Saturday, 30 October 2010

Lm Richard Leonard sj: Nước Trời còn có cả giáo gian


Phú Nguyễn đi dần vào những ngày cuối, trước buổi mãn khoá đại học. Đã từ lâu, anh vẫn đến phòng trưng bày xe của công ty nọ, để mơ ước. Anh vẫn biết, nếu chịu khó học và đậu cao, thế nào ba cũng mua tặng một chiếc, hệt như thế. Nhưng không hiểu, sao đến giờ này vẫn chẳng thấy cha tiếp xúc với người bán để đặt cọc. Cuối cùng, ngày “N” cũng đến. Cha cho người gọi anh vào để chúc mừng. Ông bảo: ông rất tự hào về thành quả anh đạt được. Nói rồi, ông trao cho anh hộp quà bọc giấy rất đẹp. Phú Nguyễn mở quà ra xem, chỉ thấy mỗi quyển Thánh Kinh bìa da gáy mạ vàng có khắc tên anh ở trên đó. Giận quá, chẳng buồn lấy sách ra khỏi hộp, anh chỉ kịp ngước nhìn cha, gằn giọng nói: “Thế này, mà Ba gọi là giữ lời hứa hôm trước sao?” Nói rồi, chẳng kịp nghe ba anh phân bua đến một lời, anh chạy một mạch khỏi nhà, lên xe biến mất. Chẳng thèm bốc di động trả lời khi cả nhà tìm anh, hoảng hốt.

Chiều tối đến, khi cơn giận đã lành, anh trở về thì được bảo cha vừa bị cơn đột quỵ, đã ra đi. Theo bệnh án, ông cũng từng bị nhồi máu cơ tim như thế, rất nhiều lần. Giọng mẹ buồn, bảo anh đi lấy cuốn thánh kinh bằng da cha cho xem ông có để lại đôi giòng nào trong đó không. Tìm được cuốn sách anh đã ném lên bàn của cha, trước khi đi. Giọt vắn giọt dài, anh mở đại cuốn sách, đọc mấy hàng chữ gạch mực đỏ trong đó thánh Mátthêu ghi:

“Các ngươi, tuy là ác, mà còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì huống hồ là Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời, sẽ ban của lành cho những ai xin Người.” (Mt 7: 11)

Đọc tới đó, tức thì có chùm chìa khoá rơi từ sau Sách. Trên chùm khoá, lại thấy tên và địa chỉ của nhà buôn từng trưng bày chiếc xe anh ao ước, cộng thêm hàng chữ ghi rõ: “Mừng ngày con tốt nghiệp. Mọi lệ phí, cha đã thanh trả hết.” Đọc xong, Phú Nguyễn gục đầu khóc nức nở. Thấy đã muộn. Nghe truyện kể, chắc có người sẽ tự hỏi: đã bao lần, ta để luột mất chúc lành bình an từ Đức Chúa, vì không thấy chúc lành ấy được gói ghém theo cung cách ta vẫn mong.

Phúc Âm ta vừa nghe hôm nay, cũng nói về “cách đáp trả” của anh hùng người lùn tên Dakêu. Dakêu là tên của anh thu thuế rất nhỏ thó, ở thị trấn Giêrikhô cũng bé nhỏ, nhưng lại cả gan dám rước Chúa về nhà, mà dùng bữa. Ở đây nữa, theo như trình thuật truyện kể, được đón tiếp Chúa là điều tuyệt diệu vẫn còn lại nơi tâm tưởng, của riêng ông. Tâm và tưởng, chỉ những tưởng được nhìn Chúa đi trên đường làng, đà mãn nguyện. Đâu ngờ, còn được Chúa thân chinh đoái hoài đến ghé thăm, và dùng bữa. Quả là ân huệ, quá mức tưởng tượng.

Với Đức Giêsu thì khác, nhân cơ hội trưởng ban thu thuế Dakêu trịnh trọng đón tiếp Đấng Nhân Hiền, Ngài tỏ bày cùng mọi người chốn Nước Trời về tính hiếu khách, mở rộng vòng tay đón chào ngươi người ghé viếng.Vì tính hiếu khách ít thấy nơi người thu thuế, mà cộng đồng Do Thái nay oán ghét cả đám người phục vụ ngoại bang, trong đó có Dakêu. Nhưng ở đây, Đức Giêsu đã làm một công đôi việc: thứ nhất Ngài gọi đích thị tên anh. Và, còn cùng bàn với cả đám người thuộc loại “giáo dan”, nữa.

Bằng vào động thái bước qua ngưỡng cửa nhà của người tội lỗi, Chúa lại đã đem họ ngang qua ngưỡng cửa tình thương, nhà của Ngài. Ngài còn ra tay nâng đỡ, giúp Dakêu tội lỗi đối đầu với chính hiện trạng rất gian manh của ông để rồi đưa ông về với ơn cứu chuộc, thật hy hữu.

Chúa vẫn làm thế, với hết mọi người trong chúng ta. Ngài mở rộng đôi tay thân thương đón nhận hết mọi người bằng vào động thái biết dùng mắt để thấy, dùng tai để lắng nghe. Và, Chúa cũng đến với ta qua những người rất khác thường. Tại nơi chốn rất khác lạ. Và, ở thời điểm không ai ngờ trước. Là thành viên gia đình chung của Ngài, Chúa vẫn gọi mời hết mọi người đích thị theo tên, để thân hành đến dùng bữa với chúng ta, cũng bình thường như ta vẫn nhận lời ngồi cùng bàn với Ngài.

Tuy nhiên, mọi việc đều có giá của nó. Có giá, nghĩa là: ta vẫn tự coi mình như nhân vật khác biệt trong hội ngộ. Có giá, tức là: cứ nên độ lượng với mọi người. Để có thể mở lòng ra với thế giới. Để, tỏ bày sự trong sáng trong quan hệ mình vẫn có. Với nhau. Không cần biết mình bị cuốn hút, biệt tăm, xa xăm đến độ nào. Chẳng cần hiểu, mình đã phải trèo lên cây cao cỡ từng mây. Chỉ cần nhớ, rằng: cả vào lúc mình ân hận khi có nhận xét quá đáng đối với người nhận quà tặng Chúa phú ban. Bởi, khi ban quà tặng, Chúa vẫn gọi danh tánh từng người. Và, ngài vẫn mời gọi mọi người đến tham dự bàn tiệc, đã bày sẵn. Đến tham dự, để còn biết: ơn cứu độ đã nằm trong tầm tay ta, rất gần kề.

Lời Chúa hôm nay, còn được tỏ bày nơi Tiệc Thánh. Có Chúa. Có cả thành viên cộng đoàn Nước Trời. Cả khách lạ/người dưng, từng bị quên sót. Bị bỏ bê. Khen chê.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Friday, 29 October 2010

Lm Chân Tín CSsR: Hội đồng GMVN trước những dối trá của chế độ Cộng sản


28/10/10

Nhìn vào 65 năm cộng sản cai trị miền Bắc và 35 năm cộng sản cướp chính quyền ở miền Nam, ta không khỏi lo âu trước sức phá hoại của cộng sản trên con người và đất nước, vì những dối trá của chế độ chính trị này.

(1) Dối trá thứ nhất: Thuyết vô thần duy vật

Trước hết, chế độ cộng sản đã áp đặt một cách có hệ thống thuyết vô thần duy vật trên toàn dân, đặc biệt trên giới trẻ trong các trường đại học và trung học. Đảng cộng sản đã áp đặt chủ thuyết này một cách triệt để, như chứng từ của một nhà khoa học, tiến sĩ Phạm Như Ngọc, nguyên Trưởng Phòng vật lý hạt nhân tại Viện vật lý, Viện khoa học Việt Nam:

“Tôi sinh ra và lớn lên trong lòng miền Bắc nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Suốt 10 năm trung học phổ thông tôi luôn luôn được dạy rằng vũ trụ này tự nhiên mà có, không có ông trời nào hết. Rồi tôi vào học ngành vật lý của trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Tôi phải học triết học duy vật một cách có hệ thống trong sợi chỉ đỏ xuyên suốt là quan điểm vật chất có trước, vật chất quyết định ý thức. Chỉ những gì con người cảm nhận được trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các giác quan mới tồn tại. Như thế, chủ nghĩa duy vật đương nhiên chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, vì không ai có thể sờ đụng được hoặc cảm nhận được Ngài nhờ các giác quan của mình. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy chủ nghĩa duy vật là đúng. Ai tin vào Thiên Chúa, tôi cho là duy tâm, là mê tín dị đoan cả. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm nghề dạy học, vừa phải dạy vật lý, vừa phải thông qua môn học này để giáo dục tư tưởng duy vật cho sinh viên. Vì thực tâm tin ở sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật, nên tôi dạy rất say sưa, không thấy gò bó gì cả. Suốt 13 năm trên con đường xa cách Chúa và chống lại đường lối Người, bây giờ nghĩ lại, tôi thấy xót xa hối hận vô cùng. Nếu linh hồn của lớp đàn em tôi bị hư mất, thì chính tôi phải chịu trách nhiệm đã vô tình gây nên tội”.

Trong khi dạy giáo lý dự tòng, tôi hỏi mấy sinh viên công giáo đi cùng với bạn mình: “Các anh chị tin có Thiên Chúa không?”. Họ trả lời: “Có”. Tôi hỏi tiếp: “Các anh chị có xác tín có Thiên Chúa không?”. Họ lắc đầu. Với trí khôn không xác tín có Thiên Chúa, thì niềm tin của họ không có căn bản. Tin Chúa, tin Giáo Hội có vững nếu họ xác tín qua lý trí rằng có Thiên Chúa tạo thành vũ trụ và con người. Với sự yếu kém của trí khôn đang bị thuyết duy vật vô thần chi phối, họ sẽ mất hết đức tin và chỉ giữ đạo theo thói quen.

Trước tình trạng này, có lẽ Hội Đồng Giám Mục, cách riêng là Ủy ban Giáo lý và Đức tin nên tính đến việc in ra hàng triệu tài liệu chống lại thuyết vô thần duy vật đang tàn phá khốc liệt con người Việt Nam, cách riêng con em chúng ta đang bị đe dọa mất đức tin. Sau bao nhiêu năm, chẳng lẽ Hội Đồng Giám Mục vẫn ngồi yên trước sự dối trá căn bản này của cộng sản sao?

(2)Dối trá thứ hai: Bầu cử Quốc hội và Hiến pháp 1992

Ai cũng thấy bầu cử giả hiệu của đảng cộng sản. Bầu cử là phải có tự do ứng cử, tự do chọn người để bầu. Trong chế độ cộng sản, đảng chọn người rồi bắt nhân dân đi bầu, vừa gian dối vừa tốn kém. Tôi đã không đi bầu và đã kêu gọi mọi người không đi bầu. Đáng lẽ ra, Hội Đồng Giám Mục phải tố cáo sự giả dối này và không đi bầu để nhân dân thấy trò bịp bợm này; thay vì thê, các Đức Giám Mục cũng đi bầu như ai vì sợ, vì muốn an thân, mặc cho người dân, con cái của mình cùng tham gia vào trò hề bầu cử giả hiệu. Giáo Hội phải bảo vệ sự thật, chứ không thể chấp nhận trò giả dối này. Nếu Hội Đồng Giám Mục không đi bầu và tuyên bố lý do, thì chắc rằng chế độ này không thể làm trò hề ấy năm này qua năm khác được. Bầu cử là một trò hề, thì Quốc hội cũng là một trò hề. Họ là đại biểu của ai? Đâu phải của toàn dân. Họ được đảng bầu chọn. Nhân dân đi bỏ phiếu cho những người đảng chọn, để cho thế giới lầm tưởng là có dân chủ, có bầu cử tự do.

Chưa hết. Hiến pháp 1992 lại chấp nhận cho đảng cộng sản cướp chính quyền sẽ lãnh đạo mãi mãi. Do đó, tôi và nhiều lãnh đạo tôn giáo như Phật Giáo thống nhất, Hòa Hảo, Cao Đài đã lên tiếng đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp (tức là điều chấp nhận cho đảng cộng sản giữ quyền lãnh đạo muôn năm) và đòi bỏ cả Hiến pháp 1992. Trong khi đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn im lặng, chịu đựng, không có một tuyên bố nào phê phán Hiến pháp đó.

Nhân hội nghị của Liên Hiệp Quốc tại Vinena (nước Áo) về nhân quyền (14.06.1993), tôi đã cực lực lên án cộng sản vi phạm mọi nhân quyền của nhân dân Việt Nam. Qua cuộc phỏng vấn của đài RFI một ngày trước hội nghị, tôi yêu cầu hội nghị Liên Hiệp Quốc đòi đảng cộng sản Việt Nam tôn trọng “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do bầu cử… Con người phải được pháp luật bảo vệ, không bị bắt bớ một cách bừa bãi. Chính những cái đó là căn bản cho cuộc sống của người dân”.

Ngày 09.09.2001, trong khi Quốc hội khóa 10 ra nghị quyết thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, tôi đã lên tiếng yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp và bỏ luôn cả Hiến pháp 1992. Phải soạn thảo một hiến pháp mới phản ánh ý nguyện của toàn dân. Phải hủy bỏ Hiến pháp 1992 vì nó không giá trị. Phải bầu ra một Quốc hội lập hiến với những dân biểu được nhân dân bỏ phiếu tự do. Bản hiến pháp phải xác định tính cách độc lập 3 quyền căn bản: quyền lập pháp (quốc hội), quyền tư pháp (tòa án), quyền hành pháp (nhà nước). Thiết lập đa nguyên, đa đảng để mọi người dân được tự do chọn lựa một thể chế chính trị và nói lên những đòi hỏi chính đáng của mình. Các quyền căn bản của con người như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do cư trú, cách riêng tự do tôn giáo phải được hiến pháp mới xác định rõ ràng và ngăn cấm Nhà Nước giới hạn hay hủy bỏ như đã xảy ra với Hiến pháp 1992.

Lẽ ra trong những điều nói trên, Hội Đồng Giám Mục phải chỉ đạo cho con cái của mình, chứ không thể yên lặng cộng tác vào trò hề của chế độ cộng sản.

(3) Dối trá thứ ba: Nền giáo dục đang phá hoại ghê gớm

Một sự dối trá khác là nền giáo dục đang phá hoại cuộc sống tinh thần của toàn dân, nhất là của giới trẻ. Trong bài tham luận đọc tại đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 8 (tháng 07.2010), nhà văn Trần Mạnh Hảo đã cay đắng tố cáo sự dối trá của nền giáo dục ở Việt Nam: “Đạo đức trong giáo dục Việt Nam hôm nay, đồng nghĩa với dối trá: thầy dối trá thấy, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa là sách đạo văn. Cán bộ có chức có quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ, lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục Việt Nam.”

Tình trạng giáo dục như thế, mà Hội Đồng Giám Mục, người lãnh đạo Giáo Hội Công giáo, lãnh đạo đời sống tinh thần của dân tộc, vẫn im lặng năm này qua năm khác, trong khi sự dối trá trong giáo dục ảnh hưởng nguy hại đến nhận thức và tinh thần của con em ta.

Với những dối trá nói trên, ảnh hưởng đến con người Việt Nam hôm nay và cả dân tộc mai sau, tôi xin đề nghị Hội Đồng Giám Mục nghiêm túc suy nghĩ xem Giáo Hội phải làm gì, chứ không thể ngồi yên, mặc cho những dối trá đó càng chồng chất lên dân tộc ta, lên con em công giáo của ta.

Cuối cùng, với một chế độ phá hoại con người như thế, với những người cướp chính quyền vênh váo áo mũ sống giả dối và tàn phá tôn giáo như thế, tôi thú thực không thể hiểu nổi cảnh các giám mục sắp hàng một, bắt đầu là hồng y, rồi tổng giám mục, giám mục… ôm hôn thắm thiết những con người ấy. Lại một trò hề giả dối không chịu được. Tôi đã từng nói với Ban tôn giáo Thành phố Sài Gòn: đừng nói “Ban tôn giáo”, nhưng là “Ban phá tôn giáo”. Xin các đấng đừng bày trò giả dối ấy nữa.

Linh mục Chân Tín, CSsR

Lm Chân Tín CSsR: Tự do làm việc cũng không


Ngày 26.10.2000, một phái đoàn liên tôn gồm nhiều tín đồ của Phật giáo Hoà Hảo, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và Công giáo, đặc biệt có cụ Lê Quang Liêm, hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo, làm trưởng đoàn và tôi, linh mục Chân Tín làm phó trưởng đoàn, xuống tỉnh Đồng Tháp, vùng Cao Lãnh, xã Phú Thuận B, giáp giới Campuchia, để ủy lạo nạn nhân lũ lụt vừa qua.

Xe chúng tôi lăn bánh vào lúc 0 giờ và đến Lấp Vò lúc 3giờ rưỡi sáng, cách Sàigòn khoảng 175km. Ở đây, chúng tôi đi thuyền không mui trên sông Tiền. Một số tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, khoảng 60 người, đã chờ sẵn để tháp tùng chúng tôi. Chúng tôi phải ngồi trên thuyền 8 tiếng. Trong khi nói chuyện về cứu trợ nạn lụt, chúng tôi có nhắc đến việc công an chận phái đoàn Phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trên sông Hậu, bắt làm việc lâu giờ, buộc cho ai tùy ý họ và khi phái đoàn từ chối, công an buộc họ phải trở về Sàigòn mà không cứu trợ được ai. Chúng tôi nghĩ rằng, rồi đây chúng tôi cũng sẽ gặp sự chống đối ấy của công an, nhưng chúng tôi vững tâm nói với nhau thế nào chúng tôi cũng đưa tiền tận tay cho 200 hộ, chứ không thể giao cho chính quyền, cũng không thể trở về Sàigòn mà không phát tiền tận tay dân. Chúng tôi sẽ có biện pháp.

Chúng tôi tạt vào đất Phú Thuận B lúc 11 giờ rưỡi. Chúng tôi còn phải lội nước một khoảng đất dài để đến nhà được chọn gần bờ sông nhất, để tổ chức phát tiền cứu trợ cho dân. Từ xa, chúng tôi thấy nước mênh mông chung quanh ngôi nhà ấy. Có lúc phải đi cầu khỉ vì nước còn quá sâu. Chúng tôi thấy trên thềm nhà các tín đồ Hoà Hảo khá đông. Trong đó có cả công an sắc phục đã có mặt. Có người cho biết khoảng 12 công an đứng ngoài đứng trong. Vừa đến nhà, chúng tôi tổ chức ngay cuộc cứu trợ. Trên bàn chủ toạ, có cụ Lê Quang Liêm và tôi. Sau khi làm lễ kính Đức Phật và đức Huỳnh giáo chủ, cụ Lê Quang Liêm tuyên bố phái đoàn liên tôn đến đây để trao tận tay cho 200 hộ, mỗi hộ 150 ngàn đồng, do tiền của đồng bào hải ngoại gửi về, sau khi họ đọc lời kêu gọi của cụ Lê Quang Liêm và của tôi trên Internet yêu cầu hỗ trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt ở miền Tây.

Nghe chúng tôi dự kiến trao tiền tận tay người dân, chính quyền có mặt ở đó ngăn chận chúng tôi và đòi phải đưa cho chính quyền. Chúng tôi khẳng khái nhấn mạnh quyền làm việc từ thiện là quyền của người dân, chính quyền không được phép cấm đoán người dân có tự do làm việc thiện. Đàng khác, tiền này là của đồng bào hải ngoại gửi về cứu trợ nạn lụt và yêu cầu chúng tôi đưa tận tay đồng bào. Chúng tôi còn phải báo lại cho họ. Trong lúc chúng tôi đưa ra những lý lẽ không thể chối cãi được, thì dân chúng xì xào:

“Trong mấy tháng lũ lụt này, nghe nói tiền viện trợ khắp nơi gửi về hàng trăm tỷ đồng, mà chúng ta chẳng nhận được xu nào. Nhà nước chỉ cho ít ký gạo và ít gói mì, nay những người hảo tâm mang cho 200 hộ mỗi hộ 150 ngàn, mà Nhà Nước lại tịch thu không cho họ phát trực tiếp cho chúng ta. Bộ họ muốn tiền cứu trợ bốc hơi nữa sao?”

Trước áp lực của người dân cũng như những lý lẽ phái đoàn liên tôn đưa ra, chính quyền phải nhượng bộ để cho chúng tôi phát tiền trực tiếp cho dân. Danh sách 200 hộ nhận tiền đã có sẵn và tiền chúng tôi cũng cho vào 200 phong bì thư nên việc phân phát được thực hiện nhanh chóng. Khi đã đưa tiền tận tay 200 hộ, tôi được mời nói đôi lời với cộng đồng Phật giáo Hoà Hảo. Tôi đã nói lên niềm vui đến chia sẻ những mất mát, thiếu thốn, lo âu của đồng bào trong cuộc sống hiện tại và sau lũ lụt. Tôi chúc đồng bào can đảm xây dựng lại cuộc sống và tôi cũng không quên chúc Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo được tự do hoạt động tôn giáo, sớm lấy lại các cơ sở tôn giáo mà Nhà Nước đã chiếm, và được tự do tổ chức nội bộ. Tôi nói như vậy vì qua thỉnh nguyện thư gửi cho chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam năm 1993, cụ Lê Quang Liêm đã yêu cầu tái phục hoạt Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo. Và trong 5 năm (1993-1999), cụ đã gửi liên tiếp thêm 6 thỉnh nguyện thư khác trình bày đủ mọi chi tiết liên hệ để Đảng và Nhà Nước có đủ các dữ kiện, dữ liệu trong việc cứu xét vấn đề. Nhưng 6 năm trôi qua mà tín đồ Phật giáo Hoà Hảo không hề nhận được một chữ, một lời hồi đáp nào từ phía chính quyền, trong lúc đó tại địa phương, khối tín đồ Phật giáo Hoà Hảo vẫn bị chính quyền chèn ép, gây khó khăn đủ mọi mặt, ngày càng gay gắt. Rồi ngày 30.3.1999, một đề nghị của 9 đảng viên Cộng sản gốc Hoà Hảo, do ông Nguyễn Văn Tôn đứng đầu gửi đến Ban Tôn giáo Trung Ương thì chỉ có 8 ngày sau Ban Tôn giáo Trung ương ban hành thông báo số 55/TB/TGCP, đề ngày 8.4.1999 thừa nhận ngay nhóm người này trở thành Ban Đại diện Phật giáo Hoà Hảo. Sự hình thành của Đại diện Phật giáo Hoà Hảo là một âm mưu dàn dựng có hệ thống, và người Phật giáo Hoà Hảo có thể nghĩ rằng đây là một kế hoạch “Cộng sản hoá Phật giáo Hoà Hảo”. Chính ông Nguyễn Văn Tôn, trưởng ban đại diện Phật giáo Hoà Hảo thú nhận:

“Mình là người của Đảng, Đảng bảo sao mình phải làm vậy.”

Ngay ngày ra mắt (26.5.1999) Ban Đại diện Phật giáo Hoà Hảo liền công bố Bản Quy chế Phật giáo Hoà Hảo. Bản quy chế Phật giáo Hoà Hảo của Ban Đại diện Phật giáo Hoà Hảo hủy bỏ tất cả truyền thống tôn giáo Phật giáo Hoà Hảo, đại lược là:

-Hủy bỏ Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo là hệ thống lãnh đạo Phật giáo Hoà Hảo do đức Huỳnh Giáo chủ thành lập từ năm 1945.

-Hủ bỏ đại lễ 25/2 âm lịch, ngày đức Huỳnh giáo chủ thọ nạn tại Đốc Vàng Hạ, mà tín đồ Phật giáo Hoà Hảo bảo là do tay Cộng sản gây nên.

-Cắt xén 80% sấm giảng thi văn Phật giáo Hoà Hảo, cơ sở giáo lý để tín đồ tu học.

-Không xin lại cơ sở tài sản của Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo đã bị tịch thu, tức là hủy bỏ cơ sở để Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo hoạt động giáo sự.

Rõ ràng Quy chế Phật giáo Hoà Hảo đã lộ rõ âm mưu triệt để tiêu diệt Phật giáo Hoà Hảo và tín đồ Phật giáo Hoà Hảo gọi Ban Đại diện Phật giáo Hoà Hảo là những tay sai trá hình. Và từ ngày đó tới nay, Phật giáo Hoà Hảo bị chèn ép làm khó dễ đủ thứ và bị bắt giam.

Trong hoàn cảnh Giáo hội Phật giáo Hoà hảo bị đàn áp và tín đồ đau khổ vì nạn lụt, sự hiện diện của tôi, một linh mục Công giáo, là một niềm an ủi lớn cho tín đồ Phật giáo Hoà Hảo của xã Phú Thuận B. Họ đã nói lên sự khích lệ mà sự hiện diện của tôi đem lại cho họ.

Sau khi chúng tôi trở về Sàigòn, trên một đoạn sông Tiền thì được người chủ nhà, nơi dùng để phát tiền cho dân, điện thoại cho hay công an trở lại nhà ấy quay phim, làm biên bản cứu trợ nạn lụt bất hợp pháp. Họ bắt chủ nhà ký, chúng tôi bảo không ký vào biên bản đó.

Thật trớ trêu. Chính quyền địa phương, dưới áp lực của dân, đã phải nhượng bộ để chúng tôi trao tiền tận tay 200 hộ, thấy vì không làm gì được chúng tôi, nên phải bày ra màn thứ hai là quay phim hiện trường và bắt làm biên bản thú tội nhận tiền trực tiếp thay vì qua chính quyền.

Sự việc này cho thấy rõ: Đất nước Việt Nam chẳng còn tự do nào, kể cả tự do làm việc thiện. Tất cả các tự do nhân quyền và dân quyền được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã bị điều 4 Hiến pháp Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tức là học thuyết Mác-Lênin trở thành giáo lý của toàn dân Việt Nam, hủy bỏ tất cả quyền con người và người dân, trong đó có tự do tôn giáo.

Lm Chân Tín CSsR

(trích báo Thư Nhà số 1 năm 2001, tr.1, 17)

Wednesday, 27 October 2010

Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện CSsR: Quyền sở hữu không là ân huệ Xin-Cho

Bài giảng của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT trong thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân Cồn Dầu tối 26/10/2010 tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn.

Kính thưa Cộng Đoàn,

Hôm nay, trong buổi chiều ngay trước phiên tòa xét xử 6 anh chị em giáo dân Cồn Dầu – Đà Nẵng, chúng ta quy tụ nhau tại Đền Thánh này để cầu nguyện, trong tư cách là Hội Thánh của Chúa Kitô đang đi giữa lòng dân tộc Việt Nam thân yêu. Thánh Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định tại Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh trong thế giới hôm nay, rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng các môn đệ của Chúa Kitô” (MV 1). Chính trong tinh thần đó của Hội Thánh mà chúng ta cử hành thánh lễ này. Trong đức ái Tin Mừng, chúng ta chia sẻ với anh chị em của chúng ta ở Cồn Dầu những ưu sầu của họ, những lo lắng của họ và cả những hy vọng của họ, trong thời điểm đặc biệt này.

Trước khi hát ca nhập lễ, chúng ta đã được nghe trình bày về những diễn tiến đã và đang xảy ra, liên quan đến vụ việc tại Giáo xứ Cồn Dầu thuộc Giáo phận Đà Nẵng. Đặc biệt, chúng ta đã được nghe văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, do Đức Cha Nguyễn Thái Hợp ký, gửi đến ông Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng và ông Chánh án Tòa án Nhân Dân quận Cẩm Lệ. Vì thế, tôi xin không nhắc lại nội dung của vụ việc. Chúng ta sẽ dành ít phút trong thánh lễ cầu nguyện đặc biệt này để tự hỏi: Hội Thánh, tức là chính cộng đoàn chúng ta đây, muốn có những tâm tình nào trong sự hiệp thông sâu xa với anh chị em Kitô hữu và những người thành tâm thiện chí khác tại Cồn Dầu hiện nay?

Kính thưa anh chị em,

Như anh chị em đã biết, trong văn thư nói trên, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGMVN đã nêu lên bốn “uẩn khúc” và nghi vấn (những chữ dùng của văn thư) xung quanh vụ việc. Từ đó, UB Công lý và Hòa bình đề nghị Tòa án hoãn việc xét xử để làm sáng tỏ những nghi vấn ấy. Nói cách khác, cần phải đặt vụ xét xử 6 anh chị em giáo dân Cồn Dầu vào trong bối cảnh đích thực và rộng lớn của sự việc. Bởi lẽ, nếu không đặt vụ việc vào trong bối cảnh thật sự của nó, không xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, đầy đủ và toàn diện, thì quyền được xét xử trong công lý và trong sự thật của sáu giáo dân Cồn Dầu sẽ có nguy cơ không được đảm bảo. Mọi người, mà cụ thể là sáu anh chị em giáo dân Cồn Dầu, đều có quyền được xét xử trong công lý và sự thật. Mức độ thấp nhất của việc bảo đảm công lý và sự thật đó, chính là việc đặt vụ việc vào đúng bối cảnh thực của nó, bằng cách ít nhất phải giải đáp một cách thỏa đáng và chân thật những uẩn khúc xung quanh vụ việc, như văn thư của UB Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGMVN đã nêu lên. Và sau khi đã làm như thế, nói theo văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình, “nếu đưa ra xét xử, thì yêu cầu phải tiến hành theo đúng quy định của luật tố tụng hình sự với quyền của các bị cáo có luật sư biện hộ”.

Cộng đoàn chúng ta ở đây hiệp nhất với các Đức Giám Mục trong những đề nghị rất đúng đắn nói trên. Vì thế, tâm tình đầu tiên của chúng ta lúc này là: cùng với anh chị em tại Cồn Dầu và tất cả mọi người thành tâm thiện chí khác, chúng ta thưa với Thiên Chúa là Vua Công Chính, khát vọng của chúng ta về công lý và sự thật; chúng ta chia sẻ và hiệp thông với nhau và với anh chị em ở Cồn Dầu trong thao thức tìm kiếm công lý và sự thật; chúng ta diễn tả với mọi người và với xã hội cái thao thức cháy bỏng về công lý và sự thật đó của chúng ta. Đó chính là tâm tình đầu tiên của việc chúng ta họp nhau cầu nguyện ở đây và lúc này.

Điểm thứ hai: như anh chị em đã biết, văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình có nhắc đến Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam được công bố ngày 25/9/2008. Trong bản Quan điểm đó, các Đức Giám mục khẳng định rằng cần phải sửa đổi Luật Đất đai hiện hành theo hướng “quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: "Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán" (số 17). Vì thế, chúng tôi [các Đức Giám Mục Việt Nam] cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội”. Quan điểm và đề nghị này của HĐGMVN thật xác đáng trong hoàn cảnh cụ thể của Đất Nước chúng ta hiện nay.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng có cùng một quan điểm như thế. Thí dụ: trên báo điện tử Tuanvietnam.net ngày 14/9/2010 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã cho rằng: “Đất đai chiếm trên nửa tổng tài sản của xã hội, nên vấn đề sở hữu đất phải được giải quyết thấu đáo, và nhu cầu thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh việc phân định rạch ròi đất công, và, đi liền với nó, việc sửa đổi luật đất đai và các luật liên quan, là nhu cầu cấp bách không thể né tránh… Sở hữu công và sở hữu tư phải được công nhận và phải được quản lý trong một hệ thống thống nhất, và chỉ có người chủ sở hữu đích thực mới được quyền định đoạt. Không thể coi là ‘sở hữu toàn dân’ và tùy tiện quyết định. Chính sự không rạch ròi này là nguyên nhân của trên 98% của các vụ khiếu kiện trong thời gian vừa qua. Đã đến lúc phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu, nếu không, tình hình khiếu kiện còn tiếp diễn và nhiều hơn, có thể dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng và cản trở sự phát triển của đất nước ”. Phát biểu trên Vietnam.net cũng trong ngày 14/9/2010, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa nói rằng “Cái mũ sở hữu toàn dân đã tạo cơ hội cho khai thác lợi ích nhóm và tư nhân hóa tài sản quốc gia diễn ra trên diện rộng và khá nhanh”.

Tôi nhắc đến một vài ý kiến đó để nói rằng quan điểm của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam về tính cách cấp thiết của việc tu chính Luật Đất đai theo hướng tôn trọng quyền tư hữu của các cá nhân và tổ chức… là một quan điểm đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh của đất nước chúng ta hiện nay. Có lẽ chính trong quan điểm đó mà, liên quan đến những gì đang diễn ra tại Cồn Dầu, văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình đã đề nghị phải tiến hành đối thoại để các gia đình ở Cồn Dầu thực thi quyền định đoạt về đất đai và tài sản của mình trong ý thức trách nhiệm đối với xã hội.

Cộng đoàn chúng ta ở đây, một lần nữa, hiệp nhất với các Đức Giám Mục trong những quan điểm và đề nghị rất đúng đắn nói trên. Và trong sự hiệp nhất đó, tâm tình thứ hai của chúng ta lúc này là: cùng với anh chị em tại Cồn Dầu và tất cả mọi người thành tâm thiện chí khác, chúng ta thưa lên với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, khát vọng của chúng ta về quyền sở hữu và định đoạt tài sản của mỗi người và mọi người; chúng ta chia sẻ với nhau và với anh chị em Cồn Dầu khát vọng đó, và chúng ta bày tỏ với mọi người niềm thao thức của chúng ta được thấy quan điểm của HĐGMVN được thực hiện, theo đó, “người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội”.

Kính thưa anh chị em,

Những quan điểm của HĐGMVN, văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình, những lời cầu nguyện của chúng ta, những tâm tình chia sẻ và hiệp thông của chúng ta, những thao thức được diễn đạt và khẳng định của chúng ta… hôm nay, có thể sẽ không tạo nên được những hiệu quả thấy được ngay trước mắt. Có thể sáng mai 6 anh chị em ở Cồn Dầu vẫn bị xét xử, và có thể việc xét xử đó sẽ không diễn ra như ý muốn của chúng ta. Tuy nhiên, như Lời Chúa nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay, “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình, nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được; Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Lc 13, 19.21). Những giá trị Tin Mừng, những mầm mống sự thiện, những thao thức về công lý và sự thật… của chúng ta có thể chỉ mang dáng vẻ của hạt cải nhỏ bé và của nắm men vô nghĩa. Nhưng nếu người đàn ông kia đã không ném hạt cải bé nhỏ vào mảnh vườn, mảnh vườn đó sẽ chỉ là một đám cỏ dại, chứ không thể có một cây lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ. Nếu người đàn bà nọ đã không vùi vào ba đấu bột kia nắm men có vẻ vô nghĩa ấy, thì làm sao khối bột có thể dậy men? Cũng vậy, thưa anh chị em, Hội Thánh của Chúa Kitô đi giữa lòng dân tộc Việt Nam này phải luôn nhận lấy những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của dân tộc này, nhất là của những người nghèo và bị áp bức, làm của mình. Và trong lòng tin vào Thiên Chúa, Hội Thánh biết rằng, những giá trị Tin Mừng, những hạt giống công lý và sự thật… sẽ nảy nở và thành tựu. Chính trong xác tín đó mà chúng ta cầu nguyện cho và cùng với anh chị em mình ở Cồn Dầu.

Nhưng không chỉ xác tín. Bên cạnh xác tín đó còn phải có một ý thức mạnh mẽ. Vào ngày 21/9/2008, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã khẳng định: “Tự do tôn giáo là quyền, chứ không phải một ân huệ xin-cho”. Theo tinh thần và cách diễn đạt đó của Đức Tổng Giuse, trong liên hệ với những gì đang xảy đến cho anh chị em của chúng ta tại Cồn Dầu, chúng ta có thể và được mời gọi phải ý thức rằng: quyền định đoạt về tài sản của mỗi người trong ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội, là quyền chứ không phải là một ân huệ xin – cho; quyền của anh chị em Cồn Dầu được xét xử trong công lý và sự thật là quyền chứ không phải là một ân huệ xin – cho. Theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo mà chúng ta là thành phần, thì những quyền đó đến từ chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Cha của chúng ta, và những quyền đó làm nên phẩm giá của tất cả và của mỗi người chúng ta, trong đó có 6 anh chị em giáo dân Cồn Dầu sẽ phải ra tòa sáng mai.

Và, để kết thúc, hiệp thông với anh chị em tại Cồn Dầu, tôi xin thưa lại một lần nữa với anh chị em rằng: quyền của anh chị em Cồn Dầu được xét xử trong công lý và sự thật là quyền chứ không phải là một ân huệ xin – cho.

Vâng, đó là QUYỀN chứ không phải một ân huệ xin – cho!

Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện,

Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn

Friday, 22 October 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nguyễn-Đắc-Xuân


Thứ Ba 1.3.1988

Hai vợ chồng V-KT chiêu đãi một số bạn bè ở nhà Võ-Văn-Điềm.

KT trước đây làm Tin Sáng như Thanh-Vân. Sau khi Tin Sáng ‘hoàn thành nhiệm vụ’ ít lâu, cô ta qua Canada theo diện sum họp gia đình. V., anh chồng đi theo. V. là luật sư tập sự ở Sàigòn trước 1975. Sau 75, lại là con của một cán bộ tập kết cỡ… giám đốc. Chẳng ai trách chuyện anh tạ chọn lựa làm Việt kiều yêu nước… ngoài. Nhưng trong bữa ăn tối nay, mình không khỏi bực bội vì lối ăn nói bi bô cố ra vẻ ‘ta’ là Việt kiều ‘yêu nước’ thứ thiệt: ‘ta’ thế này thế nọ, ‘tụi nó’ (đa số là Việt kiều di tản) thế nọ thế kia. Dổm không chịu được. Mặc dù đã có lúc mình cố tình kể chuyện Nguyễn-Đắc-Xuân đối với Phạm-Duy cho anh ta hiểu mà anh ta vẫn không chịu hiểu (hay là anh ta cần đóng kịch trước mặt một vài ông bạn cùng bàn ăn?)

Chuyện Nguyễn-Đắc-Xuân. Anh này, năm 1965 là sinh viên tranh đấu thứ dữ của Phật giáo Huế. Anh đã được cử vào Đà-Lạt để ‘điều chỉnh’ phong trào Phật giáo ở đấy. Anh đã gặp chuyện trò với mình suốt một buổi tối. Có lúc nhắc tới Phạm-Duy, Nguyễn-Đắc-Xuân vẫn với giọng nồng nhiệt nói:

“Anh Phạm-Duy vừa đi Hoa-Kỳ biểu diễn gì đó. Tôi có nói với anh ấy trước khi anh ấy lên máy bay: Anh qua Mỹ mà nói một câu gì hại cho đất nước thì chính em sẽ dành cho anh một mũi dao.

Một hai năm sau, Xuân vào bưng. Trước khi đi cũng có thư cho mình. Tết Mậu-Thân, Nguyễn-Đắc-Xuân nổi đình đám, ít nữa là như theo một cuốn sách của Nhã-Ca. Từ năm 75, Xuân là cán bộ văn nghệ, văn hoá gì đó ở Huế. Năm, bẩy năm trước đây, uống cà phê với Nguyễn-Đắc-Xuân và Hoàng-Ngọc-Biên ở sân trước toà báo Tuổi Trẻ (hồi còn ở đường Duy Tân), mình nhắc lại câu nói về Phạm-Duy và hỏi Nguyễn-Đắc-Xuân:

“Từ 75 đến giờ, Phạm-Duy ở Mỹ chắc là đã nói và đã làm nhiều điều còn hơn anh có thể tưởng tượng hồi 65-66. Thế nhưng, ngay giờ phút này đây, nếu Phạm-Duy đứng trước mặt anh, anh có còn sử dụng mũi dao nữa không?”

Nguyễn-Đắc-Xuân đã làm thinh hay đã cười trừ, mình không còn nhớ nữa. Nhưng mình đã hiểu là anh ta không còn nhìn cuộc đời đơn giản như trước kia nữa.

Báo SGGP hôm nay mới nói tới chuyện ngày 25.1.1988, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và đại diện giáo dân bàn về việc Vatican quyết định phong hiển thánh cho 117 vị chân phúc ‘tử đạo Việt Nam’. Bài báo phần lớn được dành cho lời lẽ của ông Lê-Đình-Nhơn rồi chỉ thêm:

“Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân lần lượt phát biểu ý kiến bày tỏ lòng mong muốn của mình cùng với Hội đồng Giám mục Việt Nam giải quyết đúng đắn việc Phong Thánh này sao cho có lợi cho Giáo hội, đi theo đường hướng của Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980.”

‘Cởi mở, thẳng thắn’ mà chỉ có bấy nhiêu thôi đó.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(trích Nhật Ký 1988, Tin Paris 1993, tr. 32-33)

Tuesday, 19 October 2010

Lm Chân Tín CSsR: Tham luận về TGM Nguyễn Văn Bình

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình,
Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sàigòn dưới chế độ mới.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-2010), câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi toạ đàm hôm nay để chúng ta cùng vẽ lại chân dung một vị mục tử.

Theo chương trình, các diễn giả sẽ đề cập về Đức Tổng Bình như Tổng giám mục đầu tiên của Tổng Giáo phận Sài gòn, con người của Công đồng Vatican II, con người của một thời kỳ biến động và những định hướng mục vụ của Giáo phận.

Trong một vụ phong thánh, ngoài những bài ca tụng về nhân vật đó, cũng có bài phản biện của “luật sư ma quỷ” (avocat du diable) để nói lên chân dung của nhân vật ấy. Vì không ai hoàn toàn.

Hôm nay, chúng ta đang vẽ lại chân dung của Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Các diễn giả khác chắc là đề cập đến những mặt tích cực của Đức Tổng. Phần tôi, tôi thử đưa lên một ít nhận định về một số việc tôi cho là tiêu cực, để ta có một chân dung đầy đủ. Có người sẽ cho đó là lạc giọng, vì ta đang đề cao Đức Tổng Bình, lại có bài không cùng một giọng lạc quan chung. Nhưng tôi phải vẽ đúng chân dung của Đức Tiổng, con người lịch sử.


Tôi được gần gũi đức Tổng Bình vào đầu chế độ Cộng sản ở miền Nam. Tôi là một trong 6 vị cố vấn của Đức Tổng: 4 vị của nhóm Đoàn Kết Yêu Nước, đó là cha Huỳnh Công Minh, cha Nguyễn Huy Lịch, cha Phan Khắc Từ, ông Nguyễn Đình Đầu, còn lại là hai vị khác không thuộc về nhóm Đoàn kết, đó là cha Mai Xuân Hậu và Chân Tín.

Tên “Bình” của Đức Tổng có thể cho ta thấy ngài là người của thời bình: một người cha đầy yêu thương, ôn hoà. Ngài không phải là người của một thời kỳ biến động, như những ngày sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, đang đặt hệ thống tư tưởng duy vật và vô thần cho toàn dân và một hệ thống chính trị độc đảng bóp chết mọi quyền của con người.

Cái ôn hoà của Đức Tổng Bình được nhiều người coi như kết quả của Công Đồng Vatican II, đó là tinh thần đối thoại và hợp tác.

Trên lý thuyết, đối thoại là phương cách tối ưu để đạt tới đồng thuận. Nhưng với một đối tác là Đảng Cộng Sản vô thần duy vật độc tài, thì chỉ có áp đặt của Cộng Sản Việt Nam, chứ đâu có đối thoại gì. Chuyện hợp tác cũng vậy. Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh nhân dịp văn phòng của Hội đồng Giám mục Việt nam đưa ra vấn đề đối thoại trong hoàn cảnh đau thương của Giáo hội đã đề cập về vấn đề cho ngày nay. Người nói:

“Trong cái xã hội đầy những bất công, gian dối, thối nát, tham nhũng, khi những con người yêu nước, yêu tự do dân chủ, lần lượt bị kết án bất công, khi các nhà trí thức bị bịt mồm bịt miệng, chỉ vì vạch trần những âm mưu xâm lược của ngoại bang bằng mọi thủ đoạn hiểm độc nhất, khi những người mặc sắc phục công an cảnh sát làm ngơ cho bọn côn đồ mang danh quần chúng tự phát, tha hồ đánh đập trấn áp dân lành không tấc sắt trong tay, khi những người trẻ tìm đến tu thân nơi cửa Phật bị xua đuổi hành hạ, nhất là khi biểu tượng thiêng liêng nhất của Kitô giáo là cây thánh giá bị triệt hạ, bị đập nát, chúng ta phải hợp tác với chính quyền Cộng sản như thế nào.” (05.02.2010)

Sau đây là một ít biến cố cho thấy sự thiếu sót trong việc lãnh đạo Giáo hội, của Đức Tổng Nguyễn Văn Bình:

* Biến cố thứ nhất: 5 Dòng lớn bị tấn công

Đó là 5 tu viện của 5 Dòng lớn đã bị tấn công, tịch thu tài sản, nhà cửa, các tu sĩ bị đuổi khỏi tu viện vào ngày 25.01.1978 (Đó là các Dòng Đa Minh, Sư huynh La San, Dòng Xitô, Dòng Bosco, Dòng Chúa Cứu Thế, và sau này là Dòng Tên, Dòng Đồng Công). Ngày 04.02.1978, ông Mai Chí Thọ triệu tập các linh mục, tu sĩ, giáo dân tại trường chính quyền, để lên án 5 tu viện đó. Có sự có mặt của Đức Tổng và Đức cha Phụ tá. Nhà nước đưa ra những luận điệu không thuyết phục, những vụ cá nhân như Lm Nguyễn Văn Vàng DCCT bị bắt vì âm mưu chống cách mạng, Sư huynh La San rải truyền đơn, cha Sinh Dòng Đa Minh tổ chức vượt biên, cha Bùi văn Long chống chế độ. Chưa điều tra, Nhà nưóc đã khẳng định tội trạng và từ sai trái của một số người có thật hay không, Nhà nước lấy cớ để tịch thu nhà cửa của 5 tu viện. Rõ ràng là Nhà nước sợ 5 Dòng lớn, họ muốn phá Giáo hội. Điều đó quá rõ, thế nhưng Đức Tổng không có một lời nào để bảo vệ các tu viện đó.

*Biến cố thứ hai: Các cha tuyên úy quân đội đi tù

Cá cha tuyên úy quân đội đi tù mút mùa –các ngài là những người tuân lệnh hàng giáo phẩm lo cho quân nhân Công giáo. Hàng giáo phẩm, đặc biệt là Đức Tổng Bình đã không lên tiếng bảo vệ các vị tuyên úy ấy. Nếu Đức Tổng Bình mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ các vị tuyên úy, thì chắc chắn các vị ấy đã không phải đi tù mút mùa. Có nhiều tuyên úy chết trong trại giam và sau mười mấy năm trở về, có người thân tàn ma dại, lại không được phục vụ với tư cách linh mục. Còn bao nhiêu người bị bắt giam một cách bất công, bị giam cầm lâu ngày, lâu tháng, lâu năm mà không được xét xử. Đức Tổng không có một lời lên tiếng bảo vệ họ, bảo vệ nhân quyền. Những người chế độ cũ bị tù đày giam cầm, lâu năm lâu tháng, nhà cửa tiền tài bị tịch thu, gia đình tan nát. Trước tình trạng đó, hàng giáo phẩm nói chung, Đức cha Nguyễn Văn Bình nói riêng, vẫn không lên tiếng bênh vực họ.

Các giáo xứ bị bách hại, các nghi lễ tôn giáo bị cản trở, các chủng viện bị đóng cửa lâu năm, sách vở tôn giáo bị cấm, thậm chí tại Giáo phận Sàigòn, chỉ đuợc xuất bản mấy trang về ngày lễ quanh năm mà phải gặp nhiều khó khăn phiền hà.

*Biến cố thứ ba: Ủy Ban Đoàn Kết Yêu Nước

Đức Tổng Bình là giám mục đầu tiên phấn khởi hoan nghênh Ủy Ban Đoàn Kết Yêu Nước.

Ngay từ đầu tôi đã thấy Ủy Ban này là một tổ chức tay sai của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong nội bộ Công giáo Việt Nam. Đó là một hình thức mới của Ủy Ban “Liên lạc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình” của chế độ Cộng Sản ở ngoài Bắc trước 1975. Tôi càng xác tín điều đó khi đọc “hồi ký toàn tập” của Đức cha Lê Đắc Trọng, Giám mục phụ tá của Hồng y Phạm Đình Tụng. Ngài viết về Ủy Ban Yêu Nước ở ngoài Bắc và Ủy Ban Yêu Nước mới của miền Nam.

Ngài viết:

“Cái Ủy Ban đó, tôi cho rằng chỉ là bước đầu để đi đến việc lập Giáo hội tự trị… Giáo hội khổ nhiều vì nhóm đó trong nhiều năm, vì đó là công cụ để phá Đạo, bách hại Đạo, giống kiểu Julien l’Apost: lấy Đạo chống Đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống cha mẹ… người Công giáo chịu bao khốn khổ, tù đày cũng là do nhóm này… Nó sắp tàn, nếu không phục hồi, nếu không có miền Nam đến tiếp sức và phục hồi nó dưới nhãn hiệu mới: “Ủy Ban Đoàn Kết”. Ủy Ban này có lãnh đạo trí thức (các linh mục bằng cấp) tìm đuợc đất màu mỡ ở miền Nam và sống mạnh nhờ vào việc thay đổi chiến thuật”. (Hồi ký toàn tập, phần 2, tr. 260-261)

Đức Tổng Bình vì không biết bản chất của Cộng Sản Việt Nam, như Đức cha Trọng, nên ngài thật tình lao vào con đường “Đối thoại và cộng tác” một cách vô vọng. Sau 35 năm Cộng sản ở miền Nam, Giáo hội đối thoại và cộng tác được gì? Ảo tưởng và thất vọng ê chề.

Sau 35 năm, Cộng Sản Việt Nam đã tiêu diệt ý thức con người, thì làm sao đối thoại và cộng tác được?

Họ tiêu diệt ý thức đại diện quốc dân nơi các thành viên quốc hội; tiêu diệt ý thức phục vụ công chúng nơi các nhân viên công quyền; tiêu diệt ý thức tôn trọng và bảo vệ nhân dân nơi công an cảnh sát; tiêu diệt ý thức bảo vệ tổ 1uaố nơi hàng ngũ quân đội; tiêu diệt ý thức bảo vệ luật pháp nơi các luật sư; tiêu diệt ý thức thương xót các bệnh nhân nơi các y bác sĩ; tiêu diệt ý thức làm chứng cho sự thật và lẽ phải nơi giới tu hành: họ biến tôn giáo thành thuốc phiện, họ muốn các nhà tu hành xây dựng đền thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, mà hoàn toàn dửng dưng trước cảnh đồng bào bị đàn áp, xã hội bị băng hoại, tổ quốc bị lâm nguy; tiêu diệt ý thức giáo dục nơi các thầy cô giáo – nền giáo dục Cộng sản là nền giáo dục mang tính chính trị, không nhằm đào tạo những công dân tự do và trưởng thành cho đất nước, nhưng là nhào nặn ra những người dân khiếp nhược cho Đảng.

*Biến cố thứ tư: Vụ Phong thánh tử đạo Việt Nam (19.06.1988)

Sau khi cùng với những thỉnh nguyện của Dòng Đa Minh, hội thừa sai Paris, Hội đồng Giám mục Phi, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, đến lượt Hội đồng Giám mục Vệt Nam cũng đã gửi thỉnh nguyện xin phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam. Nhưng khi Nhà nước phản đối vụ phong thánh này, Hội đồng Giám mục nát như tương, theo lời Đức cha Tuyến nói với tôi. Có vị xin hoãn, có vị xin tách các vị thừa sai ra khỏi các tử đạo Việt Nam. Dưới áp lực của Nhà nước, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có văn thư cho toàn Giáo hội Việt Nam yêu cầu kính các chân phước tử đạo Việt Nam như cũ. Sau đó, trong một buổi họp tại Mặt trận Quận 3, tôi có góp ý vào cái gọi là thỉnh nguyện thư của Ủy Ban Đoàn Kết. Thỉnh nguyện thư đề nghị hai điều: đề nghị thứ nhất là hoãn việc phong thánh. Đề nghị thứ hai là tách các vị tử đạo ngoại quốc.

Tôi nói:
“Đề nghị thứ nhất sẽ cho thấy, giám mục Việt Nam bị áp lực của Nhà nước mới xin hoãn, vì đã hăng hái xin phong thánh. Đề nghị thứ hai là ăn cháo đá bát. Các vị thừa sai có công rao giảng Tin Mừng cho dân tộc ta và đã chết vì đức tin, nên xin tách là vô ơn, tạo chia rẽ trong Giáo hội Việt Nam. Phải nói trong việc này, Đức cha Bình có trách nhiệm lờn, vì nếu ngài giữ vững lập trường, thì không có sự chia rẽ lớn trong hàng giám mục. Tôi đã kết luận bài tham khảo:” Thật là một trò trẻ con không thể chấp nhận được đối với dư luận quốc nội cũng như quốc tế khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã từng phấn khởi xin phong thánh rồi lại xin hoãn, xin tách các vị tử đạo ngoại quốc. Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ mất hết uy tín đối với giáo dân Việt Nam cũng như đối với Giáo hội toàn cầu. Trong tình trạng đó, các giám mục sẽ không còn ảnh hưởng để thúc đẩy giáo dân vừa hăng say xây dựng đất nước, vừa trung thành giữ vững đức tin.”

Theo lời Đức cha Tuyến, sau đó các giám mục đã nhất trí xin phong thánh.

*Biến cố thứ năm: Vấn đề Đức cha Nguyễn Văn Thuận, giám mục phó của Tổng giáo phận Sàigòn

Dư luận trong Giáo hội thắc mắc về thái độ của Đức Tổng Bình, trước việc Nhà nước trục xuất Đức cha Thuận, đầy ải ngài mười mấy năm trời. Có những sự kiện cho thấy Đức Tổng Bình quá yếu trong việc này. Trong một buổi họp ban cố vấn, tôi có nói:

“Giáo dân thắc mắc về thái độ của Đức Tổng vì những sự kiện sau đây:

Sự kiện thứ nhất: Khi Đức cha Thuận bị đưa đi đày, quân quản nói với Đức cha Thuận là cụ Bình đã nói với họ cả chục lần là cụ không muốn ông ở đây, thì ông ở đây làm gì phiền người ta.

Sự kiện thứ hai: Sau khi Đức cha Thuận được trả tự do, ở ngay Toà Hồng y Hà nội, thế mà Đức Tổng Bình không ra thăm, tuy Đức cha Thuận vẫn là Tổng giám mục phó của Đức Tổng Bình, trước mặt Chúa và Toàn thánh Vatican.

Đức Tổng cũng không gửi người ra thăm thay mình.
Không một bức điện chào mừng, nói gì có thư thăm hỏi.
Khi Đức cha Thuận gửi thư cho Đức Tổng hỏi một số vấn đề trong đó có vấn đề nên ở đâu, nên về Sàigòn không, thì Đức Tổng không có trả lời. Vào dịp Tết, nhiều hạt trưởng xin đánh điện ra Hà Nội để mừng tuổi Đức Cha Thuận, như Giám mục Phó Sàigòn, Đức Tổng cũng lờ đi. Sau khi tôi trình bày những thắc mắc đó, Đức Tổng thú nhận: “Trong bụng, tôi cũng muốn Đức cha Thuận về đây. Nhưng tôi vẫn lo ngại về đây có yên ổn không, có chia rẽ không. Vì thế tôi không tích cực vận động cho Đức cha Thuận về đây.”

Giáo dân có quyền thắc mắc về thái độ của Đức Tổng Bình. Tôi nói:

“Nhà nước muốn hay không muốn là việc Nhà nước. Nhưng Đức Tổng bằng một văn kiện công khai, lên tiếng yêu cầu Nhà nước để cho Đức cha Thuận về Sàigòn như Toà thánh đã đặt từ trước. Được hay không là ngoài ý muốn của Đức Tổng. Điều quan trọng là thái độ công khai của Đức Tổng.”

Đức Tổng đã đặt một linh mục làm Tổng đại diện đã từng tuyên bố niềm tin tuyệt đối vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong buổi khai mạc quốc hội của chế độ mới (076.07.1976). Linh mục ấy nói:

“Tôi xin phép nói lên tâm tình của một linh mục Công giáo (…) báo cáo chính trị của quốc hội
càng làm cho tôi xác tín thêm nữa rằng, con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, con người đó, xã hội đó, không thể có được, nếu không có Đảng Lao Động Việt Nam (tức Đảng Cộng Sản Việt Nam), đội tiên phong giai cấp công nhân, lãnh đạo và tổ chức. Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ… (Thông tấn xã Việt Nam, 07.07.1976)

Trước sự chọn lựa một người đặt niềm tin vào Đảng Cộng Sản Việt Nam và nguyện suốt đời phục vụ, tôi đã rùng mình tự hỏi:

“Phải chăng đây là Tổng đại diện của Tổng bì thư Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh Tổng Giám mục Sàigòn, để thao túng?”

Kính thưa quý vị,

Trên đây là những biến cố lớn tôi được sống cạnh Đức Tổng Bình, chứng kiến thái độ của người, nghe lời nói của người, thấy phản ứng của người. Rất tiếc là với sự thánh thiện của người, với tính ôn hoà của người, nếu người còn là Giám mục mạnh mẽ bảo vệ con người, bảo vệ Giáo hội Công giáo Việt Nam như Đức Tổng Nguyễn Kim Điền thì tốt biết mấy. Thái độ im lặng của người có lẽ đã ảnh hưởng trên sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm hiện nay.

Nhưng rất mừng, khi tôi thấy thái độ mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ con người, bảo vệ Giáo hội của hai Đức cha Nguyễn Kim Điền, Nguyễn Văn Thuận cũng được một số giám mục ngày nay noi theo.

Kính thưa quý vị,

Nếu quý vị thấy bài này lạc giọng trong lúc chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, xin quý vị thứ lỗi. Nhưng tôi vẫn nghĩ đây là một nét chân dung thật của ngài, con người lịch sử.

Xin kính chào quý vị,
Stêphanô Chân Tín, CSsR
38 Kỳ Đồng P9 Q3
Đt: (08) 39331.1645.118

Monday, 18 October 2010

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và mạc Khải Cứu Rỗi


Dung mạo của Abraham qua các thời đại

1)Trong truyền thống về các tổ phụ

Truyện các tổ phụ đã được chuyển đi qua nhiều nhóm, nhiều trào lưu tư tưởng ngay trong Sáng thế thư.

Thí dụ truyện có liên can đến Sara-Agar (so Stt 16: f và 21: 1-21: E, lòng thương của Abraham đối với Agar) – Abraham và Sara ở tha phương (Stt 12: 10-20 f so với Stt 20 của E).

So như vậy thấy được Abraham của E đã nên gương mẫu mọi nhân đức.

2) Trong lịch sử Israel

Môsê đã thấy sứ mạng mình liên tục với sứ mạng của các Tổ phụ (Xht 3: 6, 15; 4: 5; 6: 3,8; Dân số thư 32: 1; Thứ luật thư 1: 8).

Đavit (nhiều tác giả hiểu truyện gặp gỡ Abraham-Melkisedek: như mục đích bảo đảm cho Đền thờ Yêrusalem).

Tiên tri: cách riêng Ysaya-II (41: 8) (51: 2/Ez 33: 24).

Rồi đến những lời ca tụng như Giáo huấn 44: 19-21

Đạo Do thái muộn thời: mọi sự Thiên Chúa chúc lành đều vì Abraham vì công nghiệp, -vì lời chuyển cầu của các tổ phụ cho con cháu thuộc dòng dõi Abraham theo hyết thống: một bảo đảm đủ rồi (thánh Phaolô phải chiến đấu với tâm não đó).

3) Trong Tân Ước

Mt 1: 2: Dòng dõi của Chúa Yêsu lên đến Abraham, tính cách quan trọng của Abraham (như Jo 8: 56). Nhưng Tân ước phải chống lại cái ảo tưởng: ỷ nại vào tư cách con cái theo máu huyết.

Phaolô: nhấn đến đức tin Abraham “ai có lòng tin kẻ đó mới là con cái Abraham, chứ không phải mọi kẻ sinh bởi dòng dõi đó đều là con cái ngài” (Gal 3: 7; Rom 9: 7).

Nhưng cách riêng Rom 4 (đức tin Abraham đã làm ngài nên công chính chứ không phải các việc ngài làm – Abraham đã được nên công chính ngay trước khi lĩnh lấy cắt bì.

Hội thánh không phải là một xã hội tự nhiên dựa trên xác thịt máu mủ, nhưng thu họp lại mọi người không trừ một ai, trong lòng tin.

ISAAC: Truyền thống về tổ phụ này không được giàu có lắm. Truyện Isaac bị lẫn giữa truyện về Abraham và Yakob.

Bình luận các sự tích về ông: Isaac liên lạc với vùng phía Nam, và trộm đoán được rằng với thế hệ thứ hai tiêu biểu nơi dung mạo Isaac, nhóm Terah di cư với Abraham qua vùng Canaan đã bắt đầu chuyển sang định cư và cày cấy rồi .

Truyền thống phía Bắc cũng biến đến Isaac, tuy không được bao nhiêu: Yakob thề rằng “Pahad Yshaq” (sự hãi hùng, hay thân nhân của Yshaq): một truyền thống bộ lạc gọi Thiên Chúa của các Tổ phụ là Pahad.

Trong Kinh thánh, Yshaq (Isaac) chỉ là một cái khuyết nối thế hệ Abraham với các thế hệ sau, duy trì sự liên tục trong lịch sử cứu rỗi.

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR.

Sunday, 17 October 2010

Lm Richard Leonard sj: Thế giới của ta


Anh đứng cách xa hai thế giới

Lặng nhìn trong mộng miệng em cười.

(thơ Hàn Mặc Tử)

Hai thế giới mà nhà thơ họ Hàn nói đến, chỉ là thế giới của những “mảnh nhạc vàng rơi lã chã những run rẩy của đêm yêu.” (HMT-Lưu luyến) . Thế giới ấy, đầy rẫy những yêu thương. Vương vấn nhiều nguyện cầu. Những nguyện và cầu, rất trung kiên như đã gồm tóm trong trình thuật, hôm nay.

Trình thuật hôm nay, ghi rõ sự cần thiết của những lời cầu, thỉnh ý rất liên tục gửi đến Đấng Ở Trên. Có thỉnh và cầu liên tục như thế, mới mong đạt được ước nguyện. Tha thiết khẩn cầu liên tục, với thời gian, là thái độ mà con dân nhà Đạo cần có. Thái độ ấy, có thể là: tung hô cùng chúc tụng. Là, cảm tạ và đội ơn. Là, mong được cầu bầu can thiệp. Và là, quyết tâm dâng lên Ngài mọi ước vọng cùng đam mê. Của ta.

Nguyện cầu liên tục, có thể chỉ là ý nguyện và lời khấn trong tâm tưởng, rất lặng thinh. Có thể, là những khẩn nài bằng lời lẽ hay câu ca. Tiếng hát. Cũng có thể, chỉ là những suy tư lắng đọng, không nhiều. Và có khi là, tâm tình chiêm niệm trong yên lặng, nơi giòng chảy rất sống thực trong cuộc đời. Một đời có ủi an - giùm giúp, ở chốn riêng tư vắng lặng hay tại chốn công cộng nơi trường đời, nhiều kích động. Mỗi sự việc, mỗi hành động đều được cân nhắc tâm niệm. Đúng khả năng.


Tin Mừng hôm nay, nói nhiều về sự cần thiết phải nguyện cầu trong van nài và khấn xin. Nài xin Đức Chúa cho mình đạt được những điều mình cần có. Khẩn khoản nài xin Ngài luôn để mắt quan tâm. Và đoái hoài.

Ở bài đọc thứ nhất, lời nguyện cầu và khấn xin, là chuyện vẫn có từ ngày Môsê cầm binh khiển tướng. Hình ảnh Môsê tiếp tục giơ tay cao là trạng thái nguyện cầu, vào thời đó. Cầu xin khấn nguyện cho dân chúng có tương quan với Gia-vê Thiên Chúa, không ngơi nghỉ. Tương quan liên tục giữa dân được chọn với Gia-vê Thiên Chúa, vẫn là việc tùy nơi Ngài. Có tùy như thế, mới đảm bảo chiến thắng trước kẻ thù, ngọai bang hay chính con người mình. Thắng sự xấu, kẻ xấu. Thắng tâm trạng tuyệt vọng nản lòng.

Nản lòng tuyệt vọng, còn là trạng thái tâm tình của bà goá trong dụ ngôn truyện kể Chúa đưa ra. Bà goá hôm nay cũng lại tìm đến Chúa như tìm vị thẩm phán thông minh tối cao để kêu oan đòi sự công bình hợp lý, bà đương tìm. Công bình hợp lý, điều rất cần cho mọi người.

Ở đoạn khác nơi Tin Mừng, Đức Kitô cũng nói về việc Thiên Chúa như Người Cha Nhân Hiền luôn để tâm chăm sóc những đàn con bé nhỏ, rất hợp lý. Sự công bình hợp lý ở Người Cha Nhân Hiền đã thấy rõ khi con cái của Ngài vẫn mong được Cha ban cho tấm bánh miếng cơm, lẽ nào cha mình lại trao tặng đá cuội bất động, hay sao? Con mong được ăn rau ăn trứng, sao cha lại cho bò cạp dữ dằn, nơi hoang địa? Và, Chúa nói tiếp: bậc cha mẹ nơi gian trần còn biết cho con mình những gì chúng muốn, há Người Cha Nhân Hiền ở Trên Cao không thấy được nhu cầu đàn con mình chờ mong, sao?

Dụ ngôn truyện kể hôm nay, còn có ý hỏi: đâu là điểm chính trong thông điệp? Nguyện khấn cầu xin, có là lời yêu cầu được Thần Linh Chúa soi sáng, biểu tỏ ? Chắc chắn là như thế. Bởi, một khi đã khẩn thiết nguyện cầu Thần Linh đủ mọi điều, làm như thế ta sẽ gần gũi Ngài hơn. Có khẩn khỏan yêu cầu Chúa, ta mới am hiểu, và yêu thương phục vụ Ngài, tốt hơn. Khẩn cầu như thế, mới giúp ta đạt được hiểu biết một cách tường tận và sâu sắc những điều Ngài vẫn dạy. Có làm thế, mới thông chuyển được tình thương yêu Ngài ban tặng đến được với người dưng khác họ, một cách trọn vẹn và chắc chắn.

Nói tóm, có khẩn nài và cầu xin, ta mới biết rõ thánh ý của Đức Chúa. Mới đủ sức thực hiện thánh ý ấy. Và, một khi đã quyết tâm nguyện cầu cho thánh ý của Đức Chúa trở thành ước vọng của mình, ta mới hòa hợp kết thành mối tương quan hài hòa giữa ta và Ngài. Lúc ấy, ta mới quyết chí thực thi điều Ngài muốn ta làm. Và những điều Chúa muốn, đều thích hợp với ước vọng giản đơn là ta và Ngài sẽ trở nên một. Nên một, để rồi ta có thể hoàn tất được điều mình mong mỏi. Thế mới đúng. Thế mới tuyệt.

Còn một điều khác, nữa: khi đọc dụ ngôn Chúa kể về kiên trì khấn nguyện, ta thường nghĩ rằng: Chúa là vị Thẩm phán Tối cao, còn chúng ta như các bà goá. Điều ấy có nghĩa: ta phải kiên quyết thôi thúc Chúa để tâm đoái hoài mà giải quyết điều ta ước nguyện, cho đến đạt được, mới thôi.

Giả như, ta cứ thử làm như nữ tu Melannie Svoboda, là: hoán chuyển vai trò hoặc vị thế giữa ta với Chúa. Nghĩa là, ta làm thẩm phán, còn Chúa sẽ là người đàn bà góa bụa, thì sao? Trong chừng mực nào đó, lối diễn giải như thế, xem ra cũng có lý. Với tư cách là người, dù có là thẩm phán hay gì đi nữa, trên căn bản, ta thường tỏ ra cứng ngắc, không công bằng. Có lúc, ta chẳng nể trọng một ai, chẳng sợ Chúa Bà nào hết. Điều này có nghĩa, là: ta sẽ không cho phép Chúa làm điều khiến ta phải sợ, mà trở nên tốt bụng hơn lên.

Cũng tựa như thế, như vị thẩm phán đầy quyền năng, ta cứ tiếp tục từ chối chẳng kể gì đến chuyện để tai nghe lời kêu cầu thảm thiết của người nghèo đói, sống quanh ta. Nhưng là bà góa giống như dụ ngôn Ngài kể, Đức chúa sẽ không bỏ mặc mọi chuyện, để bước chân đi. Không. Trái lại, Ngài sẽ nài nỉ, xin ta từ bỏ ý định nói chữ “Không”. Không thương. Không nghe. Cả những lời ai oán van nài, của bất cứ ai. Ngài sẽ kiên trì nán lại cho tới khi chấp nhận ở tử tế. Đến khi ta học được chữ “yêu thương – giùm giúp”.

Ở sách Khởi nguyên, có đoạn nói: con nguời được tạo dựng theo giống hình ảnh của Thiên Chúa. Giống hệt Đức Chúa. Không sai sót. Giống hệt, ý muốn nói: ta và Đức Chúa, quả là Cha nào con nấy.

Tham dự tiệc thánh lòng mến hôm nay, cầu mong sao cho mọi người biết thuận theo tinh thần dụ ngôn hôm nay. Tinh thần ấy, nhằm khuyến khích ta kiên trì trong khấn nguyện. Có kiên trì như bà góa nọ, mọi người sẽ mãn nguyện. Sẽ toại lòng mong ước. Toại nguyện, như chưa bao giờ được như thế.

Trong hân hoan toại nguyện vì có cầu và có khấn, ta hãy cùng hát lại lời ca hưng phấn đã hát hôm nào. Hôm “tìm nhau” với nguời nghệ sĩ già ngày trước:

Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi

Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới

Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người

Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi. (Phạm Duy – Tìm Nhau)

Đã nguyện, sẽ được. Đã tìm, sẽ gặp. Gặp trong Đức tin. Trong yêu thương, vinh dự và nghỉ ngơi. Ngơi nghỉ, dù có cách xa những hai thế giới, không nguyện cầu.

Lm Richard Leonard sj