Wednesday, 29 December 2010

Lm Richard Leonard sj: Hãy cứ vui đi


(Mt 2: 1-12)

Nàng hãy vui đi, dẫu một ngày

Dẫu phần ba phút, góc tư giây

Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp

Cũng đủ cho nàng quên đắng cay.

(thơ Nguyễn Bính)

Hãy vui đi, dù bạn có là nàng thơ, tạo nguồn hứng khởi cho thi sĩ. Hay chỉ là trai ngoan xứ Đạo nghèo. Vẫn cứ vui đi. Vui, vì Đức Chúa Nhân Hiền nay đà tỏ hiện. Ngài hiển hiện thân phận Đấng Mê-sia giáng hạ làm người. Với mọi người. Ngài hiển hiện với dân con nhà Đạo, là chuyện đã đành. Nhưng, còn đến cả với những người ở ngoài nữa, mới đáng vui. Vui đi bạn hỡi. Hãy vui, mà cử hành tiệc thánh. Tiệc agapè ngày Chúa hiển hiện, rất nên làm.


Tiệc Chúa Hiển Linh ta cử hành hôm nay, là để mừng sự kiện thứ hai trong bốn sự kiện mà Đức Chúa tỏ lộ cho hết mọi người, ở dưới thế. Tiệc thánh Hiển Linh hôm nay, ta còn mừng kính, chứng giám cuộc tỏ hiện rất linh thiêng, thần thánh, cho muôn nước. Trước nhất, cho đám trẻ thơ nghèo hèn; giới “lang bạt kỳ hồ” chăn dắt chiên hiền, ngày Chúa đến.


Tiệc Hiển Linh, là tiệc dài trong đó ta nhận ra thân phận Đức Chúa, từ Trời cao đã giáng hạ làm người. Ngài giáng hạ với con người trần thế, ngay từ buổi đầu hành trình Nhập Thể. Hành trình yêu thương cứu độ, được ghi rõ nơi trình thuật, rất hôm nay.


Trình thuật xuân Cứu độ hôm nay, thánh Mat-thêu ghi lại truyện kể về đoàn đạo sĩ từ phương xa vời vợi, ở trời Đông. Theo các nhà thần học ở Châu Á, như Linh mục Aloysius Pieris, thì có thể: các đạo sĩ hiền đến viếng Hài Nhi từ nơi xa như các nước Ba Tư, Đông Sy-ri-a hoặc Ả Rập Sa-u-đi… Nhưng, có điều chắc chắn: họ không phải là nhân sĩ địa phương dõi theo ánh sao đêm để ghé thăm Hài Nhi, Con Thiên Chúa.


Về các đạo sĩ dõi ánh sao đêm, nhiều học giả định rằng: chắc đó là sao chổi hoặc sao băng, vừa loé sáng. Hoặc, ít nhất cũng là do có sự ma sát giữa các vì sao, rất “ấn tượng”. Ấn tượng nhất, là đối với các vị chiêm tinh nhìn ngắm sao đêm, tìm điềm lóe sáng. Nói gì đi nữa, tưởng cũng không thể nào thuyết phục được nhiều người. Sao lại có người thích cất bước dõi ánh theo sao dẫn đường? Bởi, sao đêm dù có di chuyển hay đứng im một chỗ, thì lúc nào sao ấy cũng ở trên đầu người, nơi xa tít mù tắp trên ấy. Đúng hơn, “sao lạ” lóe ánh ở đây, chỉ là biểu tượng nói lên: lằn sáng chợt loé cốt tượng trưng cho Giê-su Đức Chúa, Đấng luôn là Ánh Sáng dẫn đường cho toàn thể “dân gian vũ trụ”.


Đề cập đến “sao lạ” hoặc “ánh sao dẫn đường”, thánh sử Mat-thêu không nói về khoa học thiên văn hoặc chiêm tinh, sáng chói. Nhưng, với bối cảnh ngôn từ được sử dụng trong Kinh Thánh, ánh sao đêm hay lằn sáng lóe lên ở đây cốt để diễn tả: Đức Chúa, qua con người của Đức Giê-su, đã rời bỏ vũ trụ thần thiêng các thánh để đến với con người, nơi trần thế. Mỉa mai thay, các vị thượng tế, thông luật thời đó, dù đã biết rõ Đấng Thiên Sai từ đâu đến, vẫn chẳng thiết tha tìm đến mà thờ lạy chiêm bái Ngài.


Dân con nhà Đạo ở Do Thái hay nơi nào khác, cũng thế. Vẫn, cứ để “người dưng khác họ” sống ở ngoài, như Vua Hê-rô-đê, hoặc các đạo sĩ hiền, tìm đến với Chúa. Mỗi người tìm vì mục đích khác nhau. Người thì truy tìm để trừ khử, như Hê-rô-đê đã quyết. Kẻ thì chỉ mong được yết bái lạy thờ, như các đạo sĩ hiền lành kia.

Đạo sĩ hiền đến yết bái thờ lạy, đã tặng trao những là: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược. Mỗi phẩm vật, dâng lên đều nhắc nhớ điều được báo trước ở bài đọc thứ nhất: “Tất cả những người từ Sơ-Va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương.” (Is 60: 6).


Ở phương Đông, Vàng tượng trưng cho Vương quyền. Ở đây là Vương quyền của Đức Kitô. Nhũ hương, biểu tỏ bản chất thánh thiêng. Mộc dược, hàm ngụ ơn thương khó cứu độ Ngài lĩnh nhận cho mình, đến khi chết. Các phẩm vật này, luôn biểu thị đức hạnh, lời nguyện cầu và nỗi niềm đau khổ.


Thông điệp lễ Hiển Linh hôm nay, còn tỏ cho mọi nguời biết rằng: với Chúa, không ai là “người dưng khác họ”. Và cũng chẳng ai là “người ở ngoài”. Ngoài quỹ đạo tình thương. Ngoài nhà Đạo. Hoặc nói nôm na, là người ngoài cuộc hết. Trái lại, đối với Đức Chúa, tất cả là đàn con thân thương, Ngài yêu đều. Ngài vẫn yêu, dù cho dấu hiệu bên ngoài của những người-bị-cho-là-ở-ngoài, có khác biệt đôi chút. Khác ngoại hình. Khác mầu da. Khác cả văn hóa, sắc tộc nhà Đạo. Bởi tất cả chúng ta đều cùng chung một cha. Đều có quyền gọi Ngài là “Abba! Lạy Cha ơi!


Thông điệp lể Hiển Linh hôm nay, còn mang đến với ta một điều nữa, là: Thiên Chúa không bao giờ ở xa ta. Trái lại, rất gần với ta, và với người hơn bao giờ hết. Ngài luôn thương yêu và kêu mời tất cả chúng ta kể cả người trong Đạo, hay ngoài Đạo, nam hay nữ, nghèo hay giàu. Nổi tiếng hay thấp hèn. Mạnh khoẻ hay yếu đau, hãy gần gũi nhau hơn.


Nhìn lại, thì thấy đã nhiều lần, ta vẫn xử với nhau, như người ngoài. Rất dửng dưng. Rất lạnh nhạt. Dửng dưng, trong cách xử sự. Lạnh nhạt, trong tư thế gây bè lập phái, đấu tranh. Đấu tranh, nhằm giành giựt quyền lợi cho giòng họ của mình. Cho cộng đoàn. Cho phe của mình. Hoặc, cho bè nhóm sắc tộc, rất tư riêng. Đối xử với nhau như người ngoài, là từ chối thương yêu. Là, không còn kính trọng nhau như các nhân vị đồng đều. Như các người con yêu của Chúa. Dửng dưng, như tình “ở ngoài’, là chọn lựa khuynh hướng sống theo thế thức của thượng tế, các Pha-ri-sêu.


Cử hành mừng lễ Hiển Linh, ta tự hỏi: ánh sao kia có là gì trong đời mình? Mà sao, các vị nhân hiền đạo sĩ cứ dõi theo mà đi? Sao người dân thành Giê-ru-sa-lem, lại không thế? Nay, Chúa gọi ta theo phương cách nào? Gọi ta đi đâu? Ngài muốn ta làm gì? Để Ngài ở đâu trong ta?


Hỏi thì đã có nhiều người từng hỏi. Làm, thì cũng đã có nhiều người từng làm. Nhưng, khác nhau ở chỗ: ta đặt ưu tiên cho việc nào trước, việc nào sau? Bởi, ngày nay, thông điệp “ánh sao lạ lễ Hiển Linh” còn xa vời lạ lùng đối với nhiều người. Vẫn có người chưa buồn khởi động tìm kiếm “ánh sao xưa”, nơi đời mình.


Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta nghĩ nhiều về thông điệp “ánh sao xưa”. Thông điệp “sao” có thể chẳng đánh động ai. Chẳng hấp dẫn một người nào. Chẳng thay đổi được gì trong cuộc sống, của mỗi người. Nhưng không trễ, thông điệp Lễ Hiển Linh, là dịp để ta có thể hướng mắt tìm về “ánh sao quen”. Sao của riêng mình. Chẳng phải là, sao của “Tử vi đẩu số”, cố cụ Trần Đoàn, đầy giải đoán. Nhưng, nhất định là: “sao mai” nhắc nhở ta kia, trời rực sáng. Nhắc ta về với đường ngay, lối thẳng. Lối thẳng an bình trong cuộc sống.


Trong chiêm nghiệm “ánh sao” an bình cuộc sống, ta hân hoan cất tiếng hát mừng một vì sao:


Tay trong tay đôi lòng xao xuyến

Ta cùng theo dõi ánh sao rời ngôi long lanh

Ta cùng nhau ước tương lai đẹp tươi

Sống bên nhau ngàn năm

Dù đường đời muôn lối

(Vũ thành – Nhặt Ánh sao rơi)

Chắc chắn, khi đã theo ánh sao ngày Chúa hiển hiện, ta sống ngàn năm tươi đẹp. Ngàn năm trong hiện tại rất vui. Vui, vì Chúa “Hiển Linh” đã cho ta thấy ơn cứu độ rất thân thương. Đến với mọi người. Cả người đạo sĩ phương Đông, lẫn người lạ. Cả người thân quen nhà Chúa, lẫn người dưng. Người dưng hay người nhà, hãy cứ vui Vui mừng ngày Chúa đến. Rất Hiển và rất Linh.

Lm Richard Leonard sj

Mai tá dịch.



Friday, 24 December 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan : Giáng Sinh


Đối với khách bàng quan xưa kia cũng như ngày hôm nay, “Giáng sinh” chẳng qua chỉ là một biến cố lịch sử, một chuyện thời sự không hơn không kém.

Chuyện thời sự ấy xảy ra như thế nào?

Một ngày nào đó, mà bây giờ chúng ta tạm kể là ngày 25 tháng Chạp để kỷ niệm, một trẻ sơ sinh đã ra đời giữa trăm ngàn trẻ sơ sinh khác. Lịch sử đã ghi lại tên: Giêsu, mà không ghi nhớ tuổi.

Thiên hạ thừa rõ lai lịch đứa bé. Có tên mẹ, tên cha. Mai sau lớn lên khi cao tiếng nói chuyện trời biển giữa đường giữa chợ, sẽ làm dịp cho người đồng hương mai mỉa: “Ồ! Con ông thợ Giuse”. Matthêu và Luca còn cho biết gia phả từ hàng mấy mươi đời trước. Nhưng gia phả ấy không chỉ gồm những danh thơm tiếng tốt, vì trai bạo ngược cũng có mà gái giang hồ cũng có. Gia phả theo Luca không ghi lại một danh tính phụ nữ nào. Gia phả theo Matthêu (Mt 1,1-17) nhắc tới vỏn vẹn bốn bà nhưng đến ba bà chẳng quý hóa gì. “Giuđa sinh Pharê và Zara bởi Thamar”, một bà góa đã giả làm gái điếm trong vụ loạn luân nhiều tình tiết ly kì được St 38,6-30 kể lại khá rõ. “Salmôn sinh Booz bởi Rahab”, bà này là gái điếm chính hiệu ở Giêrikhô lại còn làm nội gián cho địch (Gs 2,1-21; 6,22-25). “Booz sinh Giô bed bởi bà Rut”. Tạm kể được là “người đàn bà đức hạnh” (R 3,11) duy nhất trong bốn bà, chỉ có cái tội nghèo mạt rệp phải nhờ mẹ tính kế bày mưu cho mới kiếm được một tấm chồng. Và “Đavit sinh Salomôn bởi vợ của Urya”, bà Bethsabe này chỉ quá nổi tiếng vì một vụ ngoại tình – sát nhân đã khiến cho Đavit về sau phải khóc nửa đời chưa hết nước mắt ăn năn (2Sm 11,1-12,25). Gia phả kia không phải thuộc loại gia phả tô hồng.

Trẻ thơ ra đời tại Bethlem, xứ Do Thái vào giữa lúc cha mẹ phải xa nhà để tuân lệnh kiểm tra dưới triều hoàng đế Augustô và vào “thời Quiriniô trấn nhiệm xứ Syri”.

Biến cố lịch sử ấy hay chuyện thời sự ấy tạm kể là đủ chi tiết rõ ràng. Nếu không rườm rà vô ích nữa là đàng khác. Vả chăng nào có gì đáng kể. Một trẻ sơ sinh ra đời giữa trăm, nghìn trẻ sơ sinh khác. Cũng chỉ vài kitô. Sự sống còn cũng lệ thuộc vào mẹ hoàn toàn, không được như một chú gà con khi lọt vỏ trứng ra chào đời.

Dĩ nhiên người ta còn kể nhiều chuyện lạ, trước và sau “Giáng Sinh”. Chuyện thần tiên ẩn hiện, chuyện báo mộng phi thường, chuyện đoàn mục tử nghe tiếng nhạc huyền bí, chuyện ba nhà đạo sĩ lần bước theo một vì sao lạ. Nhưng đối với khách bàng quang, xưa kia cũng như ngày hôm nay, những chuyện ấy có hơn gì những chuyện thần thoại, và có khi kém cả vẻ ly kỳ. Cho dầu có những kẻ yếu bóng vía như nhà vua Hêrôđê chỉ vì nghe tin đồn những chuyện ấy mà đã làm đổ máu hàng chục trẻ vô tội trong một vũng máu lịch sử vẫn còn lan rộng mãi cho đến ngày nay tới Rio de janerio, tới Bosnia hay tới một số nhà gọi là…hộ sinh hay một số bệnh viện gọi là…phụ sản.

Còn đối với những kẻ chứng kiến với lòng tin, những kẻ không làm khách bàng quan đứng ngoài nhìn vào, mà hồi hộp đứng bên trong Hang đá, Giáng sinh là cả một bước dấn thân. Giáng Sinh không còn là một chuyện thời sự phớt lờ qua bên lề cuộc sống họ, mà đã làm nao núng cuộc sống ấy, đã thay hình đổi dạng cuộc sống ấy, đã ăn vào da thịt họ, đã chiếm lấy trái tim họ.

Đối với Trinh Nữ Maria chẳng hạn, Giáng Sinh đã biến đổi cả cuộc đời. Cùng với toàn dân Do Thái, Maria đã trông đợi vị Cứu Tinh mà Thiên Chúa và các tiên tri đã hứa. Tất cả lịch sử Do Thái chỉ hiểu được khi là lịch sử đợi chờ, khi là Mùa Vọng bắt đầu từ một cuộc hẹn hò giữa Thiên Chúa từ bi và loài người sa đọa thuở nào. Riêng Trinh Nữ Maria vừa trông đợi tha thiết, vừa không hề dám mong Vị Cứu Tinh kia sẽ đến tự lòng mình. Thân phận trinh nữ vốn là “thân phận mọn hèn tớ nữ”, việt vị (hors-jeu) đối với người phụ nữ Israel bình thường. Cho đến ngày Thiên thần Gabriel, sứ giả Thiên Chúa đến ngỏ ý Thiên Chúa. Maria đã phải kinh ngạc nhưng rồi đã tin nhận. Nhập cuộc, đại cuộc của Thiên Chúa. Đêm nay đối với Maria không còn là một chuyện thời sự nhưng là cả một lẽ sống, một kiếp sống.

Đối với Giuse cũng thế. Khi còn bán tín bán nghi, đứa con người trinh nữ cưu mang có thể cũng đã chỉ là một chuyện thời sự, một chuyện thời sự rắc rối. Giuse chỉ mong thoát ra ngoài để khỏi làm người trong cuộc. Nhưng vì thiên thần báo mộng rồi mà Giuse cũng đã tin. Tin - nhận . Nhận nối liền duyên kiếp với Thân Mẫu Chúa Kitô. Đêm nay với Giuse, không còn là một chuyện thời sự, nhưng là cả một kiếp sống.

Các mục đồng cũng là những kẻ sống đêm Sinh Nhật chứ không phải chỉ nghe ngoài tai một chuyện thời sự. Họ là những kẻ nghèo nàn và giản dị. Họ đã biết nhìn nhận Chúa qua những dấu mong manh lọt khỏi tầm mắt kẻ ở ngoài cuộc. Họ đã nghe rõ tiếng ca huyền diệu có lẽ vì lòng họ đã sẵn nhịp ca vui hợp với Tin Mừng Chúa đến:

“Vinh quang Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới đất cho người Chúa thương” (Lc 2,14).

Họ là những người đầu tiên ngoài gia đình trẻ sơ sinh Giêsu đã tin để được nhận vào đại gia đình Thiên Chúa. “Phúc cho ai nghe và giữ Lời Chúa” (Lc 11,28), “Phúc cho những kẻ nghèo khó” (Mt 5,3) như họ.

Rồi đến lượt các đạo sĩ phương xa lần bước lại. Họ đã là những kẻ không chỉ đưa mắt mà còn đưa lòng hướng lên trời cao, tìm chân lý. Và họ cũng biết nhìn nhận Thiên Chúa qua một dấu sao như qua một nháy mắt, như qua một nụ cười, khi thế này khi thế khác, không quen nhau, không yêu nhau không làm sao hiểu nổi. Họ, họ đã hiểu. Và họ đã dám tin. Thiên Chúa trả lời cho họ khi “vào nhà, họ (chỉ) thấy hài nhi cùng Maria Mẹ Ngài, và họ phục mình xuống yết bái Ngài” (Mt 2,11). Họ đã dám tin là giờ Chúa đến khi chính họ phải trèo non lội suối tìm đến với Chúa. Giáng Sinh đã là một bước sống và ngày mai đời họ không còn như hôm qua. Họ là những kẻ đầu tiên tự ngoài xứ sở phàm trần của Chúa đã vì tin mà được đón nhận vào Nước Thiên Chúa.

Đối với Trinh Nữ Maria, đối với Giuse cũng như đoàn mục tử hay ba nhà đạo sĩ, một sự việc tầm thường khi đã có thể ăn liền vào đời họ, biến đổi chất sống của họ, thu hút tình yêu họ, và khiến họ hiến thân, một sự việc tầm thường khi đã có thể như thế thì không còn là một chuyện thời sự như đối với khách bàng quan, mà là một bước sống, và còn hơn một bước sống, là một mầu nhiệm. Vì bước sống kia là bước đưa họ đến chỗ gặp gỡ, hiệp thông với Thiên Chúa. Tất cả những gì là sống sâu đậm, là thương yêu chân thật đều bắt nguồn tự Thiên Chúa và không sớm thì muộn sẽ lại đưa về Thiên Chúa.

Thế thì đối với chúng ta, những tín hữu đêm nay, một đêm về cuối thế kỷ 20, Giáng Sinh có ý nghĩa gì?

Trước tiên Sinh Nhật đối với chúng ta cũng là một biến cố lịch sử. Biến cố ấy nhắc nhở cho chúng ta nhớ: Chúa Kitô, không như “Cô Tấm, Cô Cám” ở bên ngoài thực tại, cũng không như các Thiên thần ở bên ngoài lịch sử, mà đã từng làm người, chen chân sống giữa loài người, đã từng làm người không chỉ như chúng ta mà còn chung một tổ tiên, dòng họ với chúng ta.

Giáng Sinh đối với chúng ta còn là một bước sống. Vì chúng ta tin rằng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa hẹn muôn đời liên hệ đến chính kiếp sống chúng ta. Chúa Kitô là người và cũng là Thiên Chúa đến với nhân loại. Chúng ta tin ở điều ấy, tin ở Ngài và Tin Mừng ấy không khỏi đã biến đổi nếp sống chúng ta.

Nhưng ngoài biến cố đã qua kia, cùng với mầu nhiệm muôn thuở này, đức tin chúng ta có chăng còn gặp được mầu nhiệm trong hiện tại?

Chúa Kitô, Ngài đã sống trọn kiếp người của Ngài, Ngài đã lam lũ, đã rao giảng Tin Mừng, đã khổ, đã chết và sống lại. Và đã lên trời vượt ra ngoài tầm mắt và cảnh sống hiện tại của chúng ta.

Nhưng thật ra Ngài đang ẩn mà có mặt, Ngài còn tiếp tục đến giữa chúng ta. Ngày nay Tin Mừng vẫn còn vang dội báo niềm vui lớn lao cho chúng ta: Thiên Chúa không còn xa vời mà đang ở vừa tầm chúng ta. Ngài vẫn tiếp tục nhập cuộc, khác xưa kia, mà vẫn đích thực như xưa kia. “Này Ta đem Tin Mừng cho anh em về một niềm vui to tát; tức là niềm vui cho toàn dân: là hôm nay đã sinh ra cho anh em vị Cứu Chúa. Và đây là dấu cho anh em nhận ra: anh em sẽ gặp thấy một hài nhin mình vấn tã, đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,11-12). Đó là “dấu” ngày xưa. Nhưng ngày nay chúng ta may mắn hơn vì còn có nhiều “dấu” hơn. Hài nhi vấn tã, Hội Thánh ngày nay dưới lớp vỏ nhân loại lắm chô sù sì, thế này thế khác nhưng vẫn còn là Thân Mình Chúa Kitô. Hài nhi vấn tã, các dấu bí tích đơn mọn ngày nay vẫn còn là chỗ cho chúng ta gặp gỡ; trực giao với Chúa Kitô: chúng ta được sống lại từ Nước Thanh tẩy, chúng ta nhận ơn tha thứ bởi chính Ngài qua lời tha tội của Hội Thánh, và nhất là trong thánh lễ, qua một chút bánh, một chút rượu, chúng ta đón nhận chính Ngài.

“Anh em sẽ gặp thấy một hài nhi vấn tã…”Đó chỉ mới là lời thiên thần. Nhưng tâm hồn tín hữu chúng ta còn phải vang lời trọng đại hơn nữa của chính Chúa Kitô: “Những gì anh em làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất của ta là anh em làm cho ta”. (Mt 25,40).

Như thế tất cả những anh em sống chung quanh chúng ta đều là “dấu” để nhận ra Chúa Kitô và tiếp xúc với Ngài, tất cả vạn sự to nhỏ đời họ cũng như đời chúng ta đều ăn liền vào chính cuộc sống Chúa Kitô.

Như thế, xin báo “tin mừng về một niềm vui to tát tức là niềm vui cho toàn dân”, cho tất cả mọi người: Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta sẽ tha hồ gặp gỡ Chúa làm người. Vợ gặp Chúa trong chồng, chồng gặp Chúa trong vợ. Vợ chồng cùng gặp Chúa trong con cái. Vợ chồng con cái cùng có thể mở cửa tìm Chúa, đón Chúa, khi mở cửa nhà trông ra đường, trông qua nhà bên cạnh để tha thiết đến tiếng khóc, tiếng cười của kẻ khác, kể từ bạn láng giềng, đồng nghiệp, đồng học vẫn hàng ngày chung đụng cho đến nét mặt trầm tư chỉ thoáng gặp một lần đâu đó trên đường.

Xin báo một niềm vui lớn lao cho tất cả: Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta tha hồ mà gặp gỡ Chúa. Không phải lo Ngài sai hẹn. Có lo là lo Ngài đến như nước vỡ bờ và chúng ta như hoảng sợ sẽ dựng lên không biết mấy lớp bờ đê, nếu không đã tưởng là né tránh được khi chui vào bụi với mấy chiếc lá che thân (St 3,7-8).

Xin báo một niềm vui lớn lao cho tất cả: Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta tha hồ gặp gỡ Chúa. Từ nay người tín hữu không còn có thể làm khách bàng quan vô tình trước vũ trụ, trước cảnh đời mà không tự phản chính mình. Không còn có gì là chuyện thời sự, chuyện vặt không liên hệ đến chúng ta, không còn có gì chỉ là phàm tục. Tất cả đều thành mầu nhiệm sống chung giữa Chúa Kitô với chúng ta, với mỗi chúng ta. Nếu không có mấy lớp bờ đê ích kỷ hay vô tình tự chúng ta đắp lên tha hồ chúng ta ngụp lặn trong ánh sáng Giáng Sinh, trong tình thương hiện diện của Chúa làm người.

Xin báo một niềm vui lớn lao cho tất cả: Chúa đang đến giữa chúng ta vì chính chúng ta là hiện thân của Chúa, chính tình thương liên kết chúng ta với nhau hay ném chúng ta ra giữa lòng đời là dấu tỏ ra chúng ta là đồ đệ Chúa Kitô, là chi thể của Ngài. Ước gì qua Mầu Nhiệm Giáng Sinh, qua thánh lễ đên Giáng Sinh, trở lại giữa anh em của chúng ta, chúng ta vừa biết gặp gỡ Chúa hơn, vừa đem Chúa lại cho họ hơn.

Để làm sao cho niềm vui chúng ta cũng là “niềm vui to tát cho toàn dân, cho toàn thể nhân loại”. Để làm sao thật “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Ngay cả ở đây, hôm nay, 25 tháng 12 dương lịch này.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com

www.giadinhanphong.com )

Wednesday, 22 December 2010

Lm Mai Văn Thịnh CSsR: HÃY LÊN ĐƯỜNG VÌ CHÚA ĐANG CHỜ TA

Chỉ còn vài ngày nữa là lễ Giáng Sinh. Ngày tưởng niệm mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Đó không phải là lý do chính. Thật ra việc sống mầu nhiệm đó nơi bản thân của mỗi người mới là điều quan trọng. Anh chị em đừng quên rằng Chúa đang đứng bên cửa để chờ đón chúng ta; ai nghe tiếng và mở cửa tâm hồn đón nhận Ngài thì Ngài sẽ đến để dùng bữa với họ (Kh 3:20)

Chúa là ai? Một hài nhi nằm trong máng cỏ theo truyền thống hay là một Đức Giê-su trên thập giá và đã được siêu tôn. Thật ra hai điều đó là một. Việc Giáng Sinh của Thiên Chúa được nhìn ngắm dưới ánh sáng Phục Sinh. Niềm vui Phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Trong niềm tin đó chúng ta suy gẫm tòan bộ cuộc đời của Ngài. Chỉ có suy gẫm trong chiều kích đó chúng ta mới thấy đâu là những việc cần làm để chuẩn bị đón mừng Chúa.

Khi đề cập đến việc Chúa trở lại, anh em tín hữu tiên khởi nghĩ ngay đến ngày quang lâm của Chúa để phán xét thế gian. Cho dù ý tưởng này hòan tòan xa lạ với không khí của ngày đại lễ, nhưng từ nguyên thủy họ chỉ mong chờ ngày đó. Và nếu chúng ta có cùng một suy tư như thế, thì việc mừng Chúa đến sẽ khiến cho nhiều người phải hỏang sợ: Chúng ta đã sẵn sàng chưa? Tâm hồn chúng ta đã chuẩn bị thế nào để Chúa ngự?

Không khí lễ Giáng Sinh thật tưng bừng và rộn rã. Nhà thờ nào cũng làm máng cỏ với ánh sáng muôn mầu rực rỡ luợn đi luợn lại chung quanh hang đá; lại có những dòng suối nhân tạo róc rách chảy. Đủ thứ trang trí và đồ chơi lạ mắt. Trung tâm thương mại tràn ngập người; ai ai cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân. Hình như những cảnh tương đó có cái gì tương phản với sứ điệp của Chúa. Những quà tặng của thế gian quá nhiều, nhiều đến độ một lúc nào đó chúng ta lại phải ngồi xuống để gỡ ra từng lớp vỏ của thế gian để tìm lại nguồn gốc của sứ điệp mà Chúa Kitô đã nhắn gửi.

Chính hài nhi ấy đã cho đi tận cùng của kiếp phàm nhân; khiến cho con người dù có bất hạnh hay bị ruồng bỏ đến đâu cũng tìm được niềm vui và tình thân thuơng. Và nhân lọai cũng đã tìm thấy nơi cuộc sống của hài nhi những câu giải đáp, những thao thức của kiếp nhân sinh. Sứ điệp mà hài nhi sẽ đem lại thay đổi tư tưởng và lối tư duy của mỗi người. Sứ điệp đó còn thách thức nhân lọai qua mọi thời đại. Bởi vì, từ ngày hài nhi đó xuất hiện, bộ mặt của thế giới đã thay đổi: Người mất phương hướng tìm được lối đi; kẻ đói khát no đầy ơn phúc; những ai bị giam cầm tìm được sự trợ giúp đó là trong Ngài họ được giải thóat, muôn dân muôn nước tìm được giải pháp cho hòa bình, v.v..

Nhìn vào thực trạng của thế giới nói chung và những sinh họat trong Giáo Hội nói riêng; nhiều lúc tôi cũng muốn mươn lời của Thánh Gio-an tẩy giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chúng ta đã quá quen với lối sống an nhàn, thủ phận, giữ mình bởi những việc đạo đức. Trong khi đó sứ điệp của Chúa thách thức lương tâm của con người trước sức bành trướng của nền văn minh thế tục đang soi mòn bản chất làm người mà mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su đã đem đến.

Thật vậy, qua mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa cư ngụ ngay trong hòan cảnh riêng của từng người. Dù người đó sống trong tình huống nào, Ngài chẳng hề có ý định bỏ rơi chúng ta. Chúa luôn đứng bên cửa để chờ đợi ta. Ngài đã mặc lấy thân phận con người và chờ đợi ta. Phần chúng ta hãy tiếp nối sứ mạng của Ngài. Vì Chúa nhập thể đã biến đổi hận thù nên bạn hữu, chém giết thành cứu sống, chiến tranh thành hòa bình. Đó là Tin Mừng cho toàn thế giới; và cũng là thách đố cho mọi tín hữu.

Năm 1985, Nhân dịp đặt vòng hoa tại nghĩa trang lính Đức, tổng thống Reagan (1984-1992) đã kể lại câu truyện rất đáng cho chúng ta noi gương. Sự kiện này xẩy ra vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1944; và đã được người con trai bà góa người Đức kể lại.

Một cuộc chiến ác liệt diễn ra giữa quân đội Hoa Kỳ và Đức gần một khu rừng. Ba người lính Mỹ, có một bị thương, đã chạy lạc vào khu rừng tới một căn nhà hẻo lánh của một bà góa chỉ có một đứa con trai duy nhất. Họ vào nhà xin ăn. Dù biết rằng chứa chấp lính Mỹ là một tội khiến bà có thể bị xử tử hình. Nhưng bà vẫn mở cửa đón tiếp họ. Bà còn lấy phần thực phẩm còn lại trong nhà nấu cho lính Mỹ ăn. Họ vừa ngồi xuống và bắt đầu ăn. Tức thì, bên ngoài có tiếng gõ cửa. Bà biết những người đứng bên ngòai là lính Đức. Tuy rất hỏang sợ, nhưng bà lấy hết can đảm hô lên rằng: Xin các ông đừng chém giết trong nhà tôi trong ngày lễ hôm nay. Nói xong, bà liền bước ra mở cửa mời mấy ông lính Đức vào. Họ để súng ngoài cửa, bước vào nhà dâng lời tạ ơn rồi cùng đồng bàn với ba ông lính Mỹ. Trong số những người lính Đức, có một anh là sinh viên y khoa. Anh đã băng bó cho người thương binh Mỹ. Họ đã sống hòa bình trong ngày lễ Giáng Sinh. Sáng ngày hôm sau, mấy người lính Đức còn chỉ đường cho lính Mỹ về doanh trại của họ. (Reagan 588-9)

Ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh là thế. Hiện thực và sống động. Thực hiện Tin Mừng đã được loan báo. Cảm nghiệm ơn cứu độ chan chứa trong thân phận làm người của Con Thiên Chúa. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ cùng với sứ giả của Thiên Chúa đồng thanh ca lên rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.” (Lc 2:14)

KEW 23.12.2005

Tuesday, 21 December 2010

CHÍNH SÁCH CỦA BẮC KINH ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở ĐÔNG NAM Á (Tiếp theo)


LÊ VĂN KHUÊ 1979

(đăng trong tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 3 – tháng 5-6/ 1979

II. CHÍNH SÁCH CỦA BẮC KINH ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở ĐÔNG NAM Á NÓI CHUNG (57)

Không phải chính quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hiện nay mới có Ủy Ban Hoa kiều vụ đặc trách nhũng vấn đề liên quan đến người Hoa ở hải ngoại mà Ủy ban này đã được chính phủ Tưởng Giới Thạch thiết lập từ năm 1939. Nhưng trước đó vào cuối đời nhà Thanh, triều đình đã cử một phái bộ tới Đông Nam Á để cổ vũ sự phát triển nền giáo dục mới của Trung Quốc ở đây. Vào năm 1909, một sắc luật về quốc tịch Trung Quốc cũng được ban hành, dựa trên nguyên tắc huyết thống, nghĩa là những ai có chút huyết thống Trung Quốc đều được coi là công dân Trung Quốc, bất kể họ sinh trưởng ở đâu hoặc đã có quốc tịch nào khác. Nguyên tắc này vẫn được duy trì trong những sắc luật được sửa đổi lại vào các năm 1912, 1914 và 1929. Từ năm 1917 chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc đăng ký người Hoa ở hải ngoại và cho phép họ có đại biểu trong những cơ quan lập pháp. Cũng từ năm 1918 đến 1922, một văn phòng thuộc bộ Ngoại thương đã được thiết lập để giúp đỡ cho người Hoa ở Đông Nam Á. Nhưng vì thiếu hiệu quả nên văn phòng này phải bãi bỏ. Sau đó Tôn Dật Tiên lại thiết lập một văn phòng riêng để giải quyết những vấn đề liên quan đến Hoa kiều. Văn phòng này trở thành một cơ quan hành pháp của chính phủ Nam Kinh nhằm bảo vệ Hoa kiều và vận động họ gửi tiền về nước (58). Sau Thế Chiến thứ Hai, chính phủ Quốc Dân Đảng đã tổ chức cuộc bầu cử trong người Hoa ở hải ngoại và dành cho họ 65 ghế trong Quốc hội, 19 ghế trong Viện Lập pháp và 8 ghế trong Viện Giám sát. Nhờ vậy người Hoa ở Đông Nam Á đã hăng hái gửi tiền về nước (100 triệu Mỹ kim/năm), tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản và tham gia kháng chiến chống Nhật.

Sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chú trọng đến người Hoa ở Đông Nam Á, nhưng lại gắn liền những vấn đề của họ với chính sách ngoại giao nói chung của Trung Quốc. Tạp chí “Kiều vụ báo” số ra ngày 17-10-1956 viết: “Các công việc liên quan đến người Hoa ở hải ngoại phải lệ thuộc vào chính sách ngoại giao. Chính sách Hoa Kiều ở hải ngoại phải phục vụ đường lối chung của chính sách ngoại giao” (59). Điều này được thể hiện rõ trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban Hoa kiều vụ. Ủy ban này tuy trực thuộc Quốc Vụ Viện Trung Quốc, được chỉ đạo bởi Ủy ban Măy6 trận Thống nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng trong thực tế nó lại bị chia sẻ trách nhiệm, thậm chí nó bị lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc (60). Nếu chính sách đối với Hoa kiều phải lệ thucộ vào chính sách ngoại giao của Trung Quốc thì phải chăng chỉ có một chính sách duy nhất đối với người Hoa ở Đông Nam Á hay có nhiều chính sách tùy theo thái độ của Trung Quốc đối với từng nước sở tại? Theo Mary F.S.Heidhues thì “việc quan tâm đến những vấn đề người Hoa ở hải ngoại chỉ chiếm vị trí thứ yếu so với việc duy trì quan hệ tốt với các quốc gia sở tại liên hệ. Nhưng ở nơi nào mà quan hệ không đặc biệt tốt thì những vấn đề người Hoa lại được chú ý hơn và nếu ở nơi đó lại có những hành động có hại đến quyền lợi của họ thì có thể đưa đến những phản ứng mạnh mẽ hơn của Trung Quốc” (61). Lea E.Williams lại cho rằng: “chỉ có những người Hoa ở những nước thù địch với Trung Quốc mới bị Trung Quốc xúi giục không phục tùng chính quyền của những nước đó. Ở những nước khác, người Hoa được khuyến khích làm người định cư tốt” (62). Willmott cũng tán thành ý kiến trên và cho rằng sự phản đối của Bắc Kinh đối với những biện pháp bài Hoa trong những nước liên kết với Tây phương thường rất mạnh mẽ, nhưng ở những nước trung lập thì hầu như Bắc Kinh không phản đối gì hoặc nếu có thì rất nhẹ nhàng (63). Tuy vậy, theo Stephen Fitzgerald lúc đầu là như thế, nhưng sau đó Trung Quốc có một chủ trương chung đối với người Hoa ở tất cả các nước Đông Nam Á. Và đến năm 1956 Bắc Kinh đưa ra một chính sách phổ cập và đồng đều đối với người Hoa ở tất cả các nước, “bất chấp những nước đó là những nước mà chúng ta (Trung Quốc) có hay không có quan hệ ngoại giao, hay những nước còn đặt dưới quyền kiểm soát của đế quốc” (64).

Dựa vào chính sách ngoại giao nói chung của Trung Quốc và dựa vào những mục tiêu thay đổi của chính sách đối với người Hoa ở Đông Nam Á, chúng ta có thể phân chia chính sách này ra làm ba giai đoạn:

1. Giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1955.

2. Giai đoạn từ năm 1956 đến “Cách mạng văn hóa”.

3. Giai đoạn trong và sau “Cách mạng văn hóa”.

Sau đây chúng ta đi vào từng giai đoạn để nghiên cứu những đường nét chính của chính sách này.

1. Giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1955

Với sự thành công của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc càng tin tưởng hơn về đường lối cách mạng của mình, xem đó như là một “kiểu mẫu” cho các phong trào Cộng sản ở Á Phi. Vào tháng 11 năm 1949, Lưu Thiếu Kỳ tuyên bố: “Con đường mà nhân dân Trung Quốc đã theo để đánh bại chủ nghĩa đế quốc và những tay sai của nó và để thiết lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là con đường mà các dân tộc ở những nước thuộc địa và nửa thuộc địa cần phải noi theo trong công cuộc chiến đấu để giành độc lập và dân chủ nhân dân” (65). Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào mùa thu năm 1951, Lục Định Nhất, Trưởng ban tuyên truyền trung ương của của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nói: “Khiểu mẫu cổ điển của cách mạng ở những nước đế quốc là Cách mạng tháng Mười, kiểu mẫu cách mạng ở những nước thuộc địa và nửa thuộc địa là Cách mạng Trung Quốc” (66). Chính quyền Bắc Kinh chủ trương tiếp tục chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước, đặc biệt là ở vùng Đông Nam Á bằng “đấu tranh võ trang” theo “kiểu Trung Quốc”, qua các Đảng Cộng sản và phong trào giải phóng địa phương.

Đương nhiên, Bắc Kinh đã coi đó như là lực lượng chính, dù các Đảng Cộng sản và Phong trào giải phóng này do người địa phương làm nòng cốt hay do chính người Hoa kiều như ở Malaixia và ở Thái Lan. Còn đối với đa số người Hoa khác, do sự đối lập về ý thức hệ, về chế độ xã hội cũng như do ảnh hưởng của chính quyền Quốc dân Đảng trước đây, Bắc Kinh cho rằng họ vẫn còn nghi ngờ, lo ngại, thậm chí còn có thái độ chống đối Bắc Kinh nữa. Do đó trong giai đoạn này chính sách của Bắc Kinh đối với họ là một mặt khuyến khích, lôi cuốn sự ủng hộ của họ bằng cách hứa hẹn sẽ bảo vệ quyền lợi của họ, mặt khác lên tiếng đe dọa các chính quyền địa phương nào thi hành những biện pháp hạn chế sinh hoạt của họ.

Thực vậy, ngay khi lên nắm chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn duy trì nguyên tắc huyết thống về quốc tịch, nghĩa là mọi người có huyết thống và văn hóa Trung Quốc đều được coi là công dân Trung Quốc, và Trung Quốc có trách nhiệm đối với họ bất kể họ sinh trưởng ở đâu và đã có quốc tịch của nước nào rồi. Ngay trước năm 1949, Mao Trạch Đông cũng ra chỉ thị “phải bảo vệ quyền lợi của Hoa kiều và giúp đỡ những người đã trở về nước” (67). Trong bản Cương lĩnh chính quyền Bắc Kinh năm 1948, điều khoản 58 đã viết: “Chính quyền nhân dân trung ương sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hoa kiều ở hải ngoại” (68). Hiến pháp của nước Cộng hóa nhân dân Trung Hoa được phê chuẩn năm 1954 cũng nhắc lại điều khoản này. Việc bênh vực quyền lợi của Hoa kiều ở hải ngoại cũng như sự đe dọa các chính quyền sở tại đã được giới cầm quyền Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những lời tuyên bố chính thức của họ. Người phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói: “Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất cứ một hành động sỉ nhục hoặc bất công nào đối với đồng bào của chúng tôi ở đất khách quê người” (69). Vào cuối năm 1951, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng phát biểu trong Quốc hội Trung Quốc khóa I: “Nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của họ (Hoa kiều) đã bị xâm phạm nghiêm trọng, đó là kết quả của sự kỳ thị không hợp lý, của sự đàn áp do một số nước tiến hành. Điều này không thể không khiến cho nhân dân Trung Quốc phải đặc biệt chú ý và lưu tâm” (70). Qua những lời tuyên bố trên, Bắc Kinh luôn luôn gây cho người Hoa ở Đông Nam Á một ấn tượng là họ không còn là “kẻ mồ côi ở hải ngoại” nữa, họ luôn luôn được Trung Quốc đứng sau lưng họ để bảo vệ họ. Đồng thời, Bắc Kinh cũng tiến hành những thủ tục xác nhận những công dân hải ngoại này. Cuộc điều tra dân số Trung Quốc vào năm 1953 đã sát nhập 11,7 triệu Hoa kiều vào dân số chính thức của Trung Quốc. Hiến pháp năm 1954 cũng dành riêng cho họ 30 đại biểu tại Quốc hội Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 1954, Văn phòng Hoa kiều vụ, được thiết lập từ năm 1949, đã tổ chức đại hội đại biểu người Hoa ở hải ngoại gồm 195 đại biểu ở khắp nơi về tham dự để bầu 30 đại biểu vào Quốc hội, trong số này có 18 đại biểu từ Đông Nam Á về được trúng cử (71). Tại lục địa, Bắc Kinh cho thiết lập “Hiệp hội Hoa kiều hồi hương” gồm những người Hoa đã trở về nước và thân nhân của họ ở hải ngoại, hai loại người này được gọi là “Hoa kiều nội địa”. Hội có Ban chấp hành trung ương Hội và thường tổ chức những hội nghị thường kỳ. Theo con số do Bắc Kinh đưa ra, cho đến năm 1957, có khoảng từ 40 đến 50 vạn người Hoa đã trở về nước, chưa kể 4 vạn sinh viên Hoa kiều từ Đông Nam Á về theo học tại các trường đại học ở Trung Quốc (1949 - 1957). Mục đích của Hội này là “siết chặt mối liên lạc giữa Hoa kiều trở về nước cùng thân nhân của họ ở hải ngoại với đồng bào (của chúng ta) ở nước ngoài”, đồng thời “vận động họ tham gia xây dựng xã hội chủ nghĩa ở lục địa” (72). Ngoài ra, Bắc Kinh còn sử dụng những phương tiện tuyên truyền rộng lớn như ấn loát, phát thanh, kể cả những thủ đoạn mua chuộc nhằm tranh thủ tình cảm của người Hoa ở Đông Nam Á.

Và Bắc Kinh đã thành công. Chủ tịch Ủy ban Hoa kiều vụ tuyên bố: “Tiếp theo sự thành lập một nước Trung Hoa mới, người Hoa ở hải ngoại có thể quan sát thấy những tiến bộ nhanh chóng trong mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị và văn hóa của tổ quốc họ. Họ có thể thấy sự thành công của chính sách ngoại giao hòa bình và sự lớn mạnh về uy tín chính trị trên trường quốc tế của tổ quốc họ. Tất cả những điều này không thể không có ảnh hưởng đến vị trí của họ trong các nước sở tại, nơi mà sự kỳ thị đã bắt đầu đi vào quá khứ và phải nhường chỗ cho lòng kính nể. Vì lý do đó, Hoa kiều ở hải ngoại đã có một tình cảm sâu sắc và nồng nhiệt đối với tổ quốc của họ và hãnh diện về nó” (73).

Ngoài việc lôi cuốn sự ủng hộ về mặt chính trị của người Hoa ở Đông Nam Á, trong giai đoạn này Bắc Kinh còn nhằm tranh thủ sự tài trợ kinh tế của họ qua hình thức gửi tiền về nước cho thân nhân hoặc gửi tiền để đầu tư vào các nông trường quốc doanh của Trung Quốc. Tuy nhiên trong giai đoạn này vì không có cơ sở phù hợp với nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa nên Bắc Kinh một mặt chỉ kêu gọi và tuyên truyền để người Hoa ở Đông Nam Á biểu hiện lòng yêu nước của họ bằng cách đóng góp xây dựng Tổ quốc, mặt khác lại liệt số tiền của họ gửi về cho thân nhân là “kết quả của sự bóc lột phong kiến và tư bản”, rồi chính phủ khấu trừ một phần lờn để nhập vào quỹ của hợp tác xã, hoặc bắt ký thác dài hạn vào ngân hàng nhà nước chứ không được sử dụng tùy tiện. Ngoài ra tỷ lệ hối đoái của số tiền này lại quá thấp so với thị trường tự do, đôi khi chỉ còn 1/10 trị giá số tiền gửi về (74). Chính vì thế mà số lượng tiền gửi về nước không đạt được mức trước nắm 1949. Tuy nhiên số tiền do người Hoa lao động ở các nước Đông Nam Á gửi về nước trong giai đoạn này theo điều tra của Andreyev vẫn giữ được mức cũ, nghĩa là chiếm 1/3 tổng số tiền nhập vào Trung Quốc. Chỉ từ năm 1957 trở đi số tiền gửi về nước của giới này mới bị suy giảm, rồi trong thập niên 60 thì còn 10% và hiện nay hầu như không còn gì nữa (75). Đây cũng là một lý do khiến cho Trung Quốc sẽ quay sang thành lập liên minh với giai cấp tư sản Hoa kiều sau này. Riêng trong giai đoạn này để bù trừ cho sự giảm sút ngoại tệ vì tiền của Hoa kiều gửi về nước ít, Bắc Kinh đã đề ra những chiến dịch “xăng-ta” (chantage) đe dọa thân nhân của giai cấp tư sản Hoa kiều đang ở trong nước, đòi tịch thu gia sản của họ hoặc bắt bớ họ nếu họ không có đủ một số lượng ngoại tệ nhất định. Chiến dịch này đạt đến cao điểm trong thời gian chiến tranh ở Triều Tiên, có trường hợp số tiền phải gửi về nước để chuộc lên tới 20 vạn Mỹ kim (76). Kết quả trước mắt là Bắc Kinh đã thu được một số ngoại tệ không nhỏ, nhưng về lâu về dài thì Bắc Kinh lại phải chịu nhiều hậu quả. Do đó vào năm 1955 để tiếp tục thu hút số tiền của giai cấp tư sản người Hoa ở Đông Nam Á, Bắc Kinh đã có những nượng bộ, mặc dù những nhượng bộ ấy đi ngược lại nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa như chúng tôi sẽ trình bày trong phần nói về chính sách của Bắc Kinh đối với giai cấp tư sản Hoa kiều.

Trong giai đoạn này chính sách của Bắc Kinh kêu gọi vốn đầu tư của Hoa kiều cũng theo một đường lối tương tự, nghĩa là chỉ khuyến khích lòng yêu nước của họ qua việc họ tích cực đóng góp xây dựng đất nước mà thôi, chứ không có một nhượng bộ nào trái với nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhà nước không bảo đảm sẽ không truất hữu và thanh toán tiền lãi cổ phần. Họ lại chỉ được đầu tư vào những xí nghiệp công tư hợp doanh ở những tỉnh phía Nam Trung Quốc và trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi (77). Vì thế người Hoa ở Đông Nam Á không tha thiết đáp ứng lời kêu gọi của Bắc Kinh. Ví dụ, vào năm 1951, mặc dù chính quyền đảo Hải Nam kêu gọi kiều bào ở hải ngoại tài trợ cho công trình xây dựng các đồn điền cao su ở đây, nhưng không có kết quả. Vào tháng 2 năm 1951, công ty Hoa Nam, tiền thân của Liên công ty đầu tư Hoa kiều hải ngoại ngày nay, được thiết lập với số vốn là 5 triệu đồng và chia thành 10 vạn cổ phần bán cho Hoa kiều, nhưng chỉ có 10% số cổ phần do người Hoa ở Đông Nam Á mua, số còn lại đều do Hoa kiều ở Hồng Ko6ng và Macao mua. Trước sự thất bại này, năm 1955 Bắc Kinh phải thay đổi chính sách của họ đối với người Hoa ở Đông Nam Á.

Tóm lại, trong giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1955, vì chính sách chung của Bắc Kinh đối với Đông Nam Á là cổ vũ “đấu tranh võ trang” nhằm chống lại chủ nghĩa đế quốc và các chính quyền tay sai, và dựa vào các Đảng Cộng sản địa phương làm lực lượng chủ yếu; vì cộng đồng người Hoa ở đây còn xa lạ với chế độ xã hội mới; cho nên Bắc Kinh mới chỉ nhằm thu hút sự ủng hộ của người Hoa ở Đông Nam Á về chính trị, kinh tế, đồng thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi của họ trước sự kỳ thị và đàn áp của các chính quyền sở tại.

2. Giai đoạn từ năm 1955 đến “Cách mạng văn hóa” (1967)

Sau chiến tranh Triều Tiên, giới cầm quyền Bắc Kinh muốn có hòa bình để xây dựng. Hơn nữa, chính sách cổ vũ “đấu tranh võ trang” lúc này xem ra đã thất bại, đặc biệt là tại Mã Lai, nơi mà Trung Quốc đặt nhiều tin tưởng vì Đảng Cộng sản ở đây đa số (95%) là người Hoa trong tổng số 5.000 đảng viên (78). Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh bắt buộc phải thay đổi chính sách. Nếu trước kia, Bắc Kinh ít quan tâm tới quan hệ với các chính quyền không Cộng sản ở Đông Nam Á thì trong giai đoạn này việc lập bang giao với họ lại là trọng điểm của chính sách ngoại giao của Bắc Kinh trong khu vực này. Trong giai đoạn trước, việc Bắc Kinh lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người Hoa và đe dọa các chính quyền ở Đông Nam Á đã đưa đến hậu quả là các chính quyền này một mặt càng có thái độ không thân thiện với Bắc Kinh, mặt khác lại gia tăng những biện pháp hạn chế người Hoa. Nói cách khác, vào lúc này cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á đã trở thành một trở ngại cho Bắc Kinh trong việc bình thường hóa quan hệ với các nước này. Do đó Bắc Kinh phải tu chỉnh lại chính sách đối với người Hoa tại đây.

Vào tháng 9 năm 1954, Chu Ân Lai thông báo một điều mà người ta xem như là sáng kiến đầu tiên về người Hoa ở Đông Nam Á của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi lên cầm quyền. Chu nói: “Cần phải nói rằng trong quá khứ, các chính quyền phản động Trung Quốc không bao giờ cố gắng giải quyết vấn đề quốc tịch của người Hoa ở hải ngoại. Điều này không những đã đặt người Hoa trong một hoàn cảnh khó khăn, mà thường lại là nguyên nhân gây nên sự bất đồng giữa Trung Quốc và các nước sở tại. Để cải thiện hoàn cảnh này, chúng ta sẵn sàng giải quyết vấn đề người Hoa, bắt đầu với những nước ở Đông Nam Á có quan hệ với chúng ta” (79). Hai năm tiếp sau đó, Bắc Kinh nỗ lực giải quyết vấn đề đã nêu. Trước tiên Bắc Kinh ký thỏa hiệp với Inđônêxia vào tháng 4 năm 1955, theo đó, trong vòng hai năm những ai có hai quốc tịch Trung Quốc và Inđônêxia thì phải lựa chọn một. Như thế là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã bãi bỏ nguyên tắc huyết thống về quốc tịch. Lợi dụng diễn đàn hội nghị Bandung cũng vào thời gian này, Chu Ân Lai đã lấy sự thỏa hiệp với Inđônêxia đã gặp phải nhiều khó khăn. Bởi lẽ người ta thấy rõ hai điều kiện mà Trung Quốc đưa ra, một là phải có sự đồng ý chính thức giữa chính quyền Trung Quốc với chính quyền sở tại, hai là người Hoa có quyền tự do lựa chọn giữa hai quốc tịch. Các chính phủ ở Đông Nam Á lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng điều kiện thứ nhất để làm lợi khí ngoại giao cho Trung Quốc vì thông qua việc thương lượng chính thức giữa hai bên về vấn đề người Hoa, có khả năng đưa tới sự thiết lập quan hệ thường trực hơn.

Như vậy rõ ràng là trong giai đoạn này Bắc Kinh muốn sử dụng “vấn đề quốc tịch của Hoa kiều ở Đông Nam Á” nhằm cải thiện quan hệ với các chính quyền ở đây. Đồng thời với lời kêu gọi trên, Trung Quốc cũng khuyến khích Hoa kiều ở Đông Nam Á phải tôn trọng luật lệ, tập tục của nước sở tại mà họ đang cư trú. Cũng trong bản báo cáo đọc tại Quốc hội vào tháng 9 năm 1954, Chu Ân Lai đã phát biểu: “Về phần chúng ta, chúng ta sẵn sàng khuyến khích người Hoa ở hải ngoại phải tôn trọng luật lệ của các nước mà họ đang cư trú” (80). Những lời tuyên bố của Chu trong buổi nói chuyện với cộng đồng người Hoa ở Miến Điện vào tháng 10 năm 1956 đã trở thành đường lối công khai của Bắc Kinh về chính sách đối với người Hoa ở Đông Nam Á: “Trung Quốc kêu gọi đồng bào ở hải ngoại hãy tuân theo luật lệ và tôn trọng truyền thống, tập tục, tôn giáo của những nước mà họ đang cư trú”. Chu cũng khuyến khích họ học tập ngôn ngữ địa phương, kết hôn với người địa phương và trở thành công dân địa phương tốt, và Chu yêu cầu nếu ai làm như vậy thì đừng dính líu vào các tổ chức Hoa kiều nữa. Còn người nào vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc thì Chu khuyên họ đừng tham dự vào các hoạt động chính trị, các đảng phái chính trị, các cuộc bầu cử hoặc bất cứ tổ chức địa phương nào. Chu nhấn mạnh: “Chúng tôi không cổ vũ các Đảng Cộng sản hoặc các đảng phái dân chủ khác của người Hoa ở hải ngoại… (nếu họ muốn) tham gia vào các đảng phái chính trị thì họ nên trở về Trung Quốc. Nhưng không thể cho phép họ làm như thế ở địa phương; điều này sẽ đưa đến sự hiểu lầm nơi các nước mà họ đang cư trú” (81).

Nếu vào năm 1955, trong vấn đề quốc tịch của người Hoa ở Đông Nam Á, Bắc Kinh đòi phải có sự đồng ý chính thức giữa Trung Quốc và chính quyền sở tại, và đòi cho người Hoa có quyền tự do lựa chọn bất cứ quốc tịch nào, thì vào cuối năm 1957, để tăng cường quan hệ bình thường với các chính quyền sở tại, Bắc Kinh đã không nêu lên việc phải có sự đồng ý chính thức giữa hai nước như là điều kiện tiên quyết, đồng thời họ lại khuyến khích người Hoa hãy chọn lấy quốc tịch nước sở tại: “Chúng tôi yêu cầu người Hoa ở hải ngoại hãy lựa chọn quốc tịch của nước nước mà họ đang cư trú, tùy theo tự do của họ. Điều này chỉ có lợi cho chính họ, cho nước họ đang cư trú và cho quan hệ thân thiện giữa Trung Quốc và nước sở tại... Con cháu của họ nên học tập ngôn ngữ, địa lý, lịch sử và nghề nghiệp của địa phương để có thể được giáo dục và sinh sống ở các nước này” (82). Vào tháng 3 năm 1958, Bắc Kinh lại tuyên bố mạnh mẽ hơn: “Ngày nay các cộng đồng rộng lớn của người Hoa sinh sống ở hải ngoại phải gạt sang một bên mọi sự dè dặt và trên nguyên tắc tự do lực chọn, hãy chọn quốc tịch địa phương” (83). Trong khi đó, ngay tại lục địa, “Hiệp hội Hoa kiều hồi hương” cũng thay đổi mục tiêu hoạt động. Trong giai đoạn trước, mục đích của Hiêọ hội là đặt liên hệ với Hoa kiều ở hải ngoại, phản ánh dư luận của họ và tăng cường sự thống nhất những hoạt động yêu nước của họ thì vào tháng 4 năm 1958, Hiệp hội lại đặc biệt quan tâm tới những Hoa kiều vừa mới về nước. Nếu trong giai đoạn trước, người Hoa ở hải ngoại cũng nằm trong Mặt trận Thống nhất Tổ quốc bởi vì họ được xem như là một thành phần của nhân dân Trung Quốc thì ngày nay “họ có quan hệ huyết thống với nhân dân địa phương và thực sự là một thành phần của nhân dân địa phương” (84), chứ không còn là công dân Trung Quốc nữa.

Song song với chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích người Hoa ở hải ngoại hãy lựa chọn quốc tịch địa phương, Bắc Kinh còn chủ trương đưa những người Hoa không chọn quốc tịch địa phương về Trung Quốc. Trong giai đoạn 1949 – 1957 đã có khoảng 40 vạn người Hoa ở hải ngoại về Trung Quốc và giữa những năm 50 Bắc Kinh cũng lên tiếng kêu gọi trí thức Hoa kiều ở hải ngoại hãy trở về xây dựng đất nước. Nhưng sau kỳ họp lần thứ năm của Quốc hội Trung Quốc, vấn đề đưa người Hoa ở hải ngoại trở về nước trên quy mô lớn mới được nêu lên. Tuy vậy vào cuối năm 1959 chương trình này mới được phổ biến rộng rãi sau khi chính phủ Inđônêxia ra lệnh cấm người Hoa buôn bán lẻ. Bắc Kinh tuyên bố: “Chính phủ quyết tâm và sẵn sàng tiếp đón đồng bào ở hải ngoại trở về nước, dù họ đông đến 50 vạn, một triệu hoặc bao nhiêu triệu nữa, tất cả sẽ được tiếp đón nồng hậu. Chúng ta có khả năng, và đã chuẩn bị công việc để tiếp đón họ” (85). Theo dự tính, Trung Quốc sẽ đưa về nước khoảng từ ba tới năm triệu người Hoa có quốc tịch Trung Quốc ở Đông Nam Á trong vòng bảy hoặc tám năm, trước tiên là 600.000 người Hoa ở Inđônêxia đang bị chính quyền ở đây bài xích. Trong số này, vào cuối năm 1960 Trung Quốc mới chỉ đưa về nước được 94.000 người. Những khó khăn về tài chính, tổ chức, về sự thích nghi của những người Hoa mới trở về và nhất là về số lượng Hoa kiều xin về nước lại bị suy giảm khiến cho Bắc Kinh phải thay đổi chương trình. Từ năm 1962, chính quyền Trung Quốc một mặt tiếp tục khuyến khích Hoa kiều ở các nước hãy đồng hóa vào xã hội địa phương, mặt khác họ chỉ đưa về lục địa những người Hoa ở những nước có phong trào bài Hoa mạnh như Inđônêxia vào năm 1965. Trong đợt này, Bắc Kinh cũng chỉ mới đưa về nước được khoảng trên dưới vài ngàn người Hoa trong bốn chuyến từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 5 năm 1967.

Nếu chính sách của trung Quốc đối với người Hoa trong giai đoạn này là cổ vũ họ sát nhập vào xã hội địa phương, khuyên ngăn họ không nên tham dự vào những hoạt động chính trị của địa phương và Trung Quốc sẵn sàng đưa về nước những Hoa kiều không thể hoặc không muốn vào quốc tịch địa phương. Vậy mục tiêu của Trung Quốc là gì? Rõ ràng là Trung Quốc muốn thực hiện chính sách chung sống hòa bình, quan hệ bình thường với các nước Đông Nam Á. “Với mục đích thực hiện năm nguyên tắc chung sống hòa bình một cách thỏa đáng hơn, liên quan đến công việc của chúng ta với người Hoa sống ở hải ngoại, trước hết chúng ta phải giải quyết vấn đề hai quốc tịch của họ theo một cách thức đặc biệt, để cổ vũ quan hệ thân thiện giữa Trung Quốc với các nước mà họ đang cư trú và để tạo điều kiện dễ dàng cho họ có thể sống ở đây vĩnh viễn” (86). Mục tiêu thứ hai, theo Fitzgerald là “cắt đứt quan hệ giữa người Hoa ở hải ngoại với Tổ quốc Trung Hoa, là trút bỏ trách nhiệm của Trung Quốc đối với người Hoa ở hải ngoại, là loại bỏ một vấn đề đã phức tạp hóa mục tiêu của Trung Quốc ở Đông Nam Á” (87). Thực vậy, nếu Bắc Kinh không muốn “rảnh nợ” thì tại sao Bắc Kinh đã đề ra chính sách tự do lựa chọn quốc tịch cho Hoa kiều, khuyến khích họ lấy quốc tịch địa phương, học tập ngôn ngữ địa phương, kết hôn với người địa phương, và chỉ đưa về nước những Hoa kiều không có thể hoặc không muốn vào quốc tịch địa phương? Một tờ bích chương trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa” cho biết Liêu Thừa Chí (88), Chủ tịch Ủy ban Hoa kiều vụ, đã tuyên bố với các tổ chức đặc trách về người Hoa ở Hải ngoại rằng: “Tốt hơn hết là các đồng chí nên rời xa Hoa kiều… Các đồng chí đừng sợ người ta nói là các đồng chí không nỗ lực làm việc để bảo vệ Hoa kiều. Hoa kiều có thể tự bảo vệ lấy. Các đồng chí không nên can thiệp vào công việc của họ và cũng không nên có ý kiến. Các đồng chí càng có ý kiến thì Hoa kiều càng bị xôn xao. Họ muốn sống vĩnh viễn ở những nước mà họ đang cư trú. Các đồng chí phải hiểu điều đó” (89).

3. Giai đoạn trong và sau “Cách mạng văn hóa”

Chính sách của Bắc Kinh đối với người Hoa ở Đông Nam Á trong giai đoạn 1955-1967 đã bị “Cách mạng văn hóa” tố cáo là một chính sách từ bỏ đấu tranh giai cấp, là “một triết lý sinh tồn (survival), đầu hàng và xét lại” (90). Do đó “Cách mạng văn hóa” đã thay đổi toàn bộ chính sách này mà trước tiên là “hạ bệ” Liêu Thừa Chí, Chủ tịch Ủy ban Hoa kiều vụ. Liêu đã xuất hiện lần cuối cùng vào sáng 3-7-1967 tại sân bay Bắc Kinh.

Đúng vào chiều cùng ngày, đáng lẽ Liêu phải chủ trì cuộc mít-tinh của Hồng vệ binh để tố cáo chính quyền Miến Điện đàn áp Hoa kiều, nhưng không thấy Liêu có mặt, và từ ngày đó báo chí không còn nhắc nhở đến Liêu nữa. Cũng từ tháng 2 năm 1968 ngay cả Ủy ban Hoa kiều vụ cũng không được nói tới. Những tổ chức khác liên quan đến Ủy ban này như “Hiệp hội Hoa kiều hồi hương” cũng không thấy xuất hiện trong các cuộc mít-tinh được liên tiếp tổ chức để tố cáo các cuộc đàn áp người Hoa ở Hồng Kông, Miến Điện xảy ra trong thời gian này. Các nhà lãnh đạo “Cách mạng văn hóa” đã phê phán rằng chính sách đối với người Hoa ở hải ngoại của Liêu Thừa Chí là “triết lý sinh tồn”, nó khuyến khích họ từ bỏ đấu tranh giai cấp, ngăn chặn tinh thần cách mạng của họ và phản lại quyền lợi của Trung Quốc. Bích báo viết: “Ông Liêu đã ra lệnh bãi bỏ những phong trào quần chúng… cấm đoán những buổi học tập chính trị trong các tổ chức và trường học của Hoa kiều, vì sợ phật lòng các chính phủ địa phương. Ông còn tuyên bố rằng “Hoa kiều không nên can dự vào những vấn đề nội bộ địa phương và bất cứ ở hoàn cảnh nào cũng không nên tham gia vào cuộc đấu tranh nội bộ địa phương… Hoa kiều sẽ không làm cách mạng. Nếu có làm cũng sẽ không thành công” (91).

Nhưng đối với các nhà lãnh đạo “Cách mạng văn hóa”, Hoa kiều vẫn là lực lượng nòng cốt đấu tranh cho quyền lợi của Trung Quốc. Lý Nghiệp Phu, tên gián điệp của Trung Quốc được gửi tới thành phố Hồ Chí Minh để vận động giới Hoa kiều tại đây chống phá công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa của ta đã thú nhận: “Kiều ủy Trung ương mỗi lần gặp giao nhiệm vụ đều nói với tôi: Sự vĩ đại của phong trào “Cách mạng văn hóa vô sản” là ở chỗ không những tiến hành ở Trung Quốc, mà ocn2 làm ở trên khắp thế giới, nhất là ở vùng Đông Nam Á. Trung Quốc là nước hùng mạnh, nước lớn nhất châu Á phải giữ vai trò chi phối Đông Nam Á. Muốn đạt được mục đích đó cần phải thúc đẩy phong trào “Đại cách mạng văn hóa vô sản”, tuyên truyền sâu rộng tư tưởng Ma Trạch Đông, phải lấy Hoa kiều làm nòng cốt, làm ngòi pháo, làm đầu tàu mua chuộc người bản xứ, kích động dân chúng bảo sao nghe vậy, (L.V.K nhấn mạnh) làm cho “Cách mạng văn hóa” lan bùng lên khắp các nước Đông Nam Á, tạo điều kiện ép buộc chính phủ các nước đó đi theo đường lối của Trung Quốc” (92). Vào năm 1967 tên Lý Nghiệp Phu đã được gửi tới Campuchia để thực hiện chủ trương trên trong giới người Hoa ở nước này. Cũng trong thời gian ấy, các nhà lãnh đạo “Cách mạng văn hóa” đã ra lệnh tiến hành những cuộc gây xáo trộn qua trung gian người Hoa tại nhiều nơi ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại Inđônêxia và Miến Điện.

Như thế rõ ràng là trong giai đoạn này, người Hoa đã được sử dụng như một công cụ chính trị đặc biệt của Trung Quốc để gây sức ép đối với các chính phủ ở Đông Nam Á và chính sách nói trên đã được tiến hành đến cuối năm 1968 khi “Cách mạng văn hóa” đã lắng dịu tại lục địa và Chu Ân Lai đã giành lại được bộ máy đối ngoại của Trung Quốc.

Sau những xáo trộn gây nên bởi chính sách cực đoan của “Cách mạng văn hóa” làm cho quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trở nên khó khăn hơn, Chu Ân Lai đã đề ra mục tiêu chủ yếu là bình thường hóa quan hệ với những nước này, tranh thủ các chính phủ ở đây với mục đích lôi kéo họ vào liên minh chống lại ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực Đông Nam Á (93). Vì vậy một mặt Bắc Kinh sẵn sàng giúp đỡ các chính quyền Đông Nam Á khắc phục thiên tai xảy ra trong nước, tăng cường buôn bán và trao đổi các phái đoàn thương mại, phái đoàn thể thao; mặt khác, Bắc Kinh giảm bớt sự giúp đỡ đối với các phong trào giải phóng địa phương. Đồng thời Bắc Kinh cũng bãi bỏ chính sách dùng người Hoa để rối mà “Cách mạng văn hóa” đã chủ trương, và trở lại chính sách cũ tức là khuyến khích người Hoa tuân theo luật lệ của các chính quyền sở tại và lấy quốc tịch địa phương. Vào tháng 8 năm 1971, Chu Ân Lai đã nhắc lại với Tổng thống Miến Điện những lời tuyên bố của Chu với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á khoảng 15 năm trước, rằng: “Hoa kiều phải tuân theo luật lệ của những nước mà họ đang cư trú và chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm giúp cho nguyên tắc này được tuân thủ” (94). Nói một cách khác, chính sách của Bắc Kinh trong giai đoạn này là tiếp tục thực hiện chính sách đã được đề ra từ năm 1955 và đã bị “Cách mạng văn hóa” làm đứt đoạn, với mục đích, như trên đã trình bày, là “cắt đứt quan hệ giữa cộng đồng người Hoa (ở Đông Nam Á) với Tổ quốc Trung Hoa, là trút bỏ trách nhiệm của Trung Quốc đối với người Hoa ở hải ngoại” (95).

Tuy nhiên không phải Bắc Kinh muốn trút bỏ trách nhiệm đối với tất cả người Hoa ở hải ngoại như quan niệm của S. Fitzgerald. Đề ra chính sách trên, Bắc Kinh muuốn nhằm tách biệt đa số người Hoa lao động ra khỏi Trung Quốc, muốn họ không trở thành một vấn đề mà Bắc Kinh phải quan tâm. Bởi vì song song với chính sách đối với người Hoa nói chung, giới cầm quyền Bắc Kinh còn có một chính sách riêng biệt để thu phục, ưu đãi và bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản Hoa kiều ở Đông Nam Á.

III. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIAI CẤP TƯ SẢN NGƯỜI HOA Ở ĐÔNG NAM Á

Giai cấp tư sản người Hoa ở Đông Nam Á tuy chỉ chiếm 5% trong tổng số người Hoa ở đây (96) nhưng thực lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị của họ trong vùng lại rất mạnh. Theo ước tính, họ đã đầu tư tổng cộng tới 16 tỷ Mỹ kim vào nền kinh tế của các nước ở Đông Nam Á (97). Họ chiếm 60-80% ngành thương mại nội địa và kiểm soát một số lớn những tổ chức ngoại thương. Theo Andreyev vào giữa những năm 60, giới tư sản người Hoa chiếm 42% ngành ngoại thương của các nước Đông Nam Á, trong khi đó các tổ chức của chính phủ địa phương chỉ có 8%, tư sản bản xứ có 18%, số còn lại (32%) của tư sản ngoại quốc khác. Vốn đầu tư của Hoa kiều hoạt động mạnh trong việc xuất khẩu nông sản, nhập khẩu phụ tùng máy móc và các mặt hàng gia dụng. Họ cũng hoạt động mạnh trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, các xí nghiệp cung ứng thị trường nội địa. Ở Thái Lan trong 100 công ty cộng nghiệp chế biến lớn nhất thì 63% là do họ trực tiếp kiểm soát, và trong số 25 người được coi là tư sản có thế lực nhất trong thế giới kinh doanh thì đã có 23 người gốc Hoa (98). Ở Campuchia, vào năm 1967, có 98% xí nghiệp công nghiệp đều nằm trong tay của người Hoa. Họ còn thao túng được tiền tệ, kiểm soát giá cả đủ thứ mặt hàng. Trong nông nghiệp, hầm mỏ, vị trí của họ không mạnh bằng trong nội thương và ngoại thương nhưng vẫn chiếm một phần đáng kể. Ngoài hệ thống quan hệ kinh tế trong một nước, giai cấp tư sản Hoa kiều ở Đông Nam Á còn thiết lập được một hệ thống kinh tế giữa các nước trong vùng. Th1i dụ ngân hàng Bangkok có 187 chi nhánh trong nước và 15 văn phòng hải ngoại, trùm lên các ngân hàng địa phương khắp vùng Đông Nam Á bao gồm tổ hợp Ngân hàng Trung Quốc hải ngoại, Ngân hàng Shell và Ngân hàng Mã lai (99). Với thế lực kinh tế này, giai cấp tư sản Hoa kiều ở đây đương nhiên đã mua chuộc được dễ dàng giới cầm quyền địa phương, liên kết chặt chẽ với các nhà chính trị bản xứ để bảo vệ quyền lợi của họ, nếu bản thân họ không trực tiếp làm chính trị tham gia vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền. Họ thường dành cho các nhà chính trị bản xứ các chức Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch của các cơ sở kinh doanh của họ. Thí dụ ông Boonchu, cộng tác viên người Thái của tên trùm tư bản Chin-Mata vừa là Bộ trưởng bộ Tài chánh Thái Lan năm 1976 vừa là Chủ tịch ngân hàng Bangkok. Đồng thời người của ngân hàng này cũng nắm giữ ba bộ chủ chốt khác trong chính phủ Thái là bộ Quốc phòng, bộ Tư pháp và bộ Giáo dục. Ông Prasit Kachanavat, bạn lâu năm của Chin, vừa là Phó thủ tướng Thái Lan vừa là Phó chủ tịch ngân hàng Bangkok. Ở Singapore, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ quốc phòng Singapore (ông Goh Keng Swee) là bạn thân của trùm tư bản người Hoa Robin Loh. Phó chủ tịch của Ủy ban phát triển kinh tế Singapore, ông Tang-I-Fang, là một Giám đốc của Công ty đóng tàu Ednasa của Loh (100). Tại Inđônêxia, trùm tư bản gốc Hoa là Liêm Sieo Liong hoạt động mạnh trong kỹ nghệ xi măng và đinh hương làm thuốc lá, là bạn thân và là cố vấn kinh tế của Tổng thống Suharto trong một phần tư thế kỷ nay (101). Với quan hệ kinh tế trong nước, với hệ thống liên hệ giữa các nước trong vùng và với sự liên kết với giới chính trị bản xứ, giai cấp tư sản người Hoa ở Đông Nam Á quả thực đã có một quyền lực kinh tế và chính trị mà người ta không thể tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới.

Đối với Trung Quốc trước năm 1949, giai cấp tư sản người Hoa ở Đông Nam Á đã đóng góp phần rất lớn trong việc xây dựng đất nước và trong ngành thương mại, đặc biệt là qua số tiền của họ gửi về nước. Theo ước tính của Remer (102), số tiền gửi về nước của họ chiếm 2/3 trong số 100 triệu Mỹ kim hàng năm (năm 1939 lên tới 200 triệu Mỹ kim). Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền, số tiền gửi về nước này đã bị giảm sút nghiêm trọng. Trước sự suy giảm này cũng như trước sự thiếu hiệu quả của đea số người Hoa lao động, đồng thời trước sự thất bại của các Đảng Cộng sản, đặc biệt là của Đảng Cộng sản Mã Lai, trong đó đa số là người Hoa, và trước quyền lực kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản Hoa kiều, Bắc Kinh đã có những sự nhượng bộ trên một cơ sở không phù hợp với nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa nhằm thiết lập liên minh với giai cấp tư sản để thực hiện lợi ích của Trung Quốc. Bắc Kinh đã “công nhận tính bất khả xâm phạm của quyền tư hữu của Hoa kiều tại Trung Quốc và tính hợp pháp của sự thu nhập của một số người tại Trung Quốc do sự bóc lột ở Đông Nam Á” (103)

Nếu trước kia, số tiền của Hoa kiều gửi về cho thân nhân của họ được coi như là “kết quả của sự bóc lột phong kiến và tư sản” thì từ năm 1955 số tiền này lại được coi là “thu nhập chính đáng” của gia đình người được hưởng. Sự thay đổi trong đường lối chính sách ấy đã được giải thích: “Nếu chính sách về tiền tệ của Hoa kiều gửi về nước bị vi phạm ở một vài nơi cá biệt là vì chính sách ấy không được phổ biến đúng đắn. Một khó khăn nữa là ở một vài nơi cán bộ và ngay cả những người có trách nhiệm không muốn nhận thức đúng đắn tính đc85 biệt của vấn đề người Hoa ở hải ngoại. Những bất cập và sai lầm này sẽ được sửa chữa trong những công việc sắp tới” (104). Vào tháng 2 năm 1955. Quốc vụ viện đã ra chỉ thị bảo đảm quyền lợi của người nhận tiền được giữ và tùy tiện sử dụng. Tiếp đó, họ lại được cung cấp thêm lương thực và nhu yếu phẩm ngoài tiêu chuẩn quy định và được phân phối tem phiếu mua những mặt hàng khan hiếm trong những cửa hàng đặc biệt. Họ có thể sử dụng số tiềnnày để mua cổ phần torng các xí nghiệp công tư hợp doanh với mức lãi như của tư bản ngoại quốc đầu tư vào Trung Quốc. , nghĩa là 8% thay vì 5%. Đối với các địa chủ mà ruộng đất đã tậu được là do số tiền từ nước ngoài gửi về thì theo luật cải cách điền địa năm 1950 họ sẽ không bị truất hữu ruộng đất; nhưng trong thực tế, họ vẫn bị tịch thu tài sản, mất quyền công dân và phải học tập cải tạo trong 5 năm. Nhưng vào tháng 8 năm 1955, tất cả địa chủ (trừ những địa chủ không có tiền ở nước ngoài gửi về) đều được phục hồi quyền lợi, được nhận ruộng đất và được gia nhập vào hợp tác xã bậc cao.

Những gia đình có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền về dần dần trở thành một giai cấp được ưu đãi. Nhưng từ tháng 11 năm 1957 chính sách ưu đãi ấy bị bãi bỏ, nhường chỗ cho một số quy định mới: Họ chỉ được cung cấp lương thực, thực phẩm và những mặt hàng khác theo tỷ lệ số lượng mà họ nhận được. Kết quả là Bắc Kinh đã loại bỏ gần 2/3 số người được liệt vào hạng “Hoa kiều nội địa” (105) và chỉ còn lại 1/3 số thân nhân của các nhà tư sản người Hoa ở hải ngoại mới đủ tiêu chuẩn được ưu đãi. Dựa vào số lượng tiền gửi về nước để quy định sự ưu đãi, rõ ràng là Bắc Kinh một mặt muốn thu hút thêm ngoại tệ, mặt khác muốn xích gần lại với giai cấp tư sản người Hoa bằng cách ưu đãi thân nhân của họ tại lục địa, bởi vì ai có thể gửi về nước một số tiền lớn, ngoài chính họ? Những quy định này đã bị “Cách mạng văn hóa” loại bỏ, nhưng sau đó có lẽ lại được tiếp tục thi hành.

Về tiền đầu tư tại lục địa, trong giai đoạn 1949-1955 cũng bị giảm sút nên giới cầm quyền Bắc Kinh đã phải đưa ra những nhượng bộ tương tự. Nhượng bộ đầu tiên và chủ yếu nhất là Bắc Kinh công nhận tính bất khả xâm phạm của quyền tư hữu của Hoa kiều đầu tư ở Trung Quốc. Tiếp đến là mở rộng lãnh vực đầu tư của họ. Nếu trước kia họ chỉ được đầu tư ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và trong các ngành công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi thì nay họ có quyền đầu tư vào các ngành kỹ nghệ, nội thương, ngoại thương, ngân hàng, bảo hiểm, các tổ chức văn hóa, giáo dục trong cả nước. Mức lãi cũng được tăng lên 8%. Ngoài ra họ có thể dùng số tiền lãi đó để mua tem phiếu mua hàng tại các cửa hàng đặc biệt, những loại tem phiếu này chỉ dành cho người đầu tư hoặc thân nhân của họ ở Trung Quốc sử dụng. Những người này cũng được Nhà nước ưu tiên tuyển chọn vào làm việc tại các xí nghiệp có tiền đầu tư của bà con mình ở hải ngoại.

Với những nhượng bộ trên, số tiền đầu tư của người Hoa ở Đông Nam Á tại Trung Quốc cũng tăng dần. Trong những năm đầu, số tiền đầu tư của họ còn rải rác trong các công ty hợp doanh nhỏ, đến giữa những năm 50 số vốn của họ đã được quy tụ vào ba CÔng ty có quy mô lớn là Công ty xây dựng kỹ nghệ Hoa kiều, Công ty xí nghiệp Nam Trung Quốc và Công ty đầu tư Quảng Châu. Đến năm 1955 ba công ty này hợp lại thành một công ty lấy tên là Liên Công ty đầu tư Hoa kiều với số vốn đầu tiên là 50 triệu Mỹ kim. Liên công ty này có 12 chi nhánh ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, đến năm 1963 nó gồm có 100 xí nghiệp và năm 1966 lên tới 140 xí nghiệp (106).

Ngoài những ưu đãi về kinh tế, Bắc Kinh còn dành cho họ nhiều quyền lợi khác về chính trị. Mười tám đại biểu Quốc hội Trung Quốc ở khu vục Đông Nam Á hầu hết thộc giai cấp tư sản, trong đó có Tan Kah – Kee, một người giàu có nhất ở Mã Lai và có lẽ ở cả khu vực Đông Nam Á, một thời đã làm thống đốc Singapore (107).

Trước những ưu đãi đó và với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc, nhất là Trung Quốc đã tham dự vào nhiều vấn đề chính trị ở khu vực Đông Nam Á nên giai cấp tư sản Hoa kiều thấy có lợi cho họ hơn nếu họ hợp tác với Trung Quốc. Điều họ hy vọng nhất là Trung Quốc có thể bảo vệ quyền lợi của họ nếu xảy ra những cuộc đàn áp do các chính quyền địa phương tiến hành. Bởi vì những hoạt động ngoại thương của Trung Quốc ở Đông Nam Á đều qua trung gian những tổ chức của họ, và nếu quyền lợi của họ bị thiệt hại thì quyền lợi của Trung Quốc cũng không tránh khỏi tổn thất. Ngược lại, với thế lực kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản Hoa kiều, Trung Quốc có thể gây sức ép đối với các chính quyền sở tại. Trên cơ sở cả hai bên đều có lợi ấy, liên minh giữa Bắc Kinh với giai cấp tư sản Hoa kiều ở Đông Nam Á có thể còn phát triển mạnh.

Sau khi phác họa những nét chủ yếu của chính sách của Bắc Kinh đối với người Hoa nói chung ở Đông Nam Á và đối với giai cấp tư sản Hoa kiều nói riêng qua các giai đoạn lịch sử, chúng ta có thể nêu lên một nhận xét khái quát: Sau giai đoạn thu hút sự ủng họ của người Hoa nói chung ở Đông Nam Á đối với Trung Quốc và tin tưởng vào các Đảng Cộng sản ở các nước này sẽ là lực lượng chính tiến hành “đấu tranh võ trang” theo kiểu Trung Quốc, Bắc Kinh đã thấy rõ thực lực của các Đảng này và thực lực của đa số người Hoa lao động không đem đến cho Trung Quốc những thuận lợi mong muốn. Do đó Bắc Kinh đã đề ra chính sách, một mặt tách biệt đại đa số người Hoa lao động ra khỏi Trung Quốc, từ bỏ trách nhiệm của Trung Quốc đối với họ, mặt khác thu hút, lôi cuốn giai cấp tư sản Hoa kiều, mà bản chất của họ đối lập với bản chất của chế độ của Trung Quốc, nhưng họ lại có nhiều khả năng về kinh tế và chính trị có thể phục vụ có hiệu quả cho lợi ích của Trung Quốc; ngả theo Bắc Kinh.

Nếu quả thực Bắc Kinh có hai chính sách đối với người Hoa ở Đông Nam Á, một chính sách tách biệt đối với người Hoa lao động và một chính sách thu hút đối với giai cấp tư sản người Hoa, thì chúng ta phải hiểu như thế nào về luận điểm “Hoa kiều ở Đông Nam Á là công cụ chính trị, là đạo quân thứ năm của Trung Quốc”.

Stephen Fitzgerald mới chỉ thấy được một chính sách chung của Bắc Kinh đối với người Hoa ở Đông Nam Á nên Fitzgerald cho rằng luận điểm “Trung Quốc sử dụng Hoa kiều làm đạo quân thứ năm” là hoàn toàn không có căn cứ. Ngay cả những biện pháp ưu đãi tầng lớp “Hoa kiều nội địa” của Bắc Kinh cũng được Fitzgerald giải thích là nhằm mục đích làm cho người Hoa ở hải ngoại hưởng ứng lời kêu gọi của Trung Quốc: “phải cư xử như những công dân kiểu mẫu ở nucớ sở tại, phải lấy quốc tịch của nước đó và phải trở thành những công dân tốt và trung thành”. Fitzgerald cho rằng sự kiện giới cầm quyền Bắc Kinh sẵn sàng tách biệt và “phi Trung Quốc hóa” cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á bằng cách khuyến khích họ đồng hóa với xã hội địa phương cũng chứng tỏ rằng Bắc Kinh không tin tưởng họ có thể trở thành “đạo quân thứ năm”. Bởi lẽ lợi điểm duy nhất của “đội quân thứ năm” ở Đông Nam Á là Hoa kiều phải vừa là công dân địa phương, vừa là công dân Trung Quốc. Nhưng lợi điểm này lại không thể phát huy được nếu có sự nghi kỵ sâu sắc và phổ biến đối với Hoa kiều ở nước sở tại và cũng do đó nó trở thành một trở ngại lớn cho việc Trung Quốc phát triển quan hệ bình thường với Đông Nam Á. Vì thế Hoa kiều nhất thiết phải từ bỏ thái độ và lối sinh hoạt khiến cho họ tách biệt với nhân dân địa phương, nhất thiết phải đánh tan định kiến cho rằng trước hết là họ trung thành với trung Quốc. Nhưng làm như vậy cũng có nghĩa là phá đổ nền tảng của sự liên hệ đặc biệt giữa Hoa kiều với Trung Quốc, phá đổ những lợi điểm mà họ có thể có với tư cách là “đội quân thứ năm” (108). Một lý do nữa khiến cho “đội quân thứ năm” không có tác dụng và những người Hoa kiều cộng sản cũng bị thất bại là các phong trào, các hoạt động mà chỉ đựa trên cơ sở Hoa kiều thì nhất định sẽ gây nên sự chống đối mãnh liệt của nhân dân địa phương.

Fitzgerald chưa nhìn thấy song song với chính sách của Bắc Kinh đối với người Hoa nói chung còn có chính sách đối với giai cấp tư sản người Hoa nói riêng nữa và chính ở “chính sách thứ hai” này đã bộc lộ rõ ý đồ của Bắc Kinh muốn sử dụng giai cấp tư sản Hoa kiều như là lực lượng chính của “đạo quân thứ năm”, như là công cụ kinh tế và chính trị chủ yếu của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Nhưng như thế không phải là Bắc Kinh không có ý đồ sử dụng các tầng lớp người Hoa khác làm “đạo quân thứ năm”, vì Bắc Kinh biết rõ rằng các tầng lớp này vẫn nuôi dưỡng một tình cảm sâu đậm, một mối liên hệ gắn bó đối với Trung Quốc. Đó là một lợi khí tốt và khi cần thiết Bắc Kinh vẫn có thể dùng mọi cách vận động họ để sử dụng, bất chấp quyền lợi thiết thân của họ. Còn đối với giai cấp tư sản người Hoa, Bắc Kinh cũng vận động bọn này để sử dụng, đồng thời lại quan tâm đến quyền lợi của chúng. Những sự kiện xảy ra ở Việt Nam vừa qua đã chứng minh điều đó.

Ý đồ và chính sách của Bắc Kinh thâm độc, xảo quyệt như vậy, nhưng trong thực tiễn, phản ứng của người Hoa ở Đông Nam Á tuy có cảm tình với Bắc Kinh, ủng hộ Bắc Kinh, nhưng họ chưa chịu đồng hóa quyền lợi của Bắc Kinh với quyền lợi của họ. Điều này được thể hiện rõ rệt trong những lời phát biểu của một số Hoa kiều mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên, đặc biệt là trong lời phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (ở Singapore người Hoa chiếm 75% dân số), trong buổi chiêu đãi Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vào trung tuần thàng 11 – 1978: “Người Singapore có kinh nghiệm và có lịch sử của họ. Họ thừa hiểu rằng tương lai của họ phụ thuộc trực tiếp vào tương lai của Singapore ở Đông Nam Á chứ không phụ thuộc vào tương lai của Trung Quốc. Người Singapore không thể hy sinh quyền lợi dân tộc của họ cho Trung Quốc” (109).

Viện Khoa Học Xã Hội

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 1978

CHÚ THÍCH

(1) Bài này hoàn toàn không đề cập đến người Hoa ở Việt Nam.

(2) Victor Purcell. The Chinese in Southeast Asia. Oxford University Press, London, 1951, tr.2.

(3) R. Stephen Milne. “The Influence on Foreign Policy of Ethnic Minorities with External Ties” trong M. W. Zacher và R. Stephen Milne (sưu tập), Conflict and Stability in southeast Asia, New York, 1974.

(4) Victor Purcell. Sách đã dẫn (ấn hành lần thứ hai) 1965.

(5) Tạp chí Tin tức ngày 19-8-1978. Việt Nam Thông tấn xã. Tài liệu tham khảo (Từ đây viết tắt là TLTK) ngày 26-6-1978.

(6) M.A.Andreyev. Overseas Chinese Bourgeoisite, A Pering Tool in Southeast Asia. Progress Publishers, Moscow, 1974.

(7) Stephen Fitzgerald. “China and Overseas Chinese: Perceptions and Policies” trong The China quarterly số 44/1970. (Từ đây viết tắt là China quarterly 44).

(8) Asiaweek ngày 19-5-1978. TLTK ngày 31-5-1978.

(9) S. Fitzgerald. Sách đã dẫn, tr.15; Andreyev. Sách đã dẫn, tr.66, đưa con số lên tới 12.300.000 người.

(10) Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, Yearbook 1975, Hong Kong, 1975.

(11) Ngày 16-6-1978, TLTK từ 18-8-1978 đến 24-8-1978.

(12) Doak Barnett – Communist China and Asia. New York, 1960, tr.175.

(13) Victor Purcell. Sách đã dẫn (1951), tr. 14-15.

(14-15) Guy Hunter. Southeast Asia – Race, Culture and Nation, Oxford University Press, New York, 1966, tr. 37

(16) Maurice Freedman. The Chinese in Southeast Asia. The China Society, London, 1965, tr. 7.

(17) Từ Triều đại nhà Minh đã có những sắc luật cấm thần dân mình ra khỏi nước. Đến đời Thanh, luật lệ xuất cảnh càng khắt khe hơn vì sợ người Hoa di cư ra nước ngoài tập trung chống lại chính quyền. Quyền di dân của người Trung Quốc mãi đầu năm 1860 mới được chính quyền công nhận (xem Purcell, sách đã dẫn, tr. 37).

(18) Sách đã dẫn, tr. 89.

(19) Guy Hunter. Sách đã dẫn, tr. 39.

(20-21) Charles P. Fitzgerald. The Southern expansion on the Chinese People, London, 1972, tr. 216.

(22) TLTK ngày 19-8-1978, tr.4.

(23) S. Milne. Sách đã dẫn, tr.89.

(24) TLTK, ngày 18-8-1978.

(25) S. Milne. Sách đã dẫn, tr.89.

(26-27) TLTK các ngày 31-5-1978, tr.9; 19-8-1978.

(28) Tạp chí Insight, tháng 6-78, TLTK, ngày 22-8-78.

(29) TLTK ngày 19-8-78.

(30) W. Skinner – Report on the Chinese in Southeast Asia. Cornell University Press, Ithaca, New York, 1951.

(31) W. Skinner – Leadership and Power in the Chinese Community of Thailand, Cornell University Press, Ithaca, New York, 1958, tr.2-4.

(32) David A. Wilson “Thailand and Marxism”, trong F.N. Trager, Marxism in Southeast Asia, Stanford, California, 1959, tr.75.

(33) & (34) TLTK, các ngày 19-8-78; 2-8-78.

(35) & (36) TLTK, các ngày 19-8-78; 21-8-78.

(37) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.72.

(38) Maurice Freedmeen – sách đã dẫn, tr.8.

(39) Wang gungwu – A short history of the Chinese in Southeast Asia, Malaysia, 1959, tr.37.

(40) M. Freedman – Sách đã dẫn, tr.9.

(41) Virginia Thompson, R. Asloff – Minority problems in Southeast Asia, Stanford, 1955, tr.13.

(42) Lea. E. Williams – The future of the Overseas Chinese in Southeast Asia. Mc Graw Hill, New York, 1966.

(43) D. Insor – Thailand, A Political social and Economic Analysis. London 1965, tr.135.

(44) TLTK ngày 21-8-78.

(45) S.Milne – Sách đã dẫn, tr.93.

(46, 47, 48) TLTK ngày 2-8-78.

(49) D. E WillmottThe National Status of the Chinese in Indonesia. Cornell University Press, New York, 1961, tr.68.

(50) Robert Elegant – The Dragon Seed, Peking and the Overseas ChineseSt. Martin’s Press, New York, 1959, tr.14.

(51) (52) Như trên tr.9; tr.4

(53) S. Milne – Sách đã dẫn, tr.89

(54) D.E. Willmott – The Chinese of Semarang, Cornell University Press, Itha ca, New York, 1960, tr.228-229.

(55) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.63-64.

(56) Harold Hinton, Communist China in World Politics, Houghton Mifflin, New York, 1966, tr.401.

(57) Chữ “nói chung” ở đây hiểu theo nghĩa là đa số người Hoa ở Đông Nam Á, để phân biệt với giai cấp tư sản người Hoa mà phần sau sẽ nói tới, với những người Hoa cộng sản mà bài này không đề cập đến.

(58) Wang gungwu – Sách đã dẫn, tr.33

(59) Stephen Fitzgerald – China quarlerly 44. Chú thích 11, tr.6

(60) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.68

(61) Mary F.Somers Heihues – Peking and the Overseas Chinese: the Malayan Dispute, trong Asian Survey, tháng 5/1966

(62) Lea. E. Williams. Sách đã dẫn; S.Zfitzgerald. China quarterly 44

(63) D.E.Willmot – “The Chinese in Southeast Asia”, trong Australian Outlook, tháng 12/1966, tr.260-261

(64) China quarterly 44, tr.8

(65) (66) Doak Barnett – Sách đã dẫn, tr.153; tr.156

(67) Trích dẫn bởi S.Fitzgerald, “The Cultural Revolution and the Overseas Chinese”, The China quarterly, số 40/1969, chú thích 4, tr.105 (Từ đây sẽ viết tắt là China quarterly 40)

(68) (69) (70) Barnett – Sách đã dẫn, tr.185; tr.186; 185.

(71) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.67

(72) Barnett – Sách đã dẫn, tr. 191

(73) (74) (75) (76) (77) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.66; tr.94, tr.89, tr.96, tr.105.

(78) Barnett – Sách đã dẫn, phần phụ lục.

(79) S. Fitzgerald – China quarterly 44, tr.14

(80) Barnett – Sách đã dẫn, tr.188

(81) S. Fitzgerald – China quarterly 40, tr.106

(82) Barnett – Sách đã dẫn, tr.196

(83) S. Fitzgerald – China quarterly 40, tr.23

(84) Như trên, tr.25

(86) Barnett – Sách đã dẫn, tr.196

(87) S. Fitzgerald – China quarterly 44, tr.11

(88) Liêu Thừa Chí làm Chủ tịch Ủy ban Hoa kiều vụ từ tháng 4/1959 nhưng thực sự Liêu đã có vai trò chủ chốt trong Ủy ban này từ 10 năm trước đó khi mẹ của Liêu là Hồng Hương Ngưng đã làm chủ tịch Ủy ban ngay từ năm 1949.

(89) S. Fitzgerald – China quarterly 40, tr.111

(90) Như trên, tr.105

(91) S. Fitzgerald – China quarterly 40, tr.104

(92) Sài Gòn giải phóng ngày 18-7-1978

(93) Frank Langdon – China’s Policy in Southeast Asia trong M.W.Zacher và Stephen Milne, - Conflict and Stability in Southeast Asia, New York 1974, tr.323

(94) Tạp chí Kinh tế Viễn Đông ngày 9-10-1971

(95) Vào đầu năm 1978, Bắc Kinh đã đưa ra một chính sách mới về người Hoa ở Đông Nam Á, coi họ thuộc hàng ngũ những người chống “bá quyền” ở khu vực Đông Nam Á. Vì không có tư liệu nên chúng tôi không đề cập tới trong bài này.

(96) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.80

(97) (98) (99) (100) TLTK, các ngày 31-5-1978, 10-8-1978, 22-8-1978

(102) C.F. Remer – Foreign Investment in ChinaNew York 1933. Andreyev – Sách đã dẫn, tr.86

(103) (104) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.62, 96

(105) S. Fitzgerald – China quarterly 44, tr.27

(106) Andreyev – Sách đã dẫn, tr.110

(107) Robert Elegant – Sách đã dẫn, tr.11

(108) S. Fitzgerald – China quarterly 44, tr.33

(109) Sài Gòn giải phóng, ngày 17-11-1978