Thứ Năm 1.9.1988
Ông Nguyễn Bá Tín tới hỏi thăm mình về giờ lễ mừng các Thánh Tử đạo… gốc họ Kim Long vào ngày Chúa nhựt sắp tới đây. Nhân dịp này, ông cho mình biết là ông đang viết về Hàn-Mặc-Tử (Nguyễn Trọng Trí), anh ruột của ông:
“50 năm nay tôi vẫn làm thinh nhưng bây giờ người ta nói nhảm về Hàn-Mặc-Tử quá nhiều, tôi không yên lặng được nữa.”
-Cậu ơi (ông Tín sửa lại: ‘ông’ chứ. Hàn-Mặc-Tử cũng như ông với bà ngoài của mình là anh em con cô con cậu ruột), ông ơi, ông làm việc đó, cháu mừng lắm. Cháu sẵn sàng đọc lại bản thảo cho ông, kiếm giấy, kiếm người đánh máy cho ông.
Ông Tín mới thổ lộ:
“Sở dĩ tôi đã vẫn làm thinh vì mẹ tôi trước khi chết có căn dặn đừng nói gì tới… anh Trí. Tôi đã vì chữ hiếu mà…
-Đó là bà cố khi còn sống. Chứ bà cố ở trên trời hẳn không còn muốn như thế. Đây là vấn đề vượt hẳn phạm vi riêng tư của một gia đình. Vấn đề của văn học Đất nước và vấn đề của Giáo hội nữa.
Mình nói vậy chứ qua lời thổ lộ kia đã thoáng thấy cả một bi kịch gia đình. Bà cố hẳn đã coi Hàn-Mặc-Tử là một ‘người con hoang đàng’ thêm thứ bệnh tật kia đã chỉ đem lại buồn tủi cho gia đình.
Dẫu sao chắc chắn những gì ông Nguyện-Bá-Tín viết ra được sẽ thật lý thú. Như ông nói qua với mình: một biến cố quyết định trong đời Hàn-Mặc-Tử hẳn là lần anh ấy đi tắm với tôi mà chết hụt. Sau đó, anh đã thay đổi lạ lùng lắm…
5giờ chiều: cha Chân Tín chủ lễ và giảng ngày đầu tiên trong tam nhật chuẩn bị mừng trọng thể Lễ các Thánh Tử đạo vào Chúa nhựt sắp tới.
Bài giảng dài đến … 35 phút. Tội nghiệp cho Thanh-Vân phải chờ ở nhà với mấy món đặc biệt để mời vợ chồng Thiên-Hương, cô con gái của nhà văn Duyên-Anh, và cha Chân-Tín.
Gs Nguyễn ngọc Lan
(trích Nhật Ký 1988, nxb Tin Paris 1993 tr. 154)
No comments:
Post a Comment