Thưa anh chị em,
Phản ứng và thái độ của
dân Israel trong bài đọc một và bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta nghĩ đến cách
hành xử của các em bé. Rất tự nhiên. Khi còn bé, các cháu lệ thuộc, nương tựa vào
tình thương và sự săn sóc của cha mẹ. Khi cháu đói, mẹ cho bú; cháu khóc cha mẹ
tìm cách dỗ dành; cháu té, cháu bịnh cả nhà lo lắng… Dù chưa biết nói; nhưng
trong thâm tâm cháu nhận ra mình là trung tâm của mọi sinh hoạt trong nhà. Cục
cưng của ba, búp bê của mẹ là những ngôn từ diễn tả tình thương mà cha hay mẹ
dành cho cháu.
Chỉ cần ghi lại vài sự
kiện như thế cũng đủ cho cháu bé nhận ra vị trí của em trong gia đình, thật
quan trọng. Giả như không có sự hiện diện của cháu rồi gia đình sẽ ra sao! ‘Cái
tôi’ lớn lên song song với ‘các điều trói buộc’ khiến cháu mất tự do để phát
triển hoàn hảo. Rồi đến một lúc, cháu nhận ra mọi sự thay đổi. Cháu không còn
là trung tâm, chưa kể có những lúc chẳng ai thèm để ý đến cháu như đã từng xẩy
ra nữa.
Hoàn cảnh đó kéo dài
khiến cho sự hình thành và phát triển của cháu; chưa kể đến một vài trường hợp
cá biệt là mất tự tin nơi chính bản thân, và từ đó mất niềm tin nơi kẻ khác. Các
giai đọan phát triển này không chỉ xuất hiện nơi trẻ em mà thôi; nó còn đuợc
keó dài trong sự hình thành và xây dựng cuộc sống của mỗi người trong chúng ta
nữa.
Dân Do thái khi xưa
cũng thế. Tôi còn nhớ đã nghe ở đâu đó một câu thật chí lý như sau “Thiên Chúa
chỉ cần một ngày để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập; nhưng Ngài lại dùng đến bốn
mươi năm để đưa (sinh hoạt, văn hoá, lối sống) Ai Cập ra khỏi người Do Thái.”
Có nghĩa là đoạn đường về đất hứa tuy ngắn, nhưng Thiên Chúa cần bốn mươi năm để
thanh luyện và giáo dục để họ nhận ra bàn tay yêu thương và sự chăm sóc của
Ngài. Nhưng họ chỉ dán mắt vào ‘Manna’, của ăn vật chất cần cho thân xác. Mắt họ
chỉ nhìn thấy Manna nên đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua việc Ngài dùng
bàn tay của Mai-sen để giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Thiên Chúa đã
ban bánh cho họ, vì đó là nhu cầu nuôi sống thân xác; nhưng còn một điều cao
quí hơn, đó chính là tình thương của Thiên Chúa dành cho họ qua từng biến cố của
cuộc sống.
Tuy nhiên, cách hành
xử trong lối sống của họ lại giống như tâm tình và sự phát triển của các em bé
được ghi nhận ở trên. Khi họ đói, đối diện với hà khắc thì kêu la, đến lúc no và
cuộc sống tạm ổn định rồi thì đúc bò để thờ. Rồi khi đối diện với thử thách thì
lẩm bẩm rên la: chẳng thà chết vì bơ sữa, trong lụa là, gấm vóc bên Ai Cập còn
hơn mặc áo thô chết đói, chết khát, chết bờ chết bụi, không chốn nương thân ở
chốn hoang vu này.
Tâm tình đó dường như
cũng xuất hiện trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi được chứng kiến dấu lạ Chúa
làm và bụng được no nê, đám đông không thấy Đức Giê-su trên thuyền đâu cả. Họ
bèn đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, họ kêu lên “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao
giờ vậy?” Thoáng nghe qua, chúng ta có thể dư đoán và nhận ra tấm lòng khao
khát, ao ước mong đuợc gặp Chúa khi họ thưa với Người như thế.
Tuy nhiên, câu
trả lời của Đức Giê-su khiến chúng ta hiểu rõ lý do thầm kín bên trong cuộc săn
tìm này. Họ tìm Chúa không phải để ca tụng vinh quang và quyền năng của Thiên
Chúa qua việc Người vừa làm. Họ tìm Người vì nhu cầu được thỏa mãn, vì bụng của
được no nê. Thậm chí, họ còn muốn ép rồi tôn vinh Người lên làm vua để giải
thoát họ khỏi cảnh cơ cực kiếm miếng ăn cho bản thân. Họ chỉ muốn được như những
người không phải làm lụng vất vả mà Thiên Chúa vẫn cung cấp những phép lạ để nuôi
sống họ. Họ tìm Chúa, theo Chúa vì muốn Người làm theo ý họ.
Đức Giê-su đã chạnh
lòng, tâm hồn Người rối bời trước cảnh bơ vơ của họ như đàn chiên không người
chăn dắt. Nhưng, không vì thế mà Người chiều theo các yêu cầu vật chất rồi làm theo
ý họ. Người có thể làm thêm vài phép lạ ‘bánh hoá nhiều’ khiến họ khỏi đói. Rồi
sau này họ sẽ ra sao! Bánh ăn rồi sẽ phải đói. Nuôi ăn một vài bữa chứ ai nuôi
cả đời. Vì thế, thay vì tìm bánh thì hãy nỗ lực tìm người làm ra bánh, đó chính
là Đức Giê-su. Người đến để thực hiện ý định của Cha Người. Ý của Cha Người là
qua Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn họ tìm những gì sâu xa và trường tồn hơn. Người
nói: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”
Thưa anh chị em,
Như thế có một điều
duy nhất mà Đức Giê-su muốn là chúng ta hãy TIN vào Người. Tin ở đây không chỉ tóm gọn như một nhân đức
hay là chấp nhận một số tín điều nào đó trong Hội Thánh. Nhưng đó là VIỆC mà Thiên Chúa muốn chúng ta
LÀM.
Tin vào Đức Giê-su
không chỉ là Đấng nuôi sống chúng ta. Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng ‘ai đến
với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!’ Vì chính Người
là Bánh trường sinh, là nguồn sống cho chúng ta đến với nhau. Muốn đến với nhau
thì chúng ta cần đến với Chúa truớc. Đến với Chúa là một hành động của niềm
tin. Tin rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc siêng năng đón nhận ‘Bánh Thánh’
không chỉ là việc làm cho mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa, nên một
với Chúa. Nên một với Chúa không phải để cho mình trọn hảo, nhưng đó là nguồn động
lực thúc đẩy chúng ta đến với nhau như là anh chị em một nhà, cùng chia sẻ một
niềm tin, cùng đến và trao cho nhau một lòng mến. Có như thế, chúng ta mới đủ
can đảm và dũng mạnh chia sẻ cuộc đời mình cho nhau.
Nhưng, nhìn vào thưc
tế và với lòng can đảm chúng ta phải nhận định rằng đã có bao nhiêu người sống
đúng lời mời gọi của Chúa hôm nay! Đến với Chúa qua việc siêng năng đón nhận
‘Mình Thánh’ Chúa thì nhiều, nhưng mấy ai trong chúng ta đã để cho ‘Bánh’ mà
chúng ta lĩnh nhận biến đổi chúng ta giống Chúa Ki-tô, qua việc hiến dâng và bẻ
cuộc đời cho nhau và cho thế giới; hay là chúng ta lại hành xử giống như người
Do Thái, chỉ biết đến với Người nhằm thỏa mãn nhu cầu riêng của mình. Thậm chí,
có một số người lập ra các bảng thông kê số người lĩnh nhận Bánh Thánh để báo
cáo thành tích và cùng tôn vinh nhau. Như vậy, liệu chúng ta có khác người Do
Thái cùng thời với Đức Giê-su hay không?
Tuy nhiên, không vì
các hiện tượng tiêu cực đó mà chúng ta quên đi các giá trị cao siêu mà Bánh
Thánh của Chúa đã đem lại cho chúng ta. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính phục thái
độ của một số người khi đón nhận Thánh Thể Chúa. Chúng ta không cần biết họ là
ai? Quá khứ họ ra sao? Nhưng chỉ nhìn thái độ cung kính với lòng mến yêu khi
đón nhận, chúng ta cũng nhận ra sức mạnh của Đức Ki-tô trong tấm bánh đã tác
đông và ảnh hưởng trong cuộc sống họ ra sao.
Đó là chưa kể đến một
số trường hơp ngoại lệ mà tôi nghe đuợc trong các trại cải tạo. Cho dù vẫn biết
rằng việc cử hành và đón nhận Thánh Thể Chúa sẽ đem lại thêm nhiều nguy hiểm
cho anh chị em đang bị giam cầm tại các nơi đó. Nhưng nếu họ không nhận ra đó
là nguồn sống đích thật thì mấy ai trong anh chị em có đủ can đảm để làm những
việc liều lĩnh như thế. Tôi luôn dành cho họ lòng mến yêu và cảm phục.
Thật vậy, cùng với họ,
chúng ta tin Đức Giê-su, Đấng không chỉ làm ra bánh nuôi chúng ta, nhưng chính
Người là của ăn đích thật, không chỉ bẻ ra một lần mà từng giây từng phút đã trở
thành mảnh vụn nuôi sống và hoà tan vào trong cuộc sống của những người môn đệ,
những kẻ đặt trọn niềm tin và cuộc sống vào tay Người cho tha nhân.
Khi xưa, Đức Giê-su
đã dùng cả cuộc đời để chỉ dâng một Thánh Lễ! Hôm nay, từng giây từng phút trong
lòng Hội Thánh đang có hiến lễ được dâng. Vì vậy, xin cho chúng con tin rằng, trong
từng hơi thở sống động của Hội Thánh, hoà chung với mọi diễn biến xẩy ra trong
vũ trụ này, Đức Giệ-su đang dùng và biến chúng con thành những miếng bánh, do
chính Người bẻ ra, để nuôi sống nhau, đặc biệt cho những ai tin vào Người là Bánh
trường sinh, là Đấng ban sự sống.
Amen!
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
No comments:
Post a Comment