Chúa nhật hôm nay được gọi là “Chúa nhật Mừng Vui Lên” như lời Thánh Phao-lô: “Anh em hãy vui lên trong Chúa. Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên vì Chúa đã gần đến”. (Phi-lip-phê 4: 4 - 5)
Thật vậy, còn niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui được cứu độ. Nhất là trong hòan cảnh lịch sử của dân Do Thái thời bấy giờ. Về mặt tôn giáo, hàng ngũ lãnh đạo (cách riêng vị Thương tế, được bổ nhiệm bởi chính quyền Rô Ma) thường đứng về phía những người cai trị để bảo vệ quyền thế và bổng lộc của họ và bỏ bê dân chúng. Mặt khác, dân Do Thái sau khị bị lưu đầy bên Ba-by-lon lại bị đế quốc Ba Tư, Hy Lạp và Rô-ma thống trị nên đời sống rất cơ cực.
Với một bối cảnh như thế, dân chúng mong chờ vị Cứu Tinh, Đấng Cứu Thế sẽ đến để giải thóat họ khỏi ách nô lệ, cứu thoát họ khỏi cảnh lầm than. Vì thế, khi nghe tin Gioan xuất hiện, họ từ Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê và vùng lân cận sông Gio-đan hân hoan kéo đến nghe ông giảng. Trái lại, thái độ của các vị lãnh đạo đền thờ lại khác. Họ sai các tư tế và mấy thầy Lêvi đến chất vấn ông. Nhân dịp này, Gio-an đã làm chứng cho họ biết Ngài không phải là Đức Ki-tô, cũng chẳng phải là Ê-li-a hoặc là ngôn sứ gì cả. Ngài chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đấng Cứu Thế đến như ngôn sứ Isaia đã nói.” (Ga 1: 20-23) Rồi mấy người trong nhóm Pha-ri-sêu lại hỏi tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đức Kitô. Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1: 26-27)
Giả như Đức Giê-su không xuất hiện và Gio-an không nói sự thật về vai trò của ông thì khách quan mà nói trong bối cảnh xã hội và tôn giáo như thế; Thánh Gio-an Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà tòan dân đang mong chờ.
Như anh chị em đã biết, phép rửa của Gio-an kêu gọi lòng sám hối của dân chúng. Còn phép rửa của Chúa Giêsu mới đem ơn cứu độ. Vì lý này mà chúng ta gọi Thánh Gio-an là Gio-an Tẩy ‘giả’ chăng? Nhưng những lời chứng của ông khiến chúng ta phải cảm phục. Tuy như cây sậy phất phơ trước gió (Mt 11:2), nhưng Gio-an đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài đã bị trảm quyết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật dù phải chết.
Đây quả là một thách đố. Nhiều khi, vì bảo vệ cho sự sinh tồn của cộng đòan, giáo xứ và địa phận… chúng ta không những chỉ làm ngơ truớc bạo lực, đôi khi còn cộng tác với những kẻ có quyền thế và quên đi số phận lầm than của những người mà chúng ta được sai đến để săn sóc và bảo vệ họ. Nguyên tắc trao đổi để đôi bên đều có lợi chưa hẳn được phát xuất từ lòng tin. Theo tôi, đó chỉ là sự khôn ngoan của thế gian!
Gioan không phải là ánh sáng; Ngài chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. (Ga 3:27-30) Cũng như Gio-an chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về cho mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và hay đòi hỏi.
Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Chúa Giê-su đã trích lời của ngôn sứ Ma-la-chi-a trong sách các Vua: “Này ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi trước khi ngày Thiên Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng (2V 3: 23)” để nói về nhiệm vụ của Gioan. Ông rao giảng tính cấp bách của lòng sám hối để đón nhận Đấng Cứu Thế. Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Nhưng những thành viên của Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Bởi vì, dù vai trò của Gio-an có cao trọng; nhưng vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Ngài mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối sống cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời.
Bởi vì, Gio-an đã nghĩ rằng chính Thiên Chúa sẽ cứu độ dân Người. Trong ngày đó Đấng được sai đến (Mesia) sẽ mang lửa sinh diêm bởi trời mà phán xét thế gian. Nhưng thay vì vậy, ông chỉ được gặp Đức Kitô, người anh em họ của mình, khiêm nhu và hiền lành, rao giảng ơn tha thứ vô tận và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa cho những người mà ông nghĩ là sẽ sẽ bị lửa đời đời thiêu đốt. Bài học cho chúng ta hôm nay là đừng làm quan toà phán xét người khác. Hãy cứ để ‘cỏ lùng và lúa tốt” hay là ‘chiên và dê’ sống chung. Đến ngày quang lâm Chúa sẽ làm việc đó. Còn bây giờ hãy noi gương Chúa Cứu Thế mang hy vọng đến hang cùng ngõ hẻm của thế giới, rao giảng Đấng có quyền năng “ kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui), người mù được nhìn thấy (ánh sáng) và kẻ chết được sống lại”.
Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã làm cho những hạng người nói trên. Ước mong ân huệ của đêm Giáng Sinh sẽ biến cuộc đời của chúng ta trở thành niềm vui; niềm vui này giống như niềm vui mà sứ thần đã loan báo: “Hôm nay Đấng cứu Thế đã sinh ra” không phải tại Bê-lem nhưng là bởi lối sống của chúng tôi, là những người có nhiệm vụ cao trọng hơn Gio-an Tẩy giả. Amen
GALONG 2010
No comments:
Post a Comment