Suy Niệm Chúa Nhật thứ 6 Thường Niên Năm B
Phần
đông các dịch giả Sách thánh thường lúng túng khi liên tưởng đến cảnh Chúa “mà cũng
nổi giận”. Tuy nhiên, Đức Giê-su có “nổi giận” đi nữa, điều đó cho thấy Ngài có
cái nhìn thấu đáo, cẩn trọng qua tâm can của Ngài. Và, đây là thách thức lớn
gửi đến chúng ta. Hôm nay.
Hẳn ai
cũng rõ, giận dữ là trạng thái thường tình, cho thấy có cái gì đó không ổn
trong cuộc sống chung đụng giữa người với người. Giận dữ, là cảm xúc quan trọng
được thẩm định, thật rõ nét. Giận dữ, mang tính trung hòa trong giá trị tu đức
của người đi Đạo. Trong cuộc sống, tùy cách ta giải quyết các trường hợp giận
dữ, mọi người sẽ thấy ảnh hưởng của bẩy mối cảm xúc, trong ta. Có người ở lỳ
trong giận dữ; để rồi, kết cuộc sẽ bị “cháy” và thấm đòn, vì tính khí ấy. Người
khác, nhân dịp này, lại rút kinh nghiệm tạo nghị lực, ngõ hầu sửa đổi những gì
sai trái, vẫn chưa ổn.
Với
xã hội Palestin vào đầu thế kỷ, ai có vấn đề ngoài da đều được tặng cho cái “mũ”
chụp lên đầu với tên gọi rất kinh khiếp: phong hủi. Họ buộc phải sống bên lề xã
hội, xa làng mạc/thị thành thân quen, khi trước. Bị như thế, họ không còn dám
cận kề đồng hương/đồng chủng. Mỗi lần cất bước đi đâu/làm gì, đều phải cảnh báo/kêu
to: “Ô uế! chúng tôi, phường ô uế!” Đằng khác, chẳng khi nào họ dám bén mảng
chốn đông người; dù là đền thờ, chợ búa, chốn dân gian. Người đời khinh bỉ họ
như kẻ bị Chúa chúc dữ, không đưọc kể vào danh sách “dân được chọn”. Chẳng lạ
gì, khi thấy Đức Kitô tỏ ra giận dữ. Ngài biết: người bệnh phung bị đối xử tệ
bạc, và bỏ rơi. Gặp họ, Ngài công khai đối đầu với cả một hệ thống quan quyền,
dám cướp đi phẩm cách cao quý của người tật nguyền, hẩm hiu. Mặt khác, luật đạo
cũng chẳng chùn tay do dự, đã tước đọat mọi hy vọng, không cho họ sống. Sống
cho ra người. Sống xứng đáng tư cách cao sang quyền quý, của kiếp người.
Phúc
âm nay đưa ra hai chi tiết quan trọng, cần xem xét. Thứ nhất, về người phong
cùi ghẻ lở. Dù, mắc bệnh ngặt nghèo, người người ghê tởm, anh vẫn bước tới giáp
mặt Chúa, trình bày nỗi niềm riêng, yêu cầu Ngài chữa lành. Ở đây, truyện kể
ghi rõ Đức Giê-su đã đụng tay vào người của anh. Và sau đó, mọi vết hằn trên da
thịt đều tan biến. Về tình huống đối đầu với luật lệ, mọi điều khoản trong lề
luật ngoài đời cũng như tôn giáo, nay bị gẫy. Thật ra, việc Chúa chữa lành cho
người phung, không chỉ mang ý nghĩa một thách thức đối đầu với luật pháp, hoặc những
húy kỵ được quen giữ ở ngoài đời.
Hành
xử của Đức Giê-su đã hối thúc người bệnh ra đi thực hiện những gì luật Đạo dạy
anh làm. Có thế, anh mới có thể về với Đền thờ. Về với cộng đoàn thân yêu của anh.
Giải quyết khúc mắc căn bản này, Đức Giêsu cho thấy: Ngài quan tâm đến việc
hoán cải cuộc đời của những người mà Ngài gặp trong hành trình rao truyền ơn
cứu độ. Ngài đưa họ về với luật cao cả của Chúa: lòng yêu thương giùm giúp hết mọi
người; cả người bị bỏ rơi, bị tránh xa.
Chi
tiết thứ hai mà trình thuật đề cập, là: nhận định cho đúng các thách thức đặt
nơi cơn giận của chính ta. Thách thức đây, không chỉ liên quan đến việc phấn
đấu cho quyền lợi chính đáng của mỗi người, cả khi người ấy sai phạm nhiều.
Thách thức đây, mang nghĩa đấu tranh cho phẩm cách và quyền hạn của người khác.
Để, họ mau chóng phục hồi, mà trở về.
Đấu
tranh, nay mang nhiều dạng thức khác biệt: là, nỗ lực chấm dứt hành vi tước
đọat quyền làm người của các hài nhi chưa mở mắt. Đấu tranh, là chống lại manh
tâm cướp đi quyền được sống của người mắc bệnh nan y, mệnh danh cho “an tử”.
Đấu tranh, cho thế hệ mai ngày bằng quan tâm, chăm sóc địa cầu mình đang sống.
Đấu tranh, còn có nghĩa: quyết đứng lên hành động cho phải phép. Quyết bênh vực
người chung sống trong cùng một mái ấm/cơ ngơi. Cùng xứ đạo/cộng đoàn. Cùng sở
làm. Cùng chòm xóm chung quanh. Cùng tổ quốc thân yêu. Cùng thế giới sinh động.
Ở nơi đó, vẫn còn nhiều đối xử tệ bạc, đầy tủi hổ. Vẫn còn có người phung bị
liệt vào thành phần ô uế, phải tránh xa.
Cuối
cùng, nếu hỏi rằng: sao ta vẫn bận tâm đến những giận dữ, như thế? Thì xin
thưa, vì hôm nay, Đức Giêsu đến với ta một
lần nữa. Ngài đến, để công khai khẳng định rằng: dù ta có nghĩ mình tệ đến mức
nào đi nữa; dù người khác có xử với ta chẳng ra gì, đi nữa; vẫn chẳng có gì tồi
tệ trong ta, mà không được Chúa quan tâm, chữa lành. Chẳng có gì khiến ta tuyệt
vọng. Dù, ngày mai đất trời này có ngả nghiêng, sụp đổ.
Cầu
mong sao Tiệc thánh hôm nay đem đến cho ta tình yêu nóng bỏng và tình thương yêu
chữa lành của Đức Giêsu, để ta sẽ đấu tranh vì người khác. Đấu tranh, cho phẩm
giá con người. Những người phung hủi, hiểm nghèo. Phẩm giá con người, chính là
quà tặng cao quý ta nhận được từ Chúa tể của Tình thương. Cầu và mong, để ta hy
vọng vào cơn giận rất thực của mình. Bởi, biết rằng: mọi buồn phiền/giận dữ ta thường
gặp, sẽ như cơn giận chính đáng Đức Giêsu đã lộ rõ. Cầu mong, Ngài biến ta
thành nhân tố lay chuyển và kiến tạo một Giáo hội công chính. Một thế giới công
bình.
Giận dữ như thế mới là giận đích thực. Mới
tự nhiên. Giận dữ chóng qua, để rồi ta đổi mới cuộc đời lâu nay còn nguội lạnh.
Nguội lạnh, như viên đá xanh trơ trơ trước tình yêu nóng bỏng của Đức Chúa, vẫn
tỏ cho con người. Vậy thì, có nên gọi hôm nay là “cơn giận lành”, được hay không?
No comments:
Post a Comment