Monday, 15 March 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Người chờ hay Chúa đợi?

Thiên Chúa luôn sẵn sàng đến.

Để đáp lại lời yêu cầu, lòng mong đợi của con người. Suốt Mùa Vọng, tín hữu không ngừng được mời gọi cùng với Hội Thánh sống trọn ba kích thước của lòng-tin-đợi-chờ. Đợi chờ là tưởng niệm niềm trong mong Đấng Cứu Thế ngày xưa đã đánh dấu tất cả lịch sử các tổ phụ và Israel, Dân Chúa. Đợi chờ cũng là nỗ lực để làm mới, tăng thêm lòng khao khát của chính chúng ta hôm nay đối với Chúa Kitô đang đến trong Hội Thánh nhờ các bí tích hay qua khuôn mặt tha nhân. Đợi chờ còn là thực sự đợi chờ “Chúa lại đến” ngày cánh chung.

Càng gần tới lễ Giáng Sinh, lòng mong đợi kia càng nồng nhiệt và tin tưởng. “Tôi hướng lòng tôi lên cùng Chúa…tất cả những ai mong đợi Chúa sẽ không thất vọng” (Tv 24,1-4) là lời mở đầu thánh lễ chủ nhật đầu Mùa Vọng. Chủ nhật sau, Ca nhập lễ là lời xác quyết cụ thể hơn của ngôn sứ Isaia: “Hỡi dân Sion, đây là Đấng Cứu Thế sắp đến cứu muôn dân, Thiên Chúa sẽ làm cho anh em vui mừng khi nghe tiếng oai nghi của Người” (Is 30,30). Chủ nhật thứ ba Mùa Vọng, Thánh Phaolo mời gọi vui mà chờ chứ không phải chỉ chờ được vui: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa: tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên…vì Chúa đã đến gần”. Tới chủ nhật cận kề lễ Giáng Sinh, niềm vui đợi chờ tràn ra đến cùng trời cuối đất: “Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Đấng Công Chính, đất hãy mở ra và trổ sinh Đấng Cứu Chuộc” (Is 45,8).

Kẻ tin không lầm trong niềm cậy trông, có thể vui mà chờ vì biết rằng Thiên Chúa là “Đấng giữ lòng tín trung cho đến đời đời”(Tv145,6). Ngài đã hứa là Ngài giữ lời. Con người mong chờ thì Đức Chúa đã đến, đang đến và sẽ lại đến. Đã đến trong lòng trinh nữ Maria, rồi “từ thành Nazareth lên xứ Giuđê”, ra đời “trong thành của Đavit”: “Hôm nay đã sinh cho các ngươi vị cứu chúa, tức là Đức Kitô Chúa” (Lc 2,1-10). Đang đến vì Đức Kitô Chúa đã sống lại, vẫn “lưu trú nơi chúng tôi” (Ga 1,4), vẫn là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (Mt1,23) và “sẽ ở…mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Để sẽ lại đến trong vinh quang.
Nhưng đâu đã hẳn là con người mong chờ Chúa đến.

Nếu thực sự con người một lòng đón Chúa thì đâu đến nỗi năm này qua năm khác Hội Thánh cứ phải cho vang lên “tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mt 2,112: Cn II MV).

Đâu hẳn là con người mong chờ Chúa đến?

Hay đúng hơn, chính Thiên Chúa mới phải đợi chờ con người. Đợi chờ từ thuở ban đầu. Đợi chờ trước hết.

Điều đó thật nghịch thường. Tại sao Thiên Chúa phải đợi chờ? Con người đáng gì mà đáng được đợi chờ? Nhưng điều nghịch thường ấy lại hoàn toàn phù hợp với điều nghịch thường căn bản đã được Thư thứ nhất của Thánh Gioan xác quyết: “Lòng Mến là ở điều này: Không phải là vì ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là Ngài đã yêu mến ta” (1Ga 4,9) và “vì Ngài đã yêu mến ta trước hết”(1Ga 4,19).

Thiên Chúa yêu mến ta trước hết thì cũng đợi chờ ta trước hết. Thực tế trong thánh sử đã là như vậy. Kinh Thánh ngay từ những trang đầu cho thấy ai đã đợi chờ lần đầu tiên. Ngày hôm ấy, con người nuốt chưa trôi trái cấm trứ danh kia thì Thiên Chúa đã có mặt. Thiên Chúa đến thăm họ như vẫn quen đến thăm thì phải. “Thiên Chúa tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm”. Như không có gì xảy ra. Con người, cả vợ lẫn chồng đã vội chạy tới đón chào Thiên Chúa như mọi khi chăng? Không đâu. Không còn gì như trước được nữa. “Nghe tiếng bước Giavê Thiên Chúa” ta đã tìm cách lẩn trốn. “Người với vợ đi núp mình khuất mặt Giavê Thiên Chúa giữa những rừng cây trong vườn”. Và như thế là lần đầu tiên một câu hỏi, một lời gọi tìm đã vang lên trên mặt đất này: “NGƯỜI Ở ĐÂU?” (St 3,1-9).

“Ngươi ở đâu?” Ai đã phải thốt lên câu hỏi đầu tiên này? Ai lẩn tránh và ai tìm gọi? Người chờ hay Chúa đợi?
“Ngươi ở đâu?”, câu hỏi, lời gọi tìm này của Thiên Chúa đã đánh dấu tất cả cuộc phiêu lưu của con người trong thánh sử. (Cũng là câu hỏi có thể tóm kết tất cả bi kịch con người, bi kịch của mọi bi kịch. Câu hỏi đầu tiên của Thiên Chúa trở thành câu hỏi truyền kiếp con người mãi mãi cứ phải tự đặt ra cho mình. Ngay cả ngày hôm nay, tuy đã lên tới những đỉnh cao của khoa học, đưa tầm mắt bao quát từ những yếu tố cấu thành hạt nhân cho đến những khoảng xa hàng ngàn năm ánh sáng trong vũ trụ, con người vẫn chưa hẳn đã hết thấy mình trần truồng hay đã hết phải tự hỏi cây sậy suy tư là mình đang ở đâu giữa hai vô hạn lớn và nhỏ, giữa tinh thần và vật chất, giữa sống và chết, giữa thời gian và đời đời, giữa có và không…Đã lỡ một lần “núp mình khuất mặt Giave Thiên Chúa”, con người vẫn chưa hết lẩn trốn chính mình, khuất mặt với chính mình, vẫn phải dở khóc dở cười mà chơi trò đi trốn di tìm với chính mình).

Dẫu sao thì Thiên Chúa đã không nỡ bỏ mặc con người. Ngay trong vườn tủi nhục ấy, đã có lời hứa ban đầu, đã có “Tin Mừng khởi thủy” (St 3,15). Nhưng Thiên Chúa còn phải đợi từ đời nọ đến đời kia, biết bao nhiêu năm tháng để thực hiện kế đồ thương xót cứu độ. Vì Thiên Chúa không áp đặt gì hết cho con người. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người. Kể cả sự tự do hái ăn trái cấm. Rồi tự do “núp mình…giữa những cây trong vườn”. Ra khỏi vườn, vẫn sẵn lắm cây lắm bụi để núp mình khuất mặt Thiên Chúa hoặc còn trồng thêm…Thiên Chúa thì vẫn không lùng bắt ai, không biết sử dụng còng gông, không có nhà tù hay trại tập trung. Trước sự tự do của con người được tuyệt đối tôn trọng, Thiên Chúa mãi mãi cứ chỉ có một câu hỏi, một lời gọi tìm như thuở ban đầu: “Ngươi ở đâu?”. Thiên Chúa không ngừng lặp đi lặp lại câu hỏi ấy, lời gọi tìm ấy. Mãi mãi vẫn là Thiên Chúa đợi chờ.

Trung tín với lời hứa thì cũng kiên nhẫn đợi chờ. Tuy đã có khi Thiên Chúa như hết kiên nhẫn được nữa mà “hối tiếc vì đã làm ra con người trên mặt đất” và như muốn “xóa sạch khỏi mặt đất…từ loài người cho đến súc vật, côn trùng và chim trời”. Nhưng vì còn có một Nô-ê “đã được nghĩa trước mặt Giavê” chứ không núp mình khuất mặt Ngài, Thiên Chúa đã đành làm lại tất cả từ đầu với Nô-ê: “Hãy sinh sôi nảy nở và nên đầy dẫy trên mặt đất” (St 6,5-9,1).

Thiên Chúa chọn và kêu gọi Adam, giao ước với ông, cho ông trở thành abraham, “cha của hằng hà sa số dân tộc”, đặc biệt là tổ phụ Dân Ngài. Abraham đã tin, không một lần trốn, núp mình khuất mặt Giavê, không một lần khiến Thiên Chúa phải hoi tìm: “Ngươi ở đâu?”. Có gì đi nữa thì ông chỉ “sấp mình xuống mà cười” khi ông không thể không bụng bảo dạ: “Há người trăm tuổi lại có con? Há Sara chín mươi tuổi đầu lại còn sinh nở” (St 17,17). Sara cũng phải cười (18,12) vả về sau Ismael lại cười (St 21,9). Phản ứng của những người lành mạnh như sau này khi Maria ngỏ ý thắc mắc trước lời truyền tin. Chính Thiên Chúa khi hứa ban cho Abraham một con trai đã không thiếu nụ cười hóm hỉnh: tên của Isaac, Ishq-El, có nghĩa là là “ước gì Thiên Chúa cười, thương đoái” hoặc “đã cười mà đoái thương”! Thiên Chúa không hề phiền trách những nụ cười kia. Ngài biết Abraham vẵn “tin không nao núng…Đối với lời hứa của Thiên Chúa, ông đã không cứng tin mà hoài nghi, trái lại ông đã nên cường tráng trong lòng tin mà tôn vinh Thiên Chúa” (Rm 4,19-21).

Nhưng dòng dõi của Abraham, đặc biệt là Dân Chúa, thì đã không như Abraham. Xét chung Thiên Chúa đã không còn “cười” được nữa với dân Ngài. Dân đã được Ngài làm tất cả để giải phóng khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, nuôi dưỡng, dìu dắt suốt 40năm trên đường đi tới Đất Hứa, luôn “ôm ấp, lo bảy lo ba, giữ gìn ví thử con ngươi trong mắt” (Đnl 32,10). Dân quý hóa ấy của Thiên Chúa đã không biết bao nhiêu lần thất trung, núp mình khuất mặt Giavê, khiến Ngài cứ phải đợi chờ, tìm lại. Bao nhiêu ngôn sứ được sai đến với họ chẳng qua là để gọi họ trở về…

Thiên Chúa đã đợi chờ, kể cả đợi chờ như người chồng bị phản bội không biết bao nhiêu phen. “Nghĩa nộ như lụt dâng trào”, năm lần bảy lượt Thiên Chúa đã ngoảnh mặt đi một lúc nhưng rồi vẫn lại đoái thương và như thấy cần phải thanh minh cho tình thương quá mức tình cảm thường tình này: nào là “ai nỡ rẫy từ người vợ cưới lúc thanh xuân”, nào là “bởi tình nhân nghĩa muôn đời” (Is 54,5-10). Với ngôn sứ Hôsê, Giavê còn phán dạy: “Một lần nữa, người hay đi yêu một người vợ (có) tình nhân và sống ngoại tình. Như Giavê yêu con cái Israel cho dẫu chúng quay đi với các thần khác và yêu thích mứt nho” (Hs 3,1).

Thiên Chúa đã đợi chờ, như người bạn của Isaia, chủ một vườn nho. Ông đã ra công ra sức làm tất cả: “vỡ đất, nhặt đá, trồng nho đan tử, cất tháp canh giữa vườn, khoét sẵn cả một bồn đạp nho…, có gì phải làm mà đã không làm?”. Ông trông chờ vườn nho sai trái, “nhưng nó đã sinh nho dại” (Is 5,1-7). Theo một ví dụ trong các Tin Mừng Nhất Lãm thì sau khi làm tất cả rồi, chủ vườn nho giao “cho tá điền trông vườn nho và trẩy đi xa”. Nhưng mùa trái đến, ông cứ phải chờ…Một lần, hai lần sai tôi tớ đến thu hoạch nho, tôi tớ bị đánh đập, thậm chí còn bị giết hại. “Sau cùng ông sai người con của ông đến với chúng mà rằng: “Chúng sẽ kính nể con ta”. Thế nhưng kết quả thế nào thì chúng ta cũng đã biết (Mt 21,33-42). Đợi chờ như trong Isaia hay như theo các Tin Mừng Nhất Lãm, rốt cuộc Thiên Chúa cũng chỉ gặp “thay vì nghĩa dày thì này những ai oán” (Is 5,7).

Thiên Chúa đã đợi chờ. Đợi chờ như nhà vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử, trong một ví dụ khác theo Matthêu và Luca. “Tiệc đã dọn sẵn, bò bê thú béo đã hạ,mọi sự sẵn sàng”. Nhưng nhà vua cứ phải đợi. Hai lần nhà vua sai gia nhân đi gọi khách đã được mời, “nhưng không thèm đếm xỉa, họ bỏ đi, người ra đồng, kẻ trẩy đi buôn”. Thiên Chúa đã đợi chờ dân Ngài một cách vô ích. Nhưng từ cuộc đợi chờ vô vọng ấy lại xuất phát Tin Mừng lớn lao cho muôn dân, cho tất cả mọi người: “Bấy giờ vua nói với các tôi tớ: Tiệc cưới đã sẵn, nhưng khách mời đã không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, hễ gặp ai thì mời vào tiệc cưới” (Mt 22,1-10).

“Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Đưa họ vào tiệc cưới, nơi “không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, vì hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28; Cl 3,11). Hội Thánh từ đầu đến giờ vẫn không làm gì khác những tôi tớ của nhà vua: “ra các nẻo đường, thâu nạp mọi người gặp được, bất luận dữ hay lành”.

Khác với Tin Mừng theo thánh Luca. Tin Mừng theo Thánh Matthêu ghép thêm chuyện y phục lễ cưới vào ví dụ tiệc cưới. Phải chăng vì Hội Thánh tiên khởi đã sớm có kinh nghiệm là một khi Hội Thánh đã ra các ngả đường, gặp ai cũng mời vào tiệc cưới thì không phải đã ổn cả rồi, nhà vua hết phải đợi chờ, không phải là Thiên Chúa hết phải đợi chờ.

Đúng là tiệc cưới đã dọn sẵn. Hoàng tử đã ở đó. Các cửa đều được mở toang, ai cũng được gọi mời vào. Nhưng đâu phải ai cũng đã vào bàn tiệc đông đủ? Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa đợi chờ và Hội Thánh mãi mãi cho đến tận thế sẽ không bao giờ hoàn thành được sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Ngay cả những Kitô hữu đã vào tiệc rồi, chưa hẳn Thiên Chúa hết phải đợi chờ họ. Ta đã ngồi vào bàn tiệc, nhưng có lẽ còn ngại ngùng, còn “lo lắng xôn xao về nhiều chuyện” (Lc 10,41), còn vì thế này thế nọ mà chưa thực sự có mặt, chưa dự tiệc thật tình, tận tình, “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Đnl 6,1-9; Mc 12,28-34). Phần nào lòng ta, linh hồn ta, trí khôn ta vẫn còn ra đồng, đi buôn, vẵn chưa đến, vẫn ở ngoài. Và cứ nhìn cái vẻ mơ mơ màng màng, “lãng đãng như gần như xa” của ta, làm sao Thiên Chúa không phải lên tiếng hỏi như đã hỏi con người trong vườn xưa: “ngươi ở đâu?” Hơn nữa, vì vẫn còn quá nhiều chỗ trong tiệc và bên ngoài thì vẫn còn có nhiều “ăn mày, tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14,20) như ta, hẳn Thiên Chúa còn phải hỏi ta như đã hỏi Cain: “Em ngươi ở đâu?” Chồng ngươi ở đâu? Vợ ngươi ở đâu? Con ngươi ở đâu? Họ hàng ngươi ở đâu? Bạn bè ngươi ở đâu? Láng giềng, đồng nghiệp ngươi ở đâu? Thậm chí: kẻ thù, người chống đối, ghét bỏ ngươi ở đâu? Sao không đưa họ tới dự tiệc cưới? ai sẽ dám trả lời: “Tôi không biết! tôi có phải là người canh giữ em tôi ư?” (St 4,1-9).

Mùa vọng là Chúa đợi còn hơi người chờ. Trước khi người chờ Chúa thì Chúa đã đợi người. Chúa đợi người cả khi người không chờ Chúa, tìm gọi người cả khi người “núp mình khuất mặt Chúa”. “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4) cũng chính là Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ.

Niềm vui hội ngộ có lớn lao, tưng bừng khôn tả thì không do bởi người chờ Chúa cho bằng do bởi Chúa đợi người. Đứa con đi hoang đã không hề chờ gặp lai Cha hắn, đến khi trở về lại chỉ dám chờ được nhận như một kẻ làm công thôi. Cơm rau độ nhật là đủ để đáp ứng sự mong chờ của hắn. Nhưng cha hắn đã không ngớt đợi hắn, đợi con chứ không đợi một kẻ làm công, đợi con đã chết mà lại hoàn sinh vẫn là con. Cho nên “phải ăn khao mà mừng chớ”. 99 con cháu ngoan hiền có tụ họp lại ngày giỗ, ngày tết cũng chưa từng được thết đãi tưng bừng đếnthế.

Mùa vọng, “tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối người đi” chẳng qua cũng là vọng lại câu hỏi đầu tiên trong thánh sử, tiếng gọi tìm: “Ngươi ở đâu?”. Anh, chị, em, tôi, mỗi chúng ta đang ở đâu khi Cứu Chúa, tức là Đức Kitô Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến, khi Hồng ân Thiên Chúa bao la vẫn mở rộng cửa đón chờ?

Gs Nguyễn Ngọc Lan
2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: