Sunday, 31 July 2011

Lm Richard Leonard sj: Xa rời ai? Ai xa rời?


Người xưa có câu: “xa rời Đức Chúa, lỗi này do ai?”. Câu hỏi này, vẫn luôn hiện đến mỗi khi ta đề cập đến chủ đề được ghi trong bài đọc 2, đại ý thánh Phao-lô viết: “Không có gì tách ta khỏi lòng mến của Đức Kitô”.

Khi chấp nhận hành hình chịu khổ đau, thánh Phao-lô có viết cho cộng đoàn tín hữu ở Rôma để nhắn nhủ các thánh ở đây, rằng: dù có hãi sợ, cách ly, hoặc sầu buồn thế nào đi nữa, không gì có thể cách ly cộng đoàn mình xa rời tình yêu của Đức Chúa. Điều này cho thấy: mỗi khi ta có cảm giác xa cách Đức Chúa, ta có thể bước xa khỏi nơi Ngài hiện diện. Và, bình thường là qua hành vi đầy huỷ hoại. Hành vi này, thường tạo khoảng cách giữa ta và cội nguồn niềm tin, hy vọng và thương yêu.

Thánh Mát-thêu và tiên tri Isaya đều đã viết cùng một đại ý, nói rằng: không gì có thể cách biệt ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa. Sông rộng ngập đầy, ở lời sấm của tiên tri, và câu chuyện 5 tấm bánh và 2 con cá ở Tin Mừng, là tất cả những gì các thánh diễn tả sự sung mãn nơi Vương quốc Đức Chúa. Tức là, sự sung mãn vẫn có nơi tình thương của Chúa. Rất thường tình, ta hay nhấn đến phép lạ thật sự tạo biến đổi mà thánh sử đã đề cập trong Tin Mừng do thánh nhân viết, thoạt khi Đức Giê-su “bẻ bánh và phân phát” cho hết mọi người, rất dồi dào. Sung mãn. Viết như thế, thánh Mát-thêu cũng gợi sự chú ý của mọi ngưòi đến các mẩu vụn còn thừa. Thánh sử còn chú trọng hơn phép lạ nhân bản thức ăn, gồm có bánh và cá. Từ con số 5 tấm bánh và 2 con cá, thánh sử Mát-thêu nói đến số 12 giỏ vụn bánh, còn sót lại.

Các con số mà thánh sử viết ở đây, trong Tin Mừng, không là chuyện ngẫu nhiên. May rủi. Trái lại, số 7 là con số biểu tượng cho 7 ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, mà lúc ấy, mọi người nghe kể, không thể nào không liên tưởng đến. Truyện kể đây, là kể về việc Đức Giê-su sử dụng hoa quả của nhân trần trái đất làm ra hầu nuôi sống đoàn người đông đảo, lúc bấy giờ. Hệt như thế, 12 giỏ bánh vụn còn sót, là những cơm thừa canh cặn, rơi rớt lại từ bữa ăn no nê, đầy mãn nguyện. Câu truyện đây, vang vọng một dấu chỉ Chúa muốn qui chiếu, qua số 12. 12, là con số ám chỉ các chi tộc Israel, được ghi lại nơi Cựu Ước.

Đối với ta, truyện kể hôm nay còn vang vọng một ủi an. Thánh Mát-thêu kể cho ta nghe việc Đức Giê-su thấy được nhu cầu của từng người. Ngài chẳng khi nào quay mặt bỏ đi. Những, vẫn đến tận nơi ta ở. Gặp ta ngay, vào tình trạng sống, ta kéo dài. Và, Ngài tái tạo con người chúng ta ngang qua sự sung mãn của tình yêu Ngài. Nhờ đó, ta trở thành “dấu chỉ” cho Vương quốc của Ngài, với nhân trần.

Hội thánh của ta cũng thế. Mẹ thánh Giáo hội luôn tin rằng: việc nuôi sống đám đông quần chúng vào buổi ấy, là ảnh hình về Tiệc Thánh Thể, vẫn diễn ra hằng tuần. Với cộng đoàn. Ở nơi đây, ta đón nhận sự sung mãn ứ tràn của Đức Chúa, qua Lời Ngài. Trong cuộc sống. Cuộc sống, của cộng đoàn. Trong các sinh hoạt mục vụ. Và, qua việc linh mục biến đổi rượu bánh thành Mình Máu Chúa.

Phụng vụ hôm nay, là phụng vụ về sự sung mãn. Chúa đem đến cho ta, ân sủng dồi dào; để rồi, ta có thể chuyển đạt lại cho thế giới nhân trần những gì Ngài trao ban, ngõ hầu ta biết chăm sóc, hết mọi người. “Ai được nhiều, sẽ bị đòi nhiều”. Nhưng, vấn đề đối với thế giới hôm nay, là: nhiều người trong chúng ta vẫn sở hữu quá nhiều thứ. Rất sung mãn. Thật dư thừa. Trong khi đó, còn quá nhiều người, chẳng có đến bất cứ thứ gì. Dù là vật dụng nhỏ. Để độ thân.

Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, mà ta không thấy bận lòng gì đến việc biến đổi tâm can, hoặc có hành động thích nghi, thì ta chẳng thể nào hiểu được truyện kể mà thánh sử hôm nay viết về lòng Chúa xót thương đám đông quần chúng. Vì, khi Chúa chạnh lòng thương đám đông quần chúng, Ngài không nhắm chỉ riêng ai, một ít người. Đôi khi, có người còn nhìn vào cảnh tình nghèo khó hiện xảy ra trên thế giới, rồi tự hỏi: “Nếu Chúa nhân từ, sao lại để việc ấy xảy ra?” Ý nghĩ này, không thể làm ta xa rời Đức Chúa. Nhưng, dưới ánh sáng soi dọi của Chúa như thánh sử ghi lại hôm nay, đoan chắc một điều, là: Ngài ban mọi sự cho chúng ta. Ban một cách sung mãn tràn đầy, để ta có thể sẻ san sự sung mãn ấy, cho mọi người.

Mỗi khi ta có ý nghĩ đặt ra những câu hỏi như thế, và mỗi khi ta có cảm giác rằng mọi sự xảy ra giống như vậy, hãy tự vấn lương tâm, mà hỏi như người xưa, vẫn tự nhủ, rằng: Ai xa rời? rời xa ai? Trả lời được câu hỏi của tiền nhân, tự khắc ta sẽ không còn thắc mắc, nữa.

Cầu Chúa cho ta cảm nhận được các tư tưởng mà thánh sử Mát-thêu viết ra, hôm nay.

No comments: