Thứ Ba 1.3.1988
Hai vợ chồng V-KT chiêu đãi một số bạn bè ở nhà Võ-Văn-Điềm.
KT trước đây làm Tin Sáng như Thanh-Vân. Sau khi Tin Sáng ‘hoàn thành nhiệm vụ’ ít lâu, cô ta qua
Chuyện Nguyễn-Đắc-Xuân. Anh này, năm 1965 là sinh viên tranh đấu thứ dữ của Phật giáo Huế. Anh đã được cử vào Đà-Lạt để ‘điều chỉnh’ phong trào Phật giáo ở đấy. Anh đã gặp chuyện trò với mình suốt một buổi tối. Có lúc nhắc tới Phạm-Duy, Nguyễn-Đắc-Xuân vẫn với giọng nồng nhiệt nói:
“Anh Phạm-Duy vừa đi Hoa-Kỳ biểu diễn gì đó. Tôi có nói với anh ấy trước khi anh ấy lên máy bay: Anh qua Mỹ mà nói một câu gì hại cho đất nước thì chính em sẽ dành cho anh một mũi dao.
Một hai năm sau, Xuân vào bưng. Trước khi đi cũng có thư cho mình. Tết Mậu-Thân, Nguyễn-Đắc-Xuân nổi đình đám, ít nữa là như theo một cuốn sách của Nhã-Ca. Từ năm 75, Xuân là cán bộ văn nghệ, văn hoá gì đó ở Huế. Năm, bẩy năm trước đây, uống cà phê với Nguyễn-Đắc-Xuân và Hoàng-Ngọc-Biên ở sân trước toà báo Tuổi Trẻ (hồi còn ở đường Duy Tân), mình nhắc lại câu nói về Phạm-Duy và hỏi Nguyễn-Đắc-Xuân:
“Từ 75 đến giờ, Phạm-Duy ở Mỹ chắc là đã nói và đã làm nhiều điều còn hơn anh có thể tưởng tượng hồi 65-66. Thế nhưng, ngay giờ phút này đây, nếu Phạm-Duy đứng trước mặt anh, anh có còn sử dụng mũi dao nữa không?”
Nguyễn-Đắc-Xuân đã làm thinh hay đã cười trừ, mình không còn nhớ nữa. Nhưng mình đã hiểu là anh ta không còn nhìn cuộc đời đơn giản như trước kia nữa.
Báo SGGP hôm nay mới nói tới chuyện ngày 25.1.1988, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và đại diện giáo dân bàn về việc Vatican quyết định phong hiển thánh cho 117 vị chân phúc ‘tử đạo Việt Nam’. Bài báo phần lớn được dành cho lời lẽ của ông Lê-Đình-Nhơn rồi chỉ thêm:
“Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân lần lượt phát biểu ý kiến bày tỏ lòng mong muốn của mình cùng với Hội đồng Giám mục Việt Nam giải quyết đúng đắn việc Phong Thánh này sao cho có lợi cho Giáo hội, đi theo đường hướng của Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980.”
‘Cởi mở, thẳng thắn’ mà chỉ có bấy nhiêu thôi đó.
Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Nhật Ký 1988, Tin Paris 1993, tr. 32-33)
No comments:
Post a Comment