Sunday, 25 October 2009

MỘT THOÁNG DI DÂN

Vũ Khởi Phụng

Những người trẻ ấy ngồi một đám trong sân Nhà Thờ. Ánh điện hòa lẫn ánh trăng, họ nói chuyện râm ran; hình như sau một ngày lao động mệt mỏi, đây là những phút thư giãn. Cha Th., một Linh Mục trẻ, cùng ngồi đấy trao đổi với họ về những chuyện xảy ra trong ngày. Lâu lâu tôi có dịp ghé qua cái Xứ Đạo nằm kề Khu Công Nghiệp Sóng Thần bên xa lộ Đại Hàn này, nhưng ở lại qua đêm thì lần này mới là một. Cho nên cũng chỉ lần này mới có dịp tán gẫu với mấy công nhân trẻ vào lúc chiều tối thanh thản.

Tiếng nói của các bạn trẻ đặc giọng “Khu Tư”, không Nghệ An thì cũng Hà Tĩnh. Hỏi thăm, mấy bạn bảo: “Quê chúng cháu ở Hương Khê”. Ồ, thế thì tôi biết. Tôi mới đi qua vùng này tháng trước. Tôi đã đi lên Trường Sơn.
"Qua ngã ba Đồng Lộc đã ngả nón chào mười ba cô gái chết vì bom đang an nghỉ dưới một đài kỷ niệm những phận người bi tráng trong cuộc chiến tàn khốc. Từ đấy tôi đã đi lên Xứ Đạo Thượng Bình nằm giữa cỏ cây xanh ngút ngàn. Tôi còn muốn đi thêm lên một Xứ Đạo nữa gần sát biên giới Lào, nơi 60 năm không có Linh Mục, nếu không kể vị Thừa Sai già ở dưới mộ. Vị Thừa Sai này làm việc bên Lào, không hiểu vì sao được giải về chết ở đây, nghe nói, bên mộ vị Thừa Sai xảy ra nhiều điều lạ. Hằng năm đến ngày giỗ cha, người xa kẻ gần viếng mộ đông đúc. Cha Xứ mới đang thu thập tài liệu để làm báo cáo về Tòa Giám Mục Xã Đoài.

Tôi muốn lên cái xứ sở huyền hoặc ấy, vậy mà một cơn áp thấp nhiệt đới, gió rừng, mưa núi, thác ghềnh, mây mù cản đường, chưa tan cơn đã phải xách gói đi nơi khác, tiếc mãi. Hóa ra hôm nay lại gặp những người trẻ ấy giữa cái xã hội công nghiệp xô bồ này. Mấy bạn nói: “Tháng trước Cha Xứ Thượng Bình vừa ghé đây thăm tụi cháu”.

Vậy đấy, từ vị Thừa Sai chết rũ trên Trường Sơn rồi nổi tiếng hay làm phép lạ đến mấy ông Linh Mục trẻ thời này, từ những cô gái nằm sâu lòng đất ở ngã ba Đồng Lộc đến thế hệ trẻ công nhân lang bạt kiếm sống ở miền Nam thời đổi mới, công nghiệp hóa, kinh tế thị trường, mỗi một con người mang trong mình một phần li ti nào đấy của lịch sử dân tộc Việt. Cả khi xa nhau, thậm chí không quen biết nhau, thì vẫn chung nhau làm nên một chuyện dài, một lịch sử từ những ngọn nguồn chảy xuôi vào hôm nay, vào ngày mai còn ẩn mặt.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từng nói: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.
Những người trẻ này không phải là một hình ảnh lý tưởng, mà là một hình ảnh hiện thực của con thuyền Giáo Hội lênh đênh chở Niềm Tin trên dòng lịch sử. Khoảng mười mấy năm trước, ngôi Nhà Thờ này quạnh hiu với vài mươi hộ dân có Đạo ở chung quanh. Lễ Chúa Nhật xong, cha Quản Xứ pha cà-phê mời mọi người dừng chân chuyện trò, coi như một sáng kiến mục vụ để gây dựng tinh thần cộng đoàn Hội Thánh. Nhưng bà con còn bận lo chuyện khác, chẳng ai thảnh thơi để nhâm nhi tinh thần cộng đoàn Hội Thánh trong tách cà-phê của cha Xứ.

Thế rồi Khu Công Nghiệp dựng lên, rồi việc cần người. Hiện tượng di dân bùng lên. Nhà Thờ chứng kiến ngày ngày từng đoàn người trên xe hơi đặt chân xuống đất Thủ Đức, từ trên xe lửa đặt chân xuống ga Sóng Thần. Những người tha phương kiếm sống vẫn bám chặt lấy nhau trên xứ lạ. Ở các Xứ Đạo miền Bắc, miền Trung cũng vậy, thanh niên, nhất là thanh nữ đi từng đoàn, chỗ này là những nhóm trẻ quê ở các Xứ Đạo Hà Nam, Phủ Lý; chỗ kia là mấy nhóm Nam Định, Thái Bình, hay như ở đây tối nay, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tự nhiên ngôi Nhà Thờ quạnh quẽ cứ nóng lên từng ngày. Xa quê kiếm được thêm ít tiền, nuôi mình và giành giụm cho gia đình ở quê, biết vậy; nhưng còn cái phần tinh thần, bơ vơ đấy. Cuộc sống thì gian nan, những ngôi nhà trọ rẻ tiền ẩm thấp ngột ngạt, để kiếm được đồng tiền phải chấp nhận một không gian tù túng, xô bồ, thiếu vệ sinh cả thể chất lẫn tinh thần. Xã hội được xây dựng trên lợi nhuận thì năng xuất là chính, cạnh tranh cũng là chính, tất cả diễn dịch ra thành con số, thành tiền, còn cái nhân đạo thì ngoài miệng chả ai dám coi thường, nhưng trên kế hoạch cũng chẳng cần tính đến, và như Chúa nói, “những sự lo lắng đời này làm cho nó chết ngạt đi”.

Nói cho cùng, người các nước đến mở xí nghiệp ở xứ mình chẳng qua là sức người ở ta không cao giá.

Vậy rồi các công nhân trẻ giữa những cơn stress, có khi nhớ lại câu ca dao phổ biến ở mấy Xứ Đạo nhà quê:

“Thiên Đàng Địa Ngục hai bên,
Ai khôn thì lại, ai dại thì qua.
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha,
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn, ơi hỡi linh hồn...”

Suy cho cùng, cái nơi có thể gửi gắm một chút phần thâm sâu của mình lại vẫn là Nhà Thờ. Mà nhiều công nhân trẻ vẫn chưa hề quên những tình cảm Nhà Thờ đã làm kết tinh nơi mình khi còn ở quê. Về phần mình, Nhà Thờ, Giáo Xứ, mấy Dòng Tu cũng sốt sắng đáp ứng, cũng rộng tay chào đón; đàng sau sự niềm nở đó có cả tấm lòng nặng những lo âu trước hiện tượng di dân như biển người. Chẳng biết do sự trùng hợp nào mà nhà ga bên cạnh đây lại mang tên Sóng Thần. Cơn Sóng Thần này không chết người, nhưng vẫn cứ là một “Tsunami” đối với vùng ngoại vi thành phố Sài-gòn. Từ năm ngoái, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã nói rằng một triệu rưỡi người đang hợp thành một vành đai di dân quanh thành phố. Nhưng liền đó ngài nói thêm rằng ấy là dựa vào những số liệu chính thức, còn nếu tính thêm số người vì nhiều lý do đã tới đây không giấy tờ, không đăng ký, trong thực tế là đang sống ngoài vòng kiểm soát của pháp luật và hành chính, thì con số một triệu rưởi đó sẽ phải tăng bội lên không biết là bao nhiêu.

Xưa nay cốt cách của con người, sự quân bình tinh thần, cũng như sự nẩy nở tâm linh sở dĩ có những thành tựu cũng là nhờ một quá trình lâu dài được một xã hội, một nền văn hóa ổn định nào đó hun đúc. Dẫu mọi xã hội và mọi nền văn hóa đều có mặt giới hạn, người ta vẫn nhờ đó mà định hình nhân cách. Khi thời cuộc đi vào khủng hoảng, những giá trị xã hội và văn hóa bị phá vỡ, tất nhiên tinh thần người ta cũng khủng hoảng theo. Với những biến đổi cực kỳ mau lẹ trong thế giới ngày nay, chuyện gì sẽ xảy ra khi cả một thế hệ đột ngột chuyển từ nếp sống làng quê cổ truyền, Xứ Đạo cổ truyền sang một xã hội công nghiệp còn ở bước đầu hỗn độn mà đã có hơi hướng toàn cầu hóa ? Đâu là chỗ hiểm nghèo ? Sẽ mất cái gì và được cái gì ? Cái gì đáng mất và cái gì đáng còn mà vẫn mất ? Cái gì sẽ thành đổ nát và những thứ hoa cỏ nào sẽ mọc lên ? Hoa thơm hay cỏ độc ? Những giá trị chân chính cũ sẽ mang lấy những diện mạo mới nào ? Và những giá trị mới sẽ từ đâu đến ?

Chẳng ai trả lời chính xác được những câu hỏi ấy. Bởi những giá trị, những hoa thơm cỏ lạ của ngày mai không phải là những sản phẩm tiền chế. Đó là những thứ phải phát sinh từ trong hồn, từ nội lực của những con người như những người đang ngồi trong sân Nhà Thờ đây. Chỉ biết có một điều, Dân Chúa, gồm cả Nhà Thờ sở tại và những bạn mang theo mình Đức Tin trên đường di dân, sẽ phải giúp nhau gieo mầm Lời Chúa, gieo mầm Đức Tin trên mảnh đất mới này, trên cái thổ ngơi này. Thánh Phao-lô nói: “Những kho tàng vô giá ấy, chúng tôi mang trong những bình sành lọ đất”. Thánh Tông Đồ mà còn nói thế, huống hồ là mấy bạn trẻ di dân!

Vị Linh Mục ngày xưa pha cà-phê mời khách mà khách không buồn nhắp không còn đây, đã đi làm Giám Mục ở một Giáo Phận ngoài Bắc. Nhưng các anh em trong Dòng đang ra sức lao động trong Vườn Nho Chúa. Mỗi Chúa Nhật bây giờ có bốn, năm Thánh Lễ đầy ắp Nhà Thờ, các sinh hoạt Giáo Xứ do di dân đảm nhận phần lớn. Nhà Dòng mua thêm đất, xây thêm nhà, mở lớp dạy nghề. Các lớp Giáo Lý Dự Tòng, Giáo Lý Hôn Nhân đông người. Có cái gì nói rõ ước muốn sống lâu bền trên một miền đất mới cho bằng ý định lập gia đình trên vùng đất ấy ?

Nhưng tối nay, câu chuyện lại đang xoay quanh chương trình về quê ăn Tết. Chúa Th. thông báo một cuộc họp mặt Tất Niên, sau đó nhiều bạn sẽ lên đường về quê. Những bạn nào không về thì đây cũng là dịp gặp mặt nhau tất cả để mừng tuổi nhau, cũng bánh chưng xanh, dưa hành cùng thập cẩm mứt. Những người ở lại miền Nam suốt mấy ngày Tết, hẳn là sẽ có nhiều nước mắt trong ngày Tất Niên ấy. Nói như thơ Nguyễn Bính:

“Tết này em chắc không về được,
Em gửi về quê một tấm lòng...”

Có điều bài thơ của Nguyễn Bính đượm một nỗi buồn ngao ngán, còn những người trẻ này dẫu buồn cũng cứ hừng hực đấu tranh cho cuộc sống. Trong nhóm này có những người vừa tham gia mấy cuộc đình công. Chả là suốt tuần lễ từ 5 tháng 1, đình công nổ liên tiếp, nổ dây chuyền trong các xí nghiệp, từ Khu Chế Xuất Linh Trung, Thủ Đức, đến Khu Công Nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Hỏi thăm một cô công nhân đang học thêu: “Ai tổ chức đình công, có phải công đoàn không ?” – “Không phải công đoàn, công đoàn hoàn toàn bị động”. – “Nhưng phải có ai lãnh đạo thì mới có thể đình công lớn vậy chứ ?” – “Không biết ai lãnh đạo, chỉ thấy những mảnh giấy công nhân chuyền tay nhau. Đọc lên thấy hợp lý, hợp tâm trạng mình quá, vậy là đình công”. Cô công nhân cho biết trong giấy phân tích rõ ràng, vật giá mấy năm qua biến động thế nào, tỷ giá đồng đô-la lên xuống ra sao.

Hay như những phản ứng bộc phát mà báo chí ghi lại. Chị Duyên quê ở Nghệ An: Chị T.M. ở Sài-gòn: “Đa số công nhân tụi tui chỉ nhận được mức lương cơ bản là 634 ngàn đồng một tháng... Mỗi tháng tui phải trả tiền gửi con nhỏ đã hơn 350 ngàn đồng!”

Cô X., trong nhóm ngồi ở sân Nhà Thờ cũng vừa tham gia đình công. X. may mắn hơn, cô làm việc tại một xí nghiệp công nhân trình độ lớp 12 đã được đào tạo chuyên môn, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đình công, lương tháng từ 700 ngàn đã được tăng lên hơn 800 ( tăng 14%). Mấy người khác nhìn X. có vẻ thèm thuồng: “Mấy người này chỉ ngồi yên ca hát vài tiếng đồng hồ mà cũng được tăng lương”. Chẳng bù với mấy xí nghiệp khác, công nhân ném đá bảo vệ, lật đổ xe hơi, đập phá nhà xưởng.

Vậy là những người trẻ xuất thân ở nông thôn của chúng ta đang học được những luật chơi của cái thế giới không khoan nhượng mà họ đang phải đương đầu. Có vẻ như chính quyền thành phố, Sở Lao Động, lẫn công đoàn không được hoan hỉ lắm với chuỗi đình công đầu năm dương lịch này. Báo đài chỉ thông tin qua loa, kèm với nhận định là công nhân đã có những đòi hỏi không thỏa đáng. Nhưng rồi chính các cơ quan ngôn luận nhìn nhận hoàn cảnh lầm than của công nhân.
Vũ Khởi Phụng,
Sài-gòn 15.1.2006 (còn tiếp lần sau)

MỘT THOÁNG DI DÂN ( tiếp theo )
Tuần báo CG và DT ( số 1541, tuần lễ từ 13 đến 19.1.2006 ) viết: “Chúng ta đang đi sau những đòi hỏi quyền lợi chính đáng của anh chị em công nhân. Hầu hết các cuộc đình công là do tự phát, có cả những hành động quá khích, không có sự tham dự của công đoàn trong các doanh nghiệp FDI ( tức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ) nên dĩ nhiên các cuộc đình công là sai nguyên tắc. Nhưng tại sao công nhân không liên hệ với công đoàn ? Câu hỏi này đã được một số người có trách nhiệm phân tích trên phương tiện thông tin rồi: Công đoàn ăn lương của các doanh nghiệp FDI, nên không thể ăn lương của ông chủ rồi đứng về phía công nhân để bênh vực quyền lợi của công nhân được. Nhưng như vậy thì bao giờ công đoàn tại các doanh nghiệp FDI hoạt động có hiệu quả?”

Thu An viết trên Tuổi Trẻ Online ngày 9.1.2006: “Không kể một vài hành vi quá khích, người ta dễ đồng cảm với hàng ngàn người lao động lẽ ra đang phải làm việc miệt mài để kiếm thêm những đồng thu nhập cuối năm lại bất đắc dĩ tham gia một sự kiện không mong muốn. Vì sao ? Có người nói “tức nước vỡ bờ”.

Cũng phải thôi, khi mà trước sự kiện này nhiều người mới giật mình “nhớ” ra đã sáu năm rồi người lao động khu vực này không được tăng lương tối thiểu, phải nhận đồng lương không đúng sức lao động, kéo theo đó là nhiều quyền lợi hợp pháp khác của người lao động như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các khoản trợ cấp... cũng thiệt hại (vì đều căn cứ theo lương ).

Chưa kể họ thường xuyên bị vắt kiệt sức vì tăng ca quá mức, vì chế độ ăn uống không bảo đảm... Nhưng rồi không có ai kiểm tra, giám sát tới nơi tới chốn để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ngay cả tổ chức công đoàn cơ sở – mà bộ Luật Lao Động quy định rất rõ là được thành lập tại doanh nghiệp “để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động” – thì người lao động cũng không mấy trông mong vì thực chất nhiều công đoàn cơ sở gần như không còn vai trò với cơ chế hoạt động như hiện nay. Còn công đoàn cấp trên thì lại càng... xa xôi, thường chỉ có mặt khi sự việc đã rồi. Và người lao động đành phải sử dụng “vũ khí” cuối cùng: đình công!

Ai bảo vệ quyền lợi người lao động ? Ai giúp người lao động biết cách đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp, chính đáng để không xảy ra những sự cố đáng tiếc ? Tất nhiên, không chỉ có tổ chức công đoàn, mà các cơ quan quản lý Nhà Nước và cả hệ thống pháp luật Việt Nam phải thực hiện vai trò này. Điều đáng tiếc là pháp luật của chúng ta vẫn còn những quy định chưa hợp lý, chưa sát thực tế.

Đơn cử, khoản 2 điều 173 bộ Luật Lao Động quy định: “Việc đình công do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký”. Nhưng như trên đã nói, luật đã “trao quyền” cho một tổ chức rất khó thực hiện vai trò thật sự của mình trong thực tế. Vì vậy, người lao động khó có thể cậy nhờ tổ chức đại diện của mình một cách chính thức.

Sự kiện “tức nước vỡ bờ” trên có lý do từ việc người lao động bị bỏ rơi quyền lợi quá lâu; các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không đủ để bảo vệ họ. Vì vậy, tăng lương tối thiểu chỉ có thể là một trong nhiều giải pháp cần kíp. Bên cạnh đó, không thể không ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà Nước, đổi mới hoạt động công đoàn và sớm sửa đổi những quy định pháp luật đã không còn tính khả thi.

Sự ngược đời là ở một vùng đất mang danh hiệu xã hội chủ nghĩa, công đoàn (nghiệp đoàn) lại gắn bó với chủ nhiều hơn với công nhân, và công nhân để bảo vệ quyền lợi của mình, lại không biết đến công đoàn. Như thế là có những cái không ở đúng chỗ của nó trong cách xã hội đang vận hành. Xét cho cùng những cái không ở đúng chỗ thì nhiều lắm. Không phải công nhân muốn, nhưng trong xác, trong hồn, trong cuộc đời của công nhân cũng có nhiều cái trật chỗ.

Theo các bác sĩ ở bệnh viện, các công nhân trẻ của chúng ta phải ngồi nhiều quá, thế là bệnh trĩ gia tăng. Ở nơi làm việc công nhân đông, nhà vệ sinh ít, kỷ luật nhà máy nghiêm ngặt đối với việc rời chỗ làm để giải quyết nhu cầu tự nhiên, công nhân đâm ra lười uống nước để khỏi có vấn đề, thế là sạn thận gia tăng. Đường đi bây giờ nhiều xe, nhiều bụi, môi trường ô nhiễm quá, bệnh viêm xoang liền tăng đột biến. Các cô gái nhiều khi còn rất mực ngây thơ, đột ngột chuyển từ nông thôn thoáng đãng vào môi trường công nghiệp sống trong cảnh o ép, vừa chẳng có kiến thức gì về mặt sinh lý phụ nữ, vừa e thẹn ngượng ngùng, thế là cứ cam lòng chịu đựng các chứng bệnh phụ khoa. Trong xí nghiệp có phòng y tế, nhưng công nhân sợ mất việc, không chịu đến khai bệnh, thế là bệnh này tật kia chồng chất. Ngay trong thân xác công nhân, đã có bao nhiêu thứ trật chỗ, méo mó rồi.

Còn từ những méo mó, sai chỗ của thân xác, chuyển sang những méo mó biến dạng của tinh thần, thì có Trời mới kê khai hết được mọi nông nỗi. Chiều nay, Dì Phước ở một cộng đoàn bên cạnh Nhà Thờ cười cười bảo: “Tôi dạy Giáo Lý cho mấy cô gái, cô nào cô nấy tròn vo”. Ý dì muốn nói các cô đều có bầu với mấy anh công nhân bên Đạo, nay xin vào Đạo để làm phép cưới. Tôi kêu: “Ôi, thế là mấy anh đó làm Tông Đồ cho Chúa à ?” Nhưng xét ra không cười được đâu. Cả thế giới Nhà Đạo lẫn những người làm công tác tâm lý xã hội đều đang phát hoảng lên vì mấy cô gái đến từ nông thôn nhiều khi chẳng có một chút kiến thức nào về phái tính, về sinh lý nam nữ, có cô mang thai đến tháng thứ năm mà vẫn không biết mình mang thai.

Trong hoàn cảnh đó, những đôi trai gái muốn tiến tới với nhau, xây dựng gia đình bền vững, còn là một điều phúc đức. Dù vậy, Đức Hồng Y Mẫn vẫn than: “Gia đình tạm bợ, vỡ tan như bọt nước”. Nhưng còn biết bao nhiêu mối tình bèo bọt, hay hỗn loạn, biết bao nhiêu vụ phá thai (nghe nói có lần người ta phát hiện thai nhi trong nhà vệ sinh của xí nghiệp!)

Thôi thì Chúa dựng nên người ta có nam có nữ. Nhưng tại sao có những môi trường khiến cho người nam và người nữ cảm nhận được thế nào là “đạo vợ chồng”, lại có những môi trường khác dạy cho người nam nữ sự rẻ rúng, rẻ rúng lẫn nhau và rẻ rúng ngay cả mạng sống con người. Ấy là chưa nói gì đến hai sát thủ ma túy và HIV/ AIDS cũng tung hoành, nẩy nở. Tại sao có những miền đất sinh trái chín ngọt, và có những miền đất mà trái cứ xanh mãi, chua mãi, không bao giờ chín? Chúng ta đang tạo ra thứ đất gì, tạo ra nền văn hóa nào và loại người nào?

Cha Th. chua xót nhận định: “Suốt từ Sóng Thần đây về cho đến Thủ Đức, chẳng có một cơ sở sinh hoạt văn hóa nào”. Các công nhân đi làm về, muốn thư giãn một chút xa cái phòng trọ ngột ngạt của mình, chỉ còn biết la cà ngoài đường, rồi ghé vào quán cà phê hay Karaoke. Một cõi đời mà người ta nuôi xác bằng mì ăn liền, nuôi tinh thần bằng Karaoke, e rằng người ta cũng không biết cách nào phá vỡ sự cô đơn tù túng của mình ngoài con đường của những mối tình vụn vặt, phù du, dăm ba bữa rồi “vỡ tan như bọt nước”, theo cách nói của Đức Cha Mẫn.

Một khía cạnh vừa tự nhiên vừa dị kỳ nữa là các xí nghiệp chỉ thích nhận công nhân nữ. Họ cho rằng công nhân nữ dễ bảo, còn công nhân nam thì hay bướng bỉnh. Hậu quả là một lượng cực lớn nữ thanh niên đổ bộ vào vùng công nghiệp. Thế quân bình âm dương tương đối trong dân số bị phá vỡ, gây ra nhiều thảm kịch gia đình và nhiều thanh niên địa phương hóa hư hỏng.

Những công trình lớn trong lịch sử, từ Kim Tự Tháp đến Vạn Lý Trường Thành, đều xây trên xương máu của người nghèo. Một công trình lớn và thần kỳ của thời cận đại và hiện đại là nền kinh tế. Nền kinh tế cũng có những chúa tể của nó, và cũng được xây dựng trên máu thịt của người nghèo, của những thế hệ công nhân vô danh. Nhiều cuộc đời và từng mảng lớn của xã hội phải bị nghiền, bị tán, bị hy sinh để làm ra nền văn minh hiện đại. Không phải chỉ có ngày xưa vị Ngôn Sứ mới phải kêu khóc: “Trinh nữ, con gái dân tôi, đã bị đánh nhừ đòn, vết trọng thương hết đường cứu chữa” ( Gr 14, 17 )Nhưng rồi cũng đến một lúc, những “con gái của dân tôi” không còn cam tâm chịu nhừ đòn. Các xí nghiệp chuyên tuyển dụng con gái, vì con gái không cứng đầu như con trai. Vậy mà lần này chính mấy cô gái lại đình công, đã lật nhào xe hơi, đã đập phá nhà xưởng. Trong cái đám người đang ngồi bình an nói chuyện trời trăng bên góc sân Nhà Thờ đây, cũng có mấy cô mới đi đình công về. Đình công là phản ảnh của một cuộc sống chung làm bằng sự đối địch, bằng những mâu thuẫn quyền lợi khiến cho người ta cắn xé nhau mà sống. Có thể coi sự thể ấy là bình thường trong cuộc tranh sống. Nhưng xét về một phương diện nào khác, chẳng lẽ cuộc đời chỉ làm bằng những cắn xé nhau vì quyền lợi ? Hay đúng hơn, chuyện cắn xé chỉ là mặt trái của một thực tại mà mặt phải bao gồm những ước mơ tích cực khác. Đối với những người trẻ này thì Nhà Thờ là không gian để ươm những ước mơ tích cực ấy.

Nhưng rồi cũng đến một lúc, những “con gái của dân tôi” không còn cam tâm chịu nhừ đòn. Các xí nghiệp chuyên tuyển dụng con gái, vì con gái không cứng đầu như con trai. Vậy mà lần này chính mấy cô gái lại đình công, đã lật nhào xe hơi, đã đập phá nhà xưởng. Trong cái đám người đang ngồi bình an nói chuyện trời trăng bên góc sân Nhà Thờ đây, cũng có mấy cô mới đi đình công về. Đình công là phản ảnh của một cuộc sống chung làm bằng sự đối địch, bằng những mâu thuẫn quyền lợi khiến cho người ta cắn xé nhau mà sống. Có thể coi sự thể ấy là bình thường trong cuộc tranh sống. Nhưng xét về một phương diện nào khác, chẳng lẽ cuộc đời chỉ làm bằng những cắn xé nhau vì quyền lợi ? Hay đúng hơn, chuyện cắn xé chỉ là mặt trái của một thực tại mà mặt phải bao gồm những ước mơ tích cực khác. Đối với những người trẻ này thì Nhà Thờ là không gian để ươm những ước mơ tích cực ấy. Hết nói chuyện Tất Niên, chuyện về quê ăn Tết, chuyện đình công, lại đến giờ cầu nguyện chung với nhau. Và tự nhiên không còn chỉ là một nhóm nhỏ nữa. Đúng giờ, từ mấy nhà trọ quanh đây những công nhân trẻ kéo đến cả trăm, đa số vẫn là nữ, nhưng cánh con trai cũng đếm được kha khá. Họ vừa lần hạt vừa bước đi từ đầu sân đến cuối sân như một làn sóng biển ập vào bờ rồi lại rút xa. Từng chục, từng chục kinh nối tiếp nhau. Ban ngày Khu Công Nghiệp nói với họ những điều gì đó, và buổi tối Nhà Thờ lại nói với họ về một điều gì khác nữa.

“Thứ hai thì ngắm: Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Lẽ đấu tranh và lẽ yêu người. Nhà Thờ chia sẻ với những người bạn trẻ một niềm tin bao đời vẫn truyền cho nhau, từ nơi quê nhà xa xôi đến vùng đất cháy nắng này. Chia sẻ không là khẩu hiệu suông. Cha Th. chẳng hạn, đi vận động từng chút một để cải thiện cuộc sống cho các công nhân trẻ. Hôm nay chủ nhà trọ đồng ý làm thêm một lớp trần để ngăn bớt cái nóng như thiêu đốt từ mái nhà tôn ập xuống. Hôm sau chủ nhà trọ lại đồng ý trổ thêm cái cửa sổ nho nhỏ ở tường sau cho căn phòng thêm thoáng khí, bữa khác nới rộng nhà vệ sinh. Cha Th. vận động các bạn trẻ trồng mấy luống hoa tươi dọc dãy phòng trọ, tạo một sân phơi quần áo giữa khoảng nắng thoáng đãng. Vấn đề sức khỏe nữa: Hạnh là cô bé khai man tuổi để được làm công nhân. Hôm nay nó lên cơn sốt hầu như bước đi không nổi. Bảo nó đừng sợ mất việc làm mà không chịu đi bệnh viện, v.v... Tiến thêm chút nữa: có cách nào đừng ở chung đến sáu người trong căn phòng 10 mét vuông, ở ba người thôi, hai người thôi, v.v...

Xét ra những việc phải làm thì còn nhiều lắm. Đình công mấy ngày, lương tháng khoảng ngoài 600 ngàn nhích lên trên 700 ngàn một tí, thấm vào đâu. Tiền thuê nhà tăng, giá cả cũng tăng, có đi vay tiền lãi xuất cũng tăng nhưng được bấy nhiêu đã líu ríu đi làm tiếp. Còn nghèo dài dài.

Đọc lại những thông điệp của Hội Thánh về vấn đề xã hội, suốt từ Đức Giáo Hoàng Leo XIII đến Công Đồng Vatican II và Đức Gio-an Phao-lô II, tuy nội dung và hoàn cảnh có nhiều điểm khác nhau, nhưng vẫn có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt: kinh tế là vì con người, chứ con người không vì kinh tế, không thể hy sinh con người vì hiệu quả kinh tế. Hễ không tôn trọng nguyên tắc này, thì mọi sự sẽ đặt sai chỗ. Nhưng đến bao giờ nguyên tắc ấy mới thật sự được tôn trọng?

Báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật ra ngày 15.1.2006 trích lời Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI: “Con người của thời đại công nghệ có nguy cơ trở thành nạn nhân của chính những thành công do trí thông minh của mình tạo nên cũng như những thành quả do khả năng hành đọng của mình làm nên... nếu như con người để cho sự què quặt tinh thần và sự vô cảm thống trị mình...”Lời của Hội Thánh dĩ nhiên là hay. Nhưng những người giữ lấy Lời và thi hành chỉ giống như một con suối nhỏ quanh co giữa biết bao nhiêu trở ngại gập ghềnh. Mái Nhà Thờ này, với Thánh Lễ, kinh cầu, với lớp Giáo Lý Hôn Nhân và lớp Giáo Lý Dự Tòng mỗi năm đón chừng 200 người vào Đạo, với nhóm trẻ đang vừa đi vừa lần hạt đây, sẽ phải gánh nhiệm vụ nặng nề giữ cho Tin Mừng sống mãi giữa một thế giới dường như vô cảm đối với Tin Mừng. “Đàn chiên bé nhỏ” này phải là đoàn chứng nhân giữa biển người, âu là không biết lượng sức mình chăng ? “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ?... Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất thì nhỏ li ti, thua mọi thứ hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến độ chim trời tìm về nương náu dưới bóng nó” (Mc 4, 30 – 32).

Lời của Hội Thánh dĩ nhiên là hay. Nhưng những người giữ lấy Lời và thi hành chỉ giống như một con suối nhỏ quanh co giữa biết bao nhiêu trở ngại gập ghềnh. Mái Nhà Thờ này, với Thánh Lễ, kinh cầu, với lớp Giáo Lý Hôn Nhân và lớp Giáo Lý Dự Tòng mỗi năm đón chừng 200 người vào Đạo, với nhóm trẻ đang vừa đi vừa lần hạt đây, sẽ phải gánh nhiệm vụ nặng nề giữ cho Tin Mừng sống mãi giữa một thế giới dường như vô cảm đối với Tin Mừng. này phải là đoàn chứng nhân giữa biển người, âu là không biết lượng sức mình chăng?

Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn”. Lạy Chúa, rồi chúng con sẽ đi tìm Chúa, sẽ phải giữ nghĩa cùng Chúa luôn ở chỗ nào giữa cõi nhân sinh hỗn mang loạn xạ này, mà lại thoáng hiện trước mắt chúng con ngôi Đền, để chúng con như Đức Mẹ sau ba ngày đôn đáo được tìm thấy Chúa ? Chúng con cứ đi như Áp-ra-ham, đến vùng đất Chúa sẽ chỉ cho”.Năm sự Vui của “mầu nhiệm rất Thánh Mân Côi” đã kết xong tràng chuỗi năm mươi. Cả nhóm dừng lại trước hang đá Đức Mẹ. Cha Th. có những lời dặn dò cuối ngày. Cha bảo các bạn đình công thì được, nhưng đừng ném đá người ta, đừng lật nhào xe hơi, đừng đập phá nhà xưởng. Cha lại lưu ý kỳ nghỉ Tết đã gần. Ai về quê thì về. Những người ở lại nên vui chơi một cách đúng mực. Cha bảo mới hôm qua, cha gặp ba cô gái đi nhậu về, xay xỉn, ôm eo nhau nôn thốc nôn tháo bên lề xa lộ. Vui chơi như thế là đánh mất nhân phẩm. Nhất là con gái ai lại như thế!

Năm sự Vui của “mầu nhiệm rất Thánh Mân Côi” đã kết xong tràng chuỗi năm mươi. Cả nhóm dừng lại trước hang đá Đức Mẹ. Cha Th. có những lời dặn dò cuối ngày. Cha bảo các bạn đình công thì được, nhưng đừng ném đá người ta, đừng lật nhào xe hơi, đừng đập phá nhà xưởng. Cha lại lưu ý kỳ nghỉ Tết đã gần. Ai về quê thì về. Những người ở lại nên vui chơi một cách đúng mực. Cha bảo mới hôm qua, cha gặp ba cô gái đi nhậu về, xay xỉn, ôm eo nhau nôn thốc nôn tháo bên lề xa lộ. Vui chơi như thế là đánh mất nhân phẩm. Nhất là con gái ai lại như thế ! Rồi cha nhắc lại chương trình những ngày sắp tới: sẽ có buổi họp mặt Tất Niên. Người về quê, kẻ ở lại cùng kết tình thân ái. Giáo Xứ bên cạnh cũng tổ chức Tất Niên cho công nhân, có mời cánh ta, chúng ta cũng sẽ đến góp mặt. Sau hết, Chúa Nhật tới (15.1.2006) là Ngày Di Dân, sẽ có tập họp lớn của các nhóm di dân chung quanh Đức Hồng Y Tổng Giám Mục ở Giáo Xứ Phao-lô Bình Chánh, ở đường Trịnh Như Khuê, quận Bình Chánh. Đó là Giáo Xứ do cha Phạm Trung Dong coi sóc, cha Dong là người đặc trách Mục Vụ Di Dân của Tổng Giáo Phận. Ngày hôm đó, Đức Hồng Y sẽ cử hành Thánh Lễ và ban phép Thêm Sức cho hơn một trăm bạn trẻ di dân. Dĩ nhiên cánh ta ở Sóng Thần cũng sẽ thuê vài xe ca đi tham dự và đóng góp vài tiết mục.

Tôi bắt đầu có ấn tượng về nhóm tín hữu di dân đang tìm cách “nối vòng tay lớn”. Một vành đai di dân đã thành hình bao lấy thành phố. Xem ra Giáo Hội ở thành phố Sài-gòn cũng đang muốn kiến tạo một vành đai những cộng đoàn di dân. Có lúc Đức Hồng Y Mẫn ngẫu hứng nói rồi ngài cũng là di dân từ Cà Mau lên thành phố lập nghiệp. Ngài nói như thế hôm Đức Hồng Y Sepe đến thăm di dân cũng ở Giáo Xứ Phao-lô Bình Chánh.
Giờ Kinh Tối cùng với những lời dặn dò đã xong. Mọi người hát dâng Đức Mẹ một bài ca kết thúc: “Mẹ ơi, bao người lạc bước lưu đầy, ngày tháng chơi vơi như thuyền nan giữa khơi. Đoàn con xin Mẹ, Mẹ hãy thương tình dìu dắt con đi qua hiểm nguy cõi đời...”

Lm Vũ Khởi Phụng, CssR
Sài-gòn thứ bảy 21.1.2006

No comments: