Saturday, 13 March 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Mùa Chay: Mùa Vọng Phục Sinh

Chủ Nhật IV Mùa Chay

(Ga 3: 14-21)

“Dấu đền thờ” minh định Chúa Yêsu nhờ cuộc vượt qua, chết – sống lại của Ngài, trở thành đền thờ duy nhất, bất diệt của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa hiện diện và kẻ tin gặp gỡ Thiên Chúa. Theo Ga 3: 14-21 hôm nay, Chúa Yêsu là Đấng duy nhất đủ thẩm quyền nói về “việc trên trời” (coelestia) vì duy một mình Ngài xuống – lên, tự trời mà xuống và sẽ lại lên trời. “Con Người” vừa phải “bị” vừa phải “được giương cao lên”. Tin Mừng theo Thánh Yoan coi tất cả chết – táng xác – sống lại – lên trời là một biến cố duy nhất; Giờ của Chúa Yêsu. Chết đối với Chúa Yêsu “như Ngài đã ám chỉ Ngài sẽ phải chết cách nào” (Ga 18: 32) không chỉ là thảm kịch vì còn là “được giương cao”. “Bị” giương cao trên thập giá (Ga 3: 14) cũng có nghĩa là “được” nâng nhắc lên bên hữu Thiên Chúa (Cv 2: 33) Chúa Yêsu chịu đóng đinh trên thập giá cũng là Chúa Yêsu khải hoàn vinh hiển. Xét cho cùng, mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô là giữa hai mặt thật của cùng một biến cố, một thực tại duy nhất, hơn là giữa hai điểm có khoảng cách không gian và thời gian (như Vượt Qua của dân Do thái dưới sự dẫn dắt của Môsê, thậm chí như thống khổ và vinh hiển được nhìn cách biệt nhau trong các Tin Mừng Nhất Lãm).

Trên thập giá, giờ toàn diện, giờ kết thúc và cũng là giờ mở đầu kia bao hàm một mặc khải cánh chung mà những người Do Thái không sao hiểu được, tuy đã có sẵn hình bóng trong Cựu Ước. Cũng như dân Do thái xưa kia trong sa mạc phải nhìn con rắn do Môsê đưa lên cao để thoát khỏi nọc rắn (Ds 21: 4-9) thì khi Chúa Yêsu chết lại chính là thời cánh chung bắt đầu, người ta phải nhìn Con Người bị và được giương cao lên, phải tin – nhờ Ngài mà được sống đời đời.

Không phải chỉ ở đây Tin Mừng theo Thánh yoan mới dùng từ “giương cao lên” đa nghĩa như vậy. “Khi các ngươi giương cao Con người lên, bấy giờ các ngươi sẽ biết chính là Ta” (Ga 8: 28-29). “Chính bây giờ cuộc phán xét thế gian này; chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài! và Ta, một khi được giương cao lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi ngưòi lại với Ta” (Ga 12: 31-32). Thập giá trở thành điểm hẹn và hứa hẹn chiều cao. Chiều cao vời vợi của Chúa Kitô Sống Lại- Lên Trời và của những ai “tin thì nhờ Ngài mà được sống đời đời.”

“Sự sống đời đời” là nói như Đn 12:2 (Mc 10: 30 thì theo công thức của các rabbi” “sự sống của thời sẽ đến”). Đáng chú ý là sau khi đã nói “vào được nước Thiên Chúa” (Ga 3: 5), đây là lần đầu tiên Tin Mừng theo Thánh Yoan dùng công thức “sự sống đời đời” rồi từ đây sẽ chỉ nói đến “sự sống đời”. “Sự sống đời đời” như vọng lại từ quan niệm chung luận tiên khởi, nhưng chung luận này bây giờ đã thành sự thực trong lịch sử với sự xuất hiện của Chúa Yêsu: Ngài chết – sống lại, ai tin vào Ngài thì nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài đã đón lấy sự sống của thời sẽ đến” mà được hưởng trước ngay trong hiện tại. Đây là chỗ chung luận Kitô giáo khác hẳn chung luận Do Thái Giáo (Đn 11: 21 – 12: 13). Và “sự sống đời đời” này khác với sự sống sẵn có cả về lượng lẫn về chất. Về lượng: sự sống đời đời là sự sống bất tận, không như sự sống tạm gửi trần gian. Về chất: sự sống đời đời là một kiểu sống khác, một chất sống khác. Khi “sự sống đời đời của thời sẽ đến” với đặc tính của nó được chuyển vào thời gian hiện tại của người tín hữu, dĩ nhiên là vẫn phải nhấn mạnh về tính chất siêu phàm, siêu nhiên (khác hẳn sự sống phàm tục, tự nhiên). Nhưng sự sống ấy không trừu tượng theo quan niệm Hy Lạp (Platon). Siêu phàm, siêu nhiên mà không siêu thoát, không siêu thực. Ngôi Lời đã nhập thể, Chúa Kitô đã chết – sống lại ngay từ thân phận làm người của Ngài, ngay trong thân xác của Ngài thì kẻ tin cũng “được sống đời đời” ngay trong cuộc sống đời thường của mình. Hoạt động, tiến triển, sự sống hiện tại của họ không tách biệt với “sự sống đời đời” (có thể đối chiếu với Gl 2: 20 và chú thích trong bản dịch Nguyễn Thế Thuấn hay trong TOB)

Một lần nữa, người tin có thể hát Hallêluyah trong lòng ngay từ Lễ Tro: họ không chỉ là bụi tro, không thuần là tro bụi. Và có sẽ trở về tro bụi, thì cũng không phải sẽ chỉ còn và mãi mãi là bụi tro. Ngay từ bây giờ, “tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được sống đời đời.”

Mùa Chay vẫn là Mùa Vọng Phục Sinh. Lòng tin không phải cam phận nhìn xuống đất mà được mời gọi nhìn lên. Nhìn lên Con Người “bị” đưa lên thập giá cũng là “được” đưa lên bên hữu Thiên Chúa.

Gs Nguyễn Ngọc Lan
2002

(xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: