Thursday, 16 February 2012

Lm Richard Leonard sj: Đổi mới sai lạc ở tâm trí



Hẳn ai trong chúng ta cũng hiểu rằng Tin Mừng thánh Mar-cô được coi là áng văn đầu trong Tân Ước. Áng văn này, đề cập rất sớm những thách thức về lòng tin của người tín hữu. Trình thuật hôm nay, là một trong các chứng cứ cho thấy: sự thể dù có trở nên tồi tệ thế nào đi nữa, ta vẫn còn cơ may có được bạn bè, người thân cầu bàu Đức Chúa giải quyết, đỡ nâng. Nói rõ hơn, dù có ra sao cũng mặc, ta vẫn còn nhiều cơ hội để được tha nhân, bạn bè đến can thiệp, giúp đỡ. 

           Phúc âm kể lại: hôm ấy dân chúng vây quanh Đức Kitô chật cứng đến độ bạn bè, người quen phải có sáng kiến khiêng giường chõng người bệnh cao khỏi nóc nhà, rồi trổ mái thả người bệnh xuống trước mặt Chúa. Làm như thế, tức: đặt Ngài trong tình huống “chẳng đặng đừng”, không thể không ra tay cứu/chữa. Hành động của bạn bè/người thân trên đây, giống hệt như các phim kiếm hiệp, đầy kịch tính. Đọc kỹ bản văn, ta không thể không bảo rằng: sao lại có chuyện như thế được. Bạn bè/người thân sao dám trổ nóc, thòng người bệnh thách thức tính nhân hiền của Chúa đến thế được? Chắc đây chỉ là hành động “cường điệu” của kẻ bạo gan, dám làm chuyện tày trời, không lường hậu quả? 

            Giàu tưởng tượng một chút, người người sẽ thấy: nếu bạn bè/người thân không tiếp tay làm mạnh, thì người bệnh chẳng thể nào nhận được quyền uy cứu-chữa, của Đức Chúa. Trong đời thường, quả có lúc con người thấy tuyệt vọng, không còn mơ ước chuyện cao xa, nữa. Nhất là khi, đã kiệt quệ về tinh thần/thể xác, lẫn tâm linh. Tệ hơn, khi người mà ta thương mến, đang lâm vào tình trạnh tuyệt vọng, chỉ còn cách đập đầu vào tường kêu gào Chúa đến thực hiện điều lạ, rất khó quên.

            Phúc âm hôm nay còn kể lại: Đức Kitô thực hiện chuyện lạ bằng động tác chữa lành người tuyệt vọng mà bạn bè cố tình đem đến để nhờ Ngài cứu/chữa. Chữa lành tật bệnh thể xác, một việc mà Thầy Thuốc Nhân Hiền thường làm, là chuyện hiển nhiên, thấy rất rõ. Nhưng Đức Kitô không chỉ muốn thế. Đọc kỹ hơn, ta sẽ hình dung ra tình trạng đớn đau, sầu thảm luôn đi kèm  ấn tượng khó quên/dầy đặc của người bị bại liệt. Điều này có nghĩa,nhờ Chúa cứu chữa, tình trạng tâm thần và cảm xúc của anh đã phục hồi.

            Chúng ta cũng thế. Giả như ta tìm đủ cách chạy vạy, hết hành xử năng nổ, rồi lại cầu nguyện liên lỉ, rốt cuộc vẫn không đạt ý nguyện ban đầu. Hẳn là khi ấy, ta sẽ cho rằng: Chúa bỏ mặc, để ta chìm đắm trong đêm dài, nhiều quên lãng. Nói thế, không có nghĩa là ta tự an ủi bằng những ý nghĩ quẩn quanh, cho rằng: điều ta mong mỏi tìm kiếm có thể chỉ là món quà rất xấu, một vận đen đến từ Chúa. Chẳng phải thế đâu. Vận đen xảy đến, có thể cho riêng mình, hoặc cho người mà ta cầu bàu/nguyện thương, nữa. 

            Có nhiều thứ bại liệt xảy đến với người tật nguyền: có thể là toàn thân liệt quỵ. Hoặc có thể, không hẳn về mặt thể xác. Tức, bại liệt tinh thần. Phân liệt tâm linh. Tuy nhiên, dù sự việc xảy đến với mức độ nào đi nữa, các đòi hỏi ta đặt ra cho Chúa, như ở trình thuật hôm nay, đã tỏ cho thấy thái độ căn bản của Đức Chúa trước mọi khổ đau của loài người. 

Trước hết, Đức Kitô truyền cho người bệnh:”Hãy đi đi, tội của anh đã được sạch.” Sau đó, Ngài bảo: “Hãy đứng dậy, vác lều chõng mà ra đi!” Với người Palestin ở thế kỷ đầu, hai hiệu lệnh mang cùng ý nghĩa. Với chúng ta, hiệu lệnh này mang ý nghĩa khác. Thời của Chúa, mọi ôm đau/tật bệnh đều được coi như một chúc dữ gửi từ Đức Chúa. Là, do con người sai phạm lầm lỗi. Khi Chúa đến, Ngài đứng trực diện người mang trong mình niềm tin/tâm trạng lệch lạc, sai trái. Việc Ngài làm, là để chỉnh đốn các sai lạc ấy; hầu khẳng định rằng: không có tật bệnh nào do Chúa gửi đến. Cũng chẳng có khổ đau/thiên tai nào hết do Ngài mang đến; chỉ vì có hành vi sơ xuất, phạm luật từ nơi ta. Không phải thế.

Ai trong ta cần được nhắc nhở thêm một lần nữa về các khẳng định chắc nịch này không? Bao năm nay, có biết bao người vẫn nghĩ sai quấy, cho rằng: sở dĩ con người có ốm đau/bại liệt, là do Chúa xử phạt rất công bằng; vì tội của ta. Trình thuật hôm nay, thêm một lần nữa, khẳng định về lệnh truyền của Chúa khi xưa: “Hãy trỗi dậy, vác lều chõng mình mà ra đi!” Khẳng định này không nhất thiết có nghĩa là: từ nay, mọi khó khăn ta gặp sẽ biến mất, không cần ai ra tay giúp đỡ, cầu bàu.    
  
Xét về khía cạnh sai quấy, ta có thể nhận định như thế này: chúng ta là thọ tạo chưa được hoàn toàn. Và, công việc của Chúa vẫn tiến hành. Thêm vào đó, ta thường được nhắc nhở, là: ý định của Chúa vẫn muốn ta nên lành lặn, tốt đẹp. Thành thử, trên mọi lãnh vực, ở mọi cấp độ, ta cần được chữa lành và lãnh nhận bình an của Chúa. Qua trình thuật truyện kể hôm nay, ta thấy rõ uy lực của bạn bè, luôn tìm cách đỡ nâng, cầu bàu cho ta. Bạn bè/người thân vẫn bênh vực biện hộ cho mọi nhu cầu của ta trước mặt Chúa. Đây, là hành động yêu thương, không vị kỷ. Hành động can thiệp, biện hộ bằng lời cầu. Bằng, hành vi thiết thực, nữa.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, cầu mong cho ta biết loại bỏ tư tưởng sai quấy, cho rằng: Chúa sử dụng khổ đau, để truy tội hoặc trừng trị chúng ta. Ở tình thế tương tự, ta sẽ giữ mãi quan niệm rằng: dù bị bại liệt đến thế nào đi nữa; dù lều chõng ta có mang hình thù ra sao, cũng mặc. Với đỡ nâng/cầu bàu từ bè bạn/người thân đầy lòng vị tha, hôm nay ta sẽ trỗi dậy và hiên ngang mà tiến bước. Tiến và bước, để rồi sẽ ra đi trong tự do. Ra đi, mặc lấy con người hoàn toàn, có đổi mới. Ra đi, để thực hiện một cuộc sống mới. 

Cuộc sống, không còn vấn vương bận bịu với những ý tưởng sai lạc, về Chúa. Một Đức Chúa chuyên ra tay xử phạt, hết mọi tội phạm. Đổi mới các sai lạc trong tâm trí. Đổi mới, cả những quyết tâm cùng với bạn bè/người thân, nhất định đỡ nâng/biện hộ, một cách vô vụ lợi, những người đang cần lời cầu bàu, của ta. Đó chính là sức sống của cộng đoàn tình thương, của Nước Trời. Cộng đoàn, luôn tương thân/tương trợ cả vào khi sầu khổ, thương đau cũng như lúc an vui, mừng rỡ. Đó mới là Đạo Chúa. Đạo của tình thương yêu, giùm giúp. 

            Lm Richard Leonard sj
            Mai Tá diễn dịch

No comments: