Wednesday, 22 December 2010

Lm Mai Văn Thịnh CSsR: HÃY LÊN ĐƯỜNG VÌ CHÚA ĐANG CHỜ TA

Chỉ còn vài ngày nữa là lễ Giáng Sinh. Ngày tưởng niệm mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Đó không phải là lý do chính. Thật ra việc sống mầu nhiệm đó nơi bản thân của mỗi người mới là điều quan trọng. Anh chị em đừng quên rằng Chúa đang đứng bên cửa để chờ đón chúng ta; ai nghe tiếng và mở cửa tâm hồn đón nhận Ngài thì Ngài sẽ đến để dùng bữa với họ (Kh 3:20)

Chúa là ai? Một hài nhi nằm trong máng cỏ theo truyền thống hay là một Đức Giê-su trên thập giá và đã được siêu tôn. Thật ra hai điều đó là một. Việc Giáng Sinh của Thiên Chúa được nhìn ngắm dưới ánh sáng Phục Sinh. Niềm vui Phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Trong niềm tin đó chúng ta suy gẫm tòan bộ cuộc đời của Ngài. Chỉ có suy gẫm trong chiều kích đó chúng ta mới thấy đâu là những việc cần làm để chuẩn bị đón mừng Chúa.

Khi đề cập đến việc Chúa trở lại, anh em tín hữu tiên khởi nghĩ ngay đến ngày quang lâm của Chúa để phán xét thế gian. Cho dù ý tưởng này hòan tòan xa lạ với không khí của ngày đại lễ, nhưng từ nguyên thủy họ chỉ mong chờ ngày đó. Và nếu chúng ta có cùng một suy tư như thế, thì việc mừng Chúa đến sẽ khiến cho nhiều người phải hỏang sợ: Chúng ta đã sẵn sàng chưa? Tâm hồn chúng ta đã chuẩn bị thế nào để Chúa ngự?

Không khí lễ Giáng Sinh thật tưng bừng và rộn rã. Nhà thờ nào cũng làm máng cỏ với ánh sáng muôn mầu rực rỡ luợn đi luợn lại chung quanh hang đá; lại có những dòng suối nhân tạo róc rách chảy. Đủ thứ trang trí và đồ chơi lạ mắt. Trung tâm thương mại tràn ngập người; ai ai cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân. Hình như những cảnh tương đó có cái gì tương phản với sứ điệp của Chúa. Những quà tặng của thế gian quá nhiều, nhiều đến độ một lúc nào đó chúng ta lại phải ngồi xuống để gỡ ra từng lớp vỏ của thế gian để tìm lại nguồn gốc của sứ điệp mà Chúa Kitô đã nhắn gửi.

Chính hài nhi ấy đã cho đi tận cùng của kiếp phàm nhân; khiến cho con người dù có bất hạnh hay bị ruồng bỏ đến đâu cũng tìm được niềm vui và tình thân thuơng. Và nhân lọai cũng đã tìm thấy nơi cuộc sống của hài nhi những câu giải đáp, những thao thức của kiếp nhân sinh. Sứ điệp mà hài nhi sẽ đem lại thay đổi tư tưởng và lối tư duy của mỗi người. Sứ điệp đó còn thách thức nhân lọai qua mọi thời đại. Bởi vì, từ ngày hài nhi đó xuất hiện, bộ mặt của thế giới đã thay đổi: Người mất phương hướng tìm được lối đi; kẻ đói khát no đầy ơn phúc; những ai bị giam cầm tìm được sự trợ giúp đó là trong Ngài họ được giải thóat, muôn dân muôn nước tìm được giải pháp cho hòa bình, v.v..

Nhìn vào thực trạng của thế giới nói chung và những sinh họat trong Giáo Hội nói riêng; nhiều lúc tôi cũng muốn mươn lời của Thánh Gio-an tẩy giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chúng ta đã quá quen với lối sống an nhàn, thủ phận, giữ mình bởi những việc đạo đức. Trong khi đó sứ điệp của Chúa thách thức lương tâm của con người trước sức bành trướng của nền văn minh thế tục đang soi mòn bản chất làm người mà mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su đã đem đến.

Thật vậy, qua mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa cư ngụ ngay trong hòan cảnh riêng của từng người. Dù người đó sống trong tình huống nào, Ngài chẳng hề có ý định bỏ rơi chúng ta. Chúa luôn đứng bên cửa để chờ đợi ta. Ngài đã mặc lấy thân phận con người và chờ đợi ta. Phần chúng ta hãy tiếp nối sứ mạng của Ngài. Vì Chúa nhập thể đã biến đổi hận thù nên bạn hữu, chém giết thành cứu sống, chiến tranh thành hòa bình. Đó là Tin Mừng cho toàn thế giới; và cũng là thách đố cho mọi tín hữu.

Năm 1985, Nhân dịp đặt vòng hoa tại nghĩa trang lính Đức, tổng thống Reagan (1984-1992) đã kể lại câu truyện rất đáng cho chúng ta noi gương. Sự kiện này xẩy ra vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1944; và đã được người con trai bà góa người Đức kể lại.

Một cuộc chiến ác liệt diễn ra giữa quân đội Hoa Kỳ và Đức gần một khu rừng. Ba người lính Mỹ, có một bị thương, đã chạy lạc vào khu rừng tới một căn nhà hẻo lánh của một bà góa chỉ có một đứa con trai duy nhất. Họ vào nhà xin ăn. Dù biết rằng chứa chấp lính Mỹ là một tội khiến bà có thể bị xử tử hình. Nhưng bà vẫn mở cửa đón tiếp họ. Bà còn lấy phần thực phẩm còn lại trong nhà nấu cho lính Mỹ ăn. Họ vừa ngồi xuống và bắt đầu ăn. Tức thì, bên ngoài có tiếng gõ cửa. Bà biết những người đứng bên ngòai là lính Đức. Tuy rất hỏang sợ, nhưng bà lấy hết can đảm hô lên rằng: Xin các ông đừng chém giết trong nhà tôi trong ngày lễ hôm nay. Nói xong, bà liền bước ra mở cửa mời mấy ông lính Đức vào. Họ để súng ngoài cửa, bước vào nhà dâng lời tạ ơn rồi cùng đồng bàn với ba ông lính Mỹ. Trong số những người lính Đức, có một anh là sinh viên y khoa. Anh đã băng bó cho người thương binh Mỹ. Họ đã sống hòa bình trong ngày lễ Giáng Sinh. Sáng ngày hôm sau, mấy người lính Đức còn chỉ đường cho lính Mỹ về doanh trại của họ. (Reagan 588-9)

Ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh là thế. Hiện thực và sống động. Thực hiện Tin Mừng đã được loan báo. Cảm nghiệm ơn cứu độ chan chứa trong thân phận làm người của Con Thiên Chúa. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ cùng với sứ giả của Thiên Chúa đồng thanh ca lên rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.” (Lc 2:14)

KEW 23.12.2005

No comments: