Friday, 10 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Chi tiết Lc 16: 19-31




BÀN VỀ ÍT TÂN ƯỚC (tiếp theo)

Cắt nghĩa ít chi tiết theo Lc 16: 19-31

Người phú hộ  và Lazarô

Trên này, chúng ta đã nhắc đến truyện Bar Ma’yan và người luật sĩ nghèo. Ví dụ này cũng dựa trên một phần của câu truyện đó. Truyện đó phát nguồn tự Ai Cập: cốt là nói lên sự đảo ngược số phận ở đời sau. Truyện Ai Cập nói đến hành trình của Si-Osiris, con của Seton Khaemwese, đi xuống âm phủ, kết thúc với lời này: kẻ lương thiện trên trần gian, dưới âm phủ được xử hậu; kẻ gian ác trên trần gian dưới âm phủ sẽ bị xử tàn nhẫn”. Người Do thái nhập tịch truyện này, và đổi thành truyện Bar Ma’yan và người luật sĩ nghèo. Và truyện Do thái kết thúc: một luật sĩ đồng liêu được mộng cho thấy số phận hai người ở thế giới bên kia. Vài ngày sau người luật sĩ thấy bạn đồng liêu của mình ở trong vườn Diệu quang tuyệt mỹ, suối nước chảy ngang dọc. Người luật sĩ cũng thấy Bar Ma’yan, người thu thuế: Ba Ma’yan đứng bên bờ nước, với suối nước, nhưng không thể đạt thấu.

Ít chi tiết

Câu 19: Tả người phú hộ theo hai nhu cầu của con người: áo mặc và của ăn.
Áo choàng là len cánh kiến do vùng Phênikia sản xuất;
còn áo lót là một thứ hàng mịn: trúc bâu gốc ở Ai Cập.
Của ăn: là cả đời người phú hộ là một bữa tiệc kéo dài.
Đáng để ý, không nói đến tội lỗi của người ấy.

Câu 20: Tả người nghèo khó. Tên Lazarô: chữ tắt của tên Elêazar (Thiên Chúa hộ giúp). Muốn được ăn của rơi: có lẽ không phải mảnh vụn bánh, nhưng là những miếng bánh lau tay khách dự tiệc sau khi cầm miếng bánh ăn, sau đó người ta vất xuống gầm bàn.

Chó liếm: chó là vật ô uế. Nét này thêm phần đen tối cho sự cơ cực. Lazarô tàn tật què quặt hay bất toại: người vất xó ngoài cổng để xin ăn.

Đó là hai thái cực: sung sướng và thiếu thốn.
Theo đạo lý các rabbi thì đó là tất nhiên: Thiên Chúa ban xuống cả và Người biết tại sao.

Câu 22: Lòng Abraham (so với Yn 13: 23): tức là chỗ danh dự nơi bàn tiệc.
Chiếu theo đạo lý thưởng của người Do thái, thì Lazarô khốn nạn chẳng qua vì bị phạt tội. Người phú hộ: sung sướng chứng tỏ quả phúc chắc nhiều. Đây cho thấy phán đoán của Thiên Chúa khác điều người ta tưởng.

Câu 24: không phủ nhận tư cách con cái Abraham, nhưng vịn vào đó để mong được giảm bớt hình phạt thì lầm to.

Kiểu nói trong lời lẽ của Abraham có tính cách một luật trừ. Nhưng thực sự điều muốn dạy là: đường lối của người giàu có như kểu người phú hộ (chỉ biết hưởng một mình, không có mắt để nhìn thấy người mắc cảnh lầm than trước ngõ nhà mình, không có lòng chạnh thương với kẻ khác) sẽ kết thúc thế nào: người phú hộ biết rõ và nhận ra ngay Lazarô. Nhưng ở đời sau, còn trên trần gian, thì dường như Lazarô không có nữa!

Câu 27tt: Lời xin của người phú hộ cho anh em còn sống.

Vậy ví dụ có hai hướng: phần thứ nhất đem về sự đảo ngược số phận đời sau. Phần thứ hai: cốt thiết nơi lời xin của người phú hộ cho anh em mình. Kiều trình thuật bắt chúng ta phải nhận rằng: phần thứ hai là phần chính, vì phần thứ nhất dựa trên một truyện đã có trước. Không phải chính của cải, nhưng là thiếu lòng hối cải (và theo Lc thì một trật cũng là thiếu lòng nhân lành chạnh thương) là điều đem người ta vào ngục hình.

Câu 31: Lời của Abraham –tức là lời vạch ra đường lối của Thiên Chúa- cho thấy tại sao Chúa Yêsu chống lại việc đòi dấu lạ, và tại sao sau khi sống lại Chúa Yêsu chỉ hiện ra cho các môn đồ mà thôi.

Xét ý nghĩa: nhờ phần thứ hai, mà phần thứ nhất có nghĩa cao hơn là một luật thừa trừ: hưởng hạnh phúc trần gian trong ích kỷ tự mãn và lấy đó làm bảo đảm vững chắc, tức con đường thẳng tắp dẫn đến cái đau đớn xa cách Thiên Chúa. Nhưng chủ đích của ví dụ với miệng Chúa Yêsu là phần thứ hai: Chúa Yêsu đã bẻ vỡ khuôn sẵn có để đem lời dạy của Ngài vào. Điều quyết định cho số phận người ta là nghe Môsê và các tiên tri mà sống. Người phú hộ và anh em hắn thuộc hạng người đòi dấu lạ (1C 1: 23) (Mt 16: 1 – Mc 8: 11tt – Lc 11: 16). Chúa Yêsu trả lời ngang qua lời của Abraham: Dấu lạ không nhất thiết đem trở lại. Các phép lạ của Chúa Yêsu không làm cho kẻ chống đối ngã lẽ. Họ sẽ dám vu cho Ngài là thông đồng với ma quỉ. Nhưng nhờ nghe lời, mà người ta sẽ hoàn toàn tự do quyết định tin và trở lại: Lời của Thiên Chúa làm người ta xác tín tự bên trong, và hưởng ứng cách tự do.

Bởi truyện dựa trên một truyện sẵn có, gốc Ai Cập, và trong văn chương Do thái có đến 7 hình thức khác nhau, nên phải nói rằng: ví dụ của Chúa Yêsu không có mục đích trình bày giáo huấn với đời sau thế nào, mà những nét về đời sau đó chỉ là một cách vẽ theo tưởng tượng của bình dân thôi. Bởi đó nên chớ hiểu đến liên lạc thiên đàng và hoả ngục thế nào do ví dụ này.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


No comments: