Monday, 9 August 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Một người là Con Thiên Chúa cả họ loài người được nhờ


Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”. Nhập thể như thế cũng là “nhập tịch”, đi vào dòng dõi loài người, trở nên anh em bà con với mọi người.

Loài người vốn không phải chỉ là một khái niệm trừu tượng y những khái niệm trừu tượng khác. Cũng không phải chỉ là một tập hợp, một tổng số cá thể có giống nhau đến đâu đi nữa nhưng lại không “ăn nhằm” gì với nhau: một lô xe Cub, một đống gạch, một hũ tương hoặc một lứa cá mè. Loài người là một toàn thể những chủ vị vừa độc đáo, độc lập vừa liên hệ, liên đới với nhau từ nguyên khởi và một cách tất yếu. Có gì tương tự như một dàn nhạc giao hưởng: mỗi nhạc khí vừa có âm sắc riêng vừa chỉ hoàn toàn và thực sự là mình trong mối “giao hưởng” với tất cả các nhạc khí khác.

Nhập thể đối với Ngôi Lời không phải là làm người riêng lẻ - một thứ “anh hùng cô đơn” – mà là nhập vào thực tại liên hệ, liên đới giữa người với người. Con Thiên Chúa làm người với người. Tư cách “Emmanuel” có thể hiểu theo một kích thước sâu xa, căn bản nhất. Ở cùng chúng ta, Ngôi Lời cũng làm người với mỗi người phần nào như vẫn là Thiên Chúa duy nhất với Cha và Thánh Thần. Chúa Giêsu vừa là một vị trong hai bản tính, vừa là một vị trong hai thế liên vị. Ngài vừa là vị trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vừa cũng là Vị ấy trong mối liên đới đại đồng với toàn thể loài người.

a. Chúa Giêsu là vị với toàn thể các nhân vị:

Chúa Giêsu là vị với toàn thể các nhân vị cho nên Ngài chia sẻ, liên đới hết mức có thể được với thân phận con người, liên đới hoàn toàn đến nỗi chỉ ngoại trừ chính tội lỗi là điều tuyệt đối không thể phù hợp với thiên tính trọn lành, chí thánh của Ngài. “Hủy mình ra không”, “lĩnh lấy thân phận tôi đòi”, “trở thành giống hẳn người ta”, “đem thân đội lốt người phàm” (Pl 2,7), Ngài “không phải là người không thể thông cảm với nỗi yếu hèn của chúng ta, song là Đấng đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự, trừ phi là tội” (Dt 4,15). Trừ phi là tội, nhưng chỉ trừ phi là tội trong cái cốt cách cuối cùng của tội. Vì Ngài đã mang lấy cả “xác thịt tội lỗi” (Rm 8,3), chấp nhận sống dưới chế độ tội lỗi, chịu mọi hậu quả ô nhục và đau đớn của tội lỗi, “cho đến (cả cái) chết, và là cái chết trên thập giá” (Pl 2,8). Trước khi là sự sống lại vinh quang và tràn trề ân sủng, tự nó, cái chết của Ngài là cái chết của “đồ chúc dữ”: “Ngài đã nên đồ chúc dữ vì ta, bởi đã viết: là đồ chúc dữ phàm ai bị treo cây gỗ” (Gl 3,13). Trừ phi là tội, nhưng cũng chính thánh Phaolô không ngại quả quyết: “Đấng không hề biết tội thì vì ta Thiên Chúa cho làm thành sự tội ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa” (2Cr 5,21).

b. Nhưng cũng chính vị Giêsu đó lại là Vị Con với Vị Cha và Vị Thánh Thần:

Ngài là Con Thiên Chúa. Do đó nhập thể cũng là đổi chiều, đổi hướng từ căn bản, từ nguyên khởi mối quan hệ, liên đới nhân sinh. Vì có một con người cũng là Con một Thiên Chúa, Con chí ái của Thiên Chúa, hoàn toàn vô tội và tuyệt đối thánh thiện, cho nên mỗi nhân vị, từ căn bản, từ chính tư cách làm người của mình đều có liên hệ với Adam mới này, đều cũng được liên đới với sự thánh thiện của Ngài, với ân sủng là chính Ngài. Nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài mọi người đều được đưa vào một mối liên hệ, liên đới mới với nhau và tham dự vào một tương quan hoàn toàn mới mẻ so với tương quan thụ tạo đối với Thiên Chúa. Hay cũng có thể nói, chính vì Ngài đích thân nhập vào “giữa mọi thụ sinh” nên chính tương quan thụ tạo được hoàn toàn biến đổi, thành tương quan thụ tạo “trong Ngài”: Ngài là “trưởng tử giữa mọi thụ sinh, vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành…Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân” (Cl 1,15-18).

Rõ ràng trong nhãn giới Thánh Phaolô vị trí “trưởng tử” này mới là định đoạt, dứt khoát, mới là then chốt, mới là “khởi nguyên” trước mọi khởi nguyên. Tội tổ tông, tình trạng mất tình nghĩa, ân sủng Thiên Chúa do bởi tội Adam là có thật đối với lòng tin, nhưng không thể vì tin có tội tổ tông mà bỏ qua mối liên hệ, liên đới kia với Chúa Kitô, cho dẫu mối liên hệ, liên đới ấy chưa có danh xưng thần học nhất định (1).

c. Liên hệ nguyên khởi giữa mọi người với Chúa Kitô:

1. Là liên hệ ưu thắng, cốt thiết, quyết định hơn liên hệ với Adam cũ. Mỗi chúng ta là người – với – Chúa – Kitô còn hơn là người – với – Adam – cũ, và ngay từ trong tư cách làm người, làm người tự nó là vinh hơn là nhục, một ơn huệ hơn là một rủi ro, một ơn huệ khởi đầu, một ơn huệ căn bản. Như vậy, ngay ở mức suy nghĩ này, ta cũng đã có thể thấy ý nghĩa của quả quyết của Phaolô về sự “còn dẫy tràn hơn biết bao” (Rm 5,12 – 21). Kitô giáo từ căn bản là một cái nhìn lạc quan về con người.

Rm 5,12-21 đáng kể là một đoạn văn quan trọng vào hàng đầu của Thánh Phaolô. Adam và Chúa Kitô. “sự sa ngã của một người” và “ơn của một người” được đối chiếu, so sánh thật rõ ràng. Và cũng rõ ràng không kém là Thánh Phaolô đặt trọng tâm ở vế thứ hai, chỉ nói về Adam và sự sa ngã của Adam là để làm nổi rõ vị trí Chúa Kitô và tầm vóc ơn huệ của Ngài. Ảnh hưởng của Chúa Kitô đối với loài người dứt khoát quan trọng hơn ảnh hưởng của Adam:

Không phải sa ngã sao, ơn huệ cũng vậy. Vì nếu bởi sự sa ngã của một người, nhiều người đã chết, thì còn dẫy tràn hơn biết bao trên nhiều người, ơn của Thiên Chúa, lộc trong ơn của một người, sự chết đã ngự trị vì cớ một người ấy, thì còn hơn biết bao những kẻ được lĩnh ơn và lộc dư dật của đức công chính sẽ ngự trị trong sự sống vì cớ một người là Đức Giêsu Kitô”.

Cách nhìn, lối suy nghĩ khá thông thường thì không còn được như vậy. Vẫn là sự không cân đối nhưng sự không cân đối ngược chiều. Trọng tâm như được đưa về phía tội lụy. Tội nguyên tổ “ám ảnh” nhiều hơn là “ơn của một người” làm hứng khởi niềm tin. Như thể chỉ riêng tội nguyên tổ mới liên hệ tới mọi người và từ bẩm sinh, còn “ơn của một người” chỉ liên hệ tới các tín hữu và chỉ từ bí tích Thánh Tẩy. Với cách nhìn, lối suy nghĩ thông thường ấy là cả một não trạng bi quan về con người, về lịch sử nhân loại, như thể chưa hề bao giờ có một con người tên là Yêsu trên cõi đời này.

2. Là liên hệ có tính chất siêu nhiên, là “ơn huệ” thực sự. Vì là liên hệ dựa trên Mầu Nhiệm Nhập Thể : Chúa Cha ban cho Con Một mình “vì yêu mến thế gian” (Ga 3,16) như một ơn huệ tuyệt vời chứ không phải do một đòi hỏi đương nhiên nào của bản tính con người. Vì là liên hệ thành hình trong chính Mầu Nhiệm Nhập Thể “bởi phép Chúa Thánh Thần” và vì liên hệ đó đưa lại những ơn huệ siêu nhiên:

Trước tiên là ơn kêu gọi làm con cái Cha trên trời ngay trong liên hệ nhân vị với Vị Con Thiên Chúa. Filii in Filio. Chỉ nguyên vì làm người, Chúa Kitô đã đem lại cho mọi người một quan hệ mới mẻ, siêu vời đối với Cha Ngài. Một sự hiện diện của Cha mới mẻ và siêu vời nơi loài người khác với sự hiện diện tạo thành. “Nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Ngài, sinh bởi người nữ… ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (x. Gl 4, 4-5 và x. CL 1, 15-18).

Sau là, như các Giáo phụ vẫn hào hứng nói tới , sự đồng hành trong mầu nhiệm Vượt Qua – Sống Lại. Mọi người nói được là đã “có mặt” với Ngài, được nối kết với Ngài trong suốt quá trình đi tới cái chết – sống lại. Ngài đã kéo tất cả chúng ta đi cùng với Ngài trên suốt con đường từ máng cỏ tới thánh giá và mồ trống:

“Khi đó theo truyền thống các Giáo phụ diễn giải Kinh Thánh, Con Thiên Chúa đã kết hôn với nhân tính và thực sự hợp nhất với nhân tính. Từ đó, một cách không dễ gì giải thích được, nhưng hoàn toàn có thực, Ngài bao hàm trọn vẹn nhân tính này trong Ngài. Chính vì thế mà những hành động cứu thế nhờ đó Ngài trở về với Cha Ngài, nhờ sự chết, mồ huyệt, sự sống lại và lên trời, tóm lại” việc đi đến cùng Cha” (Ga 19,28; 16,5.10; 17,11) đã được thực hiện thực sự vì chúng ta và một cách nào đó, đã được thực hiện bởi chúng ta” (Y. Congar, Vraie et fausse réforme dans l’ Eglise. Paris 1950, p. 95). “Tất cả mọi người đều được đóng đinh vào thánh giá với Chúa Kitô trong cuộc thương khó của Ngài, đều được sống lại trong sự sống lại của Ngài, đạt bên hữu Cha trong cuộc lên trời của Ngài, nhưng là vì tiên vàn họ đều đã được cùng sinh ra với Ngài khi Ngài sinh ra” (xem chẳng hạn Thánh Lêô, bài giảng 26,Pl 54, col. 215).

3. Là liên hệ chỉ mới có tính cách nguyên khởi và sơ khởi. Thân phận con người vần là ở trong xác thịt và trong thời gian. Con người vẫn phải hình thành dần dần. Sự liên đới nguyên khởi cũng còn phải là một quá trình theo hướng nay hay theo hướng khác.

Về mặt tội lỗi: tội nguyên khởi mới chỉ là một tình trạng sơ khởi đặt con người ra ngoài ơn Thánh sủng. Mỗi con người khi đủ trình độ tự do để lựa chọn còn có thể tự ý từ khước Thiên Chúa cách này hay cách khác, phạm “tội mình làm” và có trách nhiệm đang bị đọa phạt đời đời.

Về mặt ân sủng: Mầu Nhiệm Nhập Thể là căn bản nhưng cũng chỉ là khởi điểm. Bản thân Chúa Yêsu còn lớn lên từ Máng Cỏ mà “tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2, 52). Công trình cứu độ của Ngài, kể cả mối tương quan nguyên khởi với Cha mà Ngài đã đem lại cho loài người từ Nhập Thể, công trình đó con tiếp tục được thực hiện, triển khai, cho đến khi hoàn thành trong sự chết – sống lại. Ngài phải chết dần với mọi giới hạn trần gian cho tới cái chết tận cùng trên thập giá mà được Thánh Thần biến đổi thành Ađam mới để lãnh mang và biến đổi trong chính thân xác sống lại vinh quang của Ngài toàn thể loài người, và để “thâu họp vạn vật dưới một đầu mối trong Ngài” (Ep 1, 10). Nhập Thể hướng về và kêu gọi Mầu Nhiệm Phục Sinh. Về phần mỗi con người từ nguyên khởi bị “vương” tội Ađam cũ nhưng cũng được ân sủng Chúa Kitô chiếu cố, thì còn phải đi tới chỗ tự do lựa cho mình mối liên đới tội lụy hay mối liên đới ơn phúc : tội mình làm hay hành động yêu mến, hoặc chính sự chết – sống lại cùng với Chúa Kitô trong lòng tin và Phép Thánh Tẩy (Rm 6, 2-5). “Ơn cứu độ nguyên khởi” cũng chỉ mới là sơ khởi và phải hướng ta tới ơn tái sinh trong Chúa Kitô, tới đời sống ý thức và tự nguyện được hướng dẫn bởi “Thần Khí của hàng nghĩa tử”… (Rm 8, 14-17).

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: