Wednesday, 24 March 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Mầu Nhiệm Con Người



Đã tin vào Chúa Kitô thì không còn có thể nhìn con người mà không nhìn trong quan hệ với Chúa Kitô. Không ai “ở ngoài” Chúa Kitô được. Không ai “vô can” với Chúa Kitô được. Mọi nhân sinh quan “tự nhiên” đều là thiếu sót. Con người chỉ xét theo sinh học hay theo triết học đều chỉ là con người phiến diện. Vì con người cụ thể, con người thực sự, con người lịch sử, con người đã có, đang có và sẽ có là con người “được tạo thành trong Chúa Kitô”, con người liên quan tới Ngài. Mọi người, tín hữu hay không, đều mang sẵn từ nguyên khởi, từ bản chất một kích thước Kitô hữu, đều nằm trong lịch sử cứu độ viên thành trong Chúa Kitô. Con người nói như thế là một mầu nhiệm.

Nói như J. Mouroux (Sens Chrétien de l’ Homme, p. 258) “Con người” chìm trong xác thịt, nhưng cũng làm bằng tinh thần, nghiêng về vật chất, nhưng lại được thu hút về phía Thiên Chúa, lớn lên trong thời gian nhưng đã thở không khí đời đời, thuộc về tự nhiên và về thế gian nhưng cũng siêu việt vũ trụ nhờ có tự do và khả năng kết hợp với Thiên Chúa… như thế con người từ cội rễ là một “mầu nhiệm” không chấp nhận để cho mình “suy thoái thành vấn đề”.

Chỉ từ mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người mà con người có thể thoáng thấy được chính mầu nhiệm của mình. Các giáo phụ thường nhắc lại là chính bằng cách đích thân làm người mà Thiên Chúa mặc khải con người cho con người. Pascal đã tóm kết truyền thống đó: “Chẳng những chúng ta chỉ được biết Thiên Chúa là nhờ Đức Yêsu Kitô, mà chúng ta chỉ có thể biết chính mình là nhờ bởi Đức Yêsu Kitô.” Đây cũng là một góc nhìn chủ yếu của Công đồng Vatican II khi nói tới con người : Như trong hiến chế mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Đức Yoan Phaolô II trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người, tiết 10, cũng nhấn mạnh :

“Con người nếu muốn hiểu mình đến nơi đến chốn thì không thể bằng lòng với những tiêu chuẩn và kích thước tức thời, phiến diện, nhiều khi hời hợt và thậm chí chỉ là cái vỏ bên ngoài, để rồi lấy đó làm bản thể mình, nhưng với tất cả những xao xuyến và bấp bênh, thậm chí với cả những yếu đuối và tội lỗi của mình, với sự sống sự chết của mình, phải đến gần Chúa Kitô. Nói được là phải vào trong Chúa Kitô với tất cả thực hữu của mình, phải đồng thời thú nhận tất cả thực tại Nhập Thể và Cứu Chuộc thì mới tìm lại được chính mình. Nếu con người để cho tiến trình đó được thực hiện nơi mình một cách sâu sắc thì nó sẽ sinh hoa kết trái không những là sự tôn thờ Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là việc khám phá ra sự lạ lùng tuyệt diệu nơi chính bản thân mình…”

Như thế, cũng như thần học nói chung không thể không dựa vào Kitô học (“Ai thấy Ta là thấy Cha”. Yn 14, 9-10), thần học về mầu nhiệm con người cũng phải bắt đầu từ một cái nhìn chin chắn và đầy đủ (tương đối!) về Chúa Kitô (có thể phụ họa : “Ai thấy Chúa Kitô thì mới thấy được chính mình”). Ở đây sẽ chỉ nhấn mạnh vài điểm :

a. Chính từ mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người mà con người được ơn Thiên Chúa kêu gọi mình.

b. Được cơ may gặp gỡ tha nhân cách đích thực

c. Có điều kiện tích cực nhất để đón đợi và loan báo Tin Mừng.

d. Sống cuộc đời sống lại.



  1. Ơn kêu gọi làm con cái Thiên Chúa

Thế giới ngày nay ngày càng được “giải thiêng”. Con người ngày càng như chứng kiến “cái chết của Thiên Chúa”. Nhưng thực ra con người ngày nay chỉ đạp đổ những ngẫu tượng, thần tượng hơn là vì tiến bộ khoa học kỹ thuật mà hết được “nỗi khao khát khôn nguôi” của lòng mình (Tđ Đấng Cứu Chuộc con người, tiết 18). Còn có thể nói : thế giới càng được giải thiêng đúng đắn, càng sạch bóng thần tượng, ngẫu tượng (nhưng có sạch được không hay chỉ đổi kiểu ?) thì nỗi khao khát khôn nguôi kia càng sâu đậm hơn, càng có cơ may mở ra đúng hướng hơn, vì không còn được lấp láp cách giả tạo. Ngay cả Kitô hữu vẫn chưa dễ gì hết nguy cơ thờ ngẫu tượng như dân Do Thái…

Mỗi con người vẫn cảm thấy ánh lửa lo âu, khao khát và bất mãn, ở bề sâu nhất trong ruột gan nhân loại. Con người là hữu thể tự do muốn được tự do với chính sự tự do của Thiên Chúa. Làm người là có khuynh hướng thành Thiên Chúa… Con người tự căn bản là niềm khao khát Thiên Chúa.

Thực tế đó thật là kì diệu. Nhưng kẻ đã tin vào Con Thiên Chúa làm người thì cũng khám phá được đầu mối của mầu nhiệm bản thân mình : là “người phàm” nhưng lại được kêu gọi “tham dự vào thiên tính”, trở nên con cái Thiên Chúa trong Con Một của Ngài, filii in Filio, nhờ ơn Thần Khí. Ơn kêu gọi này không phải là một thứ gì ngoại lai đối với con người lịch sử. Không phải như phiến đá được ban từ trên định núi Sinai, mà là chính bản thân Chúa Kitô. Ơn kêu gọi đó được ghi khắc từ nguyên khởi vào chủ vị mỗi con người bởi mối tương quan với Chúa Kitô là Con Một của Thiên Chúa. Con người không được tạo thành khơi khơi, nhưng trong thực tế lịch sử và lịch sử cứu độ đã được “tạo thành trong Ngài” là như vậy.

Đành rằng con người vẫn là con người tự do, cho nên mỗi người còn phải tích cực và tự do đáp lại ơn kêu gọi nguyên khởi kia bằng cách tự nguyện đón nhận ơn tái sinh cách này hay cách khác để được dự phần vào đời sống Thiên Chúa trong Đức Kitô. Tuy nhiên, trước và sâu xa hơn mọi sự lựa chọn ý thức và tự do thì ngay trong bề sâu con người mình, ngay từ chỗ được tạo thành làm người, mọi người đều được Chúa Cha yêu thương đón sẵn và thu hút mình trong Con Một của Ngài làm Người và có được quan hệ con cái nào đó với Chúa Cha trong Con của Ngài.

Ep 1,4-5 : “Bởi chưng Thiên Chua đã chon ta trong Đức Kitô từ trước tạo thiên lập địa, để ta được nên thánh… Bởi lòng yêu mến Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Yêsu Kitô…”. “Chọn” và “tiền định” này có thể được hiểu, ít nữa là trong mức độ nào đó, về tất cả mọi người. Hội Thánh vẫn khẳng định về “ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Ở đây chúng ta đã chỉ thấy cụ thể hơn ý muốn cứu độ phổ quát ấy đã hình thành trong bản thân Chúa Kitô. Chúa Kitô là hiện thân của ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa.

Trong thông điệp Đấng Cứu chuộc con người, ở cuối tiết 13, Đức Yoan Phaolô II đã có những lời lẽ phải nói là đặc biệt thiết tha

“Con người như đã được Thiên Chúa muốn như đã được Ngài chọn từ đời đời, được gọi, được hướng định cho hưởng ân sủng và vinh quang : con người nào cũng là thế đó, con người cụ thể nhất, có thực chất chình là thế đó, là con người trong tất cả sự đầy đủ của mầu nhiệm mà mình được tham dự trong Đức Yêsu Kitô, cũng như từng con người một trong số bốn tỷ người đang sống trên hành tinh chúng ta đang được tham dự, ngay từ giây phút thành thai gần bên trái tim mẹ mình.”


b. Cuộc gặp gỡ tha nhân


Con người sống là liên lac, giao lưu với nhau. Bề rộng, bề sâu của các quan hệ sống động giữa ta với tha nhân cũng là bề dày của chính sự hiện hữu của ta. Nhưng thường tình, sự giao lưu kia gặp đầy trở ngại và dễ trở thành tuyệt giao hay giao đấu, giao chiến. Dẫu thiện chí tới đâu đi nữa, con người khó đi tới chỗ gặp gỡ tha nhân thực sự, khó phá được vòng thép gai vây kín sự cô đơn của mình. Sự bạc tình của Ađam (St 3, 12), máu Abel (St 4, 8), tháp
Babel (St 11, 9) đều là hậu quả của tội lỗi. Sức ly tâm của tội lỗi đối với Thiên Chúa cũng la sức ly tán giữa người với người.

“Mầu nhiệm người hợp tan, tan hợp chính là mầu nhiệm tội lỗi”. Nhưng nhờ Thiên Chúa làm người, nhờ Ngôi Lời đứng vào giữa cộng đồng loài người, “trưởng tử giữa các vong nhân” :

1.Sự giao lưu giữa người với người không hoàn toàn bế tắc. Người người vẫn có thể có thiện chí tìm nhau, tìm hiểu nhau, gần lại với nhau, giúp đỡ nhau, yêu thương nhau. Sức “quy tâm” của Chúa Kitô (về hướng Cha) cũng là sức quy tụ người người lại với nhau, chống lại sức ly tâm và ly tán của tội lỗi.

2.Liên lạc giữa người với người không còn có thể thuần túy đối nhân nữa. Người ta có thể không biết Chúa Kitô nhưng không thể tránh né Ngài trong cuộc sống, không thể không đụng tới Ngài trong thực tế mọi tình cảm, mọi liên lạc với kẻ khác, và với bất kì kẻ nào khác. Vì tương quan nào giữa người với người cũng là tương quan giữa những con người vốn sẵn có tương quan với Chúa Kitô.

Sự phân biệt “nhân ái” (philanthropie : thương người chỉ với tư cách thuần túy là người… tự nhiên) với “lòng mến” chỉ đúng là về mặt ý thức chủ quan mà thôi. Trên bình diện hiện sinh, thực tế khách quan, không có sự phân biệt đó được. Không làm gì có thứ con người hoàn toàn vô can với Chúa Kitô để thương để ghét nơi tôi, mà cũng không tìm đâu ra con người hoàn toàn vô can với Chúa Kitô để tôi thương tôi ghét một cách thuần túy… tự nhiên.

Mọi hành động thực sự của con người đều hoặc là có công với Thiên Chúa hoặc là tội phạm với Ngài. “Việc giúp nhau nhỏ nhặt nhất cũng mang tầm vóc của Con Người. Và cũng vậy, điều thiếu sót nhỏ nhặt nhất lại thành nghiêm trọng vô biên”. Xét cho cùng không có “lập trường thứ ba” trên cõi đời này (thứ lập trường trong thực chất cuộc sống – không nói trong ý thức – trung lập, vô can đối với Chúa Kitô) cũng như sẽ không thể có ‘thế giới thứ ba’ ở đời sau, ngoài Thiên đàng (Luyện tội chỉ là sân trước của Thiên Đàng) và Hỏa ngục: không làm gì có “Lâm-bô”.

Đó chính là ý nghĩa của Mt 25, 31-46, một đoạn Tin Mừng cho mọi người và về mọi người : Chúa Yêsu trả lời một thắc mắc của các đồ đệ sau khi nghe Ngài dạy về những nghĩa vụ của các kẻ đi theo Ngài : Còn những ai chưa từng biết, chưa từng “thấy Ngài” thì số phận sẽ ra sao (xem thêm trong TOB, ghi chú)? Chỉ những người như thế mới sẽ phải thắc mắc : “Có bao giờ chúng tôi thấy Ngài đói mà đã nuôi dưỡng, khát mà đã cho uống…”

3. Mến Chúa, thương người “tuy hai mà một” (Mt 25,39 và Rm 13,8-10, 1Ga 4,7. Xem tt. 146-154).

4. Sự hiệp thông trong Hội Thánh đã hẳn là thể hiện việc ‘nên gần nhờ bửu huyết của Đức Kitô’ (Ep 2,13-22) một cách đầy đủ, trọn vẹn và ý thức hơn cả. Cũng như chính sự chết – sống lại (bửu huyết) của Chúa Kitô hoàn thành việc giao hòa loài người bắt đầu từ Mầu Nhiệm Nhập Thể. Nhưng phía con người, kể cả trong Hội Thánh, vẫn còn phải chờ ngày ‘Chúa lại Đến’ mới là ngày giao hòa hoàn toàn, ngày Chúa Kitô lập lại hoàn toàn sự thống nhất, hòa hợp giữa loài người được cứu độ và giữa toàn thể vũ trụ, ngày mà ‘cả ta nữa’ cũng như toàn thể tạo thành không còn phải ‘rên xiết’ trong hy vọng nữa (Rm 8,22-24).

c. Đón đợi và loan báo Tin Mừng

Cho dầu thời đại này là thời đại giải thiêng, cho dầu xã hội học có cho thấy con người ngày nay gặp những trở ngại gì đi nữa trên đường đi tới Đức Tin, thì đối với tín hữu : điều căn bản và vẫn còn đó chờ Con Thiên Chúa làm người, con người từ bề sâu chủ vị mình vẫn được mở sẵn cho Thiên Chúa và cho anh em mình, con cái Thiên Chúa hay đúng hơn Chúa Kitô vẫn có mặt sẵn nơi từng người – tối thiểu là bằng quan hệ nguyên khởi giữa Ngài với họ - để mời đón tình thương của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Người ta có thể chưa biết tới Ngài, chưa đón nhận Ngài, nhưng không vì thế mà “ơn cứu độ nguyên khởi” hết tác dụng nơi họ.

Tội lỗi, từ tội nguyên khởi cho đến tội mình làm, quả là một thực tại sâu xa và tàn bạo. Không thể coi thường và đùa vời sự hiện diện của “Kẻ Ác” (Mt 5,37; 6,13; 13,19.38; Ga 17,15). Nhưng tội lỗi, Kẻ Ác không ‘múa gậy vường hoang’ trong một cuộc đời nào cả, càng không múa gậy vườn hoang giữa thế gian này nói chung. Còn có Chúa Kitô. Còn có ân sủng của Ngài siêu bội. Con Thiên Chúa đã có mặt, và “đầu mục thế gian này đã bị lên án rồi” (Ga 16,8-11), sẽ bị đánh quỵ, “bị đuổi ra ngoài” (Ga 12,31, xt : 14,30). Cho nên còn có thể nghĩ rằng tội lỗi càng làm tổn thương con người sâu rộng thì nỗi khao khát khôn nguôi cũng càng được ơn Chúa Kitô làm cho sâu rộng hơn thêm. Tóm lại, cho dẫu họ ‘tưởng’ là chuyện không ăn nhằm gì tới mình, người nào cũng vậy, từ bề sâu nhất của chủ vị mình, vẫn không thôi đón đợi sự tỏ hiện của Thiên Chúa trong Đức Tin, đón đợi Tin Mừng, ít nữa vì mối liên hệ nguyên khởi của mỗi người với Người-Thiên Chúa.

Chính đó là điều mời gọi và làm cơ sở nội tại cho việc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Loan báo Tin Mừng không phải chỉ là do một chỉ thị, một sứ vụ từ ngoài tới và có tính cách ‘đối ngoại’. Loan báo Tin Mừng là vừa do sức đẩy đi của Thánh Thần từ bên trong lòng tin của Hội Thánh và của từng Kitô hữu, vừa do sức kéo tới của Chúa Kitô đã sẵn có mặt một cách nào đó nơi người chưa biết Ngài. Sứ vụ loan báo Tin Mừng là vừa được sai đi (bởi Chúa Kitô trong tôi) vừa được gọi tới (bởi Chúa Kitô liên hệ với anh em tôi). Cho nên một người như Thánh Phaolô mới không bao giờ ở yên được : “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Vì vậy :

1. Loan báo Tin Mừng không phải là chuyện phiêu lưu hay “khẩn hoang”, mà là một hành động đức tin, tin vào Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô và vào sự hiện diện đón đợi của Ngài nơi kẻ khác. Người loan báo Tin Mừng không bao giờ là kẻ mở đường, đi tiên phong nhưng chính Đức Kitô và chỉ Đức Kitô mới là kẻ luôn luôn đến trước. Và đó là điểm tựa vững chắc nhất cho lòng trông cậy phải luôn luôn nuôi dưỡng mọi nỗ lực loan báo Tin Mừng.


2. Loan báo Tin Mừng là loan báo Chúa Kitô không phải như một ai hoàn toàn xa lạ, mà như một kẻ lạ mà quen. Do đó chất liệu có thể là chính cuộc sống của người ta : cho người ta thấy Chúa Kitô đã hiện diện, đã hành động như thế nào ngay trong cuộc sống ấy, cho người ta thấy những “dấu hiệu” của Thiên Chúa trong đó. Tương tự như Thánh Phaolô với dân Athêna, nhưng một cách còn thực tế và hiện sinh hơn : Đấng anh em không biết nhưng vẫn mong chờ, và chính Ngài vẫn có mặt nơi anh em, “thì này đây, tôi xin loan báo về Ngài cho anh em” (Cv 17,23).

3. Loan báo Tin Mừng theo nghĩa “biện bạch về niềm hy vọng” (1P 3, 15) “loan báo tỏ tưởng, không mập mờ về Chúa Giêsu” (Tông huấn Loan báo Tin Mừng, tiết 22) là cần thiết và khẩn cấp. Tuy vậy, loan báo Tin Mừng còn có ý nghĩa rộng rãi và đầy đủ hơn, đó là ‘Tin Mừng hóa’, như cũng được nhấn mạnh trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, các tiết 17 – 20 và 31 :

(Tiết 31 này thật ý nghĩa ở đây, nhưng cũng đừng quên tiết 32 sau đó nhắc nhở : đừng vì thế mà giản lược hay mập mờ về sứ điệp đặc biệt của Hội Thánh : “Triều đại Thiên Chúa trước hết mọi điều khác”)

Một sự “giải thiêng” (désacralisation) chính đáng phải càng khiến cho người tín hữu nhận chân điều này là không có liên quan tới con người mà hoàn toàn là “phàm tục” cả. Tưởng gốc cây cổ thụ nào cũng là nơi trú ngụ của thần thánh, ma quái là mê tín; nhưng nghĩ rằng tạo thêm một bóng cây mát cho trẻ em ở một góc sân trường cũng là tạo thêm một bóng cây cho chính Chúa Kitô thì lại là chân tín vào Mầu Nhiệm Nhập Thể, tin theo lời dạy ở Mt 25,31tt. Không có gì liên quan tới con người mà hoàn toàn là “phàm tục” vì từ nguyên khởi, con người là con người liên hệ tới Chúa Kitô cho nên toàn diện đời sống con người cũng liên hệ tới Chúa Kitô (cũng như toàn diện đời sống Chúa Kitô, vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người để thực hiện sứ vụ Cha giao phó cho Ngài, đều có ý nghĩa và giá trị cứu độ). Đó chính là lý do khiến Hội Thánh tuy ý thức mình không có trách nhiệm và thẩm quyền “chính trị” vẫn xác nhận : “Vì lòng tôn trọng Đức Kitô và do bởi mầu nhiệm làm thành sự sống của chính mình, Giáo Hội không thờ ơ với tất cả những gì phục vụ lợi ích thật của con người, cũng như không thể vô tình đối với những gì đe dọa lợi ích này…” Và “đây là nói về con người trong tất cả sự thật, trong đầy đủ kích thước của con người” (Tđ Đấng Cứu Chuộc Con Người, tiết 13). Cho nên mọi cử chỉ yêu thương, phục vụ, mọi hành động “tác tạo hòa bình” (Mt 5,9), mọi nỗ lực giúp con người sống với con người cho ra người hơn, đều mang thực chất Kitô hóa, Tin Mừng hóa.

Loan báo Tin Mừng cho dẫu là “cả khi thuận cũng như lúc nghịch” tuy khẩn thiết nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Nhưng Tin Mừng hóa là và phải là công việc thường xuyên hơn của mọi kitô hữu, nếu không phải là trọn cả cuộc sống kitô hữu khi được sống theo Thần Khí Chúa Kitô. Bản thân Chúa Kitô không phải lúc nào cũng đã loan báo Nước Trời (chỉ vài năm trời ngắn ngủi) nhưng lúc nào cũng đã “ở cùng chúng ta”. Loan báo Tin Mừng hay chưa loan báo Tin Mừng, loan báo mà nghe được hay không được nghe thì trước sau và luôn luôn Ngài vẫn không ngừng thực hiện chương trình cứu độ của Ngài, công trình Tin Mừng hóa cẳn bản, bằng sự sống, sự chết và sống lại của Ngài.

4. Loan báo Tin Mừng là trong một niềm trông cậy lạc quan bất diệt, bất khuất.

Vì việc loan báo Tin Mừng không bao giờ vô ích và vô hiệu. Ta có thể gặp đủ thứ trở ngại, đủ thứ khó khăn do ta, do người, vụng về, hiểu lầm, đố kỵ, thành kiến, chống đối.v.v… Nhưng vì chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người với mỗi người, vẫn đi trước chúng ta, đã có sẵn đó, đã “thắng kẻ đầu mục thế gian” từ sự chết sống lại của Ngài, chúng ta có quyền tin rằng việc loan báo Tin Mừng không phải là vô bổ dẫu mình không thấy được kết quả tức khắc, trước mắt. Chưa kể chúng ta còn biết rằng nỗ lực Tin Mừng hóa vẫn mang theo niềm trông cậy sự giao hòa cánh chung và lời cầu nguyện Mranatha “Xin hãy đến, lạy Chúa” (Kh 22,20).

Vì việc loan báo Tin Mừng tuy nằm trong nhưng giới hạn không gian, thời gian nhưng không bao giờ “kẹt” trong những giới hạn đó. Chúa Kitô vẫn đến trước và đi xa hơn bước chân của Phaolô và mọi kẻ truyền khác. Và trong mọi hoàn cảnh, ẩn sủng vẫn dồi dào hơn tội lỗi. Chúa Kitô đã quả quyết niềm trông cậy, lạc quan đó khi người đời, có khi cả các đồ đệ, đã xầm xì về những kết quả không ra gì của công việc truyền giảng của Ngài : Mt 13,31-33. Và Thánh Phaolô là cả một thái độ trông cậy, lạc quan, bất khuất qua bao nhiêu thử thách, thăng trầm của cuộc đời loan báo Tin Mừng : “Chúng tôi bị ép dồn mọi mặt, nhưng không bị nghẽn, lâm bĩ nhưng không mạt lộ, bị bắt bớ nhưng không bị bỏ, bị quật ngã nhưng không bị diệt. Mọi thời và khắp nơi…” (2Cr 4,8).


d. Cuộc đời vượt qua, sống lại


Mọi người đều là anh em của Người, Thiên Chúa và tham dự quan hệ làm Con Thiên Chúa của Ngài. Nhưng ngay cả với mức tham dự của người tín hữu, chúng ta vẫn là những con người chuyển biến và những con người chưa thoát hẳn được ảnh hưởng của tội lỗi. Cho nên ơn Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm con cái vẫn phải thành hiện thực hơn mãi và khai triển trong hoàn cảnh con người sống trong thời gian và đã từng sa ngã. Đối với mọi người cũng như đối với chính Chúa Kitô, đã bắt đầu làm người chỉ là mởi màn cho một cuộc đấu tranh có tính chất cứu độ và hướng tới sự sống lại đổi mới hoàn toàn.

Đó là mầu nhiệm con người sa ngã và được cứu độ. Mầu nhiệm này, nói như J. Mouroux, là “sự cùng hiện hữu sống động của hai ‘lực’ giành nhau bản thân con người khi giành nhau tình thương và sự tự do của con người. Và trong khi tội lỗi tìm cách quyến rũ và bức bách con người thì ân sủng tìm cách cải hóa và giải thoát con người. Trọn cả chủ vị, hồn và xác, các bản năng và đam mê, tình thương và lý trí và xung quanh chủ vị và cũng như trong lòng chủ vị, thế giới các sự vật, thế giới những con người, thế giới các hữu thể vô hình : tất cả những thứ đó là chiến trường bao la, nơi chỗ, chất liệu và địa điểm của cuộc chiến đấu không dứt được, cuộc chiến đấu đối chọi, dưới thế này, các lực lượng tội lỗi tụ tập xung quanh đầu mục thế gian này với các lực lượng ân sủng tỏa ra từ lòng Vua các vua. Mầu nhiệm con người được đi sâu vào cả hai chiều!” (Le sens Chrétien de l’homme, pp. 239-240)

Phải thú nhận rằng kinh nghiệm con người về sự đối đầu này là đau đớn đáng thất vọng. Sau cũng như trước cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa, tội lỗi, hỗn loạn, đau khổ và chết choc vẫn như tiếp tục thống trị, thao túng loài người.

Bề mặt thì đúng thế. Nhưng nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể cứu độ của Con Thiên Chúa, chính cuộc sống con người sa ngã, tối tăm và đau khổ đó lại đã trở thành một cuộc sống vượt qua, sống lại, một cuộc sống được cứu độ (như các giáo phụ Hy Lạp hay nhấn mạnh).

1.Trước tiên con người sa ngã vẫn tiếp tục được sống, mặc dầu có tội, đó là một ơn huệ rồi. Tội lỗi khiến con người tách khỏi Thiên Chúa hằng sống, đem lại cái chết cho con người, cái chết đáng lý về cả mọi mặt (Gc 1, 15, Ep 2, 1 vv…) Nếu như vậy mà những kẻ có tội vẫn tiếp tục tồn tại như những chủ thể hữu vị, liên hệ tới nhau và cũng liên hệ tới Chúa Kitô, vẫn còn được kêu gọi ăn năn trở lại, vẫn còn được kêu gọi “trở về cùng Cha” (Lc 15,18) thì chính là vì “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4). Và Chúa Kitô là “Lòng thương xót này nhập thể và bản vị Ngài, cứ theo một ý nghĩa nào đó, đích thân là Lòng Thương Xót” (Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, tiết 2) đã chấp nhận làm người với tội lỗi, khi họ còn tội lỗi, để cứu độ họ.

2. Tất cả cuộc sống của con người sa ngã trở thành “vượt qua, sống lại” theo nghĩa này là chính Thiên Chúa đích thân chia sẻ cuộc sống đó để biến nó thành một cuộc gặp gỡ, đón nhận ân sủng. Vì “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” cuộc sống của từng người có thể trở thành một chuyện tình của Thiên Chúa một quá trình cứu độ, miễn là con người để cho Tình thương của Thiên Chúa chiếm lấy mình, kể cả khi chưa biết tới danh tánh Tình Thương này. Trong quá trình cứu độ “mọi sự đều góp phần thành sự lành kể cả tội lỗi. (“omnia cooperantur in bonum etiam peccata”) Thánh Augustinô chú giải Rm 8, 28, và Thánh Tôma chú giải Rm, ch. VIII bài đọc 6, 28. Xem thêm Tđ Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, tiết 6.

Tóm lại, do chính việc con Thiên Chúa nhập thể, mọi sự trong cuộc sống con người, đều “có thể giúp vào việc tạo nên tình thương” (Danielou), mọi sự đều có thể trở thành một cuộc “vượt qua”, một cuộc “sống lại” một cuộc gặp gỡ Con Thiên Chúa có tính chất cứu độ và có sức biến đổi. Nói như Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng hoặc như nhân vật chính của Bernanos trong Journal d’ um cure de campagne, và chẳng qua là theo tinh thần Thánh Phaolô (Rm các chương 5, 8, 11) : thực sự “tất cả đểu là ân sủng”. Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa như vậy liên can thực sự tới tất cả mọi người và được thực hiện trong toàn thể lịch sử loài người, cho đến nỗi câu nói kỳ diệu của M. Blondel thật đúng một cách sâu sắc : “Nhân loại càng lớn lên thì Chúa Kitô cũng càng đứng lên” (“A mesure que l’humanité grandit, le Christ se lève”).

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: