Tuesday 24 August 2010

Lm Giuse Mai Văn Thịnh CSsR: SỐNG KHÔN LÀ SỐNG THẬT?


Trước đây, hệ thống “PAY T.V.” có cho chiếu một đoạn phim tài liệu rất có ý nghĩa. Đoạn phim diễn lại cảnh chiếc xe tải chở tiền đâm vào cột đèn bên đường. Lúc ấy, cửa xe bên trái bật tung ra và tiền bạc đổ xuống, vãi tung tóe bên đường. Vào lúc ấy, có một người đàn ông đang dạo mát. Thấy thế, ông ta không để ý gì đến sinh mạng của người tài xế. Trái lại, ông vội vơ vét tiền bỏ vào túi và thong thả tản bộ, như không có chuyện gì xẩy ra. Lẽ dĩ nhiên, trên đoạn đường đó chẳng có người nào khác, ngoại trừ người quay phim.

Chương trình nói trên mang tính chất giáo dục. Tiền mà ông kia nhặt được chỉ là tiền giả. Mục đích của nhà sản xuất là muốn người xem tự đặt câu hỏi: Tôi sẽ hành sử thế nào khi phải đối diện với tình huống như trên? Tôi và một số anh chị em có lẽ sẽ đồng ý với việc làm của người đàn ông đó. Bởi vì tiền rơi bên đường mà mình không nhặt thì kẻ khác sẽ lượm. Một số người khôn ngoan hơn, không đồng ý với lối hành sử nói trên. Theo họ, thái độ khôn ngoan và thích hợp nhất là chạy đến săn sóc người tài xế, sau đó báo cho cảnh sát biết sự kiện vừa xẩy ra.

Như tôi trình bày, sự kiện nói trên chỉ mang tính chất giáo dục. Trên thực tế ít khi xẩy ra như thế. Giả như có xẩy ra chăng nữa, thì ta cũng không đủ thì giờ để suy tính xem phải làm gì cho đúng. Thật ra, với cuộc sống của người tín hữu, không phải bất kỳ lựa chọn nào cũng có đủ thời gian để suy tính. Vì thế, chúng ta cần tập luyện để trong bất kỳ hoàn cảnh nào lựa chọn của ta cũng mang tính khôn ngoan và phù hợp với căn tính đích thật của người Ki-tô hữu.

Nhưng đâu là thái độ khôn ngoan? Trong Cựu Ước chúng ta được nghe kể lại về gương sáng của vua Solomon. Vua không xin cho được tài giỏi, cũng chẳng xin giầu có; nhưng chỉ xin được ơn khôn ngoan để hướng dẫn và phục vụ dân riêng của Chúa theo ý muốn của Ngài. Như vậy đức khôn khoan không phát sinh từ sự hiểu biết, cũng chẳng là sản phẩm của trí thông minh. Nhưng là sự khôn ngoan của tâm hồn, được hướng dẫn bởi sự thật mà chúng ta nhận lãnh từ nơi Chúa để có một lựa chọn đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, trong việc định giá, chúng ta nên cẩn thận đừng để cho những lợi ích nhất thời lừa dối được mình.

Đâu là tiêu chuẩn để xác định về đức khôn ngoan? Câu hỏi này quá trừu tượng nên khó có câu trả lời đích xác. Người ta chỉ nhận ra sự khôn ngoan dựa trên cách hành sử của ta mà thôi. Đức khôn ngoan được thẩm định qua hai yếu tố sau đây:

1/ Trước tiên đó là ân sủng và quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.

2/ Đức khôn ngoan được nhận ra khi lối hành sử của ta phát sinh từ mối tương quan mật thiết với Chúa và phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của mỗi người.

Qua hai điều trên, có thể gọi đức khôn ngoan là “tiếng nói của lương tâm.” Nó xuất phát từ tâm khảm mỗi người, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tiếng nói lương tâm không lệ thuộc vào sự khôn ngoan hay trí thông minh. Nhưng bằng trực giác chúng ta biết rằng tiếng lương tâm vẫn vang dội và đánh thức con người mỗi khi họ chọn lựa sai. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho ta sự khôn ngoan để lượng giá sư chọn lựa của mình.

Đức khôn ngoan còn biểu lộ thật rõ ràng qua những lời giảng dậy của Đức Giê-su. Ngài dùng dụ ngôn để nói với chúng ta. Ai trong chúng ta cũng biết rằng để được sống hạnh phúc, ta cần chọn lựa cách sống phù hợp với tiêu chuẩn của Nước Trời. Và để chọn Nước Trời làm gia nghiệp, con người luôn được mời gọi sống hy sinh. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Không thể bắt cá hai tay. Không thể vừa thân thiết với chính mình lại vừa chống đối tha nhân (ai ghét và chống đối tha nhân tức là chống đối mình). Như vậy, chọn lựa bao hàm hy sinh. Như người thương gia khi tìm được kho tàng và viên ngọc quí. Ông ta bán tất cả gia sản chỉ để mua kho tàng và viên ngọc quí. Ông đã hy sinh tất cả để đạt điều mà ộng đêm ngày nguyện ước.

Cũng vậy, là con cái Thiên Chúa không ai muốn bị loại ra khỏi vương quốc của Ngài. Thuộc về Nước Trời là điều mà mọi người đều ước mong. Nước Trời nói đến ở đây không ám chỉ nơi chốn như nhiều người vẫn thường nghĩ. Nhưng là lối sống được hướng dẫn bởi tiếng của lương tâm. Nơi đó có sự hiện diện của Thiên Chúa và ta. Chúa hiểu rõ hoàn cảnh của ta, và ta cũng biết ý muốn của Chúa. Quyết định, sự lựa chọn lúc đó không phải là quyết định của riêng ta. Nhưng đó là hậu quả của sự thông hiệp với Chúa là Đấng muốn ta phải làm gì trong hoàn cảnh thực tế ta đang đối diện. Tuy vậy, khi chọn lựa, chúng ta cũng cần hy sinh những ích lợi nhất thời, vì các điều đó chỉ thỏa mãn và bồi đắp tính ích kỷ của mình.

Tóm lại, mỗi quyết định hay lựa chọn nào phát xuất từ lương tâm của mình luôn là quyết định khôn ngoan. Đã biết thế, chúng ta không nên bối rối, nhưng hãy sống trong bình an. Vì Chúa luôn đồng hành với mọi cảnh huống của từng người và của cả cộng đoàn. Tính khôn ngoan còn mở cho ta một chân trời mới. Đó là: không dùng sự khôn ngoan để cai trị, dậy dỗ nhau nhưng hãy dùng nó để lắng nghe các thổn thức, các khó khăn và yếu đuối của tha nhân; hầu qua đó con người xích lại gần và thông cảm nhau hơn.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh CSsR (Úc)

No comments: