Một số đông các linh mục Công Giáo không đồng ý với các chính sách của Giáo Hội. Đối với họ, những vấn đề gây bất đồng bao gồm:
- Sự nhấn mạnh quá đáng những vấn đề luân lý, thay vì chú trọng vào mục đích chính là loan truyền một tin mừng về sự sống, niềm hy vọng, lòng thương xót, và lòng tha thứ;
- Ngăn cản việc thảo luận những vấn đền luân lý cần được xét lại – chẳng hạn như việc ngừa thai, thụ thai nhân tạo, ly dị, đồng tính luyến ái;
- Lòng sùng bái cá nhân giáo hoàng, nâng giáo hoàng lên tới bậc anh hùng dưới triều đại Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, và được tiếp tục trong triều đại Giáo Hoàng Benedict XVI;
- Những kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới – những đại hội này nâng cao lòng sùng bái giáo hoàng, làm thiệt hại giáo hội địa phương, và cũng chưa làm xoay ngược việc hàng loạt giới trẻ cứ rời bỏ Giáo Hội;
- Sự không ngừng chỉ trích chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối;
- Sự độc đoán bổ nhiệm những người không xứng hợp và không hợp lòng dân vào vai trò giám mục;
- Cung cách lãnh đạo độc đoán, chuyên chế của đa số giám mục và sự ngoan ngoãn quy thuận của họ đối với Rô-ma;
- Sự đề cao những phong trào cực đoan, chuyên quyền, chẳng hạn các tổ chức Opus Dei, Hội Đạo Binh Đức Ki-tô, Hội Loan Báo Tin Mừng, Communione e Liberatione, và cho rằng những tổ chức này là cách đáp trả thật sự và hữu hiệu đối với những thách đố của đức tin trong một xã hội thế tục;
- Khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa cực đoan, khăng khăng hiểu thánh kinh theo nghĩa đen – chủ nghĩa này xuất hiện trong những văn bản La-mã;
- Sự độc đoán và sự chạy theo thời thượng trong việc áp đặt một bản dịch phụng vụ mới, nhiều khuyết điểm. Việc này có khả năng làm nổ ra một cuộc nổi loạn của giáo dân khi một hàng ngũ ngày càng gia tăng của các chuyên gia về phụng vụ đang liệt kê những thất sách và những sự áp đảo vẫn đang xảy ra trong chuyện bản dịch mới.
Sự bất mãn của các linh mục này gia giảm từ mức độ ngại ngùng cho Giáo Hội đến mức thẳng thừng bất đồng ý kiến.
Thế nhưng, linh mục chúng ta lại không lên tiếng chi mấy. Tại sao vậy?
Chúng ta được huấn luyện không được lên tiếng. Trong những năm còn trẻ chúng ta sợ hãi không dám lên tiếng bởi vì vị giám mục luôn là một hình tượng uy quyền bề thế. Sự phân biệt đẳng cấp rất rõ ràng. Lúc nào chúng ta cũng phải nhớ thưa bẩm “Đức Giám Mục”. Phải nhớ cúi đầu, bái gối và hôn nhẫn giám mục. Còn các vị giám mục thì thành thạo bí quyết điều khiển đàn linh mục bằng cách tỏ ra giận dữ hoặc tỏ ra không hài lòng mỗi khi thấp thoáng có bất cứ một dấu hiệu bất đồng nào.
Chúng ta cũng được huấn luyện phải đặt Giáo Hội lên trên hết. Công khai chỉ trích Giáo Hội có nghĩa là bất trung và tự mình nhiễu sự.
Gần đây các linh mục đã nhận ra rằng có lên tiếng thì chẳng ích gì. Các giám mục nói chung là có chỉ trích thì cũng không thấm thía gì, nhất là những vấn đề về chính sách của Rô-ma. Hội Đồng Linh Mục Địa Phận trở thành một việc phí thời gian trong hầu hết các địa phận. Vậy thì, tội gì mà chúng ta lại phải hao tâm tổn sức cơ chứ? Cứ trở về giáo xứ của chúng ta và tự làm việc theo ý mình thì hơn.
Sau hết, bao giờ chúng ta cũng được nhắc nhở về lời khấn hứa “vâng phục” – lời khấn phỏng theo lời thề cổ xưa về lòng trung thành đối với chủ nhân ông. “Con có hứa trung thành và tôn kính ta và những người kế vị ta hay không?” Các linh mục xem trọng lời hứa này và giữ từng lời từng chữ trong lời hứa này.
Chính sách này không còn thích hợp nữa. Đã đến lúc phải lên tiếng và hành động. Đây là việc cấp bách. Tại sao?
Giáo Hội ở Úc Châu và ở các nước Tây Phương đang trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Các giáo dân yêu mến Giáo Hội đều biết rõ việc này, các linh mục đều biết rõ việc này. Các dấu hiệu thì rất rõ ràng: sự thiếu hụt linh mục, việc sụt giảm số người tham dự Thánh Lễ, việc thế hệ trẻ lìa bỏ Giáo Hội, việc các tín hữu kiên trung cũng cảm thấy mỏi mệt và rời bỏ Giáo Hội. Vậy, nguyên nhân là gì và cần phải làm gì?
Tại Âu Châu và các miền thuộc địa, việc gia nhập làm thành viên của Giáo Hội phần lớn là do sự truyền lại từ cha mẹ. Trẻ con sinh ra được rửa tội và tất cả mọi người đều cho là đứa bé sẽ là thành viên của Giáo Hội suốt cả đời. Đa số các quốc gia Âu Châu đều từng có một nền tôn giáo được thiết lập vững chắc. Đó là những quốc gia “giáo trị”. Ngay cả sau sự xuất hiện của các quốc gia theo thế tục thì các nhóm tôn giáo vẫn còn tương đối lớn và mạnh. Căn tính Ki-tô giáo vẫn còn được tuyên xưng rõ ràng – nghĩa là, tôi thuộc về giáo hội này, tôi tin những gì giáo hội tin, và tôi thực hành các giáo huấn theo đường lối của giáo hội. Tiêu chuẩn làm thành viên của giáo hội được đặt ra rõ ràng và phạm vi của giáo hội được định nghĩa rõ ràng. Thành viên của giáo hội có hai điều bảo đảm cho sự tiếp tục tồn tại của giáo hội. Điều thứ nhất là họ rửa tội cho con cái và dạy chúng làm thành viên của giáo hội. Điều thứ hai là trong giáo hội có áp lực mạnh mẽ ngăn cản người ta bỏ đạo.
Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, mối liên kết xã hội của các tổ chức tôn giáo bị suy yếu khiến các thành viên đã được rửa tội được tự do hơn trong việc suy nghĩ và hành động theo lối của riêng họ. Phần lớn việc này là do sự khuếch trương kiến thức ở mức độ rộng lớn – về mặt khoa học, tâm lý, xã hội, lịch sử, khoa phê bình. Kết hợp với sự khuếch trương nền giáo dục ở mức độ rộng lớn, kết quả là sự suy tư được tự do hơn thật nhiều. Trong môi trường mới mẻ này những việc từ xưa được xem là sự thật nay bị lật ngược lại. Biết bao nhiêu những niềm tin tưởng và những lối thực hành từ xưa vẫn được chấp nhận nay lại bị cho là cổ hủ và không thích hợp. Trước cảnh này, than thở thì không ích chi cả. Chúng ta phải xem lại thông điệp cốt lõi của Giáo Hội và tìm một phương cách khác để trình bày thông điệp đó dưới ánh sáng của những kiến thức mới trong bối cảnh xã hội mới ngày nay. Một thuật ngữ được dùng để diễn tả quá trình này là “thích ứng với bối cảnh mới”. “đổi mới theo bối cảnh mới”
Rô-ma đổ lỗi cho chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối, và kêu gọi một cuộc phúc âm hóa mới. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã khởi xướng lời kêu gọi này. Rồi Đức Benedict XVI đã tiếp tục lời kêu gọi đó bằng cách thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Đề Cao Cuộc Phúc Âm Hóa Mới. Vấn đề của việc này là không ai có ý định gì để xét lại cách trình bày về đức tin và các giáo huấn luân lý, và cũng không ai có định gì để thử nghiệm các phương cách phụng vụ mới hay thử nghiệm việc hội nhập văn hóa. Cứ nhìn mà xem những phong trào mới, bản dịch phụng vụ mới, những bài giáo lý được giảng trong các kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới – tất cả đều tái khẳng định mô hình cũ, mô hình thất bại.
Câu trả lời đã được định sẵn là “tái thiết lập nền giáo trị”, mà không phải câu trả lời cần thiết phải “thích ứng với bối cảnh mới”. Thích ứng với bối cảnh mới bao gồm việc chấp nhận, thậm chí chào đón, văn hóa thế tục và văn hóa đa dạng. Chúng ta trình bày lại cốt lõi đức tin của chúng ta theo một cung cách để đức tin có ý nghĩa trong bối cảnh mới đó. Chúng ta trình bày lại khái niệm và hình tượng về Thiên Chúa của chúng ta theo một cung cách để Thiên Chúa được hiểu là một hữu thể vô hình, siêu việt, hơn là một kẻ giật dây hay kẻ bấm nút điều khiển một thế giới những con rối. Đức Giê-su trở thành khuôn mặt và tiếng nói của Thiên Chúa vô hình và là đấng thông nguồn tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa cho nhân loại. Ơn cứu chuộc là niềm hy vọng mà chúng ta có thể vững lòng đặt niềm tin vào khi đối diện với cái chết – một niềm hy vọng được kiên định nhờ niềm tin của chúng ta vào Đức Giê-su phục sinh.
Việc thích ứng với bối cảnh mới qua sự trình bày lại thông điệp cốt lõi về ơn cứu độ của Ki-tô giáo đã được tiến hành từ lâu. Các học giả thánh kinh như Ray Brown, Joe Fitzmyer, John Meier và Eugene La Verdiere đã cho chúng ta thấy đức tin được khai triển ra sao và sự trình bày đức tin được gia tăng như thế nào. Khi Đức Giê-su trở nên phi thường trong mắt của những cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khởi, họ thuật lại những câu chuyện phi thường. Dưới sự hướng dẫn của họ những điều trong thánh kinh trở nên hữu lý.
Karen Armstrong đã cho thấy rõ ràng sự phân biệt giữa một cuộc đàm luận có tính duy lý và một cuộc đàm luận có tính thần thoại. Trong thế giới hiện đại nếu bạn muốn có một cuộc đàm thoại tôn giáo có ý nghĩa thì bạn phải hiểu sức mạnh và ý nghĩa của thần thoại.
Các nhà thần học như Roger Lenaers và Roger Haight đã trình bày lại cốt lõi của thần học Ki-tô giáo trong một cách có tính thuyết phục trong thế giới hiện đại. Michael Morwood và Philip Kennedy đã bỏ công sức trong việc quảng bá thần học thích ứng với bối cảnh mới này. Nhưng những nỗ lực của họ không được Rô-ma trọng dụng. Ông Haight đã bị chặn họng. Tissa Balasurya và Jaques Dupuis đều bị CDF khiển trách vì đã thích ứng niềm tin Ki-tô giáo khi đối diện với chủ nghĩa đa tôn giáo.
Giáo Hội Công Giáo đã từng có một cơ hội to lớn để vượt qua thử thách này vào đầu thế kỷ thứ 20. Nhưng đáp lại là cuộc vận động của Đức Pi-ô X chống lại chủ nghĩa hiện đại hóa với những hậu quả tê tái. Không chỉ có Công Giáo mới như vậy. Vào khoảng cùng thời gian đó những người Tin Lành ở Hoa Kỳ đã đáp lại thử thách bằng đường lối cực đoan của họ. Rồi chúng ta có thêm một cơ hội với Công Đồng Vatican II và Gaudium et Spes. Những thành phần không tán đồng Công Đồng Vatican II bận rộn vận động và thắng cuộc chiến hậu Công Đồng, đặc biệt là dưới triều đại của Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Gaudium et Spes bị giải tán. Hậu quả là chúng ta thiếu sự chuẩn bị cho tình trạng suy sụp hiện tại. Đây là giờ thứ 11. Đây là việc khẩn thiết.
Chính vì việc có thật nhiều linh mục đã bắt đầu bước đi trên con đường thích ứng với bối cảnh mới này cho nên họ bất đồng ý kiến với chính sách của Rô-ma về việc tái sử dụng mô hình giáo trị xưa cũ. Nhiều vị linh mục đã cẩn thận sửa đổi phương cách mục vụ của họ. Họ đã và đang làm thích ứng với bối cảnh mới cuộc hành trình đức tin của chính họ. Họ đã thay đổi niềm tin đơn giản khi còn trẻ của họ bằng một niềm tin uyển chuyển – niềm tin được nảy sinh từ kinh nghiệm, chín chắn hơn và phản ánh thánh kinh hơn, và bằng một loại thần học sinh động, đa dạng hơn.
Lời hứa trung thành của chúng ta được dành cho Giáo Hội nơi sự đại diện của vị giám mục. Nếu giám mục sai, thì một người linh mục trung thành phải lên tiếng. Trước cảnh những chính sách của Rô-ma cứ liên tục khiến cho giáo dân xa lìa Giáo Hội, đặc biệt là việc Rô-ma đang áp đặt việc sử dụng bản dịch phụng vụ nhiều khuyết điểm, chúng ta có trách nhiệm không những chỉ lên tiếng mà còn phải hành động.
Nguồn: A Time To Speak – And Act.
By Fr Eric Hodgens
The Swag, 10/4/2011
Chuyễn ngữ tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn
Tài liệu này được dịch với mục đích tham khảo.
Quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của người dịch.
* Như một lời cầu xin sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
No comments:
Post a Comment