Thái độ buồn chán gần
như tuyệt vọng của ngôn sứ Elia trong bài đọc một hôm nay khiến tôi nhớ lại
cách ứng xử của những ai đã đối diện với các căn bịnh nan y. Họ đã trải qua những
tháng ngày đau khổ trên giuờng bịnh. Có những lúc họ không chịu nổi, chán nản
và tuyệt vọng đến nỗi đã phải thốt lên ‘sao Chúa không cất con về cho rồi, cứ để
con phải đau khổ mãi thế này.’ Như Elia, đó chính là phản ứng mang tính rất con
người của chúng ta. Nhưng đó không phải là bài học hôm nay.
Trong phần tiếp theo,
tác giả đã thuật lại việc Thiên Chúa sai sứ giả của Ngài mang bánh cho ông ăn
và nuớc cho ông uống; không phải một lần mà là hai lần. Sau khi được bổ dưỡng, ngôn
sứ tiếp tục lên đuờng và đã hoàn tất cuộc hành trình, đến núi của Thiên Chúa.
Như vậy, qua câu chuyện, chúng ta mới thấy lòng quan tâm, săn sóc của Thiên
Chúa dành cho Elia và cả chúng ta nữa. Ngài luôn hiện diện để trợ lực và thêm sức
giúp chúng ta vuợt qua các gian nan và thử thách để hoàn tất cuộc lữ hành.
Thiên Chúa sai sứ giả
của Ngài mang bánh và nuớc đến cho ngôn sứ Elia cho nên ông mới hoàn tất cuộc
hành trình. Còn chúng ta thì sao? Có được hưởng đặc ân như ngôn sứ đã được qua
bàn tay của các thiên sứ hay không? Câu chuyện minh họa sau đây có thể đem đến
cho anh chị em lời giải thích.
Xẩy ra là, dân chúng
tại một khu làng kia đã phải chịu một trận lụt thật kinh hoàng. Cũng may là tất
cả mọi người dân trong làng đều đuợc di tản đến khu an toàn, ngoại trừ một
chàng thanh niên kia đã chọn không di tản vì tin vào việc Chúa sẽ đến giải cứu
anh. Việc đầu tiên anh làm là trèo lên tầng thứ nhất của căn nhà để tránh ngập
lụt.
Bỗng nhiên, có một
người đàn ông chèo canô đi ngang và hỏi anh có cần được giúp đỡ để đến khu an toàn
không? Anh trả lời không vì anh tin rằng Chúa sẽ cứu anh.
Mực nuớc cứ tăng dần.
Anh bó buộc phải trèo lên tầng hai. Lại có một chiếc thuyền máy đi ngang qua,
viên tài công dừng lại và hỏi anh có cần được giúp đỡ hay không? Anh cũng từ chối
và tin rằng Chúa sẽ cứu anh.
Mực nuớc tiếp tục
dâng cao. Đến lúc này anh phải trèo lên mái nhà để tránh nạn. Bỗng nhiên, có một
chiếc trực thăng bay ngang qua. Ông phi công mới hỏi anh có cần đuợc giúp đỡ để
đến khu an toàn không? Lại một lần nữa anh trả lời không vì tin rằng Chúa sẽ cứu
anh. Anh kiên quyết ngồi đó chờ Chúa.
Cuối cùng Chúa đến thật.
Anh bị chết đuối và đưa về diện kiến Chúa. Trong giây phút đó, anh đã thân thưa
với Chúa rằng: “Con đã hết lòng tin tưởng vào Ngài, tại sao lại để con bị chết
đuối.” Chúa từ tốn trả lời anh: “Con ơi, Cha, không chỉ một lần mà là ba lần,
đã sai ba sứ giả của Ta đến cứu con mà con có nghe đâu. Con từ chối sự giúp đỡ
của Ta mà.”
Qua câu chuyện minh họa
nói trên, chúng ta nhận ra mình cũng là sứ giả của Thiên Chúa. Thế mà, chúng ta
có nhận ra vai trò sứ giả mà Thiên Chúa dùng để giúp nhau hay lại đi tìm các
phương thế phi thường khác để nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa dành cho mình?
Như vậy, vai trò của
thiên sứ trong bài đọc một đuợc hiểu như là sứ giả thực hiện lịnh truyền của
Thiên Chúa. Và, chính Thiên Chúa mới là Đấng thêm sức bổ duỡng cho ngôn sứ chỗi
dậy và đi tiếp. Thiên Chúa đã không nhận lời cầu xin của Elia, nhưng Ngài hiện
diện trong lúc mà ngôn sứ cần đến Ngài!
Anh chị em thân mến,
Trong tinh thần đó, qua
bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tiếp tục lắng nghe, đón nhận và đào sâu về diễn
từ bánh hằng sống của Đức Giêsu. Người chính là bánh trường sinh, bánh hằng sống
từ trời xuống nuôi duỡng và ban thêm sức mạnh cho chúng ta đủ sức đến và cùng dắt
tay nhau đi về nhà Cha. Nhưng để Đức Giêsu là sự sống đích thật cho chính mình,
chúng ta không đuợc mời gọi đến với bánh, cho dù đó là bánh Thánh; nhưng đến với
Đức Giêsu, một con người thật đã hiện diện giữa thế gian; và trong niềm tin
chúng ta nhận ra thân thể Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể và hình ảnh của Người
nơi bản thân anh chị em mà chúng mình gặp trên dòng đời này. Đến với Người bằng
sự gắn bó mật thiết mà không một quyền lực nào có thể cắt đứt được.
Bắt đầu phân đoạn này
là sự chống đối của người Do Thái khi nghe Đức Giêsu công bố Người từ trời xuống.
Chúng ta có thể thông cảm khi họ có cái nhìn định kiến về Đức Giêsu. Vì thành
kiến nên họ không nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong các kinh
nghiệm rất đời thường mà họ đã có với Người. Mắt họ dán vào những dấu lạ bên
ngoài mà quên đi một dấu lạ phi thường, đó là uy quyền của Thiên Chúa thường
xuyên hiện diện và hoạt động trong các sự kiện bình thường nhất giữa chúng ta.
Những gì mà chúng ta loại bỏ thì Thiên Chúa làm nên đá tảng để xây dựng cơ
ngơi, nhà của Ngài.
Giờ đây, xin anh chị
em cùng đọc thật chậm phân đoạn này của diễn từ và để cho lòng mình chìm sâu
vào một số từ ngữ quan trọng và sống động mà Đức Giêsu đã dùng. Đức Giêsu nói
rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ĂN bánh này sẽ đuợc sống muôn đời;
Chúa nói tiếp ‘bánh tôi sẽ ban tặng, chính là THỊT tôi đây, để cho thế gian được
sống.’
Trước thái độ hoài
nghi, vịn vào lý lẽ rồi từ khước đón nhận Đức Giêsu của người Do Thái, Đức
Giê-su tiếp tục nói không ai có thể đến với Người trừ phi Chúa Cha là Đấng đã SAI
Người, không LÔI KÉO kẻ ấy, và Đức Giêsu sẽ cho người ấy SỐNG LẠI trong ngày
sau hết.
Ở đây, Đức Giê-su đã
tỏ bầy cho chúng ta một điều thật quan trọng. Việc chúng ta có thể đến được với
Chúa có thể phát sinh từ niềm tin trong việc đáp trả lời mời gọi của Người;
nhưng thật ra đó chỉ là điều thứ yếu. Thiên Chúa đã đi bước trước, đã hoạt động
bằng cách ‘lôi kéo’ chúng ta đến với Ngài. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không ép buộc chúng
ta phải tin theo Ngài. Vì yêu thương Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do mà Ngài
đã ban tặng cho chúng ta. Nhưng không vì các hành vi đó khiến Ngài bỏ cuộc.
Ngài luôn làm chủ công trình của Ngài là lôi kéo chúng ta về với nguồn ơn cứu độ
đã xuất hiện nơi con người Đức Giêsu là Đấng được SAI đến từ Thiên Chúa.
Tìm đến với Đức
Giêsu là tìm gặp được Thiên Chúa. Đến với Chúa không là hậu quả của sự số gắng
tìm kiếm phát sinh từ con người. Nhưng đến với Chúa có nghĩa là đón nhận con
người của Chúa. Thân thể Đức Kitô trở nên của ăn, Máu Người trở nên của uống
nuôi sống chúng ta như Lời Chúa nói: “Ai đến với Người sẽ không hề đói. Ai tin
vào Người sẽ không hề khát bao giờ”.
Đức Giê-su, hôm nay,
cho chúng ta thấy Người là của ăn nuôi dưỡng và ai ăn bánh này sẽ được Chúa cho
sống lại trong ngày sau hết. Ngày sau hết không phải là ngày trên quê trời;
nhưng được bắt đầu trong mọi thời khắc của cuộc sống mình. Thời điểm nào cũng
có thể là giờ phút sau hết của chúng ta. Vì thế, đến với Đức Giêsu như là của
ăn đích thật ngay trong giây phút hiện tại là một bảo đảm cho chúng ta đuợc sống
lại trong ngày sau hết.
Qua cách suy niệm về
công việc của Cha và Con đã làm, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không hoạt động
một mình, cũng không dùng quyền năng từ xa để hướng dẫn hay điều khiển chúng
ta. Ngài liên hệ mật thiết với sinh hoạt của dân riêng Ngài nói chung và đến với
mỗi người chúng ta nói riêng. Các cử chỉ của Thiên Chúa như ‘lôi
keó’, ‘dẫn dắt’, ‘nuôi ăn’, ‘làm cho sống lại’ diễn tả một Thiên Chúa làm
việc thật sống động trong đời sống của các tín hữu. Ngài bận rộn trong việc thiết
lập và xây dựng mối quan hệ với từng cá nhân nói riêng và cộng đồng dân Chúa nói
chung.
Như vậy, nếu chúng ta
sẵn lòng để Chúa đi vào trong mọi sinh hoạt của cuộc sống là lúc Chúa hoạt động
trong và với chúng ta. Có nghĩa là để Thiên Chúa lôi kéo. Dưạ trên kinh nghiệm
trong cuộc sống, khi chấp nhận cho kẻ khác lôi kéo là lúc chúng ta phải thả lỏng
cơ thể. Không ai, một mặt chấp nhận cho người khác lôi kéo, mặt khác lại gồng
nên để kháng cự. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này vẫn còn.
Vì thế, cử chỉ mà chúng
ta nên làm là mở lòng ra để đón nhận quyền dẫn dắt của Thiên Chúa. Có nghĩa là,
chúng ta chấp nhận từ bỏ quyền làm chủ bản thân và cuộc sống mình cũng như tha
nhân rồi để Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa thật, Đấng ban sự sống và nuôi dưỡng
chúng ta, như Lời Người phán dậy “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống.” Anh chị em có tin điều đó không?
Lm
Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
No comments:
Post a Comment