Tuesday, 9 March 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chủ Nhật III Mùa Chay

(Ga 2: 13-25)

Cũng như các Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 21: 12tt; Mc 11: 15-17; Lc 19: 45-46). Tin Mừng theo Thánh Yoan kể lại biến cố Chúa Yêsu đánh đuổi dân buôn bán ra khỏi đền thờ, còn gọi là “tẩy uế” đền thờ.

Việc Chúa Yêsu làm, không chỉ đơn thuần là một hành vi đạo đức. Nếu chỉ có thế thì hà cớ gì phải khiến cho “các thượng tế và ký lục tức tối” (Mt 21: 25) và “tìm cách làm sao hại Ngài” (Mc 11: 18; Lc 19: 47). Một nhân vật có uy tín đạo đức ra tay “tẩy uế đền thờ” chẳng qua là chuyện bình thường như nhân viên công lực làm sạch lòng lề đường bị lấn chiếm thôi.

Tuy các Tin Mừng Nhất Lãm có trưng dẫn Gr 7: 11 và Is 56: 7 nhưng cử chỉ của Chúa Yêsu không chỉ có tính cách tiên tri cải cách tôn giáo, chê trách việc sùng bái vụ hình thức, thói tin cậy một cách dị đoan vào đền thờ. Các thượng tế và ký lục đã hiểu không sai: đây là một cử chỉ truất bỏ và thay thế, truất bỏ phẩm trật, trật tự cũ trong việc tôn thờ Thiên Chúa, thay thế bằng một cái gì mới, khác hẳn.

Trước mắt họ, Chúa Yêsu muốn xuất hiện không chỉ như một tiên tri mà còn như Đấng Mêsia của thời cánh chung. Các Tin Mừng Nhất Lãm đặt việc tẩy uế Đền Thờ trong mạch lạc việc Chúa Yêsu tỏ mình là Mêsia: cây vả bị chúc dữ (Mc 11: 12-14), ví dụ các tá điền vườn nho (Mc 12: 1-12), sứ mệnh của Yoan Tẩy Giả (Mc 11: 27-33) rồi sau đó, diễn từ chung luận đáp lại câu hỏi của các môn đệ về “sự gì sẽ là điềm báo mọi sự ấy hoàn tất?”(Mc 13) và cuối cùng là lời về đền thờ được nêu lên trong vụ án để buộc tội Đức Yêsu.

Tin Mừng theo Thánh Yoan còn rõ rệt và đi xa hơn nữa. Dấu lạ Cana ngay trước đó đã có nghĩa là Chúa Yêu “tỏ vinh quang Ngài ra” (Ga 2: 1-11), đem nhiệm cục mới (rượu) đến thay thế cho tất cả trật tự tôn giáo Do Thái sẵn có (nước). Chính việc tẩy uế đền thờ thì được mô tả cặn kẽ hơn và gợi lại Mc 3: 1-3: Yoan đã “vén đường bạt lối”(Ga 1: 19-37) và giờ đây đến nơi đền thờ chính là “vị Chúa tể mà các người đòi hỏi”. Và thay vì trưng dẫn Is 56: 7 quy về Thiên Chúa “Nhà của Ta”, Ga lại ám chỉ Dcr 14: 21: “Nhà Cha Ta” Chúa Yêsu cho mình có quan hệ khác thường và thân mật với Thiên Chúa.

Chính vì hiểu như thế, người Do Thái mới đòi có “dấu” để rõ ‘quyền’. “Phá đền thờ này đi! và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu sau này các môn đệ mới hiểu tất cả ý nghĩa của xác quyết đó thì không hẳn lời Chúa đã hoàn tất vô nghĩa đối với những người trước mặt: ngay cả đền thờ bằng đá kia, Chúa Yêsu quả quyết mình có quyền và có sức đảm đương việc triệt hạ và kiến thiết như chính Thiên Chúa (theo Gr). Người Do Thái chế nhạo: họ nhất định coi Chúa Yêsu chỉ là người thường, chưa phải là Đấng Mêsia “vị Chúa tể mà các ngươi đòi hỏi”: “Phải mất bốn mươi sáu năm… thế mà trong ba ngày, ông…”

Nhưng Chúa Yêsu còn nhắm xa hơn một xác quyết về tư cách và quyền năng Mêsia của mình: Bản thân Ngài còn quan trọng hơn đền thờ vì là đền thờ vĩnh viễn thay thế đền thờ. Đền thờ sẵn có mà bị phá đi cũng chẳng hại gì vì đã lỗi thời khi có chính Ngài đứng trước mặt họ. Còn chính đền thờ này lại chưa phải là thân xác như đang sống mà là thân xác sắp phải chết đi để sống lại.

Như vậy, sự việc “Tẩy uế Đền thờ” không chỉ là một biến cố thời sự. Đây còn là Tin Mừng Vượt Qua, Sống Lại được Hội Thánh loan báo đầy đủ trong ngày Chủ Nhật III này, cũng như trong các Chủ Nhật khác của Mùa Chay. “Lễ Vượt Qua của người Do Thái” trở thành Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô. Ngài “lên Yêrusalem” như đại tư tế vào đền thờ của mình. Ngài “xua đuổi hết thảy ra”, truất bỏ nghi lễ cũ không còn giá trị, ý nghĩa nữa. “Lòng nhiệt thành…sẽ nghiến nát…” dẫn ngài đến thương khó – tử nạn: Mầu nhiệm đạo Do Thái chuyển qua Kitô giáo và mầu nhiệm chết chuyển qua sống lại, cả hai chỉ là một: mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

“Dấu đền thờ” là chính mình Đức Yêsu. Đền thờ với ý nghĩa trước tiên là chỗ Thiên Chúa hiện diện rồi do đó mới là nơi tập họp, quy tụ con cái Thiên Chúa. Chúa Yêsu là “đền thờ” trong đời trần gian (Ga 1: 14) với một nhân tính còn muốn chia sẻ “thân phận tôi đòi” (Pl 2: 7). Là “đền thờ” trong cuộc chết – sống lại, với cả nhân tính đã được tôn vinh nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa vẫn chưa thấy được, phải tin (Ga 7: 37-39). Là “đền thờ” ngày quang lâm (Kh 21: 1tt) khi mầu nhiệm Sống Lại biểu dương tất cả hiệu lực và sự hiện diện của Thiên Chúa trở nên minh bạch.

Thiên Chúa hiện diện trong Chúa Kitô vinh hiển, đền thờ mới và vĩnh cửu của Ngài: chúng ta chỉ biết Cha là trong Con vinh hiển của Ngài, chỉ cầu nguyện Cha được là với tư cách môn đệ Chúa Kitô, chỉ nhận lãnh Thần Khí Thiên Chúa là từ Chúa Kitô vinh hiển. Chỉ có một nơi tiếp xúc, đụng chạm với Thiên Chúa mà thôi; Thân mình Sống Lại của Chúa Kitô.

Gs Nguyễn Ngọc Lan
2002

(xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: