Tuesday, 7 February 2012

“Một hồn đau, rã lần theo hương khói”


Suy niệm Chúa nhật thứ 6 thường niên năm B

Một hồn đau, rã lần theo hương khói”
một bài thơ, cháy tan trong nắng rọi
một lời run, thoi thóp giữa không trung,
cả niềm yêu, ý thơ cả một vùng,
hoá thành vũng máu đào, trong ác lặn.
Đấy, là tất cả người anh tiêu tán.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 1: 40-45
               “Tất cả người anh tiêu tán”, chính là tâm trạng của những người phung. Người phung hủi trong Tin Mừng, còn tiêu tán thêm nhiều thứ. Tiêu phần hồn. Tán thân xác. Tán cả không gian, lẫn xã hội mình đang sống. Tiêu tán cuộc đời, có cam chịu như Tin Mừng ghi lại, bấy lâu nay.
               Tin Mừng thánh Máccô hôm nay, ghi lại tình trạng rất đáng thương của người anh/người chị mang thân phận hẩm hiu, với bệnh phung. Vào thời Chúa, chẳng ai biết đến nguyên nhân lẫn nguồn gốc của căn bệnh. Chỉ biết rằng, bệnh căn vừa ghê tởm, vừa lây lan. Dễ, phá tán cuộc đời. Dễ, trở nên thân tàn ma dại. Tàn, một sự nghiệp. Dại, cả cuộc sống. Cuốc sống nhà Đạo, rất đáng lo.
               Bài đọc 1, sách Lêvi đưa ra một chẩn đoán mà người thời nay nghe qua, đã thấy lạ: “Khi trên da thịt người nào phát ra ung nhọt, lác hoặc đốm, là nó trở thành vết thương phung hủi.” (Lv 13: 2)  Chẩn đoán như thế, rõ ràng còn thô sơ. Tuỳ tiện. Nhưng, điều đó chứng tỏ: người thời xưa đã rất sợ bệnh phung. Và, sách Lêvi chỉ cách giúp mọi người sống an lành, hơn xót thương. Thật đáng thương, cho nạn nhân nào bị chẩn đoán sai, dễ bị kỳ thị.
               Chẳng cần biết, người trong cuộc có mắc bệnh này không, án quyết sau đây rất đáng sợ: “Người bệnh phung phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “ô uế! Ô uế! Bao lâu còn bị bệnh, người ô uế, phải ở riêng, bên ngoài trại.” (Lv 13: 45) Đây, chính là phán quyết đáng hãi sợ: phán quyết buộc người bệnh sống tha hương, ngay nơi mình ở. Phải xa gia đình, xa quê và xa cả Đạo Chúa.
               Tin Mừng hôm nay, là cảnh trí ban đầu kể về ngày Sabát kéo dài trong cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Cảnh ban đầu, kể việc Đức Giêsu đến hội đường, chữa lành người tật bệnh và,  tống khứ thần ô uế, khỏi dân con đến nghe Ngài.
               Đây, là lúc người bệnh dám cả gan đến gần Chúa. Anh quá tuyệt vọng. Phủ phục xuống, kêu cầu Ngài cứu chữa như phương cách cuối cùng. Cách anh nói, diễn tả niềm tín thác xuất tự đáy lòng mình: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi nên thanh sạch.” (Mc 13: 40) Thanh sạch, không có nghĩa: Chúa chỉ cứu/chữa những người Ngài muốn chữa, thôi. Nhưng, thực tâm muốn bảo: Đức Giêsu muốn mọi người biết ý của Ngài, khi được cứu.
               Ý của Ngài, là muốn mọi người tin vào sức mạnh/quyền uy của Thiên Chúa. Người phung hôm ấy, từng thấy Chúa cứu/chữa nhiều bệnh nặng. Và, niềm tin của anh đã được ghi lại ở Tin Mừng, là điều cần thiết. Những, ắt và đủ để ta có thể trở nên con người toàn diện, như Ngài muốn.
               Khi viết Tin Mừng, thánh Máccô không theo cùng đường lối như thánh Mátthêu. Nhưng, thánh nhân nhấn mạnh nhiều, đến lòng từ bi Chúa “xót thương” cảnh tình của mọi người. Thành thử, khi sờ chạm da thịt người bệnh phung, Ngài đã làm một việc ý nghĩa, là: tỏ bày lòng thương xót ấy.
               Làm thế, Ngài biến đổi Thân Mình Ngài, để trở nên cũng ô uế như bệnh nhân. Làm thế, Ngài cởi mở tấm lòng, để cũng bị lây lan như mọi người. Làm thế, Ngài đã tỏ bày cam kết hoà mình hiệp nhất với người bệnh. Cũng một cung cách tương tự thánh Phanxicô Átxi, Mẹ Têrêxa Calcutta, và rất nhiều vị lành thánh, hôm nay. Làm thế, tức Ngài đã chứng tỏ một cam kết có từ đầu. Với người bệnh. Với mọi người: “Tôi muốn! Anh hãy được sạch!” Bằng vào khẳng định của Ngài, người bệnh phung cũng như mọi người, đều được cứu/chữa. Đều trở nên lành lặn, trọn vẹn nguyên dạng.
               Chưa hết. Nếu Chúa chỉ cứu/chữa mỗi người phung thôi, vẫn chưa giải quyết trọn vẹn được vấn đề. Người được cứu/chữa, cần hội nhập vào với cộng đoàn, mình đang sống. Việc này còn quan trọng hơn, khi mọi người chúng ta vào với tiến trình hội nhập trọn vẹn con người mình. Chính vì thế, sách Lêvi lại nhấn mạnh: “Bao lâu còn bệnh, người ô uế phải ở riêng, ngoài trại.” (Lv 13: 45) Chính vì thế, người bệnh phung hôm ấy, được khuyên là hãy quay về với các vị tư tế. Bởi, các vị này sẽ xem xét kỹ lưỡng, mới tuyên bố là anh đích thực đã lành sạch. Đủ tiêu chuẩn gia nhập lại cộng đoàn.
               Cùng một lúc, người phung hôm ấy đã được Chúa cảnh giác, là: anh không nên báo cho bất cứ ai về chuyện này. Khuyên dạy thế, Chúa không muốn mọi người cứ sôi sục, sửng sốt. Rối tung. Chúa chữa lành, vì lợi ích của người bệnh. Nhưng, tuyệt nhiên Ngài không quảng bá rầm rộ hoặc đánh bóng ảnh hình đời công khai của chính Ngài.
               Việc Chúa muốn, là trọn vẹn nguyên dạng hình hài đem đến với cuộc sống, của muôn người. Ngài không muốn chuyện phép lạ gây sửng sốt/rối tung cho người chứng kiến. Việc Ngài làm, không nên hiểu theo nghĩa tách rời Lời Ngài giáo huấn về phương cách, ta nên sống. Hôm nay, nhiều người vẫn mải tìm kiếm đó đây những là “phép lạ/chuyện lạ”, rất giựt gân. Sửng sốt. Nhưng, lại ít quan tâm sống đích thực cung cách dân con Đức Chúa.
               Ra khỏi đó, người phung bắt đầu lên tiếng cao rao và phao đồn việc ấy” Quả thật, người bệnh phung mọi thời không thể giữ kín hoặc chối từ việc quảng bá kinh nghiệm mình được  tiếp chạm quyền uy của Chúa. Quyền uy Ngài, tạo nên sự trọn vẹn nguyên dạng, cho mọi người. Người bệnh phung, nay đích thực trở thành nhà giảng thuyết. Quyết rao báo/giảng giải Tin Mừng, giống như ta. Như chúng ta, người bệnh được cứu/chữa nay được mời gọi rao giảng/quảng bá niềm tin yêu Đức Chúa. Quảng bá cả việc tìm nơi vắng vẻ để gặp Chúa. Nhưng tìm gì? Và làm gì? Đó là vấn đề, cho mọi người, hôm nay.
               Hỏi, là hỏi mọi người và mỗi người. Những người tự hào biết nhiều, về Chúa. Tự cho mình đang làm mọi việc, vì Chúa. Cho Chúa. Khắp nơi. Hỏi, là để biết tại sao không hăng say như người bệnh phung, hôm trước? Hỏi, là để biết là mình vẫn sống Đạo thật đấy, nhưng quá tập trung vào với chính mình. Không vì mọi người? Hỏi, là để biết là mình có giống như người phung hôm trước không? Có kinh qua khổ đau/sầu buồn như người bệnh? Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm, chưa?
               Đức Giêsu vào nơi hoang vắng/ngoài thành, là để tránh đám đông sục sôi/sửng sốt, đang lùng tìm để hâm mộ quyền năng của Ngài. Ngài không quan tâm đến việc có “kẻ mộ điệu”. Mà, chỉ muốn những ai thực sự muốn dõi bước chân mềm giảng rao, như Ngài. Với Ngài, mà thôi. Ngài chỉ sẵn sàng xuất đầu lộ diện, tỏ bày trọn vẹn nguyên dạng Thiên tính của Ngài. Thiên tính, đã thành tựu trên thập giá. (Mc 15:39)
               Xã hội hôm nay, ai là người phung thời đại? Bởi lẽ, ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn nhiều người đang bị bệnh phung, thực sự. Dù, y khoa hôm nay biết nhiều về nguyên nhân cũng như cách thức phòng ngừa. Chữa trị.
               Tin Mừng hôm nay, là tin rất mừng về những người, vì lý do này khác, đang bị đẩy lui/xa cách cộng đoàn/xã hội ta đang sống. Xa cách và đẩy lùi vì ta vẫn vị kỷ. Nạn nhân của xa cách/đẩy lùi thấy rõ, chính là người mắc chứng HIV/AIDS, dương tính. Dù, bệnh này không lây lan truyền nhiễm, nhưng người bệnh vẫn trở thành nạn nhân của hãi sợ, khiếp đảm. Nạn nhân của chính bạn bè/người thân, người gần nhất. Rất quen biết.
               Tương tự người bênh phung hôm nay, lại là nạn nhân của tật/bệnh lâu nay bị ghê tởm/đẩy lùi vì kỳ thị, đó là tật/bệnh đồng tính luyến ái. Kỳ thị, vì người bệnh chỉ là nạn nhân đang mắc chứng bệnh quái ác, ngoài ý muốn. Người bệnh này, tuy chưa bị xa cách/đẩy lùi như người phung khi trước. Nhưng, cũng đã bị bạn bè/người thân coi như đám ghẻ lở/cùi phong, cần tránh xa.
               Tương tự như thế, là những người sống ngoài lề xã hội. Những người, vẫn bị coi là “man man sống ngoài thành”. Những người, sống dở chết dở vì ma tuý, vô gia cư, thất nghiệp, đơn chiếc, hay say/ghiền. Cả, người bần cùng/lao động, những ô-shin bất đắc dĩ. Người bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục. Nô lệ kinh tế, chính trị…
               Xã hội hôm nay, vẫn có quá nhiều người bệnh phung biến dạng. Là nạn nhân, vì họ vẫn bị chúng ta xa cách/đẩy lùi. Vẫn cứ biện hộ cho hành động dửng dưng của chính mình. Cộng đồng dân Chúa, nay thấy hiếm các vòng tay nhận đón người bệnh phung “thời đại”. Chúa nhân từ, Ngài đang đến với người bệnh. Đủ mọi loại. Lòng nhân từ của Chúa phải được nhân rộng. Kéo dài. Nhân rộng, để ta có thể đến với người bệnh, đang đau khổ. Kéo dài, để ta khuếch trương - mở rộng Nước Trời. Có làm thế, mới là giảng rao Tin Mừng của Chúa. Làm thế, để mọi người sẽ sống vui, ở Nước Trời.                
                                      

No comments: