đừng quên họ cũng là một phần của thân thể Người.
Ngày xưa, tại Co-rin-thô đã xẩy ra việc giống như thế. Họ cũng tụ họp để ăn bữa tối của Chúa. Nhưng khi ra về thì mạnh ai nấy sống. Chẳng ai quan tâm đến ai. Ai đói cứ đói. Kẻ đầy dư thì lại say mèm. Kẻ giầu có cậy thế làm nhục những người nghèo khổ. Thánh Phao-lô đã không khen lối sống hai mặt của họ ngày xưa thì hôm nay lời khuyên của Ngài vẫn còn giá trị, Ngài nói “Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!” Sau đó Thánh Phao-lô nhắc lại cho họ biết sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh khi Người bẻ bánh. Rồi Ngài tiếp tục khuyên dậy họ cần xét mình, biện phân để khỏi bị xét xử. “Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói, thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hoá ra để bị kết án…” (1Cor 11: 17-34)
Hãy đợi nhau để cùng dùng bữa, nghĩa là cùng chia sẻ bữa tối của Chúa. Có nghĩa là không còn kẻ đói người say, kẻ giàu người nghèo, kẻ này làm nhục kẻ khác. Tất cả đều bình đẳng như các chi thể của một thân thể nhiệm mầu của Đức Ki-tô.
Hãy đợi nhau như Chúa đã dùng một quãng đường rất dài, tựa như từ Giê-ru-sa-lem đến Em-Mau để giải thích Kinh Thánh cho các môn đệ; đến khi bẻ bánh thì họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Phải chăng đây là kinh nghiệm Phục Sinh!
Hãy đợi nhau như Chúa đợi lòng hiếu khách và quảng đại của chúng ta khi Người hình như muốn đi thêm một đoạn nữa. Phải chăng qua việc làm thật tế nhị này, Đức Giê-su cho chúng ta một cơ hội để đón tiếp Người.
Như vậy, tham dự bữa tối của Chúa là cùng nhau thực hiện Giao Ước của Chúa đã lập để chia sẻ, bẻ ra và trao ban quà tặng là chính Thân Mình Chúa cho nhau. Và trong việc hiệp thông với Đức Giê-su Thánh Thể, chúng ta đuợc mời gọi ra đi để thực hiện và làm những gì mà Chúa đã làm.
‘Hãy làm việc này’ là bắt chước, noi gương những gì mà Chúa đã làm cho Chúa Cha và cho chúng ta. Người đã trở thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa và cũng trở nên nguồn ơn cứu độ nuôi dưỡng thế gian và những kẻ thuộc về Người thế nào thì trong phận vụ của người môn đệ, chúng ta cũng đuợc hối thúc, để ngày qua ngày, sống trong mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô để trở thành của lễ hoàn hảo cho Thiên Chúa trong niềm vui phục vụ và trở thành của ăn cho nhau như thế.
Tóm lại, rao giảng Nước Trời và phục vu tha nhân là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng của người môn đệ. Nhưng, để chu toàn đuợc nhiệm vụ cao cả và quan trọng đó, chúng ta cần đuợc nuôi dưỡng bởi sức sống là Thánh Thể Chúa. Chính bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh giúp chúng ta làm đuợc những việc mà thế gian không làm được. Thế gian có thể tạo ra những anh hùng nhưng không tạo thành người môn đệ. Người ta có thể hiến dâng vì lý tưởng. Nhưng người môn đệ hiến dâng mình vì Yêu. Nguồn ơn sức mạnh đó chỉ có trong Thánh Thể Chúa. Chúng ta chỉ có thể quên mình để phục vụ người khác hết lòng nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi Tình Yêu của Đấng đã hiến dâng và sẵn sàng chết vì yêu.
Như vậy, chạy đến với bí tích Thánh Thể để múc thêm năng lực của sự sống rồi ra đi chu toàn nghĩa vụ yêu thương mà người môn đệ cần thực hiện là sứ điệp mà chúng ta cần ghi nhớ trong ngày mừng kính Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay. Cầu chúc mọi người đạt được nguyện ước này và trở thành của ăn nuôi sống nhau trong Chúa. Amen!

No comments: