Tôi đến Đại Chủng Viện Thánh Giuse số 6 bis đường Tôn Đức Thắng, Quận I vào lúc 3g chiều ngày Chúa nhật 21 tháng 11 năm 2010 để tham dự Đại Hội Dân Chúa sẽ kéo dài từ chiều hôm nay cho đến hết ngày Thứ Năm 25-11. Đến đây tôi mới được biết là các đại biểu trong Tp. Hồ Chí Minh được quyền về nghỉ đêm tại nhà. Nhà tôi ở Quận Phú Nhuận, chỉ mất 20.000 đồng xe ôm là tôi có thể về được đến nhà, nhưng tôi hạ quyết tâm “nằm vùng” 4 ngày 4 đêm như nhiều đại biểu từ xa về. Tôi không được rõ chỗ nghỉ ngơi của các đấng, các bậc và của các đại biểu nữ ra sao, nhưng chỗ ở của cánh đại biểu đàn ông chúng tôi là ở tầng 2, nhà ngủ của các thầy Đại Chủng Viện. Đại Chủng Viện Thánh Giuse có 170 thầy, Ban Giám Đốc cho 100 thầy về tạm trú ở gia đình, nhường chỗ cho các đại biểu tham dự Đại Hội Dân Chúa, còn 70 thầy ở lại lo phục vụ các đại biểu dưới quyền điều khiển của các cha giáo. Phải nói ngay là công việc phục vụ đã chu đáo đến …… tận răng: từ đôi dép, bàn chải đánh răng, đến gói cà phê G7, viên kẹo…. tất tần tật đều được cung ứng dồi dào.
Thời gian nằm vùng cho phép tôi làm quen với các đại biểu bốn phương: Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Xuân Lộc, Cần Thơ, Long Xuyên v….v… các vị hầu hết là từ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, được các đấng, các bậc tuyển chọn căn cứ vào sự nhiệt tình phục vụ tại địa phương. Các vị đều quen với nếp sống ở quê nhà chứ không phải là ở Đại Hội, buổi sáng các vị dậy rất sớm như thói quen ở nhà, khề khà một tách trà hoặc ly cà phê, nói chuyện lớn tiếng, nghe đài. Sau những giờ họp ở Hội trường, các vị tranh thủ giặt giũ, ủi áo quần, đánh bóng đôi giầy, chăm chút chiếc cà vạt. Chả mấy khi lên đời như thế này, phải tươm tất để mỗi khi gần gũi các đấng Vít-vồ xin một pô ảnh, đem về phóng lớn cho con cháu ngưỡng mộ. 350 Năm của Giáo Hội mới có ngày này cơ mà. Chính Đức Hồng Y cũng thú nhận trước Đại Hội là ngồi ghế chủ tọa, ngài không phải nói nhiều, nhưng ra khỏi Hội trường ngài rất mỏi miệng vì ….. cười. Con cái xúm xít lần lượt xin cha một pô ảnh, nỡ nào từ chối.
Có những đại biểu đã được các đấng bản quyền địa phương chuẩn bị trước ngày đi phó hội nhưng có rất nhiều vị vì vâng lời mà lên đường. Có đại biểu khoe trước đại hội là trước ngày lên đường đi phó hội, chính quyền xã, huyện, tỉnh đã tới thăm hỏi và chúc mừng khiến đại biểu xúc động vì thấy tốt đời, đẹp đạo quá, Đảng và Nhà Nước đã quan tâm đến sinh hoạt của Giáo Hội. Chúng tôi không biết ở cấp Trung Ương có vị nào đến “chúc mừng” Ban Tổ Chức đầu não của Đại hội hay không. Có đại biểu Giáo Lý Viên trẻ trung và lành thánh yêu cầu được các đấng, các bậc chăm sóc, bồi dưỡng giáo lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một Giáo Lý Viên. Rồi có lẽ trong quá khứ, đại biểu này đã chưa được chăm sóc đúng mức, cho nên cô Giáo lý viên trẻ trung nghẹn ngào nói không nên lời khiến Đại hội phải mời cô về chỗ bằng một tràng pháo tay. Đại khái các phát biểu tham luận đều liên quan đến những chuyện của Giáo Hội mà chúng ta đã từng nghe ở nhiều nơi, ở nhiều cấp. Trong bài tham luận của Giám Mục Đà Nẵng, ngài đã làm Đại hội sửng sốt khi đưa một từ mới vào từ điển Việt Nam: Mục Vụ Nhà Đất. Từ xưa đến giờ, người ta chỉ nghe nói về dịch vụ nhà đất chứ chưa ai nghe nói đến loại mục vụ do Giám mục Đà nẵng mới sáng chế. Chỉ tiếc rằng lời phát biểu còn mông lung mơ hồ khiến Đại hội chưa nắm bắt được cái cốt lõi của Mục vụ này, nhất là không thấy Giám mục Đà nẵng đẩy vấn đề đi xa hơn, ấy là chuyện đất đai ở quê hương của ngài.
Và vì nghe đến chữ đất tôi tự hỏi Đại hội Dân Chúa đang được tổ chức trên mảnh đất nào đây. Tôi có cảm tưởng như là Đại Hội Dân Chúa lần I này, sau 350 năm thành lập hai Giáo Phận Tiên Khởi, đang được diễn ra trên một đất nước thanh bình, vô cùng thanh bình, không có vấn đề gì cả. Ấy vậy mà đồng bào mình đang có những đòi hỏi sôi sục phải đổi thay những gì cũ kỹ, lỗi thời, phi lý; đòi hỏi toàn dân phải tỉnh táo và kiên cường đối phó với nạn ngoại xâm hiểm độc; cụ thể hơn cả là Miền Trung đang phải đối phó với thiên tai lụt lội, lũ chồng lũ. Dân Chúa đã không hề đả động đến những vấn đề trên đây, chỉ duy một lần vào cuối ngày thứ ba của Đại hội, một nhóm trong số 16 nhóm thảo luận (nhóm 10) mới đả động đến trong vài giây về lũ lụt.
Tôi cũng có cảm tưởng như là Đại Hội Dân Chúa lần I đang diễn ra trong lòng một Giáo hội vô cùng hiệp nhất, từ trên xuống dưới, từ cha đến con. Ay vậy mà trước sự tấn công của kẻ xấu, đàn chiên đã lãnh nhiều vết thương, đang ngơ ngác nhìn về Hội Đồng Giám Mục mong tìm thấy một chỉ dẫn, một giải thích, một ủi an để yên tâm mà giữ đạo. Dân Chúa không dám nghi ngờ gì về lòng NHÂN của các Giám mục đối với các anh chị em. Các vị đã được tuyển chọn từ hàng tư tế gương mẫu của Chúa. Dân Chúa không dám đánh giá trình độ TRÍ thức của các Giám mục. Các vị đã được đào tạo kỹ lưỡng, được đi đó đây khắp năm châu, bốn bể. Nhưng Dân Chúa ngờ ngợ về cái DŨNG không đều tay của Hàng Giám Mục. Dân Chúa đòi hỏi các Giám mục phải tỏ bày cái dũng trong công lý và sự thật. Không thể nhập nhằng, tránh né với lý do là để tìm sự yên ổn cho đàn chiên, rồi nhượng bộ, cúi đầu. Dân Chúa không cần sự yên ổn cúi đầu này. Gần 400 năm nay, Dân Chúa có bao giờ cúi đầu nhục nhã đâu cơ chứ.
Vậy thì, Đại Hội Dân Chúa kỳ này chỉ nên coi như một khởi đầu cho việc tìm lại bản chất thực sự của Giáo Hội Việt Nam, chứ chưa nên đưa ra những định hướng cụ thể cho Giáo Hội trong tương lai. Tôi đề nghị mở một Web site để Dân Chúa đóng góp xây dựng trong một khoảng thời gian nào đó. Một Ban Thư Ký được chỉ định lãnh nhận những ý kiến này, những ý kiến phải được trình bày một cách xây dựng và lịch sự, hệ thống hóa và trình lên Hội Đồng Giám Mục Việt
Bởi trong Đại hội đã có những đại biểu đề nghị là sau lần Đại hội này nên tổ chức các đại hội các cấp (Giáo tỉnh, Giáo phận, Giáo hạt) và cứ định kỳ 5 năm một lần sẽ tổ chức Đại Hội Dân Chúa Toàn Quốc. Âu cũng là một ý kiến đáng suy nghĩ.
Lạc quan hơn nữa có những người dễ tính đã coi Đại hội lần này như một Lễ Hiện Xuống Mới. Không “hiện xuống” sao được khi mà 99% các tham luận và phát biểu trong Đại Hội đều là chuyện của Hội Thánh cả. Có những giáo dân lần đầu tiên trong đời thấy Đức Giám Mục vỗ tay, hát xướng từ Quan Họ đến Trịnh Công Sơn, cầm trịch cho cả hội trường hát theo. Không có ơn Chúa Thánh Thần, làm sao có cảnh tượng này được.
Thôi thì, hãy hài lòng với một sự khởi đầu tròn trịa làm vui lòng mọi người.
Phú Nhuận, ngày
Vũ Sinh Hiên
No comments:
Post a Comment