Wednesday, 11 August 2010

Lm Chân Tín CSsR: Một kỷ niệm – Một ý chí


Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Giáo hội Ba Lan đã hân hoan mừng kỷ niệm 1000 năm Tin Mừng của Chúa Kitô được rao giảng trên đất Ba Lan. Các lễ nghi đã được tổ chức trong mọi thánh đường từ ngày thứ bẩy tuần thánh, mồng 9 tháng 4, Nhưng, đại lễ chính thức cho toàn quốc chỉ bắt đầu vào ngày 14 tháng 4, kỷ niệm ngày vua Mescô I chịu phép thanh tẩy vào năm 966. Một lễ tạ ơn long trọng đã được cử hành tại thành phố Gniezno, địa phận Công giáo đầu tiên của Ba Lan. Qua ngày 17.04, một thánh lễ khác cũng được cử hành tại Poznan. Sau cùng, ngày mồng 3 tháng 5, lễ kính Đức Mẹ quan thày Ba Lan, Đức Hồng y Giáo chủ Wyszynski, đặc sứ của Đức Phaolô VI, đã long trọng bế mạc tuần đại lễ tại đền thờ Đức Mẹ Czestochowa, trước gần hai triệu tín hữu từ các địa phận trong nước tề tựu về để tạ ơn và cầu xin Thiên Chúa tăng cường đức tin cho dân tộc Ba Lan. Toàn thể Giáo hội Ba Lan, nguyện cùng một ý chí sắt đá làm chứng cho Chúa Kitô dưới một chế độ vô thần duy vật.

Đối với Giáo hộI Ba Lan sống dưới chế độ Cộng sản đã hơn 20 năm nay, nhưng ngày đại lễ đó không còn là một dịp để phô trương lực lượng và đặt trọng tâm vào những cuộc rước sách cờ quạt linh đình, nhưng là một cơ hội để tăng cường đời sống Công giáo bằng một đức tin sáng suốt và mạnh mẽ hơn, vì đó là vấn đề sống chết của giáo hội Ba Lan. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, hàng Giáo phẩm Ba Lan đã thảo ra “kế hoạch cửu niên”: Liên tiếp 9 năm, từ năm 1957 đến 1966, trong các điạ phận, các họ đạo, các hội đoàn, các khu xóm đều nhất loạt tổ chức những buổi học hỏi và thảo luận trên những vấn đề vô cùng hệ trọng cho việc trường tồn của Giáo hội dưới một chế độ vô thần duy vật. Chúng ta không khỏi thán phục sự sáng suốt và nghị lực của hàng Giáo phẩm Ba Lan, trong việc soạn thảo và tổ chức kế hoạch cửu niên để chấn hưng và tăng cường đức tin cho dân tộc Ba Lan. Những đề tài học tập trong 9 năm có thể chia ra ba loạt. Loạt thứ nhất nói đến đời sống đức tin trong mối liên lạc với Thiên Chúa: Thế nào là lòng tin chân chính? Thế nào là mê tín? Thế nào là cuồng tín? Phải trung thành với đức tin bằng cách nào? Ơn nghĩa Chúa là gì? Làm thế nào để sống trong ơn nghĩa Chúa mặc dầu những nghịch cảnh của chế độ? Làm cách nào, để tăng cường ơn nghĩa Chúa? Loạt học hỏi đầu tiên này kết thúc bằng sự tâm niệm về mầu nhiệm Thánh Thể, để qui hướng lòng đạo của tín hữu vào phụng vụ. vào thánh lễ, hơn là vào những việc đạo đức ngoài phụng vụ.

Loạt học hỏi thứ hai nhắm đời sống đức tin trong gia đình, gồm ba đề tài: Hôn nhân Công giáo, Gia đình Công giáo, và giáo dục Công giáo. Với ba đề tài học hỏi ấy, hàng Giáo phẩm muốn cho tín hữu được những liều thuốc bổ dưỡng chống lại nọc độc của những sắc luật của chế độ cho phép phá thai. cho phép ly dị (…). Nhờ những buổi học tập ấy, tín hữu hiểu được sự thánh thiện của hôn nhân Công giáo với cùng đích và đặc tính mà Thiên Chúa đã đặt ra, ý thức những giá trị thiêng liêng của gia đình Công giáo và nhận định ở vai trò tối cần của cha mẹ trong việc giáo dục và hun đúc đức tin con cái, dưới một chế độ cấm đoán linh mục và tu sĩ dạy giáo lý trong các trường học.

Loạt học hỏi cho ba năm cuối nhắm đến đời sống đức tin trong cộng đồng quốc gia. Loạt này cũng gồm ba đề tài: Sứ mạng của tín hữu trong cộng đồng quốc gia; tình nghĩa đồng bào và lòng ái quốc trong nhãn giới đức tin; cá tính dân tộc Ba Lan phải được tôn trọng, nhưng không sống bưng bít, cần phải mở rộng lòng cho mọi người bất phân tôn giáo, chủng tộc.

Tất cả mọi người từ hàng giáo phẩm đến giáo dân đã cương quyết trong 9 năm ròng rã triệt để thi hành “kế hoạch cửu niên” ấy. Giáo hội Ba Lan ý thức được rằng đây là một cuộc chạy đua với chế độ Cộng sản để chuẩn bị ngày mai: Trong khi chế độ dùng mọi biện pháp để tạo nên một lớp chiến sĩ vô thần duy vật, thì Giáo hội Ba Lan cũng đem tất cả mọi nỗ lực để hun đúc một lớp người sống đức tin sáng suốt và mạnh mẽ, làm sinh chứng cho Tin Mừng cứu rỗi. Giáo hội Ba Lan không nhắm duy trì lòng đạo nặng tình cảm của quá khứ, hay đương đầu với những khó khăn hiện tại, nhưng đặt nền tảng vững chắc cho toà nhà đức tin trong tương lai, bất chấp mọi cơn giông bão táp của phong trào vô thần duy vật.

Giáo hội Ba Lan đã cho chúng ta một bài học xán lạn. Không một ai trong chúng ta ước ao sống dưới chế độ Cộng sản. Nhưng dù muốn dù không, một nửa phần đất Việt Nam đã hoàn toàn ở dưới chế độ Cộng sản hơn 10 năm nay. Tại miền Nam Việt Nam quân đội cũng như cán bộ Việt Cộng đang ráo riết đặt hạ tầng cơ sở cho chế độ tương lai. Trước tình trạng đó, Giáo hội Việt Nam cũng cần phải lập ra một “kế hoạch dài hạn”. Theo gương Giáo hội Ba Lan, Giáo hội Việt Nam cần phải tổ chức trong mọi địa phận, mọi họ đạo, mọi hội đoàn, nhiều buổi học tập và thảo luận theo những đề tài do hàng giáo phẩm chọn lựa và được một ủy ban toàn quốc soạn thảo chu đáo, ngõ hầu giúp tín hữu Việt Nam có một đức tin sáng suốt hơn, trưởng thành hơn, để có thể đương đầu với bất cứ một chế độ Cộng sản nào. Đó là vấn đề sống chết của Giáo hội Việt Nam trong tình thế hiện tại và tương lai.

Lm Chân Tín, CSsR

6/1966

(xem thêm các bài khác cùng một dạng, xin mời vào:

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com

www.suyniemloingai.blogspot.com )

No comments: