Tuesday, 19 October 2010

Lm Chân Tín CSsR: Tham luận về TGM Nguyễn Văn Bình

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình,
Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sàigòn dưới chế độ mới.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-2010), câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi toạ đàm hôm nay để chúng ta cùng vẽ lại chân dung một vị mục tử.

Theo chương trình, các diễn giả sẽ đề cập về Đức Tổng Bình như Tổng giám mục đầu tiên của Tổng Giáo phận Sài gòn, con người của Công đồng Vatican II, con người của một thời kỳ biến động và những định hướng mục vụ của Giáo phận.

Trong một vụ phong thánh, ngoài những bài ca tụng về nhân vật đó, cũng có bài phản biện của “luật sư ma quỷ” (avocat du diable) để nói lên chân dung của nhân vật ấy. Vì không ai hoàn toàn.

Hôm nay, chúng ta đang vẽ lại chân dung của Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Các diễn giả khác chắc là đề cập đến những mặt tích cực của Đức Tổng. Phần tôi, tôi thử đưa lên một ít nhận định về một số việc tôi cho là tiêu cực, để ta có một chân dung đầy đủ. Có người sẽ cho đó là lạc giọng, vì ta đang đề cao Đức Tổng Bình, lại có bài không cùng một giọng lạc quan chung. Nhưng tôi phải vẽ đúng chân dung của Đức Tiổng, con người lịch sử.


Tôi được gần gũi đức Tổng Bình vào đầu chế độ Cộng sản ở miền Nam. Tôi là một trong 6 vị cố vấn của Đức Tổng: 4 vị của nhóm Đoàn Kết Yêu Nước, đó là cha Huỳnh Công Minh, cha Nguyễn Huy Lịch, cha Phan Khắc Từ, ông Nguyễn Đình Đầu, còn lại là hai vị khác không thuộc về nhóm Đoàn kết, đó là cha Mai Xuân Hậu và Chân Tín.

Tên “Bình” của Đức Tổng có thể cho ta thấy ngài là người của thời bình: một người cha đầy yêu thương, ôn hoà. Ngài không phải là người của một thời kỳ biến động, như những ngày sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, đang đặt hệ thống tư tưởng duy vật và vô thần cho toàn dân và một hệ thống chính trị độc đảng bóp chết mọi quyền của con người.

Cái ôn hoà của Đức Tổng Bình được nhiều người coi như kết quả của Công Đồng Vatican II, đó là tinh thần đối thoại và hợp tác.

Trên lý thuyết, đối thoại là phương cách tối ưu để đạt tới đồng thuận. Nhưng với một đối tác là Đảng Cộng Sản vô thần duy vật độc tài, thì chỉ có áp đặt của Cộng Sản Việt Nam, chứ đâu có đối thoại gì. Chuyện hợp tác cũng vậy. Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh nhân dịp văn phòng của Hội đồng Giám mục Việt nam đưa ra vấn đề đối thoại trong hoàn cảnh đau thương của Giáo hội đã đề cập về vấn đề cho ngày nay. Người nói:

“Trong cái xã hội đầy những bất công, gian dối, thối nát, tham nhũng, khi những con người yêu nước, yêu tự do dân chủ, lần lượt bị kết án bất công, khi các nhà trí thức bị bịt mồm bịt miệng, chỉ vì vạch trần những âm mưu xâm lược của ngoại bang bằng mọi thủ đoạn hiểm độc nhất, khi những người mặc sắc phục công an cảnh sát làm ngơ cho bọn côn đồ mang danh quần chúng tự phát, tha hồ đánh đập trấn áp dân lành không tấc sắt trong tay, khi những người trẻ tìm đến tu thân nơi cửa Phật bị xua đuổi hành hạ, nhất là khi biểu tượng thiêng liêng nhất của Kitô giáo là cây thánh giá bị triệt hạ, bị đập nát, chúng ta phải hợp tác với chính quyền Cộng sản như thế nào.” (05.02.2010)

Sau đây là một ít biến cố cho thấy sự thiếu sót trong việc lãnh đạo Giáo hội, của Đức Tổng Nguyễn Văn Bình:

* Biến cố thứ nhất: 5 Dòng lớn bị tấn công

Đó là 5 tu viện của 5 Dòng lớn đã bị tấn công, tịch thu tài sản, nhà cửa, các tu sĩ bị đuổi khỏi tu viện vào ngày 25.01.1978 (Đó là các Dòng Đa Minh, Sư huynh La San, Dòng Xitô, Dòng Bosco, Dòng Chúa Cứu Thế, và sau này là Dòng Tên, Dòng Đồng Công). Ngày 04.02.1978, ông Mai Chí Thọ triệu tập các linh mục, tu sĩ, giáo dân tại trường chính quyền, để lên án 5 tu viện đó. Có sự có mặt của Đức Tổng và Đức cha Phụ tá. Nhà nước đưa ra những luận điệu không thuyết phục, những vụ cá nhân như Lm Nguyễn Văn Vàng DCCT bị bắt vì âm mưu chống cách mạng, Sư huynh La San rải truyền đơn, cha Sinh Dòng Đa Minh tổ chức vượt biên, cha Bùi văn Long chống chế độ. Chưa điều tra, Nhà nưóc đã khẳng định tội trạng và từ sai trái của một số người có thật hay không, Nhà nước lấy cớ để tịch thu nhà cửa của 5 tu viện. Rõ ràng là Nhà nước sợ 5 Dòng lớn, họ muốn phá Giáo hội. Điều đó quá rõ, thế nhưng Đức Tổng không có một lời nào để bảo vệ các tu viện đó.

*Biến cố thứ hai: Các cha tuyên úy quân đội đi tù

Cá cha tuyên úy quân đội đi tù mút mùa –các ngài là những người tuân lệnh hàng giáo phẩm lo cho quân nhân Công giáo. Hàng giáo phẩm, đặc biệt là Đức Tổng Bình đã không lên tiếng bảo vệ các vị tuyên úy ấy. Nếu Đức Tổng Bình mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ các vị tuyên úy, thì chắc chắn các vị ấy đã không phải đi tù mút mùa. Có nhiều tuyên úy chết trong trại giam và sau mười mấy năm trở về, có người thân tàn ma dại, lại không được phục vụ với tư cách linh mục. Còn bao nhiêu người bị bắt giam một cách bất công, bị giam cầm lâu ngày, lâu tháng, lâu năm mà không được xét xử. Đức Tổng không có một lời lên tiếng bảo vệ họ, bảo vệ nhân quyền. Những người chế độ cũ bị tù đày giam cầm, lâu năm lâu tháng, nhà cửa tiền tài bị tịch thu, gia đình tan nát. Trước tình trạng đó, hàng giáo phẩm nói chung, Đức cha Nguyễn Văn Bình nói riêng, vẫn không lên tiếng bênh vực họ.

Các giáo xứ bị bách hại, các nghi lễ tôn giáo bị cản trở, các chủng viện bị đóng cửa lâu năm, sách vở tôn giáo bị cấm, thậm chí tại Giáo phận Sàigòn, chỉ đuợc xuất bản mấy trang về ngày lễ quanh năm mà phải gặp nhiều khó khăn phiền hà.

*Biến cố thứ ba: Ủy Ban Đoàn Kết Yêu Nước

Đức Tổng Bình là giám mục đầu tiên phấn khởi hoan nghênh Ủy Ban Đoàn Kết Yêu Nước.

Ngay từ đầu tôi đã thấy Ủy Ban này là một tổ chức tay sai của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong nội bộ Công giáo Việt Nam. Đó là một hình thức mới của Ủy Ban “Liên lạc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình” của chế độ Cộng Sản ở ngoài Bắc trước 1975. Tôi càng xác tín điều đó khi đọc “hồi ký toàn tập” của Đức cha Lê Đắc Trọng, Giám mục phụ tá của Hồng y Phạm Đình Tụng. Ngài viết về Ủy Ban Yêu Nước ở ngoài Bắc và Ủy Ban Yêu Nước mới của miền Nam.

Ngài viết:

“Cái Ủy Ban đó, tôi cho rằng chỉ là bước đầu để đi đến việc lập Giáo hội tự trị… Giáo hội khổ nhiều vì nhóm đó trong nhiều năm, vì đó là công cụ để phá Đạo, bách hại Đạo, giống kiểu Julien l’Apost: lấy Đạo chống Đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống cha mẹ… người Công giáo chịu bao khốn khổ, tù đày cũng là do nhóm này… Nó sắp tàn, nếu không phục hồi, nếu không có miền Nam đến tiếp sức và phục hồi nó dưới nhãn hiệu mới: “Ủy Ban Đoàn Kết”. Ủy Ban này có lãnh đạo trí thức (các linh mục bằng cấp) tìm đuợc đất màu mỡ ở miền Nam và sống mạnh nhờ vào việc thay đổi chiến thuật”. (Hồi ký toàn tập, phần 2, tr. 260-261)

Đức Tổng Bình vì không biết bản chất của Cộng Sản Việt Nam, như Đức cha Trọng, nên ngài thật tình lao vào con đường “Đối thoại và cộng tác” một cách vô vọng. Sau 35 năm Cộng sản ở miền Nam, Giáo hội đối thoại và cộng tác được gì? Ảo tưởng và thất vọng ê chề.

Sau 35 năm, Cộng Sản Việt Nam đã tiêu diệt ý thức con người, thì làm sao đối thoại và cộng tác được?

Họ tiêu diệt ý thức đại diện quốc dân nơi các thành viên quốc hội; tiêu diệt ý thức phục vụ công chúng nơi các nhân viên công quyền; tiêu diệt ý thức tôn trọng và bảo vệ nhân dân nơi công an cảnh sát; tiêu diệt ý thức bảo vệ tổ 1uaố nơi hàng ngũ quân đội; tiêu diệt ý thức bảo vệ luật pháp nơi các luật sư; tiêu diệt ý thức thương xót các bệnh nhân nơi các y bác sĩ; tiêu diệt ý thức làm chứng cho sự thật và lẽ phải nơi giới tu hành: họ biến tôn giáo thành thuốc phiện, họ muốn các nhà tu hành xây dựng đền thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, mà hoàn toàn dửng dưng trước cảnh đồng bào bị đàn áp, xã hội bị băng hoại, tổ quốc bị lâm nguy; tiêu diệt ý thức giáo dục nơi các thầy cô giáo – nền giáo dục Cộng sản là nền giáo dục mang tính chính trị, không nhằm đào tạo những công dân tự do và trưởng thành cho đất nước, nhưng là nhào nặn ra những người dân khiếp nhược cho Đảng.

*Biến cố thứ tư: Vụ Phong thánh tử đạo Việt Nam (19.06.1988)

Sau khi cùng với những thỉnh nguyện của Dòng Đa Minh, hội thừa sai Paris, Hội đồng Giám mục Phi, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, đến lượt Hội đồng Giám mục Vệt Nam cũng đã gửi thỉnh nguyện xin phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam. Nhưng khi Nhà nước phản đối vụ phong thánh này, Hội đồng Giám mục nát như tương, theo lời Đức cha Tuyến nói với tôi. Có vị xin hoãn, có vị xin tách các vị thừa sai ra khỏi các tử đạo Việt Nam. Dưới áp lực của Nhà nước, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có văn thư cho toàn Giáo hội Việt Nam yêu cầu kính các chân phước tử đạo Việt Nam như cũ. Sau đó, trong một buổi họp tại Mặt trận Quận 3, tôi có góp ý vào cái gọi là thỉnh nguyện thư của Ủy Ban Đoàn Kết. Thỉnh nguyện thư đề nghị hai điều: đề nghị thứ nhất là hoãn việc phong thánh. Đề nghị thứ hai là tách các vị tử đạo ngoại quốc.

Tôi nói:
“Đề nghị thứ nhất sẽ cho thấy, giám mục Việt Nam bị áp lực của Nhà nước mới xin hoãn, vì đã hăng hái xin phong thánh. Đề nghị thứ hai là ăn cháo đá bát. Các vị thừa sai có công rao giảng Tin Mừng cho dân tộc ta và đã chết vì đức tin, nên xin tách là vô ơn, tạo chia rẽ trong Giáo hội Việt Nam. Phải nói trong việc này, Đức cha Bình có trách nhiệm lờn, vì nếu ngài giữ vững lập trường, thì không có sự chia rẽ lớn trong hàng giám mục. Tôi đã kết luận bài tham khảo:” Thật là một trò trẻ con không thể chấp nhận được đối với dư luận quốc nội cũng như quốc tế khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã từng phấn khởi xin phong thánh rồi lại xin hoãn, xin tách các vị tử đạo ngoại quốc. Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ mất hết uy tín đối với giáo dân Việt Nam cũng như đối với Giáo hội toàn cầu. Trong tình trạng đó, các giám mục sẽ không còn ảnh hưởng để thúc đẩy giáo dân vừa hăng say xây dựng đất nước, vừa trung thành giữ vững đức tin.”

Theo lời Đức cha Tuyến, sau đó các giám mục đã nhất trí xin phong thánh.

*Biến cố thứ năm: Vấn đề Đức cha Nguyễn Văn Thuận, giám mục phó của Tổng giáo phận Sàigòn

Dư luận trong Giáo hội thắc mắc về thái độ của Đức Tổng Bình, trước việc Nhà nước trục xuất Đức cha Thuận, đầy ải ngài mười mấy năm trời. Có những sự kiện cho thấy Đức Tổng Bình quá yếu trong việc này. Trong một buổi họp ban cố vấn, tôi có nói:

“Giáo dân thắc mắc về thái độ của Đức Tổng vì những sự kiện sau đây:

Sự kiện thứ nhất: Khi Đức cha Thuận bị đưa đi đày, quân quản nói với Đức cha Thuận là cụ Bình đã nói với họ cả chục lần là cụ không muốn ông ở đây, thì ông ở đây làm gì phiền người ta.

Sự kiện thứ hai: Sau khi Đức cha Thuận được trả tự do, ở ngay Toà Hồng y Hà nội, thế mà Đức Tổng Bình không ra thăm, tuy Đức cha Thuận vẫn là Tổng giám mục phó của Đức Tổng Bình, trước mặt Chúa và Toàn thánh Vatican.

Đức Tổng cũng không gửi người ra thăm thay mình.
Không một bức điện chào mừng, nói gì có thư thăm hỏi.
Khi Đức cha Thuận gửi thư cho Đức Tổng hỏi một số vấn đề trong đó có vấn đề nên ở đâu, nên về Sàigòn không, thì Đức Tổng không có trả lời. Vào dịp Tết, nhiều hạt trưởng xin đánh điện ra Hà Nội để mừng tuổi Đức Cha Thuận, như Giám mục Phó Sàigòn, Đức Tổng cũng lờ đi. Sau khi tôi trình bày những thắc mắc đó, Đức Tổng thú nhận: “Trong bụng, tôi cũng muốn Đức cha Thuận về đây. Nhưng tôi vẫn lo ngại về đây có yên ổn không, có chia rẽ không. Vì thế tôi không tích cực vận động cho Đức cha Thuận về đây.”

Giáo dân có quyền thắc mắc về thái độ của Đức Tổng Bình. Tôi nói:

“Nhà nước muốn hay không muốn là việc Nhà nước. Nhưng Đức Tổng bằng một văn kiện công khai, lên tiếng yêu cầu Nhà nước để cho Đức cha Thuận về Sàigòn như Toà thánh đã đặt từ trước. Được hay không là ngoài ý muốn của Đức Tổng. Điều quan trọng là thái độ công khai của Đức Tổng.”

Đức Tổng đã đặt một linh mục làm Tổng đại diện đã từng tuyên bố niềm tin tuyệt đối vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong buổi khai mạc quốc hội của chế độ mới (076.07.1976). Linh mục ấy nói:

“Tôi xin phép nói lên tâm tình của một linh mục Công giáo (…) báo cáo chính trị của quốc hội
càng làm cho tôi xác tín thêm nữa rằng, con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, con người đó, xã hội đó, không thể có được, nếu không có Đảng Lao Động Việt Nam (tức Đảng Cộng Sản Việt Nam), đội tiên phong giai cấp công nhân, lãnh đạo và tổ chức. Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ… (Thông tấn xã Việt Nam, 07.07.1976)

Trước sự chọn lựa một người đặt niềm tin vào Đảng Cộng Sản Việt Nam và nguyện suốt đời phục vụ, tôi đã rùng mình tự hỏi:

“Phải chăng đây là Tổng đại diện của Tổng bì thư Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh Tổng Giám mục Sàigòn, để thao túng?”

Kính thưa quý vị,

Trên đây là những biến cố lớn tôi được sống cạnh Đức Tổng Bình, chứng kiến thái độ của người, nghe lời nói của người, thấy phản ứng của người. Rất tiếc là với sự thánh thiện của người, với tính ôn hoà của người, nếu người còn là Giám mục mạnh mẽ bảo vệ con người, bảo vệ Giáo hội Công giáo Việt Nam như Đức Tổng Nguyễn Kim Điền thì tốt biết mấy. Thái độ im lặng của người có lẽ đã ảnh hưởng trên sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm hiện nay.

Nhưng rất mừng, khi tôi thấy thái độ mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ con người, bảo vệ Giáo hội của hai Đức cha Nguyễn Kim Điền, Nguyễn Văn Thuận cũng được một số giám mục ngày nay noi theo.

Kính thưa quý vị,

Nếu quý vị thấy bài này lạc giọng trong lúc chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, xin quý vị thứ lỗi. Nhưng tôi vẫn nghĩ đây là một nét chân dung thật của ngài, con người lịch sử.

Xin kính chào quý vị,
Stêphanô Chân Tín, CSsR
38 Kỳ Đồng P9 Q3
Đt: (08) 39331.1645.118

No comments: