Thursday, 1 October 2009

Maria kẻ đã tin [ Lc 1,45]

Nguyễn Ngọc Lan

"Phúc cho người là kẻ đã tin” (Lc 1,45). Cùng với lời chào mừng truyền tin. “Vui lên! Hỡi bà đầy ơn phúc! Chúa ở cùng Người”, lời Êlisabet đón chào Maria đến thăm mình lời ca tụng đích đáng hơn cả mà Hội Thánh có thể dành cho Đức Mẹ.

Maria, kẻ đã tin. Kẻ đi tiên phong trên Đường Tin của Hội Thánh. Lòng tin đầu tiên, lòng tin sắt son, không hề nao núng suy suyển.

Đường Tin của Đức Mẹ không phải dễ dãi, êm xuôi. Không có chuyến tàu suyên suốt đặc biệt nào dành riêng cho Đức Mẹ. Đi tiên phong, Đức Mẹ hơn bất kỳ tín hữu nào khác đã phải vượt qua sông, vượt núi, vượt qua những thử thách, bất ngờ. Tin không phải là tin điều nọ điều kia cho bằng tin Ai đó, tin Thiên Chúa. Tin Ngài mà dấn bước theo sự dẫn dắt của Ngài chứ không phải theo con đường, theo hướng đi mình có thể vạch sẵn cho mình. Từng bước một đi theo Ngài, sẵn sàng chỉnh lại tầm nhìn, cách cảm nghĩ, nếp sống cho đúng với ý hướng của Ngài.

Cả cuộc đời Đức Mẹ không ngừng “xin vâng” cũng là luôn sẵn sàng như thế. Thường thì người ta dễ tưởng như Đức Mẹ đã được Thiên Chúa tạo ra “nguyên khối” từ khi thành thai, sinh ra cho đến lúc lìa đời. Tinh tuyền và đầy ơn phúc, chỉ đơn giản vậy thôi, không lùi mà cũng chẳng tiến. Tưởng như vậy là lầm tưởng về cách xử sự của Thiên Chúa qua suốt lịch sử Cứu độ và cũng không kể gì tới những điều đã được thuật lại trong Tin Mừng. Thiên Chúa không bao giờ làm những món hàng đúc sẵn. Ngài tạo thành con người là để con người lớn dần lên và làm chủ dần dần vũ trụ. Con người sa ngã, Ngài vực dậy, cứu độ con người bằng từng bước trung kiên và kiên nhẫn như đã được ghi dấu suốt lịch sử Cứu độ, từ lời hứa đầu tiên qua No-ê, Abraham, Môsê và những thăng trầm của Dân Chúa cho đến Chúa Cứu thế ra đời, lớn lên, rao giảng Tin Mừng, thụ nạn, chết và sống lại.

Riêng về Đức Mẹ, Tin Mừng không nói gì nhiều về con người và cuộc đời Đức Mẹ, nhưng những gì được ghi nhận lại về Đức Mẹ thì hầu như đều là những bước Thiên Chúa uốn nắn tâm tư, chỉnh hướng lòng tin của Đức Mẹ.

Maria đã chọn thân phận khiêm nhu của một đời trinh nữ từ bỏ mọi cơ may trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Thế mà lại có Truyền Tin. Lời chào “Vui lên! Hỡi bà đầy ơn phúc!” chính vì mang ý nghĩa đặc biệt mà hoàn toàn bất ngờ đối với Đức Mẹ. “Bà xao xuyến lắm và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì”… đối với mình, vì Maria không hề chờ đón một ơn gọi, một sứ mệnh phi thường. Nhưng Thiên Thần xác nhận ý Thiên Chúa là như thế. Thì lại thêm thắc mắc của một thiếu nữ bình thường và tỉnh táo: “Điều ấy sẽ làm sao được? Vì việc phu thê tôi không nghĩ đến”. Nhưng cuối cùng, sau lời giải thích của Thiên Thần, là “xin vâng”. Tiếng “xin vâng” hẳn không nhẹ tênh như nhiều tiếng “Amen” của chúng ta trong nhà thờ vì xin vâng như thế là đem lòng tin chấp nhận cả một cuộc đổi đời.

Đổi đời trong trường hợp Đức Mẹ là thay đổi tất cả mà vẫn không có gì thay đổi. Trinh nữ sắp làm mẹ, “trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là Thánh, là con Thiên Chúa!”. Tuy vậy, đến buổi lâm bồn, “không có chỗ cho ông bà trong quán trọ”, Maria phải “lấy tã vấn con và đặt trong máng cỏ”. Thiên Thần Chúa hiện đến bên các mục đồng, tiếng hợp ca “ngợi khen Thiên Chúa” vang lên. Nhưng đâu phải đương nhiên là cũng có Thiên Thần xung quanh máng cỏ và tiếng hát kia vang thấu tới tai Maria và Yuse! Những “khách” đầu tiên đến đây chỉ là đám mục đồng cũng nghèo nàn tất tưởi, cũng tứ cố vô thân. Trẻ sơ sinh “sẽ được gọi là Thánh, là con Thiên Chúa” đã ra đời không như người ta có thể mong đợi, không như chính Đức Mẹ có thể ngờ được. Quả là có gì để “Maria giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 1,26-2,19) và vẫn “xin vâng” mà không phải chỉ như tụng “kinh cầu”.

Đem hài nhi lên Yêrusalem hiến dâng cho Chúa”, Maria vừa được nghe cụ già Simêon tôn vinh con mình là “ánh sáng mặc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người” thì lại phải nghe cũng cụ già ấy tiên báo một tương lai không còn thấy sáng như thế nào nữa: “Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối, và mũi gươm sẽ đâm thâu hồn bà…” (Lc 2,22-35).


Mấy nhà đạo sĩ, chiêm tinh theo Mt 2,1-18 không kém trớ trêu. Người nhà vô tình hay đố kỵ, còn kẻ xa lạ thì thiết tha tìm đến. Kẻ từ xa tìm đến lại chỉ khiến cho Yuse và Maria phải đem hài nhi trốn xa…

12 tuổi, Đức Yêsu lên đền thờ, làm cho “cha và mẹ phải đau khổ tìm con” một phen chưa đủ lại còn trả lời “Thì tại sao tìm con? lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?”. Cứ là một chấn động nữa, một “cú sốc” cho lòng tin của Đức Mẹ. “Ông bà đã không hiểu lời Ngài nói với họ”. Lòng tin một lần nữa chỉ còn biết “giữ kỹ hết các điều ấy” và trung tín, phó thác, “xin vâng” (Lc 2, 41-50).

Rồi những năm tháng kéo dài như bất tận trong cảnh sống vất vả âm thầm, không có gì khác lạ ở Nazaret. Đấng “sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa” chẳng ai thấy như thế nào nhưng bà con xóm làng chỉ thấy có “con bác Yuse”. Đành rằng “về Nước Trời, thì cũng y như hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình…”. Những Maria đã phải năm này tháng khác, suốt mấy mươi năm nhìn hạt cải cứ nằm yên trong đất ruộng, đến mầm cây cũng không thấy nhú ra. “Về nước Trời thì cũng y như men bà nọ lấy vùi vào ba rá bột…” (Mt 13, 31-33). Nhưng bà nọ chỉ phải đợi qua đêm là đã thấy “tất cả dậy men”, còn Maria!...

Lòng tin Đức Mẹ ở Nazaret không mấy khi được nghĩ tới, nói tới, thường chỉ được “cho qua” như chính cuộc sống Đức Yêsu ở đó. Thực ra mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, ở giai đoạn Nazaret tuy không phải đã mang tầm quan trọng và tính cách quyết định nhất nhưng đã có bề sâu, độ đậm đặc thù về sau không có nữa. Còn Đức tin của Đức Mẹ ở Nazaret nếu chưa phải là đã gặp thử thách lớn nhất thì đã phải trải qua thử thách lâu dài hơn cả là chính thử thách của thời gian. Nước chảy đá mòn nhưng thời gian đã không mài mòn được đức tin ấy. Hạt cải cứ nằm yên trong ruộng đất, men vẫn như nằm vùi như vô tích sự trong rá bột, nhưng Đức Mẹ vẫn cứ “là kẻ đã tin” và luôn tin “rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền dạy cho mình” (Lc 1, 45)

Nhưng rồi giờ của Đức Yêsu cũng thấp thoáng. Giờ tỏ vinh quang Thiên Chúa bắt đầu từ những dấu lạ như ở tiệc cưới Cana Đức Yêsu trên đường rao giảng Tin Mừng, đi khắp nơi khắp chốn, mịt mù. Hầu như chẳng bao giờ “có Mẹ Đức Yêsu ở đó” như được ghi nhận trong Tin Mừng theo Thánh Yoan nhân tiệc cưới, chỉ trong Yoan và chỉ một lần trong Yoan (Ga 1, 25 không phải là trên đường rao giảng nữa). Họa hoằn mới có một lần Đức Mẹ vất vả tìm đến tận nơi để thăm Ngài như các Tin Mừng Nhất Lãm đã kể lại (Mc 3, 31-35; Mt 12, 46-50; Lc 8, 19-21). “Anh em Ngài” và những người đang “ngồi xung quanh Ngài” đều đợi Ngài tạm bỏ đám đông để đón tiếp Mẹ. Thế mà Ngài lại “nói với họ: Ai là Mẹ Ta và anh em Ta? Rồi nhìn quanh các người ngồi vòng quanh mình, Ngài nói: này là mẹ Ta và anh em Ta, ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc). Người mẹ nào trên cõi đời này, sau không biết bao ngày đường lặn lội vất vả lại có thể nghe những lời lẽ như thế mà thấy ngọt ngào trong cổ họng cho nổi?

Đành rằng như Hội Thánh vẫn hiểu, Đức Yêsu không có ý hạ bệ thân mẫu của Ngài. Nhưng không hạ bệ thì cũng đã … đổi bệ cho Đức Mẹ. Ngài công khai không muốn coi là đủ quan trọng nhất cái bệ lý lịch máu huyết nữa. Ngài muốn thấy và giới thiệu Đức Mẹ cùng với tất cả các anh em khác của Ngài, kể cả chúng ta, trên cái bệ của lòng tin thi hành ý Thiên Chúa. Và bệ này dĩ nhiên là không còn thuộc loại bệ rồng, bệ thờ nữa mà là… bệ phóng! Lời Đức Yêsu có làm chấn động tim gan thì cũng không phải là lần đầu tiên. Ít ra đã có một lần khác như thế: Khi con mới tuổi mười hai đã trả lời cha mẹ trong đền thờ. Lần này Đức Mẹ hẳn không đến nỗi “không hiểu” như lần trước. Ít ra Ngài cũng hiểu như Yoan Tẩy giả: “Thiên Chúa có thể lấy các viên đá này mà gầy nên cho con cái Abraham” (Mt 3, 9). Lời chào mừng của Êlisabet ngày nào, bây giờ lại thấm thía hơn bao giờ hết : “Phúc cho người, kẽ đã tin…”. Lời Đức Yêsu lần này “Ai là mẹ Ta và anh em Ta?” giúp Đức Mẹ uốn nắn cách mình nhìn mình, mình hiểu mình cho chính xác hơn theo cách nhìn của Thiên Chúa : làm mẹ cứu mang nuôi dưỡng chưa phải là quan trọng, làm mẹ vì cùng vớ Con mình thực hiện ý Thiên Chúa mới là cốt thiết.

Và Đức Mẹ đã hết lòng hết dạ làm mẹ như thế cho đến cùng. Nghĩa là cho đến cả khi các môn đồ Chúa Yêsu không dám làm môn đồ nữa. Ngài không làm vướng bận bước chân Chúa trên đường rao giảng Tin Mừng. Ngày Chúa cưỡi lừa vào thành Yêrusalem được đông đảo dân chúng rước đón tưng bừng, không có Ngài. Nhưng ngày Chúa thụ nạn, giữa lúc hầu hết các môn đồ chối từ hay lẩn trốn thì Đức Mẹ đã tất tả tìm đến. Có lẽ Ngài đã đứng đâu đó gần đám đông la ó đòi “nó phải chết vì đã cho mình là con Thiên Chúa” (Ga 19,7). Hay phải chăng Ngài đã kịp tới để từng bước từng bước cố cầm nước mắt theo Chúa Yêsu “tự mình vác lấy khổ giá cho mình đi đến nơi gọi là Gò Sọ” (Ga 19,17)?

Dẫu sao thì “đứng bên khổ giá Đức Yêsu, có Mẹ Ngài…” (Ga 19,25). “Xin vâng” trước cái chết hy sinh của con mình để thực hiện lòng mến “không có lòng mến nào lớn hơn” (Ga 15,13). Nhưng còn “xin vâng” mà ưng thuận một đổi thay bất ngờ nữa: “Từ đó giờ” nhận làm con mình người “môn đồ Ngài yêu mến”, Yoan, và qua Yoan, cùng với Yoan, tất cả những kẻ đã tin và thi hành ý Thiên Chúa.

Maria, kẻ đã tin… Trong tư cách ấy, Đức Mẹ vừa thật có phúc, vừa gần gũi chúng ta hơn cả. Con đường lòng tin của Đức Mẹ đã đi cũng là con đường mở ra trước từng người tín hữu. Cũng phải “biết mình đã tin vào ai” (2Tm 1,12) mà đi theo Chúa Kitô, chấp nhận đường đi không suông sẻ. Sẵn sàng “trở lại” mãi để không ngừng chỉnh lại hướng đời mình. Sẵn sàng đi xa hơn. Chúa Kitô vẫn đón đợi kẻ tin ở những chỗ bất ngờ nhất, vào những lúc bất ngờ nhất để lay tỉnh, để mời gọi đổi mới cách nhìn, uốn nắn lòng dạ.

Và như vậy kẻ đã tin, cũng như Maria, kẻ đã tin, suốt đời sẽ có gì để “hằng suy nghĩ đi nghĩ lại trong lòng”.

Nguyễn Ngọc Lan

No comments: