Triệu Minh Anh Thi.
Cha già nhìn qua khung cửa nhỏ phòng giải tội, vội thầm nghĩ chỉ một bà nữa là sẽ hết. Gần 3 tiếng đồng hồ ngồi mãi trong toà, nghe đủ mọi thứ tội khiến cụ mệt cả tinh thần cũng như thể xác.
Lại một ngày nữa trong đời linh mục của cụ đã trôi qua. Cha già ngồi nán thêm dăm ba phút để chờ những con “cá mập” thường hay xuất hiện vào giờ phút chót, khi nhà thờ vắng bớt người. Đang trầm ngâm suy tư thì cha già giật mình vì nghe có tiếng hỏi đâu đây:
-Lậy cha, cha dậy con việc đền tội như thế nào?”
Thật lạ kỳ, vừa ra việc đền tội xong mà đã quên ngay. Giả như bà có quên thì cũng đừng nên trở lại, có sao đâu! Nhưng, nhiều người vẫn cứ cho rằng đọc 5, 3 kinh là xong việc đền tội. Họ có biết đâu là chỉ mình Chúa vừa tha vừa đền không chỉ cho mình, mà cho toàn thể nhân loại nữa!!!
Thật là gay, biết bao nhiêu người đến xưng trong suốt 3 tiếng đồng hồ vừa qua, làm sao cha già có thể nhớ ai và làm sao nhớ được điều họ vừa mới xưng. Không nhớ, thì làm sao ra việc đền tội?
-Bà làm ơn cho tôi biết điều gì đã làm luơng tâm của bà bị cắn rứt?
-Dạ thưa cha, con cố gắng làm hoà với bà hàng xóm mãi mà vẫn chưa làm được.
-Thế à, vậy thì việc đền tội của bà hôm nay là về làm hoà với người ấy. Xin Chúa chúc lành cho bà.
-Lậy Cha, điều này con không thể làm được. Như cha biết, con đã cố gắng hết sức mình nhưng chẳng có kết quả gì… Con xin cha cho con đọc 50 hay 150 kinh gì cũng được.”
-Biết rằng có nói mãi cũng chẳng thay đổi được cách suy nghĩ của bà cụ. Cha già chợt thấy buồn, bèn chầm chậm nói: Thôi được, bà muốn thế cũng được. Hãy cố gắng sống đại luợng và tha thứ cho người khác như Chúa từng tha thứ cho bà.
Chờ cho bà cụ rời khỏi nhà thờ, cha già mới đứng dậy, đi về nhà xứ. Tuy nhiên, phản ứng của bà cụ khiến cha già suy nghĩ nhiều về cách sống đạo của con chiên mà Cha có bổn phận phải chăm sóc. Xưng tội thì xưng lấy lệ. Đọc kinh thì bao nhiêu cũng đọc được. Nhưng cha già chỉ yêu cầu mỗi làm hòa và tha thứ cho người khác thì lại không chịu. Chỉ biết lấy việc đọc kinh để bù cho tội mình phạm, mà yên lòng. Cha già đã cố giúp mọi người đem đạo vào đời. Nhưng hình như, tất cả vẫn chỉ là công dã tràng. Đạo, thì vẫn sống đạo một chiều. Việc gì dính đến nhà thờ thì tha hồ mà tranh nhau. Việc quyên góp thì bao giờ cũng phải có bảng vàng ghi danh, để cho mọi người biết tiếng. Hễ bảo hãy âm thầm hành thiện, thì một cắc cũng không bỏ ra cho ai. Lời dậy của người xưa ‘áo gấm đi đêm’ mọi người chừng đã quên, huống hyồ là giới lệnh của Chúa. Mỗi khi có dịp bầu cử chức sắc trong xứ mình, thì vận động không thua gì cuộc tranh cử ở quốc hội. Nhưng mỗi lần về với cuộc sống hằng ngày ở đời, thì ôi thôi khôn ngoan hơn cả ‘con cái sự sáng’ nữa. Những người như thế, rõ ràng phân biệt hai lối sống: Siêng năng đến nhà thờ. Rộng rãi trong việc dâng cúng. Nhưng lại sòng phẳng áp dụng nguyện tắc ‘mắt đền mắt, răng đền răng’ mỗi khi cần ‘xử tội’ đối phương.
Ở nước ngoài, chính phủ thương dân nên vẫn phát tiền trợ cấp đủ loại để giúp giúp mọi người trang trải các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Và giúp họ có phương tiện để kiếm việc làm mà sinh sống. Thế nhưng, với dân mình, chuyện hay ở đâu không biết, chứ chuyện vừa làm chui vừa lãnh tiền trợ cấp, thì không ai bằng. Công bằng mà chưa có, nóigì chuyện bác ái. Làm sao đây?
Mấy tháng trước đây, cha già nghe có cụ ‘víp vồ’ từ Việt
Không biết thì thôi. Nhưng giờ đã biết ‘Ngài’ đến và đang ngự trong điạ hạt của mình, thế mới chết! Thôi thì bần tăng đành theo lời chỉ dạy của tiền nhân vẫn chủ trương: ‘đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn’, và ‘lời chào cao hơn mâm cổ’ nên cha già đành thân chinh ra mắt gặp cụ ‘víp vồ’, cho yên chuyện đỡ phải áy náy
Ngay trong địa hạt do bần tăng coi sóc thế mà cũng phải đến 3 lần 7 lượt mới gặp được, giống như Lưu Bị đã từng ‘tam cố thảo lư’ để cầu Khổng Minh ra giúp việc nước. Thật sự thì làm gì có việc ở giáo xứ này cần đến cụ nhúng tay vào đâu. Việc cụ làm bên VN chưa hết, qua đây đâu ai dám phiền đến cụ. Lần nào cũng vậy, hễ cụ đi đâu là mấy đứa nhóc, con ông bà chủ, đã báo cáo: bố con vừa chở Đức Cha đi thăm ông này, bà nọ, chú kia… toàn là các vị có máu mặt không à.
Thậm chí, đến chuyện biết được chỗ cụ ở tạm, cũng có thể gây cho nhiều người hiểu lầm là cụ sang đây chỉ giao du đến với người giầu và có tiếng tăm chứ ai nào đến với đám vô danh tiểu tốt lại ít tiền nhỉ! Cha già biết vậy bèn mời cụ về nhà xứ để tránh hậu hoạ, nhưng cụ ‘víp vồ’ được chăm sóc quá kỹ nên đã từ chối ngay lời mời của cha già. Thôi thế cũng được. Nhiệm vụ của cha già đã làm xong. Có gì thì hậu quả sau này, cụ chịu chứ ai mà dám gánh.
Mấy tháng trước đây, cha già được tin ‘mật báo’ từ Việt Nam cho biết là ‘víp vồ’ cụ nhà mình nghe đâu có tin đồn là cụ đang hùn hạp với một ông ‘con’ trong giáo xứ của cha già trong dịch vụ làm ăn nào đó, không được minh bạch cho lắm. Cha già vẫn biết đối với cụ thì chuyện đó không quan trọng cho bằng việc cụ cũng nghe lời ong tiếng ve này khác, bèn làm một chuyến ‘thăm viếng mục vụ’ cho phải đạo đấng ‘víp vồ’ vẫn có xưa nay. Sự thật là xuống xứ họ, cụ có thăm viếng ai đâu. Ngay trong thánh lễ đầu tiên, cụ đã dọa sẽ ra ‘vạ tuyệt thông’ cho những kẻ nào gieo rắc tin đồn nhằm bôi lọ thanh danh vị ‘chủ chăn’ của cụ.
Nói về vạ tuyệt thông, cha già lại nhớ đến câu chuyện từng xẩy ra tại thôn làng công giáo nọ gần biên giới Việt–Trung thời trước. Có cụ kia được dân tín nhiệm bầu làm thôn trưởng –cũng nên mở ngoặc ở đây để nói rằng: chỉ vì chức vụ này mà cụ thôn trưởng nhà mình chịu tốn kém rất nhiều. Con gái trong làng của cụ cũng ‘coi được’ nên dân Việt kiều cứ nườm nuợt về coi mắt rồi dắt đi. Cha cố thì thiếu. Chỗ ở lại xa xôi. Dân số trong thôn làng tính cả lương lẫn giáo tròm trèm chỉ khỏang 1000 người. Chẳng bõ cho các đấng bậc thầy cả lặn lội về đó mà làm mục vụ. Vì thế, cả tháng may ra mới đếm được một cha cố thuơng tình đến ‘làm phúc’ ban cho một thánh lễ. Bất kể ngày đó là ngày nào trong tuần. Mỗi khi cha cố về làm lễ là bổn đạo kéo chuông nhà thờ ầm ĩ coi như ngày chủ nhật hoặc lễ trọng. Trong hòan cảnh đó lại thấy nẩy sinh sự việc là trai gái trong thôn làng bèn tổ chức cưới hỏi linh đình trước cái đã hạ hồi sau này gặp cha gặp cố mới xin hợp thức hóa cho phải đạo. Cha ở thành phố vẫn bận trăm công nghìn việc, thế nên mọi việc ở dưới này cụ vẫn trao cho các cụ thôn trưởng. Các cụ này chẳng hụt đám nào hết. Đám nào cũng mời cụ hết. Mà cụ thì già rồi ăn uống chẳng được bao nhiêu, như không lẽ đi dư tiệc cưới lại đi người không, nghĩ cũng không tiện. Chính vì thế mà hầu bao trong nhà để chi cho khỏan này thôi cũng không phải là ít. Tuy ‘bề trên ở nhà’ của cụ không nói năng gì, nhưng cụ vẫn thấy áy náy làm sao ấy. Đợi đến khi cha xứ khám phá ra sự việc bèn giáng cho ‘vạ tuyệt thông’ ngay lập tức. Mỗi lần bị vạ tuyệt thông cũng mất đến vài tháng. Nhưng, đám cưới cứ xẩy ra liên tu hồ điệp nên chưa hết vạ này lại đến vạ khác. Khi bị vạ rồi cụ đến nhà thờ cũng giống như đi chùa, cứ nhìn mọi người lên rước lễ mà lòng cụ buồn rười rượi. Mãi đến khi cha xứ chuyên ra vạ tuyệt thông bị thuyên chuyển sang xứ khác, thế mà vạ tuyệt thông bổ cho cụ vẫn chưa được giải. Tội nghiệp cụ già chịu nỗi oan khiên mà không biết thưa biết kiện nơi đâu. Nhiều lúc bần tăng ngồi nghĩ: vạ gì mà sao các cụ ban dể dàng thế. Nhưng cứ cái kiểu hiểu lời của Cha cố là lời Chúa, thì ắt hẳn vâng lời cha là vâng lời Chúa cũng dễ thôi. Mọi sự cứ thế để cha chịu, việc của mình vẫn cứ vâng theo lịnh cha cố, vì ‘ý cha dưới đất cũng như trên trời’, vậy.
Vừa qua, lại xẩy ra một sự kiện, cũng may là không nằm trong địa hạt của bần tăng, bởi nếu không thì đúng là sẽ ‘dở khóc dở cười’ mất thôi. Số là, có một cụ tuy không già lắm, nhưng bần tăng vẫn cứ gọi bằng cụ là vì cụ là một trong các chức sắc có vai vế đàng hoàng. Cụ này từ Mỹ quốc sang đây để truyền bá lòng thương xót của Chúa. Giả như cụ chỉ chuyên tâm lo nhắc nhở bà con dân Chúa nhớ lại lòng thương xót của Chúa và mời gọi họ xót thương nhau thì bần tăng đây rất là cảm kích. Thế nhưng nỗi khổ là Cụ này lại bầy thêm trò đặt tay lên đầu lên trán giáo dân để chữa bịnh nữa mới chết chứ. Thật sự chẳng ai biết có ma nào được chữa cho khỏi bịnh hoàn toàn hay chỉ là bớt đau chút xíu rồi đâu lại hoàn đấy. Nhưng, chuyện cần nói ở đây là mấy cái màn ‘té với ngã’ kia cứ là ì xéo. Có người còn kể cho bần tăng nghe là cụ ấy đặt tay cho người đứng đằng trước mà kẻ đứng đằng sau lại té thế mới chết chứ. Mong rằng chuyện này chỉ là chuyện tiếu lâm bôi bác các cụ nhà mình, chứ ai mà biết cụ ấy có sức mạnh đến như thế. Chỉ Chúa mới biết thôi.
Về việc ‘chữa lành’ cũng là chuyện rất tế nhị và dễ đụng chạm. Bởi vì, nào có ai muốn mình bị bịnh mãi đâu! Vả lại, có ai bị bịnh mà lại không vái tứ phương cầu được gặp thầy gặp thuốc cho hết bịnh! Nhưng xin thưa với các cụ nhà mình rằng: sinh lão bịnh tử, đấy cụ ơi. Giả như cụ đặt tay mà chữa hết bịnh cho thiên hạ thì các nhà nghiên cứu y học, bác sĩ, y tá…. thất nghiệp hết sao. Và sẽ đến một lúc nào đó, cụ cũng bị bịnh thì ai ‘chẩn đóan và chữa trị’ cho cụ đây.
Bản thân bần tăng cũng là người có bịnh. Đã trải qua 3 lần mổ cột sống, 1 lần đau tim vì tĩnh mạch nhỏ bị tắc nghẽn, và phần cơ bắp của mạch tim đó coi như ‘đi đứt’. Hiện giờ bần tăng sống vì thuốc men mỗi ngày hai lần, mỗi lần một vốc thuốc, nhưng vẫn chưa một lần dám xin Chúa chữa lành cho chính mình mà chỉ dám khấn nguyện sao cho đủ sức hầu chịu đựng mọi khó khăn xảy đến cho chính mình mà thôi.
Ngày xưa, không biết những người đuợc Chúa chữa lành có bị té bị ngã không nhỉ? Hay là họ đều đứng dậy hân hoan, ca ngợi và loan truyền kỳ công của Chúa mà thôi. Vậy thì, việc té ngã xuất phát từ đâu đến? Nó mang ý nghĩa gì? Ai biết xin dây bảo cho bần tăng với. Nãy giờ bần tăng nói tòan chuyện tiêu cực và lại chẳng đưa ra một giải pháp nào, nên viết đến đây bần tăng cảm thấy cũng hơi áy náy. Nhưng vì vẫn sống trong hy vọng, nên bần tăng có quyền nghĩ là bạn đọc đã tìm ra câu trả lời cho các vần đề nêu lên ở trên. Để kết thúc, bần tăng xin tạm mượn tin vui vừa mới nhận được từ Đức Thánh Cha. Theo Ngài, thì việc xử dụng ‘bao cao su’ không phải là việc sai trái trong những trường hợp đặc biệt, như trường hợp ngăn ngừa sự lây lan của bịnh Aids. Quả thật, đây chính là một tin vui cho mọi người.
Tuy nhiên, một số các đấng ‘víp vồ’ xem ra có tinh thần bảo hòang hơn Vua, đã tỏ vẻ mình là người hiểu biết đã cho rằng ‘đây là một trong những vấn đề khá phức tạp. Đôi khi, vì những trường hợp đặc biệt mà cho phép họ làm điều ‘không được đúng’ lắm sẽ kéo theo những hệ lụy khó khăn cho người làm luật.’ Không biết Đức Thánh Cha có dự liệu trước về các phản ứng có thể có của một số đấng ‘víp vồ’ hay không? Nhưng bần tăng thật cảm phục khi nghe biết về lập trường của Ngài là các Đức Giáo Hòang có bổn phận phải nhường lại ngôi vị chóp bu của mình nếu thấy mình không còn đủ thể lực và trí óc không còn minh mẫn nữa. Điều này chứng tỏ cho mọi người thấy là Đức Giáo Hoàng rất sáng suốt khi tuyên bố lập trường của Ngài về việc xử dụng ‘bao cao su’ trong trường hợp đặc biệt hầu ngăn ngừa việc lây lan của bịnh Aids.
Ở đây, bần tăng không dám lạm bàn về lập trường của các bậc ‘thức giả’, vị vọng. Nhưng chỉ cần đọc câu chót cũng thấy được cung cách của đấng ‘víp vồ’ nhà mình cứ có dịp là nói đến chuyện luật với lệ thôi. Vẫn biết rằng ta cần đến luật để bảo vệ guồng máy hoặc động cho tốt. Nhưng luật đâu phải là tất cả. Thế còn ‘lương tâm’ thì sao? Lương tâm không cao trọng hơn các đạo luật thiếu tình thuơng ư?
Bàn về lý thuyết thì bần tăng không có đủ khả năng để bàn và để cãi, thế nhưng trên thực tế, bần tăng chỉ dám thưa với các bậc thức giả rằng thiên hạ ngày nay chẳng còn mấy ai cảm thấy áy náy về chuyên mình làm mục đích để ngừa thai, như việc xử dụng bao cao su hay các phương tiện khác mà luật lệ cấm đoán hết.
Thôi thì, ta cũng cầu xin Chúa cho bà con anh em mình được sống trong hy vọng là sẽ có ngày mai tươi sáng hơn và mọi người đều được cứu độ.
Triệu Minh Anh Thi
No comments:
Post a Comment