Wednesday, 15 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi Chúc Lành Cho Trẻ Con




Mc 10: 13-16: Chúc Lành cho trẻ con

Môn đồ gắt gỏng. Đối với người xưa, trẻ con không có giá trị gì. Nếu người ta được trị giá nơi công nghiệp, thì trẻ con có công nghiệp gì được, nhất là trẻ con dân ngoại. Đối với môn đồ, việc theo Chúa Yêsu là việc của người lớn. Nhưng thái độ của Chúa Yêsu hoàn toàn khác. Trình thuật có tính cách một trình thuật phép lạ. Chúa Yêsu kêu gọi những kẻ phải khó nhọc gánh nặng. Nước Trời được hứa cho trẻ con; hơn thế, Nước Trời là của chúng nó. Đó là sự lạ. Nước Trời không được bởi vì có liên lạc với Lề Luật: Trẻ con được có Nước Trời. Và sau đó là lời quan trọng: câu 15: Amen, tôi bảo các ông: ai mà không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ thì không vào được trong đó đâu! (Mt 8: 1-3 đặt lời này trong hoàn cảnh khác).

Một lời kèm theo Amen: một lời mạc khải: phải làm sao để Nước Thiên Chúa được ban cho mình như đã hứa và ban cho trẻ con. Nhưng đi xa hơn nữa, chúng ta phải nhớ đến Chúa Yêsu gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) và dạy môn đồ kinh Lạy Cha: Thiên Chúa đối với Chúa Yêsu cũng như đối với môn đồ của Ngài là “Abba”: một tiếng của trẻ thơ tập nói.

Không phải vì vô tội mà Nước Thiên Chúa được ban cho trẻ con. Trẻ con nên gương cho người lớn, vì trẻ con có một điều mà người lớn đã đánh mất rồi: để Thiên Chúa ban không cho, làm như kẻ ngửa tay chịu lấy, và bởi đó, tin cậy và hết lòng tin cậy để người ta dẫn dắt. Nước Thiên Chúa chỉ có thể chịu lấy, lĩnh lấy như quà tặng.

Trong Tin Mừng, Nước Thiên Chúa được dạm ban cho người ta, và người lĩnh chịu lấy khi người ta tin cậy vào lời dạm ban kia, cũng như trẻ thơ tin cả vào cha mình.

Trong lời Chúa Yêsu thấy tỏ được rằng: Nước Thiên Chúa tuy sẽ đến, mà cũng là một ơn huệ cánh chung hiện bây giờ trong đời Chúa Yêsu đã được dạm ban cho người ta. Ai chịu lấy được quà tặng, và để được dẫn dắt trong đời sống thực tế như người được quà tặng đó, nghĩ là tin cậy vào Cha, thì kẻ đó sẽ chịu lấy như trẻ con chịu lấy quà nơi tay Cha mình. Nước Thiên Chúa không dựa trên những dữ kiện người ta phải có, ban cho trẻ con, kẻ chưa có thể vịn vào công nghiệp gì đời mình: đó là một đạo lý lạ lùng không thấy nơi một tôn giáo nào khác. 

Vậy Nước Thiên Chúa mà Chúa Yêsu rao giảng là ơn cứu rỗi vừa là sẽ đến, vừa là hiện tại. Đó là nghịch lý gặp thấy nơi Chúa Yêsu trong sinh thời của Ngài: Ngài là Mêsia đã có mặt (nhưng trong hèn hạ), mà cũng là Mêsia sẽ đến trong vinh quang.

Hội thánh cũng có tính cách nghịch lý tương tợ như thế: cộng đoàn nhân loại gồm những người tội lỗi, nhưng cũng lại là cộng đoàn cánh chung được hưởng ơn cứu rỗi.

Đời tín hữu chúng ta cũng vậy: được thánh hoá mà vẫn còn mang tội lỗi; đức tin một trật là một sự lo âu mà cũng là sự chắc thực, vừa tìm kiếm lại vừa đã đạt sự thật, vừa là mùa tối lại vừa là mùa ánh sáng.

Đó là sự giằng co vĩnh viễn giữa hiện tại và vị lai, giữa thời gian và hằng có, mà sự hằng có đó khơi nguồn từ mầu nhiệm ân sủng. Ân sủng là ơn huệ của Thiên Chúa đầy đủ và chung cục rồi. Nhưng ân sủng lại không thành sự nếu không có chúng ta. Thiên Chúa để cho chúng ta dùng thời gian để chúng ta có thể thông chia công việc của Chúa Yêsu, để hoàn tất chính mình chúng ta và cũng là hoàn tất Nước Thiên Chúa nữa.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


No comments: