Thứ Bẩy 30.1.1988
Đọc “Vài suy nghĩ trước dư luận về việc Phong Thánh các vị Tử đạo Việt
Thế mà ngay ‘suy nghĩ’ đầu tiên đã rất hồ đồ:
“Tôi thông cảm với triều đình Huế trong việc triều đình hồi đó cho rằng việc cấm đạo là biện pháp chính trị cần thiết để đối phó với một thủ đoạn chính trị đang lợi dụng tôn giáo của thực dân đang kề súng trước cửa đất nước.”
Không biết giám mục Bùi-Tuần lôi từ đâu ra cái ‘cho rằng’ như thế. Rồi ‘đang’ kề súng là ‘đang’ lúc nào?
Cũng như chẳng biết ông dựa vào đâu mà hô hoán là mọi giới trong cả nước đang có những ‘phản ứng’ nghiêm trọng. Ông nói đến cả ‘nhiều tín đồ Phật giáo’. Ai chứ các tín đồ Phật giáo thì mình dám nghĩ là mình biết và gần gũi hơn giám mục Bùi-Tuần. Ngay tối hôm nay, đi với cha Chân-Tín tới nhà Phan-Xuân-Huy ăn cơm, mình hỏi Phan-Xuân-Huy có thắc mắc gì về chuyện Phong Thánh các tử đạo không thì anh Huy tỏ ra rất ngạc nhiên: “Chuyện gì mà théc méc!”
Mình quen Phan-Xuân-Huy từ 15, 16 năm trước đây, hồi Huy còn là dân biểu tiêu biểu cho giới Phật giáo trong các phong trào tranh đấu ở Sàigòn và Đà-Nẵng. Nhưng hôm nay mình chỉ đi ‘ăn theo’ cha Chân-Tín. Huy mời mấy người từ ít lâu nay hay đi thăm trại cải tạo thanh thiếu niên ở Phú-Văn để…làm việc xã hội.
Báo Tuổi Trẻ từ mấy tháng trước đã đưa ra ánh sáng cái ‘xì căng đan’ Phú Văn. 1300 em ở đó, kể cả 300 thiếu nhi, trong một tình trạng thể thảm về mọi mặt: ăn mặc, vệ sinh, đạo đức. Chuyện cai ma tuý, thì chỉ có ở trên bảng hiệu: các em tiếp tục chích, hút ở đó, vì vẫn sẵn có một số ‘cán bộ giáo dục’ buôn bán ma túy ngay tại chỗ. Thêm sự chung chạ và bệnh tật, nhất là bệnh hoa liễu . ‘Nhà trường’ hoàn toàn bất lực. Báo Tuổi Trẻ gióng lên tiếng chuông rồi cũng chưa làm được gì. Nhóm ‘thiện chí’ như Phan-Xuân-Huy, Nguyễn-Ngọc-Nguyền (đảng viên, nhà báo), linh mục Trần-Văn-Dụ, Quỳnh-Giao nữ tu, vv… có chút thiện chí nhưng chỉ làm được ít nhiều việc vá víu, quyên góp ít tiền của, tặng phẩm cứu trợ, đưa mươi bác sĩ tới khám bệnh, cho thuốc.
Một cái vòng luẩn quẩn. Sau 75, Nhà Nước dành lại toàn quyền đảm trách công tác xã hội giáo dục. Thế rồi, năm ngoái kia, lo giáo dục không xuể, ngỏ ý như muốn cho các trưòng tư mở lại. Chưa trưòng tư nào chịu mở. Còn công tác xã hội thì ở những chỗ khó nhất như các trại cùi thì từ 75, các nữ tu vẫn hân hạnh giữ … chỗ của mình và ở những chỗ khác như Phú-Văn thì lại có những người tự nguyện đi …đắp vá. Thứ ‘công tác bổ khuyết’ (oeuvre de suppléance) mà mấy ông công-giáo-và-dân-tộc trước đây đã nhất định xếp vào bảo tàng viện lịch sử rồi.
Gs Nguyễn Ngọc Lan
(Nhật ký 1988, nxb Tin Paris 1993, tr. 16-17)
No comments:
Post a Comment