Friday 24 December 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan : Giáng Sinh


Đối với khách bàng quan xưa kia cũng như ngày hôm nay, “Giáng sinh” chẳng qua chỉ là một biến cố lịch sử, một chuyện thời sự không hơn không kém.

Chuyện thời sự ấy xảy ra như thế nào?

Một ngày nào đó, mà bây giờ chúng ta tạm kể là ngày 25 tháng Chạp để kỷ niệm, một trẻ sơ sinh đã ra đời giữa trăm ngàn trẻ sơ sinh khác. Lịch sử đã ghi lại tên: Giêsu, mà không ghi nhớ tuổi.

Thiên hạ thừa rõ lai lịch đứa bé. Có tên mẹ, tên cha. Mai sau lớn lên khi cao tiếng nói chuyện trời biển giữa đường giữa chợ, sẽ làm dịp cho người đồng hương mai mỉa: “Ồ! Con ông thợ Giuse”. Matthêu và Luca còn cho biết gia phả từ hàng mấy mươi đời trước. Nhưng gia phả ấy không chỉ gồm những danh thơm tiếng tốt, vì trai bạo ngược cũng có mà gái giang hồ cũng có. Gia phả theo Luca không ghi lại một danh tính phụ nữ nào. Gia phả theo Matthêu (Mt 1,1-17) nhắc tới vỏn vẹn bốn bà nhưng đến ba bà chẳng quý hóa gì. “Giuđa sinh Pharê và Zara bởi Thamar”, một bà góa đã giả làm gái điếm trong vụ loạn luân nhiều tình tiết ly kì được St 38,6-30 kể lại khá rõ. “Salmôn sinh Booz bởi Rahab”, bà này là gái điếm chính hiệu ở Giêrikhô lại còn làm nội gián cho địch (Gs 2,1-21; 6,22-25). “Booz sinh Giô bed bởi bà Rut”. Tạm kể được là “người đàn bà đức hạnh” (R 3,11) duy nhất trong bốn bà, chỉ có cái tội nghèo mạt rệp phải nhờ mẹ tính kế bày mưu cho mới kiếm được một tấm chồng. Và “Đavit sinh Salomôn bởi vợ của Urya”, bà Bethsabe này chỉ quá nổi tiếng vì một vụ ngoại tình – sát nhân đã khiến cho Đavit về sau phải khóc nửa đời chưa hết nước mắt ăn năn (2Sm 11,1-12,25). Gia phả kia không phải thuộc loại gia phả tô hồng.

Trẻ thơ ra đời tại Bethlem, xứ Do Thái vào giữa lúc cha mẹ phải xa nhà để tuân lệnh kiểm tra dưới triều hoàng đế Augustô và vào “thời Quiriniô trấn nhiệm xứ Syri”.

Biến cố lịch sử ấy hay chuyện thời sự ấy tạm kể là đủ chi tiết rõ ràng. Nếu không rườm rà vô ích nữa là đàng khác. Vả chăng nào có gì đáng kể. Một trẻ sơ sinh ra đời giữa trăm, nghìn trẻ sơ sinh khác. Cũng chỉ vài kitô. Sự sống còn cũng lệ thuộc vào mẹ hoàn toàn, không được như một chú gà con khi lọt vỏ trứng ra chào đời.

Dĩ nhiên người ta còn kể nhiều chuyện lạ, trước và sau “Giáng Sinh”. Chuyện thần tiên ẩn hiện, chuyện báo mộng phi thường, chuyện đoàn mục tử nghe tiếng nhạc huyền bí, chuyện ba nhà đạo sĩ lần bước theo một vì sao lạ. Nhưng đối với khách bàng quang, xưa kia cũng như ngày hôm nay, những chuyện ấy có hơn gì những chuyện thần thoại, và có khi kém cả vẻ ly kỳ. Cho dầu có những kẻ yếu bóng vía như nhà vua Hêrôđê chỉ vì nghe tin đồn những chuyện ấy mà đã làm đổ máu hàng chục trẻ vô tội trong một vũng máu lịch sử vẫn còn lan rộng mãi cho đến ngày nay tới Rio de janerio, tới Bosnia hay tới một số nhà gọi là…hộ sinh hay một số bệnh viện gọi là…phụ sản.

Còn đối với những kẻ chứng kiến với lòng tin, những kẻ không làm khách bàng quan đứng ngoài nhìn vào, mà hồi hộp đứng bên trong Hang đá, Giáng sinh là cả một bước dấn thân. Giáng Sinh không còn là một chuyện thời sự phớt lờ qua bên lề cuộc sống họ, mà đã làm nao núng cuộc sống ấy, đã thay hình đổi dạng cuộc sống ấy, đã ăn vào da thịt họ, đã chiếm lấy trái tim họ.

Đối với Trinh Nữ Maria chẳng hạn, Giáng Sinh đã biến đổi cả cuộc đời. Cùng với toàn dân Do Thái, Maria đã trông đợi vị Cứu Tinh mà Thiên Chúa và các tiên tri đã hứa. Tất cả lịch sử Do Thái chỉ hiểu được khi là lịch sử đợi chờ, khi là Mùa Vọng bắt đầu từ một cuộc hẹn hò giữa Thiên Chúa từ bi và loài người sa đọa thuở nào. Riêng Trinh Nữ Maria vừa trông đợi tha thiết, vừa không hề dám mong Vị Cứu Tinh kia sẽ đến tự lòng mình. Thân phận trinh nữ vốn là “thân phận mọn hèn tớ nữ”, việt vị (hors-jeu) đối với người phụ nữ Israel bình thường. Cho đến ngày Thiên thần Gabriel, sứ giả Thiên Chúa đến ngỏ ý Thiên Chúa. Maria đã phải kinh ngạc nhưng rồi đã tin nhận. Nhập cuộc, đại cuộc của Thiên Chúa. Đêm nay đối với Maria không còn là một chuyện thời sự nhưng là cả một lẽ sống, một kiếp sống.

Đối với Giuse cũng thế. Khi còn bán tín bán nghi, đứa con người trinh nữ cưu mang có thể cũng đã chỉ là một chuyện thời sự, một chuyện thời sự rắc rối. Giuse chỉ mong thoát ra ngoài để khỏi làm người trong cuộc. Nhưng vì thiên thần báo mộng rồi mà Giuse cũng đã tin. Tin - nhận . Nhận nối liền duyên kiếp với Thân Mẫu Chúa Kitô. Đêm nay với Giuse, không còn là một chuyện thời sự, nhưng là cả một kiếp sống.

Các mục đồng cũng là những kẻ sống đêm Sinh Nhật chứ không phải chỉ nghe ngoài tai một chuyện thời sự. Họ là những kẻ nghèo nàn và giản dị. Họ đã biết nhìn nhận Chúa qua những dấu mong manh lọt khỏi tầm mắt kẻ ở ngoài cuộc. Họ đã nghe rõ tiếng ca huyền diệu có lẽ vì lòng họ đã sẵn nhịp ca vui hợp với Tin Mừng Chúa đến:

“Vinh quang Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới đất cho người Chúa thương” (Lc 2,14).

Họ là những người đầu tiên ngoài gia đình trẻ sơ sinh Giêsu đã tin để được nhận vào đại gia đình Thiên Chúa. “Phúc cho ai nghe và giữ Lời Chúa” (Lc 11,28), “Phúc cho những kẻ nghèo khó” (Mt 5,3) như họ.

Rồi đến lượt các đạo sĩ phương xa lần bước lại. Họ đã là những kẻ không chỉ đưa mắt mà còn đưa lòng hướng lên trời cao, tìm chân lý. Và họ cũng biết nhìn nhận Thiên Chúa qua một dấu sao như qua một nháy mắt, như qua một nụ cười, khi thế này khi thế khác, không quen nhau, không yêu nhau không làm sao hiểu nổi. Họ, họ đã hiểu. Và họ đã dám tin. Thiên Chúa trả lời cho họ khi “vào nhà, họ (chỉ) thấy hài nhi cùng Maria Mẹ Ngài, và họ phục mình xuống yết bái Ngài” (Mt 2,11). Họ đã dám tin là giờ Chúa đến khi chính họ phải trèo non lội suối tìm đến với Chúa. Giáng Sinh đã là một bước sống và ngày mai đời họ không còn như hôm qua. Họ là những kẻ đầu tiên tự ngoài xứ sở phàm trần của Chúa đã vì tin mà được đón nhận vào Nước Thiên Chúa.

Đối với Trinh Nữ Maria, đối với Giuse cũng như đoàn mục tử hay ba nhà đạo sĩ, một sự việc tầm thường khi đã có thể ăn liền vào đời họ, biến đổi chất sống của họ, thu hút tình yêu họ, và khiến họ hiến thân, một sự việc tầm thường khi đã có thể như thế thì không còn là một chuyện thời sự như đối với khách bàng quan, mà là một bước sống, và còn hơn một bước sống, là một mầu nhiệm. Vì bước sống kia là bước đưa họ đến chỗ gặp gỡ, hiệp thông với Thiên Chúa. Tất cả những gì là sống sâu đậm, là thương yêu chân thật đều bắt nguồn tự Thiên Chúa và không sớm thì muộn sẽ lại đưa về Thiên Chúa.

Thế thì đối với chúng ta, những tín hữu đêm nay, một đêm về cuối thế kỷ 20, Giáng Sinh có ý nghĩa gì?

Trước tiên Sinh Nhật đối với chúng ta cũng là một biến cố lịch sử. Biến cố ấy nhắc nhở cho chúng ta nhớ: Chúa Kitô, không như “Cô Tấm, Cô Cám” ở bên ngoài thực tại, cũng không như các Thiên thần ở bên ngoài lịch sử, mà đã từng làm người, chen chân sống giữa loài người, đã từng làm người không chỉ như chúng ta mà còn chung một tổ tiên, dòng họ với chúng ta.

Giáng Sinh đối với chúng ta còn là một bước sống. Vì chúng ta tin rằng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa hẹn muôn đời liên hệ đến chính kiếp sống chúng ta. Chúa Kitô là người và cũng là Thiên Chúa đến với nhân loại. Chúng ta tin ở điều ấy, tin ở Ngài và Tin Mừng ấy không khỏi đã biến đổi nếp sống chúng ta.

Nhưng ngoài biến cố đã qua kia, cùng với mầu nhiệm muôn thuở này, đức tin chúng ta có chăng còn gặp được mầu nhiệm trong hiện tại?

Chúa Kitô, Ngài đã sống trọn kiếp người của Ngài, Ngài đã lam lũ, đã rao giảng Tin Mừng, đã khổ, đã chết và sống lại. Và đã lên trời vượt ra ngoài tầm mắt và cảnh sống hiện tại của chúng ta.

Nhưng thật ra Ngài đang ẩn mà có mặt, Ngài còn tiếp tục đến giữa chúng ta. Ngày nay Tin Mừng vẫn còn vang dội báo niềm vui lớn lao cho chúng ta: Thiên Chúa không còn xa vời mà đang ở vừa tầm chúng ta. Ngài vẫn tiếp tục nhập cuộc, khác xưa kia, mà vẫn đích thực như xưa kia. “Này Ta đem Tin Mừng cho anh em về một niềm vui to tát; tức là niềm vui cho toàn dân: là hôm nay đã sinh ra cho anh em vị Cứu Chúa. Và đây là dấu cho anh em nhận ra: anh em sẽ gặp thấy một hài nhin mình vấn tã, đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,11-12). Đó là “dấu” ngày xưa. Nhưng ngày nay chúng ta may mắn hơn vì còn có nhiều “dấu” hơn. Hài nhi vấn tã, Hội Thánh ngày nay dưới lớp vỏ nhân loại lắm chô sù sì, thế này thế khác nhưng vẫn còn là Thân Mình Chúa Kitô. Hài nhi vấn tã, các dấu bí tích đơn mọn ngày nay vẫn còn là chỗ cho chúng ta gặp gỡ; trực giao với Chúa Kitô: chúng ta được sống lại từ Nước Thanh tẩy, chúng ta nhận ơn tha thứ bởi chính Ngài qua lời tha tội của Hội Thánh, và nhất là trong thánh lễ, qua một chút bánh, một chút rượu, chúng ta đón nhận chính Ngài.

“Anh em sẽ gặp thấy một hài nhi vấn tã…”Đó chỉ mới là lời thiên thần. Nhưng tâm hồn tín hữu chúng ta còn phải vang lời trọng đại hơn nữa của chính Chúa Kitô: “Những gì anh em làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất của ta là anh em làm cho ta”. (Mt 25,40).

Như thế tất cả những anh em sống chung quanh chúng ta đều là “dấu” để nhận ra Chúa Kitô và tiếp xúc với Ngài, tất cả vạn sự to nhỏ đời họ cũng như đời chúng ta đều ăn liền vào chính cuộc sống Chúa Kitô.

Như thế, xin báo “tin mừng về một niềm vui to tát tức là niềm vui cho toàn dân”, cho tất cả mọi người: Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta sẽ tha hồ gặp gỡ Chúa làm người. Vợ gặp Chúa trong chồng, chồng gặp Chúa trong vợ. Vợ chồng cùng gặp Chúa trong con cái. Vợ chồng con cái cùng có thể mở cửa tìm Chúa, đón Chúa, khi mở cửa nhà trông ra đường, trông qua nhà bên cạnh để tha thiết đến tiếng khóc, tiếng cười của kẻ khác, kể từ bạn láng giềng, đồng nghiệp, đồng học vẫn hàng ngày chung đụng cho đến nét mặt trầm tư chỉ thoáng gặp một lần đâu đó trên đường.

Xin báo một niềm vui lớn lao cho tất cả: Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta tha hồ mà gặp gỡ Chúa. Không phải lo Ngài sai hẹn. Có lo là lo Ngài đến như nước vỡ bờ và chúng ta như hoảng sợ sẽ dựng lên không biết mấy lớp bờ đê, nếu không đã tưởng là né tránh được khi chui vào bụi với mấy chiếc lá che thân (St 3,7-8).

Xin báo một niềm vui lớn lao cho tất cả: Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta tha hồ gặp gỡ Chúa. Từ nay người tín hữu không còn có thể làm khách bàng quan vô tình trước vũ trụ, trước cảnh đời mà không tự phản chính mình. Không còn có gì là chuyện thời sự, chuyện vặt không liên hệ đến chúng ta, không còn có gì chỉ là phàm tục. Tất cả đều thành mầu nhiệm sống chung giữa Chúa Kitô với chúng ta, với mỗi chúng ta. Nếu không có mấy lớp bờ đê ích kỷ hay vô tình tự chúng ta đắp lên tha hồ chúng ta ngụp lặn trong ánh sáng Giáng Sinh, trong tình thương hiện diện của Chúa làm người.

Xin báo một niềm vui lớn lao cho tất cả: Chúa đang đến giữa chúng ta vì chính chúng ta là hiện thân của Chúa, chính tình thương liên kết chúng ta với nhau hay ném chúng ta ra giữa lòng đời là dấu tỏ ra chúng ta là đồ đệ Chúa Kitô, là chi thể của Ngài. Ước gì qua Mầu Nhiệm Giáng Sinh, qua thánh lễ đên Giáng Sinh, trở lại giữa anh em của chúng ta, chúng ta vừa biết gặp gỡ Chúa hơn, vừa đem Chúa lại cho họ hơn.

Để làm sao cho niềm vui chúng ta cũng là “niềm vui to tát cho toàn dân, cho toàn thể nhân loại”. Để làm sao thật “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Ngay cả ở đây, hôm nay, 25 tháng 12 dương lịch này.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com

www.giadinhanphong.com )

No comments: