Như chúng ta đã biết đạo Do thái đặt căn bản trên 10 giới răn. Từ những giới răn này, họ đã thêm thắt và phân chia thành 613 điều luật, chia ra 248 điều truyền và 365 điều cấm. Vì vậy thật khó mà nhớ hết tất cả các luật đó để giữ và chu toàn trong cuộc sống hằng ngày. Do đó họ thường tranh luận để tìm hiểu xem điều luật nào lớn và quan trọng hơn, hoặc điều nào nhỏ và không quan trọng mấy để còn biết lối mà giữ và tránh né.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nối kết hai điều luật thành một, Ngài dậy cho chúng ta hiểu rằng mến Chúa yêu người là hai mặt của một đồng tiền.
Trước tiên chúng ta cùng nhau nghe một câu chuyện, chuyện đó như sau: Vào những thế kỷ đầu của Đạo công giáo, có nhiều người quan niệm là một khi đi tu thì họ phải sống xa những sinh họat của thế gian, trốn vào sa mạc để sống hãm mình và chịu nhiều khắc khổ. Nhân dịp Tuần Thánh, cha bề trên dẫn các thầy dòng của mình đi vào hoang địa để ăn chay và hãm mình. Để giúp họ cầu nguyện dễ dàng hơn, nên mỗi người ở một chòi riêng biệt. Vào khoảng giữa tuần, một vài thầy dòng ở một tu viện khác đến thăm chòi của cha bề trên. Thấy họ đói, cha nấu cho họ chút đồ ăn, và cũng vì lịch sự nên ngài đã dùng chút ít với họ. Các thầy dòng khác thấy khói bốc lên từ chòi của cha bề trên, nên đóan được sự việc là bề trên của họ đã phá chay, bèn đến chất vấn Ngài.
Thấy họ kéo nhau đến, cha bước ra và hỏi:
“Tôi đã phạm tội gì mà các thầy nhìn tôi bằng cái nhìn xét đoán như thế?”
Họ trả lời:
“Thưa cha, cha đã vi phạm luật giữ chay mà tất cả đã tình nguyện giữ vì yêu Chúa Kitô, Đấng đã chịu muôn vàn đau khổ vì tội chúng ta.”
Cha từ tốn và thông cảm nhìn các thầy rồi đáp:
“Phải, cha đã vi phạm luật giữ chay. Cha đã không giữ luật của con người, nhưng trong khi chia sẻ đồ ăn với họ, cha đã sống luật của Thiên Chúa. Các con không nghĩ là Chúa Giêsu cũng làm như vậy sao? Các con ơi, các con đã xé Tin Mừng của Chúa thành hai mảnh riêng biệt. Các con nên nhớ lại lời Chúa dậy, đó là có hai giới răn quan trọng, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và yêu tha nhân như chính mình. Chúng ta không vào sa mạc để trốn tránh thị phi hay để sống một mình với Chúa. Nhưng chúng ta đến đây để tìm kiếm tha nhân và yêu thương họ trong Thiên Chúa”.
Có lẽ, như các thầy dòng chúng ta nhiều lần đã phạm lỗi như họ, đó là chỉ biết sống giới luật yêu mến Thiên Chúa qua việc chu toàn lề luật, siêng năng tham dự thánh lễ, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cầu nguyện, đi hành hương để hưởng ơn ‘tòan xá’... mà quên đi giới luật yêu thương tha nhân.
Thiên Chúa truyền dạy chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Yêu Chúa như Chúa yêu không phải là việc dễ làm, và có lẽ suốt cả cuộc đời chúng ta luôn bị giới răn này chất vấn. Tuy nhiên yêu tha nhân còn khó gấp bội; vì làm thế nào chúng ta có thể yêu những con người với nhiều khuyết điểm, và có thể đã làm nhiều điều hại chúng ta.
Lời Chúa Tin Mừng mời gọi chúng ta đặt lại vấn đề căn bản cho cuộc sống: Đạo công giáo không chỉ bao gồm những khỏan luật để giữ; nhưng là con đường yêu thương (những nẻo yêu thương). Vì thế, cách thức sống đạo của chúng ta cũng không chỉ dựa vào những kinh kệ dài dòng, những chuyến hành hương hay những cuộc tu họp biểu dương niềm tin tôn giáo; nhưng còn là tình yêu mà chúng ta cần trao đổi cho nhau.
Suy niệm như thế là tốt rồi. Nhưng nếu không biết áp dụng thì những suy tư này cũng chỉ là những suy tư chết.
Nhiều người đã nói và bàn về chữ ‘YÊU’. Nhưng nếu chỉ bàn bạc và giải thích vễ chữ đó, cho dù lời bàn của chúng ta có hay đến độ nào cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì ‘yêu’ không phải là việc để bàn; nhưng đó là việc để sống. Các bạn hãy nhớ lại thời gian các bạn còn là người tình của nhau; các bạn đã để ý và sống cho nhau như thế nào? Ngày nào không gặp được nhau mà lòng không cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung, bạn không thể ngồi đó chờ cơ hội; nhưng phải ra đi để tìm đến nhau, chiều nhau và cho nhau đủ thứ. Đó là những hành động thể hiện lòng yêu thương của bạn. Bạn không thể yêu một đối tượng không thật sự hiện hữu. Một khi đối tượng đã biến mất, bạn chẳng còn biết yêu là gì. Vì thế tình yêu cần được diễn tả bằng hành động. Nó mang tính chủ động và tích cực.
Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ khác nhau. Những sự kiện thực tế sau đây cũng có thể dùng để minh họa đâu là sự hiện hữu đích thực để chúng ta trao đổi tình yêu.
Vào một biểu chiều, sau giờ tan học; cháu vội vã về nhà. Nhà cửa trống trơn, khung cảnh tĩnh mịch như bãi tha ma. Cháu nhìn qua nhìn lại, đi từ phòng này đến phòng khác, chẳng thấy bóng dáng ai ngọai trừ những hình ảnh đang di động trên màn ảnh của chiếc máy truyền hình. Cháu cảm thấy trống vắng vì không có sự hiện diện của ai hết.
Rồi cũng thế vào một buổi chiếu khác, cháu vừa bước chân vào nhà, vui mừng nhìn thấy mẹ đang ngồi may. Cháu vội vã chào mẹ con vừa đi học về. Bà mẹ mệt mỏi nhìn con đáp: “Về rồi à!” Sau đó làm tiếp công việc của bà. Cháu chẳng biết làm gì hơn, ngòai việc làm bạn với chiếc máy truyền hình và bấm trò chơi (game). Sự hiện diện của mẹ có ở đó, nhưng xa lạ và không đích thực.
Lại một buổi chiều khác, cháu lặng lẽ mở cửa bước chân vào nhà. Ngạc nhiên cháu nhìn thấy mẹ đã đứng bên trong cửa, vui vẻ nhìn cháu bước vào. Mẹ đón và cất cặp cho cháu, sau đó hỏi han chuyện học hành của cháu. Mẹ còn lấy sữa và đồ ăn cho cháu nữa. Hai mẹ con chọc nhau cười thật vui vẻ. Thời gian cứ thế trôi qua, cho đến khi ba về. Ba cháu thấy cảnh tượng đó cũng không kịp thay quần áo, ngồi xuống nói chuyện với mẹ con cháu. Sau đó, cả nhà cháu chuẩn bị nấu nướng và ăn cơm. Sau bữa cơm, cháu còn giúp ba mẹ lau bàn, rửa chén và quét nhà. Tối đó cháu ngủ thật ngon.
Trong ba hình ảnh đó, đâu là sự hiện diện đích thật? Sự hiện hữu đích thực được thể hiện qua việc thông cảm, đón nhận và quan tâm cho nhau. Đó chính là những hành động củaTình yêu.
Thiên Chúa và tha nhân không phải là những đối tượng xa tầm với của chúng ta. Ngài đã nhập thể trong thân phận con người. Ngài là anh, là chị, là tôi, là những người thân trong gia đình, nơi xóm giáo, trong các nhóm cầu nguyện và đặc biệt Ngài đang hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở đầu đường xó chợ v.v..
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đọc lại lời của Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng và hết trí khôn ngươi…. Còn điều sau cũng giống như điều răn ấy là: ngươi phải yêu tha nhân như chính mình,” trong bài Tin Mừng hôm nay.
"Hết" là cho đi tất cả, dâng hiến mọi sự. Ngoài ra, trong ngôn ngữ do thái, các chữ "lòng", "linh hồn" và "trí khôn" có nghĩa là tòan bộ con người. Do đó câu nói trên có nghĩa là : "Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả con người của mình, cho đi tất cả con người của mình, dâng hiến tòan bộ con người của mình." Nói cách khác là: "Hãy yêu mến Chúa bằng tất cả con người của mình."
"Như chính mình" nghĩa là không còn phân biệt ai là chủ thể và ai là đối tượng nữa.
Như vậy, trong tình yêu không còn có việc phân biệt giữa tôi và anh, giữa tôi và chị hay giữa tôi và kẻ khác nữa. Tất cả đều được hòa hợp trong một tổng thể duy nhất của TÌNH YÊU, nơi không còn biên giới, không còn hận thù, không có tỵ hiềm, và chia rẽ; chỉ có hiệp thông, tha thứ và an bình.
No comments:
Post a Comment