Monday, 28 September 2009

KHÔNG GIAN TÔN GIÁO


Mấy ngày nay, những ai đi qua hoặc đến tham dự các sinh hoạt ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saion, 38 đường Kỳ Đồng , Phường 9, Quận 3 đều có cảm giác không thoải mái, nếu không muốn nói là khó chịu, có cái gì làm cho người ta không tìm được bầu khí bình an, không gian như bị phá vỡ cái cần thiết của nó, người ta gọi cái cần thiết đó là không gian tôn giáo.

Nguyên nhân chính là ngôi trường Kỳ Đồng, trước đây là Cứu Thế Học Đường, một trường trung học của Dòng Chúa Cứu Thế, ngôi trường song song với nhà thờ, đối xứng qua đường Bà Huyện Thanh Quan. Đường Bà Huyện Thanh Quan từ ngày được mở rộng trở nên khang trang, đẹp mắt, nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã tận dụng cơ hội này xoay hướng thoát xe ra trục Bà Huyện Thanh Quan để giải quyết nạn kẹt xe và xây dựng một cảnh quan hài hòa với con đường. Điểm ưu việt mà chúng ta có thể nhận ra ngay đó là Nhà thờ đã tạo một không gian mở, kiến trúc là ngôn ngữ thể hiện thông điệp của chủ thể, mở không gian, Nhà thờ như muốn diễn tả lời mời gọi mọi người đến với niềm vui, sự sẻ chia, hạnh phúc mà Nhà thờ đang sở đắc, không phân biệt ai cả, không hạn chế ai cả, và đó là “công giáo”.

Cảm giác khó chịu ở chỗ ngôi trường từ ngày được “mượn”, cách đây vài năm, người có trách nhiệm cho xây một dãy phòng học ba tầng song song với đường Bà Huyện Thanh Quan nghĩa là song song với nhà thờ (thay dổi, xây mới một cơ sở mượn của người ta mà không hề trao đổi hoặc xin ý kiến của chủ nhân). Kiến trúc của dãy nhà mới này đơn giản thôi, nhưng nó quay lưng vào nhà thờ, đóng kín không gian trường học. Đường Bà Huyện Thanh Quan mở rộng, giao thông thoải mái nhưng nó vẫn bít kín, chỉ một lối thoát duy nhất ra đường Kỳ Đồng vốn đã chật hẹp, mỗi giờ tan học, kẻ đưa người đón càng làm chật hẹp thêm. Kiến trúc qui hoạch, bài học sơ đẳng trên ghế giảng đường chuyên ngành là phải theo xu hướng xã hội và sự tiện ích, nếu không chính vận động xã hội sẽ tự nó phá vỡ những qui hoạch kiên cưỡng, những bài học cụ thể từ những công trình xây rồi bị bỏ hoang tốn bao nhiêu tiền vẫn còn sờ sờ trước mắt, thế là tự nó nguời ta phải mở lối bất đắc dĩ ra đường Bà Huyện Thanh Quan, lối không ra lối, cổng không ra cổng, mặt tiền hay mặt hậu, không điểm nhấn!

Mấy tháng nay người ta sửa chữa dãy nhà học này, sau khi thay hàng loạt các cửa sổ lá sách bằng các cửa sổ kính ( dãy nhà này đưa lưng hoàn toàn về hướng tây nam, hướng của nắng chiều chói chan mang nhiều bức xạ), người ta “bôi” lên đó một màu sơn kỳ dị, gay gắt và nóng bức. Tự bản than màu này không phải là mầu của không gian giáo dục và càng không thể là màu đối diện với không gian tôn giáo. Người ta đã hành xử như vậy đó ! Hỗn lọan trong giáo dục sẽ thu được những sản phẩm hỗn loạn, đó là kết quả tất yếu.

Cách hành xử như vậy chúng ta không lấy làm lạ. Cũng tại Kỳ Đồng, một khoảng không gian thoáng đãng được chăm sóc kỹ lưỡng bởi các tu sĩ nhà dòng, khoảng không gian đầy những cây xanh nhiều năm tuổi, mảnh đất gần 8000 mét vuông đã được “mượn” không giấy tờ, chỉ một thời gian ngắn sau nó trở thành hồ bơi có doanh thu, hàng ngày các loại nhạc tra tấn không gian tĩnh lặng của tu viện từ sáng tới tận đêm khuya, mùa hè thì nhạc ban ngày dồn dập, mùa cưới thì nhạc ban đêm xập xình cùng với những lời hò hét “dzô, dzô” của các đám cưới, tệ nhất là việc gây khó chịu bao nhiêu năm nay cho các vị có trách nhiệm trong tu viện về việc các chị em phụ nữ đến tắm tại hồ bơi này, không phải sợ bị “cám dỗ” nhưng chính là cái văn hóa cần phải có trong tương quan không gian sống. Những điều như vậy người ta gọi là “tôn trọng tín ngưỡng”, gọi là “tự do tôn giáo”!

Gần đấy, trên đường 3 tháng 2, quận 10, mảnh đất rộng trước đây của Giáo Hội Phật Giáo, nguời ta cũng “mượn”, vài năm sau năm 1975, người ta xây một nhà hát to đùng mang tên Nhà hát Hòa Bình ( 1978 ). Góc đường 3 tháng 2 với con đường vào hồ Kỳ Hòa, nơi có một ngôi chùa hiền hòa tọa lạc, mảnh đất còn lại giữa ngôi chùa và rạp hát Hòa Bình người ta “mượn” nốt để làm Nhà Văn Hóa Quận 10 (1988), Nhà Văn Hóa kiến trúc quay hẳn lưng vào nhà chùa. Theo đấy, cứ đơn giản hiểu là “tôn trọng tín ngưỡng”, “tự do tôn giáo” là lấy đất của chùa chiền, của nhà thờ để xoay lưng lai với chùa chiền và nhà thờ. Kiến trúc mang tính giáo dục, định hướng xã hội, người ta định hướng và giáo dục như vậy.

Những ngày cuối thập niên 80 (1987-88), có người dân nào của thành phố này còn môt chút lương tâm và một chút tha thiết với di sản dân tộc không khỏi xót xa khi chứng kiến việc mở đường Cộng Hòa, cùng với việc mở đường người ta phá tan “Lăng Cha Cả” không thương tiếc, ngôi nhà chôn cất vị giám mục bị đập tan tành không để lại vết tích, ngôi mộ bị đào bới lên và xóa sạch trên mặt đất. Tên “Lăng Cha Cả” đã trở nên địa danh nổi tiếng, ngôi nhà làm lăng ( vật lieu, kết cấu, kiểu dáng kiến trúc) bây giờ người ta bỏ ra nhiều tỷ chưa chắc đã mua được, nhưng cái quan trọng là cách người ta hành xử với một công trình tôn giáo, xóa sạch bất chấp các gía trị của nó. Nhưng xóa nó mà thay vào bằng một công trình có giá trị nào cho cam, bây giờ tồn tại nơi đó một vòng xoay “nửa thầy nửa thợ”, lục cục thô thiển, vòng xoay Lăng Cha Cả, một cửa ngõ của thành phố từ phi trường Tân Sơn Nhất ra đáng hổ thẹn.

Khi tôi viết những hàng chữ này, thông tin của thành phố đang luận bàn về viêc giữ lại hay đập phá xây mới bệnh viện Nhi Đồng 2 ( bệnh viện Grall cũ), công trình có tuổi 140 năm, đậm dấu vết của thời Pháp thuộc, người muốn giữ lại lập luận về giá trị kiến trúc và lịch sử, người muốn đập hết xây mới viện dẫn hiệu quả chức năng và kinh tế, có một ý kiến đề nghị vẫn giữ lại nhưng xây thêm các công trình bên trong khu đất còn trống và chọn kiểu giáng kiến trúc hài hòa ( báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ bảy 26/9/2009, trang 6, bài “Bệnh viện Nhi Đồng 2 là di sản”), tôi sẽ không bàn ở đây nếu ý kiến đó không viện dẫn một công trình cao ốc gần nhà thờ Đức Bà Saigon, họ bảo, công trình xây mới này đã tạo được sự hài hòa kiến trúc, mời tất cả những ai muốn đánh giá vấn đề, xin đến nhà thờ Đức Bà Saigon để thăm một lần, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, trừ những ngày mưa bão, bóng của các công trình cao ốc chung quanh luôn bao vây và đè trên ngôi nhà thờ, mà bóng của công trình được viện dẫn thì khủng khiếp hơn cả, Con dốc đường Đồng khởi hướng lên cuối đường là nhà thờ bị một khối nặng nề án ngữ mà khối ấy lại lệch về một bên, xin tản bộ theo đường Đồng Khởi từ ngã tư Lý Tự Trọng sẽ nhận ra ngay cái lệch lạc, và đó là sự hài hòa kiến trúc?

Xem bài tường trình của nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền về vụ Loan Lý, đặc biệt trên bản đó minh họa mới thấy hết cái kỳ cục của nó, ngôi trường bị bao vây bởi một bờ tường kín mít cao 3 mét chạy chung quanh, chỉ có nhà tù người ta mới xây như vậy. Bờ tường cắt ngôi trường không liên lạc gì với thế giới bên ngoài, quốc lộ 1A lạnh lùng chạy dọc theo đoạn tường dài như hai thế giới khác biệt nhau. Cổng trường mở về phía đầm Ô Loan, quay lưng lai với nhà thờ Loan Lý, quay lưng lại với chủ sở hữu của nó, không công nhận là chủ sở hữu thì ít là Nhà thờ Loan Lý đã sinh ra nó, Chằng lạ gì cứ chỗ này chỗ kia có tin về những cuộc bạo hành trong gia đình, có những cuộc bạo hành của những nguời con dành cho cha mẹ của chúng. Ở Loan Lý, không chỉ là chuyện xây cất, nhưng còn là chuyện bạo hành, cách làm ở Loan Lý chúng tôi gọi đó là xúc phạm đến không gian tôn giáo.

Có một câu nói của một nhân vật trong nhóm khai sinh ra lý thuyết Chủ nghĩa Xã hội, “nếu bắn vào quá khứ bằng một viên đạn súng lục, tương lai sẽ bắn vào hôm nay bằng một viên đạn đại bác”, có cần phải nhắc lại tư tưởng này không nhỉ?

Lm Vinh Sang DCCT

No comments: