Monday, 12 October 2009

Hành hương là hành hương

Hành hương là hành hương và là để hành hương vì:

-Hành hương là dấu chỉ cho cả cuộc đời chúng ta phải luôn luôn đi tìm kiếm Chúa, tìm tới gần Đức Mẹ hơn, tìm kiếm Nước Trời.

Hành hương là dấn bước theo Chúa Yêsu và Đức Mẹ, sống cuộc đời mình theo đường lối Chúa Yêsu và Đức Mẹ.
Trước tiên, hành hương là dấu chỉ cho cả cuộc đời kẻ tin phải luôn luôn tìm kiếm Chúa, tìm tới gần Đức Mẹ hơn, tìm kiếm Nước Trời.

“Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa!” Đó là lời Chúa kêu gọi thường xuyên mỗi tín hữu. Có được mang danh nghĩa là Kitô hữu từ bao nhiêu năm đi nữa, có sống lành sống thánh đến thế nào đi nữa, có thông thạo giáo lý, thần học tới đâu đi nữa, thì vẫn phải tìm về gần Thiên Chúa hơn mãi vì “chỉ có Chúa là Đấng Thánh” và vẫn phải mở tắt, mở lòng, mở trí hơn mãi để “hội ra được mọi chiều rộng dài cao sâu (của Lòng Mến) để biết Lòng Mến của Đức Yêsu Kitô siêu vời vượt quá sự hiểu biết”(Ep 3,18-19).

Sống đức tin là trở lại không ngừng, lột xác không ngừng, ngày càng bỏ đi con người cũ tội lỗi để càng trở nên con người mới trong ơn nghĩa Chúa, ngày càng sống hợp với Tin Mừng hơn, đúng theo Thánh Ý Thiên Chúa hơn.

Hội Thánh không ngừng nhắc nhở chúng ta là phải đi mãi như vậy, phải tiến tới mãi như vậy, phải hành hương mãi như vậy. Phụng vụ hàng năm vẫn có Mùa Vọng, Mùa Sám Hối để kêu gọi chúng ta “hãy dọn đường cho Chúa đến”, “hãy sám hối và và tin vào Tin Mừng”. Cũng như ngày ngày ở đầu mỗi thánh lễ : “Hãy nhìn nhận tội lỗi của chúng ta” và ở cuối mỗi thánh lễ: “Hãy ra đi bằng an”.

Ngày đầu Mùa Sám Hối thường hay trùng với một trong ba ngày Tết. Đó không phải là chuyện rủi ro mà trái lại đó là cả một điều may mắn, một duyên kỳ ngộ : nhờ sự trùng hợp này, chúng ta được dịp thấm thía rằng có thể hoãn một việc xức tro, có thể hoãn một ngày chay vì đều không phải là những điều thiết yếu, nhưng trở lại, đổi mới cuộc đời thì ngày nào, lúc nào cũng đúng ngày đúng lúc, cũng cần thiết. Kể cả ba ngày Tết cũng có cách trở lại, đổi mới cuộc đời trong ba ngày Tết : bớt ăn chơi, phung phí chẳng hạn mà thêm tình nghĩa, thêm san sẻ vv… Mùa sám hối mà bắt đầu với một trong ba ngày đầu năm thì càng là cơ hội cho chúng ta thấm thía hơn lời kêu gọi: “Hãy tìm nước Thiên Chúa trước đã, và sự công chính của Người” trước đã, rồi điều nọ điều kia “sẽ được ban thêm cho anh em”

Hành hương còn là bước theo Chúa Yêsu và Đức Mẹ, sống cuộc đời mình theo đường lối của Chúa Yêsu và Đức Mẹ.
Hành hương là một buổi thì chỉ là con đường từ nhà tới một ngôi thánh đường. Hành hương vài tuần, một hai tháng thì có thể chỉ là đường bay đưa kẻ hành hương từ quê nhà mình tới đất Thánh, tới Lộ Đức hay tới Mộ Thánh Phêrô. Nhưng cuộc hành hương lớn nhất, dài ngày nhất, quan trọng nhất là cả cuộc đời chúng ta thì không phải là con đường nào có thể vạch ra được trên một bản đồ. Đó chính là lối sống của Chúa Yêsu và Đức Mẹ, là chính con đường Chúa Yêsu và Đức Mẹ đã đi về với Chúa Cha và đưa chúng ta về với Chúa Cha, là chính đường lối Tin Mừng.

Đường lối đó của Chúa Yêsu là vâng phục Chúa Cha và hiến thân phục vụ cứu độ loài người cho đến chết và chết trên thập giá. Nhìn vào cuộc đời của Chúa Yêsu là có thể như các đồ đệ của Yoan Tẩy Giả, ghi nhận cho mình và tin lại cho anh em đồng loại được biết mọi điều tai nghe mắt thấy: “Mù được sáng mắt và què đi được, phung hủi được sạch, và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng”
Suốt năm phụng vụ, Hội Thánh vẫn ôn lại, diễn lại và quảng diễn từng bước một của đường lối đó. Riêng trong cuộc hành hương minh niên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tín hữu có thể nhìn lên Đức Mẹ Hằng Cưu Giúp để có thể nhận ra một nét chính yếu của con đường Đức Mẹ đã đi để đi theo Chúa Yêsu.

Có thể nói danh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp không hẳn chỉ là một danh hiệu như các danh hiệu khác. Danh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tiêu biểu cho cả lối sống của Đức Mẹ khi còn ở trần gian, cho cả vai trò, sứ mệnh của Đức Mẹ trong đời Ngài cũng như ở trên Trời. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chẳng qua là Đức Mẹ đã luôn luôn khiêm tốn tận tình phục vụ bên cạnh Chúa Yêsu, cùng với Chúa Yêsu.

Tin Mừng không có mấy trang nói về Đức Mẹ, những hễ nói tới Đức Mẹ là nói tới thái độ phục vụ của Ngài, nói tới việc “hằng cứu giúp” của Ngài. Ngày Truyền Tin, Đức Mẹ đã xin vâng để dấn thân phục vụ công trình cứu độ của Chúa Yêsu. Mang nặng Chúa Yêsu trong lòng dạ mình, “chỗi dậy, đon đả ra đi lên miền sơn cước” để thăm bà Êlisabet (Lc 1,39). Ở đầu cuộc đời công khai của Chúa Yêsu, tại tiệc cưới Canna, Đức Mẹ đã có mặt và lên tiếng đúng lúc cần thiết nhất cho hai họ nhà trai nhà gái được nhờ (Ga 2,3). Rồi ở điểm cao hơn hết, quyết định hơn hết là trên Núi Sọ, kề bên Chúa Yêsu đã bị đóng đinh trên thập giá, thân cô thế cô, Đức Mẹ lại đứng đó với trọn vẹn lòng tin vâng phục như ngày Truyền Tin, vâng phục đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Nếu đối với Chúa Yêsu không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” Ga 15,13), thì đối với Đức Mẹ - các bà mẹ mới có thể hiểu và làm chứng về điều này hơn ai hết – đối với Đức Mẹ, hy sinh mạng sống Con mình, còn hơn là hy sinh mạng sống của chính mình, mới đích thị là lòng mến hơn hết.

Kề bên thập giá Chúa Yêsu, Đức Mẹ đứt ruột nát gan hơn ai hết nhưng lại đứng vững hơn ai hết để đồng tình với Con của mình hy sinh mạng sống mà cứu rỗi chúng ta, anh em của Chúa Yêsu, con cái của Đức Mẹ.

Ngày nay ở trên Trời, Đức Mẹ “hằng cứu giúp” vẫn là tiếp tục cuộc sống phục vụ tận tình và mọi mặt kia, nhưng nếu con cái Đức Mẹ có thể mong chờ Ngài hằng cứu giúp mình thì lại cũng có nghĩa vụ sống theo đường lối của Ngài, tiếp tay cho Chúa Yêsu và Đức Mẹ mà hết lòng phục vụ mọi người trở nên những con cái hằng cứu giúp của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Làm sao quên được lời di chúc của Chúa Yêsu: “Nếu Ta là Thầy, là Chúa mà đã rửa chân cho an hem, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Ta đã nêu gương cho anh em, ngõ hầu như Ta đã làm cho anh em thế nào, anh em cũng làm cho nhau như vậy” (Ga 13,14-15). Rửa chân ở đây không phải chỉ là một nghi lễ “cảm động” Thứ Năm Tuần Thánh, mà phải là tất cả cuộc sống hằng ngày và suốt đời khi nào cũng sẵn sàng phục vụ, giúp đỡ nhau, quên mình vì kẻ khác. Vợ chồng chăm sóc cho nhau không chỉ như một, cha mẹ ra công sức nuôi dạy con cái không chỉ như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn chảy ra nhưng còn phải như Chúa Yêsu! Anh em trong gia đình dìu dắt, giúp đỡ, đùm bọc nhau, bạn bè lối xóm tận tình tận nghĩa đối với nhau, lá lành đùm lá rach, đồng bào bầu bí một giàn thương nhau, cùng biết để tâm đến lợi ich chung, không đội trên đạp dưới, biết ăn ngay nói thật, góp phần cho xã hội ngày càng lành mạnh hơn, no ấm hơn, an hòa hơn.

Có như thế kẻ hành hương mới thật sự là con cái của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, mới làm vinh dự cho Đức Mẹ, mới thực sự làm chứng cho Chúa Yêsu.

Hành hương, tìm đến với Đức Mẹ để tin tưởng trao phó cho Ngài mọi lo lắng, ưu tư, mọi trông chờ, ước vọng của mình khi nhìn vào năm mới hay nghĩ đến tương lai của mình, của người thân, của bạn bè, đó là điều chính đáng. Nhưng điều quan trọng hơn và cũng là điều Đức Mẹ chờ đợi ở từng người hành hương là còn biết tự hỏi mình và hỏi Đức Mẹ: rồi đây sẽ có thể làm được gì, sống như thế nào để thật sự là con cái hằng cứu giúp của của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Để còn đi mãi. Để suốt đời mãi mãi hành hương.

Nguyễn Ngọc Lan

No comments: