Wednesday, 29 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Về thái độ của Chúa Yêsu đối với người đau khổ:




Chúa Yêsu đã thấy những nỗi đau đớn trên đời (nghèo nàn, bệnh tật, chết chóc…)

-Ngài đã nghe đến những phán đoán giản lược và cổ truyển của các người đồng thời về đau khổ: họ thấy đó là một phần phạt (Yn 9: 2, 34..), công việc của quỷ (Mc 9: 17). Chúa Yêsu cũng có dùng kiểu nói bình dân đó: Ngài nói đến “thần câm điếc” (Mc 9: 25), “nữ tử Abraham bị Satan cột trói” (Lc 13: 16..).

-Nhưng Ngài thấy sâu hơn. Ngài kháng lại kiểu hiểu quá giản lược coi mọi sự như hình phạt tội này tội khác (Lc 13: 1-5; Yn 9: 3) đích xác nơi cá nhân. Ngài không dửng dưng trước đau khổ, Ngài dùng quyền năng Ngài mà diệt trừ đau khổ: các phép lạ chữa lành của Ngài. Khi thì (và thường như thế) Ngài trách làm náo nức trong dân chúng (Mc 5: 38-43; 7: 32-36; 8: 22-26). Khi đó thì phép lạ không có tính cách một dấu, cho bằng một cử chỉ kín đáo của lòng nhân từ chạnh thương, phản ứng hồn nhiên của lòng Ngài đối với những khổ cực của người xung quanh.

-Các phép lạ đó chắc chắn, tuy nhiều khi cần phải nhận chân khía cạnh. Nhưng hình như phép lạ Chúa Yêsu làm cũng không nhiều lắm. Các kẻ chống đối, muốn tưởng tượng theo những trình thuật rất phóng đại của thời xuất hành, thì cho rằng các phép lạ Chúa Yêsu làm quá nhỏ nhen, họ đòi những dấu lạ bởi trời, bánh Manna bởi trời, những huy hoàng lộng lẫy của Sinai mới (Mt 12: 38; 16: 1-4…). Dù cho lớn và nhiều đến đâu, các phép lạ của Chúa Yêsu cũng chẳng thấm thía vào đâu đối với sự dữ trên trần gian: bao nhiêu bệnh tật, bao nhiêu cái chết xung quanh mà Ngài đã không chữa! Đó là một bài học: Ngài kháng cự lại với đau khổ vừa đủ để dạy đừng thản nhiên lười biếng trước đau khổ của đồng loại, để lên án sự ươn ái ngại ngùng của hạng người ích kỷ. Nhưng thực sự, nỗ lực của Ngài nhắm đến một sự dữ khác: trầm trọng nguy khốn hơn đau khổ trần gian đó chính là tội lỗi.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


Monday, 27 February 2012

Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Về thái độ của Chúa Yêsu đối với dân ngoại:




Mt 8: 5-13/Lc 7: 1-10:

Phép lạ chữa tên hầu của viên bách quản Kapharnaum. – Nhân dịp phép lạ, Matthêu đem vào một lời nói đến tương lai dành cho dân ngoại trong Nước Trời (Mt 8: 11 / Lc 13: 29t).

Mt 15: 21-28 / Mc 7: 24-30:
Phép lạ chữa con gái một phụ nữ Phênikia. Truyện có tính cách một cuộc thử thách lòng tin. Và người phụ nữ kia đã thắng cuộc.

Vấn đề thứ hai về Nước Thiên Chúa, là: Vì Nước Thiên Chúa là ơn cứu thoát, nên Nước cũng hiểu được do sự dữ mà chúng ta được cứu khỏi nhờ Nước Thiên Chúa. Để hiểu Chúa Yêsu nghĩ sao về Nước Thiên Chúa, thì cần thiết phải biết Ngài thấy sự dữ của nhân loại như thế nào? Sự dữ có thể là sự đau khổ hồn xác người ta phải chịu – nhưng sự dữ cũng như chúng ta thường hiểu: tội lỗi.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


Saturday, 25 February 2012

“Em hãy trôi, trên giòng sông khổ hạnh,”


Suy niệm Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Chay năm B 26.02.2012:

“Em hãy trôi, trên giòng sông khổ hạnh,”
nở nụ cười khinh bạc,
thách thức cuộc nổi trôi.
Em hãy đi! Những lối chớ ngại ngùng,
Bước qua trời, để thấy được tình yêu.”
(dẫn từ thơ Cẩm Vân)

Mc 1: 12-15
            Trôi trên giòng sông khổ hạnh? Phải chăng, là lời khuyên nghe rất khó! Cũng khó, như lời vàng hôm trước: hãy vác thập giá mà theo Ta. Khổ hạnh – thập giá, tuy có khó, nhưng vẫn là điều thánh Máccô nay đà ghi chép. 

            Trình thuật thánh Máccô, nay nói đến 40 ngày khổ hạnh của Đức Chúa. Ngài không “nở nụ cười khinh bạc, thách thức cuộc nổi trôi” như nhà thơ trên đã viết. Khổ hạnh, là Vượt Qua, tiến bước vào nỗi chết. Chấp nhận chết, Ngài mới sống lại trong vinh hiển. Với phép nhiệm Vượt Qua, Ngài luôn tiến bước. Ngài tiến, để ta suy tư nhận thức, sống khổ hạnh, hoà nhập cùng Chúa. 

Sống khổ hạnh, không có nghĩa: tập trung vào chuyện tiêu cực, trong mọi việc. Nhưng, suy tư về cuộc sống rất tích cực. Sống thẩm nhập vào hành trình cứu độ của Chúa. Sống thân thương với mọi người. Với bạn bè. Với người thân. Với cả cộng đoàn Nước Trời, nơi giáo xứ. Sống vui tươi, với người anh/người chị trong môi trường xã hội bên ngoài. Sống hài hoà, theo tình con cái, nhất quyết đánh bật mọi lạm dụng/sai trái, nhất nhất là thành phần của cuộc sống, rất Chay kiêng. 

Sống chay kiêng, là tự vấn chính mình, với quyết tâm. Và, khởi động. Sống chay kiêng/khởi động, là đi vào nơi hoang vắng, chốn hồn hoang mà thánh Gioan Tẩy Giả từng cảnh báo: “Thời đã mãn, và triều đại của Chúa đã đến gần. Hãy sám hối. Và, tin vào Tin Mừng”. Sống sám hối và tin vào Tin Mừng, cũng bao gồm cả những vấn nạn thường xuyên, là hỏi lòng rằng: 

-mình có quyết tâm tham dự Tiệc Thánh mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, chưa?
-có bỏ ra vài giây phút riêng tư tịnh thoát mà nguyện cầu, hằng ngày chưa?
-có để thì giờ để chuyên chăm một mình, đọc thánh Kinh?
-có sinh hoạt tình thân thương với cộng đoàn mình đang sống cùng và sống với?
-Lời Chúa có đánh động niềm riêng của mình, mùa Chay không?
-liệu mình có dám dùng tiền bạc định mua sắm/tiệc tùng, để giúp đỡ người cần hơn không? 

“Người ở trong hoang địa những 40 ngày”, không nên tìm nơi đây chứng tích lịch sử khách quan. Cho bằng, hãy tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng được thánh Máccô ghi lại. Tìm hiểu, để hiểu rõ các xung đột nội tâm Chúa cũng gặp, trong đời Ngài. Xung đột, là những hiện thực đang diễn tiến trong cuộc đời. Của mỗi người. 

Xung đột nội tâm, như thánh Mátthêu và thánh Luca ghi nhận, là những thử thách đầu đời, nay đã đến. Với Chúa. Thử thách Chúa gặp, là những thử và thách qua:

-việc dùng phép lạ có nhằm đánh bóng chính Ngài (như: thử thách biến sỏi đá thành cơm)?
-làm điều lạ, Ngài có nhằm thu hút đám đông bước theo Ngài (như: gieo mình từ trên núi)?
-được dân con chúc tụng, nâng lên hàng vua chúa (khi nhân rộng cá/bánh nuôi 5000 người)?
-Ngài toan khước từ khổ đau và sự chết do Cha đặt để (Xin miễn cho Con chén đắng này…”)

Có giáp mặt thử thách cách thành công, Đức Giêsu mới nói được lời “Xin Vâng!” với Cha. Ngài xin vâng, cả vào khi chấp nhận hiến tặng cuộc sống của chính Ngài. Có giáp mặt với khổ đau và thử thách, Ngài mới tiến bước bắt đầu cuộc đời công khai, để rao giảng. 

Khời đầu đời rao giảng, là khởi sự chấp nhận một bàn giao sứ vụ, từ Gioan Tẩy Giả. Với Chúa, hoàn tất sứ vụ rao giảng nhằm cứu độ muôn dân, Ngài bàn giao cả trọng trách “xin vâng” cho môn đồ và những ai quyết theo chân Ngài, mãi hôm nay. 

Hôm nay, dự Tiệc Thánh, là bằng lòng chấp nhận cuộc bàn giao sứ vụ giảng rao, vị chủ tế đã truyền lan, khi tan lễ: “Anh chị em ra đi bình an, trong Đức Chúa”. Đi bình an, là đi đi để mà rao giảng. Đi đi, để làm chứng, bằng cuộc sống, cho lệnh truyền của Chúa, hôm xưa: “Này Mình Ta, đã phó nộp vì các con”. Phó nộp, một cụm từ xuất tự tiếng Latinh “tradetur”, có nghĩa là bàn giao. Là, trao trách nhiệm cho ai đó. Cho mọi người. 

Tiệc Thánh Lời Chúa hôm nay, có thông điệp bàn giao Ngài truyền dạy: “Hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng”. Sám hối và tin vào Tin Mừng, để khởi đầu một thông điệp đem về sứ vụ mà Chúa giao phó. Xem thế, một kỷ nguyên mới đã khởi đầu. Xem như thế, tương quan mới đã nảy sinh. Tương quan mật thiết, được thành lập giữa Đức Chúa và muôn dân. Ở mọi thời. 

Thông điệp được giao phó, nay đã rõ, có lệnh truyền: “thời đã đến”. Thời nào? Đây chính là kairos. Là, giây phút quan trọng nhằm hoàn thành trọng trách, Chúa giao phó. Trọng trách ấy, nay mang ý nghĩa đích thực của “Nước Chúa gần kề” (Mc 1: 15). Nước Chúa, không là Thiên đường, mang tính địa dư. Nơi chốn. Mà chính là, quyền năng của Chúa. Ở đó, người người được gọi mời hãy thiết lập cho chính mình. Trong tình thương có Chúa. Tình thương yêu cứu độ, nay được hiển thị nơi Thân Mình Đức Kitô. Đức Chúa chấp nhận khổ hạnh. Mùa chay kiêng. 

Chứng cứ của quyền năng yêu thương được Chúa hiển thị, nay thấy rõ:
-ở Lời dạy của Đức Giêsu. Đấng, đầy quyền uy đích thực, được Cha giao ban.
-ở công cuộc cứu độ/chữa lành người tật bệnh.
-ở việc Chúa giải thoát dân con Ngài khỏi sức mạnh thù địch cứ rình chực huỷ hoại con
 người
-ở việc đưa dân con trở về cùng một “ràn chiên”, người bị xã hội khước từ. Bỏ rơi.
-ở các hành xử biết thứ tha và giảng hoà phạm nhân. Người biết hối lỗi.
-ở động tác cao đẹp Ngài đã trao ban chính mình Ngài, bằng tình thương nhuộm thắm khổ
đau, cho đến chết. Và sống lại.

Nhưng, vấn đề là: làm sao tháp nhập được vào tình thương yêu cao cả ấy, của Ngài?
“Hãy hối cải”, chính là lời gọi mời, Ngài đưa ra. Lời gọi này, không là cảm xúc hối hận và nuối tiếc, chuyện đã qua. Cũng không là dừng đứng, thôi không làm điều xấu xa, nữa. Nhưng, lời gọi Chúa muốn ở đây, là đổi thay tận gốc rễ, trọn vẹn lối sống của mình. Của thế giới. Theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, là: “con người mới”. Người mới, là người biết đặt mình trong Đức Kitô. Biết đổi thay. 

Nhưng, làm sao để đổi mới? Đổi mới, là “tin vào Tin Mừng”. Tin, không chỉ tưởng rằng Tin Mừng đã hiện thực. Nhưng còn là: tin VÀO Tin Mừng. Cái khác ở đây, rõ ràng là khác biệt giữa ‘tin cái gì’, ‘tin vào điều gì’. Hoặc đúng hơn, la: ‘tin một người’. Người nào đó. Trong bối cảnh được đề cập ở đây, là tin rằng: “Nước đã gần kề”, “tin” ở đây chính là quyết tâm ta đã có. Có, cho lối sống được diễn bày nơi Tin Mừng. Của Chúa. Có san sẻ tầm nhìn, về cuộc sống. Có san sẻ, để rồi đảo ngược những giá trị chỉ mang tính rất chóng qua, thế mà thế giới ngày nay, vẫn ngộ nhận. 

Mùa Chay kiêng, là thời gian trong đó người người quyết cải hối. Nhất định đổi thay. Đổi và thay, theo cách thức và chiều hướng đã được toàn thể mọi người thề nguyền, dạo thánh tẩy. Mùa Chay kiêng, còn là thời gian giúp ta tái xác định. Và nhất quyết, làm việc ấy. Cho bằng được. 

Bài đọc 1, gợi nhớ người nghe, về quyết tâm mà ông Nô-ê và gia đình, đã thực hiện qua trận hồng thuỷ phá hoại mọi mùa màng, cùng sinh vật. Quyết tâm của ông, nay khơi mào một tương quan mật thiết đã khởi đầu giữa Thiên Chúa và dân Người. Tương quan, nay được thể hiện nơi giao ước mới vừa tái tạo, với tổ phụ Ápram. Với Môsê, lúc sau này. Hồng thuỷ trong truyện của Nô-ê, gợi cho ta nhớ về một quyết tâm được đặt ra, chính vào lúc mình lĩnh nhận ơn thanh tẩy. 

Nhờ có thanh tẩy, ta mới được tháp nhập vào Hội thánh. Vào với Thân Mình của Đức Chúa, tức: cộng đoàn dân con, rất Nước Trời. Bằng vào việc ‘sống cùng’ và ‘sống với’ cộng đoàn dân Chúa. Cuộc sống, mà ta học được từ các lệnh truyền của Đức Chúa. Học hỏi phương cách để sống, sẽ giúp ta có quyết tâm, với Ngài. Học hỏi cách sống, có cuộc đời dựa trên sự thật. Sống, có tình thương yêu, giùm giúp. Sẻ san. Sống sẻ san, là: biến công bình và tự do con cái Chúa, thành hiện thực. 

Đổi mới cuộc sống, như thế, ta có được hỗ trợ từ cộng đoàn Nước Trời, mà ta chính là thành viên sinh động. Sống như thế, ta sẽ có dịp học hỏi liên tục, nơi mọi người. Học và hỏi, để rồi tăng trưởng cùng với con dân Nước Trời, trong tình liên kết hoà hợp thành nguyên dạng hình hài, trong đó có Chúa hiện diện. Có cả người anh/người chị, rất thân thương. Đó, là ơn cứu độ. Là, ơn giải thoát, bắt đầu từ đây. Nơi này. Mùa Chay kiêng. Mùa củng cố và hỗ trợ cho đổi mới. Hăng say. Lành mạnh.

Lm Frank Doyle sj
Mai Tá phỏng dịch 

Friday, 24 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Về Nước Thiên Chúa Sẽ Đến






Về Nước Thiên Chúa sẽ đến:

Đọc lại những đoạn Tin Mừng nói đến Nước Thiên Chúa sẽ đến (như đã kê trong 41-46) theo hướng những câu hỏi kê đây (mục đích là áp dụng vào sinh hoạt cụ thể của ta):

Bây giờ đối với chúng ta, những gì trong xã hội và nơi cá nhân mang hình thức của việc chinh chiến giữa thiện và ác? Lành và dữ?

-Hy vọng về Nước Thiên Chúa đem đến cho chúng ta tin tưởng và can đảm trong việc chinh chiến đó làm sao?

-Hy vọng trông vào Nước Thiên Chúa như vậy có phải là trốn tránh những trách nhiệm của chúng ta trong thời hiện tại không? (Để ý đến những ví dụ phán xét thưởng phạt).

-Lời kêu gọi nỗ lực đi vào sinh hoạt hiện tại, dấn mình vào đó có phải là coi như thể ơn thánh không có không?

-Cầu nguyện theo một ví dụ nào trong các ví dụ kê trong Mt 25 (và thử nghĩ xem giúp trẻ em học kinh bổn  cầu nguyện theo ví dụ đó).

-Trông đợi Thiên đàng, sự sống đời đời có nghĩa gì với Chúa Yêsu?

-Lòng trông cậy đời sau đó có khó sống thực sự không? Những hình thức lệch lạc của lòng trông cậy đó, tôi có nhận thấy xung quanh tôi không? (kiểu tưởng tượng về sau, những thái độ của đức trông cậy nào là đáng trách, hay khiếm khuyết?)

-Có thể lấy việc chịu lễ như một việc trông cậy không? thử cầu nguyện với ý tưởng nói trong Mc 14: 25; 1C 11: 26)
                                                                                                                                    (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Thursday, 23 February 2012

Lm Richard Leonard sj: Sứ Vụ Nơi Hoang Vu



Có khi nào, bà con ta nhận thức rằng Chúa Giêsu khởi đầu và kết thúc sứ vụ công khai của Ngài, nơi hoang vu xa vắng ấy, không? Trình thuật Tin Mừng Marcô, ta nghe kể là Yêsu Đức Chúa đã trầm mình trong chốn hoang vu xa vắng, những bốn mươi ngày. Cả vào năm cuối cuộc đời trần thế, khi chấp nhận xả thân chịu chết cho nhân lọai, Ngài đã bước ra khỏi chốn thị thành, để vào nơi gian khổ ở đó có cái chết trơ trọi đang đợi Ngài trên khổ giá, nơi đồi cao, chốn vắng, một Gôn-gô-tha sừng sững, rất khô cằn đến tận cùng mặt đất. Và, ở cả hai nơi, Yêsu Đức Chúa đều bị thách thức, gạ gẫm nhưng đã trỗi dậy: dậy lên trong yêu thương; vùng lên với chiến thắng. 

            Với Tin Mừng thánh Mar-cô, ta không thấy tác giả đề cập đến những gạ gẫm của Satan nơi hoang vu xa vắng một cách đậm nét. Nhưng, với thánh sử Lu-ca và Mat-thêu, hố sâu thiếu xót và cách biệt ấy đã được khỏa lấp, bù trừ. Và, thánh Mar-cô kể rằng: quần chúng nhiễu nhương dám hỗn xược khích bác, gạ gẫm Đức Chúa, dụ Ngài hãy rời bỏ thập giá trèo xuống, tự cứu lấy mình khỏi thứ “diệu đế” cuối cùng, đày đọa.

            Nơi hoang địa đầu đời, Yêsu Đức Chúa được thần sứ phù trợ, đã ra khỏi tình huống suy sụp và Ngài đã trỗi dậy bằng câu tuyên sấm để đời rằng: “Nước Chúa đã gần kề”.  Tại đồi hoang vào phút cuối, Ngài đã được môn đệ, bạn hữu đỡ nâng để đi hết đọan đường gian khổ, hầu làm chứng cho Nước Trời mà Ngài hằng tuyên bố. 

            Rõ ràng, trong các trình thuật vừa kể, đồng hoang cỏ cháy và cơn gạ gẫm, khuyến dụ vẫn cứ đuổi đeo Yêsu Đức Chúa dọc suốt hành trình ở với trần gian. Đây là điểm son then chốt đã ủi an đoàn con thân thương vốn đã khổ đau, sầu thảm. Phần đông chúng ta có lẽ chẳng cần ra ngoài, tìm nơi hoang vu địa đạo để cảm nghiệm tình huống sầu khổ, đớn đau có những khích bác, khuyến dụ. Càng sống trong tình huống cụ thể, ta càng gặp nhiều cơn khích bác, gạ gẫm dẫn đưa ta đến nơi đổ vỡ, thất vọng.

            Xét kỹ bản văn Kinh thánh, các truyện thần thoại, cũng như văn chương, nghệ thuật, phim ảnh trình chiếu, có hai yếu tố đã xuất hiện, thật rõ nét. Trước nhất, ai cũng thấy rằng: sa mạc hoang vắng có thể là nơi khuyến dụ điêu tàn, nhưng tiêu vong đã khiến nhiều đại anh hùng khi xưa cất bước lãng du mà không thấy có ngày trở về. Thứ đến, theo truyền thống thiết thực, hành trình vào chốn vẫy gọi của nơi quạnh hiu, sa vắng đầy cát nóng với những gian truân nhưng cũng đã tạo nhiều thoả thuê, thoải mái vì ở nơi đó ta vẫn đón nhận nhiều mặc khải cũng như cải biến hoặc vui sướng, giải khuây. Cả hai yếu tố trên không nhất thiết đối chọi, xung khắc tiêu diệt lẫn nhau; nhưng đã bổ túc nhau một cách hài hòa. 

            Lấy trường hợp của Đức Chúa làm mẫu mực, ta thấy không nhất thiết phải buông xuôi, bỏ cuộc trước một gạ gẫm cho rằng chốn hoang vu sa mạc chỉ gồm những mất mát khổ đau, mà thôi. Mặc dầu là thế, ta vẫn cần tìm ra con đường thân thương đầy thuyết phục hầu có thể trỗi dậy, cất cao đầu lên mà thưởng ngọan những kinh nghiệm quý báu, tích tụ.

            Điều quan trọng, là: ở nơi sa mạc rất riêng của mỗi người, không phải mọi gạ gẫm, khuyến dụ đều mang sắc mầu tội lỗi. Khi bị gạ gẫm, khuyến dụ không có nghĩa là ta đang thực hiện điều xấu do người nào xúi giục, bảo ban. Gạ gẫm là những quyến rũ, được tô vẽ cho thêm mầu rực sáng nhằm thúc đẩy người bị dẫn dụ có những quyết định nghiêng hẳn về mặt xấu. Trên thực tế, rất nhiều điểm đã phát giác ra trong đời sống tu đức của các thánh, là: các ngài càng gần gũi với Đức Chúa của tình yêu bao nhiêu, thì những gạ gẫm, khuyến dụ đủ mọi lọai hình càng gia tăng bấy nhiêu. Tuy nhiên, có điều may là chúng ta vẫn được giáo huấn để biết cách đối phó với những tình huống gay go.      
                     
            Cứ sự thường, gạ gẫm khuyến dụ thường có bối cảnh và huyền sử riêng. Các tình huống như thế chỉ xảy đến khi ta có cảm giác xa vắng, lạnh lẽo, dễ tổn thương. Và, các tình huống cám dỗ thường đánh mạnh vào yếu điểm của con người rất hay để lộ sơ hở trong cá tính rất thực của mình. Muốn chống lại những tình huống như thế, cần đề cao cảnh giác về các mô hình kiểu mẫu của chúng, tức gạ gẫm, khuyến dụ thường dối gạt, đưa ta vào chốn mê hồn trận để ta tin tưởng rằng hành vi, thói tật mà ta say mê cũng “không đến nỗi quá tệ, chẳng tội lỗi gì đâu”, “chỉ một lần, thôi mà..”, hoặc “cũng chỉ là lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi”... Mặt khác, gạ gẫm, dẫn dụ còn có khả năng nhận ra các hiểm nguy hiện có trong đời mình hầu đánh vào điểm yếu của mỗi người, khiến ta trở tay không kịp. Mệt mỏi, chán chường, giận dữ, rượu chè, ma túy, mất cảnh giác, thiếu khả năng đối thọai cảm thông và niềm tự tin quá thấp, vv.. đều là thực tế phũ phàng đưa ta đến tình trạng dễ phơi bày bộc lộ, hay bị tổn thương hơn lúc bình thường.

            Mùa chay năm nay, khi quyết tâm theo Chúa đi vào chốn hoang vu, xa vắng đầy ý nghĩa này, ta hãy làm những gì khả dĩ giúp mình trỗi dậy từ những tự ti, yếu mềm, thiếu trông cậy, thiếu tin tưởng... ngõ hầu ta có thể đối phó với cơn giận dữ, chán mệt. Hãy tự kiểm điểm xem, trong thời gian qua, ta có làm việc quá hăng say chẳng kể sống chết, hoặc có ăn uống quá độ chẳng hề cữ kiêng, tạo công ích. Hãy hạ quyết tâm sẽ bớt đi cho nhau những tình huống gây trầm tư, khổ não, hoặc cãi vã, đấu tranh, giành giựt. Ngược lại, cương quyết thực hiện phương cách tốt đẹp nhất để đảm bảo rằng chúng ta sẽ trỗi dậy, rời khỏi chốn hoang vu, xa vắng hầu biến cải cuộc đời, cho tốt đẹp hơn. Ta sẽ không trầm mình trong chốn khổ đau, không tạo ra hoang địa, phân rẽ gửi đến cho nhau nữa. 

            Vào nơi hoang vu, xa vắng không phải để lòng mình được chay kiêng, tâm được tịnh mà thôi; nhưng, còn để ta trỗi dậy hòa nhập với cộng đồng người thân cũng một tâm trạng. Cộng đang ngóng chờ ta quay lại từng giây từng phút. Và, đấy chính là ý nghĩa của mùa sám hối, phục thiện. Hối cải những gì đã sơ xuất. Hồi phục những gì rất thiện. Thiện đây là tình thân thương không chỉ với Chúa, với Mẹ mà cả với người anh em cùng nhà, xa ngõ. Cầu Chúa cho ta thực hiện cuộc sống trỗi dậy và dâng trào. Mong an bình sẽ lại đến với ta, với muôn người. Và, mọi người.
           
            Lm Richard Leonard sj:
            Mai Tá phỏng dịch

Monday, 20 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Về Nước Thiên Chúa Sẽ Đến




ĐỀ TÀI PHẢI TỰ TÌM KIẾM

Về Nước Thiên Chúa sẽ đến:

Đọc lại những đoạn Tin Mừng nói đến Nước Thiên Chúa sẽ đến (như đã kê trong 41-46) theo hướng những câu hỏi kê đây (mục đích là áp dụng vào sinh hoạt cụ thể của ta):

Bây giờ đối với chúng ta, những gì trong xã hội và nơi cá nhân mang hình thức của việc chinh chiến giữa thiện và ác? Lành và dữ?

-Hy vọng về Nước Thiên Chúa đem đến cho chúng ta tin tưởng và can đảm trong việc chinh chiến đó làm sao?

-Hy vọng trông vào Nước Thiên Chúa như vậy có phải là trốn tránh những trách nhiệm của chúng ta trong thời hiện tại không? (Để ý đến những ví dụ phán xét thưởng phạt).

-Lời kêu gọi nỗ lực đi vào sinh hoạt hiện tại, dấn mình vào đó có phải là coi như thể ơn thánh không có không?

-Cầu nguyện theo một ví dụ nào trong các ví dụ kê trong Mt 25 (và thử nghĩ xem giúp trẻ em học kinh bổn  cầu nguyện theo ví dụ đó).

-Trông đợi Thiên đàng, sự sống đời đời có nghĩa gì với Chúa Yêsu?

-Lòng trông cậy đời sau đó có khó sống thực sự không? Những hình thức lệch lạc của lòng trông cậy đó, tôi có nhận thấy xung quanh tôi không? (kiểu tưởng tượng về sau, những thái độ của đức trông cậy nào là đáng trách, hay khiếm khuyết?)

-Có thể lấy việc chịu lễ như một việc trông cậy không? thử cầu nguyện với ý tưởng nói trong Mc 14: 25; 1C 11: 26)
                                                                                                                                    (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Thursday, 16 February 2012

Lm Richard Leonard sj: Đổi mới sai lạc ở tâm trí



Hẳn ai trong chúng ta cũng hiểu rằng Tin Mừng thánh Mar-cô được coi là áng văn đầu trong Tân Ước. Áng văn này, đề cập rất sớm những thách thức về lòng tin của người tín hữu. Trình thuật hôm nay, là một trong các chứng cứ cho thấy: sự thể dù có trở nên tồi tệ thế nào đi nữa, ta vẫn còn cơ may có được bạn bè, người thân cầu bàu Đức Chúa giải quyết, đỡ nâng. Nói rõ hơn, dù có ra sao cũng mặc, ta vẫn còn nhiều cơ hội để được tha nhân, bạn bè đến can thiệp, giúp đỡ. 

           Phúc âm kể lại: hôm ấy dân chúng vây quanh Đức Kitô chật cứng đến độ bạn bè, người quen phải có sáng kiến khiêng giường chõng người bệnh cao khỏi nóc nhà, rồi trổ mái thả người bệnh xuống trước mặt Chúa. Làm như thế, tức: đặt Ngài trong tình huống “chẳng đặng đừng”, không thể không ra tay cứu/chữa. Hành động của bạn bè/người thân trên đây, giống hệt như các phim kiếm hiệp, đầy kịch tính. Đọc kỹ bản văn, ta không thể không bảo rằng: sao lại có chuyện như thế được. Bạn bè/người thân sao dám trổ nóc, thòng người bệnh thách thức tính nhân hiền của Chúa đến thế được? Chắc đây chỉ là hành động “cường điệu” của kẻ bạo gan, dám làm chuyện tày trời, không lường hậu quả? 

            Giàu tưởng tượng một chút, người người sẽ thấy: nếu bạn bè/người thân không tiếp tay làm mạnh, thì người bệnh chẳng thể nào nhận được quyền uy cứu-chữa, của Đức Chúa. Trong đời thường, quả có lúc con người thấy tuyệt vọng, không còn mơ ước chuyện cao xa, nữa. Nhất là khi, đã kiệt quệ về tinh thần/thể xác, lẫn tâm linh. Tệ hơn, khi người mà ta thương mến, đang lâm vào tình trạnh tuyệt vọng, chỉ còn cách đập đầu vào tường kêu gào Chúa đến thực hiện điều lạ, rất khó quên.

            Phúc âm hôm nay còn kể lại: Đức Kitô thực hiện chuyện lạ bằng động tác chữa lành người tuyệt vọng mà bạn bè cố tình đem đến để nhờ Ngài cứu/chữa. Chữa lành tật bệnh thể xác, một việc mà Thầy Thuốc Nhân Hiền thường làm, là chuyện hiển nhiên, thấy rất rõ. Nhưng Đức Kitô không chỉ muốn thế. Đọc kỹ hơn, ta sẽ hình dung ra tình trạng đớn đau, sầu thảm luôn đi kèm  ấn tượng khó quên/dầy đặc của người bị bại liệt. Điều này có nghĩa,nhờ Chúa cứu chữa, tình trạng tâm thần và cảm xúc của anh đã phục hồi.

            Chúng ta cũng thế. Giả như ta tìm đủ cách chạy vạy, hết hành xử năng nổ, rồi lại cầu nguyện liên lỉ, rốt cuộc vẫn không đạt ý nguyện ban đầu. Hẳn là khi ấy, ta sẽ cho rằng: Chúa bỏ mặc, để ta chìm đắm trong đêm dài, nhiều quên lãng. Nói thế, không có nghĩa là ta tự an ủi bằng những ý nghĩ quẩn quanh, cho rằng: điều ta mong mỏi tìm kiếm có thể chỉ là món quà rất xấu, một vận đen đến từ Chúa. Chẳng phải thế đâu. Vận đen xảy đến, có thể cho riêng mình, hoặc cho người mà ta cầu bàu/nguyện thương, nữa. 

            Có nhiều thứ bại liệt xảy đến với người tật nguyền: có thể là toàn thân liệt quỵ. Hoặc có thể, không hẳn về mặt thể xác. Tức, bại liệt tinh thần. Phân liệt tâm linh. Tuy nhiên, dù sự việc xảy đến với mức độ nào đi nữa, các đòi hỏi ta đặt ra cho Chúa, như ở trình thuật hôm nay, đã tỏ cho thấy thái độ căn bản của Đức Chúa trước mọi khổ đau của loài người. 

Trước hết, Đức Kitô truyền cho người bệnh:”Hãy đi đi, tội của anh đã được sạch.” Sau đó, Ngài bảo: “Hãy đứng dậy, vác lều chõng mà ra đi!” Với người Palestin ở thế kỷ đầu, hai hiệu lệnh mang cùng ý nghĩa. Với chúng ta, hiệu lệnh này mang ý nghĩa khác. Thời của Chúa, mọi ôm đau/tật bệnh đều được coi như một chúc dữ gửi từ Đức Chúa. Là, do con người sai phạm lầm lỗi. Khi Chúa đến, Ngài đứng trực diện người mang trong mình niềm tin/tâm trạng lệch lạc, sai trái. Việc Ngài làm, là để chỉnh đốn các sai lạc ấy; hầu khẳng định rằng: không có tật bệnh nào do Chúa gửi đến. Cũng chẳng có khổ đau/thiên tai nào hết do Ngài mang đến; chỉ vì có hành vi sơ xuất, phạm luật từ nơi ta. Không phải thế.

Ai trong ta cần được nhắc nhở thêm một lần nữa về các khẳng định chắc nịch này không? Bao năm nay, có biết bao người vẫn nghĩ sai quấy, cho rằng: sở dĩ con người có ốm đau/bại liệt, là do Chúa xử phạt rất công bằng; vì tội của ta. Trình thuật hôm nay, thêm một lần nữa, khẳng định về lệnh truyền của Chúa khi xưa: “Hãy trỗi dậy, vác lều chõng mình mà ra đi!” Khẳng định này không nhất thiết có nghĩa là: từ nay, mọi khó khăn ta gặp sẽ biến mất, không cần ai ra tay giúp đỡ, cầu bàu.    
  
Xét về khía cạnh sai quấy, ta có thể nhận định như thế này: chúng ta là thọ tạo chưa được hoàn toàn. Và, công việc của Chúa vẫn tiến hành. Thêm vào đó, ta thường được nhắc nhở, là: ý định của Chúa vẫn muốn ta nên lành lặn, tốt đẹp. Thành thử, trên mọi lãnh vực, ở mọi cấp độ, ta cần được chữa lành và lãnh nhận bình an của Chúa. Qua trình thuật truyện kể hôm nay, ta thấy rõ uy lực của bạn bè, luôn tìm cách đỡ nâng, cầu bàu cho ta. Bạn bè/người thân vẫn bênh vực biện hộ cho mọi nhu cầu của ta trước mặt Chúa. Đây, là hành động yêu thương, không vị kỷ. Hành động can thiệp, biện hộ bằng lời cầu. Bằng, hành vi thiết thực, nữa.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, cầu mong cho ta biết loại bỏ tư tưởng sai quấy, cho rằng: Chúa sử dụng khổ đau, để truy tội hoặc trừng trị chúng ta. Ở tình thế tương tự, ta sẽ giữ mãi quan niệm rằng: dù bị bại liệt đến thế nào đi nữa; dù lều chõng ta có mang hình thù ra sao, cũng mặc. Với đỡ nâng/cầu bàu từ bè bạn/người thân đầy lòng vị tha, hôm nay ta sẽ trỗi dậy và hiên ngang mà tiến bước. Tiến và bước, để rồi sẽ ra đi trong tự do. Ra đi, mặc lấy con người hoàn toàn, có đổi mới. Ra đi, để thực hiện một cuộc sống mới. 

Cuộc sống, không còn vấn vương bận bịu với những ý tưởng sai lạc, về Chúa. Một Đức Chúa chuyên ra tay xử phạt, hết mọi tội phạm. Đổi mới các sai lạc trong tâm trí. Đổi mới, cả những quyết tâm cùng với bạn bè/người thân, nhất định đỡ nâng/biện hộ, một cách vô vụ lợi, những người đang cần lời cầu bàu, của ta. Đó chính là sức sống của cộng đoàn tình thương, của Nước Trời. Cộng đoàn, luôn tương thân/tương trợ cả vào khi sầu khổ, thương đau cũng như lúc an vui, mừng rỡ. Đó mới là Đạo Chúa. Đạo của tình thương yêu, giùm giúp. 

            Lm Richard Leonard sj
            Mai Tá diễn dịch

Wednesday, 15 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi Chúc Lành Cho Trẻ Con




Mc 10: 13-16: Chúc Lành cho trẻ con

Môn đồ gắt gỏng. Đối với người xưa, trẻ con không có giá trị gì. Nếu người ta được trị giá nơi công nghiệp, thì trẻ con có công nghiệp gì được, nhất là trẻ con dân ngoại. Đối với môn đồ, việc theo Chúa Yêsu là việc của người lớn. Nhưng thái độ của Chúa Yêsu hoàn toàn khác. Trình thuật có tính cách một trình thuật phép lạ. Chúa Yêsu kêu gọi những kẻ phải khó nhọc gánh nặng. Nước Trời được hứa cho trẻ con; hơn thế, Nước Trời là của chúng nó. Đó là sự lạ. Nước Trời không được bởi vì có liên lạc với Lề Luật: Trẻ con được có Nước Trời. Và sau đó là lời quan trọng: câu 15: Amen, tôi bảo các ông: ai mà không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ thì không vào được trong đó đâu! (Mt 8: 1-3 đặt lời này trong hoàn cảnh khác).

Một lời kèm theo Amen: một lời mạc khải: phải làm sao để Nước Thiên Chúa được ban cho mình như đã hứa và ban cho trẻ con. Nhưng đi xa hơn nữa, chúng ta phải nhớ đến Chúa Yêsu gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) và dạy môn đồ kinh Lạy Cha: Thiên Chúa đối với Chúa Yêsu cũng như đối với môn đồ của Ngài là “Abba”: một tiếng của trẻ thơ tập nói.

Không phải vì vô tội mà Nước Thiên Chúa được ban cho trẻ con. Trẻ con nên gương cho người lớn, vì trẻ con có một điều mà người lớn đã đánh mất rồi: để Thiên Chúa ban không cho, làm như kẻ ngửa tay chịu lấy, và bởi đó, tin cậy và hết lòng tin cậy để người ta dẫn dắt. Nước Thiên Chúa chỉ có thể chịu lấy, lĩnh lấy như quà tặng.

Trong Tin Mừng, Nước Thiên Chúa được dạm ban cho người ta, và người lĩnh chịu lấy khi người ta tin cậy vào lời dạm ban kia, cũng như trẻ thơ tin cả vào cha mình.

Trong lời Chúa Yêsu thấy tỏ được rằng: Nước Thiên Chúa tuy sẽ đến, mà cũng là một ơn huệ cánh chung hiện bây giờ trong đời Chúa Yêsu đã được dạm ban cho người ta. Ai chịu lấy được quà tặng, và để được dẫn dắt trong đời sống thực tế như người được quà tặng đó, nghĩ là tin cậy vào Cha, thì kẻ đó sẽ chịu lấy như trẻ con chịu lấy quà nơi tay Cha mình. Nước Thiên Chúa không dựa trên những dữ kiện người ta phải có, ban cho trẻ con, kẻ chưa có thể vịn vào công nghiệp gì đời mình: đó là một đạo lý lạ lùng không thấy nơi một tôn giáo nào khác. 

Vậy Nước Thiên Chúa mà Chúa Yêsu rao giảng là ơn cứu rỗi vừa là sẽ đến, vừa là hiện tại. Đó là nghịch lý gặp thấy nơi Chúa Yêsu trong sinh thời của Ngài: Ngài là Mêsia đã có mặt (nhưng trong hèn hạ), mà cũng là Mêsia sẽ đến trong vinh quang.

Hội thánh cũng có tính cách nghịch lý tương tợ như thế: cộng đoàn nhân loại gồm những người tội lỗi, nhưng cũng lại là cộng đoàn cánh chung được hưởng ơn cứu rỗi.

Đời tín hữu chúng ta cũng vậy: được thánh hoá mà vẫn còn mang tội lỗi; đức tin một trật là một sự lo âu mà cũng là sự chắc thực, vừa tìm kiếm lại vừa đã đạt sự thật, vừa là mùa tối lại vừa là mùa ánh sáng.

Đó là sự giằng co vĩnh viễn giữa hiện tại và vị lai, giữa thời gian và hằng có, mà sự hằng có đó khơi nguồn từ mầu nhiệm ân sủng. Ân sủng là ơn huệ của Thiên Chúa đầy đủ và chung cục rồi. Nhưng ân sủng lại không thành sự nếu không có chúng ta. Thiên Chúa để cho chúng ta dùng thời gian để chúng ta có thể thông chia công việc của Chúa Yêsu, để hoàn tất chính mình chúng ta và cũng là hoàn tất Nước Thiên Chúa nữa.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


Tuesday, 14 February 2012

“Tự nhiên tôi thấy hết đơn côi”


Suy niệm Chúa nhật thứ 7 thường niên năm B

“Tự nhiên tôi thấy hết đơn côi”
Lệ ấm nhiệm mầu thay phép lạ
Làm tim băng giá biết bồi hồi.
(dẫn nhập từ thơ Doãn Mạnh Tiến)
Mc 2: 1-12
            “Hết đơn côi” – “biết bồi hồi”, nhà thơ nay đà thấy lạ. “Lệ ấm” – “tim băng”, nhà Đạo xưa đã biết ơn nhiệm mầu, Chúa vẫn ban. Chúa ban, ơn nhiệm mầu bằng mọi cách. Như cách thức mà thánh Máccô ghi lại ở trình thuật, bấy lâu nay.
            Thánh Máccô hôm nay, ghi rõ trường hợp người dân thành Ca-phác-na-um, đầy tin tưởng. Thành này, là nơi Đức Chúa thường lui tới. Ngài tới, để giáo huấn/dẫn dụ dân con dõi bước chân mềm, một sứ vụ. Bởi, Ngài thường lui tới nơi đây, nên có người còn thắc mắc: nơi Ngài tới, há chẳng phải mái ấm của Simôn Phêrô, thánh nhân sao? Hay là, chốn ấm nhiệm mầu Hội thánh, rất tiên khởi? Dù là gì đi nữa, nhiệm-mầu chốn ấy, không còn chỗ khiêng/đưa người bệnh vào, để Chúa chữa nên đành trổ mái, đưa người bệnh nhận lãnh hồng ân.
            Trổ mái khiêng/đưa người bệnh, điều này cho thấy: người người hôm ấy đà quyết tâm. Quyết tin tưởng, cậy trông vào quyền năng của Ngài. Tất cả, vẫn là điều kiện để Chúa cứu chữa. Dù, là chữa phần xác, hay thần hồn.
            “Này con, tội lỗi của con đã được tha”, đây là phán quyết khiến nhiều người đâm sửng sốt. Sửng sốt, là vị họ cứ tưởng người bệnh, hễ đến với Chúa, là để được chữa lành về phần xác, mà thôi. Chứ đâu, dám cầu mong những muốn ơn tha tội! Thế nhưng, phương cách Chúa nhìn sự việc, không chỉ là thân xác được chữa khỏi, mà cả phần hồn phải được cứu chữa, mới đúng. Cứu và chữa, đích thực có nghĩa: Ngài đem lại sự lành lặn trọn vẹn, cả xác lẫn hồn.
            Vào khi ấy, kinh sư/Biệt phái đã bắt đầu sửng sốt, bèn tự nhủ: “Sao ông này là dám phạm thượng. Bởi lẽ, chỉ mình Chúa mới có quyền tha tội cho con người, thôi.” Sửng sốt, là chuyện dễ xảy đến. Bởi, người thời đó, vẫn cứ tin rằng: chỉ mình Đấng Mêsia mới có quyền năng , dám làm như thế. Sửng sốt – khó tin, cũng là điều phải. Sửng sốt, vì người người đâu chịu mở mắt , ngõ hầu nhận thức được tính lô-gích của lời bàn. Huống chi, là kết luận. Và, họ không mở mắt trông thấy, vì bản thân họ chẳng muốn thấy điều mà nhà thơ trên gọi: lệ ấm nhiệm mầu, thay phép lạ, thôi.
            “Điều gì dễ hơn: hoặc nói với người liệt: tội của con đã được tha, hay bảo: Hãy đứng dậy, vác lều chõng, mà bước đi?” có nghĩa là: thật khó cho người dân bình thường muốn nói lên lòng tin tưởng, mà mình vẫn có bấy lâu nay. Đằng khác, thật cũng dễ, nếu bảo rằng: tội của con đã được tha, tức là: ai là người biết được những gì đã xảy ra, hoặc chưa biết?
            Bởi thế, Chúa đã minh xác cho lời Ngài muốn nói với những người chỉ tìm cách khích bác, chống trả. Ngài lại thêm một lần nữa, khẳng đình: “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này , Con Người có quyền tha tội…” Liền sau đó, Ngài quay về phía người bệnh, rồi nói: “Hãy đứng dậy, vác lều chõng mà ra đi.” Và lập tức, người bại liệt đã làm như thế, trước mặt bá quan văn võ, rất sững sờ. Và, họ bảo nhau: “Ta chưa hề thấy chuyện này. Bao giờ”
            Hiểu rõ hơn, cũng nên biết thói lề của người Do thái thời bấy giờ. Là, những người vẫn luôn nối kết tội lỗi với tật bệnh. Nhiều người trong số họ, vẫn cứ coi tật bệnh ngặt nghèo như hình phạt đến từ trời cao. Như trừng phạt những người sai phạm, mắc lỗi do chính họ, hoặc do tội phạm của mẹ cha. Yếu tố này, làm ta nhớ đến câu viết của thánh Gio-an: “Rabbi, ai đã phạm tội? Chính anh, hay cha mẹ của anh?” ( Yn 9: 2)
            Ở đây cũng thế, dân thường ở nơi đây, cũng vẫn nghĩ rằng: sở dĩ người bệnh đây bị bại liệt là do hậu quả của án phạt về những lỗi phạm do chính anh, hoặc cha mẹ anh, sai trái. Nếu Chúa gột thoát được bệnh tình của người bại liệt, thì nguyên nhân gây bệnh, cũng sẽ được cất đi. Chính vì thế, khi Chúa bảo: Tội của anh đã được tha”, có nghĩa là Ngài không làm điều gì phạm thượng. Trái lại, điều đó cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa, Đấng Mêsia.
            Ngày nay, chúng ta lại cũng bắt đầu nhận ra mấu chốt liên kết tật bệnh với các hành xử của chính mình. Mọi người đều thừa hiểu, rằng: giữa điều ta suy nghĩ với thái độ, hành vi, cảm xúc, vẫn có ảnh hưởng hỗ tương, đan kết vào với nhau. Nhiều bệnh chứng –đa phần về tâm linh, tâm thần- là hậu quả của những căng thẳng thần kinh. Hoặc, của những mất thăng bằng trong cán cân tương quan ta vẫn có với mọi người. Mất thăng bằng trong công ăn việc làm. Thiếu quân bình trong môi sinh.
            Cũng thế, hành vi sai phạm còn là nguồn gốc gây nên những bất ưng trong cuộc sống. Sai phạm/tội lỗi, dù ẩn nấp dưới bất cứ hình thức nào, cũng gây tổn hại đến quan hệ ta vẫn có, với Chúa. Với Tình thương yêu. Với Sự Thật. Còn tổn hại cả những người chung quanh. Và chính mình. Nó gây chao đảo thế quân bình ở trong ta. Trong thần hồn. Trong cảm xúc, lẫn xác thân. Người phạm lỗi dứt khoát không thể nào là người lành lặn. Đó là người tham vọng. Giận hờn với ghét ghen. Từ đó, dẫn đến những ước ao lấn quyền, lấn cả tình thân thương vẫn có với mọi người.
            Cụm từ “Chữa lành”, “Lành lặn”, “Trọn vẹn”, “Lành thánh” vẫn có chung một nguồn gốc. Con người trọn vẹn/lành lặn, là người có tất cả mọi thứ kết hợp hài hoà với Đức Chúa. Với tha nhân. Môi trường. Và, với chính mình.
            Tuy nhiên, không phải mọi tật/bệnh đều nối kết với sai trái/lỗi phạm. Có khiếm khuyết bẩm sinh, không gắn liền với lối hành xử nào của ta hết. Cũng chẳng kéo theo một hình phạt nào hết. Người bại liệt trong trình thuật, là ví dụ cụ thể. Nhưng, như ta rõ: người mẹ lành lặn mà sử dụng rượu bia, ma tuý, vv. . chắc chắn sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho phát triển bào thai, ở cung lòng. Con cái, sẽ gánh chịu hậu quả chỉ vì sơ xuất nhỏ của mẹ cha. Hậu quả ấy, không do lỗi phạm của các em. Không là hình phạt, gửi đến từ đâu đó. Nhưng, ông bà cha mẹ vẫn biết rõ sự thật, hơn hậu duệ.
            Bài đọc 1, có lý khi đưa ra nhận định: “Chớ quan tâm về những việc của ngày trước”. Quả là sai lầm, nếu cứ coi tật/bệnh như hình phạt hoặc hậu quả của lỗi phạm thời xưa. Điều cần lo, là những sai trái hiện ta mắc phải. Các lỗi phạm, mà mình không quyết tâm. Hãy hối cải. Bởi, Đức Chúa không nhìn vào quá khứ, của riêng ai. Ngài quan tâm đến thân phận ta đang gặp, trong hiện tại. Ngài để tâm đến tình thân thương ta đang có với Ngài. Với mọi người.
            Bài đọc 2, thánh Phaolô hối thúc cộng đoàn ở Côrintô nên háo hức nói lời “xin vâng” vô điều kiện với Chúa. Như Đức Giêsu vẫn nói với Cha. Bởi, qua Ngài, mọi lời hứa của Chúa với ta, đều mang tích tích cực, những cái “có”. Ngài không bao giờ giáng phạt, chỉ vì mình có sơ xuất/lỗi phạm. Các khổ đau do phạm lỗi, xuất tự chính lỗi phạm. Từ, các tương quan méo mó với Chúa. Với người anh em. Với chính mình. Thay vào đó, có lẽ nên nói tiếng “Amen” với Tình yêu Chúa đang đổ xuống trên ta.
            Với ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi, ta có thể quay hướng nhìn về chính cuộc sống của mình. Nhìn, để thấy xem có sự hài hoà giữa thần hồn, tâm linh và xác thể. Với môi trường chung quanh. Lành thánh, không chỉ có nghĩa sốt sắng những đọc kinh, đạo hạnh là đủ. Mà chính là, lành thánh, là có cuộc sống lành lặn. Là, tình trạng trọn vẹn nguyên dạng gắn liền với cuộc sống. Vào quan hệ thân thương với mọi người.    

Monday, 13 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Đón Nhận Nước Thiên Chúa




BÀN VỀ ÍT TÂN ƯỚC (tiếp theo)

Người ta phải đón nhận Nước Thiên Chúa thế nào?
Chúng ta thấy Chúa Yêsu nhấn mạnh đến lòng tin (Mc 1: 15)

Mt 13: 44-46: Ví dụ kho tàng và viên ngọc

Hai ví dụ chắp liền với nhau: nhờ so sánh hai bên với nhau mà có thể hội ra ý nghĩa cốt yếu.

Câu 44: Trong ruộng: Hình như người kiếm ra là người làm công nhật. Ngẫu nhiên khám phá ra kho báu.

Chôn vùi xuống: Có mục đích cho thấy kho báu là thành phần của thửa ruộng. Và đàng khác, để kẻ khác khỏi dòm ngó tới (chôn đối với người ta là cách giữ chắc nhất cho khỏi trộm). Về vấn đề pháp luật trong bàn đến: Ví dụ tả cách hoạt động thường tình của người đời. Đáng để ý: khó báu không đem cất nhà mình ngay, nhưng kểu làm có tính cách hợp pháp.

Tậu thửa ruộng: Nếu kho báu là của chủ ruộng, ắt người ta không bán. Người ta đành bán, tức là kho báu không phải là của chủ ruộng.

Câu 45: Đây nói đến một người lái buôn. Ngọc trai nói đây là một món hàng thời xưa ham thích.

Cái phản ứng chủ chốt nêu lên trong cả hai ví dụ là: vui mừng. Và, bởi vui mừng thì không ngại bán tất cả những điều đã có. Như thể yêu sách từ bỏ để vâng theo Tin Mừng không phải nói lên phương thế để vào Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc gặp được, khám phá. Kho tìm ra đòi bỏ mọi sự, và một trật, đòi hỏi đó không có gì là quá quắt: người ta vui sướng mà làm thế. Bán hết đi để tậu cho được kho báu, viên ngọc, thật cũng bõ công!

Ví dụ thường được hiểu về yêu sách từ bỏ mọi sự để được vào Nước Trời, nhưng kỳ thực không phải thế: điều cốt thiết là cái “hoa mắt” ra bởi bất ngờ gặp được một cái gì lớn lao quá đỗi, cái vui sướng tột bực vì gặp một kho báu: lớn đến nỗi mọi sự đeo đuổi từ trước đều ra như mất hết cả giá trị. Không còn lấy gì làm đắt nữa: nếu phải bỏ tất cả, bán cả cơ nghiệp đi để tậu lấy. Như thế, ví dụ không nhấn vào sự hy sinh, đó là lẽ trất nhiên, nhưng là nhấn đến lý do làm ta có thể sẵn lòng hy sinh tất cả: kho tàng lớn lao quá dự tưởng.

Đời một người đã gặp hạnh phúc, một cái vui sướng vô song: đó phải là đời của môn đồ Chúa Yêsu.
                                                                                                                                    (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Friday, 10 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Chi tiết Lc 16: 19-31




BÀN VỀ ÍT TÂN ƯỚC (tiếp theo)

Cắt nghĩa ít chi tiết theo Lc 16: 19-31

Người phú hộ  và Lazarô

Trên này, chúng ta đã nhắc đến truyện Bar Ma’yan và người luật sĩ nghèo. Ví dụ này cũng dựa trên một phần của câu truyện đó. Truyện đó phát nguồn tự Ai Cập: cốt là nói lên sự đảo ngược số phận ở đời sau. Truyện Ai Cập nói đến hành trình của Si-Osiris, con của Seton Khaemwese, đi xuống âm phủ, kết thúc với lời này: kẻ lương thiện trên trần gian, dưới âm phủ được xử hậu; kẻ gian ác trên trần gian dưới âm phủ sẽ bị xử tàn nhẫn”. Người Do thái nhập tịch truyện này, và đổi thành truyện Bar Ma’yan và người luật sĩ nghèo. Và truyện Do thái kết thúc: một luật sĩ đồng liêu được mộng cho thấy số phận hai người ở thế giới bên kia. Vài ngày sau người luật sĩ thấy bạn đồng liêu của mình ở trong vườn Diệu quang tuyệt mỹ, suối nước chảy ngang dọc. Người luật sĩ cũng thấy Bar Ma’yan, người thu thuế: Ba Ma’yan đứng bên bờ nước, với suối nước, nhưng không thể đạt thấu.

Ít chi tiết

Câu 19: Tả người phú hộ theo hai nhu cầu của con người: áo mặc và của ăn.
Áo choàng là len cánh kiến do vùng Phênikia sản xuất;
còn áo lót là một thứ hàng mịn: trúc bâu gốc ở Ai Cập.
Của ăn: là cả đời người phú hộ là một bữa tiệc kéo dài.
Đáng để ý, không nói đến tội lỗi của người ấy.

Câu 20: Tả người nghèo khó. Tên Lazarô: chữ tắt của tên Elêazar (Thiên Chúa hộ giúp). Muốn được ăn của rơi: có lẽ không phải mảnh vụn bánh, nhưng là những miếng bánh lau tay khách dự tiệc sau khi cầm miếng bánh ăn, sau đó người ta vất xuống gầm bàn.

Chó liếm: chó là vật ô uế. Nét này thêm phần đen tối cho sự cơ cực. Lazarô tàn tật què quặt hay bất toại: người vất xó ngoài cổng để xin ăn.

Đó là hai thái cực: sung sướng và thiếu thốn.
Theo đạo lý các rabbi thì đó là tất nhiên: Thiên Chúa ban xuống cả và Người biết tại sao.

Câu 22: Lòng Abraham (so với Yn 13: 23): tức là chỗ danh dự nơi bàn tiệc.
Chiếu theo đạo lý thưởng của người Do thái, thì Lazarô khốn nạn chẳng qua vì bị phạt tội. Người phú hộ: sung sướng chứng tỏ quả phúc chắc nhiều. Đây cho thấy phán đoán của Thiên Chúa khác điều người ta tưởng.

Câu 24: không phủ nhận tư cách con cái Abraham, nhưng vịn vào đó để mong được giảm bớt hình phạt thì lầm to.

Kiểu nói trong lời lẽ của Abraham có tính cách một luật trừ. Nhưng thực sự điều muốn dạy là: đường lối của người giàu có như kểu người phú hộ (chỉ biết hưởng một mình, không có mắt để nhìn thấy người mắc cảnh lầm than trước ngõ nhà mình, không có lòng chạnh thương với kẻ khác) sẽ kết thúc thế nào: người phú hộ biết rõ và nhận ra ngay Lazarô. Nhưng ở đời sau, còn trên trần gian, thì dường như Lazarô không có nữa!

Câu 27tt: Lời xin của người phú hộ cho anh em còn sống.

Vậy ví dụ có hai hướng: phần thứ nhất đem về sự đảo ngược số phận đời sau. Phần thứ hai: cốt thiết nơi lời xin của người phú hộ cho anh em mình. Kiều trình thuật bắt chúng ta phải nhận rằng: phần thứ hai là phần chính, vì phần thứ nhất dựa trên một truyện đã có trước. Không phải chính của cải, nhưng là thiếu lòng hối cải (và theo Lc thì một trật cũng là thiếu lòng nhân lành chạnh thương) là điều đem người ta vào ngục hình.

Câu 31: Lời của Abraham –tức là lời vạch ra đường lối của Thiên Chúa- cho thấy tại sao Chúa Yêsu chống lại việc đòi dấu lạ, và tại sao sau khi sống lại Chúa Yêsu chỉ hiện ra cho các môn đồ mà thôi.

Xét ý nghĩa: nhờ phần thứ hai, mà phần thứ nhất có nghĩa cao hơn là một luật thừa trừ: hưởng hạnh phúc trần gian trong ích kỷ tự mãn và lấy đó làm bảo đảm vững chắc, tức con đường thẳng tắp dẫn đến cái đau đớn xa cách Thiên Chúa. Nhưng chủ đích của ví dụ với miệng Chúa Yêsu là phần thứ hai: Chúa Yêsu đã bẻ vỡ khuôn sẵn có để đem lời dạy của Ngài vào. Điều quyết định cho số phận người ta là nghe Môsê và các tiên tri mà sống. Người phú hộ và anh em hắn thuộc hạng người đòi dấu lạ (1C 1: 23) (Mt 16: 1 – Mc 8: 11tt – Lc 11: 16). Chúa Yêsu trả lời ngang qua lời của Abraham: Dấu lạ không nhất thiết đem trở lại. Các phép lạ của Chúa Yêsu không làm cho kẻ chống đối ngã lẽ. Họ sẽ dám vu cho Ngài là thông đồng với ma quỉ. Nhưng nhờ nghe lời, mà người ta sẽ hoàn toàn tự do quyết định tin và trở lại: Lời của Thiên Chúa làm người ta xác tín tự bên trong, và hưởng ứng cách tự do.

Bởi truyện dựa trên một truyện sẵn có, gốc Ai Cập, và trong văn chương Do thái có đến 7 hình thức khác nhau, nên phải nói rằng: ví dụ của Chúa Yêsu không có mục đích trình bày giáo huấn với đời sau thế nào, mà những nét về đời sau đó chỉ là một cách vẽ theo tưởng tượng của bình dân thôi. Bởi đó nên chớ hiểu đến liên lạc thiên đàng và hoả ngục thế nào do ví dụ này.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)